December 16, 2015

Nữ quyền, giáo quyền và Mùa xuân Ả Rập

Ngọc Việt

Giáo dục, tuyên truyền thay đổi nhận thức và tính chủ động của người trong cuộc - phụ nữ Saudi Arabia mới là yếu tố quyết định để dẫn đến sự thay đổi vai trò.
Phụ nữ Saudi Arabia đi bầu cử Hội đồng địa phương, ảnh: EPA.
Ngày Thứ Bảy, 12/12 người dân Saudi Arabia đi bầu cử hội đồng địa phương – một hoạt động bình thường trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị quốc gia và một trong những sự kiên thường niên của hoạt động bộ máy nhà nước trong xã hội ngày nay.
Hội đồng địa phương là cơ quan trực thuộc chính phủ duy nhất ở Saudi Arabia mà các công dân có thể được lựa chọn các đại diện của họ. Đây là lần thứ ba cuộc bầu cử được tổ chức,  đầu tiên vào năm 2005 và lần thứ hai vào năm 2011, nhưng với chỉ nam giới mới được tham gia.
Quyền bình đẳng cho phụ nữ Saudi Arabia
Theo báo The Guardian ngày 11/12, có hơn 6 ngàn ứng cử viên tham gia ứng cử vào 284 ghế hội đồng địa phương ở Saudi Arabia. Số lượng cử tri đăng kí đi bỏ phiếu chỉ hơn 1,3 triệu người - chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với dân số hơn 28 triệu người của đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên theo The Washington post, cuộc bầu cử tại Saudi Arabia lần này lại được cả thế giới quan tâm và theo dõi sát sao, vì đây là lần đầu tiên người phụ nữ ở đất nước Ả rập này được đi bầu cử và ứng cử.
Trong số ứng cử viên tranh cử có hơn 900 ứng viên là nữ giới và có hơn 130 ngàn cử tri nữ đã đăng đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quan trọng này. Saudi Arabia là quốc gia cuối cùng trong ngôi nhà Liên Hợp Quốc mà vai trò và vị thế của người phụ nữ được tác động bởi tinh thần bình đẳng giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, vai trò của những con người cao cả về thiên chức – người phụ nữ - được nhìn nhận ngang bằng với nam giới và được tạo điều kiện tham gia tất cả những hoạt động trong đời sống xã hội trong phạm vi toàn cầu.
Vì thiên chức, do thiên chức và bởi thiên chức cao cả nên người phụ nữ bị hạn chế hơn so với người đàn ông trong đời sống gia đình và hoạt động xã hội. Tuy nhiên, tiến bộ xã hội ngày càng đưa người phụ nữ vượt khỏi nấc thứ nhất và thứ hai trong thang nhu cầu của con người và tiến đến nấc thứ ba – thể hiện mình trong cộng đồng -  thông qua những hoạt động chính trị xã hội.
Vì xuất phát điểm của nữ giới thua kém so với nam giới nên người ta khởi phát tinh thần bình đẳng giới và có quốc gia đã xây dựng, ban hành luật bình đẳng giới để tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho người phụ nữ tham gia vào mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày một cách hợp pháp và được pháp luật bảo vệ.
Hầu hết các quốc gia dân tộc trên thế giới, dù có ban hành hay chưa ban hành luật bình đẳng giới thì tinh thần của nó cũng có ở gần như tất cả các đạo luật cơ bản của đất nước. Tuy nhiên, tại Saudi Arabia, với những ảnh hưởng mạnh mẽ của giáo luật làm cho tinh thần và sự tác động động của bình đẳng giới chậm hơn và hạn chế hơn.
Vì vậy sự kiện người phụ nữ lần đầu tiên được tham gia quyết định và khẳng định vị thế, vai trò trong xã hội thông qua cuộc bầu cử hội đồng địa phương tại Saudi Arabia có thể được xem là một sự kiện trọng đại trong lịch sử của quốc gia này.
