April 25, 2017

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên – Những quân bài trong tay Mỹ


Charles Krauthammer

Phạm Nguyên Trường dịch

Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên là có thật và đang gia tăng…



Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong hơn một chục năm qua, tại sao bây giờ người ta mới tỏ ra hốt hoảng? Bởi vì Bắc Triều Tiên đang nhắm tới cuộc bứt phá trong lĩnh vực hạt nhân. Chế độ này công khai tuyên bố rằng họ đang chạy đua nhằm phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có thể bắn tới Mỹ - và do đó, phá hủy bất cứ thành phố nào của Mỹ - chỉ cần Kim Jong Un ấn nút là xong.

Bắc Triều Tiên không nói dối. Họ đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chế tạo tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, tức là loại tên lửa có thể triển khai nhanh hơn và do đó, dễ dàng cất dấu hơn, làm cho kẻ thù khó phát hiện hơn, có thể thực hiện cuộc tấn công phủ đầu.

Đồng thời, Bình Nhưỡng liên tục phát triển kho vũ khí hạt nhân. Hiện nay nước này có khoảng 10 đến 16 đầu đạn hạt nhân. Đến năm 2020, họ có thể có 100. (Để so sánh: Anh được cho là có khoảng 200).

Đấy là lý do xảy ra khủng hoảng. Chúng ta không thể chấp nhận việc Kim Jong Un có khả năng hủy diệt các thành phố của Mỹ.

Một số người đòi thực hiện chính sách ngăn chặn. Nếu chính sách này đã ngăn chặn được Nga và Trung Quốc trong suốt từng ấy năm, thì tại sao không áp dụng với Bắc Triều Tiên? Thứ nhất, chính sách ngăn chặn - ngay cả với kẻ thù có tư duy duy lí như Liên Xô - không phải bao giờ cũng chắc chắn thành công. Tháng 10 năm 1962, chúng ta đã tiến đến rất gần cuộc chiến tranh hạt nhân. Và thứ hai, Bắc Triều Tiên là chế độ cực kỳ quái đản, một đất nước khép kín, do một kẻ bất thường, cực kì tàn nhẫn, và thất thường cai trị. Không thể tin được Caligula (tức Gaius Julius Caesar Augustus Germanicus, Hoàng đế La Mã thứ ba, trị vì từ năm 37 đến năm 41 Công nguyên. – ND). Đây là chế độ hoang dã, chẳng khác gì một giáo phái, nhân dân là những con robot. Karen Elliott House từng nhận xét rằng, nếu Iraq của Saddam Hussein là một nhà tù, thì Bắc Triều Tiên là một tổ kiến.

Tổ kiến thì không có cơ chế kiểm soát và đối trọng.

Nếu không ngăn chặn được thì phải phòng ngừa. Nhưng, bằng cách nào? Hy vọng lớn nhất là Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng và buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trung Quốc đã thể hiện thái độ trong suốt nhiều năm, nhưng họ chưa bao giờ làm bất cứ việc gì, dù chỉ có một chút xíu tính quyết định. Họ có lý do để không làm. Đấy không chỉ là họ sợ dòng người tị nạn lớn sẽ tràn sang, nếu chế độ nhà Kim tan rã. Mà còn vì Bình Nhưỡng là cái dằm chọc mãi vào mắt người Mỹ, trong khi, nếu chế độ này sụp đổ thì Hàn Quốc (và do đó, Mỹ) sẽ tiến tới Áp Lục giang.

Tại sao lần này Trung Quốc phải ra tay?

Có mấy lý do.

● Họ không muốn giảm căng thẳng, nhưng cũng không muốn chiến tranh. Nguy cơ chiến tranh đang gia tăng. Họ biết rằng Mỹ không bao giờ chấp nhận bị đe dọa tấn công bằng tên lửa hành trình. Và chính quyền hiện nay dường như đặc biệt quan tâm tới việc buộc Bắc Hàn không được vượt qua “đường ranh đỏ” không được công bố này.

● Việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực nhằm chống lại vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ gây những thiệt hại nghiêm trọng đối với lợi ích của Trung Quốc. Hàn Quốc đang thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (Terminal High Altitude Area Defense - THAAD). Nhật có thể cũng làm theo. Nhiệm vụ chiến lược của THAAD là theo dõi và bắn hạ tên lửa được phóng đi từ Bắc Triều Tiên, nhưng, tương tự như tất cả các hệ thống lá chắn tên lửa nào khác, chắc chắn là nó sẽ làm giảm sức mạnh và khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương mà kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện đang có.

● Đối với Trung Quốc, không làm gì có thể dẫn tới nguy cơ là Mỹ mang kho vũ khí chiến thuật trở lại Hàn Quốc – năm 1991, kho vũ khí đã bị rút ra khỏi Hàn Quốc.

● Nếu cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm, có khả năng là Hàn Quốc và, quan trọng hơn nữa, Nhật Bản cũng sẽ tự sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhật Bản sẽ là cơn ác mộng khủng khiếp nhất đối Trung Quốc.

Đấy là những át chủ bài mà Mỹ có thể rút ra. Mục tiêu của chúng ta phải rõ ràng. Tối thiểu, chấm dứt các cuộc thử nghiệm. Tối đa, thay đổi chế độ.

Vì Bắc Kinh đặc biết quan tâm tới việc giữ nguyên chế độ hiện hành, chúng ta có thể làm cho lời đề nghị thứ hai trở thánh dễ nuốt bằng cách từ bỏ ý tưởng về thống nhất đất nước. Đây sẽ không phải là nước Đức, nhà nước cộng sản ở Đức đã bị Tây Đức nuốt chửng. Chúng ta sẽ chấp nhận Bắc Triều Tiên là nước độc lập, nhưng ở vào địa vị như Phần Lan (Phần Lan hóa là quá trình, theo đó, một quốc gia hùng mạnh có tác động mạnh đến các chính sách của một quốc gia láng giềng nhỏ hơn, trong khi cho phép nó giữ được nền độc lập và hệ thống chính trị của riêng mình. Thuật ngữ này có nghĩa là “để trở nên giống như Phần Lan” đề cập đến ảnh hưởng của Liên Xô lên các chính sách của Phần Lan trong cuộc Chiến tranh Lạnh - ND)

Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Phần Lan, theo thoả thuận, là nước độc lập nhưng luôn luôn ủng hộ các chính sách đối ngoại của nước Nga. Ở đây chúng ta sẽ đảm bảo rằng Bắc Triều Tiên mới sẽ là nước độc lập, nhưng luôn luôn hướng về phía Trung Quốc. Ví dụ, chế độ mới sẽ hứa không bao giờ tham gia bất cứ liên minh thù địch nào.

Cần phải đàm phán. Đàm phán có thể phải được củng cố bằng việc thể hiện lòng quyết tâm của Mỹ. Cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên và vị trí đặt tên lửa của nước này sẽ là quá nguy hiểm, làm như thế gần như chắc chắn sẽ gây ra cuộc xâm lăng Hàn Quốc với hàng triệu nạn nhân. Nhưng, chúng ta có thể tìm cách bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên, trong khi nó đang bay để chứng minh cả khả năng của mình trong việc tự vệ và sự phù phiếm của lực lượng tên lửa của Bắc Triều Tiên, lực lượng này có thể bị vô hiệu hoá về mặt công nghệ.

Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên là có thật và đang gia tăng. Nhưng chúng ta không phải là những người bất lực. Chúng ta có một số lựa chọn. Chúng ta có lực lượng và phương tiện. Đã đến lúc triển khai sức mạnh của chúng ta.

Tôi đang quyên góp 500 USD để in bản dịch tác phẩm Chủ nghĩa cộng sản của Richard Pipes. Xin cám ơn. Bạn có thể ủng hộ qua Patreon https://www.patreon.com/phamnguyentruong
            

Nguồn washingtonpost.com

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo



No comments:

Post a Comment