December 23, 2015

Thế kỉ mới đối với Trung Đông

Jeffrey D. Sachs

Trường Xuân dịch

Mĩ, Liên minh châu Âu và các thiết chế do phương Tây lãnh đạo như Ngân hàng Thế giới đã nhiều lần hỏi rằng tạo sao Trung Đông không thể tự cai trị được mình. Câu hỏi được đặt ra một cách trung thực nhưng chưa thể hiện được rõ sự tự nhận thức. Nói cho cùng, cản trở lớn nhất đối với việc quản lí một cách hiệu quả trong khu vực này là không có chế độ tự quản: những thiết chế chính trị trong khu vực này đã bị tê liệt, đấy là do sự can thiệp liên tục của Mĩ và châu Âu kể từ Thế chiến I, ở một số nơi sự can thiệp còn diễn ra sớm hơn.

Jeffrey Sachs in Jakarta, Indonesia, 2011

Một thế kỉ là quá đủ rồi. Năm 2016 phải trở thành năm bắt đầu của một thế kỉ tự phát triển của Trung Đông.

Số phận của Trung Đông trong vòng 100 năm qua được quyết định vào tháng 10 năm 1914, khi đế quốc Ottoman đứng về bên thua cuộc trong Thế chiến I. Kết quả: đế chế tan rã, các cường quốc chiến thắng là Anh và Pháp chiếm được quyền kiểm soát những khu vực vốn là tàn dư của nó. Anh đã chiếm Ai Cập từ năm 1882, kiểm soát thêm các chính phủ trên vùng lãnh thổ mà hiện nay là Iraq, Jordan, Israel và Palestine, và Saudi Arabia; trong khi Pháp, đã kiểm soát phần lớn Bắc Phi, nắm thêm quyền kiểm soát Lebanon và Syria.


Sự ủy quyền của Hội Quốc Liên và những công cụ bá quyền khác đã được thực hiện nhằm đảm bảo quyền lực của Anh và Pháp trên những mỏ dầu, các bến cảng, đường vận chuyển và chính sách đối ngoại của các nhà lãnh đạo địa phương. Ở khu vực mà sau này trở thành Saudi Arabia, Anh ủng hộ chủ nghĩa chính thống Wahhabi của Ibn Saud chứ không ủng hộ chủ nghĩa quốc gia Ả Rập của Hashemite Hejaz.

Sau Thế chiến II, Mĩ tiến hành chính sách can thiệp sau cuộc đảo chính quân sự được CIA hậu thuẫn ở Syria vào năm 1949 và chiến dịch của CIA nhằm lật đổ Mohammad Mossadegh của Iran vào năm 1953 (để giữ cho phương Tây quyền kiểm soát ngành khai thác dầu của nước này). Những hành động tương tự vẫn tiếp tục cho đến ngày nay: Lật đổ Muammar el-Qaddafi ở Libya năm 2011, lật đổ Mohamed Morsi ở Ai Cập năm 2013, và cuộc chiến tranh chống Bashar al-Assad đang diễn ở Syria. Trong gần bảy thập kỷ qua, Mĩ và các đồng minh của nước này đã nhiều lần can thiệp (hoặc hỗ trợ các cuộc đảo chính trong nội bộ các nhà lãnh đạo) nhằm lật đổ những chính phủ mà họ không hoàn toàn kiểm soát được.

Phương Tây còn trang bị vũ khí cho toàn bộ khu vực bằng cách bán cho những nước này hàng trăm tỷ USD vũ khí. Mỹ lập căn cứ quân sự trên khắp khu vực và những chiến dịch thường xuyên thất bại của CIA đã đưa những kho vũ khí lớn vào tay kẻ những thù tàn bạo của Mĩ và châu Âu.

Cho nên, khi các nhà lãnh đạo phương Tây hỏi người Ả Rập và những người khác trong khu vực là tại sao họ không thể tự cai trị được mình, thì họ nên chuẩn bị để nghe câu trả lời: “Suốt một thế kỷ qua, sự can thiệp của quý vị đã làm suy yếu các thiết chế dân chủ (phủ nhận kết quả bầu cử ở Algeria, Palestine, Ai Cập, và những nơi khác); thường xuyên gây ra những cuộc chiến tranh và bây giờ thì chiến tranh đã trở thành mãn tính; quý vị đã trang bị cho các phần tử thánh chiến tàn bạo nhất để tiến hành những cuộc mặc cả vô liêm sỉ của quý vị; và tạo ra những cánh đồng chết kéo dài từ Bamako đến Kabul”.

Vậy, cần phải làm gì để tạo ra một Trung Đông mới? Tôi đề nghị năm nguyên tắc.

Trước hết và quan trọng nhất, Mỹ phải chấm dứt những hoạt động bí mật của CIA nhằm lật đổ chính quyền hoặc gây bất ổn ở bất cứ nơi nào trên thế giới. CIA được thành lập vào năm 1947 với hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ đúng đắn (thu thập thông tin tình báo) và nhiệm vụ có tính phá hoại (hoạt động bí mật nhằm lật đổ các chế độ bị coi là “thù địch” với lợi ích của Mỹ). Tổng thống Mĩ có thể và phải, bằng chỉ thị của chính quyền, chấm dứt những hoạt động bí mật của CIA - và bằng cách đó chấm dứt những di sản của “cú đấm sau lưng” và tình trạng lộn xộn mà họ vẫn duy trì, chủ yếu là ở Trung Đông.

