June 28, 2017

LỜI GIỚI THIỆU CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG CỦA NXB VÔ DANH



Tác phẩm Chủ nghĩa tư do truyền thống do NXB Tri thức ấn hành được Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và Quỹ Phan Châu Trinh trao giải sách hay năm 2015

Đ
ây là một tác phẩm không còn xa lạ gì với giới nghiên cứu kinh tế, nó được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam thông qua NXB Tri Thức với bản dịch của Phạm Nguyên Trường; nó thành công ngay tức thì và còn mang lại giải thưởng dịch thuật cho người chuyển ngữ. Những ở một quốc gia toàn trị và khuynh tả đến cực tả, tác phẩm này của Mises là một mầm mống hiểm họa cho chế độ; họ cấm tái bản tác phẩm này. Đó là lý do chính mà NXB VÔ DANH thấy cần thiết phải tái bản lại nó.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường đồng ý và ông đã hiệu chỉnh lại tác phẩm cho sát với nguyên bản, loại bỏ những hiệu chỉnh của NXB Tri Thức nhằm cấp giấy phép cho nó dễ hơn, như “cộng sản” bị sửa thành “toàn trị”. Hiển nhiên việc chỉnh sửa trước đó không ảnh hưởng nhiều đến tác phẩm lẫn tư tưởng của nó, nó chỉ không nguyên vẹn với ý nguyện của dịch giả lẫn tác giả. Nay, NXB VÔ DANH xin gửi đến độc giả bản hoàn thiện từ dịch giả Phạm Nguyên Trường. Ngoài ra, để kỷ niệm 90 năm (1927) ngày ra đời tác phẩm này, chúng tôi có làm 100 bản đặc biệt bìa cứng kèm nguyên bản Đức ngữ và chuyển dịch Anh ngữ cho độc giả nào cần nghiên cứu, tất cả những bản đặc biệt đều được đánh số và kèm chữ ký dịch gỉa.

VỀ HOÀN CẢNH RA ĐỜI.

Tác phẩm Liberalismus, hay Chủ nghĩa Tự do thuần cổ điển hay cụm từ quen thuộc Chủ nghĩa Tự do cổ điển; được dịch giả Phạm Nguyên Trường chọn dịch là Chủ nghĩa Tự do truyền thống; nó là một tác phẩm nỗ lực phục hồi lại những giá trị cốt lõi về sự thịnh vượng quốc gia có từ Adam Smith, khi chủ nghĩa tân cổ điển đang bao trùm thế giới trước Thế chiến thứ nhứt mà đứng đầu là John Maynard Keynes, cha đẻ của trường phái kinh tế mang tên mình, Kinh tế học Keynes. Ảnh hưởng của phái tân cổ điển lan rộng ở các nước tư bản như cách thức mà chủ nghĩa Cộng sản lan ra khắp thế giới, dù mang tính khuynh hữu đối lập với cực tả của chủ nghĩa Cộng sản, thì phái tân cổ điển này có cùng quan điểm với thuyết Cộng sản về vai trò của chính phủ trong việc điều hành kinh tế. Dù Keynes không tin rằng chính phủ nắm quyền điều hành kinh tế một cách tập trung như cộng sản sẽ mang lại lợi ích cho sự thịnh vượng của quốc gia, nhưng Keynes tin rằng sự điều phối của chính phủ vào những thời điểm suy trầm kinh tế sẽ giúp kinh tế thoát ra khỏi bờ vực khủng hoảng, thông qua hai mệnh đề căn bản: Một, kinh tế tư nhân không đủ giải quyết mọi việc làm cho người dân; và hai, vì vậy chính phủ cần chi tiền ra để bù đắp vào việc thiếu hụt việc làm. Hai mệnh đề đó đã là liều thuốc chữa bệnh của nhiều quốc gia trong cơn khủng hoảng kinh tế 2008 vừa rồi; Obama không phải là vị tổng thống Mỹ duy nhất là học trò của Keynes, nhưng ông ta mạnh tay chi tiền để cứu nguy kinh tế nhiều gấp nhiều lần những học trò Keynes làm tổng thống trước đó, kết quả kinh tế có hồi phục, nhưng không phải từ liệu pháp Keynes mà từ sức sáng tạo của người dân Mỹ; kết quả, nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi suy trầm và có nguy cơ tái lập cơn khủng hoảng. Điều đó không riêng nước Mỹ mà cả Âu châu, Nhật, Nam Hàn đều gặp vấn đề tương tự; điều này đã khiến phe cực hữu trỗi dậy và thắng thế trong những kỳ tranh cử gần đây; ở Mỹ là Trump lên làm tổng thống trong sự ngạc nhiên của toàn thế giới; Anh quốc đón chào một thủ tướng khuynh hữu Theresa May sau Margaret Thatcher; ở Pháp lúc này, cuộc chạy đua vào ghế tổng thống thì Le Pen khuynh hữu đang cân sức với En Macron trung dung; Đài Loan là bà Thái Anh Văn và trước đó, Hàn Quốc là bà Phác Cận Huệ (Park Geun-hye) trước khi bị bãi nhiệm.

Cuộc hồi sinh lại chủ nghĩa tự do cổ điển lúc này không khác gì thập niên 30 thế kỷ trước, khi chủ nghĩa bảo hộ và phe tân cổ điển đang chiếm trọn vũ đài chính trị. Đó là lúc Mises cùng học trò của mình, Hayek, nỗ lực phục hồi lại giá trị của tự do cổ điển.

Chúng ta cần hiểu lý do vì sao chủ nghĩa tân cổ điển trong kinh tế dễ được chấp nhận trong tư duy lãnh đạo và cả người dân; vì hệ quả lịch sử. Lãnh đạo nào cũng muốn quyền lực mình bao trùm ở mọi địa hạt đời sống người dân, một thứ tâm lý tạo nên ý niệm quyền lực; ở người dân, là tâm lý muốn được chở che và bao cấp có từ thời đại phong kiến. Tư duy đó vẫn còn giữ nếu như không xuất hiện khủng hoảng kinh tế nhằm chứng minh rằng, điều đó sẽ dẫn đến khủng hoảng.

Trước thời điểm Đại khủng hoảng (The Great Depression) năm 1930, thì trước đó dấu hiệu của nó đã được Mises khảo sát và nghiên cứu cẩn thận, nó nằm hết trong tác phẩm quan trọng này, Liberalismus. Và Mises đã đúng, khi những dự báo về việc tiếm quyền của nhà nước trong việc chi phối kinh tế sẽ làm cho kinh tế khủng hoảng, đời sống đạo đức con người bị băng hoại. Tác phẩm này đã không được lắng nghe vào năm 1927, cho đến ngày thứ ba 29 tháng 10 năm 1929, phố Wall đón nhận cơn sụp đổ chứng khoán, một ngày sau đó lan ra toàn nước Mỹ, một tuần sau đó là cả Âu châu và tiếp đến là toàn thế giới; cuộc Đại khủng hoảng này kéo dài 10 năm, lý do tạo nên cuộc khủng hoảng chưa hẳn vì thuyết Tân cổ điển trong kinh tế, mà lý do chính nằm ở thuyết Tập trung kinh tế của Cộng sản đã nhen nhóm trong nhiều quốc gia.

ĐẠI KHỦNG HOẢNG.

Ngày thứ ba đen tối, theo cách mà giới sử gia gọi cho ngày 29 tháng 10 năm 1929, đúng 11 năm sau kết thúc Thế chiến lần thứ nhứt. Nước Mỹ cũng như Tây Âu đã hoàn tất cuộc tái thiết sau chiến tranh, dù nước Mỹ không ảnh hưởng gì nhiều cho cuộc thế chiến này và cả thế chiến sau đó, nhưng đó là cuộc chiến mang lại vị thế bá chủ toàn cầu trên nhiều phương diện mà cho đến giờ vị thế đó gần như không đổi, cường quốc số một thế giới. Nước Mỹ vừa khôn ngoan vừa lười biếng, nên chỉ tham gia cuộc thế chiến này một năm trước khi nó kết thúc, dù chỉ một năm nhưng đã có 4.734.991 người Mỹ tham gia vào cuộc chiến và 116.708 người trong số đó đã chết[1]; con số thương vong đó đủ để gây ấn tượng về một ký ức bi kịch của quốc gia non trẻ, nhưng đổi lại ký ức đó, kinh tế Mỹ vốn trì trệ trong những năm 1914-1917, thật ra nó đang bắt đầu chu trình của suy thoái kinh tế[2] với tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng 7,9% thì nay nó chỉ còn 1,4%[3], những hãng xưởng vốn sản xuất hàng hoá bán cho Âu châu trước chiến tranh chịu sự trì trệ vì người Âu châu lúc này đang đắm mình trong cuộc chiến đã chuyển thành nhà máy sản xuất quân dụng và vũ khí bán cho họ, cuộc đầu tư cho chiến tranh này đã mang lại lợi nhuận tốt, nước Mỹ chi tiêu trực tiếp trong cuộc chiến 39 tỷ Mỹ kim nhưng sau đó có lời 16 tỷ[4]; từ quốc gia nợ nần trước chiến tranh, nước Mỹ giờ đây trở thành chủ nợ toàn thế giới với mức đầu tư ra ngoài nước Mỹ tăng lên 9,7 tỉ Mỹ kim còn đầu tư vào Mỹ giảm xuống 3,3 tỷ[5]; thu nhập của chính phủ liên bang từ năm 1916 chỉ 930 triệu Mỹ Kim lên 4,388 tỷ năm 1918[6] và không ngừng tăng ở những năm kế tiếp; một cuộc chiến có lợi về kinh tế lẫn vai trò quốc tế của nước Mỹ. Nhưng hệ quả xấu từ cuộc chiến thời điểm đó nhiều nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa nhìn thấy, ngoại trừ khía cạnh đạo đức được xã hội ca ngợi vì Mỹ đã giúp chấm dứt cuộc chiến sau một năm tham chiến, vị tổng thống đảng Dân Chủ lúc này vẫn ngủ quên trên lịch sử non trẻ của mình. Một quốc gia trở nên giàu có đột ngột nó chắc chắn phải đón nhận những vấn đề mà nó chưa từng gặp, nước Mỹ không nằm ngoài quy luật đó, nhất là khi nước Mỹ không chỉ giàu có hơn sau chiến tranh mà còn có vai trò thống lãnh thế giới như một định mệnh từ lịch sử mà cho đến nay nước Mỹ chưa chịu từ chối vai trò này, một vai trò khiến nước Mỹ vừa cần thiết vừa đáng ghét với thế giới, vai trò sen đầm quốc tế.

