July 16, 2017

Công nghệ, tự nó, không thể mang công lí tới các nạn nhân của cảnh sát

Brittany Hunter

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời người dịch: Ở đất nước được coi là tự do và luật pháp nghiêm minh là Mỹ mà những đọan video-clip chứng minh một cách rõ ràng cảnh bạo hành của cảnh sát cũng chưa mang lại được công lí cho nạn nhân thì ở những nơi khác tình hình còn khó khăn đến mức nào. Nhưng, như tác giả bài báo viết: “Sự thất bại của công lý trong thời gian gần đây có thể làm cho nhiều người trong chúng ta cảm thấy thất vọng, nghĩ rằng những nạn nhân này đã thiệt mạng một cách vô ích. Nhưng tư tưởng đang thay đổi”. Và: “Cả bạo lực lẫn tiền bạc đều bất lực trước tư tưởng”. Vì vậy, xin chớ ngã lòng.


Trước khi máy ghi hình trở thành phổ biến, nhiều vụ bạo hành của cảnh sát đã không được xã hội biết tới. Khi công dân lên tiếng chống lại nhà nước, rất khó chứng minh những vụ lạm dụng của cảnh sát.


Nhưng khi nhiều gia đình bắt đầu mua máy quay phim để ghi lại cuộc sống của họ cho hậu thế, nhiều người không nhận thức được rằng họ đã nắm được thiết bị công nghệ đủ sức vạch trần những vụ lạm dụng của chính phủ cho cả nước biết.

Năm 1991, lý do chính làm cho việc cảnh sát đánh Rodney King trở thành giật gân là do đấy là một trong những lần đầu tiên một sự kiện như vậy được ghi hình và được phát sóng ra cho toàn thế giới thấy.

Đột nhiên, dường như quyền lực đã chao đảo. Bây giờ, với thiết bị công nghệ có thể chứng minh rằng những vụ bạo hành có hệ thống đã lan tràn trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là trong các cộng đồng da màu, và cuối cùng, có thề đòi được công lý. Hay chúng ta đã nghĩ như thế.

Tuy nhiên, ngay cả những đoạn phim về những vụ lộn xộn làm người ta bất an được phát liên tục trên truyền hình, những quan chức liên quan vẫn được tuyên bố trắng án trước tất cả những cáo buộc về việc sử dụng bạo lực quá mức. Cảm thấy bị xúc phạm vì công lý không được thực thi, mặc dù đã có đủ bằng chứng, dân chúng Los Angeles cảm thấy thất vọng và cơn thịnh nộ của họ đã biến thành cuộc bạo loạn kéo dài gần một tuần, trước khi đám đông giận dữ bị giải tán.

Khó mà hiểu được làm sao những việc như thế có thể xảy ra. Có lẽ, đấy là do công nghệ video chưa phát triển đến mức có thể được mô tả chính xác địa điểm xảy ra sự kiện. Quay từ xa, hình ảnh có nhiều sạn và không rõ người. Không nhìn rõ được mặt của King, mặt các sĩ quan thì cũng thế. Có thể, khi công nghệ phát triển hơn, những đọan phim ghi lại sự tàn bạo của cảnh sát sẽ được sử dụng để truy tìm công lý.

Nhưng hơn hai thập kỷ sau vụ Rodney King, vụ bắn Michael Brown đã cho chúng ta thấy rằng hình ảnh chưa phải là bằng chứng đủ để có thể thay đổi mọi thứ.


Ferguson

Đúng là máy quay phim là phát minh mang tính cách mạng, nhưng thiết bị này khá cồng kềnh, chất lượng thấp và nếu bạn ở xa, những thiết bị này vẫn không thể ghi được một cách thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, không ai có thể nghĩ rằng chẳng bao lâu sau hầu như tất cả người Mỹ đều sẽ một máy ảnh bỏ túi và có thể ghi lại hình ảnh sống động và cả thời gian ghi hình.

Việc bắn và sau đó là cái chết của Michael Brown, một người sống ở Ferguson, bang Missouri, không phải là ví dụ điển hình về sự tàn bạo của cảnh sát trong thời đại smart phone, nhưng chắc chắn là vụ được nói đến nhiều nhất. Sau một cuộc cãi vã giữa Brown và viên sĩ quan Darren Wilson, đã xảy ra vụ nổ súng và Brown thiệt mạng.

