October 16, 2018

Những người mất tích trong thời gian gần đây

Nina L. Khrushcheva

Phạm Nguyên Trường dịch

Từ Trung Quốc tới Ả Rập Xê Út, các chế độ độc tài hiện đang bắt cóc một cách lén lút và bất ngờ những người mà họ không ưa, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng và quan chức cấp cao, những người này thường bị giam giữ hoặc bị đối xử tồi tệ hơn. Đó là chiến thuật cũ và hiệu quả nhằm bịt miệng các đối thủ, nhưng những người xử dụng lại chiến thuật này có thể sẽ phải hối hận về quyết định của mình.


Từ các chế độ độc tài quân sự từng cầm quyền ở Argentina và Chile trong những năm 1970 và 1980 cho tới chế độ bàn tay sắt của Joseph Stalin ở Liên Xô, chế độ độc tài đã quen với việc làm cho những người gièm pha họ “mất tích”. Hiên nay, dường như người ta đang xử dụng lại biện pháp tán ác này.

Dưới chế độ quân sự ở Chile hay Argentina, một người có thể bị ném thẳng từ máy bay trực thăng xuống biển, và không bao giờ xuất hiện trở lại nữa. Họ có thể bị giết và sau đó bị đốt để không thể nào nhận diện được hay ném vào thùng vôi để đẩy nhanh quá trình phân hủy, rồi được chôn trong ngôi mộ không có bất kì dấu vết gì.

Ở Liên Xô thời Stalin, một người nào đó có thể bất ngờ bị đưa đến Lubyanka (trụ sở chính của KGB) hoặc một số địa điểm khủng khiếp khác. Trong những cuộc thanh trừng hồi những năm 1930 và sau đó, các đảng viên Đảng Cộng sản là những người dễ bị thanh trừng nhất, và hàng triệu công dân Liên Xô đã biến mất không để lại dấu vết gì trong các nhà tù hoặc trại lao động khổ sai (gulag).

Hiện nay, các nhà độc tài đang lập lại chiến thuật như như thế, họ bắt người một cách lén lút và bất ngờ, trong đó có cả các nhân vật nổi tiếng và các quan chức cấp cao, những người này thường bị giam giữ hoặc bị đối xử tồi tệ hơn. Trong nhiều trường hợp, những người “đã biến mất” cuối cùng lại xuất hiện, nhưng với quan điểm khác hẳn về việc làm của họ trong quá khứ hoặc quan điểm khác hẳn về chính phủ đã từng giam giữ họ. Lúc này, Trung Quốc và Ả Rập Xê-út là những nước nổi bật nhất - mặc dù không phải chỉ có hai nước này – vì đã dàn dựng một loạt các vụ bắt cóc hoặc thủ tiêu ngày càng trắng trợn những người phê phán mình.

Trung Quốc đứng đằng sau vụ mất tích, trong tháng vừa rồi, chủ tịch Interpol, Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ), khi ông này đi từ Pháp - trụ sở Interpol đặt ở đây - đến Bắc Kinh - ông từng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Vụ bắt cóc Mạnh Hoành Vĩ làm người ta đặc biệt choáng váng, vì năm 2016 nhiều người Trung Quốc đã gióng trống khua chiêng về vụ bổ nhiệm ông này vào chức vụ cao nhất của Interpol - ông trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo một tổ chức lớn trên thế giới - như một dấu hiệu cho thấy đất nước này đã đạt đến vị trí cao nhất trong trật tự quốc tế ngày nay.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đơn giản là sẵn sàng vứt bỏ chiến thắng trong quan hệ công chúng vừa giành được. Cuối cùng, người ta thông báo rằng Mạnh Hoành Vĩ đã bị bắt giam và đang bị điều tra về tội nhận hối lộ. Quyết định, được biện hộ như là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra của Trung Quốc - nỗ lực mà những người phê phán nói là nhằm che giấu việc loại bỏ các nhân vật chính trị không trung thành với Tập [Cận Bình] – thể hiện thái độ coi thường hoặc thậm chí là khinh bỉ dư luận trên thế giới.

Trên thực tế, có thể coi Tập [Cận Bình] là kẻ bắt cóc hàng loạt. Kể từ khi ông ta lên nắm quyền vào năm 2012, tất cả mọi loại người - từ các nhà xuất bản sách quy mô nhỏ ở Hồng Kông (trong đó có một số người không phải là công dân Trung Quốc) đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc - đã và đang bị bắt cóc một cách lén lút và đưa về Trung Quốc. Sau một thời gian dài im lặng và sống kín đáo, họ lại xuất hiện và phủ nhận công việc trong quá khứ của mình.