Chủ nghĩa tự do truyền thống do NXB Vô Danh in năm 2017

Có ba hệ quả chính từ cuộc chiến: Một, chế độ kim bản vị sau chiến tranh; hai, chế độ can thiệp của nhà nước vào xã hội hay còn gọi là chủ nghĩa bảo hộ, đại diện là tu chính án hiến pháp số 18 (năm 1917) cấm người dân sử dụng chất có cồn[7]; và ba, tư duy bảo hộ được ủng bởi giới tư doanh dẫn đến hình thành đạo luật Smoot-Hawley (Smoot–Hawley Tariff Act).

Đành rằng có nhiều lý do và cách thức lý giải nguyên nhân dẫn đến cuộc Đại khủng hoảng năm 1930, nhưng giới sử gia lẫn giới kinh tế đều thống nhất quan điểm đi từ hệ quả Thế chiến thứ nhất. Khi một quốc gia trở nên giàu có thì người ta nghĩ đến đầu tư để sinh lợi hơn là tạo việc làm, nguồn tư bản từ nước Mỹ chảy ra khỏi quốc gia dẫn đến số việc làm được tạo ra ở nơi khác; trong khi áp lực trả nợ của những nước phương Tây trong chiến tranh khiến họ phải thắt hầu bao chi tiêu cho những món hàng vẫn phải mua từ Mỹ, việc sụt giảm nhu cầu từ Châu Âu khiến nhiều doanh nghiệp tại Mỹ điêu đứng và trên bờ vực phá sản; giới tư doanh và tài phiệt thực hiện những cuộc áp-phe chính trị nhằm tác động lên chính quyền để hình thành một tư tưởng bảo hộ sản xuất trong nước, luật người Mỹ dùng đồ Mỹ xuất hiện dưới tên gọi Smoot-Hawlay đánh thuế lên món hàng nhập khẩu từ Âu châu, điều đó không giúp ích gì nhiều, ngoại trừ việc tăng khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ, bởi doanh nghiệp Mỹ được bảo hộ bởi luật Smoot-Hawley khiến hàng hoá không rẻ hơn mà trái lại nó đắt đỏ hơn so với mức thu nhập của giới bình dân; dấu hiệu suy trầm kinh tế dần hiện ra, chính phủ Mỹ tiếp tục sử dụng liệu pháp Keynes để cứu vãn tình hình bằng cách yêu cầu cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) hạ lãi suất, điều này giữa bối cảnh kinh tế nằm trong tay đám tài phiệt đã lũng đoạn kinh tế bằng cách đầu tư bừa bãi tạo nên bong bóng đầu cơ ở nhiều lĩnh vực và quả bóng đó chờ nổ; khi lãi suất đảo chiều như một định mệnh, kẻ đi vay bây giờ phải chịu áp lực ở một lãi suất cao mà lại là nông dân trong bối cảnh nông nghiệp vẫn chưa có kỹ nghệ làm gia tăng hiệu suất, nhiều nhà nông phá sản hoặc cầm cố đất đai lan tràn khắp nước Mỹ; kết quả, cái cần đến đã đến, một hệ thống tài chính mà dòng tiền chuyển đổi trên sàn chứng khoán trong khi dự trữ quốc gia cạn kiệt dần thì đến một ngày nó sụp đổ trên chính hệ thống đã tạo nên nó: sàn chứng khoán; kim bảng vị chỉ là một cơ chế khiến cuộc Đại khủng hoảng lan ra toàn thế giới, khi mỗi tờ tiền đại diện cho một số vàng nhất định trong ngân hàng, sáng kiến của chính phủ Anh trong thế chiến và sau đó phổ biến ra khắp nơi đã trở thành cơ chế phát tán virus khủng hoảng nhanh đến mức chóng mặt.

Đầu tiên, nông dân phá sản, đất đai cầm cố mà không sinh ra lương thực trong khi nhiều gia đình lâm vào cảnh phá sản. Phải mất hai năm nước Mỹ mới nhận ra mình đang thiếu lương thực trầm trọng, trong khi lương thực từ Tây Âu phải mất thời gian mới vượt biển Đại Tây Dương trước khi phân phối ra toàn lãnh thổ Hoa Kỳ; năm 1932 nạn đói kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ đã diễn ra. Chỉ trong vòng một năm, bảy triệu người Mỹ đã chết vì đói[8] gấp gần 4 lần người chết trong nạn đói Ất Dậu tại Việt Nam. Tại thành phố đại diện cho nền thịnh vượng nước Mỹ, New York, đã nhìn thấy người chết và người đói la liệt khắp thành phố; niềm thương cảm không đủ để giúp đỡ họ bởi khi đó chính quyền cũng không đủ tiền để phát súp miễn phí. Mặc cho hàng triệu con lợn đến giờ xuất chuồng, hàng triệu héc-ta lương thực đến giờ thu hoạch buộc phải thiêu huỷ bởi không thể bán rẻ hơn dưới giá thành sản xuất mà người dân lúc đó có thể mua. Nước Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia, nếm trải cảm giác ê chề của một sự giàu có trong nghèo nàn, tinh thần tự lực và khai hoang có từ thời mở cõi bừng lên trong nước Mỹ, đàn bà cùng đàn ông đứng dậy giữa những xác người và họ đòi hỏi phải kiến tạo lại quốc gia, chính quyền gạt đi những mặc cảm thời đại và chấp nhận thay đổi như giải pháp cuối cùng để cứu nước. Ở giai kỳ mà cảm tính lên ngôi, lòng thương cảm và trắc ẩn quốc gia chiến thắng lý trí lạnh lùng, đảng Dân Chủ được lòng người dân và Franklin Delano Roosevelt trở thành tổng thống thứ 32. Đó là một tổng thống tài ba, lèo lái con thuyền quốc gia qua cuộc đại khủng hoảng đến Thế chiến thứ hai; đó là một tổng thống chứng minh lý thuyết Keynes về vai trò của chính phủ vẫn hữu dụng, Keynes lan toả ra khắp địa cầu, được giới tinh hoa sùng bái như một vị thánh và người ta dễ dàng xem Adam Smith đã là quá khứ, những giá trị của tự do cổ điển không quyến rũ bằng tự do tân cổ điển; rõ ràng Adam Smith cũng không thuyết phục hơn Keynes từ ngoại hình, lối nói năng dí dỏm thông minh, đời sống quý tộc và thói lãnh đạm rất đặc trưng của người Anh.

Sau cơn Đại khủng hoảng, kinh tế học Keynes trở thành môn học chính thức ở nhiều quốc gia, cho đến giờ vẫn không nhiều thay đổi. Nhưng tại sao lý thuyết kinh tế của Keynes lại thành công trong cuộc đại khủng hoảng? 

KEYNES LÀ NHỮNG AI?

Từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhứt, Mỹ trở thành cường quốc và sau đó rơi vào đại khủng hoảng mười một năm sau đó; thì cũng Thế chiến thứ nhứt đã đưa một chàng trai kiêu ngạo nhất trường đại học danh giá lâu đời nước Anh, đại học Cambridge, từ một nhà kinh tế học nghiệp dư đến vị trí danh giá trong chính phủ, chàng làm cho Bộ Tài chính. Công việc thư lại cho chính phủ không đủ thoả mãn con người sinh ra từ tầng lớp tinh hoa của xã hội Anh quốc, phụ thân chàng là nhà kinh tế học – nhà logic học – và nhà giáo dục học kèm theo chân giáo sư đại học Cambridge; mẫu thân chàng tuy kém chồng ở địa hạt tri thức, nhưng bà lại có địa vị cao trong xã hội, Thị trưởng thành phố Cambridge. Chàng sinh năm 1883, cùng thời với Virginia Woolf (sinh năm 1882), nhưng cuộc đời của hai con người này sẽ tương phản như cách của một người Luân Đôn sống và một người Cambridge sống. Woolf sống trầm uất đến mức tự tử vì điều đó, nhưng Keynes lạc quan yêu đời đến mức “ngây thơ về chính trị” và Lenin xếp Keynes vào hạng “tư sản ngây thơ về chính trị nhất”. Woolf sống đời thiếu thốn đến mức nàng than vãn rằng, chỉ cần một ít tiền và căn phòng riêng để sáng tác; nhưng Keynes lại là số ít trong đám kinh tế gia vốn thường đội sổ về tài sản, lại sống đời sống quý tộc, nếu có thua, chắc Keynes chỉ thua mỗi David Ricardo về sự giàu có. Nhưng cả hai con người đó vẫn có vài điểm chung: Họ thông minh và uyên bác; nếu Woolf là ngôi sao sáng của nữ giới thời kỳ đó thì Keynes không chỉ bước chân vào ngôi trường danh tiếng Cambridge, mà chàng còn lọt vào nhóm những kẻ tinh hoa nhất đại học này, những kẻ tự phụ đến mức xem mình là giỏi nhất trong đám giỏi nhất. Điểm sáng cho Woolf là bà sống trọn đời với nghiệp văn chương, năm 1900 bà cho ra tác phẩm đầu tay của mình, thì Keynes vẫn còn chăm chỉ học và nghiên cứu linh tinh ở nhiều lĩnh vực từ triết học, toán học, tâm lý học và cả nghệ thuật. Keynes chỉ bước chân sang lĩnh vực kinh tế nhờ gợi ý của một nhà kinh tế tên tuổi khác thời đó, Marshall. Marshall gợi ý Keynes nên nghiên cứu thêm về kinh tế, chàng làm theo yêu cầu đó và chàng vượt xa khỏi ông thầy của mình đến mức trở thành nhà kinh tế học xuất sắc nhất thời đại. Cũng thật ngạc nhiên, khi biết Keynes có điểm số kém nhất là kinh tế học và toán học.

