Marc Thiessen (The Washington Post)
Phạm Nguyên Trường dịch
Donald Trump (ứng viên tổng
thống của đảng Cộng hòa – ND) nói: “Hãy để [Nga] giải quyết IS. Việc quái gì mà
chúng ta phải bận tâm?” Đó là một câu hỏi hợp lý. Có gì xấu khi để cho tổng thống
Nga, Vladimir Putin, đánh thay chúng ta ở Syria?
Trả lời: rất nhiều.
Thứ nhất, Nga không đánh
nhau với Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (Institute
for the Study of War) những cuộc tấn công của Nga chủ yếu nhắm vào những khu vực
được kiểm soát bởi các nhóm Hồi giáo Sunni - mà Tổng thống Syria Bashar
al-Assad coi là một mối đe dọa – trong đó có các nhóm phiến quân được Mỹ huấn
luyện và ủng hộ. Đấy là vì mục tiêu chiến lược của Nga không phải là tiêu diệt IS,
mà là giúp đỡ chế độ Assad được Iran hậu thuẫn - và buộc phương Tây cũng phải ủng
hộ ông này. Sau khi tiêu diệt phe đối lập ôn hòa, thế giới sẽ chỉ còn lựa chọn
giữa Assad và IS. Dường như tổng thống Obama không hiểu được điều này. Tuần trước,
ông tuyên bố một cách ngây thơ rằng Nga không nên nhắm vào quân nổi dậy được Mỹ
hậu thuẫn bởi vì chúng ta cần phe đối lập ôn hòa trong giai đoạn chuyển tiếp từ
chế độ của Assad. Đấy chính là lý do vì sao ông Putin là nhằm vào lực lượng này.
Thứ hai, sự can thiệp của
Nga, trên thực tế, sẽ củng cố Nhà nước Hồi giáo. Bằng cách tiêu diệt phe đối lập
ôn hòa, Nga đang đẩy tất cả các nhóm Sunni sang phía Nhà nước Hồi giáo và phe
Jabhat al-Nusra được al-Qaeda hậu thuẫn – làm cho những lực lượng này trở thành
lựa chọn duy nhất cho phần đông những người phản đối Assad, ngay cả khi họ
không đồng ý với tư tưởng cực đoan của những kẻ khủng bố. Kết quả là sẽ dẫn đến
cực đoan hóa cuộc xung đột và biến Syria thành nơi thu hút các chiến binh thánh
chiến. Điều đó sẽ giúp Assad - sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo giúp ông ta biện
hộ cho sự tồn tại của chế độ do mình đứng đầu.
Thứ ba, việc Nga tái hiện diện
ở Syria sẽ giúp củng cố Iran. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài tuần sau khi người
chỉ huy lực lượng đặc biệt (Quds) của Iran, Qasem Soleimani, thăm Moskva thì Nga
triển khai lực lượng của mình ở Syria. Iran, bộ mặt của phe Hồi giáo Shia cực
đoan, đang gia tăng ảnh hưởng trên khắp khu vực Trung Đông, và sự can thiệp của
Nga khuyền khích đòi hỏi bá quyền của Iran đối với khu vực này. Cả hai bên đều
có lợi. Nga sẽ có được chỗ đứng lâu dài ở Trung Đông, với một căn cứ không quân
lớn và một hải cảng không bao giờ bị đóng băng ở Địa Trung Hải, từ đây họ có thể
thể hiện sức mạnh và thách thức Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta. Iran nhận
được vũ khí (ví dụ như các hệ thống tên lửa S-300 đất đối không hiện đại, nhằm chống
lại những cuộc tấn công quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của mình), và một
liên minh mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ sẽ được thành lập - gồm Nga,
Iran, Iraq, Syria và lực lượng Hezbollah ở Liban. Đây là thảm họa đối với quyền
lợi của Mỹ. Như tướng Jack Keane, đã hồi hưu, nói trong chương trình Fox News
Sunday: “Về mặt chiến lược, liên minh Nga-Iran là tác nhân làm thay đổi trò
chơi ở Trung Đông. Nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước ở Trung Đông và có khả
năng làm giảm ảnh hưởng của Mỹ”.
