Sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội
Ở đây tôi gặp sai lầm lớn nhất của thời đại chúng ta. Đấy là
luật pháp chỉ công bằng là chưa đủ mà còn phải bác ái nữa. Luật pháp bảo đảm
cho mỗi công dân quyền tự do sử dụng những khả năng của mình nhằm tự hoàn thiện
về mặt sức khoẻ, trí tuệ và đạo đức. Thay vào đó người ta đòi hỏi rằng luật
pháp phải trực tiếp mở rộng phúc lợi, giáo dục và đạo đức của toàn thể dân tộc.
Đây là sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội. Xin nhắc lại một
lần nữa: Đây là hai cách sử dụng luật pháp trái ngược nhau. Chúng ta phải chọn
một trong hai. Người công dân không thể vừa tự do vừa không tự do.
De Lamartine có lần đã viết cho tôi như sau: “Học thuyết của
ông chỉ là một nửa cương lĩnh của tôi mà thôi. Bạn dừng lại ở tự do, tôi đi xa
hơn thế: lòng bác ái”. Tôi đã trả lời ông: “Nửa sau của ông giết chết nửa
trước”.
Trên thực tế, tôi thấy không thể nào tách bác ái ra
khỏi tự nguyện. Tôi không thể nào hiểu nổi làm sao có thể dùng vũ lực một
cách hợp pháp mà không tiêu diệt tự do một cách hợp pháp và do đó mà
không giày xéo công lí một cách hợp pháp.
Cướp bóc hợp pháp có hai nguồn gốc. Thứ nhất là lòng tham,
tôi đã nói rồi. Thứ hai là lòng nhân ái đặt không đúng chỗ.
Ở đây, tôi nghĩ rằng tôi phải giải thích một cách chính xác
tôi dùng từ cướp bóc theo nghĩa nào[1].
Tôi sẽ không sử dụng, như thường thấy, ý nghĩa mù mờ, không
xác định, gần đúng hay ẩn dụ. Tôi sử dụng từ này theo nghĩa khoa học - nhằm thể
hiện khái niệm trái ngược với khái niệm tài sản (lương, đất đai, tiền bạc hay
bất kì thứ gì khác). Khi một phần tài sản bị chuyển từ người sở hữu nó - mà
không được người đó đồng ý hay đền bù cho người đó, dù là dùng bạo lực hay lừa
đảo - sang cho người không sở hữu nó, thì tôi nói rằng sở hữu đã bị vi phạm,
rằng hành động cướp bóc đã được thực hiện.
Tôi nói rằng đây chính là hành động mà
luật pháp được cho là phải đàn áp, bất kì ở đâu và bất kì khi nào. Khi luật
pháp tự thực hiện những hành động mà người ta nghĩ là nó phải đàn áp thì tôi
nói rằng cướp bóc vẫn đang được thực hiện, và tôi xin nói thêm rằng từ quan
điểm của xã hội và thịnh vượng thì sự tấn công chống lại các quyền như thế thậm
chí còn tệ hơn. Nhưng trong trường hợp cướp bóc hợp pháp, người được lợi không
phải chịu trách nhiệm vì đã cướp bóc. Luật pháp, những người làm ra luật và xã
hội phải chịu trách nhiệm về hành động cướp bóc hợp pháp này. Nguy cơ chính trị
nằm ở chỗ này.
Đáng tiếc là từ cướp bóc làm người ta khó chịu. Tôi
đã cố gắng tìm từ không làm người ta khó chịu, nhưng vô ích, vì không bao giờ
tôi muốn - nhất là vào lúc này - đưa từ ngữ có thể làm người ta khó chịu vào
cuộc thảo luận của chúng ta. Vì vậy, dù độc giả tin hay không thì tôi vẫn tuyên
bố rằng tôi không muốn tấn công dự định hay đạo đức của bất kì ai. Ngược lại,
tôi tấn công ý tưởng mà tôi cho là sai lầm; tấn công cái hệ thống
mà tôi cho là bất công; tấn công sự bất công hoàn toàn không phụ thuộc vào dự
định của cá nhân, sự bất công mà mỗi người chúng ta đều được lợi tuy không muốn
làm như thế và bị đau khổ vì nó mà không biết lí do của sự đau khổ.
