April 27, 2018

Ông Donald Trump đã điểm trúng "huyệt đạo", Trung Quốc có thay đổi cách chơi?

HỒNG THỦY

Lựa chọn việc cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc là "huyệt đạo" ông Donald Trump sử dụng để buộc Bắc Kinh điều chỉnh hành vi.



Một công nhân của ZTE đang thao tác trong nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của hãng này tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia Review.

Nhà báo Yu Nakamura, Nikkei Asia Review ngày 25/4 bình luận:

Động thái Nhà Trắng cấm tập đoàn ZTE, Trung Quốc mua các chíp điện tử của Mỹ hồi tuần trước được thiết lập không chỉ để làm tê liệt hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của ZTE, mà còn gây chấn động chuỗi cung ứng viễn thông toàn cầu của Trung Quốc.


Truyền thông Trung Quốc cho biết, mặc dù lượng điện thoại thông minh còn trong kho của ZTE có thể cung ứng ra thị trường trong 1 tháng nữa, nhưng sản lượng mặt hàng này đang bị chững lại.

Lệnh cấm bán cho ZTE các con chíp điện tử (và hệ điều hành) của Mỹ bắt nguồn từ thỏa thuận tháng 3/2017 giữa ZTE và Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Tập đoàn này bị phát hiện đã vi phạm các lệnh cấm của Mỹ từ 2010 đến 2016 về việc cung cấp các thiết bị viễn thông cho Iran và Bắc Triều Tiên.

ZTE đã thực hiện các giao dịch với 2 quốc gia này thông qua các công ty trung gian.

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc này đã nhận sai và chịu nộp phạt 1,19 tỉ USD, nhưng vẫn tiếp tục "phạm sai lầm" trong thời gian thử thách.

Cuối cùng, Hoa Kỳ quyết định áp đặt lệnh cấm bán linh kiện điện tử (và phần mềm) công nghệ cao của Mỹ cho ZTE trong vòng 7 năm.

Một số quan điểm từ Bắc Kinh xem động thái này như một cuộc tấn công của Mỹ vào ngành công nghiệp viễn thông, điện thoại thông minh do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

ZTE đã mở rộng chỗ đứng của mình trong thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, xếp thứ 9 năm ngoái với khoảng 43 triệu thiết bị cầm tay.

70% số này được xuất khẩu với khoảng 1 nửa lô hàng đến thị trường Mỹ, chiếm khoảng 12% thị trường tiêu thụ điện thoại thông minh Hoa Kỳ, xếp vị trí thứ tư.

Tác động tàn phá của lệnh cấm với ZTE là do sự phụ thuộc của tập đoàn này vào các nhà cung cấp Hoa Kỳ cho các linh kiện công nghệ cao thiết yếu.

Doanh nghiệp Mỹ cung cấp khoảng 30% linh kiện, đều là các linh kiện quan trọng thiết yếu cho ZTE để sản xuất điện thoại thông minh, như các con chíp của Itel hay Qualcomm.

Một khía cạnh khác là phần mềm. Hầu hết điện thoại thông minh chạy 1 trong 2 hệ điều hành, iOS độc quyền của Apple hoặc Android của Google.

Lệnh cấm 7 năm có thể đe dọa cắt đứt quyền truy cập vào 2 hệ điều hành này trong các sản phẩm điện thoại thông minh của ZTE.

Hạn chế này cũng có thể làm trở ngại kế hoạch của ZTE triển khai công nghệ không dây thế hệ 5 được xác định sẽ là động lực tăng trưởng chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này.

Ngày 17/4, Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ cho biết, họ có kế hoạch ngăn chặn việc sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ Dịch vụ công Hoa Kỳ để mua sắm các thiết bị từ tập đoàn Huawei Technologies, Trung Quốc, do các mối lo ngại an ninh.

Biện pháp này dường như nhắm vào Huawei và ZTE trong bối cảnh Washington quan ngại, Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị Trung Quốc sản xuất để theo dõi người Mỹ, vì 2 doanh nghiệp này có liên hệ chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra báo động về Huawei và ZTE vào năm 2012, kêu gọi chính phủ cấm các doanh nghiệp lớn Hoa Kỳ làm ăn với 2 công ty này. [1]

Xung quanh "cú điểm huyệt" này của ông Donald Trump, Robert Lawrence Kuhn, một nhà tư vấn chiến lược và đầu tư quốc tế, sở hữu trí tuệ và bình luận Trung Quốc ngày 24/4 nhận định trên South China Morning Post:

Tổng thống Hoa Kỳ cực kỳ không được ưa chuộng trong giới tinh hoa Mỹ, đặc biệt là các chuyên gia chính sách - những người không cần nhiều lý do để chỉ trích Donald Trump về các cuộc tấn công bằng thuế quan.

Tuy nhiên, những người ưu tú này lại không chỉ trích Donald Trump về những hành động chống lại chính sách không công bằng của Trung Quốc trong thương mại.

Giới tinh hoa Hoa Kỳ có một sự "đồng thuận bất thường" rằng, chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua đã thất bại trong việc đưa quốc gia này vào "quỹ đạo bình thường" theo quan niệm của Hoa Kỳ.

Họ đã từng tin tưởng rằng, bằng cách giúp Trung Quốc phát triển, quốc gia này sẽ thay đổi hành vi. Nhưng giờ đây Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ của Hoa Kỳ, thay vì đối tác. [2]

Như vậy có thể thấy, lệnh cấm ZTE 7 năm không được mua các linh kiện và phần mềm công nghệ cao của Hoa Kỳ rất có thể là một "huyệt đạo" ông Donad Trump thay mặt giới tài phiệt Phố Wall và giới tinh hoa Mỹ, để buộc Trung Quốc phải thay đổi cách chơi.

Chính Giáo sư Diêu Dương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển quốc gia, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/4 cũng thừa nhận:

Trong suốt 4 thập kỷ qua Mỹ đã hỗ trợ Trung Quốc rất nhiều trong việc phát triển kinh tế, thậm chí đã "dung túng" cho Bắc Kinh hưởng quy chế tối huệ quốc, bất chấp các tiêu chuẩn nhân quyền mà Hoa Kỳ đặt ra.

Niềm tin của người Mỹ đằng sau những chính sách này là, bằng cách giúp Trung Quốc phát triển, hội nhập, rồi sẽ có một ngày "họ sẽ trở nên giống chúng ta (Mỹ) hơn". [3]

Do đó, "điểm huyệt ZTE" theo cá nhân người viết, không đơn giản là cách Mỹ phát động "chiến tranh thương mại" chống lại Trung Quốc;

Nhiều khả năng là một bước đi chiến lược để hiệu chỉnh hành vi của Bắc Kinh trong sân chơi kinh tế - chính trị toàn cầu.

Chiêu bài "hứa" giảm thâm hụt thương mại trong quan hệ Mỹ - Trung mà Bắc Kinh từng "chìa ra" với Washington, dường như không còn hiệu quả với chủ nhân Tòa Bạch Ốc.

Các chính khách và doanh nhân hàng đầu Trung Quốc trong làng công nghệ viễn thông tuyên bố, lệnh cấm của Mỹ với ZTE sẽ được biến thành "động lực" để Trung Quốc tự chủ phát triển công nghệ cao. [4]

Tuy nhiên nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm.

Từ năm 2012 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các công nghệ cao cốt lõi để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Ông nói:

"Chúng ta phải đẩy nhanh việc phát triển các kế hoạch thiết lập các hệ thống công nghệ thông tin trong nước an toàn, có thể kiểm soát;

Thúc đẩy và thực hiện các bước đột phá trong nghiên cứu, phát triển công nghệ điện toán hiệu suất cao, viễn thông, di động, truyền thông lượng tử, chế tạo chíp và hệ điều hành." [5]

Người viết nhận thấy, từ 2012 đến nay, phải thừa nhận rằng Trung Quốc có nhiều bước tiến đáng kinh ngạc về khoa học công nghệ, nhưng "công nghệ cốt lõi" thì vẫn phụ thuộc vào nước ngoài, ở đây là Hoa Kỳ.

Điều đó càng cho thấy "huyệt đạo" mà ông Donald Trump lựa chọn dưới sự tư vấn của các "think tanks - hồ trí tuệ" Hoa Kỳ để điều chỉnh hành vi của Trung Quốc là rất chính xác, cho dù hiệu quả đến đâu cần có thêm thời gian quan sát để có thể tìm được câu trả lời.

Nguồn:

[1]https://asia.nikkei.com/Economy/Trade-tensions/US-ban-on-ZTE-threatens-to-rattle-smartphone-supply-chain2

[2]http://www.scmp.com/comment/insight-opinion/article/2143056/zte-ban-start-tech-war-between-china-and-us

[3]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ong-Tap-Can-Binh-co-chiu-thay-doi-duoi-ap-luc-Hoa-Ky-post185381.gd

[4]http://www.scmp.com/tech/china-tech/article/2142869/chinese-internet-leaders-call-core-technology-ownership-after-us-ban
[5]http://en.people.cn/n3/2018/0419/c90000-9451186.html

Nguồn Giáo dục

No comments:

Post a Comment