Thứ tư, sự can thiệp của Nga
là thông điệp nguy hiểm về sự yếu kém của Mỹ. Obama tuyên chiến với IS và hứa sẽ
“tiêu diệt” mạng lưới khủng bố. Sự can thiệp của Nga được thực hiện khi họ nói
rằng chúng ta đang thua trong cuộc chiến đó và Nga đến để giải cứu. Do chiến dịch
quân sự của chúng ta thiếu hiệu quả (75% các phi vụ của Mỹ đã không thả bất kỳ
quả bom nào), Nga đang choán chỗ cái chân không quyền lực vừa được tạo ra.
Sự yếu kém của chúng ta ở
Syria có thể gây ra hậu quả ở bên ngoài khu vực này. Đó là do Obama không thực hiện
được chính sách “lằn ranh đỏ” (red line) sau khi Assad sử dụng vũ khí hóa học và
chính điều đó đã khuyến khích Putin sáp nhập Crimea. Có thêm nhiều bằng chứng
hơn về sự yếu kém của Mỹ, Putin tiếp tục thách thức quyết tâm của chúng ta trong
việc bảo vệ các đồng minh NATO của chúng ta trong vùng Baltic hay những nước
khác mà chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ theo những hiệp ước đã ký. Bây giờ Putin đã
có căn cứ không quân, các máy bay chiến đấu của Nga chỉ mất năm phút là tới Thổ
Nhĩ Kỳ, thành viên của khối NATO. Các đối thủ khác của Hoa Kỳ, như Trung Quốc
và Bắc Triều Tiên, cũng có thể được khuyến khích trong việc thách thức quyết
tâm của chúng ta. Yếu kém khuyến khích kẻ thù hành động.
Thứ năm, chiến dịch ném bom
của Nga là tín hiệu nói rằng Mỹ là đồng minh không đáng tin. Khi Nga cảnh báo Mỹ
“tránh ra” trong khi nước này tấn công những lực lượng mà chúng ta tuyển dụng
và đào tạo trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, và chúng ta im lặng chấp
nhận sự, thì những người vẫn dựa vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh sẽ không còn
tin chúng ta nữa. Chính phủ Iraq vừa ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với
Iran và Nga. Và Cuối tuần vừa rồi thủ tướng Iraq thông báo rằng ông hoan nghênh
Nga tấn công IS trên lãnh thổ của nước mình. Chúng ta đang thảo luận với Nga về
tránh xung đột trong các chiến dịch của không quân, đây chính là một hình thức
hợp tác về quân sự. Ủng hộ hoặc dung túng các hoạt động của Nga củng cố niềm
tin ngày càng gia tăng trong khu vực là chúng ta đang liên minh với Nga, Iran,
Assad, Hezbollah và lực lượng dân quân Hồi giáo Shia ở Iraq đang chống lại tất
cả các đồng minh truyền thống của chúng ta.
Obama nói rằng chúng ta
không cần lo lắng về những chuyện đó. Ông khẳng định rằng Putin hành động là vì
“yếu” và sẽ tự mắc vào “vũng lầy”, tương tự như cuộc xâm lăng của Liên Xô ở
Afghanistan năm 1979 mà thôi. Ngay cả nếu đó là sự thật, thì nó cũng chẳng làm
cho chúng ta cảm thấy thoải mái. Đã xảy ra những chuyện gì sau khi Liên Xô rút
khỏi Afghanistan? Taliban lên nắm quyền và mời al-Qaeda vào, kết quả là đất nước
nước này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ lập kế hoạch cho các cuộc tấn
công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tóm lại, cuộc can thiệp của Nga vào Syria là thảm họa về
địa-chiến lược của Mỹ.
Đấy là điều rất đáng lo.
Marc Thiessen thường viết về chính sách đối nội và đối
ngoại cho tờ The Washington Post và blog PostPartisan. Ông là cộng tác viên của
American Enterprise
Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-washington-post-tai-sao-khong-uoc.html
No comments:
Post a Comment