Keynes đã làm gì để đưa học thuyết về kinh tế của mình ảnh hưởng ra toàn cầu? Có lẽ Keynes sẽ chịu ơn cuộc Đại khủng hoảng. Đầu tiên, Keynes cho rằng kinh tế muốn phục hồi thì bọn hủ lậu làm ở Bộ Tài chính Anh lẫn Mỹ mất việc, ông cho rằng họ đã say khi uống quá liều thứ rượu cũ của những nhà kinh tế học cổ điển[9]; nghĩa là, Keynes cho rằng, vấn đề tạo nên khủng hoảng nằm ở lý thuyết kinh tế học cổ điển. Nên tiếp theo, Keynes tấn công vào học thuyết Kinh tế cổ điển, ông chia mũi tên mình về hai hướng và bắn vào hai hồng tâm của kinh tế học cổ điển: Một, ông không tin có mối quan hệ tự nhiên giữa tiền tiết kiệm và tiền đầu tư ở người dân hay doanh nghiệp như lý thuyết cổ điển, mà trái lại, ông tin chúng độc lập với nhau; hai, ông chế giễu niềm tin về mức lương và giá cả mặt hàng sẽ do thị trường quyết định hoàn toàn[10]. Cuộc đại khủng hoảng đã chứng minh mũi tên thứ nhất đã đúng, mũi tên thứ hai thì đến giờ vẫn còn tranh cãi. Nhưng chỉ như vậy đã đủ để lý thuyết kinh tế cổ điển là quá khứ, nhưng cần nói, lý thuyết kinh tế cổ điển này là một tập hợp nhiều lý thuyết riêng biệt trước Marshall như: Adam Smith, Malthus, Ricardo, John Stuart Mill v.v.

Khi chứng minh lý thuyết kinh tế cổ điển không còn phù hợp, Keynes đưa ra giải pháp của mình, và ông cất tiếng như cách mà Hamlet độc thoại nội tâm: Mọi sự trì trệ kinh tế đều do tổng nhu cầu về hàng hoá – dịch vụ thấp hơn tổng nhu nhập mỗi cá nhân hay gia đình[11]. Keynes lý giải, nếu hộ gia đình không mua hết nhu cầu mình cần thì doanh nghiệp sẽ sa thải nhân viên và cắt giảm sản lượng. Sự suy giảm kinh tế đến từ sự trì trệ trong sản xuất đó. Và ông ví những doanh nghiệp như những con tàu tiến ra biển, nó sẽ đắm nếu thiếu đi một ngọn hải đăng dẫn đường. Ai sẽ là ngọn hải đăng? Ai sẽ ngăn cản việc sụt giảm nhu cầu ở người dân? Ai sẽ hạn chế những con tàu đắm ngoài biển như cách mà doanh nghiệp phá sản?

Keynes nói: Chính phủ!
Giải pháp của Keynes rất giản dị: Mở rộng vai trò điều phối của chính phủ. Keynes viết:
Tôi bảo vệ (sự mở rộng của chính phủ)… vừa như là cách thực tế nhất tránh đi việc phá hoại toàn bộ doanh nghiệp kinh tế đang tồn tại và, vừa như là điều kiện để phát huy những sáng kiến cá nhân…[12]

Giải pháp của ông đã được tận dụng triệt để, nhiều đời chính phủ từ Mỹ đến Châu Âu đều xem quyển Lý thuyết tổng quát (The General Theory) như thánh kinh và ông là vị chúa tể cần lắng nghe. Thập niên 60, ảnh hưởng của Keynes như một hào quang soi sáng toàn thế giới, và người ta càng xem nó đúng đắn khi Ronald Reagan làm tổng thống, sự sụp đổ toàn khối Cộng sản Châu Âu. Từ đây, lý thuyết kinh tế tập trung của Marx đã hiển nhiên trở thành một sai lầm không được phép lặp lại. Lý thuyết của Keynes đã mang lại sự hưng thịnh cho nhiều quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Singapore; nhưng đồng thời nó cũng kéo dài sự trì trệ của những nền kinh tế đó. Phần lớn quan điểm Keynes đều tương đồng với Chủ nghĩa tự do cổ điển và bản thân ông cũng tin vào Chủ nghĩa tự do cổ điển, trừ vấn đề: Vai trò của chính phủ.

Từ sau Keynes, nhiều tông đồ thuộc phái của ông đã trở thành tầng lớp tinh hoa và kỹ trị, góp phần vào việc kiến tạo quốc gia thông qua chính phủ. Keynes không còn là tên cá nhân mà nó trở thành tên gọi chung chỉ những người theo trường phái này. Và vai trò của tầng lớp kỹ trị quý tộc đó đã bắt đầu chấm dứt ảnh hưởng từ thập niên 90, trước khi nó gây ra khủng hoảng hai mươi năm sau đó. Đó là lúc tượng đài Keynes bị tấn công.

TẤN CÔNG KEYNES.

Virginia Woolf mất năm 1941, trước khi nhìn thấy được cả thế giới văn chương nữ xưng tụng bà, kỹ thuật dòng ý thức phổ biến rộng rãi cũng nhờ Woolf, nữ quyền luận trở thành một lý thuyết chứ không dừng ở phong trào cũng nhờ Woolf; những năm đầu Thế chiến thứ hai, Luân Đôn bị tàn phá, Woolf chết ở Cambridge trong cơn trầm uất ở tuổi đời còn trẻ. Keynes cũng không khác gì, khi ảnh hưởng của ông lan rộng toàn cầu vào thập niên 60, thì ông không có dịp nhìn thấy nó; Keynes chết một năm sau Thế chiến thứ hai (1946); người được xưng tụng là “người cha phồn vinh sau chiến tranh” đã không có dịp nhìn thấy sự phồn vinh khi thế chiến vừa chấm dứt. Trải qua một cuộc thế chiến, người ta nhìn thấy hai tâm hồn vĩ đại của nước Anh ra đi vĩnh viễn.

Dù sao, trước khi chết Keynes cũng nhìn thấy chiến thắng của mình trước học thuyết Marx. Những dòng cuối cùng trong tác phẩm Lý thuyết tổng quát, ông viết:
Những ý tưởng của các nhà kinh tế học và các nhà triết học chính trị, cả hai, dù đúng dù sai, đều có sức mạnh to lớn hơn người ta thường nghĩ. Thực ra, thế giới được cai trị bởi một vài người khác. Những con người hành động thực tiễn, những người tin rằng bản thân họ hoàn toàn thoát khỏi bất kỳ ảnh hưởng tri thức nào, thường lại là nô lệ của một vài nhà kinh tế quá cố.[13]

Điều đó không chính xác lắm, vì thực tế, mô hình xã hội dân chủ hiện đại càng lúc càng có khuynh hướng xa rời tầng lớp kỹ trị, có lối sống nhung lụa và phán đoán bừa về xã hội, bỏ mặc sự lầm than của phần lớn con người bên dưới. Chẳng hạn như công ty tài trợ Quốc tế IFC, một công ty con của Ngân hàng Thế giới (World Bank), chuyên cung cấp tín dụng đầu tư cho các nước nghèo ở những quốc gia toàn trị hoặc bán toàn trị, lại là công ty cấu kết với đám tư bản thân tộc để đẩy những người dân nghèo ra khỏi mảnh đất lâu đời của họ và nhường nó lại cho những dự án mang tiếng là phát triển tư doanh cho các nước nghèo[14]. Điều này tương tự ở nhiều quốc gia, khi tầng lớp kỹ trị tự nhận mình là tinh hoa của xã hội, họp bàn ở những nơi sang trọng, mà không nhận ra những quyết định của mình sẽ gây lầm than bên dưới. Và ở Mỹ, người dân đã không còn tin tưởng vào tầng lớp chính trị gia chuyên nghiệp nữa, sau Bush con, người ta bỏ phiếu cho ứng cử viên da màu không nhiều kinh nghiệm chính trị như Obama và sau đó, họ bỏ phiếu cho một nhà kinh doanh đi làm chính trị có lối ăn nói bất nhất và bỗ bã, Donald Trump. Hơn nữa, nhóm thiểu số cai trị kia là nhóm thiểu số động, nó luôn bị thay thế hơn là cố định bởi vài khuôn mặt mốc như nhiều người vẫn nghĩ.

Và không có ảnh hưởng nào là vĩnh cửu, không có tri thức mới nào mà không kế thừa từ tri thức trước đó. Ảnh hưởng lên một cá nhân đôi lúc chưa hẳn là một cá nhân, mà có thể là một tập thể, nhiều ý tưởng cùng một lúc và thành thật mà nói, con người đôi lúc là sản phẩm của thời đại, hơn là sản phẩm của một cá nhân nào đó.

Tuy vậy, Keynes đã đúng khi nhận định rằng, ảnh hưởng của những kinh tế gia quá cố lên thời đại. Điều đó đặc biệt đúng với Keynes.

Sau Thế chiến thứ hai, một cuộc tấn công về lý thuyết lên Học thuyết Keynes, mặc cho những phản công mãnh liệt từ học trò của ông lẫn tín đồ của ông, nhưng sự phản công đó ngày càng yếu ớt dần bởi thực tế đã chứng minh Keynes sai.

Phát súng đầu tiên nã vào tâm điểm của Học thuyết Keynes là gì? Và của ai?

Trong vai trò của chính phủ, theo Keynes, chính là khả năng chi tiêu của chính phủ sẽ giúp tạo nên việc làm và tăng tổng sản lượng quốc nội (GDP). Như vậy, với Keynes, tiền không có ý nghĩa gì trong việc tăng trưởng kinh tế hay suy thoái kinh tế. Quan điểm ngây thơ đó được nhắc lại ở Việt Nam, thông qua một nhà chính trị không biết gì về kinh tế, Lê Duẩn, “Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại lạm phát mà sợ?”[15] Liệu Keynes có kém hiểu biết về tiền tệ như Lê Duẩn không? Chắc chắn không, chẳng qua Keynes xem thường yếu tố tiền tệ. Đó là lúc xuất hiện lý thuyết tiền tệ.

Người đã tấn công triệt để vào Keynes qua con đường tiền tệ, chẳng ai khác chính là môn đồ của trường phái Keynes, Milton Friedman, người sinh ra từ Keynes và lớn lên bằng tinh thần chống Keynes. Trí tuệ của Friedman không thua kém gì Keynes trong lối lập luận hùng hồn lên học thuyết Keynes. Chính Friedman, chứ không ai khác, chứng minh rằng, Keynes đã thiếu hiểu biết sâu sắc về tiền tệ.

Vậy Friedman đã nói gì về tiền tệ?
Trong tác phẩm Giả thuyết thu nhập bền vững (Permanent Income Hypothesis) của mình, Friedman nói rằng, tiền không phải là tờ giấy có giá trị mà chính giá trị mới là tiền, nghĩa rằng, sức mua của đồng tiền mới làm nên giá trị của đồng tiền chứ không phải những con số trên đồng tiền quyết định giá trị của nó. FED thì định nghĩa cơ học hơn, FED cho rằng, tiền bằng tổng tiền mặt ngoài ngân hàng với tiền mặt có trong tài khoản ký gửi không kỳ hạn[16].

Vậy làm cách nào các nhà tiền tệ cho rằng chính tiền tệ mới tác động lên tăng trưởng kinh tế mà không phải chi tiêu của chính phủ như Keynes nói?

