December 20, 2016

Bài học về thuật lãnh đạo của Fidel Castro

Robert Maranto

Phạm Nguyên Trường dịch

Mô hình lãnh đạo Fidel Castro: Tìm được những con dê tế thần

Ngày nay, tất cả những người có uy quyền, dù còn sống hay đã chết hay chỉ là nhân vật hư cấu, cũng đều có một cuốn sách viết về thuật lãnh đạo.



Wes Roberts chấp bút tác phẩm Bí mật của thuật lãnh đạo của Attila Rợ Hung, (Attila, chữ Hán: 阿提拉, phiên âm Hán Việt: A Đề Lạp; 406 – 453; người châu Âu gọi ông là Attila Rợ Hung – ND), mặc dù chính Attila không để lại tác phẩm nào. Các nhà sử học hiện đại biết rất ít về Attila, ngoại trừ việc ông có thể giết hết những môn đệ không thực hiện được mệnh lệnh, một công cụ mà bất cứ người đứng đầu công ti hiện đại nào cũng sẽ phải ghen tị. Để chứng minh rằng mình không bị mắc kẹt trong quá khứ, sau đó Roberts còn là đồng tác giả cuốn Làm như thế: Bí mật của thuật lãnh đạo của Star Trek thế hệ sau (Make It So: Leadership Secrets from Star Trek the Next Generation), tìm kiếm thuyền trưởng Picard để giao quyền ngày càng hiệu quả hơn là thuyền trưởng Kirk.

Nghiên cứu luật sư của công ti nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, Donald Phillips chấp bút tác phẩm Lincoln nói về lãnh đạo: Các chiến lược thực thi trong những thời kì khó khan (Lincoln on Leadership: Executive Strategies for Tough Times). Tất nhiên, như Jefferson Davis chỉ ra trong cuốn bàn về thuật lãnh đạo của mình, thật dễ dàng lãnh đạo cuộc chiến tranh khi bạn có số súng ống và binh sĩ gấp hai lần đối phương.

Trong Mẹ Teresa, Giám đốc điều hành (Mother Teresa, CEO), Ruma Bose và Lou Faust chỉ ra rằng các CEO phải tuyển dụng những người cùng chia sẻ niềm đam mê làm việc vì công ti của mình. Đi sâu hơn vào các tôn giáo, như là chủ đề về kinh doanh, Mike Murdock chấp bút tác phẩm Bí mật thuật lãnh đạo của Chúa Jesus (The Leadership Secrets of Jesus). Chúa Jesus là người giải quyết vấn đề, người lập kế hoạch, và nhân viên bán hàng siêu đẳng, Ngài tin vào sản phẩm của mình. Chúa Jesus chứng tỏ khả năng quay lại từ những thất bại tưởng như là đã chết. Để động viên nhân viên, Ngài đã đi trên mặt nước, theo đúng nghĩa đen của từ này. Chúa Jesus đã thành công, mặc dù cha Ngài không phải là người nổi tiếng.

Những người nghĩ rằng họ là Chúa Jesus có thể tìm mua cuốn bestseller Nghệ thuật Giao dịch (Art of the Deal) của tổng thống mới đắc cử, Donald Trump. Nói cho cùng, lãnh đạo liên quan đến đàm phán, như Trump sẽ nhanh chóng tìm được những đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Quốc hội. Rebecca Shambaugh vừa công bố tác phẩm Bí mật của nghệ thuật lãnh đạo của Hillary Clinton (Leadership Secrets of Hillary Clinton), dành cho những người muốn học hỏi từ một nhà lãnh đạo không được lòng quần chúng như các ông Donald khác.

Cùng mạch như thế, tôi đề xuất một cuốn sách mới, tôn vinh nhà lãnh đạo vừa qua đời, một luật sư của đất nước tù mù, một người nhờ làm việc cực nhọc và những tính toán nát óc đã chiếm được và lãnh đạo một công ty tư nhân cực kì lớn trong suốt nửa thế kỉ. Dưới đây là những điểm chính được rút ra từ cuốn Lider Maximo ("Lãnh tụ tối cao"): Chín bài học lãnh đạo được rút ra từ Fidel Castro (Lider Maximo (“Supreme Leader”): Nine Leadership Lessons from Fidel Castro).

Bài học 1: Biết mình. Ngay từ khi còn nhỏ, Fidel đã biết luật lệ không áp dụng đối với mình. Điều đó đã cung cấp cho ông sức mạnh nội tâm để thất hứa, hết lần này đến lần khác. Ví dụ, trong khi đang tìm kiếm quyền lực, ông ta hứa sẽ tổ chức bầu cử, nhưng khi đã nắm quyền, ông ta lại tuyên bố “bầu cử à, để làm gì?”

Bài học 2: Học từ những sai lầm của người khác. Trong khi chính quyền Batista ân xá cho kẻ phản loạn Castro sau khi ông này ngồi tù đúng hai năm, Castro không bao giờ phạm phải sai lầm do lòng từ bi gây ra. Ông ta đã giết 600 đối thủ ngay trong những tháng đầu tiên sau khi nắm quyền, và giết từ 15 ngàn đến 17 ngàn, hoặc hơn, trong những thập kỉ tiếp theo, đấy là theo cuốn The Black Book of Communism (Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản). Tuy nhiên, nhiều người đã chết trong tù, tình trạng bất ổn dân sự, hay tìm cách khác như vượt biển (thuyền nhân), dẫn tới bài học thứ ba.

Bài học 3: Tiêu diệt đối lập. Bạn chỉ cần giết một ít người, sau đó nguồn cung sẽ hết.

Bài học 4: Tiêu diệt những người ủng hộ, nhất là những người có tài. Castro đã cho Che Guevara ra nước ngoài chiến đấu, ông ta đã chết mà không gây ra tai tiếng gì. Sau những cuộc chiến tranh ở nước ngoài, vị tướng được lòng dân là Arnaldo Ochoa bị Castro hạ lệnh bắt và kết án tử hình vì những cáo buộc giả tạo. Tiêu diệt những người tài năng làm cho họ không thể thách thức bạn và gửi đi thông điệp nói rằng những người có khả năng chỉ an toàn khi họ rời khỏi Cuba.

Bài học 5: Kiểm soát phương tiện sản xuất. Lider Maximo nắm trong tay nền kinh tế cho nên chỉ những người ủng hộ ông ta mới được ăn no và được chăm sóc sức khỏe. Tương tự như thế, các phương tiện truyền thông bị kiểm soát làm cho phe đối lập không ngóc đầu lên được.

Bài học 6: Thu thập thông tin. Bộ nội vụ theo dõi tất cả người dân Cuba, họ tuyển mộ hàng ngàn chivatos (chỉ điểm). Người Cuba không thể nói những điều họ nghĩ về Fidel vì ông ta có thể nghe thấy.

Bài học 7: Mẽ ngoài quan trọng hơn thực chất. Fidel thành thạo nghệ thuật làm cho mình trông như một nhà lãnh đạo du kích yếu thế, ngay cả khi đang thưởng thức cao lương mĩ vị của cả một đất nước nằm hoàn toàn trong tay ông ta. Các nước Mĩ Latin khác thành công hơn hẳn về y tế, về của cải và tỉ lệ người biết chữ, nhưng các nhà lãnh đạo của họ ít được tôn vinh. Chỉ có Castro là gây được ấn tượng trên toàn cầu mà thôi.

Bài học 8: Tìm được những con dê tế thần. Castro lên án Mĩ, tuyên bố rằng đấy là nguyên nhân làm cho nền kinh tế và hệ thống y tế của Cuba suy sụp – người Cuba nào dám phản đối?

Bài học 9: Tìm người bảo trợ. Từ Liên Xô cũ đến nước Venezuela nhiều dầu mỏ và những người ngoại quốc dễ bị lừa khác, Castro nịnh bợ những người khác vì đã ủng hộ để cho công ti riêng của gia đình ông ta tiếp tục hoạt động.

Castro đã thành công, ông ta được hưởng quyền lực trong suốt nửa thế kỉ, theo sau là một đám tang với rất nhiều kẻ khúm núm, quị lụy.

Đương nhiên là nghệ thuật lãnh đạo như thế chỉ có thể hoạt động trong khu vực công hay trong những công ti độc quyền tư nhân mà thôi. Các công ti trên thị trường tự do mà hoạt động như thế chắc chắn sẽ sớm phải tuyên bố phá sản.

Robert Maranto, có bằng tiến sĩ, chủ tịch ban lãnh đạo phòng cải cách giáo dục ở trường đại học Arkansas (University of Arkansas).

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: https://fee.org/articles/leadership-lessons-from-fidel-castro/

No comments:

Post a Comment