Chuyện đó đã xảy ra với Phạm Băng Băng, ngôi sao điện ảnh lớn nhất Trung Quốc. Phạm Băng Băng biến mất vào tháng 7 năm ngoái, khi tài khoản trên nền tảng truyền thông xã hội Sina Weibo (một kiểu Twitter của Trung Quốc) liên tục có nhiểu bài đăng đột nhiên ngưng hẳn. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng người ta cho rằng chính phủ đã làm gì đó, và các doanh nghiệp thuê Phạm Băng Băng làm phát ngôn viên đã ngừng giao dịch với ngôi sao điện ảnh này.

Cuối cùng, đầu tháng này Phạm Băng Băng đã tái xuất hiện, cô xin lỗi vì đã trốn thuế, và bây giờ cô sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khá lớn. Đáng chú ý là, ngôi sao điện ảnh này hết lời khen ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc, cô tin rằng Đảng đã giúp cô thành công trong vai trò người diễn viên. Tất cả đều rất quen thuộc, nó làm người ta nhớ lại những lời thú nhận đáng khinh bỉ của Nikolai Bukharin, tổng biên tập tờ Pravda, tờ báo của Đảng Cộng sản Liên Xô, và những người khác trong vụ thanh trừng do Stalin tiến hành.

Ả Rập Xê Út cũng tiến hành một loạt vụ bắt cóc những người nổi tiếng, với động cơ chính trị. Năm ngoái, Thái tử Mohammed bin Salman của Ảrập Xêút đã ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, đang thăm chính thức Riyadh. Hariri đã bị cách li khỏi các vệ sĩ của mình và buộc phải từ chức. Vài tuần sau, và rõ ràng là đã được những người bắt cóc “giác ngộ”, ông ta được phép trở về Lebanon và tiếp tục giữ chức vụ dân cử như cũ.

Rồi, tuần trước, Jamal Khashoggi, một nhà báo Ảrập Xêút sống lưu vong, đã biến mất sau khi vào tòa lãnh sự của Ảrập Xêút ở Istanbul để lấy tài liệu xác nhận rằng đã ly hôn, để ông có thể cưới một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm sau. Vị hôn thê của ông chờ ở cổng lãnh sự quán; nhưng anh không bao giờ xuất hiện trở lại.

Việc Khashoggi biến mất là bằng chứng tiếp theo về việc các nhà độc tài hiện nay coi thường biên giới quốc gia đến mức nào. Chưa ai biết người ta đã làm gì với Khashoggi, nhưng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu là Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, khẳng định rằng ông ta đã bị giết trong khi vào lãnh sự quán.

Theo các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, hai đội, tổng cộng 15 người, bay từ Riyadh đến Istanbul vào ngày Khashoggi tới lãnh sự quán và đã ra đi sau đó vài giờ. Người Nga cũng đã quen với những việc như thế: Stalin cũng có các đội ám sát đặc biệt, một trong số những đội như thế đã giết Leon Trotsky, kẻ thù không đội trời chung với ông ta ở Mexico. Không ngạc nhiên khi người Saudi phủ nhận rằng đã có bất kỳ hành vi sai trái nào. Khashoggi, họ tuyên bố, đã ra khỏi lãnh sự quán.

Nước Nga không chỉ biết tới những vụ biến mất do chính phủ dàn xếp trong quá khứ. Người ta cũng biết chế độ của Tổng thống Vladimir Putin từng nhắm vào những kẻ bất mãn nhằm loại bỏ họ khi những người này ra nước ngoài, ví dụ, chính phủ nước này bị cáo buộc là đã dùng chất làm tê liệt thần kinh để tấn công điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái ông này, tên là Yulia, khi họ đang ở Anh, vào tháng 3 vừa qua.

Câu hỏi đặt ra là liệu việc các nhà độc tài khinh thường đường biên giới hay chủ quyền khi bịt miện các đối thủ có tương xứng với chi phí bỏ ra hay không. Trong phần lớn thế giới phương Tây, Putin bị coi là kẻ vứt đi, Tập [Cận Bình] đang ve vãn, nhưng uy tín đang bị mất, và danh tiếng của Hoàng tử Mohammed, như một nhà cải cách đã bị tổn thương nghiêm trọng, có lẽ không thể nào khắc phục được. Có thể chẳng bao lâu nữa, tất cả những người đó sẽ phải nhận thức như Joseph Fouché, cảnh sát trưởng của Napoléon, sau vụ bắt cóc và phiên tòa xét xử mang tính trình diễn Công tước Enghien: “Tệ hơn là tội ác; đấy là một sai lầm”.

Nina L. Khrushcheva, tác giả cuốn: Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics và cuốn The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, hiện là Giáo sư giáo sư tại The New School và và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Thế giới (World Policy Institute).

Đã đăng trên Việt Nam Thời Bào

Nguồn: Project-Syndicate

No comments:

Post a Comment