Andrei Kolesnikov
Phạm Nguyên Trường dịch
Khi tổng thống Nga, Vladimir
Putin, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 28 tháng 9, ông ta biết
rằng lời kêu gọi thành lập mặt trận thống nhất trong cuộc chiến chống lại Nhà
nước Hồi giáo sẽ thu hút được sự chú ý của thế giới và làm lu mờ hình ảnh của tổng
thống Mỹ, Barack Obama. Nhưng Putin còn nói với người dân Nga nữa, ông biết rõ rằng cần phải đánh lạc hướng sự
chú ý của họ khỏi những khó khăn kinh tế đang ngày càng gia tăng.
Năm ngoái, vụ sáp nhập
Crimea đã làm người ta rối trí, sau đó là việc khuyến khích những người ly khai
thân Nga ở miền đông Ukraine. Việc đưa máy bay, tên lửa và mấy ngàn quân Nga đến
Syria là để thế chỗ cho dự án nước Nga Mới (Novorossiya) bất thành của Putin. Những
ngưới phê phán Putin đã đúng khi nhận ra rằng cuộc phiêu lưu ở Syria của ông ta
một lần nữa nhắm vào lòng hoài niệm của người Nga về quá khứ của Liên Xô: Liên
Xô từng là siêu cường - và Putin tuyên bố rằng nước Nga có thể và đang có sức mạnh
tương tự như thế.
Nhưng với mục đích gì? Đi nước
cờ trước khi Mỹ và phương Tây kịp ra tay có thể là chiến thuật tốt trong ngắn hạn,
nhưng dường như trong dài hạn, người ta chẳng thấy mục đích nào khác hơn là bảo
vệ quyền lực của giới cầm quyền ở nước Nga. Kết quả là, chế độ đang bắt chước những
hình thức dân chủ, trong khi lại sử dụng bộ máy tuyên truyền nhằm kích động chủ
nghĩa dân tộc đầy hung hăng.
Trong những năm đầu thế kỷ, giá
dầu cao và tăng trưởng kinh tế làm cho giới lãnh đạo không cần quan tâm tới tư
duy chiến lược và cho phép họ lờ đi dự lạc hậu của các ngành y tế, giáo dục, và
những cuộc cải cách trong lĩnh vực phúc lợi xã hội. Cả chế độ và công chúng đều
coi tình hình hiện nay, tức là “khủng hoảng nhưng không phải là khủng hoảng”,
là bình thường. Bởi vì nhận thức tạo ra thực tế, cho nên mọi thứ đều bình thường,
không cần phải làm gì hết, và Putin – được cho là đã phục hồi phẩm giá của nước
Nga - có thể được hơn 80% người dân ủng hộ.
Đối với Putin, phục hồi phẩm
giá của nước Nga cũng chẳng khác gì phục hồi “địa vị siêu cường” của nước này trước
khi Liên Xô sụp đổ và “thất bại” nhục nhã trước phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.
Thể hiện quyền lực ở bên ngoài dường như bù cho sự kiện là nhân phẩm ở trong nước
còn lâu mới được khôi phục: hiện nay công dân của nước Nga vẫn là những người bất
lực, chẳng được ai bảo vệ khi đứng trước những ông chủ của mình, trước các công
ty dịch vụ công cộng, trước các tòa án và cảnh sát - nhưng, dù khó khăn đến mức
nào thì người công dân Nga vẫn tự hào về đất nước mình và tự hào về người cai
trị họ.
Tất nhiên có một cách giải
thích khác về lý do vì sao Putin ngày càng được dân chúng ủng hộ trong khi kinh
tế ngày càng tồi tệ thêm: những người không thể tự lo cho mình đương nhiên là sẽ
nhờ nhà nước giúp đỡ - và hầu như khó có khả năng là họ sẽ cắn vào những bàn tay
đang nuôi mình. Những chính sách mà phương Tây chê trách, ví dụ, vi phạm nhân
quyền thì người Nga bình thường dường như lại ca ngợi vì nó giữ cho đất nước không
lệ thuộc vào cách làm “xa lạ” và bảo vệ số đông khỏi đám thiểu số “phá hoại”.