Giáo quyền vẫn "trói chặt" phụ nữ Saudi Arabia
Việc mở rộng quyền cho người phụ tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước là ý nguyện của cố Quốc vương Saudi Arabia Abdullah trước làn gió của Mùa xuân Ả rập và được hiện thực hóa bởi tư tưởng cởi mở của Quốc vương Salman.
Phụ nữ Saudi Arabia, ảnh: Reuters.
Mặc dù vậy, cuộc bầu cử không được kỳ vọng sẽ có những tác động lớn đến xã hội vốn được xem là rất bảo thủ với quy định phân biệt đối xử dựa trên giới tính. 
Ngay việc người phụ nữ được tham gia vào cuộc bầu cử nhưng vẫn bị phân biệt trong cách thực thực hiện quyền của mình.
“Theo quy tắc phân biệt giới tính, nam giới và nữ giới sẽ bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu riêng. Ngoài ra, các ứng cử viên nữ không được phép tiếp xúc trực tiếp với các cử tri nam, phải thuyết trình chương trình tranh cử từ phía sau được phân cách, dựa trên máy chiếu và micro, hoặc thông qua người ủng hộ là nam giới và người thân”, theo The Guardian.
"Một số thành viên hội đồng thậm chí đã từ chối gặp một người phụ nữ, đó là một khó khăn. Phụ nữ đã bị tách biệt với hoạt động xã hội trong nhiều năm qua. Nam giới họ biết nhau, vì vậy đó là một thách thức để thuyết phục những cử tri nam bỏ phiếu cho chúng tôi’, Rasha Hefzi, 38 tuổi, là một nữ doanh nhân nổi tiếng Saudi Arabia đã chia sẻ về khả năng trúng cử của những ứng cử viên là nữ giới với báo The Guardian ngày 12/12.
Nassima al-Sada, một nhà hoạt động xã hội ở Qatif - tỉnh miền Đông của người Hồi giáo dòng Shia nơi phụ nữ vẫn còn bị cấm tham gia bầu cử - đã nói: "Nhiều người cho rằng cuộc bầu cử là chỉ là hình thức bởi vì chính phủ muốn chứng minh rằng đất nước đã có những cải cách, vậy thôi. Điều đó không phải là vấn đề quan trọng mà chính phủ mong muốn”. 
The Guardian nhận định rằng, các nữ ứng cử viên có kỳ vọng rất khiêm tốn về những gì họ hy vọng sẽ đạt được, ngay cả họ khi trúng cử vào các hội đồng địa phương. Điều đó xuất phát từ vai trò của Hội đồng chỉ được giới hạn trong các hoạt động như quy hoạch, phát triển và dịch vụ địa phương. Các vấn đề nhạy cảm như gia đình hoàng gia và ảnh hưởng của giáo sĩ là điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn và hạn chế, nhưng dư luận xã hội tại Saudi Arabia nhìn về sự kiện này rất khả quan cho một sự thay đổi xã hội trong tương lại. "Vâng, đó là một sự kiện lịch sử," Haifa al-Hababi, người dạy kiến ​​trúc tại Riyadh khẳng định.
"Chúng tôi đã đạt được điều mà rất nhiều người trong chúng tôi tin rằng đó là sự tiến bộ xã hội, bất kể luật Sharia. Mọi người đều muốn cải thiện đời sống của họ”, Lama al-Suleiman, một giáo viên tiếng Anh và là phó chủ tịch phòng thương mại Jeddah cho biết.
Nhà báo Jeddah Samar Fatany đã viết: "Vâng, đó là một bước ngoặt và chúng tôi rất vui mừng. Nhưng nó sẽ mất thời gian để có một tác động tích cực trong xã hội. Không nhiều người có niềm tin vào các ủy viên hội đồng địa phương cho dù họ là nam hay nữ. Nhưng phụ nữ tham gia sẽ có thêm sắc màu mới và giảm đi tham nhũng”.
Hatoon al-Fassi, điều phối chung cho các cơ sở Saudi Baladi nói: "Tôi không coi chiến thắng là mục tiêu tối thượng ... nhưng đó là quyền của công dân và tôi coi đây là một bước ngoặt”.
Nhà chính trị học Emirati, Abdelkhaleq Abdullah, đã đưa ra kết luận: Trong bối cảnh ở Saudi, nhiều người tin rằng cuộc bầu cử này chỉ bước tiến khiêm tốn, nhưng nó sẽ trở thành vấn đề quyết định cho tương lai. "Đây là một ngày lịch sử. Nó sẽ là đủ ngay cả khi một người phụ nữ chiến thắng".
Mùa xuân Ả Rập
Theo Wikipedia tiếng Việt, Mùa xuân Ả Rập là khái niệm chỉ làn sóng các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Ả Rập: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc.
Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi "kỹ thuật chống đối dân sự" trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác. Các cuộc biểu tình tại Tunisia và Ai Cập đã được đề cập với tên gọi các cuộc cách mạng.
Sau phong trào, một loạt các quốc gia Ả Rập lâm vào nội chiến đẫm máu như Libya, Syria, Yemen hoặc những bất ổn chính trị do sự đấu đá giữa các đảng phái như Ai Cập. Hàng trăm ngàn người Ả Rập vượt biển chạy sang châu Âu để tránh chiến tranh, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhập cư lớn.
Sự suy yếu của các chính phủ cũng mở đường cho sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (còn gọi là ISIS hoặc IS), với quy mô vượt hơn cả tổ chức khủng bố Al Queda. Các nhà quan sát đã dùng một thuật ngữ mới là Mùa đông Ả Rập để chỉ những hậu quả sau khi Mùa xuân Ả Rập đi qua.
Thúc đẩy mở rộng quyền cho phụ nữ Saudi Arabia tham gia vào đời sống chính trị và quản lý nhà nước của cố Quốc vương Abdullah không thể giải quyết được những căn nguyên dẫn đến Mùa xuân Ả Rập bởi hàng loạt vấn đề lịch sử - chính trị - tôn giáo để lại. Tuy nhiên đó lại là tư tưởng tiến bộ và nhân văn, cởi mở và phát triển rất đáng trân trọng.
Để giải quyết được bất ổn trong lòng xã hội Ả Rập, thiết nghĩ cần có những giải pháp căn cơ phù hợp với điều kiện lịch sử, chính trị, tôn giáo và xã hội của khu vực này.
Trong đó cần đặc biệt chú trọng tính minh bạch hóa của bộ máy nhà nước để đối trị tham nhũng và lạm quyền. Cần tách bạch hoạt động tôn giáo với hoạt động nhà nước để giáo quyền bảo vệ trật tự xã hội và truyền thống văn hóa nhưng không kìm hãm sự phát triển. Đồng thời giải pháp cũng cần tính đến yếu tố lịch sử và kế thừa chứ không phải nhập khẩu bất kỳ mô hình chính trị nào cho cộng đồng Ả Rập.
Trong tiến trình đó, phụ nữ Ả Rập sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nữ quyền không do ai ban phát, quyền bình đẳng, tự do cũng không do ai ban phát mà loài người nói chung, phụ nữ nói riêng phải chủ động đấu tranh để giành lấy và bảo vệ nó. 
Trong cuộc bầu cử địa phương ở Saudi Arabia vừa qua lần đầu tiên phụ nữ được tham gia, nhưng chỉ có 1,3 triệu người trong số 28 triệu người tổng dân số quốc gia này đi bỏ phiếu. Điều đó cho thấy với nhiều phụ nữ ở quốc gia này, nữ quyền vẫn là câu chuyện của ai đó chứ không phải của bản thân họ.
Bởi vậy yếu tố giáo dục, tuyên truyền thay đổi nhận thức và tính chủ động của người trong cuộc - phụ nữ Saudi Arabia mới là yếu tố quyết định để dẫn đến sự thay đổi vai trò của họ trong đời sống xã hội cũng như đóng góp của họ cho hòa bình, phát triển của thế giới Ả Rập cũng như nhân loại.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Nu-quyen-giao-quyen-va-Mua-xuan-A-Rap-post164144.gd

No comments:

Post a Comment