Thực tế cho thấy, chính sách tài khoá trong giai đoạn kinh tế suy trầm không giúp ích nhiều cho tăng trưởng kinh tế, vì không phải lúc nào chi tiêu của chính phủ cũng làm cho dòng tiền chạy đến nơi nó cần, mà trái lại, bội chi ngân sách sẽ khiến nạn lạm phát dâng cao, người dân có xu hướng thắt lưng buộc bụng và nhu cầu sụt giảm, khiến hàng hoá dư thừa rẻ hơn mức sản xuất, kết quả khủng hoảng vẫn quay lại.

Các nhà tiền tệ thì cho rằng, chính vận tốc lưu chuyển dòng tiền mới làm thay đổi điều đó. Điều đó càng lúc càng đúng từ sau khi Keynes mất, rất may là ông không thấy chiến thắng của môn đồ mình, Friedman. Nghiễm nhiên, Friedman trở thành một biểu tượng chính của phe chủ nghĩa tiền tệ (monetarism). Nhưng ảnh hưởng của Keynes vẫn còn mạnh mẽ ở điểm, rõ ràng chi tiêu chính phủ có ảnh hưởng đến sự vận hành kinh tế thông qua chính sách tài khoá đúng đắn, đến giờ, không ít chính trị gia vẫn tin như vậy cho đến khi xuất hiện một cái nhìn khác về chính trị: Phe Lựa chọn công (Public Choice School).

Lựa chọn công tấn công Keynes.

Trước khi hiểu vũ khí mà Lựa chọn công đã dùng để tấn công Keynes, chúng ta cần biết họ là ai, họ nghĩ gì và họ tin điều gì. Thật kỳ lạ, họ là những khuôn mặt khá cũ, có trước khi cụm danh từ Lựa chọn công xuất hiện, cũ đến mức trở về thời đại bắt đầu lý thuyết kinh tế học thông qua ông tổ ngành học này: Adam Smith. Rồi lần lượt đến James Mill, Knut Wicksell và cả Mises lẫn Hayek. Nhưng nổi bật nhất trong phái Lựa chọn công không phải là những tên tuổi trứ danh kia, mà lại là một người thuộc tầng lớp bình dân, có tuổi thơ nghèo nàn đến mức khô héo cả tâm hồn, kinh tế gia James Buchanan.

Nước Mỹ từ thời lập quốc đến giờ vẫn phân đôi thành hai mảng văn hoá chính, bờ Đông và bờ Tây. Nên trí thức xứ này cũng theo đó mà chia, nhóm trí thức bờ Đông thường xuất thân từ những trường đại học lâu đời như Harvard, có tư duy liên đới đến nước Anh và cựu lục địa xa xôi bên kia bờ Thái Bình Dương, hiển nhiên là nên tự làm cho mình thành khác bằng giọng nói nuốt mất âm /r/ như ở New York; nhóm trí thức bờ Tây mang đầy đủ tinh thần khai hoang mở cõi, cục mịch nóng nảy nhưng chân thành, không cần đến lịch thiệp nhưng rất cần đến sự phóng khoáng, tạo nên phẩm chất bộc trực mạnh mẽ của xứ này. Buchanan có đầy đủ phẩm chất của bờ Tây, một óc quan sát nhạy bén, một thời sống kham khổ, tất cả để hun đúc cho một tài năng về kinh tế: Nhìn chính trị dưới nhãn quan kinh tế. Phái Lựa chọn công tin rằng, chính trị cũng chính là kinh tế, một kẻ làm chính trị thật ra là một doanh nhân chính trị. Nếu trước đó, mọi lý thuyết kinh tế dù mổ xẻ đến đâu thì nó vẫn dừng lại trước cánh cổng toà Bạch ốc; thì nay, phái lựa chọn công đi thẳng vào toà Bạch ốc, rẽ sang Toà nhà Quốc hội, tham quan luôn trụ sở những đảng phái chính trị và kết luận hùng hồn rằng, phía sau chính trị gia luôn là một doanh gia.

Chính Lựa chọn công đã chỉ ra khúc mắc kinh tế nằm ở những tập đoàn, doanh nghiệp đã phối hợp với nhau từ phía sau hành lang chính trị để làm nên những quyết sách chính trị. Phương trình kinh tế của Lựa chọn công chỉ ra, nếu chi phí đầu tư cho chính trị thấp hơn lợi nhuận có được từ một chính sách bảo hộ thì họ sẽ đầu tư để hình thành luật bảo hộ. Và kẻ làm chính trị cũng có chung một hoạt động với kẻ làm kinh tế ở chỗ, họ luôn cân đo đong đếm lợi ích, có lợi thì làm. Nếu ở nhà kinh doanh là, quyết định đầu tư; thì, ở chính trị gia sẽ là, thoả hiệp. Lựa chọn công đã vạch tấm màn chính trị, phô bày ra cái chính sách công tưởng chừng vô tư của chính phủ, thật ra là kết quả của những cuộc đầu tư kinh tế vào chính trị. Keynes té ngửa khỏi giảng đường, rõ ràng sự can thiệp của chính phủ vào thị trường chưa hẳn vì thị trường mà nhiều phần sẽ làm lợi cho ai đó. Lựa chọn công phê phán Keynes đã quá ngây thơ về chính trị.

Từ Lựa chọn công, người ta dễ dàng nhìn thấy sự trì trệ của Nhật Bản và Nam Hàn ngày nay về kinh tế. Với Nhật, đã áp dụng chính sách Keynes để tạo nên sự phát triển thần kỳ, sự phát triển đó kèm theo những tập đoàn được hậu thuẫn bởi chính sách kinh tế, cho đến khi nó quá lớn để tạo nên trì trệ kinh tế. Tương tự với Nam Hàn, những Chaebol đã trở thành lực cản trong cải cách kinh tế, như Samsung đã nhiều lần dùng tiền để tác động lên chính sách quốc gia tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Với Việt Nam là những tư bản thân tộc hay công ty quốc doanh thường xuyên can thiệp vào chính sách gây ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Chính phủ tự nhiên trở thành một thứ công cụ của kinh tế hơn là một nhà điều tiết thị trường, như Keynes đã nghĩ.

Nhưng từ đâu mà những lý thuyết kinh tế phát triển, cạnh tranh sức ảnh hưởng với nhau, trong cùng một thời kỳ? Đó là lúc chúng ta trở về với kinh tế học cổ điển, bắt nguồn vào giai đoạn mà nhiều nhà kinh tế học cùng tham gia vào ba cuộc chiến cùng một lúc: chống Marx, lý giải cuộc Đại khủng hoảng và gây ảnh hưởng đối với thời đại.

CƠN ĐẠI DỊCH MANG TÊN MARX.

Nếu thế kỷ XVIII được xem là thời đại lý tính lên ngôi, Voltaire như một tượng đài, sự kiêu hãnh đó chết theo cách mạng Pháp và nhường chỗ cho mầm mống của kẻ thù tư tưởng với Voltaire: J. J. Rousseau. Nếu Voltaire được nuôi dưỡng bởi giới trí thức hàn lâm, khoá chặt trong cung điện và ngai vàng, thì Rousseau được đón nhận bởi tầng lớp bình dân và đặc biệt là những bà mẹ một tay địu con trên ngực, một tay đọc Émile hay là về giáo dục.

Thì thế kỷ XVIII được dọn đường bằng ngục Bastille bị tấn công, đám người cách mạng giương cao biểu ngữ “tự do – công bằng – bác ái” để chấm dứt nền quân chủ chuyên chế, vua Louis XVI hiền lành bị chứng bí tiểu đã không thể thực hiện cải cách của mình với quốc gia, thật không may cho ngài là không làm vua ở Việt Nam hoặc chí ít, cũng sinh ra trong thời đại này, thì lỗi lầm của ngài có thể rút kinh nghiệm; nên ngài đã bị bêu đầu thị chúng, chấm dứt dòng dõi Bourbon. Hạt mầm của Rousseau đã gieo hơn chục năm trước đó, từ tầng lớp bình dân, đến lúc này nảy nở thành cây và sinh trái ngọt. Theo phong trào cách mạng Pháp, chủ nghĩa lãng mạn bừng sáng bởi sự lạc quan hồ hởi sảng, nó lan mạnh như cách mà đoàn quân Napoléon Bonaparte dẫm đạp lên toàn cõi Âu châu. Betthoven viết bản giao hưởng số 3 và dành tặng cho chàng trai cách mạng Napoléon, rồi khi chàng bước vào Nhà thờ Đức Bà đội chiếc vương miện đế vương, Beethoven vội vã xoá lời đề tặng và đặt tên bản giao hưởng này là Anh hùng ca (Eroica). Từ lạc quan tươi sáng trong giai đoạn tiền lãng mạn, chủ nghĩa lãng mạn nhanh chóng ủ dột như cách thức mà cuộc cách mạng Pháp đã tàn phá Âu châu, thời đại vua chúa đã qua đi, nhà thờ rời khỏi phạm vi của vương quyền và lui về thế tục, nền Cộng Hoà được thành lập trên tòan cõi Âu châu, quân chủ chuyên chế thay thế bằng quân chủ lập hiến, những quý tộc sống nhờ thái ấp của mình nay đã đổi thành những nhà đại tư bản. Cuộc cách mạng tư bản trỗi dậy, nó mạnh mẽ và cương quyết không thua gì cách mạng Pháp, nó nương theo cách buồn những thế kỷ trước đó và can thiệp vào chính trị để mang hàng hoá đến thuộc địa. Chủ nghĩa tư bản đã bắt tay cùng chủ nghĩa thực dân, máu và nước mắt người dân bản xứ nằm trong hàng hoá của những nhà tư bản, những nông dân rời khỏi mảnh vườn của mình và gia nhập vào thế giới kỹ nghệ sản xuất của tầng lớp công nhân nơi đô thị, những cột khói bốc lên và ổ chuột mọc lên. Nếp sống nền nã của Âu châu hai trăm năm trước lui dần bởi tình trạng đô thị hoá chóng mặt. Con người cần thời gian để chuyển hoá từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ tiểu thương đến nhà tư bản, từ nội địa đến đa quốc gia. Thời gian chuyển hoá đó đã gây những chấn động về mặt tâm hồn, hiện thực phô bày cảnh nhớp nháp trên đường phố London, khu ổ chuột mọc lên quanh khu chợ cá Paris, những bà mẹ phải kiếm tiền nơi nhà máy, thứ đã lấy đi công việc thủ công trước đó của bà và để lại những đứa trẻ lang thang trên đường phố. Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi thế giới này cần phải được mô tả một cách trung thực hơn, bởi nó quá khốn nạn và đồi bại. Những nhà tư bản hoá thân thành lão già kiết xu Scrooge trong đêm Giánh Sinh lạnh lẽo của Charles Dickens, bản chất tư bản chẳng khác những con ma trong cơn ám ảnh của Scrooge. Đó là lúc người ta cần đánh giá lại chủ nghĩa tư bản, liệu chủ nghĩa tư bản có làm biến chất con người, nó có phải là hiện thân của lòng tham, giai cấp có phải là vấn đề, ai mới là người chủ thực sự của của cải? Thời đại trả lời bằng cách sản sinh ra Marx.