Ở đây không bàn tới lòng chân thành của những người biện hộ
cho chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người cầm bút nào
làm như thế cũng đều chắc chắn là bị ảnh hưởng bởi ý thức hay nỗi sợ hãi về mặt
chính trị. Nhưng phải chỉ ra rằng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản nói chung vẫn chỉ là một cái cây ở ba giai đoạn khác nhau mà
thôi. Chỉ có thể nói rằng trong chủ nghĩa cộng sản cướp bóc hợp pháp được thể
hiện một cách rõ ràng hơn vì đấy là cướp bóc toàn diện, còn trong chủ nghĩa bảo
hộ thì không rõ ràng bằng vì đấy là cướp bóc nhắm vào một số nhóm và một số
ngành cụ thể[2]. Như
vậy, trong ba hệ thống thì chủ nghĩa xã hội là hệ thống mơ hồ nhất, lưỡng lự
nhất, nghĩa là giai đoạn phát triển chân thực nhất. Nhưng chúng ta không bàn về
dự định của con người, dù chân thành hay không chân thành. Trên thực tế, tôi đã
nói rằng cướp bóc hợp pháp một phần là do lòng bác ái, dù đấy là lòng bác ái
sai lầm.
Sau khi đã giải thích như thế rồi, xin xem xét giá trị - nguồn
gốc và xu hướng - của khát vọng được nhiều người ngưỡng mộ, tức là tìm cách
giải quyết vấn đề phúc lợi của toàn dân bằng cách cướp bóc tất cả mọi người.
Vì luật pháp tổ chức công lí, cho nên những người xã hội chủ
nghĩa mới hỏi tại sao không để luật pháp tổ chức lao động, giáo dục và tôn
giáo.
Tại sao không sử dụng luật pháp cho tất cả những mục đích
đó? Vì nó không thể tổ chức lao động, giáo dục và tôn giáo mà không phá hủy
công lí. Chúng ta phải nhớ rằng luật pháp là bạo lực và vì thế không thể khuếch
trương một cách hợp pháp chức năng đúng đắn của luật pháp vượt ra ngoài chức
năng đúng đắn của bạo lực.
Khi luật pháp và bạo lực giữ con người trong khuôn khổ của
công lí thì nó chỉ buộc anh ta không được làm một việc mà thôi. Luật pháp chỉ
buộc anh ta không được làm hại người khác. Luật pháp không xâm phạm cá nhân anh
ta, không xâm phạm quyền tự do của anh ta, cũng không xâm phạm tài sản của anh
ta. Luật pháp bảo vệ tất cả những thứ đó. Luật pháp mang tính phòng vệ, luật
pháp bảo vệ một cách như nhau quyền của tất cả mọi người.
Sứ mệnh mà luật pháp và tự vệ hợp pháp thực hiện hiển nhiên
là vô hại, lợi ích là rõ ràng, và tính chính danh là không thể tranh cãi được.
Một người bạn có lần đã nói với tôi rằng khái niệm phủ định
của luật pháp đúng đến mức lời tuyên bố nói rằng mục đích của luật pháp là
làm cho công lí ngự trị không phải là tuyên bố hoàn toàn chính xác. Cần
phải nói rằng mục đích của luật pháp là ngăn chặn, không để bất công ngự trị.
Trên thực tế, bất công chứ không phải công lí vẫn tồn tại trong xã hội. Chỉ có
công lí khi không còn bất công.
Nhưng khi luật pháp - với sự trợ giúp của người đồng hành
thường xuyên của nó là bạo lực - áp đặt lên dân chúng quy định về lao động,
phương pháp hay là môn học, đức tin tôn giáo hay tín ngưỡng - lúc đó luật pháp
không còn là phủ định nữa. Lúc đó luật pháp hành động như lực lượng khẳng định
đối với người dân. Luật pháp dùng ý chí của nhà lập pháp thay thế cho ý chí của
mình, dùng sáng kiến của nhà lập pháp thay thế cho sáng kiến của mình. Khi điều
đó diễn ra thì người dân không cần phải thảo luận, không cần so sánh, không cần
lập kế hoạch nữa, luật pháp sẽ làm tất cả chuyện đó thay cho họ. Đối với người
dân, tri thức trở thành vô ích; họ không còn là con người nữa, họ đánh mất cá
tính, đánh mất quyền tự do, đánh mất tài sản.
Xin thử tưởng tượng dùng vũ lực để quy định về lao động mà
không vi phạm quyền tự do, hay dùng vũ lực để dịch chuyển tài sản mà không vi
phạm quyền sở hữu. Nếu không thể dung hòa những mâu thuẫn này thì ta buộc phải
kết luận rằng luật pháp không thể tổ chức được lao động và nghành nghề mà không
tìm cách tổ chức công lí.