Tiếng nổ vừa phát ra, người qua đường nhanh chóng rút điện thoại có máy ảnh và chụp được cảnh Brown nằm chết ngay trong vũng máu của mình. Những hình ảnh này, rõ hơn hẳn hình ảnh của Rodney King, đã đánh trúng thái độ đồng cảm của người Mỹ. Làm sao chuyện đó có thể xảy ra ở đất nước tự do nhất thế giới?

Nhưng ngay cả với những bức ảnh được đăng và được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội, hòan cảnh cụ thể dường như cũng còn chưa rõ ràng. Nhân chứng ở cả hai phía đã thay đổi lời khai của mình và dường như không có ai biết thực sự đã xảy ra chuyện gì.

Nhiều người Mỹ bắt đầu tự hỏi rằng nếu các nhân chứng bắt đầu ghi lại sớm hơn và nắm bắt được toàn bộ cuộc cãi lộn dẫn đến chết người, thì chúng ta có biết chính xác những việc đã xảy ra và công lý sẽ được khôi phục hay không.

Và lúc đó xảy ra vụ Eric Garner.


“Tôi không thở được”

Garner, tội duy nhất của anh này là bán thuốc lá lẻ cho những người muốn trốn các khoản thuế thuốc lá cao ngất của thành phố New York, đã bị cảnh sát ngăn lại lại một cách thô bạo, khi ta đang đứng ngoài đường. Garner, anh này hay đứng bên cạnh một cửa hàng trong khu vực, thường bị cảnh sát ngăn chặn, lần này đã hỏi các viên sĩ quan, tại sao họ lại quấy rầy anh ta, nhất là khi anh ta không có thuốc lá “lậu”.

Garner bị cảnh sát kẹp cổ, hành động bị cấm sử dụng ở thành phố New York vì bị coi là “bạo lực quá mức”. Tuy nhiên, nó đã được sử dụng, mặc dù Garner không có bất kì đe dọa trực tiếp nào đối với các sĩ quan này và không bị bắt “tại trận” khi đang làm việc phi pháp.

Khi bị kẹp cổ, Garner có thể nghe thấy tiếng người nói với các sĩ quan rằng anh không thể thở được, nhưng vô ích.

Garner chết ngay hôm đó, bi kịch này đã được một người qua đường ghi lại; sau khi đọan phim được tung lên, người này đã bị cảnh sát quấy rầy. Khác với vụ Michael Brown, toàn bộ cuộc cãi lộn này đã được camera quay và tung lên cho cả thế giới xem. Không có những câu hỏi chưa có lời đáp về việc sử dụng vũ lực hay liệu Garner đã hành động sao đó khiến cho các sĩ quan lo sợ cho tính mạng của mình.

Nhưng, mặc dù đoạn phim về vụ việc đã lan truyền trên mang, công lý vẫn không được thực thi. Viên sĩ quan được tha bổng và gia đình Garner vẫn tự hỏi vì sao điều này lại xảy ra ở đất nước được coi là tự do.

Nếu đoạn video ghi lại toàn bộ vụ giết người không thể đem lại sự công bằng cho Eric Garner, thì chúng ta phải làm gì? Có lẽ đấy là vì cảnh quay đã lan truyền sau khi sự kiện đã xảy ra; có thể một số người nghĩ rằng nó có thể đã được làm giả cho phù hợp với câu chuyện. Có lẽ, nếu có cách để đưa cảnh quay trực tiếp ngay trong lúc xảy ra sự kiện, thỉ thủ phạm của những vụ bạo hành do cảnh sát gây ra sẽ không thể nào thoát tội được.

Và, cái chết đầy bi thảm của Philando Castille.


Philando Castile

Những người đủ sức xem cảnh quay cái chết của Philando Castile, vào mùa hè năm ngoái đều cảm thấy lạnh sống lưng. Tháng bảy năm ngoái, Castile, bạn gái của anh ta, Diamond Reynolds, và cô con gái bốn tuổi của cô này bị kéo tới trạm kiểm soát giao thông ở St. Anthony, bang Minnesota. Viên sĩ quan đòi xem giấy phép và giấy đăng ký sử dụng súng của Castile. Hiểu được những rủi ro có thể xảy ra vì bị kéo tới như một người đàn ông da đen, Castile nói với cảnh sát rằng anh ta có giấy phép mang súng và anh ta có mang một khẩu súng trong xe.

