January 28, 2015

Pierre Duriot và Anne Peymirat - Nuôi dạy đứa con “trung bình” như thế nào?


Phạm Nguyên Trường dịch

Những vị phụ huynh quá khao khát thành tích của con, dù không muốn, có thể tạo cho con em mình nhiều áp lực.

Atlantico: “Có rất nhiều khả năng là con bạn sẽ không được vào một trong những trường đại học tốt nhất và không được học bổng thể thao” – tác giả cuốn (Bringing Up Bébé – Giáo dục theo kiểu Pháp),  Pamela Druckerman, nhắc nhở như thế trên tờ The New York Times. Hóa ra là chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại cảm thấy khó công nhận rằng con họ không phải là một thiên tài nhí như hiện nay? Có phải văn hóa thành tích ngay từ trong nôi là chuyện của muôn đời hay không? Nếu không thì từ đâu ra?

Pierre Duriot: Thực ra, nền văn hóa này liên quan mật thiết với “sự chắc chắn” của trẻ em ngày nay. Khác với những thế kỉ trước, với tỉ lệ tử vong rất cao ở trẻ con, trẻ con hiện nay gần như chắc chắc là sẽ sống và vì vậy mà người ta coi nó là người thừa kế và người trưởng thành trong tương lai ngay từ sau khi sinh chứ không đợi đến lúc hết tuổi thiếu nhi nữa. Ở khía cạnh nào đó, đứa nhỏ trở thành kết quả của những ước muốn của cha mẹ và những niềm hi vọng mà người ta đặt vào nó. Cha mẹ lập tức có ước muốn là con mình sẽ trở thành những người đứng đầu công ty, có một nền giáo dục tốt và kiếm được nhiều tiền… Ngoài ra, nhiều người còn muốn rằng con họ sẽ vươn lên trên những nấc thang xã hội cao hơn họ và bằng tốt nghiệp phổ thông loại giỏi có vai trò quan trọng trong chuyện này. Ở khía cạnh nào đó thì áp lực như thế là mặt trái của tấm huân chương “các-ông-trời-con” đó. Thường thì người ta chỉ có một hai đứa con và chúng phải thành công bằng mọi giá, phải đáp ứng được những kì vọng mà người ta đặt lên chúng và phải làm cho cái hình ảnh mà bố mẹ chúng tưởng tượng ra trở thành hiện thực. Đấy là quan điểm về thành tích học tập trong thế giới tiêu thụ hiện nay. Nếu không thì còn tệ hơn nữa. Sự mất cân đối giữa đứa trẻ trong tưởng tượng và đứa trẻ trong thực tế có thể kéo theo những hậu quả đầy bi kịch. Một trong những nhiệm vụ của người làm cha làm mẹ là hiểu rằng đứa trẻ trong tưởng tượng không phải là đứa trẻ trong thực tế, mà không chỉ trong chuyện học hành.

Anne Peymirat: Các bậc phụ huynh ngày nay đặt ra yêu cầu quá cao với mình và với con mình. Họ muốn làm việc, tập thể dục và vui chơi giải trí… Đồng thời họ lại muốn con mình học giỏi, tham gia hoạt động bên ngoài nhà trường, giao tiếp với bạn bè, vẽ, tự thể hiện trong lĩnh vực nghệ thuật…

Văn hóa thành tích, đương nhiên là luôn luôn hiện diện trong một số gia đình, nhưng hiện nay nó đang trở thành hiện tượng đặc biệt phổ biến. Điều này có thể liên quan tới việc hiện nay cha mẹ dành nhiều thời gian với con cái hơn là trước đây, mặc dù họ bận rộng rộn hơn (mỗi tuần nhiều hơn 8 giờ, đấy là so với những năm 1950). Vì vậy mà họ có nhiều thì giờ suy nghĩ về những thứ đó hơn.

Các bậc phụ huynh theo dõi kĩ hơn công việc của các con và đối với một số người đây có thể trở thành nguồn gốc của stress, nếu kết quả bất như ý và/hay không tương xứng với sức lực đã bỏ ra.

Atlantico: Các vị có những lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh có những đứa con chỉ là học sinh “trung bình”, nghĩa là không giỏi mà cũng không kém? Phải đối xử ra sao với những đúa trẻ đó khi học bài?

Pierre Duriot: Không nên nóng giận. Điểm trung bình trong học tập không có ý nghĩa gì đối với thành công về nghề nghiệp trong tương lai. Có một loạt nguyên nhân. Trước hết, điều này có liên quan tới chính hệ thống giáo dục, trong đó những học sinh giỏi nhất là các cháu chăm chỉ nhất, theo một nghĩa nào đó thì là những con vẹt bắt chước giỏi nhất. Vì vậy mà nếu đứa trẻ không có thành tích cao trong việc học thuộc lòng và chỉ xếp trung bình trong lớp thì cũng chẳng có gì là bi kịch hết. Ngoài ra, cần phải ghi nhận kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về nghề nghiệp của một người. Những kết quả này cho thấy rằng thành tích trong nhà trường không có ý nghĩa quan trọng như ta tưởng. Sáng kiến​​, biết phân bổ thời gian một cách thông minh, kỹ năng giao tiếp, khả năng thích ứng với môi trường – đấy là những phẩm chất quan trọng hơn nhiều, mà lại không liên quan trực tiếp đến kết quả học tập. Khả năng quản lý cảm xúc, sự kiên trì và lòng dũng cảm có giá trị hơn hẳn điểm năm.