Marx sinh ra ngay thời điểm chín muồi của thế kỷ XIX, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, dòng chảy electron đã sinh ra điện, không chỉ thắp sáng nước Mỹ, mà còn tiếp nối kỹ thuật cơ giới hoá trong sản xuất, hàng hoá không chỉ được vận chuyển bằng hoả xa mà nhờ phát kiến động cơ đốt trong sẽ tăng hiệu năng sử dụng năng lượng và xe hơi xuất hiện, kèm theo đó là đường sá trải rộng khắp quốc gia, lan từ đất nước này đến đất nước khác. Chưa dừng ở đó, lĩnh vực hoá học đưa ra phương thức chắt lọc dầu thô để tạo nên năng lượng, một thứ đang thiếu cho thời đại mà năng lượng là nguồn sống để phát triển công nghiệp. Thép không dừng ở đường ray xe lửa mà. nó còn nâng những toà nhà vượt khỏi không gian diện tích mà nâng lên chiếm lĩnh tầng không. Động lực học đã nâng máy bay vượt khỏi biển và chở theo con người. Một thời đại rực rỡ của kỹ nghệ, kế thừa thành quả đó không ai giỏi hơn những nhà đại tư bản, chỉ có họ mới đủ tiền chi cho phát kiến và chỉ có họ mới tận dụng những phát kiến một cách hiệu quả nhất nhằm sinh lợi. Tầng lớp mới xuất hiện: Tầng lớp tư bản. Tầng lớp công-nông không theo kịp với trình độ sản xuất mới, hoặc phá sản hoặc lui vào sản xuất nhỏ hơn, nhưng phần lớn trở nên nghèo đi trông thấy và trở thành một lực lượng bất mãn.

Marx sinh ra trong gia đình gốc Do Thái, có đời sống dưới mức trung lưu, tại Phổ. Chàng học luật nhưng có lẽ chàng cũng hơi nghiện rượu, điều đó khiến chàng không theo đuổi tốt ngành học, và như Trịnh Công Sơn nghiện rượu, chàng chuyển tham vọng từ luật sư sang triết học và thi ca. Phụ thân đại nhân của chàng khuyên chàng dừng ước mơ học giả, bởi nó sẽ khiến chàng không có đời sống đủ đầy, và như một người Do Thái chân chính, chàng từ chối lời khuyên của cha, và cũng như một người Đức chân chính, chàng chìm đắm trong thứ ngôn ngữ triết học được viết bằng mật ngữ của Hegel và Feuerbach. Chàng thành công bước đầu khi đậu học vị tiến sĩ với luận án dài ngoằn viết bằng ngôn ngữ Hegel, “Sự khác biệt giữa triết học tự nhiên của Epicurus với triết học tự nhiên của Democritus.” Với thành công đó, chàng nghiễm nhiên đứng vào hạng Hegel-tử, một chức danh danh giá cho thời đại mà Hegel lên ngôi ở Đức, và như mọi học trò ương bướng, chàng đi vào chống Hegel. Đó là lúc chàng quan tâm đến lịch sử. Phải mất nhiều năm, rồi chuyển đến Anh, ở một căn hộ nhỏ vừa, chàng nghiên cứu lịch sử, nhưng không thấy lịch sử mà chỉ thấy giai cấp, và chàng kết luận: Lịch sử là đấu tranh giai cấp. Tiện thể để kiếm cơm, chàng hợp tác với bạn thân Engels viết báo, và cũng nhân tiện chàng nghiên cứu kinh tế luôn. Chàng đọc Adam Smith, nhưng chống tư tưởng tự do kinh doanh của ông tổ ngành kinh tế học, chàng yêu thích Ricardo vì ngài có dự báo u tối như nhãn quan của chàng. Rồi chàng kết luận: Kinh tế phải tập trung trong tay nhà nước nhằm phân phối bình quân lợi tức tốt hơn. Ý tưởng xã hội đó thật tuyệt vời, chàng thấy vậy, do đó, chàng thực hiện hai công việc: Một, tiêu diệt nền sở hữu cá nhân thông qua tác phẩm Tư Bản Luận; và hai, đưa ý tưởng thành một giấc mơ vĩ đại nhất mọi thời kể từ lúc Plato còn bận mô tả giấc mơ về nền Cộng Hoà lý tưởng, đó là Chủ nghĩa xã hội khoa học[17]. Hai công việc của chàng thất bại trong đời chàng, nhưng được kế thừa xuất sắc bởi Lenin. Chính Lenin, chứ không phải ai khác, đã biến tư tưởng của chàng thành một chân lý và biến giấc mơ của chàng thành một cơn đại dịch càn quét thế giới từ Âu đến Á. Cho đến giờ, giấc mơ đó vẫn còn ở một quốc gia đông dân nhất mà người Việt nôm na gọi là Trung Quốc Mộng hay Dream Tàu. 

Chỉ trong vòng một thập kỷ sau khi Marx qua đời, tư tưởng Marx lan ra ¾ thế giới, sau thế chiến thứ hai nó cai trị phân nửa địa cầu và không ngừng lan toả đến cuối thập niên 80 thế kỷ rồi. Nhưng làm cách nào mà Cơn đại dịch mang tên Marx lại có sức lan toả mạnh đến như vậy? Nó đúng hay nó có sức quyến rũ? Tại sao không ít trí thức hàng đầu thế giới vẫn tin tưởng vào nó? Và mặc cho tư tưởng của nó ngày nay chỉ còn thoi thóp ở vài quốc gia, nhưng có nguy cơ trở lại với một hình hài khác?

Câu trả lời giản dị nằm ở hệ miễn dịch tư tưởng con người trong thế kỷ XIX. Đó là tình trạng chính phủ có vẻ bị thao túng và bắt tay với những nhà đại tư bản, bên dưới là một xã hội lầm than bởi sự phát triển quá nhanh của kỹ nghệ sản xuất, khiến nhiều người thuộc nền sản xuất cũ có hiệu năng kém cỏi bị đẩy ra khỏi quá trình sản xuất, tạo nên một tầng lớp phải làm thuê trên chính mảnh vườn của mình. Cộng thêm những phát kiến về tiền tệ và dịch vụ giúp lưu thông tiền tệ chưa xuất hiện, khiến nạn phân bố đầu tư đã không đến những nơi cần đến. Dân số tăng nhanh trong giai đoạn này cũng khiến áp lực lên lĩnh vực nông sản, hệ quả di dân gây áp lực lên quản lý xã hội, tư duy tranh giành nguồn tài nguyên thế giới cho phát triển công nghiệp dẫn đến cuộc chạy đua khai thác thuộc địa. Tất cả dẫn đến một màu sắc u ám và tàn bạo trong xã hội loài người. Nó được thêu dệt bởi những nhà văn vốn có đời sống bần hàn với tầng lớp lao động. Sự bất công được gieo vào đầu, con người trở nên bi quan trước sự phát triển công nghệ và chính phủ thường xuyên bị thao túng bởi quan hệ mua bán nơi hành lang chính trị. Điều đó tạo nên hệ mẫn cảm với tư tưởng cánh tả, vốn mô tả về một xã hội hài hoà mang tên tiến bộ, của cải được phân bố đều hơn, nạn cai trị tàn bạo ở xứ thuộc địa cần chấm dứt. Điều đó tạo điều kiện cho sự hình thành hạt nhân của Cơn đại dịch mang tên Marx: virus xã hội chủ nghĩa.

Virus này có ba đặc tính: Về kinh tế, nó chủ trương đường lối kinh tế tập trung nằm trong tay chính phủ; về xã hội, nó đẩy mạnh tinh thần đấu tranh giai cấp vì nó tin rằng điều đó giúp xã hội tiến bộ; về chính trị, nó dẫn đến tư duy toàn trị trên mọi lĩnh vực và không chấp nhận khác biệt. Hiển nhiên, tư tưởng Marx không hoàn toàn mang đặc tính trên, nhưng khi nó nằm trong tay chính trị gia thì nó phải có. Lenin tiêm nó vào huyết quản của nhân loại bằng phương pháp: Bạo động cách mạng. Đó là con đường ngắn nhất để tập hợp sự phẫn uất của số đông quần chúng vốn cần bánh mỳ hơn lời hoa mỹ chính trị.

Trong lúc virus này lan toả toàn cầu trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, như một phản xạ tự nhiên của loài người, xuất hiện hệ miễn dịch với nó. Người ta thử hai liều vaccine: Loại mạnh, mang tên Keynes; loại yếu, mang tên Mises. Keynes thắng trước khi nó gây ra tác dụng phụ. Và đó là lúc người ta tìm đến giải pháp mang tên Trường phái kinh tế học Áo.

TRƯỜNG PHÁI ÁO.