Trong khi Castile đi lấy căn cước và đăng ký sử dụng súng, thì sĩ quan Jeronimo Yanez rút súng ra và bắn bảy phát. Hiểu rõ rằng hệ thống không được thiết kế nhằm bảo vệ những người bị cơ quan thực thi pháp luật làm cho đau khổ, Reynolds quyết định rút điện thoại ra và ngay lập tức phát trực tiếp lên Facebook.

Đoạn phim chụp được một vài khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời Castile, khán giả nhìn thấy anh ta ngã vào tay lái ô tô dính đầy máu me khi bạn gái và con gái của cô này hét lên với Yanez. Castile không được trợ giúp về y tế ngay lúc đó. Không những thế, Reynolds và con gái của cô này bị đối xử như những tên tội phạm, trong khi Yanez cuống lên vì không biết phải làm gì.

Đoạn phim có thể kết tội này là một cuộc cách mạng, hay chí ít, phải là như thế. Viên cảnh sát không có bất kì lí do nào để nổ súng. Không có cơ hội sửa chữa cảnh quay vì phát trực tuyến và không có lý do nào để nói rằng những hình ảnh trong đọan phim đã bị làm sai lệch hoặc làm cho người ta hiểu nhầm. Tuy nhiên, tuần trước, Jeronimo Yanez đã được tha bổng trước tất cả những cáo buộc vì đã giết Philando Castile.

Bây giờ chúng ta phải tự hỏi rằng phải làm gì nếu công nghệ không phải là phương tiện giúp mọi người trở thành bình đẳng như chúng ta từng hi vọng.


Tư tưởng là chiếc áo chống đạn

Công nghệ có thể không đủ sức làm thay đổi quỹ đạo họat động của hệ thống tư pháp hình sự hay chí ít là không thay đổi nhanh như nhiều nhà hoạt động từng kì vọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không có tí hi vọng nào. Có nguy cơ là một người nào đó bấm máy, như người ta thường nói “tư tưởng là chiếc áo chống đạn”, và khi nói đến công lý, câu này nghe có vẻ đúng.

Nhà nước có thể giữ quyền lực của mình bằng cách tiếp tục làm nhân dân ở mãi trong tình trạng sợ hãi và tuyệt vọng. Khi trái tim trùng xuống trước mỗi vụ bất công thì chúng ta không được nản lòng mà phải quyết tâm hơn.

“Luật pháp và trật tự”, câu nói cửa miệng của rất nhiều kẻ đang nắm quyền làm cho chúng ta càng tin rằng chúng ta là những con tốt đen trong cái hệ thống được chủ ý tạo ra nhằm chống lại chính chúng ta. Nhưng tất cả đều đang thay đổi.

Công nghệ, tự nó, có thể không phải là điều kiện đủ để thay đổi cái hệ thống đã lạc hậu, nhưng mỗi hình ảnh về bạo lực của nhà nước được đưa ra, thì ngày càng có nhiều người hiểu rằng hệ thống tư pháp có thể là bất cứ thứ gì, trừ công lí. Kết quả là, những nỗ lực của hai đảng nhằm thúc đẩy cuộc cải cách tư pháp hình sự đã gia tăng. Thậm chí, những người bảo thủ và những người tiến bộ lập ra các liên minh khác thường nhằm buộc người ta phải công nhận vấn đề đang ảnh hưởng tới rất nhiều người.

Sự thất bại của công lý trong thời gian gần đây có thể làm cho nhiều người trong chúng ta cảm thấy thất vọng, nghĩ rằng những nạn nhân này đã thiệt mạng một cách vô ích. Nhưng tư tưởng đang thay đổi. Và như Ludwig von Mises đã viết, “Cả bạo lực và tiền bạc đều bất lực trước tư tưởng”.

----------------------------------

Brittany Hunter là biên tập viên trang FEE. Brittany tốt nghiệp khoa chính trị tại Utah Valley University.

Đã đăng trên Việt Nam Thời báo

Nguồn: https://fee.org/articles/technology-cannot-dismantle-a-system-protected-by-human-fear/

No comments:

Post a Comment