Phạm Nguyên Trường dịch
Đối với Ukraine đây là tháng của chủ nghĩa cấp tiến cực đoan, của những luận điệu bài Nga và cấm chiếu những bộ phim Nga.
Quá trình cực
đoan hóa đời sống công cộng ở Ukraine đã vượt quá giới hạn của sự đúng đắn về
chính trị: Quốc hội cấm sử dụng các biểu tượng của Liên Xô và Đức Quốc xã.
Quốc hội Ukraine
ngày càng giống như một cái hộp đựng những con dế hung hăng. Có người nói với tôi
nói rằng ở Ukraine đang có mùi Maidan (ý nói những cuộc biểu tình chống chính
phủ ở quảng trường Maidan – Kiev), nhưng bây giờ lực lượng đã phân tán, còn sự
bất bình xã hội thì chia làm nhiều phe phái và hai mặt.
Điều an ủi duy
nhất cho những người dân bị lừa bịp là những trò mị dân xuất phát từ Moskva.
Chính phủ Nga bắt chước Mỹ - ngày nào cũng lừa dân chúng bằng những câu chuyện
về dân chủ suốt tám tiếng đồng hồ.
Hầu như tại cuộc
họp báo nào ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, cũng đều lặp đi lặp lại những lời
thề nguyền chống phát xít của thế kỷ XXI:
“Chúng ta thống
nhất ở chỗ cần phải gìn giữ kí ức lịch sử, không chấp nhận giả mạo, không được bóp
méo lịch sử. Đáng tiếc là, việc phòng ngừa con vi rút Quốc xã ở một số nước ở
châu Âu đã bị suy yếu. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ có thể sử dụng những
ngày lễ kỷ niệm, đánh dấu 70 năm chiến thắng, nhằm chống lại một cách hệ thống những
nỗ lực nhằm tôn vinh chủ nghĩa phát xít”, - ông Lavrov nói.
Sau những lời gọi
như vậy, Quốc hội Ukraine vội vã thông qua đạo luật cấm sử dụng không chỉ những
biểu tượng của Quốc xã mà còn cấm sử dụng biểu tượng của cộng sản: búa và liềm.
Đáp lại, giới tinh hoa Nga liền tấn công các nhà hoạt động Ukraine, những người
đã lật đổ những bức tượng đài Lenin, bằng những lời chỉ trích rất gay gắt.
Sự
kiện là chính những người mà mới đây còn lớn tiếng về việc bảo vệ các giá trị
dân chủ ở Ukraine, bây giờ vội vàng phá hủy những biểu tượng của Liên Xô đã
không còn làm ai ngạc nhiên nữa. Lí luận của họ là Liên Xô, sau Thế chiến II,
đã xâm lược các nước Đông Âu, và bằng cách đó, cắt đứt con đường phát triển dân
chủ của họ.
Tôi
chợt nhớ đến cuốn sách đầy tai tiếng của tiểu thuyết gia người Anh, Martin Amis,
với nhan đề Koba khủng khiếp: Tiếng cười
và hai mươi triệu nhân mạng (Koba the
Dread: Laughter and the Twenty Million) kể chuyện những trí thức phương Tây
đã nhắm mắt trước những tội ác của chủ nghĩa Stalin.
Chúng ta rùng mình khi nghe thấy những từ như Dachau, Buchenwald, Auschwitz (những trại tập trung của quốc xã – ND). Nhưng, những cái tên như Solovki, Vorkuta, Kolyma (những nhà tù khổ sai của Liên Xô – ND) lại chẳng làm chúng ta nhớ đến chuyện gì. Có lẽ là do hầu hết các trí thức Âu - Mỹ không muốn nói về những vụ đàn áp của Stalin. Dù sao thì liên minh chống Hitler đã giành chiến thắng.
Mỗi lần tiếp xúc
với lịch sử của chủ nghĩa Stalin, bạn đều cảm thấy mùi hôi thối khó có thể thoát
ra được.
Khi thông qua Luật
“Lên án các chế độ toàn trị cộng sản và quốc xã (Nazi) ở Ukraine”, Kiev tưởng rằng
đã thoát khỏi những mùi hôi thối của chủ nghĩa Stalin. Dự luật này có mục đích là
lên án chế độ độc tài toàn trị, cấm sử dụng và tuyên truyền những biểu tượng của
những chế độ đó ở những nơi công cộng.
Không được quên
rằng ở Ukraine có nhiều người ủng hộ tư tưởng cộng sản. Những cuộc bầu cử trong
thời gian gần đây cho thấy mặc dù bộ máy tuyên truyền của Nga có nói gì thì các
tổ dân tộc cực hữu vẫn không được nhiều người dân ủng hộ, do đó, luật cấm sử dụng
các biểu tượng của Liên Xô sẽ không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp cho Ukraine.
Tình hình ở
Ukraine làm cho chúng ta nhớ lại hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của trào lưu
dân chủ - quyết định của đa số có phải là dân chủ hay không?
Dự luật được 254
phiếu “ủng hộ”, không có phiếu “chống”, quyết định rằng các đảng chính trị vi
phạm luật có thể bị cấm, còn các phương tiện truyền thông thì bị rút giấy phép.
Điều này làm tôi
mường tượng lại “Đêm của những quầy hàng bị đập vỡ” do lực lượng quốc thực hiện
ở Đức và Áo vào năm 1938.
Dân chủ có phải là
giá trị được mọi người công nhận hay là đấy chỉ là một thứ không cần thiết mà bất
cứ lúc nào người ta cũng có thể bình thản tiêu diệt?
