March 20, 2016

Vì đâu nên nỗi?

NGỌC VIỆT

(GDVN) - Trong các hình thức cướp quyền thì gian lận trong bầu cử là hình thức cướp quyền gây nguy hại nhất cho chế độ chính trị.


BBC ngày 16/3 đưa tin, Toà án tối cao Pakistan đã tạm xóa bỏ lệnh cấm xuất cảnh với cựu Tổng thống nước này Pervez Musharraf. Điều này giúp cho ông Musharraf có cơ hội đi kiểm tra sức khỏe và điều trị bệnh ở nước ngoài theo nguyện vọng của mình. Ông Musharraf được điều trị chứng đau ngực từ tháng 1/2016, song tình trạng của ông hiện nay tồi tệ hơn rất nhiều.

Hiện tại ông Musharraf đến điều trị tại bệnh viện ở Pakistan vào Thứ Hai và Thứ Ba hàng tuần để đảm bảo sức khỏe. Việc ông được phép ra nước ngoài điều trị giúp ông có cơ hội tốt hơn cho việc nâng cao thể trạng, bên cạnh đó ông Pervez Musharraf cũng có thể được ghé thăm người mẹ ốm yếu của mình đang sống ở Dubai.

Những tưởng đây là một việc hết sức bình thường đối với một công dân Pakistan, đặc biệt ông Pervez Musharraf còn là cựu Tổng thống của quốc gia Nam Á này trong vòng 10 năm, giai đoạn 1998 – 2008.

Một việc bình thường như vậy mà phải cần tới sự cho phép của Tòa án thì một người từng khuynh đảo chính trường như ông Musharraf mới có thể được thực hiện. Tòa án Tối cao Pakistan dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với cựu Tổng thống Pervez Musharraf trong thời gian ông đang chờ bị xét xử về tội phản quốc và một số tội danh khác.
Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf. Ảnh: AP.
Tội trạng của ông Musharraf liên quan đến việc ban bố trình trạng khẩn cấp năm 2007 và đặc biệt là vụ ám sát kinh hoàng cựu nữ Thủ tướng Benazir Bhutto diễn ra trong cùng năm đó.

Đây là cái giá quá đắt cho sự tự do – mà chỉ là tự do tạm thời - đối với tướng Pervez Musharraf và đó cũng là cái giá ông phải trả cho những sai lầm trong quá khứ. Vì đâu ông Pervez Musharraf lại ra nông nỗi như vậy?

Độc tài, phản dân chủ

Cũng nên nhắc lại rằng, mười năm sau cái chết thê thảm của Tổng thống Pakisatn Muhammad Zia ul-Haq – người nắm quyền qua một cuộc đảo chính - trong một tai nạn hàng không vào năm 1988, Tổng tư lệnh quân đội nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan Pervez Musharraf lại thực hiện việc đảo chính để giành lấy quyền bính.

Cho dù không diễn ra một cuộc binh biến có đổ máu, nhưng việc tước bỏ quyền lực của Thủ tướng Nawaz Sharip là một hành động phản dân chủ. Cho dù ông Musharraf có lên tiếng biện minh cho hành động của mình bằng việc cho rằng chính phủ lúc đó yếu kém, thậm chí tham những, thì cũng không thể thay đổi bản chất của sự việc đó là hành động cướp quyền.

Sau khi có được quyền lực bằng sức mạnh của quân đội, ông Musharraf cũng dùng sức mạnh của quân đội vào việc củng cố quyền lực của mình. Ông tạo ra những cơ chế chính trị để tập trung quyền lực vào tay mình. Ông tìm cách nâng cao vai trò của Tổng thống trong chế độ Cộng hòa nghị viện bán Tổng thống, nhằm gạt bỏ ảnh hưởng của phe đối lập.

Từ khi cướp được quyền lực đến khi phải từ bỏ quyền lực, ông Musharraf chưa bao giờ được yên trên ngôi vị của mình. Ông lo chính quân đội sẽ đảo chính mình, ông lo những người đối lập sẽ lật đổ mình, nhưng nỗi lo lớn nhất là nhân dân Pakistan sẽ đứng lên đòi lại quyền lực từ tay mình, bởi ông nắm giữ quyền lực nhưng không được người dân ủy thác.

Chính vì nỗi lo như vậy nên ông Musharraf luôn tìm cách hạn chế quyền lực của những người làm việc dưới quyền ông và gây bè kết cánh xung quanh ông.

Tư lệnh quân đội luôn được xem là người quyền lực nhất trên chính trường Pakistan nên lúc đầu ông Musharraf kiêm nhiệm, sau đó ông bỗ nhiệm người thân tín của ông vào chức vị ấy, theo BBC ngày 10/1/2007.

Quốc hội là nơi phe đối lập có thể dùng sức mạnh của luật pháp để lật đổ ông thì ông đã tìm cách hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của định chế quyền lực này. Tòa án tối cao là nơi có thể dùng Hiến pháp để khống chế quyền lực của Tổng thống thì ông Musharraf luôn tạo ra sự mâu thuẫn với nhánh quyền lực này và tìm cách đưa người thân cận vào ghế Chánh án Tòa án Tối cao.

