September 25, 2016

Lần này Putin đã thắng, nhưng chính sách của ông ta chắc chắn sẽ sụp đổ

Xã luận tờ Washington Post

Phạm Nguyên Trường dịch


Vụ gian lận tràn lan trong cuộc bầu cử quốc hội Nga năm 2011 đã dẫn những cuộc biểu tình quần chúng làm cho chế độ của Vladimir Putin kinh ngạc và choáng váng. Trong năm năm vừa qua, điện Kremlin đã được tập trung vào những biện pháp nhằm đảm bảo rằng cuộc nổi dậy như vậy không thể xảy ra một lần nữa. Các nhà lãnh đạo đối lập đã bị giết, bị bỏ tù hoặc bị buộc phải sống lưu vong, và các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có những tổ chức giám sát bầu cử, đã bị hạn chế nghiêm ngặt. Luật pháp đã bị thay đổi theo hướng có lợi cho đảng cầm quyền, và người ta đã thành lập Đội cận vệ để bảo vệ điện Kremlin. Ông Putin thậm chí còn đột ngột dời ngày bầu cử từ tháng 10 sang tháng 9, khi nhiều người Nga vừa đi nghỉ về, nhằm làm giảm tỉ lệ cử tri đi bầu.


Ngày chủ nhật, 18 tháng 9 vừa rồi, dường như Putin đã nhận được kết quả mà ông ta mong muốn. Đảng Nước Nga của Putin đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội lần này và báo cáo về gian lận ít hơn hẳn. Những cuộc biểu tình phản đối mang tính quần chúng dường như khó xảy ra. Nhiều người Nga ở nhà chứ không muốn thể hiện ý chí của mình trong hòm phiếu nữa. Người ta nói rằng 48% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, trong khi các cuộc bầu cử trước đây số người tham gia trung bình là 60% - các thành phố lớn như Moscow và St. Petersburg, chỉ có một phần ba, thậm chí chưa đến một phần ba cử tri đi bầu .

Hôm thứ hai, Putin nói rằng ông ta hài lòng với kết quả bầu cử, thậm chí ông ta còn tuyên bố rằng cử tri đã phản ứng “trước những cố gắng ở bên ngoài nhằm làm nước mất ổn định”. Trên thực tế, thông điệp thực sự của cuộc bầu cử là nhiều người Nga tỏ ra bàng quan về chính trị, hoặc phản đối chế độ một cách thầm lặng – tương tự như thời Xô Viết. Hai phần ba cử tri ở hai thành phố quan trọng nhất quyết định không đi bầu nhằm phản đối Putin, sẽ không bị đe dọa về tính mạng hay có thể bị đi tù; nhưng họ cũng không muốn tham gia vào việc bầu ra cái quốc hội đã chẳng có giá trị gì từ khá lâu rồi.

Nhưng trong dài hạn, nó sẽ không hứa hẹn điều gì hay ho cho hệ thống độc đoán mà Putin đã xây dựng được. Nền kinh tế Nga đang hấp hối, đây là năm suy thoái thứ ba. Giấc mơ của chế độ về việc khuyến khích các ngành công nghiệp chứ không chỉ dựa vào năng lượng và khai thác nguyên liệu, và xây dựng ngành công nghệ cao, đã chết hẳn từ lâu rồi. Nhiều người có kĩ năng trong tầng lớp trung lưu Nga đang rời bỏ đất nước. Người ta nói rằng từ năm 2011 đến nay đã có hơn 1 triệu người ra đi.

Chính thức thì Putin được trên 80% dân chúng ủng hộ, Donald Trump thích nói như thế. Nhưng trên thực tế, chế độ của ông ta ngày càng dựa nhiều hơn vào những biện pháp đàn áp. Thứ 2, ngày 19 tháng 8, trước khi có kết quả cuối cùng của cuộc kiểm phiếu, tờ Kommersant đã thông báo cáo rằng Bộ An ninh quốc gia sẽ được thành lập trong thời gian tới. Bộ này sẽ bao gồm các cơ quan tình báo đang làm việc ở trong và nước ngoài, tương tự như KGB của Liên Xô cũ.

Có thể Putin nghĩ rẳng ông ta sẽ cần cơ quan an ninh để đảm bảo rằng minh sẽ được tái cử vào năm 2018. Hiện nay, dường như ông ta có thể làm được việc đó. Nhưng con người cứng rắn đang cai trị nước Nga đang quên những bài học mà lịch sử hiện đại của đất nước này đã dạy: Tình trạng trì trệ kinh tế, những biện pháp đàn áp nghiêm khắc và sự chống đối thụ động, về lâu dài, nhất định sẽ làm hệ thống sụp đổ.

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/opinions/global-opinions/putin-got-what-he-wanted-this-time-but-the-rest-is-a-recipe-for-collapse/2016/09/19/7a0bc070-7e83-11e6-9070-5c4905bf40dc_story.html?utm_term=.d658864faa55

1 comment: