August 21, 2018

Chính sách của Trump (Trumponomics) là phản ứng trước thất bại của toàn cầu hóa

Veronika Kyrylenko

Phạm Nguyên Trường dịch

Từ khi Donald Trump đặt tay lên Kinh Thánh và tuyên thệ, mỗi bước đi của ông ta đều bị chỉ trích rất gay gắt. Trong khi chỉ trích dựa trên lý trí là một nền tảng của chế độ dân chủ, thì cánh Tả ở Mỹ đã phản ứng một cách điên cuồng trước tất cả các chính sách của chính quyền Trump. Tới mức, kế hoạch kinh tế của Trump thường bị họ gọi là “thảm họa”, “hỗn loạn” hay thậm chí là “tận thế”. Khi có kết quả tích cực thì họ lại bảo đấy là di sản của Obama. Nhưng tất cả bọn họ đều không thể phân tích một cách khách quan và giải thích các xu hướng toàn cầu của nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới, mà đấy là nguyên nhân dẫn tới những cách tiếp cận mới và phù hợp để làm cho nước Mỹ thịnh vượng trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May

Khi đạt đến giới hạn tự nhiên của mình, tốc độ toàn cầu hóa đang chậm lại, và mục tiêu chính của chính quyền Trump là đảm bảo vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới. Lợi ích quốc gia một lần nữa lại trở thành giá trị cốt lõi của chính sách đối ngoại và đối nội của Mỹ. Toàn cầu hóa từng được coi là thành phần quan trọng sống còn của của vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới, nhưng hiện nay, toàn cầu hóa đang làm cho lợi ích của nước này bị thiệt hại và, do đó, củng cố vị trí của những đối thủ cạnh tranh với nó. Chính quyền Trump tìm cách chống lại xu hướng tiêu cực vừa nói với kế hoạch kinh tế mới mà chúng ta sẽ gọi là Chính sách của Trump (Trumponomics). Những điểm cơ bản của kế hoạch này là chủ nghĩa bảo hộ, nghĩa là chính sách đối ngoại lấy Mỹ làm trung tâm, đưa vốn và sản xuất trở lại nước Mỹ, và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP bằng chính sách ngân sách mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đương nhiên, chính sách này có những tác dụng phụ, ví dụ, chiến tranh thương mại và một số nước đồng minh của Mỹ có thể tỏ ra thất vọng. Câu hỏi đặt ra là, lợi ích của Chính sách của Trump là gì và lợi ích có lớn hơn những bất lợi tiềm tàng hay không?

Tiền đề tư tưởng của toàn cầu hóa

Đầu những năm 1990, cùng việc Liên Xô và trật tự thế giới lưỡng cực sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Mỹ không còn bất kỳ thách thức chính trị nghiêm trọng nào, cuối cùng, địa-chính-trị đã biến thành địa-kinh-tế, hay cạnh tranh trên thương trường. Toàn cầu hóa - quá trình tương tác và hội nhập giữa các dân tộc, các công ty và các chính phủ trên toàn thế giới, trên cơ sở các giá trị phương Tây về tự do, dân chủ và kinh tế thị trường, đã trở thành trung tâm của chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính sách này bao gồm hai hệ tư tưởng: Chủ nghĩa tân-bảo-thủ - sử dụng và gia tăng uy thế kinh tế và quân sự của Mỹ; và chủ nghĩa tân-tự-do - chuyển quyền kiểm soát nền kinh tế toàn cầu từ các tổ chức tài chính quốc gia sang các tổ chức tài chính siêu quốc gia. Ở trong nước, Mỹ đã và đang phát triển nền kinh tế hậu công nghiệp, tập trung vào tài chính, công nghệ thông tin và dịch vụ, và kiểm soát các ngành công nghệ mới nhất và sở hữu trí tuệ. Đồng thời, nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã được chuyển đến các nước đang phát triển với sức lao động và nguồn lực rẻ.

Mức độ tập trung sản xuất và lao động cao ở Đông Nam Á, cũng như quá trình tích tụ công nghệ, hàng hóa và tài chính, đã củng cố vị trí của các tay chơi khu vực và đã tạo cho họ đòn bẩy có thể gây ảnh hưởng tới các tiến trình kinh tế trên toàn thế giới. Ngược lại, Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại khá lớn (43,1 ngàn tỷ USD) và nợ quốc gia (21 ngàn tỷ USD), và trong khi Mỹ vẫn giữ thế thượng phong trong nền kinh tế thế giới, những xu hướng vừa nói làm người ta nản lòng, vì, từ những năm 1960, đóng góp của Mỹ vào nền kinh tế thế giới đã giảm gần một nửa. Tất cả những điều vừa nói cho thấy cuộc khủng hoảng của phiên bản toàn cầu hóa đang được áp dụng, vì nó làm suy yếu vị trí và tiềm lực của Mỹ.