Nhiều người trên
thế giới lên án Ukraine vì quyết định đánh đồng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa
cộng sản. Và họ có lý, cấm biểu tượng là một ý tưởng tồi. Ví dụ, ở Tây Ban Nha lá
cờ màu đỏ và những ý tưởng của chủ nghĩa cộng sản châu Âu thời Santiago
Carrillo tượng trưng cho cuộc đấu tranh của công nhân đòi quyền lợi của họ.
Tôi không nghĩ rằng cần phải cấm một cái gì đó, ngay cả khi
nó có liên quan đến những biểu tượng đầy tội ác của chủ nghĩa quốc xã. Tôi nghĩ
rằng, chúng ta phải có thái độ cứng rắn và và không khoan nhượng đối với những
người nhún vai và làm ra vẻ là không có quan hệ với những trang lịch sử kinh hoàng
của chúng ta.
Nếu
người lãnh đạo đảng chính trị dân tộc cực hữu Pháp, bà Marine Le Pen, đã cãi
nhau với cha mình vì trong thời gian gần đây ông đã nhắc đi lại nhiều lần ý kiến
của ông cho rằng các phòng hơi ngạt của quốc xã chỉ là “chi tiết lịch sử” nhỏ
bé, thì chúng ta có thể vẫn thờ ơ với những người cố gắng thuyết phục chúng ta
về chế độ dân chủ ở Liên Xô, sự phát triển liên tục của Bắc Triều Tiên hay việc
tuân thủ quyền con người ở Cuba hay không?
Cấm các biểu tượng
– có khác gì “những cuộc săn lùng phù thủy” (chiến dịch truy lùng những người dị
giáo do Công giáo tiến hành trong thời Trung cổ - ND).
Đảng cánh tả Podemos
(Chúng tôi có thể) của Tây Ban Nha, do những người hoạt động và tri thức cánh tả
thành lập năm 2014 được lòng dân, trước hết là vì những người theo tư tưởng cộng
sản ủng hộ nó.
Cuốn
sách giáo khoa lịch sử có thể được sử dụng theo những cách khác nhau - có thể dùng
nó kê chân bàn để cái bàn khỏi lắc lư, nhưng bạn có thể đọc nó để không bị những
cán bộ tuyên truyền tìm cách thuyết phục chúng ta rằng trái đất không tròn và
chủ nghĩa cộng sản là người bảo vệ quyền tự do của con người.
Các nhà sử học
biết rõ những trang sử đẫm máu của “địa đàng trần gian màu đỏ”. Nhưng ngay cả họ
cũng không muốn (hay sợ) so sánh chủ nghĩa Stalin với Holocaust (tàn sát người
Do Thái – ND). Khi đi vào quán rượu ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bạn đều có
thể hét to – “vodka”, và người ta sẽ mang rượu ra cho bạn. Nhưng nếu bạn hỏi chủ
nghĩa Stalin là gì thì không ai giải thích được ý nghĩa của từ này. Người ta
không quan tâm và họ không muốn biết.
Năm 1931, ở
phương Tây đã có một làn sóng phản đối chống lại chế độ lao động nô lệ trong
các trại cải tạo lao động ở Liên Xô. Đồng thời, lúc đó cũng xuất hiện thông tin
đáng tin cậy về việc tập thể hóa bắt buộc và nạn đói khủng khiếp trong những
năm 1932-1933 ở Liên Xô.
“Những phiên tòa
ở Moskva” xét xử những cán bộ cao cấp của Đảng đã được tổ chức và diễn ra dưới
sự chứng kiến của các nhà báo ngoại quốc. Nạn nhân của chủ nghĩa Stalin lớn gấp
nhiều lần số người thiệt mạng trong vụ thảm sát Holocaust.
Sau khi cuốn Koba khủng khiếp: Tiếng cười và hai mươi triệu
nhân mạng được xuất bản vào năm 2002, một nhà báo nổi tiếng người Tây Ban
Nha, Fernando Palmero, đã viết rằng sự xuất hiện của cuốn sách gây ra một loạt
vụ tranh cãi mang tính ý thức hệ về bản chất của chủ nghĩa cộng sản và về những
việc mà người ta đã làm, những điều mà người ta đã nói, đã nghĩ về nó. Cần nhận
xét rằng cuốn sách này không công bố bất kỳ tài liệu nào hay bằng chứng nào mà trước
đó người ta chưa từng biết.
Xung quanh cuốn
sách đã diễn ra cuộc tranh luận đầy sóng gió, bởi vì lúc đó người ta cảm thấy
thích thú khi thảo luận về chủ đề này.
Dưới ánh sáng của
những chuyện vừa diễn ra trong thời gian gần đây, có một sự kiện khá kỳ lạ là trong
thời gian diễn ra “Euromaidan”, toàn bộ trung tâm của thành phố Kiev đều có
hình chữ thập ngoặc, nhưng các cơ quan chức Ukraine đã bình thản chấp nhận chuyện
này. Còn hiện nay, trong khuôn khổ “hoạt động chống khủng bố” ở miền đông
Ukraine, các đại biểu Quốc hội nước này đã lao vào cấm đoán những biểu tượng của
Liên Xô và Quốc xã. Chẳng khác gì cấm những căn bệnh nguy hiểm – ví dụ như ung
thư.
Họ
quên mất rằng cần chiến đấu không phải với hậu quả mà là cần chiến đấu với nguyên
nhân của tình trạng đó.
Nguồn: Stalin no era
Sergio Ramos
Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ http://inosmi.ru/ukraine/20150412/227460068.html
Đã đăng trên VNTB http://www.ijavn.org/2015/04/vntb-bao-el-mundo-tay-ban-nha-xavier.html
No comments:
Post a Comment