Khi chính khách nhìn xã hội từ văn phòng xa cách của mình,
ông ta cảm thấy bị sốc vì cảnh bất bình đẳng mà ông ta nhìn thấy. Ông ta cảm
thấy đau xót vì thấy cảnh thiếu thốn mà nhiều đồng bào của chúng ta phải chịu
đựng, những thiếu thốn mà dường như còn đáng đau xót hơn trước cảnh xa hoa và
giàu có của một số người khác.
Có lẽ chính khách đó nên tự hỏi xem tình trạng đó là do
những vụ chinh phục và cướp bóc từ thời xưa hay do những vụ cướp bóc mới diễn
ra trong thời gian gần đây. Có lẽ chính khách đó nên xem xét ý kiến sau đây: Vì
mọi người đều tìm kiếm thịnh vượng và hoàn thiện cho nên công lí có phải là
điều kiện đủ nhằm khuyến khích những cố gắng cao nhất để thúc đẩy tiến bộ và sự
bình đẳng cao nhất có thể tương thích với trách nhiệm cá nhân? Điều này có phù
hợp hay không với khái niệm về trách nhiệm cá nhân mà Chúa đã ban cho nhân loại
để người ta có thể lựa chọn giữa xấu xa và đức hạnh, tức là lựa chọn dẫn đến
thưởng và phạt.
Nhưng chính khách không bao giờ nghĩ về chuyện đó. Ông ta
chỉ nghĩ tới tổ chức, phối hợp và thoả thuận - hợp pháp hay hình như là hợp
pháp. Những cố gắng của ông ta nhằm cải thiện cái xấu lại làm gia tăng và kéo
dài mãi chính những sự kiện và hiện tượng tạo ra cái xấu: cướp bóc hợp pháp.
Chúng ta đã thấy rằng công lí là khái niệm mang tính phủ định. Có hành động nào
trong số những hành động mang tính khẳng định mà không chứa đựng nguyên tắc
cướp bóc hay không?
Bạn nói: “Có những người không có tiền” và bạn quay sang sử
dụng luật pháp. Nhưng luật pháp không phải là bầu vú tự sinh ra sữa. Luật pháp
cũng không có ống dẫn sữa từ nguồn nằm bên ngoài xã hội. Ngân khố chỉ có thể
nhận được cái gì có lợi cho một người hay một giai cấp khi trước đó những người
khác hay những giai cấp khác đã bị buộc phải đưa cái đó vào ngân sách.
Nếu mỗi người đều nhận được từ ngân khố đúng số lượng mà người đó đã đưa vào
thì đúng là nó không cướp bóc ai cả. Nhưng như thế thì nó chẳng làm được gì cho
những người không có tiền. Nó cũng không khuyến khích bình đẳng về thu nhập.
Luật pháp chỉ trở thành công cụ của sự cào bằng khi nó lấy của một số người và
đem cho một số người khác. Khi luật pháp làm như thế, nó đã trở thành công cụ
của cướp bóc.
Sau khi biết như thế, xin xem xét thuế quan bảo hộ, tiền trợ
cấp, lợi nhuận được bảo đảm, công ăn việc làm được bảo đảm, chương trình phúc
lợi dành cho người nghèo, trường công lập, thuế luỹ tiến, tín dụng không phải
trả lãi và công việc xã hội. Bạn sẽ thấy rằng tất cả những biện pháp này đều
dựa trên cướp bóc hợp pháp, dựa trên bất công có tổ chức.
Bạn nói: “Có những người chưa được học hành đến nơi đến
chốn” và bạn quay sang sử dụng luật pháp. Nhưng luật pháp tự nó không phải là
ngọn đèn kiến thức có thể rọi ánh sáng ra bên ngoài nó. Luật pháp bao trùm lên
toàn bộ xã hội, trong đó, một số người có kiến thức còn một số thì không; một
số người cần học còn một số người thì có thể dạy. Về vấn đề giáo dục, luật pháp
chỉ có hai lựa chọn: Luật pháp có thể cho phép công việc dạy và học hoạt động
một cách tự do và không sử dụng bạo lực, hay có thể làm trái với ý chí của con
người, bằng cách lấy của một số người số tiền đủ để trả cho những giáo viên do
nhà nước bổ nhiệm mà người học không phải trả tiền. Nhưng trong trường hợp thứ
hai, luậ̣t pháp đã tiến hành cướp bóc hợp pháp bằng việc vi phạm quyền tự do và
tài sản.
