Tương lai của tự do, do NXB Giấy vụn ấn hành năm 2017
Chúng TÔI XIN phép được giới thiệu Tương Lai của Tự Do (The Future of Freedom) của Fareed Zakaria được chuyển sang Việt ngữ bởi Nguyễn Thành Nhân, một dịch giả uy tín hiện nay, và được xuất bản bởi Giấy Vụn.
Tương Lai của Tự Do là cuốn sách phải đọc cho những ai quan tâm đến hiện trạng và tương lai chính trị Việt Nam – nhất là các người tranh đấu cho dân chủ. Khi đã nắm vững nội dung của cuốn sách này, hy vọng là người đọc sẽ không còn suy nghĩ về chính trị, về tự do và dân chủ như khi chưa đọc nó. Tư duy chính trị của phần lớn các thành phần năng động của người Việt thường đi theo thói quen suy nghĩ với những mệnh đề mang nặng tính khẩu hiệu, thuần mơ ước và thiếu cơ sở bằng chứng. Tương Lai của Tự Do sẽ chấn chỉnh lại nề nếp suy tư lỗi thời đó.
Ở đây, chúng tôi muốn tóm tắt những luận đề chính của Zakaria và từ đó cố gắng đặt những luận cứ lịch sử và chính trị của cuốn sách vào bối cảnh Việt Nam hiện nay. Zakaria muốn nói gì?
Nhân loại đang cùng nhau bước vào thời đại dân chủ. Ai ai, ở đâu cũng biết đến điều này. Dân chủ là ước vọng hoàn vũ và phổ quát, là lý tưởng và cứu cánh của một nền văn minh. Thế kỷ XX đã được đánh dấu bằng cao trào dân CHỦ CHỐNG LẠI và chiến thắng các học thuyết chính trị khác. Ngay cả những nhà lãnh đạo độc tài, những chế độ hà khắc cũng nhân danh dân chủ nhằm biện minh cho chính sách và đường lối của họ. Khi nói đến dân chủ, chúng ta hầu hết đều nghĩ đến những khái niệm quen thuộc như quyền lực thuộc về nhân dân, chính quyền do dân và vì dân, và những điều kiện cơ bản như đa số quyết định, phổ thông đầu phiếu. Đó là những tiền đề chính trị. Thế giới không những chỉ vươn lên theo cao trào dân chủ như là một định hướng chính trị, mà hơn nữa, dân chủ đã phát huy cao rộng hơn là các định chế công quyền. Dân chủ là một văn hóa xã hội, bao gồm hết mọi phương diện sinh hoạt của nhân loại.
Tuy nhiên, Zakaria nhấn mạnh, dân chủ không phải là tự do. Dân chủ là một trong những điều kiện cho tự do. Tự do mới là cứu cánh của chính trị và văn minh. Dân chủ chỉ là phương thức để đạt được cứu cánh này. Dân chủ và tự do tương tác lẫn nhau. Tự do là nội dung; dân chủ là thể thức. Tự do cần có dân chủ; nhưng dân chủ có thể tước đoạt tự do. Và không như quan điểm phổ thông về vấn đề này vốn cho rằng dân chủ là điều kiện cần có trước khi có tự do; trái lại, tự do mới là điều kiện thiết yếu và cần có cho một nền chính trị dân chủ bền vững và hữu hiệu. Nói khác đi, tự do thiết lập nền tảng khả thi cho dân chủ. Lịch sử trong suốt thế kỷ qua đã chứng minh rằng đã có những lúc cao trào dân chủ đã đem đến đàn áp, truy bức, chiến tranh và nhiều thảm họa khác. Dân chủ là con dao hai lưỡi. Từ dân chủ đẻ non của lãnh thổ Gaza của dân Palestine ở đầu thế kỷ XXI này đến dân chủ trong bối cảnh tâm lý cuồng nộ của xã hội Đức ở thập niên 1930-40, hai trường hợp điển hình, đã đem hai dân tộc đó vào những khúc quanh đầy thảm họa với hậu quả khôn lường. Và đây là thông điệp chính của Tương Lai của Tự Do mà Fareed Zakaria muốn chuyển đạt.
Tương Lai của Tự Do là một cuốn sách quan trọng. Trên lãnh vực lý thuyết, Zakaria đã phân định rõ rệt để người đọc không nhầm lẫn giữa hai phạm trù cơ bản: dân chủ đối lại tự do. Tự do (liberty) là tinh hoa, là yếu tính của dân chủ (democracy). Có những quốc gia thiếu dân chủ, ví dụ Singapore, nhưng nhân dân được sống trong một mức độ tự do cao hơn một vài quốc gia dân chủ khác, ví dụ Ấn Độ. Vậy tự do, theo Zakaria là gì? Tự do là một sự kết hợp giữa thể thức bầu cử tự do, trong sạch dựa trên nền tảng pháp trị (the rule of law), chế độ tam quyền phân lập, tự do đảng phái, hội đoàn, ngôn luận, báo chí, tôn giáo, tài sản tư nhân, tôn trọng quyền cơ bản của thiểu số, nhân quyền và dân quyền, và sự trưởng thành của xã hội dân sự. Tất cả những yếu tố tự do này kết hợp nên một nền dân chủ hiến pháp tự do gọi là “constitutional liberalism,” tạm dịch là “tự do hiến định.” Tự do hiến định hay lập hiến, theo Zakaria, không phải là nội dung thiết yếu của dân chủ. Hai vế này không hẳn là luôn cùng đồng hành. Nhìn lại trường hợp Hitler đã được bầu làm quốc trưởng (chancellor) của Đức quốc từ một cuộc bầu cử tự do. Về phía Tây phương trong suốt nửa thế kỷ qua, tự do và dân chủ đã được đồng quy lại trong thể chế gọi là “liberal democracy” (“dân chủ tự do” hay “dân chủ cấp tiến”), nhưng cho đến hôm nay, khi nhân loại bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tự do và dân chủ đang tự phân rẽ và tách rời nhau. Dân chủ đang đi lên; tự do đang đi xuống.
Điều này có nghĩa là gì? Zakaria nhấn mạnh rằng “tự do hiến định” đi xa hơn là dân chủ. Trong khi dân chủ nhằm vào thể thức thiết lập chế độ chính trị và thể chế chính quyền, tự do hiến định là mục tiêu và cứu cánh của thể chế. Đây là một trạng thể tự do, vốn là một truyền thống lâu đời của văn minh phương Tây, nhằm bảo vệ nhân phẩm con người trên cơ sở cá nhân đặc thù chống lại sự áp chế từ xã hội, từ quốc gia, thể chế, tôn giáo đa số. Tự do hiến định bao gồm hai vế: (1) tự do cá nhân (liberal hay individual liberty) vốn bắt nguồn từ ý tưởng triết học chính trị của Hy Lạp và Roman, và (2) “hiến định” vì nguyên tắc thượng tôn luật pháp là tâm điểm và nền tảng cho thể chế chính trị. Nó nhấn mạnh đến các nguyên tắc phân quyền, kiểm soát quyền lực, bình đẳng trước pháp luật, tư pháp độc lập và vô tư, và sự tách rời giữa tôn giáo và chính trị. Vì thế, các thể chế chính trị tiến bộ của Tây Âu và Bắc Mỹ không phải là dân chủ, mà là tự do hiến định. Theo đó, mô hình lý tưởng của thể chế chính quyền Tây Âu không phải là sự bầu cử của đám đông mà là của một nền pháp chế công bằng và vô tư. Zakaria nêu lên trường hợp của Hồng Kông trong suốt nhiếu thập niên qua: rằng tự do không tuỳ thuộc vào dân chủ. Dân chúng Hồng Kông được hưởng một mức độ rất cao về tự do lập hiến (liberty) – tư pháp công bằng, hữu hiệu, hành chánh trong sạch, trong suốt – trong khi dân chủ chính trị gần như hoàn toàn thiếu vắng. Trong khi đó, hai thập niên trước, Yasser Arafat của lãnh thổ Palestine đã được bầu lên từ một cuộc bầu cử tương đối tự do. Nhưng dân Palestine, dù có dân chủ trong quy trình bầu cử để chọn lãnh đạo, song vì không có những định chế của lập hiến, pháp trị và nhiều chức năng xã hội cũng như chính quyền khác, nên đã không hề được tự do. Ngay cả ở Hoa Kỳ, dù với một nền dân chủ rất trưởng thành về mọi mặt, nhưng cho đến thập niên 1950-60, người dân da đen vẫn bị kỳ thị, đối xử phân biệt, không có đủ dân quyền bởi cơ chế dân chủ cấp tiểu bang và địa phương. Về vấn đề kỳ thị chủng tộc nói trên, Zakaria tuyên bố, “Trong bi kịch lớn nhất này của nước Mỹ, tự do và dân chủ đã bao nhiêu lần đối nghịch với nhau.”
Từ bối cảnh lý thuyết và lịch sử thực tế, Zakaria đưa ra một khái niệm phản đề: “the illiberal democracy” (“dân chủ phi tự do”). Các chế độ dân chủ thiếu tự do này nói đến tình trạng các chính quyền được bầu cử qua thể thức dân chủ, thể hiện nguyện vọng của đa số đương thời. Nhưng khi đã nắm quyền, thì các chính quyền này lợi dụng tính chính danh của dân chủ để vi phạm tự do của quốc dân. Đây là hiện tượng khá phổ cập, từ Peru, Venezuela của châu Mỹ Latin đến Palestine hay Bosnia và các quốc gia mới được tái dựng nên sau khi tách rời ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Ở các quốc gia này, thể chế và quy trình dân chủ qua bầu cử để tuyển chọn lãnh đạo bởi nhân dân đã không kèm theo những định chế quân bình, cân bằng, kiểm soát và giới hạn quyền lực của đa số nhằm bảo vệ thiểu số và quyền hạn cá nhân khỏi điều mà Alexis de Tocqueville gọi là “tính chuyên chế của đa số” (the tyranny of the majority”). Hãy nhìn vào một quốc gia Ả-rập mà đa số là người Hồi giáo. Khi có cơ chế dân chủ để chọn lựa thể chế chính trị thì nhiều nơi đã chọn mô hình Hồi giáo bảo thủ, nhiều lúc cực đoan, và loại bỏ những dân quyền căn bản đối với phụ nữ, các khối thiểu số tôn giáo khác. Đây là khi mà dân chủ đã trở nên một thảm họa. Do đó, một thể chế dân chủ tự do, “liberal democracy”, hay là tự do hiến định, “constitutional liberalism”, phải bao gồm những yếu tố không dân chủ như hệ thống tư pháp, tòa án độc lập và hiệu năng nhằm bảo vệ những nguyên lý dân quyền và nhân quyền cho thiểu số và cá nhân. Khi một nền dân chủ thiếu vắng những yếu tố trên, thì đây chỉ là một nền dân chủ què quặt, thiếu biện minh, thiếu tự do – “the illiberal democracy.”
Tương Lai của Tự Do, theo Zakaria, là một luận cứ kêu gọi tinh thần và nguyên tắc tự chế cho dân chủ. Đây không phải là một luận cứ chống dân chủ, mà là một khuyến cáo về tính cần thiết cho một tính quân bình giữa tự do và dân chủ. Dân chủ quá độ cũng nguy hiểm, và nhiều lúc cón tàn tệ hơn là thiếu dân chủ. Tinh hoa của dân chủ tự do tuỳ thuộc vào sự kiến tạo một trật tự xã hội đa dạng, phức tạp, nhiều tầng lớp, nhiều phương diện – chứ không phải chỉ nêu cao ngọn cờ dân chủ đa số từ một lý tưởng chính trị đơn thuần mà thôi.
Điều gây ấn tượng, và thuyết phục nhất cho luận đề tự do đối nghịch với dân chủ này của Zakaria đến từ những tiền đề lịch sử trên cơ sở lý luận cho khái niệm tự do. Câu chuyện bắt đầu từ năm 324 Công nguyên khi hoàng đế La Mã Constantine dời đô từ Rome đến Constantinople của xứ Byzantium, một thuộc địa cũ của Hy Lạp. Khi dời đô, Constantine đem theo cả một cơ đồ vật thể, nhân sự, cơ chế về đất mới. Duy chỉ có một nhân vật quan yếu ông ta để lại: Vị giám mục thành Rome. Theo Zakaria, đây là sự chia tay định mệnh mà từ nó đã đưa đến những hệ quả tốt đẹp cho lịch sử nhân loại trên bình diện ý thức hệ chính trị: sự phân ly của giáo hội và nhà nước. Lịch sử tự do bắt đầu từ sự chia tay giữa một hoàng đế và một giáo hoàng. Kết quả đầu tiên của cuộc chia tay này là phía Đông (Byzantium) của đế quốc La Mã nằm dưới quyền kiểm soát và thống trị của quốc gia (state), còn phía Tây (Rome) nằm dưới Giáo hội. Từ đó là một di sản tranh quyền liên tục suốt 1500 năm cho đến gần đây giữa hai thế lực – giữa chính quyền quốc gia thế tục đối lại với giáo quyền của Giáo hội La Mã. Zakaria tuyên bố, “Từ những tia lửa của các cuộc tranh đấu này, ngọn lửa tự do của nhân loại đã được bắt đầu.”
