Hiếu Tân
dịch
Chương 3
Đọc (Phần cuối)
Tôi khao khát làm quen
với những người thông thái hơn những người mà mảnh đất Concord này đã sinh ra,
mà tên tuổi hiếm khi được biết ở đây. Hay là tôi sẽ chỉ nghe tên Plato[1] và
không bao giờ đọc sách của ông? Như thể Plato là người cùng thành phố tôi mà
tôi không bao giờ gặp, người láng giềng sát vách mà tôi chưa bao giờ nghe ông
nói hoặc chú tâm đến sự thông thái trong những lời nói của ông? Nhưng thật sự
là thế nào? Những cuộc đối thoại[2]
của ông, chứa đựng những gì là bất tử ở ông, nằm trên giá sách bên cạnh, và tôi
chưa bao giờ đọc chúng. Chúng ta kém giáo dục, sống thấp kém và dốt nát; và
trong khía cạnh này tôi thú nhận tôi không thấy có sự khác biệt lớn giữa cái
dốt của những người đồng hương không biết chữ của tôi, với cái dốt của người
chỉ học đến mức đọc được những gì dành cho trẻ em và những người kém trí. Chúng
ta nên vươn lên ngang tầm với những giá trị của thời cổ đại, nhưng một phần
trước hết bằng cách biết chúng giá trị như thế nào. Chúng ta là giống người nhỏ
bé, và chỉ bay vút lên trong những chuyến bay trí tuệ của chúng ta, cao hơn một
chút so với những cột báo hằng ngày.
Henry David Thoreau (1817 -1862)
Không phải tất cả các
cuốn sách đều tối tăm như những độc giả của họ. Trong sách có thể có những lời
nói đúng vào tình cảnh của chúng ta, mà nếu chúng ta có thể thật sự nghe và
hiểu, sẽ tốt lành hơn buổi sáng hay mùa xuân của cuộc đời chúng ta, và có thể
rọi một ánh sáng mới lên bề mặt của sự vật cho chúng ta. Đối với nhiều người
việc đọc một cuốn sách đã mở ra một thời kì mới trong đời. Cuốn sách đó tồn tại
cho chúng ta đôi khi sẽ giải thích những điều kì diệu của chúng ta và bộc lộ
những điều mới. Những gì lúc này không thể thốt ra chúng ta sẽ thấy được thốt
ra ở nơi nào đó. Cùng những vấn đề làm chúng ta bất an, khó hiểu và hoang mang
cũng đã có lần xảy ra với những người khôn ngoan, tất cả không có ngoại lệ, và
mỗi người đã trả lời chúng, theo khả năng của mình, bằng lời và bằng cuộc đời
mình. Hơn nữa, với hiểu biết chúng ta sẽ học được cách nhìn rộng mở. Một người
làm thuê cô đơn trong một trang trại ở ngoại ô Concord, người đã được tái sinh
và mặc khải, cho rằng vì thế cần phải sống lặng lẽ và xa lánh mọi người, có thể
không tin vào điều này; nhưng Zoroaster[3],
cách đây nhiều nghìn năm, cũng đi con đường ấy và có cùng trải nghiệm ấy, nhưng
vì thông thái ông biết rằng nó là phổ quát, và đối xử khoan dung với láng giềng
của ông, và thậm chí được coi là đã phát minh ra và thiết lập tình bác ái giữa
những con người. Vậy hãy để cho anh ta cảm thông một cách khiêm nhường với
Zoroaster, và qua ảnh hưởng rộng mở của tất cả các đấng bậc, với chính Jesus
Christ, và để “nhà thờ của chúng ta” với anh, không còn cần thiết nữa.
Dịch giả Hiếu Tân
Chúng ta hãnh diện rằng chúng ta thuộc về thế kỉ
mười chín và đang sải những bước nhanh nhất so với mọi dân tộc. Nhưng hãy xem
thành phố này đã làm ít ỏi thế nào cho văn hóa của chính nó. Tôi không nuốn
nịnh những người cùng thành phố với tôi, cũng không muốn họ nịnh tôi, vì điều
đó sẽ chẳng giúp cho họ hay tôi tiến bộ. Chúng ta, giống như nhưng con bò đực,
cần phải chọc bằng gậy nhọn mới bước đi. Chúng ta có một hệ thống trường công
tương đối nghiêm chỉnh, những trường chỉ dành cho tuổi đồng ấu; nhưng chỉ trừ
Lyceum[4] đói
gần chết trong mùa đông, và gần đây một thư viện mới bắt đầu một cách yếu ớt do
nhà nước khởi xướng, không có trường nào cho người lớn chúng ta. Chúng ta chi
tiêu cho hầu như bất kì đồ ăn hay thuốc men thể xác nào, nhiều hơn cho thức ăn
tinh thần của chúng ta. Đây là lúc chúng ta phải có những trường học ngoài công
lập[5], để
chúng ta không bỏ học khi trở thành người lớn. Đây là lúc mà các thành phố là
các trường đại học, mà những dân thành phố đứng tuổi là thành viên các trường
đại học, có thời gian nhàn rỗi - nếu họ khá giả, tất nhiên - để theo đuổi những
nghiên cứu tự do trong phần còn lại của cuộc đời. Thế giới có nên vĩnh viễn bó
hẹp trong một Paris hay một Oxford không? Các sinh viên không thể lên tàu tại
đây và lĩnh hội một nền giáo dục tự do dưới những bầu trời của Concord sao?
Chúng ta có thể thuê một Abelar[6] để
giảng cho chúng ta không? Than ôi, bận chăn nuôi gia súc và giữ kho, chúng ta
bị cách li với giáo dục quá lâu, và việc học tập của chúng ta đã bị bỏ bê một
cách đáng buồn. Trong nước này, làng ở một số khía cạnh nào đó chiếm vị trí của
quý tộc châu Âu. Nó phải là người bảo trợ nghệ thuật. Nó đủ giàu có để làm thế.
Nó chỉ thiếu sự hào hiệp và tinh tế. Nó cần tiêu tiền đủ cho những thứ mà nhà
nông và nhà buôn coi trọng, nhưng nó được coi là Không tưởng[7] khi
đề nghị chi tiêu cho những thứ mà những người thông minh hơn biết là có giá trị
hơn nhiều. Thành phố này đã tiêu mười bảy nghìn đô la cho một toà thị chính,
nhưng có lẽ nó không tiêu nhiều đến như thế nuôi sống trí tuệ, cái thật sự cốt
lõi để đưa vào trong toà nhà ấy, trong hằng trăm năm. Một trăm hai mươi lăm đô
la hàng năm đóng cho một Lyceum vào mùa đông là khoản chi tiêu có ích hơn bất
kì món tiền tương đương nào được quyên góp trong thành phố. Nếu sống trong thế
kỉ XIX, tại sao chúng ta không hưởng lấy tất cả những thuận lợi mà thế kỉ XIX
đem hiến cho chúng ta? Tại sao cuộc sống của chúng ta cứ phải có tính chất tỉnh
lẻ? Nếu chúng ta đọc báo, tại sao không bỏ qua chuyện tầm phào của Boston và
lấy ngay tờ báo hay nhất thế giới? - chứ không bú cái núm vú cao su “báo của
các gia đình trung lưu” hay lướt qua Olive-Branches[8] ở New England này. Hãy
để những phóng sự của tất cả những xã hội có học đến với chúng ta, và chúng ta
sẽ thấy chúng có biết gì không? Tại sao chúng ta lại để cho Harper & Brothers và Redding & Co.[9] lựa chọn cho chúng ta đọc
cái gì[10].
Nếu như một người quý tộc có thị hiếu được trau dồi, bao quanh anh ta những gì
tạo nên văn hóa của anh ta - tài năng - học vấn - trí tuệ - sách - tranh -
tượng - nhạc - các giáo khoa triết học - và những thứ tương tự, thì hãy để cho
thành phố chúng ta cũng làm như vậy, không chỉ giới hạn ở một nhà sư phạm, một
mục sư, một người kéo chuông nhà thờ, một thư viện của giáo khu, và ba ủy viên
hội đồng thành phố, bởi vì những tổ tiên hành hương[11]
của chúng ta đã có lần đi qua một mùa đông lạnh lẽo trên một tảng đá hoang vu
với những thứ này. Hành động tập thể đang theo tinh thần của những thiết chế
của chúng ta, và tôi tin tưởng rằng một khi những hoàn cảnh của chúng ta thịnh
vượng hơn, những biện pháp của chúng ta sẽ hay hơn của nhà quý tộc. New England
có thể thuê tất cả những nhà thông thái trên thế giới đến đây để dạy nó, và chu
cấp nơi ăn chốn ở cho họ[12]
trong toàn bộ thời gian, và không hề là tỉnh lẻ nữa. Đó là trường phi-công
lập chúng ta cần. Thay vì những nhà quý tộc, chúng ta hãy là những thành
phố quý tộc của những con người. Nếu cần, bớt đi một cây cầu bắc qua sông, chịu
khó đi vòng một chút, và lao ít nhất một nhịp cầu qua cái vực tối tăm hơn của
ngu dốt bao quanh chúng ta.
[2] Trong cuốn Những cuộc đối thoại của Plato, các nhân vật hỏi những câu hỏi, để Plato có dịp đưa ra những quan điểm của ông, và để cho người đọc quyết định đúng hay sai.
[4] Lyceum
là hệ thống giáo dục công ở những thành phố nhỏ của
New England giữa thế kỉ XIX.
Mục đích chính của nó là bảo trợ một loạt bài giảng lưu động mỗi mùa đông.
Thoreau là một giảng viên thường xuyên của các lyceum như thế.
[5] Thoreau không đánh giá cao giáo dục của hệ thống trường công, kể cả các trường đại học. Quan niệm của ông về giáo dục chủ yếu là học suốt đời, một mình, với sách và những người thông thái.
[7] Một nơi lí tưởng tưởng tượng, mặc dầu tên gọi của nó có nghĩa là “Không nơi nào”. Nhiều người cho rằng Walden là một loại tác phẩm không tưởng.
[10] Harper & Brothers xuất bản một loạt sách có tên “Tủ sách văn học kinh điển chọn lọc”, Thoreau thích tự mình chọn hơn.
No comments:
Post a Comment