Cái chết của bà Benazir Bhutto đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Pervez Musharraf. Ảnh: radiotnn.com.
Với người dân, ông sử dụng công cụ sức mạnh của chế độ để đàn áp sự phản kháng, thực hiện những cuộc bầu cử mỵ dân để hợp pháp hóa vai trò của mình. Thủ tiêu chính trị là một trong những cách mà ông Musharraf đã đứng sau giật dây cho thực hiện để ngăn chặn mầm mống đe dọa quyền lực của mình.

Tuy nhiên, tất cả những gì Pervez Musharraf thực hiện đều vẫn không khiến cho ông an lòng, bởi ông biết lòng dân luôn dậy sóng do những việc làm của mình trái với quy luật về nắm quyền lực và thực thi quyền lực.

Và với khát khao quyền lực hình thành nên tư tưởng tham quyền cố vị, ông Musharraf đã tiến thêm một bước nữa về hành động phản dân chủ của mình là vi hiến.

Việc đình chỉ Hiến pháp và ban hành thiết quân luật năm 2007 là một hành động nguy hiểm cho sự nghiệp của ông Pervez Musharraf. Tuy nhiên, hành động ấy lại không phải là vãn hồi trật tự như mục đích của thiết quân luật, bởi nó không thể đảm bảo an toàn cho sinh hoạt chính trị tại Pakistan và kết quả là xảy ra vụ ám sát bà Benazir Bhutto tại Rawanpildi.

Và cuộc bầu cử diễn ra trong bất ổn sau đó đã mang lại chiến thắng cho đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cố Thủ tướng Benazir Bhutto và đó cũng là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Musharraf khi ông phải từ chức Tổng thống vào năm 2008 và đối mặt với việc luận tội theo yêu cầu của phe đối lập.

Như vậy là trong suốt quá trình chiếm giữ quyền lực, ông Pervez Musharraf luôn thực hiện những hành động phản dân chủ để đảm bảo quyền lực cho mình. Song thực ra Musharraf chưa bao giờ là một người có quyền lực thực sự. Bởi lẽ, cái quyền lực mà ông sử dụng đều không được người dân Pakistan ủy thác thông qua cơ chế ủy nhiệm quyền lực nhân dân.

Có thể thấy rằng, khi nắm quyền ông Pervez Musharraf rất cô độc vì những người cộng tác với ông chỉ bởi họ sợ cái cách hành động phản dân chủ của ông làm hại cho bản thân họ, gia đình họ.

Và khi không còn quyền lực, ông cũng hết sức cô độc do ông gần như không có lực lượng những người ủng hộ ở bên cạnh mình trong những thời khắc cô đơn nhất của cuộc đời.

Đánh cắp niềm tin, dập tắt niềm hy vọng

Hẳn nhiều người cho rằng, sự cô độc, cô đơn là cái giá mà ông Pervez Musharraf phải trả cho những hành động phản dân chủ của mình. Tuy nhiên người viết cho rằng, nếu chỉ là độc tài, độc đoán khi thực thi quyền lực thì ông Musharraf chắc chắn không phải cô độc đến mức độ như vậy.

Đơn giản là vì chắc chắn có nhiều người được hưởng lợi từ sự độc tài của ông và họ sẽ ở bên ông lúc ông rời xa quyền lực.

Thế mới thấy, hậu quả hiện tại Pervez Musharraf đang phải gánh chịu là cái giá mà ông phải trả cho việc ông đã đánh cắp niềm tin của người dân Pakistan, trong đó có cộng sự của ông, có đối thủ của ông, có những người ủng hộ ông và có những người đối lập với ông.

Nghĩa là ông Musharraf đã đánh cắp niềm tin của nhân dân Pakistan bằng sự lừa dối của chính mình.

Trong lịch sử chính trị thế giới, việc đảo chính một chính phủ hợp hiến luôn bị phản đối, thậm chí lên án dù với bất cứ lý do gì. Trao trả quyền lực cho một chính phủ dân sự luôn là việc mà lực lượng đảo chính phải thực hiện để đảm bảo nền dân chủ.

Sau khi tạo điều kiện cho một chính phủ dân sự được thành lập hậu đảo chính, thì thường lực lượng đảo chính không phải đối mặt với luật pháp nếu không gây đổ máu hoặc không có những hành động gây tội ác.

Sau khi thực hiện đảo chính, ông Pervez Musharraf cũng tổ chức bầu cử để nhân dân Pakistan gửi trao quyền lực cho những ai mà họ tin tưởng.

Tuy nhiên, mục đích của ông Musharraf là thâu tóm quyền lực, trong khi uy tín của ông không cao nên ông phải dùng thủ đoạn để hợp pháp hóa quyền lực của mình. Nghĩa là ông Musharra đã có gian dối trong bầu cử.

Phải nói rằng, đây mới là nguyên nhân chính đẩy ông ra xa người dân Pakistan, chứ không phải là hành động đảo chính quân sự. Trong các hình thức cướp quyền thì gian lận trong bầu cử là hình thức cướp quyền gây nguy hại nhất cho chế độ chính trị.

Hình thức cướp quyền “giả nhân giả nghĩa” này luôn là hình thức bị lên án nhiều nhất chứ không phải là đảo chính quân sự.

Gian lận bầu cử có thể là việc làm sai lệch kết quả qua kiểm đếm phiếu bầu, có thể là dùng tiền mua chuộc cử tri, có thể là dùng quyền lực hay uy tín gây ảnh hưởng đến ứng cử viên.

Gian lân bầu cử cũng có thể là việc sử dụng sức mạnh nhà nước uy hiếp tinh thần ứng cử viên, uy hiếp cử tri đi bầu cử hay không đi bầu khi cuộc bầu cử diễn ra...

Tuy nhiên, hình thức cao nhất của gian lận bầu cử là tạo ra cơ chế bầu cử nhằm hạn chế việc tham gia ứng cử và làm giảm khả năng thắng cử của những người bất đồng chính kiến hay đối thủ chính trị. Bởi lẽ, hình thức gian lận này nó khiến cho kết quả bầu cử diễn ra theo ý muốn của lực lượng cầm quyền chứ không theo ý nguyện của nhân dân.

Gian lận bầu cử sẽ gây ra hậu quả rất nguy hại cho xã tắc, đó là có thể có những kẻ bất tài, thậm chí là hại dân hại nước nhưng lại được trao quyền nắm giữ vận mệnh quốc gia, quyết định sinh mệnh chính trị của nhân dân.

Cướp quyền qua gian lận bầu cử là hình thức phản dân chủ cao nhất bởi nó đánh cắp niềm tin và dập tắt niềm hy vọng – hai yếu tố tinh thần cao nhất trong việc tạo nên giá trị tinh thần cho tiến bộ xã hội.

Nếu một cuộc đảo chính diễn ra thì người dân luôn có niềm tin và nuôi hy vọng là lực lượng làm đảo chính sẽ thực thi dân chủ, dù chưa biết thời gian của việc thực thi ấy. Tuy nhiên, khi một cuộc bầu cử gian lận có kết quả thì niềm tin của người dân sụp đổ bởi họ không còn chờ đợi điều gì tốt đẹp nữa.
Cựu Tổng thống Philippines Gloria Macaraeg Macapagal-Arroyo bị bắt tại sân bay Manila. Ảnh: Reuters.
Còn người tài năng và đức độ muốn cống hiến cho đất nước nhưng bị loại bỏ bởi thủ đoạn chính trị chứ không phải bởi sự bất tín nhiệm của nhân dân. Qua đó niềm hy vọng thay bằng nỗi thất vọng, sự tuyệt vọng.

Từ đó hình thành nên những lực lượng bất mãn với chế độ, gây nên bất ổn xã hội. Và mức độ bất ổn xã hội do gian lận bầu cử gây ra nguy hiểm gấp nhiều lần bất ổn xã hội sau một đảo chính quân sự, lật đổ chính quyền.

Pervez Musharraf đã phải hứng chịu hậu quả của hành động ấy khi người dân biểu tình chống lại ông năm 2007, bởi ông muốn thực hiện việc đánh cắp niềm tin của người dân Pakistan một lần nữa. Để thực hiện điều này, Musharraf đã đình chỉ Hiến pháp, thực hiện thiết quân luật. Kết quả là ông Musharraf và đảng của ông thất bại trong một cuộc bầu cử tự do.

Người viết cho rằng, số phận của Pervez Musharraf xem ra còn may mắn, bởi lẽ nếu ông có cơ hội thực hiện gian lận bầu cử một lần nữa thì có lẽ bây giờ ông đã hoàn toàn mất tự do khi quyền lực nhân dân nhắm vào ông được thực thi quyết liệt.

Pervez Musharraf nắm quyền lực bằng việc tước bỏ sinh mệnh chính trị của Nawaz Sharip và ông phải rời bỏ quyền lực sau khi tính mạng của bà Benazir Bhutto bị tước đoạt, mà có liên quan đến trách nhiệm của ông.

Trước đây, nhìn hình ảnh nữ cựu Tổng thống Philippines Gloria Macaraeg Macapagal-Arroyo khóc tức tưởi trên xe lăn khi bà bị bắt giữ ngay trước khi lên máy bay để đi chữa bệnh ở nước ngoài, vì bị điều tra về hành động gian lận bầu cử, nhiều người nghĩ rằng sẽ không có vị lãnh đạo quốc gia nào để xảy ra trường hợp tương tự vì nó quá ê chề cho quá khứ oai hùng của họ.

Nay với việc cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đi chữa bệnh phải được sự cho phép của chính quyền, cho thấy tham vọng quyền lực đã khiến cho nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới không ngần ngại thực hiện mọi thủ đoạn chính trị, bất chấp tất cả để có được quyền lực mà quên mất rằng, một tương lai không tốt đẹp luôn chờ họ ở phía trước với đầy đủ nhục nhã và ê chế.

Nguồn: Giáo Dục

No comments:

Post a Comment