Tự do đến trước, dân chủ theo sau
Zakaria, cũng như Hegel và Kojève trước đó, cho rằng Thiên Chúa giáo đã đặt nền tảng cơ bản đầu tiên cho lịch sử tự do. Theo Hegel, Thiên Chúa giáo khởi đi với tiền đề bình đẳng của tất cả mọi người, bất kể điều kiện và tình trạng phân định nào, trước mắt Thiên Chúa. Tiền đề này phủ nhận những định chế phân chia chủ, nô hay giai cấp của văn minh Hy Lạp và La Mã. Thiên Chúa giáo, qua truyền thống Công giáo (Catholicism) là cả một hiện tượng đầy mâu thuẫn và nghịch lý đối với giá trị tự do. Một đằng thì đây là một tôn giáo độc thần, đầy thứ bậc đẳng cấp, khắt khe trong chủ thuyết, và đã bao lần chủ trương chiến tranh tiêu diệt các khối dân tộc khác – hãy nhìn thí dụ của Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha hay lịch sử Nam Mỹ Latin. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của giáo hội Công giáo là cả một tiến trình đấu tranh giữa giáo quyền và thế quyền, từ đó, không vì chủ ý tự do, nhưng từ lịch sử chống bạo quyền này mà không gian tự do cho cá nhân Tây phương được phát triển. Ở Tây Âu, tự do đã được phát huy cả hàng thế kỷ trước khi có phong trào dân chủ. Ngắn gọn: Tự do dẫn đến dân chủ, chứ không phải là ngược lại. Tự do, trong bối cảnh lịch sử Tây Âu đồng nghĩa với sự trưởng thành của phạm vi và ý thức tự do cá nhân và cộng đồng đối nghịch lại với quyền lực chính trị quốc gia. Trong quá trình hiện thực hóa tự do này, Giáo hội Công giáo đã là một cơ chế phản đề và cân bằng tương quan quyền lực giữa xã hội dân sự đối với quyền lực đế chế.
Đối với Hy Lạp thì khái niệm tự do đồng nghĩa với độc lập và được giải phóng ra khỏi ách thống trị của ngoại bang – tương tự như lý luận tự do và nhân quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam sau chiến tranh. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn đó, thì nhân dân Bắc Hàn (Triều Tiên) hiện nay đang được hưởng tự do. Tuy nhiên, tự do, theo khái niệm cổ điển, libertas, thì được khởi đi từ đế quốc La Mã nơi mà trên nguyên tắc tất cả công dân đều được đối xử công bằng dưới luật pháp, tam quyền phân lập, giới hạn nhiệm kỳ của chính khách. Những khái niệm cơ bản của chính trị công quyền Tây phương hầu hết đều đến từ La Mã: thượng viện, hiến pháp, cộng hòa... Và món quà lớn nhất cho lịch sử tự do của nhân loại đến từ Rome: hệ thống định chế pháp luật.
Cũng trong lịch sử tự do này, sau khi đế quốc La Mã đã tan rã, thì quá trình tranh đấu quyền lực giữa giai cấp điền chủ, vọng tộc đối với triều đình đã đóng góp rất nhiều cho sự phát huy tự do và xã hội dân sự. Ở Anh quốc, giai tầng quý tộc và điền chủ là một thế lực độc lập mạnh nhất. Kết quả của lịch sử đấu tranh quyền lực này là bản Hiến chương Magna Carta ký vào năm 1215 giữa triều đình nhà vua và giai cấp quý tộc Anh quốc thời đó. Đây có thể là bản hiến pháp tự do thành văn đầu tiên trong lịch sử nhân loại – nhấn mạnh và làm rõ quyền hạn của giai tầng địa chủ, tự do giáo quyền, và độc lập, tự chủ cho lãnh địa đối với quyền lực của đế chế vương quyền.
Bước tiến kế tiếp cho không gian tự do cá nhân là quá trình mâu thuẫn giữa hai khối Tin Lành và Công Giáo. Khởi đi từ sự bất mãn của nhà tu Martin Luther đối với giáo quyền thối nát và các định chế độc đoán của Giáo Hội La Mã. Đây là bước khởi đi của một cuộc cách mạng giáo quyền lâu dài, the Reformation (“Thời Cải Cách”). Chỉ trong vòng hơn một thế kỷ rưỡi, gần một nửa tín đồ Thiên Chúa Âu châu đã trở thành tín hữu Tin Lành. Tuy nhiên, theo Zakaria, thì Luther không phải là nhà cải cách trong ý thức tự do cá nhân, mà là trái lại. Ông ta là một nhà bảo thủ muốn chống lại sự buông thả quá đà của giới tăng lữ Công Giáo. “Theo đó thì cuộc đấu tranh giữa Công Giáo và Tin Lành cho ta thấy rằng tự do tôn giáo là kết quả của hai thế lực phản động, bảo thủ cực đoan kình nghịch nhau để kết quả là họ tự tương đồng huỷ diệt.” Tiến trình mâu thuẫn này vô tình cũng phát huy ra một cao trào mới: tinh thần phản biện, khoa học thực nghiệm, tự học hỏi giáo lý, thử thách giáo điều. Đây là lúc mà ý thức tự do và độc lập, tự chủ cá nhân đã bắt đầu trưởng thành trong lịch sử Âu Châu.
Tư Bản và Tự Do: Dân giàu trước, tự do và dân chủ sẽ theo sau
“Nếu quá trình tranh đấu giữa giáo hội và nhà nước, giữa giai cấp quý tộc, lãnh chúa và đế vương, giữa Công Giáo và Tin Lành đã mở cửa cho tự do cá nhân thì tư bản đã hoàn toàn phá vỡ bức tường áp bức.” Ở đầu thế kỷ XVIII, khi năng lực tư bản phát sinh thì hệ thống trật tự chính trị vương quyền, xã hội phong kiến, kinh tế địa chủ bắt đầu thay đổi đến tận gốc. Một giai tầng mới của thời đại phát sinh: giới thương gia. Đây là một khối kinh tế độc lập không tuỳ thuộc vào ơn huệ của nhà nước. Từ thương gia đến tư hữu, quyền hạn kinh tế phát huy, tự do cá nhân mở rộng thêm nữa. Một giai tầng mới xuất hiện: giới trung lưu. Tức là, “No bourgeoisie, no democracy.” (“Không có giai cấp tiểu tư sản thì không có dân chủ.”) Giai tầng trung lưu là nền tảng cần thiết cho tự do, và từ đó là các định chế dân chủ. Người ta thường nói, “Dân giàu thì nước mạnh.” Tuy nhiên điều cần biết hơn là: dân có giàu thì xã hội mới có tự do, và từ tự do mà dân chủ được thiết kế. Đó là quy trình của kinh tế và chính trị mà lịch sử – ít nhất là của phương Tây – đã chứng minh.
Một quốc gia càng phú cường thì dân chủ sẽ càng bền vững hơn. Đây là kết quả của một nghiên cứu công phu vào năm 1959 của nhà khoa học xã hội Seymour Martin Lipset. Luận cứ này của Lipset đã là tiền đề cho bao nhiêu nghiên cứu khác, bao nhiêu phản biện và chứng minh, phản chứng minh. Tuy nhiên, sau suốt 40 năm nghiên cứu, luận cứ này vẫn còn đứng vững. Theo đó, thì khi lợi tức bình quân mỗi cá nhân chuyển động từ 3000 USD trở lên, thì dân chủ có khả năng tồn tại lâu hơn. Trên 6000 USD thì dân chủ sẽ trở nên bền vững. Khi vượt bức tường 9000 USD thì dân chủ gần như thành trường cửu. Một nghiên cứu khác, trong vòng luận cứ này, cho thấy rằng một quốc gia có cơ hội khả quan để chuyển hướng sang dân chủ khi mà GDP mỗi đầu người từ 3000 đến 6000 USD. (Ghi chú: GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2014 là chừng 2000 USD.)[*]
Tuy nhiên, giàu có không phải lúc nào, hay loại nào cũng giống nhau. Nếu lợi tức đến từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, như dầu hỏa, quặng mỏ, thì tự do và dân chủ khó phát huy. Đây là trường hợp của Ả-rập Saudi hay Nga Xô và Venezuela. Thịnh vượng phải đến từ lao động, kinh doanh và sáng tạo thì tự do sẽ phát huy nhanh hơn và bền vững hơn. Đây là trường hợp của Nam Hàn, Đài Loan, hay là Hồng Kông. Khi tài nguyên thiên nhiên là nguồn lợi tức chính cho quốc gia thì chính quyền trở nên thối nát và họ không mắc nợ gì từ nhân dân, ví dụ đánh thuế. Đây là sự đổi chác qua lại: Khi dân chúng đóng thuế, họ đòi hỏi chính quyền phải xứng đáng với đồng tiền của họ. Nếu không thì chính quyền không đáp ứng với mong mỏi của quốc dân. Như trường hợp của Ả-rập Saudi, chính quyền nói với dân, “Nhà nước không đòi hỏi từ dân về kinh tế và nhà nước cũng chẳng cho dân gì cả về chính trị.” Bài học lịch sử là rõ ràng từ Mexico, đến Á Đông, Zakaria nhấn mạnh, “Cải tổ kinh tế trước, sau đó là cải tổ chính trị.” Dĩ nhiên, Zakaria cũng nhắc nhở rằng còn nhiều yếu tố khác để dẫn đến dân chủ, như là ý chí chính trị và đạo đức của lãnh đạo phong trào, may mắn, và vai trò của tôn giáo, như trường hợp của Ba Lan. Khó mà tiên đoán lúc nào thì một quốc gia sẽ có sự chuyển mình sang dân chủ dù khi những yếu tố tự do kinh tế và luật pháp đã chín mùi. Mỗi quốc gia có một số phận riêng tuỳ theo hoàn cảnh và muôn vàn yếu tố cùng điều kiện khác. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy là lợi tức và sự giàu có của nhân dân (wealth) là yếu tố và là điều kiện quan trọng nhất.
Zakaria nêu hai trường hợp đáng chú ý về câu hỏi, kinh tế trước hay dân chủ trước? Đó là Nga Xô và Trung Quốc. Nga cải tổ chính trị trước và sau đó là kinh tế. Ngược lại thì Trung Quốc cải tổ kinh tế trước, chính trị sau. Hiện nay (2003-2010) Nga Xô là quốc gia tự do hơn là Trung Quốc. Dân Nga được hưởng nhiều hơn về tự do cá nhân, quyền tư hữu, báo chí. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn cón là một quốc gia độc tài, khép kín. Tuy nhiên, những năm gần đây (2011-2015), Nga Xô đang dần đi vào con đường độc tài và dân chúng đang mất đi những quyền hạn kinh tế, tư tưởng, báo chí cơ bản từ chính quyền độc đoán của Putin. Dù là độc tài và khép kín, nhưng Trung Quốc đang mở rộng từ từ cánh cửa tự do trên nhiều bình diện, nhất là quyền tư hữu và kinh doanh. Quốc gia nào, Trung Quốc hay là Nga Xô, đang đi đúng hướng về phía tự do, dân chủ? Zakaria cho rằng, nếu phát triển kinh tế trước, xây dựng tầng lớp trung lưu vững chắc để sau đó mới mở rộng dân chủ thì Trung Quốc đang đi đúng hướng. Nga Xô là một trường hợp điển hình của một “illiberal democracy” – một nền dân chủ thiếu tự do. Trung Quốc là một trường hợp không dân chủ, thiếu tự do (“illiberal anti-democracy”?). Zakaria cho rằng, với chiều hướng hiện nay, nếu Trung Quốc tiếp tục con đường tự do hóa kinh tế, phát huy nhà nước pháp quyền, xã hội pháp trị, xây dựng tầng lớp tư sản trung lưu, và sau đó là khai phóng chính trị thì nó sẽ đi đến một quốc gia dân chủ thật sự.
Học giả thế giới trong nhiều thập niên qua đã nghiên cứu về câu hỏi, dân chủ giúp đỡ hay là trở ngại cho phát triển kinh tế? Câu trả lời là không dứt khoát (inconclusive). Zakaria trích dẫn hai nguồn dữ kiện và nghiên cứu chính: Thứ nhất là của Liên Hiệp Quốc trong báo cáo Human Development Report 2002: Deepening Democracy in a Fragmented World (New York: Oxford University Press, 2002) và của Przeworski, Alvarez và Cheibub, Democracy and Development: Political Institutions and Well-Being in the World, 1950-1990 (New York: Cambridge University Press, 2000). Tất cả các nghiên cứu nghiêm chỉnh đều cho thấy là mối quan hệ nhân quả giữa dân chủ và phát triển kinh tế vẫn chưa có câu trả lời rõ rệt. Tuy nhiên, Zakaria nhấn mạnh, trong suốt 50 năm qua, gần như những cuộc chuyển hóa sang nền dân chủ tự do thành công đều phát xuất từ những quốc gia có nền độc tài thoáng và tiến bộ (“liberal authoritarianism”) – ví dụ như Đài Loan và Nam Hàn. Những ai đòi hỏi dân chủ trước, kinh tế sau nên phải nhìn lại tiền đề chính trị này.
Dân chủ và chiến tranh: Hòa bình trong tự do, chiến tranh từ dân chủ
Quan điểm thông thường cho rằng các chế độ dân chủ thì yêu chuộng hòa bình và ít hiếu chiến hơn các chế độ độc tài. Sai! Lịch sử gần đây cho thấy điều ngược lại. Các chế độ dân chủ non trẻ hay chưa trưởng thành “hiếu chiến hơn, phát động chiến tranh thường xuyên hơn và với mức độ khốc liệt hơn là hầu hết các nhà nước khác.” Theo đó thì hòa bình chỉ được bền vững hơn đối với các chế độ dân chủ tự do: “hòa bình dân chủ thực chất là hòa bình tự do.” Zakaria nêu lên nhiều trường hợp chiến tranh được phát động bởi các chế độ dân chủ nhằm thoả mãn cao trào chủng tộc, yêu nước hay dân tộc cực đoan. Trường hợp Adolf Hitler những năm 1930-40, Slobodan Milosevic của Nam Tư của 1995-96, hay gần đây Bosnia, Azerbaijan, Armenia, Georgia, Zambia... là những thí dụ điển hình. Hai nhà khoa học chính trị Jack Snyder và Edward Mansfield, sau khi nghiên cứu dữ kiện lịch sử cẩn thận, đã đi đến kết luận rằng “Trong 200 năm qua các nhà nước đang dân chủ hóa phát động chiến tranh nhiều hơn đáng kể so với các chế độ chuyên chế ổn định hay các chế độ dân chủ tự do.” Ở những quốc gia chưa có một nền chính trị trưởng thành theo mô hình tự do hiến định (constitutional liberalism), cao trào dân chủ thường mang theo hệ luỵ của chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan và hiếu chiến. Các lãnh tụ lợi dụng các cao trào cực đoan này để tiếm quyền và gây chiến nhằm thoả mãn tình cảm dân chúng đương thời. Từ Napoleon III của Pháp, Wilhelmine của Đức, Taisho của Nhật hay là Milosevic của Nam Tư... đều cho ta thấy điều này. Zakaria nói, “Hòa bình dân chủ là có thật, nhưng hóa ra nó chẳng mấy liên quan đến dân chủ.”
Trường hợp của khối Hồi Giáo Ả-rập: Chìa khóa là chính trị, không phải là tôn giáo hay văn hóa
Đối với thế giới Hồi giáo, dân chủ hóa nhanh chóng đã đưa đến nhiều thảm họa, huỷ diệt tự do và là nguồn gốc của chiến tranh và áp bức. Ở các quốc gia Hồi Giáo trong khối Ả-rập, từ Ai Cập đến Ả-rập Saudi, hay Jordan, hay lãnh thổ Palestine, nếu có bầu cử dân chủ tự do thì các phe Hồi giáo cực đoan theo kiểu Taliban sẽ lên nắm quyền. Các chế độ Ả-rập hiện nay là thối nát, áp bức, vâng, nhưng các lực lượng thay thế họ bằng dân chủ đầu phiếu sẽ còn tồi tệ hơn bao nhiêu lần. Mấy năm trước, lãnh tụ của Kuwait, với sự khuyến cáo của Hoa Kỳ, đã đề nghị cho phụ nữ ở đó được quyền bỏ phiếu. Nhưng quốc hội của Kuwait, đa số là của khối Hồi Giáo bảo thủ, đã từ chối dứt khoát. Tương tự như thế. Khi hoàng tử Abdullah của Ả-rập Saudi đề nghị cho phụ nữ Saudi được quyền lái xe, các phe bảo thủ đã vận động dân chúng chống lại, và cuối cùng dự kiến đó phải bị huỷ bỏ. Không như ở Tây phương, tự do phát huy dân chủ và dân chủ xây đắp tự do (liberalism produced democracy and democracy fueled liberalism), đối với khối Ả-rập Hồi giáo thì ngược lại, cao trào dân chủ dẫn đến chiến tranh, áp bức, độc tài và nhiều thảm họa khác. Vấn đề ở đây không hẳn chỉ vì tôn giáo. Trường hợp của Indonesia hay Malaysia chẳng hạn. Các quốc gia này cũng là Hồi giáo nhưng lại có dân chủ và một mức độ tự do khá thành công.
Nguồn gốc của các cao trào Hồi giáo cực đoan thì phức tạp. Từ văn hóa, tôn giáo, con người, địa dư, khu vực Ả-rập có một lịch sử quan hệ phức tạp và đầy mâu thuẫn với Tây Âu. Từ đó đã phát xuất rất nhiều nguyên cớ chống Tây phương của người Ả-rập. Tuy nhiên, trên bình diện tự do cho chính người Hồi Giáo, thì nguyên nhân quan yếu là chính trị – hơn là kinh tế. Nên nhớ rằng Osama bin Laden đến các lãnh tụ khủng bố Hồi Giáo khác đều xuất thân từ các gia đình thượng lưu giàu có ở Ả-rập Saudi và Ai Cập. Theo Zakaria, vấn đề là sự thiếu cải tổ về hướng tự do của các đế chế cầm quyền Ả-rập. Các chế độ Ả-rập, dựa vào nguồn tài nguyên dầu hỏa, để tiếp tục củng cố các đế chế lỗi thời, thay vì cải cách chính trị và các quy trình tự do khác khi mà ý thức về thời đại và tự do của các khối quần chúng Ả-rập đang lên cao. Các dự án xã hội chủ nghĩa mà các quốc gia Ả-rập thử nghiệm càng làm cho đất nước chậm phát triển, chính quyền thêm thối nát và thiếu hiệu năng. Zakaria cho rằng nếu các chế độ Hồi Giáo Ả-rập hiện nay từ từ mở rộng không gian tự do thì phong trào Hồi Giáo cực đoan sẽ không còn hấp dẫn quần chúng nữa. Chìa khóa là những phát huy tiệm tiến con đường dân chủ hóa để không cho các phong trào cực đoan lợi dụng dân chủ để nắm chính quyền – nhưng đồng lúc thoả mãn ý nguyện tự do và phát triển, hiện đại hóa của quần chúng. Con lộ dẫn đến tự do và dân chủ đòi hỏi kiên nhẫn, khôn khéo, ý chí quyết tâm. Ở đây, văn hóa không phải là trở ngại cho quá trình này. Zakaria cho rằng khi chính quyền theo đuổi những dự án kinh tế, xã hội và chính trị đúng đắn và hợp thời, hợp lòng người thì văn hóa và tôn giáo sẽ thay đổi và đáp ứng theo. Văn hóa và tôn giáo không phải là một định tính bất di dịch. Văn hóa, và ngay cả tôn giáo, ở một tầm mức nào đó, chỉ là một sản phẩm của chính trị và kinh tế.
Trường Hợp Hoa Kỳ: Thảm trạng của dân chủ quá mức
Nếu giàu có là chỉ số của hạnh phúc thì đáng ra dân chúng Mỹ phải hạnh phúc hơn ai cả. Nhưng dù trong suốt một phần tư thế kỷ qua, nền kinh tế Mỹ đã đem đến thêm năm ngàn tỷ Mỹ kim cho dân chúng, thế mà các cuộc thăm dò cho thấy rằng dân Mỹ không cảm thấy hạnh phúc hơn gì cả trong suốt thời gian qua. Ngược lại, nhiều chỉ số tâm lý khác cho thấy là dân chúng Mỹ càng bất mãn hơn về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa nhiều so với mấy thập niên khác. Tại sao? Nguyên nhân chính là cao trào dân chủ phổ thông kiểu Mỹ đã làm cho nền chính trị công quyền bị tê liệt, mất hiệu năng, và trên nhiều phương diện, càng ngày càng trở nên phản dân chủ. Nguyên lý dân chủ đa số của Hoa Kỳ được cân bằng bởi những nguyên tắc hiến pháp nhằm tôn trọng quyền cơ bản của thiểu số. Ý tưởng cơ bản là sự quân bình giữa tự do và dân chủ. Tuy nhiên, khi nguyên tắc dân chủ đa số đã trở nên cao trào lớn thì hệ quả của nó là sự suy tàn của những định chế truyền thống, những giá trị văn hóa xã hội có thẩm quyền, và từ đó vai trò của các nhóm đặc quyền, đặc lợi nắm hầu hết các diễn đàn chính trị, và chính sách của quốc gia. Hoa Kỳ ngày nay, theo Zakaria, là một quốc gia thiếu quân bình: rất dân chủ nhưng thiếu tự do.
Vấn đề ở chỗ rằng chính giới Mỹ hiện nay “chẳng làm gì cả” ngoài chuyện chạy theo dư luận nhất thời của quần chúng. Kết quả thăm dò dư luận trở nên chìa khóa định hướng cho chính sách. Mà dư luận quần chúng thì bất thường, ích kỷ, và thiển cận. Vì thế mà các vấn đề lớn như an sinh xã hội, tiền hưu, bảo hiểm y tế... cả hành pháp lẫn lập pháp đều không dám đụng đến để cải cách lâu dài và cơ bản. Một số những chính sách khác thì bị kiểm soát bởi một thiểu số đặc quyền năng động – như chính sách ngoại giao của Mỹ với Cuba và Do Thái thì bị kiểm soát bởi các khối dân Mỹ gốc Do Thái và Cuba, hay chính sách trợ giúp nông nghiệp vô lý thì bị giới nông dân nắm chặt diễn đàn. Còn chính giới dân cử? Từ tổng thống cho đến nghị viên, thống đốc... ai nấy suốt ngày đều lo vận động gây quỹ tranh cử, cho mình hay cho đảng mình. Không khi nào mà tiền bạc đã trở nên máu thịt cho chính trị Hoa Kỳ như hiện nay. Dân chủ Mỹ là dân chủ của kẻ có tiền. Nền chính trị bầu cử của Mỹ đã trở nên một thị trường bỏ phiếu – tranh cử chính trị nay đã trở nên tiếp thị quyền lợi. Hệ quả là không có một tầng lớp lãnh đạo có thẩm quyền đạo đức và viễn kiến, tách rời khỏi đám đông thiển cận và nhất thời, ích kỷ để lãnh đạo quốc gia. Dân chủ Mỹ là của một đám đông ồn ào, đầy xúc cảm, chỉ biết quyền lợi của mình – và đây là nguyên nhân cho những bế tắc chính sách dẫn đến sự xuống dốc của thế lực và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên trường thế giới.
Thêm một yếu tố văn hóa khác đang làm cho xương sống chính trị và xã hội Mỹ xuống dốc: đó là cái mà Zakaria gọi là cái chết của thẩm quyền (“the death of authority”). Dân chủ Mỹ đạt được một tầm mức tự do cao độ là nhờ vào nền tảng xã hội dân sự, sự trưởng thành của báo chí, hội đoàn, giáo dục, địa phương tự quản. Điều này thì Alexis Tocqueville đã viết rất rõ trong cuốn Democracy in America (Nền dân trị Mỹ). Ngày nay, các khối thẩm quyền đã dần dần biến mất. Giới luật sư và bác sĩ, chẳng hạn, thay vì đóng vai trò nhân tố lãnh đạo chính trị và công quyền và dân sự từ trung ương đến điạ phương, nay chỉ lo phần kinh tế. Xã hội Mỹ không còn các khối ưu tú, the elites, để đóng vai trò hướng đạo, cân bằng xã hội và chính trị với trí tuệ và tâm khí trưởng thành. Kết quả là một nền dân chủ năng động như là một tập thể thiếu niên không được điều hướng và tiết chế bởi những người lớn khôn khéo và trưởng thành.
Zakaria nêu lên một trường hợp điển hình của quan điểm xã hội Mỹ đối với giới ưu tú. Trong cuốn phim ăn khách Titanic, khi tàu đang chìm xuống, phim chiếu cảnh các hành khách khoang hạng nhất, first class, dành lên phao cứu hộ với phụ nữ. Phải nhờ đến các thuỷ thủ dùng súng uy hiếp thì khi đó phụ nữ và trẻ em mới dành được các phao cứu sống họ. Tuy nhiên, hình ảnh trong phim trái ngược với câu chuyện đã xẩy ra. Cảnh phim đã bị nhà sản xuất thay đổi nhằm thể hiện và đáp ứng một sự chống đối tầng lớp ưu tú của khán giả hiện nay mà thôi. Câu chuyện thực thì hoàn toàn trái lại. Những người còn sống đã kể lại một câu chuyện hòan toàn khác. Ở khoang hạng nhất, tỷ lệ phụ nữ được cứu sống cao nhất so với các khoang trung bình hay phổ thông. Ở khoang hạng nhất, 70 phần trăm đàn ông bị chết, trong khi tất cả trẻ em được cứu và chỉ có 5 phụ nữ bị chết (3 phụ nữ đã tình nguyện chết theo chồng khi chồng không chịu lên phao) và 144 được cứu. Ở khoang hạng nhì 90 phần trăm đàn ông bị chết, trong khi 80 phần trăm phụ nữ được cứu. Tức là, giới giàu có thượng lưu (ở khoang hạng nhất và hạng nhì) tuân thủ cao độ nguyên tắc đạo lý cứu phao khi tàu đắm: phụ nữ và trẻ em là ưu tiên. John Jacob Astor, người giàu có hàng đầu nước Mỹ thời ấy, lúc tàu Titanic chìm, đã dành bơi đến một tàu nhỏ cứu hộ, bỏ vợ ông vào khoang, xong rồi không chịu lên tàu cứu hộ với vợ, nhường chỗ cho trẻ em và phụ nữ khác, vẫy tay chào và chìm xuống biển đông lạnh mà chết. Benjamin Guggenheim, một đại gia Mỹ khác, cũng đã hành xử như thế. Ông đã nhường chỗ trên phao cứu nạn cho một phụ nữ khác, trước khi chìm xuống biển, nhờ người phụ nữ kia nhắn lại, “Xin nói với vợ tôi... Tôi đã chơi đẹp cho đến phút cuối cùng... Không người phụ nữ nào bị bỏ lại trên boong vì Ben Guggenheim là tên hèn nhát.” Giới thượng lưu, giàu có của xã hội Mỹ thời đó đã sống và hành xử theo một đạo lý danh dự cao, the unwritten code of honor, cho dù có dẫn đến một cái chết chắc chắn. Họ là những cột trụ và xương sống của một nền dân chủ tự do. Ngày nay, giới thượng lưu trọng danh dự này không còn nữa. Đây là một trong những nguyên nhân cho sự xuống dốc của xã hội Hoa Kỳ.