Bạn nói: “Có những người thiếu đạo đức và đức tin tôn giáo”
và bạn quay sang sử dụng luật pháp. Nhưng luật pháp là bạo lực. Nhưng có cần
nói rằng sử dụng bạo lực trong những vấn đề như đạo đức và tôn giáo là vô ích
và khắc nghiệt hay không?
Dường như những người xã hội chủ nghĩa, dù có tự mãn đến
đâu, cũng không thể không thấy rằng các hệ thống và những cố gắng như thế sẽ
dẫn tới kết quả là một vụ cướp bóc hợp pháp kinh khủng tới mức nào. Nhưng những
người xã hội chủ nghĩa đang làm gì? Họ khéo léo che đậy vụ cướp bóc hợp pháp
này khỏi những vụ khác - và thậm chí là che giấu khỏi chính mình - dưới những
tên gọi đầy sức cám dỗ như lòng bác ái, tinh thần đoàn kết, tổ chức và đoàn
thể. Vì chúng ta đòi hỏi luật pháp phải làm rất ít - chỉ thực hiện công lí mà
thôi - cho nên những người xã hội chủ nghĩa liền kết luận rằng chúng ta bác bỏ
lòng bác ái, tinh thần đoàn kết, tổ chức và đoàn thể. Những người xã hội chủ
nghĩa gán cho chúng ta cái mác là những người theo chủ nghĩa cá nhân.
Nhưng chúng ta cam đoan với những người xã hội chủ nghĩa là
chúng ta chỉ phản đối tổ chức bị áp đặt chứ không phản đối tổ chức tự
nhiên. Chúng ta bác bỏ những hình thức đoàn thể mà người ta áp đặt lên
chúng ta chứ chúng ta không bác bỏ những đoàn thể tự do. Chúng ta bác bỏ lòng
bác ái do người ta ép buộc chứ không bác bỏ lòng bác ái chân chính.
Chúng ta bác bỏ tinh thần đoàn kết giả tạo, tức là tinh thần đoàn kết
làm cho con người không còn trách nhiệm cá nhân. Chúng ta không bác bỏ tinh
thần đoàn kết tự nhiên của nhân loại dưới sự dẫn dắt của Chúa.
Chủ nghĩa xã hội, tương tự như các ý tưởng cổ đại vốn là cội
nguồn của nó, đã lẫn lộn giữa khái niệm “chính phủ” và “xã hội”. Kết quả là,
mỗi khi chúng ta phản đối những việc mà chính phủ làm thì những người xã hội
chủ nghĩa liền kết luận rằng chúng ta phản đối những việc như thế.
Chúng ta phản đối giáo dục công lập. Nhưng những người xã
hội chủ nghĩa nói rằng chúng ta phản đối mọi nền giáo dục. Chúng ta phản đối
tôn giáo quốc doanh. Nhưng những người xã hội chủ nghĩa nói rằng chúng ta không
muốn có bất kì tôn giáo nào. Chúng ta phản đối sự bình đẳng do nhà nước áp đặt.
Nhưng những người xã hội chủ nghĩa nói rằng chúng ta phản đối bình đẳng. Vân
vân và vân vân. Chẳng khác gì kết tội là chúng ta không muốn dân chúng ăn vì
chúng ta không muốn nhà nước trồng lúa.
(Đón đọc kì sau)
Tôi đang quyên góp 1.000 USD để in bản dịch tác phẩm
Tinh thần dân chủ của Larry Diamond. Xin cám ơn. Bạn có thể ủng hộ qua Patreon
https://www.patreon.com/phamnguyentruong
Hoặc qua paypal: satarov1951@mail.ru
Liên hệ: phamnguyentruong11@gmail.com
[1] Trong bản tiếng
Pháp Bastiat sử dụng từ “spoliation” (chú thích của bản tiếng Anh).
[2]
Nếu độc quyền, tức là sự bảo hộ của chính phủ nhằm chống lại cạnh tranh ở Pháp
chỉ dành cho một nhóm người, ví dụ công nhân ngành sắt thép, thì hành động này
rõ ràng là cướp bóc hợp pháp, nó không thể kéo dài được lâu. Vì lí do này mà
chúng ta thấy tất cả những doanh nghiệp buôn bán được bảo hộ đều liên kết lại
để theo đuổi mục đích chung. Thậm chí họ còn tự tổ chức sao cho người ta nghĩ
rằng họ đại diện cho tất cả những người lao động. Về mặt bản năng, họ cảm thấy
rằng làm cho cướp bóc hợp pháp trở thành phổ biến thì có thể che giấu được nó.
No comments:
Post a Comment