Thái độ thù địch của chế độ đối với người đồng tính có thể làm phương Tây khó
chịu, nhưng lại được đa số người Nga ủng hộ.
Bởi vì cũng chính những người
Nga đó coi cuộc chiến ở Ukraine là phòng vệ và chính đáng, ý tưởng chiến tranh được
người ta ủng hộ; những trang đen tối của lịch sử được viết lại; và giọng điệu đầy
hận thù trở thành bình thường. Cách đây chưa lâu, người dân Nga bình thường từng
nói công khai về số người chết và bị thương trong các hoạt động quân sự, hiện nay,
sau chỉ thị của tổng thống Putin về “giữ bí mật thương vong”, họ đành ngậm miệng.
Mặc dù nghị định này có thể trái với hiến pháp Nga và Luật bí mật quốc gia,
danh mục thông tin mật hiện nay có cả tổn thất của quân đội Nga trong các hoạt
động trong thời bình.
Hậu quả là đất nước chia thành
những người trung thành và những người không trung thành, những người yêu nước
và những người không yêu nước - nghĩa là, chia thành những người ủng hộ vô điều
kiện đường lối của lãnh đạo và những người không chịu làm như thế. Nếu các cuộc
thăm dò dư luận là chính xác thì những người trung thành và dễ bảo chiếm đa số
tuyệt đối - ít nhất là cho đến nay. Đấy là lý do vì sao người ta ủng hộ lực lượng
ly khai ở Donbas, nằm ở miền đông của Ukraine và sự can thiệp của Putin vào
Syria. Nếu Mỹ không thể chấp nhận thì đối với người dân Nga, điều đó chỉ chứng
tỏ rằng nước Mỹ vẫn theo đuổi chính sách bá quyền, dù ở châu Âu, thông qua
NATO, hay ở Trung Đông thì cũng thế.
Những cố gắng nhằm viết lại
lịch sử rất ích kỷ của Putin cũng góp phần củng cố cách tư duy như thế, lịch sử
được viết lại biện hộ cho cuộc chiến tranh chống lại Phần Lan vào mùa đông năm
1939, biện hộ cho hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1939, và biện hộ cho cuộc xâm
lăng Afghanistan năm 1979. Văn phòng Tổng chưởng lý thậm chí làm một việc lố bịch
là phân tích quyết định chuyển Crimea từ Nga cho Ukraine. Đáng lo là người ta
cũng đang làm việc phân tích tương tự như thế về tính hợp pháp của sự độc lập của
các quốc gia vùng Baltic sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tất cả những chuyện này sẽ dẫn
ở đâu? Cũng như trong thời Xô Viết, những kẻ cầm quyền hiện nay coi mình chính
là nhà nước. Lúc đó nhà nước bị quy giản thành nhóm người xung quanh người đứng
đầu và giới quyền uy trong lĩnh vực tài chính và chính trị, những kẻ cảm thấy
quyền lực của mình rất an toàn vì dân chúng đã bị lừa, đã tin một cách mù quáng
vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Các đối thủ đầy tinh thần
chiến đầu của Putin có thể dự đoán sự trì trệ về chính trị, kinh tế và trí tuệ
kéo dài - chắc chắn là cho đến cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới và cuộc bầu cử
tổng thống hai năm sau đó. Và sự trì trệ có thể sẽ kéo dài sang chu kỳ chính trị
tiếp theo. Nhưng nó không thể kéo dài mãi: ở một thời điểm nào đó, sự sống còn
của chế độ đòi hỏi phải đưa ra cho công chúng một cái gì đó khác, chứ không phải
là chủ nghĩa dân tộc và sự hoài niệm. Câu hỏi đặt ra là liệu Putin, hiện đang
đưa nước Nga dấn sâu thêm vào một cuộc phiêu lưu quân sự nữa ở nước ngoài, có hiểu
được việc này hay không.
Andrei
Kolesnikov là cộng tác viên cao cấp và chủ tịch cơ quan nghiên cứu chính sách đối
nội của Nga và chương trình nghiên cứu các định chế chính trị của nước Nga tại
trung tâm Carnegie ở Moskva.
Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-con-uong-quanh-co-dan-putin-toi.html
No comments:
Post a Comment