Chìa khóa cho tự do là một chính phủ hiệu năng
Thực tế trên thế giới suốt nửa thế kỷ qua đã cho chúng ta thấy rằng dân chủ không phải là giải pháp quan yếu cho các quốc gia nghèo đói, áp bức và hỗn loạn. Vấn nạn đối với các quốc gia đang phát triển, theo Zakaria, không phải là thiếu dân chủ mà bất hiệu năng trong quản lý. Từ Iraq cho đến Palestine, đến Haiti, đây là một căn bệnh ung thư – tham nhũng, thối nát, bất lực – đang huỷ hoại đời sống của con người. Hầu hết cả thế giới ngày nay, thử thách lớn lao là mâu thuẫn dân sự, nghèo đói, bệnh tật, phong trào dân tộc và tôn giáo cực đoan. Những căn bệnh này không những huỷ hoại mầm mống dân chủ hay tự do, chúng còn không cho một trật tự xã hội nào được kiến tạo. Ngay cả Phi châu, nơi mà nhiều người nhìn với con mắt bi quan, thì thập niên này đã có những bước tiến khả quan về hướng dân chủ, tự do, với bầu cử hiệu năng và những chính thể rộng mở. Thử thách cho các nền dân chủ non trẻ không phải là chính trị dân chủ mà là tự do – tức là một chính quyền hiệu năng với những dự án chính trị kinh tế tiệm tiến và hợp lý, hợp lòng người và thời đại. Zakaria trích lời của James Madison từ The Federalist Papers rằng, “Khi thiết kế một chính quyền theo cơ chế con người quản chế con người, khó khăn nằm ở chỗ: trước hết ta phải cho phép chính quyền kiểm soát những người bị trị, kế đến mới là bắt buộc chính quyền phải biết tự chế chính mình.” Trật tự trước, tự do sau. (Đây là tiền đề chính mà tôi đã phác họa trong “Dân Chủ Pháp trị: Công lý, Tự do và Trật tự Xã hội,” 1996)
Bài học cho Việt Nam
Với những luận đề trên của Zakaria từ Tương Lai của Tự Do, người Việt hiện nay có tìm ra được một luận chứng cơ bản nào khả dĩ áp dụng cho lý tưởng dân chủ, tự do cho nước nhà?
1
Việt Nam có phải là một “illiberal democracy”? Theo định nghĩa và tiêu chuẩn của Zakaria – “dân chủ phi tự do” phải có bầu cử lãnh đạo quốc gia công bằng mà kết quả thể hiện ước muốn của đa số – thì Việt nam không phải hay chưa phải là một nền dân chủ phi tự do. Việt Nam hiện nay, dưới chế độ độc đảng Cộng Sản, là một quốc gia độc tài đang trên chiều hướng khai mở. Tức là Việt Nam đang đi từ một chế độ độc tài toàn trị, totalitarianism, đến một thể chế độc đoán, authoritarianism. Nhân dân đang dần được sống trong một không gian kinh tế thông thoáng hơn, thịnh vượng hơn, chính trị ngày càng bớt khắt khe. Tuy rằng về các phương diện như báo chí, hội đoàn thì về chính sách ngày càng bị giới hạn và kiềm chế – dù internet đã làm cho mọi chính sách về tư tưởng và thông tin, báo chí của Đảng trở nên vô hiệu. Độc tài của Việt Nam là một thể loại độc tôn chủ nghĩa trong định chế đảng trị, cộng với một guồng máy công quyền và nhân sự thiếu hiệu năng và thối nát. Nó không như các thể loại độc tài cá nhân hay quân phiệt như Nam Hàn hay Singapore trước đây vốn đã xây dựng những định chế cần thiết cho không gian tự do nhằm tạo cơ hội tiến đến dân chủ pháp trị.
2
Việt Nam có thể chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang một độc tài pháp trị? Nên nhớ rằng các nền dân chủ lớn như Ấn Độ và Mexico, cho đến gần đây, vẫn là những quốc gia dân chủ độc đảng. Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam có thể (1) Từ bỏ nội dung và hình thái chủ nghĩa Mác-Lenin, (2) Mở rộng không gian tự do bằng con đường xây dựng những định chế pháp trị và pháp quyền khách quan với một hệ thống tư pháp và tòa án vô tư, độc lập, hiệu quả, (3) Đặt ưu tiên vào kinh tế thị trường, giảm thiểu vai trò quốc doanh thiếu hiệu năng, (4) Tôn trọng quyền tư hữu ruộng đất và bất động sản chính thức bằng hiến pháp, (5) Cải tổ bộ máy hành chánh công quyền trở nên hiệu năng, trong sạch, minh bạch, (6) Xây đắp một đội ngũ công chức, cán bộ và lãnh đạo địa phương xứng đáng, (7) Cải tổ sâu rộng cơ chế và chính sách giáo dục,... thì độc quyền độc đảng không phải là một khuyết điểm bất trị. Singapore là một mô hình độc đảng hiệu năng khi họ đã theo đuổi một định hướng tự do như vậy. Khi thịnh vượng quốc gia chưa đạt đến mức chuyển hóa chính trị, như Zakaria biện luận, thì chìa khóa cho sự chuyển hóa này không phải chỉ là ý thức tự do – mà nhân dân Việt Nam có đủ – mà là ý chí tự do và cách mạng thể chế của một khối quần chúng quyết định, the critical mass, hay một vài lãnh đạo có ý lực đạo đức cho tự do, the moral will to liberty, nhằm thuyết phục, thúc đẩy, thực thi cải cách toàn diện cho cả một bộ máy lỗi thời, ù lì và phản tiến bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện giờ. Với tình hình hiện nay, ý thức và nhu cầu cách mạng thể chế đã chín muồi – và chỉ có người cộng sản Việt Nam, đang nắm vai trò trọng yếu trong thể chế, đương quyền, “có tâm, có tầm,” mới có khả năng làm chủ được cuộc thay đổi này.
3
Nếu dân chủ hóa thì Việt Nam sẽ đi vào hỗn loạn không? Câu trả lời phải là không, hay là với một khả năng rất thấp. Chúng ta phải công nhận rằng, trên trường quốc tế, khách quan nhận xét, về phương diện nội trị, để thiết lập một thể chế chính trị ổn cố, một trật tự công quyền và an ninh vững chắc, thì Việt Nam đã và đi một bước thành công khá xa – dù cho nội dung trật tự, bản sắc công lý, mức độ trong sạch, minh bạch trong một không gian tự do, pháp trị đã không đạt được một tầm mức mà phần đông dân chúng mong muốn. Từ một trật tự ổn cố nhưng chưa đạt được một nội dung thể chế xứng đáng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và khả năng chuyển hóa sang con lộ dân chủ bằng phương thức khai mở các định chế tự do hiến định (constitutional liberalism). Nhắc lại tiền đề lịch sử mà Zakaria nêu lên trong cuốn sách này: Tự do trước, dân chủ sau. Đây là quy trình đáng tin cậy dẫn đến một nền dân chủ vững bền và có thực chất. Không như các quốc gia khác, ở Việt Nam thì mâu thuẫn địa phương, chủng tộc, hay các yếu tố phân biệt không sâu đậm hay chưa có một lịch sử chia rẽ khó hàn gắn. Ngay cả mâu thuẫn tôn giáo ở Việt Nam cũng rất thấp. Một tổng thống dân chủ của một Việt Nam dân chủ có thể tấn công dàn khoan Trung Quốc ở biển Đông để xoa dịu và mỵ dân trước cao trào bài Trung, khai mào một cuộc chiến mới đầy tai hại với Trung Quốc. Hay các sắc dân thiểu số gốc Khmer ở Tây Nam bộ, hay gốc Thái, Nùng ở cực Bắc có thể nổi lên phong trào tự chủ; hay một khối quần chúng ở Sài Gòn tranh đấu cho những giá trị hay biểu tượng cũ của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đây là những nguy cơ tương đối thấp vốn có thể giải quyết bằng những phương thức đối thoại và hòa giải khôn khéo bởi lãnh đạo quốc gia. Phải nên nhớ rằng, dù dân chủ hay không, hay dưới bất cứ chế độ, thể chế hay nhân sự lãnh đạo nào, toàn bộ cơ chế quân đội, công an và hành chánh Việt Nam hiện nay phải được giữ nguyên – dĩ nhiên là phải được cải cách toàn diện, độc lập khỏi đảng phái, trong sạch hóa, chuyên môn hóa, và pháp chế hóa. Sai lầm của Hoa Kỳ khi lật đổ Sadam Hussein ở Iraq vào năm 2003 là giải thể quân đội và guồng máy chính thể của đảng Baath, tạo nên một khoảng trống công quyền và hành chánh, dẫn đến hỗn loạn không chữa trị được. Trong lúc đó, khi Nelson Mandela của Nam Phi, vị tổng thống da đen đắc cử, đã giữ nguyên hệ thống hành chánh công quyền của người da trắng, tạo nên một sự chuyển quyền êm đẹp, tiếp tục cải cách xã hội một cách đầy trật tự và hiệu năng.
4
Người Cộng Sản Việt Nam (CSVN) có thể tự tiến hành một cuộc cách mạng thể chế hay không? Không ai có thể lường trước được cái gì có thể xẩy ra và như thế nào cho tương lai. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại: Từ khi đi theo khúc quanh đổi mới, suốt phần tư thế kỷ qua, đảng CSVN đã đạt được những thành công về kinh tế, xã hội, ngoại giao đầy ấn tượng, không gian tự do cá nhân và xã hội cũng được mở rộng ra nhiều – dù không được như là lòng dân và thời đại đòi hỏi. Nếu chấm bảng điểm thì họ đã đạt được điểm C+ hay là C-, vừa đủ để đỗ, nhưng chưa đến mức thành công. Nhưng cho đến nay thì con đường đổi mới của đảng CSVN đang đi đến tận cùng hết mức khả thể và khả thi của nó. Chính thể và guồng máy công quyền Việt Nam, từ định chế quy tắc đến phẩm chất nhân sự, đang đi vào con lộ băng hoại, thối nát, thiếu hiệu năng, chuyên quyền và bất công trên hầu hết mọi phương diện. Hãy nhìn vào sinh hoạt giáo dục ở học đường. Không có quốc gia nào, mà chúng ta biết được, có nạn “phong bì” hối lộ ngang nhiên và mất nhân phẩm giữa học trò và thầy cô như ở Việt Nam hiện nay. Nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, thối nát, từ trung ương đến địa phương, từ giáo dục đến quân đội, công an, hay thương trường. Tham nhũng, đút lót nay đã trở thành quy luật phổ biến chứ không còn là ngoại lệ. Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước quốc nạn này. Như Zakaria đã nêu lên, văn hóa tham nhũng khởi đi từ văn hóa chính trị, văn hóa chính trị khởi đi từ thể chế và chính sách sai lầm của lãnh đạo. Không thể trách rằng nhân dân chấp nhận văn hóa tham nhũng được. Thối nát xã hội Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ thối nát chính trị và công quyền. Công bằng mà nói, trên thế giới hiện nay, như Ấn Độ, Cam Bốt, Venezuala, Indonesia, nạn thối nát, tham nhũng công quyền không thua kém gì ở Việt Nam. Những ai đã đi qua Ấn Độ, một nền dân chủ từ 1947, thì sẽ thấy công an giao thông ở đó tống tiền tài xế còn trắng trợn hơn ở Việt Nam nhiều. Tuy nhiên, sai lầm của kẻ khác không phải là biện minh hay là lý do tha thứ hay chấp nhận cho sai lỗi của mình. Chúng ta phải hỏi, tại sao Singapore hay Đài Loan, vốn chưa phải là những quốc gia dân chủ tự do đúng nghĩa, nhưng lại có một nền hành chánh công quyền hiệu năng, trong sạch và minh bạch? Tất cả đều có nguyên nhân từ lãnh đạo thể chế chính trị. Việt Nam xứng đáng để có một thể chế chính trị tốt đẹp hơn hiện nay. Tuy nhiên, với một chính chế và quy trình đang có để tuyển lọc nhân sự lãnh đạo của đảng CSVN, khó mà có một hay vài cá nhân có khả năng vượt qua được tính ù lì, bảo thủ của cơ chế. Những ai có ý chí cải cách mạnh đều bị loại ra khỏi guồng máy để rồi trở nên những tiếng nói bất mãn, vô hiệu quả. Rốt cuộc, mọi người muốn tham dự vào đế chế phải tuân thủ và nói theo một luận điệu có sẵn như các bô lão đọc sớ cúng ở đình làng theo đúng nghi thức. Tình hình hiện nay đòi hỏi một nhân vật gần như phi thường, đầy mưu lược, vận dụng nhiều mưu kế khác nhau, trong viễn kiến cải tổ thể chế toàn triệt, dành được quyền hạn quyết định để tiến hành một cuộc thay đổi lớn cho lý tưởng dân chủ tự do. Nhưng đây chỉ là ước mơ, ít có khả năng thành hiện thực. Cái còn lại với xác suất cao hơn là một Bộ Chính Trị mới có tâm và tầm nhìn chiến lược cho quốc dân, vượt qua quyền lợi cá nhân và phe phái, tiệm tiến cải tổ sâu rộng và từng phần cho bộ máy chính trị và công quyền hiện nay. Tức là, tự do trước, dân chủ sau. Nếu không có những yếu tố bất định trong chính trị quốc gia và thế giới, hay là sự khởi động của một cao trào quần chúng trong một năng lực ý chí và ý thức tự do mới – thì liệu đây có phải là định mệnh cho Việt Nam trong vòng hai ba thập niên tới?
5
Dựa trên những bài học lịch sử dân chủ hóa trên toàn thế giới gần đây, và trên nguyên tắc lý thuyết của Tương Lai của Tự Do mà Zakaria đưa ra, thì Việt Nam – ít nhất là trong vài thập niên tới – sẽ rất khó mà có được một thể chế chính trị dân chủ như nhiều người mong muốn. Tương lai cho tự do và dân chủ ở Việt Nam sẽ còn là một con lộ nhiều thử thách, cay nghiệt và đầy bi vọng.
Nguyễn Hữu Liêm
Ở đây, chúng tôi muốn tóm tắt những luận đề chính của Zakaria và từ đó cố gắng đặt những luận cứ lịch sử và chính trị của cuốn sách vào bối cảnh Việt Nam hiện nay. Zakaria muốn nói gì?
Nhân loại đang cùng nhau bước vào thời đại dân chủ. Ai ai, ở đâu cũng biết đến điều này. Dân chủ là ước vọng hoàn vũ và phổ quát, là lý tưởng và cứu cánh của một nền văn minh. Thế kỷ XX đã được đánh dấu bằng cao trào dân CHỦ CHỐNG LẠI và chiến thắng các học thuyết chính trị khác. Ngay cả những nhà lãnh đạo độc tài, những chế độ hà khắc cũng nhân danh dân chủ nhằm biện minh cho chính sách và đường lối của họ. Khi nói đến dân chủ, chúng ta hầu hết đều nghĩ đến những khái niệm quen thuộc như quyền lực thuộc về nhân dân, chính quyền do dân và vì dân, và những điều kiện cơ bản như đa số quyết định, phổ thông đầu phiếu. Đó là những tiền đề chính trị. Thế giới không những chỉ vươn lên theo cao trào dân chủ như là một định hướng chính trị, mà hơn nữa, dân chủ đã phát huy cao rộng hơn là các định chế công quyền. Dân chủ là một văn hóa xã hội, bao gồm hết mọi phương diện sinh hoạt của nhân loại.
Tuy nhiên, Zakaria nhấn mạnh, dân chủ không phải là tự do. Dân chủ là một trong những điều kiện cho tự do. Tự do mới là cứu cánh của chính trị và văn minh. Dân chủ chỉ là phương thức để đạt được cứu cánh này. Dân chủ và tự do tương tác lẫn nhau. Tự do là nội dung; dân chủ là thể thức. Tự do cần có dân chủ; nhưng dân chủ có thể tước đoạt tự do. Và không như quan điểm phổ thông về vấn đề này vốn cho rằng dân chủ là điều kiện cần có trước khi có tự do; trái lại, tự do mới là điều kiện thiết yếu và cần có cho một nền chính trị dân chủ bền vững và hữu hiệu. Nói khác đi, tự do thiết lập nền tảng khả thi cho dân chủ. Lịch sử trong suốt thế kỷ qua đã chứng minh rằng đã có những lúc cao trào dân chủ đã đem đến đàn áp, truy bức, chiến tranh và nhiều thảm họa khác. Dân chủ là con dao hai lưỡi. Từ dân chủ đẻ non của lãnh thổ Gaza của dân Palestine ở đầu thế kỷ XXI này đến dân chủ trong bối cảnh tâm lý cuồng nộ của xã hội Đức ở thập niên 1930-40, hai trường hợp điển hình, đã đem hai dân tộc đó vào những khúc quanh đầy thảm họa với hậu quả khôn lường. Và đây là thông điệp chính của Tương Lai của Tự Do mà Fareed Zakaria muốn chuyển đạt.
Tương Lai của Tự Do là một cuốn sách quan trọng. Trên lãnh vực lý thuyết, Zakaria đã phân định rõ rệt để người đọc không nhầm lẫn giữa hai phạm trù cơ bản: dân chủ đối lại tự do. Tự do (liberty) là tinh hoa, là yếu tính của dân chủ (democracy). Có những quốc gia thiếu dân chủ, ví dụ Singapore, nhưng nhân dân được sống trong một mức độ tự do cao hơn một vài quốc gia dân chủ khác, ví dụ Ấn Độ. Vậy tự do, theo Zakaria là gì? Tự do là một sự kết hợp giữa thể thức bầu cử tự do, trong sạch dựa trên nền tảng pháp trị (the rule of law), chế độ tam quyền phân lập, tự do đảng phái, hội đoàn, ngôn luận, báo chí, tôn giáo, tài sản tư nhân, tôn trọng quyền cơ bản của thiểu số, nhân quyền và dân quyền, và sự trưởng thành của xã hội dân sự. Tất cả những yếu tố tự do này kết hợp nên một nền dân chủ hiến pháp tự do gọi là “constitutional liberalism,” tạm dịch là “tự do hiến định.” Tự do hiến định hay lập hiến, theo Zakaria, không phải là nội dung thiết yếu của dân chủ. Hai vế này không hẳn là luôn cùng đồng hành. Nhìn lại trường hợp Hitler đã được bầu làm quốc trưởng (chancellor) của Đức quốc từ một cuộc bầu cử tự do. Về phía Tây phương trong suốt nửa thế kỷ qua, tự do và dân chủ đã được đồng quy lại trong thể chế gọi là “liberal democracy” (“dân chủ tự do” hay “dân chủ cấp tiến”), nhưng cho đến hôm nay, khi nhân loại bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tự do và dân chủ đang tự phân rẽ và tách rời nhau. Dân chủ đang đi lên; tự do đang đi xuống.
Điều này có nghĩa là gì? Zakaria nhấn mạnh rằng “tự do hiến định” đi xa hơn là dân chủ. Trong khi dân chủ nhằm vào thể thức thiết lập chế độ chính trị và thể chế chính quyền, tự do hiến định là mục tiêu và cứu cánh của thể chế. Đây là một trạng thể tự do, vốn là một truyền thống lâu đời của văn minh phương Tây, nhằm bảo vệ nhân phẩm con người trên cơ sở cá nhân đặc thù chống lại sự áp chế từ xã hội, từ quốc gia, thể chế, tôn giáo đa số. Tự do hiến định bao gồm hai vế: (1) tự do cá nhân (liberal hay individual liberty) vốn bắt nguồn từ ý tưởng triết học chính trị của Hy Lạp và Roman, và (2) “hiến định” vì nguyên tắc thượng tôn luật pháp là tâm điểm và nền tảng cho thể chế chính trị. Nó nhấn mạnh đến các nguyên tắc phân quyền, kiểm soát quyền lực, bình đẳng trước pháp luật, tư pháp độc lập và vô tư, và sự tách rời giữa tôn giáo và chính trị. Vì thế, các thể chế chính trị tiến bộ của Tây Âu và Bắc Mỹ không phải là dân chủ, mà là tự do hiến định. Theo đó, mô hình lý tưởng của thể chế chính quyền Tây Âu không phải là sự bầu cử của đám đông mà là của một nền pháp chế công bằng và vô tư. Zakaria nêu lên trường hợp của Hồng Kông trong suốt nhiếu thập niên qua: rằng tự do không tuỳ thuộc vào dân chủ. Dân chúng Hồng Kông được hưởng một mức độ rất cao về tự do lập hiến (liberty) – tư pháp công bằng, hữu hiệu, hành chánh trong sạch, trong suốt – trong khi dân chủ chính trị gần như hoàn toàn thiếu vắng. Trong khi đó, hai thập niên trước, Yasser Arafat của lãnh thổ Palestine đã được bầu lên từ một cuộc bầu cử tương đối tự do. Nhưng dân Palestine, dù có dân chủ trong quy trình bầu cử để chọn lãnh đạo, song vì không có những định chế của lập hiến, pháp trị và nhiều chức năng xã hội cũng như chính quyền khác, nên đã không hề được tự do. Ngay cả ở Hoa Kỳ, dù với một nền dân chủ rất trưởng thành về mọi mặt, nhưng cho đến thập niên 1950-60, người dân da đen vẫn bị kỳ thị, đối xử phân biệt, không có đủ dân quyền bởi cơ chế dân chủ cấp tiểu bang và địa phương. Về vấn đề kỳ thị chủng tộc nói trên, Zakaria tuyên bố, “Trong bi kịch lớn nhất này của nước Mỹ, tự do và dân chủ đã bao nhiêu lần đối nghịch với nhau.”
Từ bối cảnh lý thuyết và lịch sử thực tế, Zakaria đưa ra một khái niệm phản đề: “the illiberal democracy” (“dân chủ phi tự do”). Các chế độ dân chủ thiếu tự do này nói đến tình trạng các chính quyền được bầu cử qua thể thức dân chủ, thể hiện nguyện vọng của đa số đương thời. Nhưng khi đã nắm quyền, thì các chính quyền này lợi dụng tính chính danh của dân chủ để vi phạm tự do của quốc dân. Đây là hiện tượng khá phổ cập, từ Peru, Venezuela của châu Mỹ Latin đến Palestine hay Bosnia và các quốc gia mới được tái dựng nên sau khi tách rời ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Ở các quốc gia này, thể chế và quy trình dân chủ qua bầu cử để tuyển chọn lãnh đạo bởi nhân dân đã không kèm theo những định chế quân bình, cân bằng, kiểm soát và giới hạn quyền lực của đa số nhằm bảo vệ thiểu số và quyền hạn cá nhân khỏi điều mà Alexis de Tocqueville gọi là “tính chuyên chế của đa số” (the tyranny of the majority”). Hãy nhìn vào một quốc gia Ả-rập mà đa số là người Hồi giáo. Khi có cơ chế dân chủ để chọn lựa thể chế chính trị thì nhiều nơi đã chọn mô hình Hồi giáo bảo thủ, nhiều lúc cực đoan, và loại bỏ những dân quyền căn bản đối với phụ nữ, các khối thiểu số tôn giáo khác. Đây là khi mà dân chủ đã trở nên một thảm họa. Do đó, một thể chế dân chủ tự do, “liberal democracy”, hay là tự do hiến định, “constitutional liberalism”, phải bao gồm những yếu tố không dân chủ như hệ thống tư pháp, tòa án độc lập và hiệu năng nhằm bảo vệ những nguyên lý dân quyền và nhân quyền cho thiểu số và cá nhân. Khi một nền dân chủ thiếu vắng những yếu tố trên, thì đây chỉ là một nền dân chủ què quặt, thiếu biện minh, thiếu tự do – “the illiberal democracy.”
Tương Lai của Tự Do, theo Zakaria, là một luận cứ kêu gọi tinh thần và nguyên tắc tự chế cho dân chủ. Đây không phải là một luận cứ chống dân chủ, mà là một khuyến cáo về tính cần thiết cho một tính quân bình giữa tự do và dân chủ. Dân chủ quá độ cũng nguy hiểm, và nhiều lúc cón tàn tệ hơn là thiếu dân chủ. Tinh hoa của dân chủ tự do tuỳ thuộc vào sự kiến tạo một trật tự xã hội đa dạng, phức tạp, nhiều tầng lớp, nhiều phương diện – chứ không phải chỉ nêu cao ngọn cờ dân chủ đa số từ một lý tưởng chính trị đơn thuần mà thôi.
Điều gây ấn tượng, và thuyết phục nhất cho luận đề tự do đối nghịch với dân chủ này của Zakaria đến từ những tiền đề lịch sử trên cơ sở lý luận cho khái niệm tự do. Câu chuyện bắt đầu từ năm 324 Công nguyên khi hoàng đế La Mã Constantine dời đô từ Rome đến Constantinople của xứ Byzantium, một thuộc địa cũ của Hy Lạp. Khi dời đô, Constantine đem theo cả một cơ đồ vật thể, nhân sự, cơ chế về đất mới. Duy chỉ có một nhân vật quan yếu ông ta để lại: Vị giám mục thành Rome. Theo Zakaria, đây là sự chia tay định mệnh mà từ nó đã đưa đến những hệ quả tốt đẹp cho lịch sử nhân loại trên bình diện ý thức hệ chính trị: sự phân ly của giáo hội và nhà nước. Lịch sử tự do bắt đầu từ sự chia tay giữa một hoàng đế và một giáo hoàng. Kết quả đầu tiên của cuộc chia tay này là phía Đông (Byzantium) của đế quốc La Mã nằm dưới quyền kiểm soát và thống trị của quốc gia (state), còn phía Tây (Rome) nằm dưới Giáo hội. Từ đó là một di sản tranh quyền liên tục suốt 1500 năm cho đến gần đây giữa hai thế lực – giữa chính quyền quốc gia thế tục đối lại với giáo quyền của Giáo hội La Mã. Zakaria tuyên bố, “Từ những tia lửa của các cuộc tranh đấu này, ngọn lửa tự do của nhân loại đã được bắt đầu.”
