January 20, 2016

Xuất khẩu mô hình Trung Quốc

Francis Fukuyama

Phạm Nguyên Trường dịch

Francis Fukuyama

Năm 2016 bắt đầu, cuộc cạnh tranh mang tính lịch sử về mô hình phát triển vẫn tiếp tục - đó là, những chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Mĩ và các nước phương Tây khác. Mặc dù công chúng không biết nhiều về cuộc cạnh tranh này, kết quả của nó sẽ quyết định số phận của nhiều nước ở lục địa Á-Âu trong những thập kỉ tới.

Hầu hết người phương Tây nhận thức được rằng ở Trung Quốc tốc độ tăng trưởng đã giảm đáng kể, từ trên 10% mỗi năm trong những thập kỷ gần đây xuống còn dưới 7% (và có thể thấp hơn) hiện nay. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngồi yên mà tìm cách đẩy nhanh sự dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu, dựa vào chế tạo, có hại cho môi trường sang mô hình dựa vào tiêu dùng nội địa và lĩnh vực dịch vụ.

Nhưng trong các kế hoạch của Trung Quốc nhân tố bên ngoài vẫn còn khá lớn. Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố sáng kiến to lớn, gọi là Một Vành Đai, Một Con Đường, có thể chuyển hóa trung tâm kinh tế của lục địa Á-Âu. Một Vành Đai là tuyến đường sắt kéo dài từ miền Tây Trung Quốc qua Trung Á và từ đó đến châu Âu, Trung Đông và Nam Á. Một Con Đường là các cảng và cơ sở vật chất nhằm gia tăng lượng hàng vận chuyển qua đường biển từ các nước Đông Á và liên kết những nước này với Một Vành Đai, tạo cho họ điều kiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, chứ không phải đi qua hai đại dương, như hiện nay.

Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu (AIIB) – đầu năm 2015 Mĩ đã từ chối tham gia - một phần là để tài trợ cho dự án Một Vành Đai, Một Con Đường. Nhưng nhu cầu đầu tư của dự án này lớn hơn hẳn nguồn lực của ngân hàng vừa được thành lập.

Trên thực tế, Một Vành Đai, Một Con Đường là sự khởi đầu đầy ấn tượng trong chính sách của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển của mình sang các nước khác. Dĩ nhiên là trong những thập kỉ vừa qua các công ty Trung Quốc đã hoạt động rất tích cực ở khắp lục địa Mĩ Latin và phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi, họ đầu tư vào quá trình sản xuất hàng hóa và các ngành công nghiệp khai khoáng và cơ sở hạ tầng để chuyển những thứ đó về Trung Quốc. Nhưng Một Vành Đai, Một Con Đường là chuyện khác: mục đích của nó là phát triển năng lực trong lĩnh vực công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng ở ngoại quốc. Trung Quốc không tìm cách khai thác nữa mà tìm cách chuyển ngành công nghiệp nặng của mình sang các nước kém phát triển hơn, làm cho họ trở thành giàu có hơn và thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm của Trung Quốc.

Mô hình phát triển của Trung Quốc khác với mô hình phát triển được ưa chuộng ở phương Tây. Mô hình này dựa trên các khoản đầu tư to lớn của nhà nước vào cơ sở hạ tầng - đường giao thông, cảng, điện, đường sắt, sân bay - để tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển. Các nhà kinh tế học Mĩ bác bỏ con đường phát triển theo kiểu cứ-xây-dựng-cái-này-những-cái-khác-sẽ-tự-tới vì sợ tham nhũng và xung độ quyền lợi khi nhà nước dính líu quá nhiều vào hoạt động kinh tế. Ngược lại, trong những năm gần đây, chiến lược phát triển của Mĩ và châu Âu lại tập trung đầu tư vào y tế công cộng, quyền của phụ nữ, hỗ trợ xã hội dân sự trên toàn cầu, và những biện pháp chống tham nhũng.

Mục dù các mục tiêu của phương Tây được nhiều người hoan nghênh, nhưng chưa có nước nào từng trở thành giàu có nếu chỉ đầu tư vào những công việc đó. Y tế công cộng là điều kiện căn bản quan trọng cho phát triển bền vững, nhưng nếu phòng khám không có hệ thống cấp điện và cấp nước sạch đáng tin cậy hay không có đường cái tốt dẫn tới những phòng khám đó thì lợi ích cũng không nhiều. Chiến lược phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã mang lại hiệu quả đáng kể ở chính Trung Quốc, và đấy cũng là thành tố quan trọng trong chiến lược mà các quốc gia Đông Á khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, áp dụng.

