October 3, 2017

VÀI Ý KIẾN NHÂN XEM PHIM THE VIETNAM WAR.


A. VỀ CHÍNH BỘ PHIM

1. Đây là phim do người Mĩ làm, dành cho người Mĩ là chủ yếu, tất cả các bên Việt Nam có thể đều cảm thấy thất vọng.


2. Phát biểu/lí thuyết của một người/một nhóm người nào về bất kì sự kiện lớn nào cũng chỉ là phát biểu/lí thuyết của mấy anh thày bói xem voi mà thôi. Theo mình, muốn thể hiện tương đối đầy đủ con voi-chiến tranh Việt Nam thì phải cần ít nhất 3 bộ phim nữa (với điều kiện Hà Nội mở kho lưu trữ), 1. phim thể hiện quan điểm của bên thắng cuộc, 2. Phim thể hiện quan điểm của bên thua cuộc, và 3. Phim thể hiện quan điểm của những người ở miền Bắc bị bắt hồi năm 1967 và những người hiện tự coi là phe đối lập.

3. Mình thấy bộ phim này hay vì nó tái hiện được sự khốc liệt và những thời khắc quan trọng nhất của cuộc chiến.

4. Chớ có quá ngạo mạn và cũng đừng nghe những thằng đứng ngoài xíu bẩy mà lao vào đánh nhau.

B. VỀ LỊCH SỬ DÂN TỘC.

1. Nều Việt Nam “được” người Anh cai trị thì tốt hơn.

2. Tổ tiên tôi, những người sinh ra, sống và chết trước năm 1858 (khi Pháp bắn vào Đà Nẵng) đã được sinh ra, sống và chết chẳng khác gì những người được sinh ra, sống và chết sau năm 938, tức là khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, dựng lên quốc gia mà sau này có tên là Việt Nam. Người Pháp đã nắm tóc người Việt Nam để lôi tổ tiên của chúng ta ra khỏi đêm trường tăm tối, cả trong lĩnh vực trị quốc, giao thông, học hành, thi cử… nhưng rất ít người Việt Nam lúc đó hiểu được chuyện này. Không những không hiểu mà còn kịch liệt chống đối.

3. Người Pháp đã nằm đầu người Việt Nam để đưa chúng ta ra khỏi châu Á và ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc, nhưng rất ít người hiểu được chuyện này. Hai phong trào đấu tranh cho độc lập của Việt Nam lại dựa vào những nước ở châu Á (Phan Bội Châu dựa vào Nhật Bản, Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc dựa và Trung Quốc và Nga Xô). Những người hiểu rõ câu chuyện, như Phan Châu Trinh, thì bị coi là cải lương và không có truyền nhân.

4. Hai nỗ lực quá sức tưởng tượng của con người hóa ra là vô ích. Nếu không có 9 năm kháng Pháp và Điện Biên Phủ thì có lẽ khoảng năm 1965 hay muộn nhất là năm 1974 (khi Angola và Mozambique được độc lập khỏi Bồ Đào Nha) Việt Nam sẽ được độc lập hoàn toàn và khi quân cộng sản tiến vào Sài Gòn cũng là lúc chủ nghĩa cộng sản bắt đầu trượt dốc và sụp đổ.


5. Trong vòng hơn 100 năm qua, chúng ta đã có những nhà lãnh đạo không đủ tầm. Họ có thể làm được nhiều thứ và có thể huyênh hoang về nhiều chuyện, nhưng nhiệm vụ xây dựng quốc gia-dân tộc thì họ không làm được, thậm chí không nghĩ tới.

KẾT LUẬN: Nói theo đạo Phật, cộng nghiệp của chúng ta quá xấu và hình như vẫn còn rất xấu. Chả lẽ người Việt Nam không làm được gì để có thể thay đổi NGHIỆP của mình?

C. VĨ THANH

1. Có bạn chê mình vì muốn "được" ngoại bang đô hộ. Thực ra câu đó phải hiểu trong ngữ cảnh là lúc đó Việt Nam chắc chắn sẽ bị một nước phương Tây nào đó cai trị, và ý của tôi là Anh tốt hơn Pháp.

2. Có người lại nghi rằng tôi có ý chê tinh thần quật cường của dân tộc. Cũng không phải thế. Tôi tự hào và nếu sống vào thời đó có lẽ tôi cũng làm những việc mà đa số người Việt Nam lúc đó vẫn làm. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, các phong trào chống Pháp có tổ chức sau này đã không điều nghiên 2 vấn đề quan trọng sau đây. Một, đối với nhân dân, chính quyền thuộc Pháp hà khắc hơn hay dễ thở hơn chính quyền nhà Nguyễn? Và hai, với tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và dốt nát (95% dân mù chữ, có lẽ quá nửa số còn lại cũng chỉ biết đọc biết viết mà thôi) như thế, đuổi được Pháp đi thì sẽ làm gì? Vì không điều nghiên cho nên chưa đuổi được thằng "Tây thật" đi ta đã hồ hởi, tự hào đón thằng "Tây giả" vào (Nga, Tiệp..) và lại có nguy cơ rơi vào vòng lệ thuộc Trung Quốc (xem ảnh minh họa). Nói thế để bàn thêm vấn đề thứ ba và bốn dưới đây.


3. Thỉnh thoảng lại có người hỏi: "Cơm Sườn sắp thiu chưa?". Mình thường trả lời: "Có món cơm khác chưa mà muốn Cơm Sườn thiu? Bạn có ngôi nhà sắp sặp, nhưng nếu bạn chỉ mong nó sập mà không chuẩn bị vật tư để làm ngôi nhà mới thì có nhiều khả năng là bạn sẽ bị rơi vào cảnh màn trời chiếu đất đấy".

4. Đễ không rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, ta phải trả lời câu hỏi của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: Làm gì? Theo mình phải làm những việc mà cụ Phan Châu Trinh nói rằng phải làm cách đây 100 năm: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh MỘT CÁCH RỘNG KHẮP và CÓ TỔ CHỨC. Nhưng ta lại không được tổ chức. Thế mới khó.

Tháng 10 năm 2017.

No comments:

Post a Comment