Tự do đến trước, dân chủ theo sau
Zakaria, cũng như Hegel và Kojève trước đó, cho rằng Thiên Chúa giáo đã đặt nền tảng cơ bản đầu tiên cho lịch sử tự do. Theo Hegel, Thiên Chúa giáo khởi đi với tiền đề bình đẳng của tất cả mọi người, bất kể điều kiện và tình trạng phân định nào, trước mắt Thiên Chúa. Tiền đề này phủ nhận những định chế phân chia chủ, nô hay giai cấp của văn minh Hy Lạp và La Mã. Thiên Chúa giáo, qua truyền thống Công giáo (Catholicism) là cả một hiện tượng đầy mâu thuẫn và nghịch lý đối với giá trị tự do. Một đằng thì đây là một tôn giáo độc thần, đầy thứ bậc đẳng cấp, khắt khe trong chủ thuyết, và đã bao lần chủ trương chiến tranh tiêu diệt các khối dân tộc khác – hãy nhìn thí dụ của Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha hay lịch sử Nam Mỹ Latin. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của giáo hội Công giáo là cả một tiến trình đấu tranh giữa giáo quyền và thế quyền, từ đó, không vì chủ ý tự do, nhưng từ lịch sử chống bạo quyền này mà không gian tự do cho cá nhân Tây phương được phát triển. Ở Tây Âu, tự do đã được phát huy cả hàng thế kỷ trước khi có phong trào dân chủ. Ngắn gọn: Tự do dẫn đến dân chủ, chứ không phải là ngược lại. Tự do, trong bối cảnh lịch sử Tây Âu đồng nghĩa với sự trưởng thành của phạm vi và ý thức tự do cá nhân và cộng đồng đối nghịch lại với quyền lực chính trị quốc gia. Trong quá trình hiện thực hóa tự do này, Giáo hội Công giáo đã là một cơ chế phản đề và cân bằng tương quan quyền lực giữa xã hội dân sự đối với quyền lực đế chế.
Tương lai của tự do, bản gốc, tiếng Anh
Cũng trong lịch sử tự do này, sau khi đế quốc La Mã đã tan rã, thì quá trình tranh đấu quyền lực giữa giai cấp điền chủ, vọng tộc đối với triều đình đã đóng góp rất nhiều cho sự phát huy tự do và xã hội dân sự. Ở Anh quốc, giai tầng quý tộc và điền chủ là một thế lực độc lập mạnh nhất. Kết quả của lịch sử đấu tranh quyền lực này là bản Hiến chương Magna Carta ký vào năm 1215 giữa triều đình nhà vua và giai cấp quý tộc Anh quốc thời đó. Đây có thể là bản hiến pháp tự do thành văn đầu tiên trong lịch sử nhân loại – nhấn mạnh và làm rõ quyền hạn của giai tầng địa chủ, tự do giáo quyền, và độc lập, tự chủ cho lãnh địa đối với quyền lực của đế chế vương quyền.
Bước tiến kế tiếp cho không gian tự do cá nhân là quá trình mâu thuẫn giữa hai khối Tin Lành và Công Giáo. Khởi đi từ sự bất mãn của nhà tu Martin Luther đối với giáo quyền thối nát và các định chế độc đoán của Giáo Hội La Mã. Đây là bước khởi đi của một cuộc cách mạng giáo quyền lâu dài, the Reformation (“Thời Cải Cách”). Chỉ trong vòng hơn một thế kỷ rưỡi, gần một nửa tín đồ Thiên Chúa Âu châu đã trở thành tín hữu Tin Lành. Tuy nhiên, theo Zakaria, thì Luther không phải là nhà cải cách trong ý thức tự do cá nhân, mà là trái lại. Ông ta là một nhà bảo thủ muốn chống lại sự buông thả quá đà của giới tăng lữ Công Giáo. “Theo đó thì cuộc đấu tranh giữa Công Giáo và Tin Lành cho ta thấy rằng tự do tôn giáo là kết quả của hai thế lực phản động, bảo thủ cực đoan kình nghịch nhau để kết quả là họ tự tương đồng huỷ diệt.” Tiến trình mâu thuẫn này vô tình cũng phát huy ra một cao trào mới: tinh thần phản biện, khoa học thực nghiệm, tự học hỏi giáo lý, thử thách giáo điều. Đây là lúc mà ý thức tự do và độc lập, tự chủ cá nhân đã bắt đầu trưởng thành trong lịch sử Âu Châu.
Tư Bản và Tự Do: Dân giàu trước, tự do và dân chủ sẽ theo sau
“Nếu quá trình tranh đấu giữa giáo hội và nhà nước, giữa giai cấp quý tộc, lãnh chúa và đế vương, giữa Công Giáo và Tin Lành đã mở cửa cho tự do cá nhân thì tư bản đã hoàn toàn phá vỡ bức tường áp bức.” Ở đầu thế kỷ XVIII, khi năng lực tư bản phát sinh thì hệ thống trật tự chính trị vương quyền, xã hội phong kiến, kinh tế địa chủ bắt đầu thay đổi đến tận gốc. Một giai tầng mới của thời đại phát sinh: giới thương gia. Đây là một khối kinh tế độc lập không tuỳ thuộc vào ơn huệ của nhà nước. Từ thương gia đến tư hữu, quyền hạn kinh tế phát huy, tự do cá nhân mở rộng thêm nữa. Một giai tầng mới xuất hiện: giới trung lưu. Tức là, “No bourgeoisie, no democracy.” (“Không có giai cấp tiểu tư sản thì không có dân chủ.”) Giai tầng trung lưu là nền tảng cần thiết cho tự do, và từ đó là các định chế dân chủ. Người ta thường nói, “Dân giàu thì nước mạnh.” Tuy nhiên điều cần biết hơn là: dân có giàu thì xã hội mới có tự do, và từ tự do mà dân chủ được thiết kế. Đó là quy trình của kinh tế và chính trị mà lịch sử – ít nhất là của phương Tây – đã chứng minh.
Một quốc gia càng phú cường thì dân chủ sẽ càng bền vững hơn. Đây là kết quả của một nghiên cứu công phu vào năm 1959 của nhà khoa học xã hội Seymour Martin Lipset. Luận cứ này của Lipset đã là tiền đề cho bao nhiêu nghiên cứu khác, bao nhiêu phản biện và chứng minh, phản chứng minh. Tuy nhiên, sau suốt 40 năm nghiên cứu, luận cứ này vẫn còn đứng vững. Theo đó, thì khi lợi tức bình quân mỗi cá nhân chuyển động từ 3000 USD trở lên, thì dân chủ có khả năng tồn tại lâu hơn. Trên 6000 USD thì dân chủ sẽ trở nên bền vững. Khi vượt bức tường 9000 USD thì dân chủ gần như thành trường cửu. Một nghiên cứu khác, trong vòng luận cứ này, cho thấy rằng một quốc gia có cơ hội khả quan để chuyển hướng sang dân chủ khi mà GDP mỗi đầu người từ 3000 đến 6000 USD. (Ghi chú: GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2014 là chừng 2000 USD.)[*]
Tuy nhiên, giàu có không phải lúc nào, hay loại nào cũng giống nhau. Nếu lợi tức đến từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, như dầu hỏa, quặng mỏ, thì tự do và dân chủ khó phát huy. Đây là trường hợp của Ả-rập Saudi hay Nga Xô và Venezuela. Thịnh vượng phải đến từ lao động, kinh doanh và sáng tạo thì tự do sẽ phát huy nhanh hơn và bền vững hơn. Đây là trường hợp của Nam Hàn, Đài Loan, hay là Hồng Kông. Khi tài nguyên thiên nhiên là nguồn lợi tức chính cho quốc gia thì chính quyền trở nên thối nát và họ không mắc nợ gì từ nhân dân, ví dụ đánh thuế. Đây là sự đổi chác qua lại: Khi dân chúng đóng thuế, họ đòi hỏi chính quyền phải xứng đáng với đồng tiền của họ. Nếu không thì chính quyền không đáp ứng với mong mỏi của quốc dân. Như trường hợp của Ả-rập Saudi, chính quyền nói với dân, “Nhà nước không đòi hỏi từ dân về kinh tế và nhà nước cũng chẳng cho dân gì cả về chính trị.” Bài học lịch sử là rõ ràng từ Mexico, đến Á Đông, Zakaria nhấn mạnh, “Cải tổ kinh tế trước, sau đó là cải tổ chính trị.” Dĩ nhiên, Zakaria cũng nhắc nhở rằng còn nhiều yếu tố khác để dẫn đến dân chủ, như là ý chí chính trị và đạo đức của lãnh đạo phong trào, may mắn, và vai trò của tôn giáo, như trường hợp của Ba Lan. Khó mà tiên đoán lúc nào thì một quốc gia sẽ có sự chuyển mình sang dân chủ dù khi những yếu tố tự do kinh tế và luật pháp đã chín mùi. Mỗi quốc gia có một số phận riêng tuỳ theo hoàn cảnh và muôn vàn yếu tố cùng điều kiện khác. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy là lợi tức và sự giàu có của nhân dân (wealth) là yếu tố và là điều kiện quan trọng nhất.
Zakaria nêu hai trường hợp đáng chú ý về câu hỏi, kinh tế trước hay dân chủ trước? Đó là Nga Xô và Trung Quốc. Nga cải tổ chính trị trước và sau đó là kinh tế. Ngược lại thì Trung Quốc cải tổ kinh tế trước, chính trị sau. Hiện nay (2003-2010) Nga Xô là quốc gia tự do hơn là Trung Quốc. Dân Nga được hưởng nhiều hơn về tự do cá nhân, quyền tư hữu, báo chí. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn cón là một quốc gia độc tài, khép kín. Tuy nhiên, những năm gần đây (2011-2015), Nga Xô đang dần đi vào con đường độc tài và dân chúng đang mất đi những quyền hạn kinh tế, tư tưởng, báo chí cơ bản từ chính quyền độc đoán của Putin. Dù là độc tài và khép kín, nhưng Trung Quốc đang mở rộng từ từ cánh cửa tự do trên nhiều bình diện, nhất là quyền tư hữu và kinh doanh. Quốc gia nào, Trung Quốc hay là Nga Xô, đang đi đúng hướng về phía tự do, dân chủ? Zakaria cho rằng, nếu phát triển kinh tế trước, xây dựng tầng lớp trung lưu vững chắc để sau đó mới mở rộng dân chủ thì Trung Quốc đang đi đúng hướng. Nga Xô là một trường hợp điển hình của một “illiberal democracy” – một nền dân chủ thiếu tự do. Trung Quốc là một trường hợp không dân chủ, thiếu tự do (“illiberal anti-democracy”?). Zakaria cho rằng, với chiều hướng hiện nay, nếu Trung Quốc tiếp tục con đường tự do hóa kinh tế, phát huy nhà nước pháp quyền, xã hội pháp trị, xây dựng tầng lớp tư sản trung lưu, và sau đó là khai phóng chính trị thì nó sẽ đi đến một quốc gia dân chủ thật sự.
Học giả thế giới trong nhiều thập niên qua đã nghiên cứu về câu hỏi, dân chủ giúp đỡ hay là trở ngại cho phát triển kinh tế? Câu trả lời là không dứt khoát (inconclusive). Zakaria trích dẫn hai nguồn dữ kiện và nghiên cứu chính: Thứ nhất là của Liên Hiệp Quốc trong báo cáo Human Development Report 2002: Deepening Democracy in a Fragmented World (New York: Oxford University Press, 2002) và của Przeworski, Alvarez và Cheibub, Democracy and Development: Political Institutions and Well-Being in the World, 1950-1990 (New York: Cambridge University Press, 2000). Tất cả các nghiên cứu nghiêm chỉnh đều cho thấy là mối quan hệ nhân quả giữa dân chủ và phát triển kinh tế vẫn chưa có câu trả lời rõ rệt. Tuy nhiên, Zakaria nhấn mạnh, trong suốt 50 năm qua, gần như những cuộc chuyển hóa sang nền dân chủ tự do thành công đều phát xuất từ những quốc gia có nền độc tài thoáng và tiến bộ (“liberal authoritarianism”) – ví dụ như Đài Loan và Nam Hàn. Những ai đòi hỏi dân chủ trước, kinh tế sau nên phải nhìn lại tiền đề chính trị này.
Dân chủ và chiến tranh: Hòa bình trong tự do, chiến tranh từ dân chủ
Quan điểm thông thường cho rằng các chế độ dân chủ thì yêu chuộng hòa bình và ít hiếu chiến hơn các chế độ độc tài. Sai! Lịch sử gần đây cho thấy điều ngược lại. Các chế độ dân chủ non trẻ hay chưa trưởng thành “hiếu chiến hơn, phát động chiến tranh thường xuyên hơn và với mức độ khốc liệt hơn là hầu hết các nhà nước khác.” Theo đó thì hòa bình chỉ được bền vững hơn đối với các chế độ dân chủ tự do: “hòa bình dân chủ thực chất là hòa bình tự do.” Zakaria nêu lên nhiều trường hợp chiến tranh được phát động bởi các chế độ dân chủ nhằm thoả mãn cao trào chủng tộc, yêu nước hay dân tộc cực đoan. Trường hợp Adolf Hitler những năm 1930-40, Slobodan Milosevic của Nam Tư của 1995-96, hay gần đây Bosnia, Azerbaijan, Armenia, Georgia, Zambia... là những thí dụ điển hình. Hai nhà khoa học chính trị Jack Snyder và Edward Mansfield, sau khi nghiên cứu dữ kiện lịch sử cẩn thận, đã đi đến kết luận rằng “Trong 200 năm qua các nhà nước đang dân chủ hóa phát động chiến tranh nhiều hơn đáng kể so với các chế độ chuyên chế ổn định hay các chế độ dân chủ tự do.” Ở những quốc gia chưa có một nền chính trị trưởng thành theo mô hình tự do hiến định (constitutional liberalism), cao trào dân chủ thường mang theo hệ luỵ của chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan và hiếu chiến. Các lãnh tụ lợi dụng các cao trào cực đoan này để tiếm quyền và gây chiến nhằm thoả mãn tình cảm dân chúng đương thời. Từ Napoleon III của Pháp, Wilhelmine của Đức, Taisho của Nhật hay là Milosevic của Nam Tư... đều cho ta thấy điều này. Zakaria nói, “Hòa bình dân chủ là có thật, nhưng hóa ra nó chẳng mấy liên quan đến dân chủ.”
Trường hợp của khối Hồi Giáo Ả-rập: Chìa khóa là chính trị, không phải là tôn giáo hay văn hóa
Đối với thế giới Hồi giáo, dân chủ hóa nhanh chóng đã đưa đến nhiều thảm họa, huỷ diệt tự do và là nguồn gốc của chiến tranh và áp bức. Ở các quốc gia Hồi Giáo trong khối Ả-rập, từ Ai Cập đến Ả-rập Saudi, hay Jordan, hay lãnh thổ Palestine, nếu có bầu cử dân chủ tự do thì các phe Hồi giáo cực đoan theo kiểu Taliban sẽ lên nắm quyền. Các chế độ Ả-rập hiện nay là thối nát, áp bức, vâng, nhưng các lực lượng thay thế họ bằng dân chủ đầu phiếu sẽ còn tồi tệ hơn bao nhiêu lần. Mấy năm trước, lãnh tụ của Kuwait, với sự khuyến cáo của Hoa Kỳ, đã đề nghị cho phụ nữ ở đó được quyền bỏ phiếu. Nhưng quốc hội của Kuwait, đa số là của khối Hồi Giáo bảo thủ, đã từ chối dứt khoát. Tương tự như thế. Khi hoàng tử Abdullah của Ả-rập Saudi đề nghị cho phụ nữ Saudi được quyền lái xe, các phe bảo thủ đã vận động dân chúng chống lại, và cuối cùng dự kiến đó phải bị huỷ bỏ. Không như ở Tây phương, tự do phát huy dân chủ và dân chủ xây đắp tự do (liberalism produced democracy and democracy fueled liberalism), đối với khối Ả-rập Hồi giáo thì ngược lại, cao trào dân chủ dẫn đến chiến tranh, áp bức, độc tài và nhiều thảm họa khác. Vấn đề ở đây không hẳn chỉ vì tôn giáo. Trường hợp của Indonesia hay Malaysia chẳng hạn. Các quốc gia này cũng là Hồi giáo nhưng lại có dân chủ và một mức độ tự do khá thành công.
Nguồn gốc của các cao trào Hồi giáo cực đoan thì phức tạp. Từ văn hóa, tôn giáo, con người, địa dư, khu vực Ả-rập có một lịch sử quan hệ phức tạp và đầy mâu thuẫn với Tây Âu. Từ đó đã phát xuất rất nhiều nguyên cớ chống Tây phương của người Ả-rập. Tuy nhiên, trên bình diện tự do cho chính người Hồi Giáo, thì nguyên nhân quan yếu là chính trị – hơn là kinh tế. Nên nhớ rằng Osama bin Laden đến các lãnh tụ khủng bố Hồi Giáo khác đều xuất thân từ các gia đình thượng lưu giàu có ở Ả-rập Saudi và Ai Cập. Theo Zakaria, vấn đề là sự thiếu cải tổ về hướng tự do của các đế chế cầm quyền Ả-rập. Các chế độ Ả-rập, dựa vào nguồn tài nguyên dầu hỏa, để tiếp tục củng cố các đế chế lỗi thời, thay vì cải cách chính trị và các quy trình tự do khác khi mà ý thức về thời đại và tự do của các khối quần chúng Ả-rập đang lên cao. Các dự án xã hội chủ nghĩa mà các quốc gia Ả-rập thử nghiệm càng làm cho đất nước chậm phát triển, chính quyền thêm thối nát và thiếu hiệu năng. Zakaria cho rằng nếu các chế độ Hồi Giáo Ả-rập hiện nay từ từ mở rộng không gian tự do thì phong trào Hồi Giáo cực đoan sẽ không còn hấp dẫn quần chúng nữa. Chìa khóa là những phát huy tiệm tiến con đường dân chủ hóa để không cho các phong trào cực đoan lợi dụng dân chủ để nắm chính quyền – nhưng đồng lúc thoả mãn ý nguyện tự do và phát triển, hiện đại hóa của quần chúng. Con lộ dẫn đến tự do và dân chủ đòi hỏi kiên nhẫn, khôn khéo, ý chí quyết tâm. Ở đây, văn hóa không phải là trở ngại cho quá trình này. Zakaria cho rằng khi chính quyền theo đuổi những dự án kinh tế, xã hội và chính trị đúng đắn và hợp thời, hợp lòng người thì văn hóa và tôn giáo sẽ thay đổi và đáp ứng theo. Văn hóa và tôn giáo không phải là một định tính bất di dịch. Văn hóa, và ngay cả tôn giáo, ở một tầm mức nào đó, chỉ là một sản phẩm của chính trị và kinh tế.
Trường Hợp Hoa Kỳ: Thảm trạng của dân chủ quá mức
Nếu giàu có là chỉ số của hạnh phúc thì đáng ra dân chúng Mỹ phải hạnh phúc hơn ai cả. Nhưng dù trong suốt một phần tư thế kỷ qua, nền kinh tế Mỹ đã đem đến thêm năm ngàn tỷ Mỹ kim cho dân chúng, thế mà các cuộc thăm dò cho thấy rằng dân Mỹ không cảm thấy hạnh phúc hơn gì cả trong suốt thời gian qua. Ngược lại, nhiều chỉ số tâm lý khác cho thấy là dân chúng Mỹ càng bất mãn hơn về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa nhiều so với mấy thập niên khác. Tại sao? Nguyên nhân chính là cao trào dân chủ phổ thông kiểu Mỹ đã làm cho nền chính trị công quyền bị tê liệt, mất hiệu năng, và trên nhiều phương diện, càng ngày càng trở nên phản dân chủ. Nguyên lý dân chủ đa số của Hoa Kỳ được cân bằng bởi những nguyên tắc hiến pháp nhằm tôn trọng quyền cơ bản của thiểu số. Ý tưởng cơ bản là sự quân bình giữa tự do và dân chủ. Tuy nhiên, khi nguyên tắc dân chủ đa số đã trở nên cao trào lớn thì hệ quả của nó là sự suy tàn của những định chế truyền thống, những giá trị văn hóa xã hội có thẩm quyền, và từ đó vai trò của các nhóm đặc quyền, đặc lợi nắm hầu hết các diễn đàn chính trị, và chính sách của quốc gia. Hoa Kỳ ngày nay, theo Zakaria, là một quốc gia thiếu quân bình: rất dân chủ nhưng thiếu tự do.
Vấn đề ở chỗ rằng chính giới Mỹ hiện nay “chẳng làm gì cả” ngoài chuyện chạy theo dư luận nhất thời của quần chúng. Kết quả thăm dò dư luận trở nên chìa khóa định hướng cho chính sách. Mà dư luận quần chúng thì bất thường, ích kỷ, và thiển cận. Vì thế mà các vấn đề lớn như an sinh xã hội, tiền hưu, bảo hiểm y tế... cả hành pháp lẫn lập pháp đều không dám đụng đến để cải cách lâu dài và cơ bản. Một số những chính sách khác thì bị kiểm soát bởi một thiểu số đặc quyền năng động – như chính sách ngoại giao của Mỹ với Cuba và Do Thái thì bị kiểm soát bởi các khối dân Mỹ gốc Do Thái và Cuba, hay chính sách trợ giúp nông nghiệp vô lý thì bị giới nông dân nắm chặt diễn đàn. Còn chính giới dân cử? Từ tổng thống cho đến nghị viên, thống đốc... ai nấy suốt ngày đều lo vận động gây quỹ tranh cử, cho mình hay cho đảng mình. Không khi nào mà tiền bạc đã trở nên máu thịt cho chính trị Hoa Kỳ như hiện nay. Dân chủ Mỹ là dân chủ của kẻ có tiền. Nền chính trị bầu cử của Mỹ đã trở nên một thị trường bỏ phiếu – tranh cử chính trị nay đã trở nên tiếp thị quyền lợi. Hệ quả là không có một tầng lớp lãnh đạo có thẩm quyền đạo đức và viễn kiến, tách rời khỏi đám đông thiển cận và nhất thời, ích kỷ để lãnh đạo quốc gia. Dân chủ Mỹ là của một đám đông ồn ào, đầy xúc cảm, chỉ biết quyền lợi của mình – và đây là nguyên nhân cho những bế tắc chính sách dẫn đến sự xuống dốc của thế lực và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên trường thế giới.
Thêm một yếu tố văn hóa khác đang làm cho xương sống chính trị và xã hội Mỹ xuống dốc: đó là cái mà Zakaria gọi là cái chết của thẩm quyền (“the death of authority”). Dân chủ Mỹ đạt được một tầm mức tự do cao độ là nhờ vào nền tảng xã hội dân sự, sự trưởng thành của báo chí, hội đoàn, giáo dục, địa phương tự quản. Điều này thì Alexis Tocqueville đã viết rất rõ trong cuốn Democracy in America (Nền dân trị Mỹ). Ngày nay, các khối thẩm quyền đã dần dần biến mất. Giới luật sư và bác sĩ, chẳng hạn, thay vì đóng vai trò nhân tố lãnh đạo chính trị và công quyền và dân sự từ trung ương đến điạ phương, nay chỉ lo phần kinh tế. Xã hội Mỹ không còn các khối ưu tú, the elites, để đóng vai trò hướng đạo, cân bằng xã hội và chính trị với trí tuệ và tâm khí trưởng thành. Kết quả là một nền dân chủ năng động như là một tập thể thiếu niên không được điều hướng và tiết chế bởi những người lớn khôn khéo và trưởng thành.
Zakaria nêu lên một trường hợp điển hình của quan điểm xã hội Mỹ đối với giới ưu tú. Trong cuốn phim ăn khách Titanic, khi tàu đang chìm xuống, phim chiếu cảnh các hành khách khoang hạng nhất, first class, dành lên phao cứu hộ với phụ nữ. Phải nhờ đến các thuỷ thủ dùng súng uy hiếp thì khi đó phụ nữ và trẻ em mới dành được các phao cứu sống họ. Tuy nhiên, hình ảnh trong phim trái ngược với câu chuyện đã xẩy ra. Cảnh phim đã bị nhà sản xuất thay đổi nhằm thể hiện và đáp ứng một sự chống đối tầng lớp ưu tú của khán giả hiện nay mà thôi. Câu chuyện thực thì hoàn toàn trái lại. Những người còn sống đã kể lại một câu chuyện hòan toàn khác. Ở khoang hạng nhất, tỷ lệ phụ nữ được cứu sống cao nhất so với các khoang trung bình hay phổ thông. Ở khoang hạng nhất, 70 phần trăm đàn ông bị chết, trong khi tất cả trẻ em được cứu và chỉ có 5 phụ nữ bị chết (3 phụ nữ đã tình nguyện chết theo chồng khi chồng không chịu lên phao) và 144 được cứu. Ở khoang hạng nhì 90 phần trăm đàn ông bị chết, trong khi 80 phần trăm phụ nữ được cứu. Tức là, giới giàu có thượng lưu (ở khoang hạng nhất và hạng nhì) tuân thủ cao độ nguyên tắc đạo lý cứu phao khi tàu đắm: phụ nữ và trẻ em là ưu tiên. John Jacob Astor, người giàu có hàng đầu nước Mỹ thời ấy, lúc tàu Titanic chìm, đã dành bơi đến một tàu nhỏ cứu hộ, bỏ vợ ông vào khoang, xong rồi không chịu lên tàu cứu hộ với vợ, nhường chỗ cho trẻ em và phụ nữ khác, vẫy tay chào và chìm xuống biển đông lạnh mà chết. Benjamin Guggenheim, một đại gia Mỹ khác, cũng đã hành xử như thế. Ông đã nhường chỗ trên phao cứu nạn cho một phụ nữ khác, trước khi chìm xuống biển, nhờ người phụ nữ kia nhắn lại, “Xin nói với vợ tôi... Tôi đã chơi đẹp cho đến phút cuối cùng... Không người phụ nữ nào bị bỏ lại trên boong vì Ben Guggenheim là tên hèn nhát.” Giới thượng lưu, giàu có của xã hội Mỹ thời đó đã sống và hành xử theo một đạo lý danh dự cao, the unwritten code of honor, cho dù có dẫn đến một cái chết chắc chắn. Họ là những cột trụ và xương sống của một nền dân chủ tự do. Ngày nay, giới thượng lưu trọng danh dự này không còn nữa. Đây là một trong những nguyên nhân cho sự xuống dốc của xã hội Hoa Kỳ.