Những thầy thuốc theo phương thức cổ truyền có niềm tin rằng, “Thuốc giải có nơi nguồn chất độc.” Vài lần lịch sử chứng minh niềm tin đó đúng và với nạn dịch Marx, nó đúng, bởi thuốc giải nằm nơi biên giới miền Nam nước Đức, bên kia bờ biên giới là thành Vienna tráng lệ. Nói cho ngay, Marx là một thầy thuốc cố gắng chữa căn bệnh của thời đại, nhưng phương thuốc sai khiến Marx trở thành lang băm và đơn thuốc trở thành thảm hoạ. Nơi nào Chủ nghĩa Cộng sản của Marx đi qua và chiến thắng, nơi đó người giết người, hệ luân lý đổ vỡ, đạo đức suy đồi, kinh tế dần kiệt quệ, cai trị bởi những tên độc tài khát máu và nạn bưng bít thông tin như cách thức cai trị. Hàng trăm triệu người chết bởi chủ nghĩa này, đứng đầu là Liên Xô dưới thời Stalin và Tàu dưới thời Mao. Không chỉ vậy, khi chủ nghĩa này hiện thân là nguồn độc tố man rợ không kém chủ nghĩa phát xít, thậm chí có phần hơn, thì nó còn liên tục tạo ra chiến tranh để tranh giành ảnh hưởng. Phương Tây và Mỹ bắt đầu be bờ chống cộng. Đến giờ, chủ nghĩa Cộng sản do Marx tạo dựng nên khác xa hình hài ban đầu của nó, cuộc hôn phối lộn dòng sinh ra những quái thai dị tật như Bắc Hàn, Cu Ba, Việt Nam và Trung Quốc. Marx chắc chắn không công nhận đó là những đứa con sinh ra từ tinh thần của mình, nhưng chúng thì nhất quyết gọi hai tiếng phụ thân dành cho Marx. Nhưng nếu trở ngược về thời điểm cơn đại dịch này lan tràn ra thế giới suốt nửa thế kỷ, những năm đầu thế kỷ XX, miền Nam nước Đức đã có một cuộc chiến về tư tưởng kinh tế. Những kinh tế gia Đức sau Thế chiến thứ nhất, trong giai đoạn tái thiết quốc gia đã hình thành nhóm có khuynh hướng chính trị thiên tả, mà sau đó thành công nhất chính là Hitler. Để đối chọi với nhóm kinh tế gia này, ở Áo xuất hiện cuộc phục sinh lại những giá trị có từ thời Adam Smith vốn đã trở nên dị dạng sau mỗi lần lý thuyết kinh tế mới xuất hiện. Nhóm kinh tế gia Đức gọi nhóm kinh tế gia Áo là đám Trường phái Áo, gồm những trí thức kinh tế ở Vienna.

Cuộc chiến bắt đầu bởi Carl Menger, ông là một kinh tế gia có đầu óc sắc bén đến lãnh đạm, dù cả đời làm công việc giảng dạy ở Vienna và giáo dục hoàng hậu đến hoàng tử Áo. Công việc đó khiến Áo trở thành một quốc gia trung lập về sau như Thuỵ Sỹ và biến nó trở thành quốc gia khuynh hữu. Vậy, đóng góp của Menger vào Trường phái Áo này là gì?

Thật ra, Menger không đồng ý với cả Adam Smith lẫn Ricardo về chi phí sản xuất, thứ định vị cái gọi là giá cho một món hàng. Nhưng ông đồng ý rằng, giá cả sẽ do thị trường quyết định, không chỉ vậy, ông còn sâu sắc hơn để hình thành một lý thuyết quan trọng Thuyết giá trị. Nơi đó, Menger chỉ ra lợi ích trao đổi từ hai phía dựa trên cái khung giá trị hàng hoá trao đổi. Thực tế, Menger nhận thấy, kẻ bán bao giờ cũng muốn giá cao hơn và kẻ mua muốn giá thấp hơn trên một món hàng, nhưng Menger nhìn thấy những chuyển động khác nằm ngoài động cơ của kẻ bán người mua chính là thị trường. Thị trường bao gồm mọi thứ, kể cả tài nguyên và con người, nếu thị trường được tự do, nó mang lại lợi ích lớn cho cả kẻ bán lẫn người mua. Chẳng hạn, nếu tôi bán một cái bàn gỗ giá $10 tôi sẽ có lợi nhuận $2, nhưng khách hàng tôi lại muốn mua nó với giá $8 vì mức chi tiêu của họ cho một cái bàn chỉ ở mức đó; thị trường tự do sẽ giải quyết như sau, tôi sẽ tìm đến vùng sản xuất mới để có giá thành thấp hơn $10, tôi phải mang về một cái bàn dưới giá $8 để có sức cạnh tranh, nếu tôi thành công thì tôi sẽ có lợi nhuận trên $2 và khách hang sẽ mua cái bàn dưới mức $8. Trong quá trình thay đổi đó, tôi sẽ tìm mọi cách để hạn chế chi phí, tôi tìm đến quản trị hiệu quả, nếu không tìm ra vùng sản xuất mới thì tôi sẽ chuyển chiếc bàn tôi đến vùng thiếu gỗ để bán cho những ai có nhu cầu, và chính nhu cầu sẽ quyết định giá mặt hàng của tôi cao hơn $8. Thị trường càng rộng lớn càng tự do, thì người dân lẫn kẻ kinh doanh sẽ hưởng lợi từ việc buôn bán tự do. Nếu chính phủ can thiệp vào việc đó, họ định giá mặt hàng tôi phải bán dưới $8, người tiêu dùng hưởng lợi còn tôi thì phá sản; ngược lại, tôi sẽ giàu lên còn người tiêu dùng sẽ không mua, nếu đó là mặt hàng thiết yếu, thì đời sống của họ sẽ suy kiệt.

Chính Menger đã khai phá tư tưởng thị trường tự do làm nền tảng cho một loạt những nhà tư tưởng kế thừa sau đó, hình thành nên: chủ nghĩa tự do cổ điển, chủ nghĩa tự do cá nhân, đạo đức trong kinh tế v.v.

Nhưng tư tưởng đó của Menger không được đón nhận tại Âu châu, một phần vì bi kịch lầm than của người dân sau thời cách mạng công nghiệp lần thứ hai, một phần, vì chiến tranh, khiến tư duy họ trở nên khuynh tả. Họ đòi hỏi nhà nước phải can thiệp nhiều hơn vào giá cả, để lạm phát không xảy ra và để bánh mỳ rẻ hơn túi tiền, họ đòi hỏi công bằng bằng cách trợ cấp từ chính phủ phải nhiều hơn. Thời điểm đó, tư tưởng Menger được ủ mầm tại Vienna.

MISES XUẤT HIỆN.

Thế kỷ XX là một thế kỷ kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người, có thể nó chỉ là một trang sách trên tổng số trang sách kể từ lúc nhân loại có sử hoặc, cũng có thể nó chỉ ngắn bằng một dòng cước chú nếu ta tính từ lúc xuất hiện loài người; vậy mà nó là trang sử kỳ lạ phức tạp nhất mà chúng ta biết. Trong vòng 100 năm, vật lý đi từ những hạt nhỏ nhất đến phóng tầm nhìn vào vũ trụ bao la, thuyết tương đối xuất hiện cùng lúc với thuyết lượng tử, năng lượng liên kết của hạt nhân có sức công phá vượt khỏi trí tưởng tượng nhân loại; sinh học cho biết bên dưới mỗi chúng ta là thế giới kỳ diệu của DNA và di truyền học cho chúng ta biết chúng ta gần gũi với loài vật nhiều hơn chúng ta nghĩ; triết học trong một thời gian ngắn rã ra thành nhiều phong trào và nhiều trường phái; nghệ thuật cái mới chưa kịp cảm nhận thì nó sớm trở thành phong trào; chính trị đón nhận hai cuộc thế chiến kinh hoàng và hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ khác, điểm nóng chính trị chạy quanh địa cầu và loài người hướng theo như cách loài mèo vờn ánh sáng; trong kinh tế học xuất hiện hàng chục trường phái, lý thuyết tăng trưởng theo cấp số cộng, số lượng kinh tế gia gần như ngang ngửa triết gia; và hơn hết, nhân loại phải gánh chịu hai thảm hoạ: Phát xít và Cộng sản.

Cùng theo tư duy xã hội chủ nghĩa, Phát xít và Cộng sản cùng phát triển, chúng tranh giành ảnh hưởng khắp Châu Âu, trước khi lan sang Mỹ và nhiều thuộc địa. Trái với Cộng sản, chủ nghĩa Phát xít nảy nở trên chính quê hương của mình và thành công trên chính quê hương. Từ thời khắc đó, hai mươi năm đầu thế kỷ XX, nước Đức đã bằng cách nào mà dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa Phát xít lẫn vị lãnh tụ xuất thân thấp kém như Hitler? Tại sao người Đức hiền lành, yêu thi ca, làm việc cẩn trọng, sùng kính tri thức, lại trở nên cực đoan và khát máu trong thế chiến thứ hai? Tại sao những trí thức hàng đầu Đức quốc lại ủng hộ kẻ độc tài Hitler? Tại sao người Đức chấp nhận tinh thần bài Do Thái của hắn?

Muốn trả lời phải lui vào thời điểm những năm 20 thế kỷ trước, khi kinh tế Đức suy thoái vì không có thị trường cho sản phẩm, nền kinh tế nước này gặp vấn đề năng lượng và thiếu tài nguyên cho sản xuất mà nhiều nước khác đã khai thác ở thuộc địa. Đời sống công nhân Đức trở nên bấp bênh, thế giới hoàng kim của thế kỷ trước đã trở thành dĩ vãng, người Đức cảm thấy hổ thẹn với tổ tiên và đó cũng là lúc họ đòi hỏi năm điều quan trọng: kinh tế quốc gia cần được bảo vệ, đời sống cần lao muốn được bao cấp, tinh thần dân tộc cần phát huy, phải mở rộng thị trường ra thế giới trong hoàn cảnh thế giới nằm trong tay vài quốc gia, và sau cùng, chính phủ phải có vai trò lớn hơn những nhà tư bản.

Tư duy đó là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Cộng sản. Bởi người ta luôn tin rằng đấy chính là giải pháp cho vấn đề. Trái với chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Cộng sản còn thêm một mệnh đề quan trọng “giải phóng các dân tộc trên thế giới”, nên nó dễ được chấp nhận ở những nước thuộc địa.

Chủ nghĩa Phát xít đánh bật chủ nghĩa Cộng sản ngay tại Đức, trước khi nó dần chiếm lĩnh nước Đức, bầu không khí đó đã lan xuống miền Nam và tràn vào nước Áo. Một chàng trai trẻ sinh ra từ tầng lớp quý tộc Áo, lớn lên với những dự án đường sắt của cha, nghe ngóng tin tức thời sự nơi mẹ, cùng em trai sớm muộn gì cũng trở thành những trí thức tài năng của Vienna; bản thân chàng cũng không kém, chàng thông thạo tiếng Đức, nói được tiếng Ba Lan, giao tiếp với người Pháp, đọc hiểu văn tự Latin và nghe được tiếng Ukraina, từ năm… mười hai tuổi. Để chứng minh đời sống quý tộc, gia đình chàng cũng như nhiều gia đình quý tộc khác, họ chuyển đến Vienna, nơi chàng sẽ học và đắm mình trong học thuyết của Carl Menger. Khi chàng biết mình là cánh hữu, chàng tin vào học thuyết của Menger, cũng như truyền thống có từ Adam Smith và Ricardo, đó cũng là lúc chàng ngửi được mùi hương Phát xít từ Đức tràn xuống theo mùa Xuân. Chính chàng chứ không ai khác trong thời đại đã phát hiện độc tố từ xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập trung, vai trò can thiệp của chính phủ vào kinh tế, chủ nghĩa toàn trị, chủ nghĩa bảo hộ v.v. trong lúc Keynes vẫn còn bận bịu về lãi suất, tiền tệ, thuế má, xác suất và… một ít Cộng sản cho thi vị. Khi danh tiếng Keynes dần được định vị trên thế giới, thì chàng vẫn còn rung đùi trước những cơn gió chướng từ nước Đức. Chàng quyết định đứng dậy và làm một cuộc cách mạng chống lại cơn gió chướng trước khi nó trở thành cơn đại dịch. Chàng chính là Ludwig von Mises.