Thứ hai, Mỹ phải theo đuổi các mục tiêu của chính sách đối ngoại trong khu vực - đôi khi có giá trị của mình - thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cách tiếp cận hiện nay trong việc xây dựng “liên minh những người có thiện chí” không chỉ thất bại mà nó còn có nghĩa là ngay cả những mục tiêu có giá trị của Mĩ, như ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo, cũng đang bị các đối thủ về địa chính trị tìm cách cản trở.

Mĩ sẽ thu được nhiều hơn hẳn nếu đưa các sáng kiến trong chính sách đối ngoại của mình ra để cho Hội đồng Bảo an biểu quyết. Năm 2003, khi Hội đồng Bảo an không chấp nhận cuộc chiến tranh ở Iraq, nếu khôn ngoan thì Mĩ không nên xâm lược nước này. Khi Nga, một thành viên thường trực có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bào an phản đối vụ lật đổ - được Mĩ hậu thuẫn - Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nếu khôn ngoan thì Mĩ sẽ từ bỏ những hoạt động bí mật nhằm lật đổ ông này. Và bây giờ, toàn bộ Hội đồng Bảo an sẽ kết hợp xung quanh kế hoạch toàn cầu (nhưng không phải của Mĩ) nhằm chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).

Thứ ba, Mĩ và châu Âu nên chấp nhận thực tế là chế độ dân chủ ở Trung Đông sẽ làm cho lực lượng thánh chiến Hồi giáo giành được thắng lợi ngay ở các thùng phiếu. Nhiều chế độ Hồi giáo do dân bầu sẽ thất bại, như những chính phủ kém cỏi đã từng thất bại. Những chính phủ này sẽ bị thay thế trong kì bầu cử tiếp theo, hoặc bị lật đổ trên đường phố, hay thậm chí là bị các viên tướng ở địa phương cho về vườn. Nhưng những nỗ lực thường xuyên của Anh, Pháp và Mĩ nhằm giữ chân các chính phủ Hồi giáo, không để họ nắm được quyền lực chỉ cản trở sự trưởng thành về mặt chính trị trong khu vực, và vì vậy mà không thành công hoặc không tạo được những lợi ích lâu dài.

Thứ tư, các nhà lãnh đạo xuất thân từ Sahel qua Bắc Phi, Trung Đông tới Trung Á phải công nhận rằng, những thách thức quan trọng nhất mà hiện nay thế giới Hồi giáo phải đối mặt là chất lượng giáo dục. Khu vực này đang lẽo đẽo theo sau những nước có thu nhập trung bình như họ về khoa học, toán học, đổi mới công nghệ, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp nhỏ, và (do đó) tạo ra công ăn việc làm. Không có nền giáo dục chất lượng cao thì xác suất thịnh vượng kinh tế và ổn định chính trị sẽ không cao, ở đâu cũng thế cả.

Cuối cùng, vùng này cần phải giải quyết sự nhạy cảm đặc biệt đối với suy thoái về môi trường và phụ thuộc quá mức vào việc khai thác dầu khí, đặc biệt là khi toàn thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế tiêu thụ ít carbon hơn. Những khu vực mà người Hồi giáo chiếm đa số, kéo dài từ Tây Phi tới Trung Á, là những khu vực khô hạn, đông dân nhất thế giới, dài 8.000 km bị thiếu nước, sa mạc hóa, nhiệt độ gia tăng, và thiếu an ninh lương thực.

Đây là những thách thức thực sự mà Trung Đông đang phải đối mặt. Sự phân chia giữa phái Hồi giáo Sunni và phái Shia, tương lai chính trị của Assad, và tranh chấp về đức tin, trong dài hạn, chả là gì so với những đòi hỏi chưa được đáp ứng về chất lượng giáo dục, kĩ năng làm việc, công nghệ tiên tiến và phát triển bền vững. Nhiều nhà tư tưởng dũng cảm và tiến bộ trong thế giới Hồi giáo phải giúp làm cho xã hội của họ tỉnh thức trước thực tế đó và những người thiện chí trên khắp thế giới phải giúp họ làm việc đó thông qua hợp tác hòa bình và chấm dứt những cuộc chiến tranh đế quốc và thao túng trong khu vực này.

Jeffrey D. Sachs, giáo sư về phát triển bền vững, giáo sư về chính sách y tế và quản lí và giám đốc Viện Trái đất ở Đại học Columbia, ông còn là cố vấn đặc biệt của Tổng thư kí Liên Hợp Quốc về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả của những cuốn sách như The End of Poverty, Common Wealth (tạm dịch: Chấm dứt đói nghèo, Cộng đồng thịnh vượng), và gần đây hơn: The Age of Sustainable Development (tạm dịch: Thời đại phát triển bền vững).

Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151222/the-ki-moi-doi-voi-trung-dong






No comments:

Post a Comment