Chìa khóa cho tự do là một chính phủ hiệu năng
Thực tế trên thế giới suốt nửa thế kỷ qua đã cho chúng ta thấy rằng dân chủ không phải là giải pháp quan yếu cho các quốc gia nghèo đói, áp bức và hỗn loạn. Vấn nạn đối với các quốc gia đang phát triển, theo Zakaria, không phải là thiếu dân chủ mà bất hiệu năng trong quản lý. Từ Iraq cho đến Palestine, đến Haiti, đây là một căn bệnh ung thư – tham nhũng, thối nát, bất lực – đang huỷ hoại đời sống của con người. Hầu hết cả thế giới ngày nay, thử thách lớn lao là mâu thuẫn dân sự, nghèo đói, bệnh tật, phong trào dân tộc và tôn giáo cực đoan. Những căn bệnh này không những huỷ hoại mầm mống dân chủ hay tự do, chúng còn không cho một trật tự xã hội nào được kiến tạo. Ngay cả Phi châu, nơi mà nhiều người nhìn với con mắt bi quan, thì thập niên này đã có những bước tiến khả quan về hướng dân chủ, tự do, với bầu cử hiệu năng và những chính thể rộng mở. Thử thách cho các nền dân chủ non trẻ không phải là chính trị dân chủ mà là tự do – tức là một chính quyền hiệu năng với những dự án chính trị kinh tế tiệm tiến và hợp lý, hợp lòng người và thời đại. Zakaria trích lời của James Madison từ The Federalist Papers rằng, “Khi thiết kế một chính quyền theo cơ chế con người quản chế con người, khó khăn nằm ở chỗ: trước hết ta phải cho phép chính quyền kiểm soát những người bị trị, kế đến mới là bắt buộc chính quyền phải biết tự chế chính mình.” Trật tự trước, tự do sau. (Đây là tiền đề chính mà tôi đã phác họa trong “Dân Chủ Pháp trị: Công lý, Tự do và Trật tự Xã hội,” 1996)
Bài học cho Việt Nam
Với những luận đề trên của Zakaria từ Tương Lai của Tự Do, người Việt hiện nay có tìm ra được một luận chứng cơ bản nào khả dĩ áp dụng cho lý tưởng dân chủ, tự do cho nước nhà?
1
Việt Nam có phải là một “illiberal democracy”? Theo định nghĩa và tiêu chuẩn của Zakaria – “dân chủ phi tự do” phải có bầu cử lãnh đạo quốc gia công bằng mà kết quả thể hiện ước muốn của đa số – thì Việt nam không phải hay chưa phải là một nền dân chủ phi tự do. Việt Nam hiện nay, dưới chế độ độc đảng Cộng Sản, là một quốc gia độc tài đang trên chiều hướng khai mở. Tức là Việt Nam đang đi từ một chế độ độc tài toàn trị, totalitarianism, đến một thể chế độc đoán, authoritarianism. Nhân dân đang dần được sống trong một không gian kinh tế thông thoáng hơn, thịnh vượng hơn, chính trị ngày càng bớt khắt khe. Tuy rằng về các phương diện như báo chí, hội đoàn thì về chính sách ngày càng bị giới hạn và kiềm chế – dù internet đã làm cho mọi chính sách về tư tưởng và thông tin, báo chí của Đảng trở nên vô hiệu. Độc tài của Việt Nam là một thể loại độc tôn chủ nghĩa trong định chế đảng trị, cộng với một guồng máy công quyền và nhân sự thiếu hiệu năng và thối nát. Nó không như các thể loại độc tài cá nhân hay quân phiệt như Nam Hàn hay Singapore trước đây vốn đã xây dựng những định chế cần thiết cho không gian tự do nhằm tạo cơ hội tiến đến dân chủ pháp trị.
2
Việt Nam có thể chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang một độc tài pháp trị? Nên nhớ rằng các nền dân chủ lớn như Ấn Độ và Mexico, cho đến gần đây, vẫn là những quốc gia dân chủ độc đảng. Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam có thể (1) Từ bỏ nội dung và hình thái chủ nghĩa Mác-Lenin, (2) Mở rộng không gian tự do bằng con đường xây dựng những định chế pháp trị và pháp quyền khách quan với một hệ thống tư pháp và tòa án vô tư, độc lập, hiệu quả, (3) Đặt ưu tiên vào kinh tế thị trường, giảm thiểu vai trò quốc doanh thiếu hiệu năng, (4) Tôn trọng quyền tư hữu ruộng đất và bất động sản chính thức bằng hiến pháp, (5) Cải tổ bộ máy hành chánh công quyền trở nên hiệu năng, trong sạch, minh bạch, (6) Xây đắp một đội ngũ công chức, cán bộ và lãnh đạo địa phương xứng đáng, (7) Cải tổ sâu rộng cơ chế và chính sách giáo dục,... thì độc quyền độc đảng không phải là một khuyết điểm bất trị. Singapore là một mô hình độc đảng hiệu năng khi họ đã theo đuổi một định hướng tự do như vậy. Khi thịnh vượng quốc gia chưa đạt đến mức chuyển hóa chính trị, như Zakaria biện luận, thì chìa khóa cho sự chuyển hóa này không phải chỉ là ý thức tự do – mà nhân dân Việt Nam có đủ – mà là ý chí tự do và cách mạng thể chế của một khối quần chúng quyết định, the critical mass, hay một vài lãnh đạo có ý lực đạo đức cho tự do, the moral will to liberty, nhằm thuyết phục, thúc đẩy, thực thi cải cách toàn diện cho cả một bộ máy lỗi thời, ù lì và phản tiến bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện giờ. Với tình hình hiện nay, ý thức và nhu cầu cách mạng thể chế đã chín muồi – và chỉ có người cộng sản Việt Nam, đang nắm vai trò trọng yếu trong thể chế, đương quyền, “có tâm, có tầm,” mới có khả năng làm chủ được cuộc thay đổi này.
3
Nếu dân chủ hóa thì Việt Nam sẽ đi vào hỗn loạn không? Câu trả lời phải là không, hay là với một khả năng rất thấp. Chúng ta phải công nhận rằng, trên trường quốc tế, khách quan nhận xét, về phương diện nội trị, để thiết lập một thể chế chính trị ổn cố, một trật tự công quyền và an ninh vững chắc, thì Việt Nam đã và đi một bước thành công khá xa – dù cho nội dung trật tự, bản sắc công lý, mức độ trong sạch, minh bạch trong một không gian tự do, pháp trị đã không đạt được một tầm mức mà phần đông dân chúng mong muốn. Từ một trật tự ổn cố nhưng chưa đạt được một nội dung thể chế xứng đáng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và khả năng chuyển hóa sang con lộ dân chủ bằng phương thức khai mở các định chế tự do hiến định (constitutional liberalism). Nhắc lại tiền đề lịch sử mà Zakaria nêu lên trong cuốn sách này: Tự do trước, dân chủ sau. Đây là quy trình đáng tin cậy dẫn đến một nền dân chủ vững bền và có thực chất. Không như các quốc gia khác, ở Việt Nam thì mâu thuẫn địa phương, chủng tộc, hay các yếu tố phân biệt không sâu đậm hay chưa có một lịch sử chia rẽ khó hàn gắn. Ngay cả mâu thuẫn tôn giáo ở Việt Nam cũng rất thấp. Một tổng thống dân chủ của một Việt Nam dân chủ có thể tấn công dàn khoan Trung Quốc ở biển Đông để xoa dịu và mỵ dân trước cao trào bài Trung, khai mào một cuộc chiến mới đầy tai hại với Trung Quốc. Hay các sắc dân thiểu số gốc Khmer ở Tây Nam bộ, hay gốc Thái, Nùng ở cực Bắc có thể nổi lên phong trào tự chủ; hay một khối quần chúng ở Sài Gòn tranh đấu cho những giá trị hay biểu tượng cũ của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đây là những nguy cơ tương đối thấp vốn có thể giải quyết bằng những phương thức đối thoại và hòa giải khôn khéo bởi lãnh đạo quốc gia. Phải nên nhớ rằng, dù dân chủ hay không, hay dưới bất cứ chế độ, thể chế hay nhân sự lãnh đạo nào, toàn bộ cơ chế quân đội, công an và hành chánh Việt Nam hiện nay phải được giữ nguyên – dĩ nhiên là phải được cải cách toàn diện, độc lập khỏi đảng phái, trong sạch hóa, chuyên môn hóa, và pháp chế hóa. Sai lầm của Hoa Kỳ khi lật đổ Sadam Hussein ở Iraq vào năm 2003 là giải thể quân đội và guồng máy chính thể của đảng Baath, tạo nên một khoảng trống công quyền và hành chánh, dẫn đến hỗn loạn không chữa trị được. Trong lúc đó, khi Nelson Mandela của Nam Phi, vị tổng thống da đen đắc cử, đã giữ nguyên hệ thống hành chánh công quyền của người da trắng, tạo nên một sự chuyển quyền êm đẹp, tiếp tục cải cách xã hội một cách đầy trật tự và hiệu năng.
4
Người Cộng Sản Việt Nam (CSVN) có thể tự tiến hành một cuộc cách mạng thể chế hay không? Không ai có thể lường trước được cái gì có thể xẩy ra và như thế nào cho tương lai. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại: Từ khi đi theo khúc quanh đổi mới, suốt phần tư thế kỷ qua, đảng CSVN đã đạt được những thành công về kinh tế, xã hội, ngoại giao đầy ấn tượng, không gian tự do cá nhân và xã hội cũng được mở rộng ra nhiều – dù không được như là lòng dân và thời đại đòi hỏi. Nếu chấm bảng điểm thì họ đã đạt được điểm C+ hay là C-, vừa đủ để đỗ, nhưng chưa đến mức thành công. Nhưng cho đến nay thì con đường đổi mới của đảng CSVN đang đi đến tận cùng hết mức khả thể và khả thi của nó. Chính thể và guồng máy công quyền Việt Nam, từ định chế quy tắc đến phẩm chất nhân sự, đang đi vào con lộ băng hoại, thối nát, thiếu hiệu năng, chuyên quyền và bất công trên hầu hết mọi phương diện. Hãy nhìn vào sinh hoạt giáo dục ở học đường. Không có quốc gia nào, mà chúng ta biết được, có nạn “phong bì” hối lộ ngang nhiên và mất nhân phẩm giữa học trò và thầy cô như ở Việt Nam hiện nay. Nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, thối nát, từ trung ương đến địa phương, từ giáo dục đến quân đội, công an, hay thương trường. Tham nhũng, đút lót nay đã trở thành quy luật phổ biến chứ không còn là ngoại lệ. Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước quốc nạn này. Như Zakaria đã nêu lên, văn hóa tham nhũng khởi đi từ văn hóa chính trị, văn hóa chính trị khởi đi từ thể chế và chính sách sai lầm của lãnh đạo. Không thể trách rằng nhân dân chấp nhận văn hóa tham nhũng được. Thối nát xã hội Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ thối nát chính trị và công quyền. Công bằng mà nói, trên thế giới hiện nay, như Ấn Độ, Cam Bốt, Venezuala, Indonesia, nạn thối nát, tham nhũng công quyền không thua kém gì ở Việt Nam. Những ai đã đi qua Ấn Độ, một nền dân chủ từ 1947, thì sẽ thấy công an giao thông ở đó tống tiền tài xế còn trắng trợn hơn ở Việt Nam nhiều. Tuy nhiên, sai lầm của kẻ khác không phải là biện minh hay là lý do tha thứ hay chấp nhận cho sai lỗi của mình. Chúng ta phải hỏi, tại sao Singapore hay Đài Loan, vốn chưa phải là những quốc gia dân chủ tự do đúng nghĩa, nhưng lại có một nền hành chánh công quyền hiệu năng, trong sạch và minh bạch? Tất cả đều có nguyên nhân từ lãnh đạo thể chế chính trị. Việt Nam xứng đáng để có một thể chế chính trị tốt đẹp hơn hiện nay. Tuy nhiên, với một chính chế và quy trình đang có để tuyển lọc nhân sự lãnh đạo của đảng CSVN, khó mà có một hay vài cá nhân có khả năng vượt qua được tính ù lì, bảo thủ của cơ chế. Những ai có ý chí cải cách mạnh đều bị loại ra khỏi guồng máy để rồi trở nên những tiếng nói bất mãn, vô hiệu quả. Rốt cuộc, mọi người muốn tham dự vào đế chế phải tuân thủ và nói theo một luận điệu có sẵn như các bô lão đọc sớ cúng ở đình làng theo đúng nghi thức. Tình hình hiện nay đòi hỏi một nhân vật gần như phi thường, đầy mưu lược, vận dụng nhiều mưu kế khác nhau, trong viễn kiến cải tổ thể chế toàn triệt, dành được quyền hạn quyết định để tiến hành một cuộc thay đổi lớn cho lý tưởng dân chủ tự do. Nhưng đây chỉ là ước mơ, ít có khả năng thành hiện thực. Cái còn lại với xác suất cao hơn là một Bộ Chính Trị mới có tâm và tầm nhìn chiến lược cho quốc dân, vượt qua quyền lợi cá nhân và phe phái, tiệm tiến cải tổ sâu rộng và từng phần cho bộ máy chính trị và công quyền hiện nay. Tức là, tự do trước, dân chủ sau. Nếu không có những yếu tố bất định trong chính trị quốc gia và thế giới, hay là sự khởi động của một cao trào quần chúng trong một năng lực ý chí và ý thức tự do mới – thì liệu đây có phải là định mệnh cho Việt Nam trong vòng hai ba thập niên tới?
5
Dựa trên những bài học lịch sử dân chủ hóa trên toàn thế giới gần đây, và trên nguyên tắc lý thuyết của Tương Lai của Tự Do mà Zakaria đưa ra, thì Việt Nam – ít nhất là trong vài thập niên tới – sẽ rất khó mà có được một thể chế chính trị dân chủ như nhiều người mong muốn. Tương lai cho tự do và dân chủ ở Việt Nam sẽ còn là một con lộ nhiều thử thách, cay nghiệt và đầy bi vọng.
Nguyễn Hữu Liêm
No comments:
Post a Comment