Câu hỏi lớn đối với tương lai của nền chính trị toàn cầu khá đơn giản: Mô hình nào sẽ giành được thế thượng phong? Nếu Một Vành Đai, Một Con Đường đáp ứng được kì vọng của các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc thì toàn bộ lục địa Á-Âu, từ Indonesia tới Ban Lan, sẽ được chuyển hóa chỉ trong một thế hệ tới đây. Nếu mô hình của Trung Quốc đơm hoa kết trái ở bên ngoài Trung Quốc, thì nó sẽ làm gia tăng thu nhập và bằng cách đó gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc trên những thị trường thay thế cho những thị trường èo uột trên những khu vực khác của thế giới. Những ngành công nghiệp gây ô nhiễm cũng sẽ được đưa sang những nước khác. Trung Á không còn là ngoại vi mà sẽ trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới. Còn hình thức quản trị độc tài của Trung Quốc sẽ giành được uy tín lớn và sẽ gây ra hiệu quả rất tiêu cực đối với chế độ dân chủ trên toàn thế giới.

Nhưng có những lí do quan trọng để đặt câu hỏi: Một Vành Đai, Một Con Đường có thành công hay không? Cho đến nay, phát triển dựa trên cơ sở đầu tư vào hạ tầng đã thành công ở Trung Quốc vì chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát được môi trường chính trị. Nhưng ở nước ngoài thì không phải như thế, bất ổn, xung đột và tham nhũng ở những nước này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với kế hoạch của Trung Quốc.

Thực ra, Trung Quốc đã ở trong tình trạng đối đầu với những cổ đông bất mãn, những nhà làm luật có tinh thần dân tộc chủ nghĩa và những người bạn không đáng tin cậy ở Ecuador và Venezuela; họ đã bỏ vào những khoản đầu tư lớn vào những nước này. Trung Quốc đã và đang sử dụng những biện pháp cấm đoán và đàn áp đối với người Hồi giáo bất kham ở tỉnh Thanh Hải, không thể sử dụng chiến thuật tương tự ở Pakistan hay Kazakhstan.

Nhưng điều này không có nghĩa là chính phủ Mĩ và châu Âu có thể ngồi yên và chờ đợi Trung Quốc thất bại. Ở Trung Quốc, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng trên diện rộng có thể đã đạt đến giới hạn, ở nước ngoài nó cũng có thể không mang lại hiệu quả, nhưng nó vẫn có vai trò cực kì quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Trong những năm 1950 và 1960, Mĩ đã từng xây những con đập lớn và hệ thống đường xá, nhưng sau này, những công trình như thế không còn được ưa chuộng nữa. Hiện nay, trong lĩnh vực này, Mĩ không có nhiều thứ để cung cấp cho các nước đang phát triển. Sáng kiến “Năng Lượng Cho Phi Châu” của tổng thống Barack Obama là một dự án tốt, nhưng tốc độ quá chậm.

Đáng lẽ Mĩ phải là thành viên sáng lập ngân hàng AIIB, hiện Mĩ vẫn có thể tham gia và thúc đẩy Trung Quốc tuân thủ một cách tích cực hơn các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường, an toàn và những tiêu chuẩn về quyền lợi của người lao động. Đồng thời, Mĩ và các nước phương Tây khác phải tự hỏi vì sao xây dựng cơ sở hạ tầng – không chỉ ở nước ngoài mà ở cả trong nước – lại khó đến như thế. Nếu không làm như thế, có nguy cơ là chúng ta sẽ nhường tương lai của lục địa Á-Âu và những khu vực quan trọng khác trên thế giới cho Trung Quốc và mô hình phát triển của nước này.

Francis Fukuyama là cộng tác viên cao cấp ở Đại học Stanford và Giám đốc trung tâm nghiên cứu về dân chủ, phát triển và chế độ pháp quyền. Tác phẩm mới xuất bản gần đây có nhan đề Political Order and Political Decay (tạm dịch: Trật tự chính trị và suy tàn về chính trị).

Nguồn project-syndicate

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

No comments:

Post a Comment