MISES TẤN CÔNG PHÁT XÍT VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

Nếu Keynes dành cả đời để tấn công chủ nghĩa Cộng sản thì Mises dành tuổi trẻ của mình để tấn công Phát xít. Những tác phẩm đầu tiên của Mises là dành cho Phát xít, mà thật ra là nền kinh tế mà chủ nghĩa Phát xít theo đuổi. Vũ khí của chàng và cũng là vũ khí trong tương lai của nhiều nhà kinh tế học theo Trường phái Áo, đó là chủ nghĩa tự do cổ điển, như thanh gươm Excalibur của Arthur; chàng sẽ dùng nó để tạo nên phương pháp luận để tấn công vào cả lập trường kinh tế lẫn xã hội của cánh tả. Đầu tiên chàng nghiên cứu tiền tệ, nhưng nó quá hàn lâm và học thuật cho kẻ ngoại đạo, chàng chuyển sang nghiên cứu mô hình nhà nước và đặc biệt là mô hình xã hội chủ nghĩa, nơi đó chàng đón nhận độc giả ngoài chuyên môn. Chàng nhận ra mình cần viết một quyển sách ngắn vừa, với ngôn từ giản dị, lý luận đủ sắc bén và tư tưởng đủ sức ảnh hưởng, chàng chấp bút Liberalismus (Chủ nghĩa tự do truyền thống) và nó được xuất bản lần đầu tiên năm 1927. Một tác phẩm kiệt xuất, nhưng rất tiếc thế giới bận bịu lắng nghe Keynes và hơn nữa, chàng lại viết bằng tiếng Đức và điều quan trọng nhất, danh tiếng chàng chưa đủ lớn để đám trí thức hàng đầu chịu lắng nghe. Mục đích chính của quyển sách là tấn công chủ nghĩa Phát xít và khôi phục lại tinh thần tự do như truyền thống có từ Adam Smith và Ricardo. Mục đích đó không thành công, vì chủ nghĩa Phát xít ngày càng lớn mạnh tại Đức và nó bị tiêu diệt bởi chiến tranh chứ không phải lý luận.

Phát xít qua đi thì Cộng sản tới, nhân loại đôi lúc nên vui vì cái ác không bao giờ chết, nhờ vậy mà loài người mới bớt dại hơn. Nhưng giá trị của quyển sách này một lần nữa lại không thành công, vì chẳng ai biết đến nó, Keynes đã làm thay Mises trong việc tấn công vào những thành trì của xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế vĩ mô và cả bằng chứng thực tại, nhưng chính Mises mới chĩa mũi dùi vào hồng tâm của chủ nghĩa xã hội kiểu Marx và tấn công trực diện vào tử huyệt của chủ nghĩa Cộng sản.

Mises tấn công bằng cách nào? Thông qua Liberalismus.

Bắt đầu chủ nghĩa tự do, Mises nhận ra tự do là một từ được được sử dụng như một ý đồ chính trị, do đó, Mises định nghĩa lại tự do theo cách mà những nhà kinh tế học cổ điển đã tạo nên. Hơn hết, Mises chứng minh rằng, chủ nghĩa tự do sinh từ kinh tế, chứ không phải sinh từ chính trị.

Từ đó, Mises nhấn mạnh tự do đã bị tấn công bởi những đảng phái chính trị bằng tư duy bài tự do, hoặc làm biến dạng tự do như một kẻ vô luật pháp thông qua văn học, chính xác hơn, Mises nhận thấy cỗ máy tuyên truyền của đảng phái đã khiến người dân hình thành não trạng bài tự do.

Để trở về truyền thống trước khi tự do bị làm biến dạng, Mises định vị chủ nghĩa tự do bằng những nền tảng: phải có sở hữu cá nhân, phải có tự do lao động, phải bình đẳng về pháp luật; và như vậy, Mises định nghĩa lại vai trò của chính phủ và nhà nước, tái khẳng định hệ thống dân chủ thông qua việc phê phán nạn sùng bái chính phủ của người dân Đức, xem chính phủ như thượng đế toàn năng trong mọi vấn đề của đời sống người dân. Chỉ nhiêu đó, Mises đã chấm dứt Phát xít và chàng dành chương kế tiếp để tấn công vào tử huyệt của chủ nghĩa Cộng sản.

Ở chương 2, Mises đưa ra nguyên tắc tự do kinh tế, từ đó tấn công vào những kẻ chối từ sở hữu cá nhân, những tư duy bảo vệ vai trò chính phủ trong việc quyết định tài sản cá nhân, nhấn mạnh can thiệp của chính phủ chỉ khiến vấn đề trở nên trầm trọng và hơn hết, chủ nghĩa xã hội chỉ là hoang tưởng. Toàn bộ dự đoán của Mises từ năm 1927 về những hệ quả sẽ xảy ra ở những quốc gia theo đuổi mô hình xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa toàn trị hay chủ nghĩa can thiệp; sớm muộn gì cũng dẫn đến nền kinh tế quốc gia bị thao túng bởi những tập đoàn độc quyền, nạn quan liêu hoá bén rễ trong bộ máy công quyền, đạo đức suy đồi và xã hội suy thoái nhanh chóng. Phương thuốc để điều trị mà Mises đưa ra rất giản dị: Hãy để kinh tế được tự do.

Chương kế tiếp, Mises đi ra khỏi phạm vi quốc gia và chính Mises là người tạo ra cả tư duy toàn cầu hoá lẫn nền hoà bình thịnh vượng. Mises gợi ý giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thông qua Hội Quốc Liên, là Liên hiệp quốc thành lập khoảng 30 năm sau đó; Mises gợi ý về hiệp chủng quốc Âu châu, và thế kỷ kế tiếp xuất hiện khối Liên Âu. Hiển nhiên, ý tưởng đó càng lúc càng khác đi so với thời điểm hiện tại, khi Liên Hiệp Quốc đóng vai trò bù nhìn nhiều hơn những vấn đề cần đến họ và Liên Âu đang tan rã theo từng năm.

Sau cùng, Mises tấn công vào các đảng phái chính trị lẫn cách thức mị dân của họ.

Ngày nay, với phương Tây, chúng ta đọc Liberalismus không phải vì những phân tích tấn công vào thành trì của Phát xít và Cộng sản, bởi nó đã chết thật sự ở phương Tây, và nếu còn, chỉ là chút dư âm của chứng cúm theo mùa; nhưng với Việt Nam, Liberalismus làm bùng vỡ những tư duy còn ngờ nghệch, những niềm tin ngây dại trước sản xuất kiểu hợp tác xã hay kiểm soát kinh tế, hoặc kinh tế thị trường vác theo cùm xích “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nói như vậy, thì liệu tác phẩm này có còn sức thuyết phục ở thời đại với phương Tây không? Một thế giới mà những điều Mises nói đã trở thành hiển nhiên? Vậy chúng ta nên nhìn vào biểu đồ bên dưới.


Biểu đồ đó[18] cho thấy tần suất những quyển sách có tên Keynes và Mises từ những năm 1920 – 2000, cho thấy ảnh hưởng Keynes trong cả lĩnh vực xuất bản lẫn học thuật vượt trội Mises và hơn nữa, Mises có khuynh hướng đi xuống vào cuối thập niên 90. Thật ra, Keynes đã mất dần ảnh hưởng từ thập niên 60 thế kỷ trước, nhưng những nghiên cứu về lý thuyết Keynes và cả tấn công Keynes vẫn diễn ra thường xuyên nhiều thập niên sau đó. Nhưng 18 năm gần đây, từ 1990 – 2008, vấn đề có thay đổi[19].
 

Từ những năm 1998, ảnh hưởng Keynes trong vấn đề học thuật có khuynh hướng giảm rõ rệt, lý do chính nằm ở cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu, bắt nguồn từ cuộc suy thoái của Nhật, vốn theo chính sách kinh tế của Keynes đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chạy đua tăng trưởng GDP. Nhưng đó cũng là lúc cả Mises lẫn Hayek có chiều hướng ổn định, vì đó là lúc mà người ta dè dặt tìm hiểu lại Trường phái kinh tế học Áo.

MISES “TẤN CÔNG KEYNES”

Bi kịch cho tác phẩm Liberalismus là nó được biết đến quá trễ, khi Keynes mất dần ảnh hưởng từ những năm 1960, thì đến 1962 mới có bản dịch Anh ngữ mang tên The Free and Prosperous Commonwealth. Bi kịch cho tác phẩm cũng đi kèm với cuộc đời Mises, vì chống Phát xít và cũng vì là người Do Thái, nên Mises cùng gia đình phải trốn khỏi Âu châu. Ngày mà Phát xít Đức tràn vào căn hộ của chàng thì ngày đó chàng đã cập bến cảng New York (1940)[20]. Để chứng tỏ nước Mỹ trân trọng giới trí thức, họ cho chàng một chân giảng dạy như một giáo sư thỉnh giảng ở Đại học New York cho đến khi chàng không còn đủ sức dạy thì chàng nghỉ hưu và không hưởng lương từ đại học[21]. Mặc cho nỗ lực truyền bá tư tưởng tự do cổ điển trên đất tự do, bên dưới pho tượng nữ thần Tự Do, thì nỗ lực đó không đáng kể là bao. Chàng ngày càng hao mòn sức khoẻ bởi tuổi già, khi người ta biết đến chàng thì tuổi xuân và nhiệt huyết của chàng chỉ còn lại trong tác phẩm. Chàng mỉm cười và nhắm mắt ở tuổi 92, khi hàng loạt tư liệu của chàng lên đến 20,000 trang lưu trữ trang trọng ở Grove City College, những học trò của chàng cầm lấy thanh gươm của chàng và đứng dậy, theo đuổi lý tưởng của thầy. Wilhelm Röpke và Alfred Müller-Armack trở thành cố vấn kinh tế cho chính phủ Đức, Jacques Rueff là chuyên gia tài chính cho chính phủ của Charles de Gaulle, Gottfried Haberler trở thành giáo sư đại học Harvard nơi sẽ tiếp nối truyền thống tư tưởng Trường phái kinh tế Áo, Luigi Einaudi trở thành tổng thống Ý, Leonid Hurwicz và F. Heyek lần lượt nhận giải Nobel về kinh tế. Ảnh hưởng của Mises không dừng ở đó, nó còn lan đến thành phần ngoài kinh tế học như, Leonard Read người sang lập Quỹ giáo dục kinh tế, nhà phê bình văn học Henry Hazlitt, triết gia Max Eastman, học giả Sylvester J. Petro, và văn sĩ Ayn Rand. Đó là lúc tư tưởng chàng tấn công Keynes.

Liberalismus bác bỏ những đồ thị ngoằn ngèo của kinh tế vĩ mô, nó nhấn mạnh vai trò mỗi cá nhân và nhu cầu của họ trong việc chi tiêu cho một món hàng, nói cách khác, nó đề cao vai trò kinh tế vi mô trong nghiên cứu hành vi tiêu dùng, chính nó đã tạo nên ý tưởng quan trọng cho Lý thuyết tiền tệ và lĩnh vực Marketing về sau. Lý thuyết tiền tệ đã chiến thắng Keynes về quan điểm dòng tiền lưu thông có ảnh hưởng đến GDP hay không.

Liberalismus nhấn mạnh vai trò của chính trị gia góp phần đến chính sách tài khoá, ảnh hưởng lên thị trường và làm lợi cho một vài nhóm lợi ích đã tác động lên chính sách, nó là nguồn cảm hứng cho phái Lựa chọn công xuất hiện, nó làm sâu sắc hơn cái nhìn về chính trị bằng nhãn quan kinh tế.

Không chỉ vậy, Liberalismus đưa ra ý tưởng về mô hình chính phủ ít can thiệp thông quan giải pháp từ ý nguyện của một vài nhóm người trong điều hành xã hội, thứ mà ngày nay chúng ta gọi là xã hội dân sự. Xã hội dân sự đã phát triển mạnh và tiếm quyền điều hành quốc gia của chính phủ theo chuyên môn mà họ có, rõ ràng tổ chức từ thiện cá nhân hiệu quả hơn từ thiện chính phủ bởi họ luôn biết ai cần đến sự giúp đỡ của mình, tổ chức giáo dục cá nhân biết cách trao học bổng cho những tài năng xuất chúng hơn là ban bố bừa bãi từ chính sách tài khoá.

Liberalismus đưa ra viễn cảnh về xã hội nơi sự cạnh tranh kinh tế hình thành nên chuẩn mực đạo đức cao hơn trước, điều này ngày càng được chứng minh ở những xã hội có mô hình kinh tế ngày càng tự do.

Rõ rang, Liberalismus không chỉ đơn thuần là một tác phẩm chống Phát xít và Cộng sản, mà nó còn khơi nguồn ý tưởng cho những giải pháp chính trị tương lai.


KẾT.

Chủ nghĩa Cộng sản thất bại không phải vì Keynes đã chiến thắng và, Keynes thất bại không phải vì hai phát kiến quan trọng sau đó, lý thuyết tiền tệ và phái lựa chọn công; mà vì họ đã quên lịch sử. Mises cùng trường phái Áo chỉ ra, Cộng sản thất bại vì tự thân nó không thể đứng vững về kinh tế, có hay không có Keynes, chủ nghĩa Cộng sản vẫn thất bại về kinh tế; tương tự với Keynes, lý thuyết trọng yếu của Keynes thất bại vì coi thường hai yếu tố: tiền tệ và chính trị. Cho đến giờ, trường phái kinh tế học Áo mà dẫn đầu là Mises và Hayek vẫn bước vào buổi bình minh của nó, nó sẽ còn tham gia vào cuộc chiến kinh tế với những lý thuyết gia trong tương lai, như cách mà lịch sử 100 năm kinh tế học trở lại đây đã diễn ra. Mặc cho ảnh hưởng Keynes vẫn còn dư âm trong những cái đầu già cỗi, cho đám trí thức tự nhận mình là "tinh hoa của bờ Đông" không muốn chối từ ảnh hưởng lịch sử của Keynes thì đó cũng là lúc trường phái kinh tế học của Áo hồi sinh một lần nữa. Thế giới ngày nay gặp nhiều vấn đề hơn, giải pháp của họ không phải lúc nào cũng hiện hữu, mà nó cần được đi tìm, thói quen tổ tiên loài người đã dạy cho chúng ta rằng, hãy tìm lại những lời khuyên cũ nơi chứa mầm ý tưởng cho những lời khuyên mới hơn. Hiển nhiên, nội dung này chỉ mang tính khái quát, tôi viết dành cho đối tượng ngoài chuyên ngành kinh tế học và lịch sử kinh tế , thực tế tôi đã bỏ qua nhiều lý thuyết kinh tế, nhiều phong trào, những cuộc chiến trá hình bên dưới mỗi chính phủ, những cuộc vận động hành lang trước thềm bầu cử tại Mỹ và chắc chắn, tôi đã bỏ sót nhiều tên tuổi kinh tế gia quan trọng thời đại này. Nhưng điểm chính của quyển sách là làm nổi bật vai trò của Keynes và trường phái kinh tế Áo trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng đối với thời đại. Tôi mong nội dung này cần thiết cho bạn đọc Việt Nam.

Tiếc rằng ở Việt Nam vẫn còn trong vòng nô lệ của một chủ thuyết lỗi thời, mang mầm bệnh của một căn bệnh không phải là nan y với thế giới, chúng ta là kẻ sống sót hiếm hoi khi đại dịch Marx tràn qua. Dù nó để lại những thương tật trong tâm hồn người Việt, hôm nay và mai sau, nó ngăn dòng nước và chia rẽ chủng Việt, nó khoét sâu những đau thương từ lịch sử, nó khiến những người công an trở thành công cụ chống lại đồng bào mình, nó biến chất kẻ có hoài bão thành tham vọng hèn hạ. Tôi viết dẫn nhập này cho người Việt, với hy vọng tương lai không xa, thế hệ lãnh đạo tương lai đừng dại dột quên đi những bài học lịch sử kinh tế đã xảy ra trên thế giới, dù bản thân người viết thuộc trường phái kinh tế học của Áo, nhưng tôi vẫn nhắc các bạn rằng, kinh tế học là bộ môn không bao giờ nhìn đó bằng con số như toán học hay vật lý học. Nó huyền bí như cách thức mà tâm hồn chúng ta tồn tại.

Hãy đọc nó, Liberalismus, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ cùng đất nước này tìm ra giải pháp cho những vấn đề của quốc gia.
ICiệt.
Tháng 5, 2017. Saigon.


Tư liệu tham khảo chính:

Luwig von Mises:
-          Chủ nghĩa tự do truyền thống, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri Thức.
-          https://mises.org
-          Economic Freedom and Interventionism [1990], theo link: http://oll.libertyfund.org/titles/mises-economic-freedom-and-interventionism
Hayek:
-          Đường về nô lệ, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Vô Danh, 2016.
-          Hayek on Hayek: an autobiographical dialogue, By Friedrich August Hayek, Routledge, 1994
-          Prices and Production, (London: Routledge, 1931).
Todd G. Buchholz:
-          Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối, NXB Tri Thức, 2007.
Niall Ferguson:
-          Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới, NXB Hồng Đức, 2016.
Nguyễn Xuân Nghĩa:
-          http://dainamaxforum.com
Trần Đĩnh:
-          Đèn cù, NXB Người Việt.
Các sách khác:
-          A. J. Tebble, F.A. Hayek, Continuum International Publishing Group, 2010.
-          Những tiểu luận về chính quyền, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Vô Danh, 2016.
-          Những Đỉnh Cao Chỉ Huy - Cuộc Chiến Vì Nền Kinh Tế Thế Giới, Daniel Yergin và Joshep Stanislaw, Phạm Quang Diệu dịch, NXB Tri Thức, 2008.
-          Hành trình khám phá thế giới triết học phương Tây, William F. Lawhead, NXB Từ điển bách khoa, 2012.
-          U.S. investments abroad (U.S. Bureau of the Census 1975, series U26); Foreign investments in the U.S. (U.S. Citation: Rockoff, Hugh. “US Economy in World War I”. EH.Net Encyclopedia, edited by Robert Whaples. February 10, 2008.
-          Keynes, The General Theory, CW, Vol.7
-          www.infowars.com/researcher-famine-killed-7-million-in-us-during-great-depression/
-          Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ, John Maynard Keynes, NXB Giáo Dục, 1994.





[1] Theo: https://www.va.gov/opa/publications/factsheets/fs_americas_wars.pdf
[2] Theo Carlos Lozada: http://www.nber.org/digest/jan05/w10580.html
[3] Như trên.
[4] Theo: Butler, Smedley (1935). War Is a Racket. Los Angeles: Feral House.
[5] Theo: U.S. investments abroad (U.S. Bureau of the Census 1975, series U26); Foreign investments in the U.S. (U.S. Citation: Rockoff, Hugh. “US Economy in World War I”. EH.Net Encyclopedia, edited by Robert Whaples. February 10, 2008. URL http://eh.net/encyclopedia/u-s-economy-in-world-war-i/)
[6] Theo: http://eh.net/encyclopedia/u-s-economy-in-world-war-i/
[7] Tu chính án hiến pháp này bị loại bỏ bởi tu chính án số 21, năm 1933, trong giai đoạn kiểm soát đại khủng hoảng.
[8] Theo: https://www.infowars.com/researcher-famine-killed-7-million-in-us-during-great-depression/
[9] Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối, Todd G. Buchholz, NXB Tri Thức, trang 307.
[10] Sđd, trang 309-312.
[11] Sđd, trang 312.
[12] Keynes, The General Theory, CW, Vol.7, p.380.
[13] Sđd, trang 327.
[14] Theo: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/humand-rights-and-development-nxn-03222017135421.html
[15] Theo Đèn Cù, Trần Đĩnh.
[16] YTMTCKTGTB, trang 332.
[17] Đây là từ mà Marx dùng cho mô hình xã hội chủ nghĩa của mình, nhằm phân biệt chủ nghĩa xã hội đã có trước đó.
[18] Theo: Google Books            Ngram Viewer cho John Maynard Keynes, Ludwig von Mises.
[19] Theo: Google Books            Ngram Viewer cho John Maynard Keynes, Ludwig von Mises, Friedrich Hayek.
[20] Hülsmann, Jörg Guido (2007), Mises: The Last Knight of Liberalism.

3 comments: