August 21, 2017

LUẬT PHÁP- Frédéric Bastiat (5)

Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Luật pháp bị bóp méo gây ra xung đột
Khi người ta còn thừa nhận rằng có thể lái luật pháp ra khỏi mục đích thực sự của nó - nghĩa là có thể vi phạm chứ không bảo vệ quyền sở hữu - thì lúc đó tất cả mọi người đều sẽ muốn tham gia vào việc ban hành luật pháp, để bảo vệ mình khỏi nạn cướp bóc hoặc sử dụng luật để cướp bóc. Những câu hỏi mang tính chính trị bao giờ cũng có thể gây tổn hại lại giữ thế thượng phong và bao trùm lên tất cả. Sẽ có đấu tranh ở trước cửa Lâu đài Lập pháp, và cuộc đấu tranh ở bên trong cũng sẽ không kém phần quyết liệt. Chẳng cần phải nghiên cứu những sự kiện được tiết lộ trong cơ quan lập pháp của Pháp và Anh mới biết được chuyện này; chỉ cần hiểu được vấn đề là đã biết câu trả lời rồi.



Có cần phải đưa ra bằng chứng chứng minh rằng sự xuyên tạc một cách trắng trợn luật pháp như thế là nguồn gốc không bao giờ dứt của thù hận và bất hòa; và có thể đưa xã hội đến chỗ diệt vong? Nếu cần bằng chứng như thế thì hãy nhìn vào Hoa Kì [năm 1850]. Không có nước nào trên thế giới mà luật pháp lại được giữ trong lĩnh vực thích hợp đến như thế: bảo vệ quyền tự do và tài sản của mỗi người. Kết quả là dường như không có nước nào trên thế giới mà trật tự xã hội dựa vào lại được xây dựng trên nền tảng vững chắc đến như thế. Nhưng ngay cả ở Hoa Kì vẫn có hai vấn đề - chỉ có hai thôi - luôn đe dọa hòa bình trong xã hội.
Hai vấn đề này là gì? Đấy là chế độ nô lệ và thuế quan. Đây là hai vấn đề duy nhất mà luật pháp - trái với tinh thần chung của nước cộng hòa Hoa Kì - đóng vai trò của một kẻ cướp bóc.
Chế độ nô lệ là vi phạm - được pháp luật cho phép - quyền tự do. Thuế quan mang tính bảo hộ là vi phạm - được pháp luật cho phép - quyền sở hữu tài sản.

Sự kiện đáng chú ý nhất là tội phạm kép hợp pháp này - di sản đáng buồn từ Cựu Thế giới - là vấn đề duy nhất có thể - và có lẽ sẽ - dẫn Liên minh đến sụp đổ. Thật không thể tưởng tượng nổi ngay tại trung tâm của một xã hội lại có sự kiện đáng kinh ngạc hơn sự kiện này: Luật pháp trở thành công cụ của bất công. Và nếu sự kiện này tạo ra những hậu quả khủng khiếp cho Hoa Kì - nơi mà mục đích phù hợp của luật pháp chỉ bị bóp méo trong các trường hợp cụ thể là chế độ nô lệ và thuế quan - thì hậu quả đối với châu Âu, nơi bóp méo luật pháp đã trở thành nguyên tắc, trở thành hệ thống, sẽ như thế nào?


De Montalembert [chính khách và nhà văn] sử dụng tư tưởng trong lời tuyên bố nổi của Carlier, đã nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa xã hội”. Ông ta hiểu chủ nghĩa xã hội theo định nghĩa do Charles Dupin đưa ra, nghĩa là: “Chúng ta phải chiến đấu chống lại nạn cướp bóc”.

Ông ta nói về nạn cướp bóc nào? Vì ở đây có hai hình thức cướp bóc: hợp pháp và bất hợp pháp.

Tôi không nghĩ rằng có thể gọi cướp bóc bất hợp pháp, như ăn cắp hay lừa bịp - tức là những hiện tượng bị luật hình sự định nghĩa, xem xét và trừng phạt - là chủ nghĩa xã hội được. Đây không phải là hình thức cướp bóc có thể đe doạ một cách có hệ thống những nền tảng căn bản của xã hội. Dù sao mặc lòng, cuộc chiến chống lại hình thức cướp bóc này không chờ đợi mệnh lệnh của mấy quý ông nói trên. Từ rất lâu trước cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1848 - rất lâu trước khi chủ nghĩa xã hội xuất hiện - nước Pháp đã có cảnh sát, quan toà, nhà tù và máy chém với mục đích là đấu tranh chống lại nạn cướp bóc bất hợp pháp. Chính luật pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh này, ý kiến và mong ước của tôi cũng là nước Pháp phải có thái độ như thế đối với nạn cướp bóc.
Nhưng luật pháp không phải lúc nào cũng làm điều đó. Đôi khi luật pháp bảo vệ và tham gia cướp bóc. Nghĩa là những người thu được lợi không cảm thấy xấu hổ, bất chấp nguy hiểm và không chần chừ, mà nếu khác đi thì có thể ảnh hưởng tới hành động của họ. Đôi khi luật pháp đưa tất cả bộ máy quan toà, cảnh sát, nhà tù nhằm phục vụ cho bọn cướp bóc và coi nạn nhân - khi anh ta bảo vệ mình - là kẻ tội phạm. Tóm lại, đây là cướp bóc hợp pháp, và không nghi ngờ gì rằng de Montalembert nói về hình thức cướp bóc này.

Nạn cướp bóc hợp pháp như thế có thể chỉ là vết nhơ duy nhất trong những biện pháp lập pháp của nhân dân. Nếu đúng như thế thì tốt nhất nên xoá bỏ nó với ít ngôn từ và tố cáo nhất - mặc kệ những lời phản đối om sòm của những nhóm lợi ích.
Nhưng, làm sao xác định được cướp bóc hợp pháp? Quá đơn giản. Chỉ cần xem luật pháp có lấy những cái thuộc về một số người nào đó và đem cho những người mà chúng không thuộc về. Chỉ cần xem luật pháp có làm lợi cho công dân này mà công dân khác phải trả giá bằng cách làm cái điều mà tự người công dân kia không thể làm mà không phạm tội.

Lúc đó chỉ cần hủy bỏ đạo luật này ngay lập tức, vì nó không chỉ là cái ác mà nó còn là nguồn gốc màu mỡ cho những cái ác tiếp theo vì nó sinh ra đàn áp. Nếu đạo luật như thế - chỉ là trường hợp riêng lẻ - mà không bị xoá bỏ ngay lập tức, thì nó sẽ lan ra, sẽ nhân lên và sẽ phát triển thành hệ thống.

Người được hưởng lợi từ bộ luật này sẽ tiếp tục phàn nàn trong khi bảo vệ những quyền mà anh ta vừa nhận được. Người đó sẽ tuyên bố rằng nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và khuyến khích ngành nghề của anh ta; thủ tục này làm giàu cho nhà nước vì ngành nghề được bảo vệ có khả năng chi nhiều hơn và trả cho những người công nhân nghèo khó mức lương cao hơn.

Đừng nghe những lời nguỵ biện như thế của những nhóm lợi ích. Chấp nhận những luận cứ như thế là biến cướp bóc thành hệ thống. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra rồi. Ảo tưởng hiện nay là có thể làm cho mỗi người đều giàu lên trong khi người khác phải trả giá, là biến cướp bóc thành phổ biến mà lại giả vờ như đang tiến hành tổ chức nó.
Có thể cướp bóc hợp pháp bằng rất nhiều cách. Do đó chúng ta có vô số kế hoạch tổ chức việc cướp bóc: thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ, tiền trợ cấp, thưởng, thuế luỹ tiến, trường công lập, bảo đảm công ăn việc làm, lợi tức được bảo đảm, lương tối thiểu, quyền được nhận cứu trợ, quyền có phương tiện lao động, vay không trả lãi v.v. và v.v. Tất cả những kế hoạch này gộp lại - với mục tiêu chung là cướp bóc hợp pháp - chính là chủ nghĩa xã hội.



Bây giờ, vì theo định nghĩa này thì chủ nghĩa xã hội là một loạt giáo điều, làm sao tấn công được chủ nghĩa xã hội nếu không dùng chiến tranh của các giáo điều? Nếu bạn cho rằng lí thuyết xã hội chủ nghĩa là sai, vô lí và độc ác thì xin hãy bác bỏ nó. Càng sai, càng vô lí, càng độc ác thì càng dễ bác bỏ. Trên hết, nếu bạn muốn trở nên mạnh mẽ, xin hãy bắt đầu bằng cách đào tận gốc trốc tận rễ ngay cả những mảnh nhỏ nhất của chủ nghĩa xã hội có thể lọt vào quá trình xây dựng luật pháp của bạn. Đấy không phải là nhiệm vụ nhẹ nhàng.

Chủ nghĩa xã hội là cướp bóc hợp pháp

De Montalembert bị cáo buộc là muốn tấn công chủ nghĩa xã hội bằng lực lượng bạo tàn. Cần phải miễn cho ông lời cáo buộc như thế vì ông đã nói một cách đơn giản: “Cuộc chiến đấu mà chúng ta phải tiến hành chống chủ nghĩa xã hội phải phù hợp với luật pháp, danh dự và công lí”.

Nhưng tại sao De Montalembert không nhận thấy rằng ông đã đưa mình vào vòng tròn ma thuật? Sử dụng luật pháp để chống chủ nghĩa xã hội ư? Nhưng chính chủ nghĩa xã hội lại dựa trên luật pháp. Những người xã hội chủ nghĩa muốn đưa vào thực tiễn cướp bóc hợp pháp chứ không phải cướp bóc bất hợp pháp. Những người xã hội chủ nghĩa, tương tự tất cả những người ưa thích độc quyền khác, đều muốn biến luật pháp trở thành vũ khí của họ. Một khi luật pháp đã nằm trong tay chủ nghĩa xã hội rồi thì làm sao có thể sử dụng luật pháp để chống lại chủ nghĩa xã hội? Vì khi cướp bóc đã được luật pháp tiếp tay thì nó không còn sợ toà án, không còn sợ cảnh sát và nhà tù nữa. Chẳng những thế, nó còn kêu gọi cảnh sát, toà án, nhà tù giúp sức nữa.

Muốn ngăn chặn điều đó, bạn sẽ ngăn chặn, không cho phái xã hội chủ nghĩa tham gia vào việc lập pháp ư? Bạn sẽ không cho những người xã hội chủ nghĩa bước chân vào Toà nhà Quốc hội ư? Tôi xin nói trước, khi cướp bóc bất hợp pháp còn tiếp tục là công việc chính của lập pháp thì bạn sẽ không thành công. Làm khác đi là phi logic, thậm chí phi lí.

Lựa chọn trước mắt chúng ta

Cần phải giải quyết một lần và vĩnh viễn vấn đề cướp bóc hợp pháp, và trước mắt chúng ta chỉ có 3 cách:
1.       Ít người cướp bóc nhiều người.
2.       Mọi người cướp bóc lẫn nhau.
3.    Không ai cướp bóc ai.
Chúng ta phải lựa chọn giữa cướp bóc có giới hạn, cướp bóc trở thành phổ biến và không còn cướp bóc. Luật pháp chỉ có thể theo một trong ba cách đó.

Cướp bóc có giới hạn: Hệ thống này giữ thế thượng phong khi quyền bầu cử bị hạn chế. Người ta sẽ quay trở lại hệ thống này nhằm ngăn chặn chủ nghĩa xã hội.

Cướp bóc trở thành phổ biến: Từ khi áp dụng phổ thông đầu phiếu, tất cả chúng ta đều bị hệ thống này đe doạ. Đa số được quyền bỏ phiếu đã quyết định ban hành luật pháp trên cùng nguyên tắc cướp bóc hợp pháp đó, tức là sử dụng chính cái nguyên tắc mà những người tiền nhiệm của họ đã áp dụng khi quyền bầu cử còn hạn chế.

Không còn cướp bóc hợp pháp: Đây là nguyên tắc của công lí, hòa bình, trật tự, ổn định, hài hòa và hợp logic. Tôi sẽ tiếp tục tuyên cáo nguyên tắc này, bằng sức lực của hai lá phổi của mình (dù rất yếu!), cho đến tận lúc chết[1].
Nhưng, với tất cả lòng chân thành, người ta đòi hỏi gì ở luật pháp nếu không phải là không còn cướp bóc? Có thể sử dụng luật pháp một cách hữu lí - đòi hỏi phải có bạo lực - để làm gì khác ngoài việc bảo vệ quyền của mỗi người? Tôi cam đoan rằng người nào vượt ra khỏi mục đích này đều sẽ bóp méo luật pháp và hậu quả là hướng quyền lực chống lại quyền. Đây là sự bóp méo phi logic nhất và kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được. Cần phải thừa nhận rằng giải pháp đúng đắn - trong lĩnh vực quan hệ xã hội - nằm trong mấy từ đơn giản sau đây: Luật pháp là công lí có tổ chức.

Vì vậy, cần phải nói: Khi công lí được tổ chức bởi luật pháp - nghĩa là bởi sức mạnh - thì nó loại bỏ ý tưởng sử dụng luật (sức mạnh) để tổ chức bất kì hoạt động nào của con người, dù đấy có là lao động, sản xuất nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, giáo dục, nghệ thuật hay tôn giáo thì cũng thế. Dùng luật pháp để tổ chức bất kì hoạt động nào vừa nói tới bên trên chắc chắn sẽ phá hoại tổ chức quan trọng nhất - công lí. Làm sao bạn có thể tưởng tượng được việc sử dụng sức mạnh nhằm chống lại sự tự do của các công dân mà không sử dụng sức mạnh để chống lại công lí, và do đó, chống lại mục đích đúng đắn của nó?

(Đón đọc kì sau)

Tôi đang quyên góp 1.000 USD để in bản dịch tác phẩm Tinh thần dân chủ của Larry Diamond. Xin cám ơn. Bạn có thể ủng hộ qua Patreon https://www.patreon.com/phamnguyentruong
Hoặc qua paypal: satarov1951@mail.ru
Liên hệ: phamnguyentruong11@gmail.com
                        







[1] Khi viết tác phẩm này Bastiat biết rằng ông sẽ chết vì bệnh lao phổi. Ông qua đời sau đó một năm (chú thích của bản tiếng Anh).

No comments:

Post a Comment