Nhà kinh tế học Dani Rodrick đưa ra khái niệm gọi là nghịch lý toàn cầu hóa - xung đột giữa chế độ dân chủ, toàn cầu hóa về kinh tế, và chủ quyền quốc gia. Rodrik khẳng định rằng không thể làm cho ba cái này cân bằng với nhau, và sớm hay muộn, quốc gia được coi là thành công sẽ phải hy sinh một trong ba nguyên tắc này. Khi Mỹ coi dân chủ và chủ quyền là thiêng liêng thì nước này phải từ bỏ toàn cầu hóa, trong khi Trung Quốc rất có thể sẽ hy sinh dân chủ. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, đương nhiên là Mỹ phải dựa vào “quyền lực rắn”, tức là dùng áp lực quân sự và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế nhằm giành lại quyền kiểm soát địa-kinh-tế.

Chính sách của Trump: Mục tiêu chiến lược, lợi ích quốc gia, cơ chế

Tư tưởng của chủ nghĩa bảo hộ và cách tiếp cận theo lối dân túy (theo nghĩa tốt của thuật ngữ này) đối với thương mại quốc tế và nhập cư, mà Donald Trump trình bày trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông ta, dường như là câu trả lời phù hợp nhất trước những thách thức của toàn cầu hóa. Hiện nay, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của những thành phần ủng hộ toàn cầu hóa trong chính giới Mỹ, chính quyền Trump vẫn kiên trì triển khai chương trình “nước Mỹ trên hết” của mình.

Chiến lược an ninh quốc gia xác định bốn lợi ích quốc gia của Mỹ: Bảo vệ nhân dân Mỹ, bảo vệ tổ quốc và bảo vệ lối sống Mỹ; thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ; bảo vệ hòa bình bằng sức mạnh; thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ.

Để nền kinh tế trở thành bất khả chiến bại trước các đe dọa từ nước ngoài, chính quyền Trump sẽ tìm cách làm cho nó trở thành tự cung tự cấp hết mức có thể, nhằm giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự thăng giáng của thị trường toàn cầu. Nền kinh tế trong nước có cơ cấu thật đa dạng, các rào cản mang tính bảo hộ, công nghệ cao, quân đội đầy sức mạnh, tự chủ về năng lượng, kích thích nhu cầu tiêu dùng và tiến vào các thị trường mới; tất cả đều nhằm củng cố vị trí trên toàn thế giới của Mỹ.

Cốt lõi của chính sách của Trump là tăng phát (reflation) - hệ thống bao gồm tất cả các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế bằng cách tăng cung tiền, giảm thuế, gia tăng sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại.

Chính sách mới có các công cụ như tăng đầu tư của chính phủ vào các dự án cơ sở hạ tầng (lên tới 1 ngàn tỷ USD) và cải cách tài chính (4,4 ngàn tỷ USD). Đến lượt nó, cải cách bao gồm cắt giảm thuế cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm tăng cầu và kích thích các hoạt động đầu tư.

Cuối cùng, chính sách của Trump áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ khác nhau, trong đó có tăng thuế đánh vào kim loại và hàng tiêu dùng nhập khẩu.

Rõ ràng là, chủ nghĩa bảo hộ có khiếm khuyết - các cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra những phản ứng tiêu cực đối với các ngành công nghiệp Mỹ và tốc độ phát triển của nước này. Ngày 3 tháng 2 năm 2018, Tổng thống Trump đã tweet: “Chiến tranh thương mại là tốt và dễ dàng giành chiến thắng”. Trong Chính sách kinh tế của Trump, ngay cả các đối tác thương mại cũng bị xem là đối thủ. Khi thương mại thế giới chiếm tới 55% GDP toàn cầu, cách tiếp cận này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, nó sẽ gây khó khăn cho các nước xuất khẩu nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao và có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Canada, Brazil, Hàn Quốc, và một số nước EU). Đến lượt mình, những nước này có thể tìm cách trả đũa và tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng, theo chúng tôi, vì kinh tế Mỹ gắn bó chặt chẽ với kinh tế toàn cầu, nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang trong năm các 2018-2019 là thấp. Có nhiều khả năng là chính quyền Trump sẽ tập trung vào các biện pháp phi thuế quan, ví dụ, kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các công nghệ cao và áp dụng những đòi hỏi về kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, cũng như hoạt động trên thị trường chứng khoán, trong đó có giảm cung tiền mặt.

Nói chung, có thể kết luận rằng chủ nghĩa bảo hộ và đưa công việc sản xuất về nước sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới nền thương mại thế giới và gây khó khăn cho các đối tác thương mại của Mỹ, nhưng quan trọng nhất: Trong dài hạn, Mỹ sẽ được lợi, đã đến lúc tái lập chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) lành mạnh trong chính sách của chúng ta. Từng bước một, Mỹ sẽ khuếch trương sự hiện diện của mình trên thị trường toàn cầu, nhưng chi phí cũng sẽ gia tăng, chủ yếu là cho quốc phòng, đấy là thành tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo thế thượng phong về quân sự. Đương nhiên, một phần của những chi phí này sẽ được chuyển cho các đồng minh trong khối NATO và các nước chư hầu. Tình hình đang diễn ra đúng như thế.

Đả đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn American Thinhker

No comments:

Post a Comment