Cuối cùng, như nhiều nhà phân tích đã ghi nhận, có thể nói về những thái độ tiêu cực như tuân phục, nói dối, phản bội, đánh lén, vô lương tâm, khả năng chịu đựng hành động xúc phạm hay sẵn sàng đi đêm với những người có ích cho mình. Hiện nay, ngoài bắng cấp và tay nghề thì những điều vừa nói cũng đã trở thành công cụ quan trọng góp phần tạo được thành công trong nghề nghiệp. Trường tiểu học và trung học, là nơi hình thành kỹ năng tương lai của trẻ em, là giai đoạn hình thành cá tính, chứ không phải là giai đoạn lập trình cho nghề nghiệp.

Anne Peymirat: Giúp trẻ học tập tốt là cực kì quan trọng. Có những phương pháp nhằm đạt được kết quả tốt mà vẫn tránh được stress. Kết quả là đứa trẻ học tốt hơn và nhanh hơn.

Lời khuyên đơn giản nhất là bắt đầu thảo luận bài tập về nhà từ những điều tích cực. Chỉ cần cố gằng một chút thì bao giờ bạn cũng có thể tìm thấy điều tốt hoặc ít nhất là không xấu. Nếu cha mẹ ngay lập tức bắt đầu từ những chuyện thất bại thì làm sao đứa trẻ tin tưởng vào họ và làm sao nó có thể mong muốn cố gắng để trở thành tốt hơn?

Atlantico: Bên ngoài nhà trường có xu hướng tương tự hay không? Các bậc phụ huynh có thể tạo áp lực quá đáng lên con em trong lĩnh vực thế thao, ngay cả khi đứa trẻ chẳng có năng khiếu gì trong lĩnh vực này? Những đứa trẻ như thế có thể gặp những rủi ro gì?

Pierre Duriot: Đây là hiện tượng rất phổ biến. Các bậc phụ huynh thường cố gắng đưa con vào lĩnh vực thể thao hay nghệ thuật từ khi đứa trẻ còn rất nhỏ. Họ muốn con mình trở thành nhà vô địch, vì trước đây họ đã là nhà vô địch hay muốn trở thành vô địch rồi.  Người lớn muốn con trở thành người kế tục những thành tích thể thao của ông ta hay muốn nhờ con mà mình có được cảm giác của nhà vô địch. Nếu đứa con cũng có ước mong như thế và có năng lực thì mọi chuyện sẽ tốt. Nhưng nếu con có ước muốn mà không có năng lực. Hay đứa con không có cả hai. Điều này có thể dẫn đến cách đối xử không hay, thậm chí là rẻ rung.

Anne Peymirat: May là, hầu hết các bậc phụ huynh vẫn là những người thực tế. Và không yêu cầu những điều trẻ con không thể làm. Tuy nhiên, một số vẫn gây nhiều áp lực lên trẻ con và lo lắng chủ yếu về kết quả chứ không phải là hạnh phúc và niềm vui mà chúng nhận được từ hoạt động này. Ví dụ, cha mẹ không thích nếu con mình không thường xuyên tham gia các trận đấu bóng rổ và kết luận rằng người ta không đánh giá cao nó, mặc dù, đáng lẽ ra họ nên suy nghĩ về những cảm xúc của con mình. Trong trường hợp này, đứa con có thể bị mắc căn bệnh stress do cha mẹ truyền cho hoặc nó sẽ cưỡng lại áp lực và mất hứng thú đối với thể thao.

Atlantico: Làm thế nào để một đứa trẻ “trung bình” có thể làm được cho mình những điều tốt nhất trong lĩnh vực giáo dục và đạt được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, đấy là nói nếu xét từ năng lực ban đầu của nó? Có hay không những khía cạnh cực kì quan trọng, có thể chỉ cho những bậc phụ huynh quan tâm đến con thấy thành tích của chúng?  

Pierre Duriot: Đứa trẻ trung bình - đây là một đứa trẻ bình thường và cần phải đánh giá đúng mức cái bình thường này. Mặc dù làm việc với đứa trẻ lười biếng không mang lại nhiều lợi ích, nhưng chăm sóc đứa trẻ quá thông minh cũng có thể là rất không đơn giản. Ở đây bạn không nên quá tin vào trường học, bởi vì những tính cách, cả tiêu cực lẫn tích cực của con người, như đã nói bên trên, đóng vai trò lớn hơn nhiều, trong đó có cả vai trò trong lúc đi xin việc làm. Trong khi trò chuyện người ta sẽ đánh khả năng giao tiếp của ứng viên, đánh giá trình độ văn hóa chung, khả năng đối phó với stress chứ không chỉ thành tích học tập của người đó. Vì vậy, không dựa quá nhiều vào các kết quả trong học tập, cần phải đánh giá đứa trẻ một cách toàn diện chứ không chỉ đánh giá nó như một học sinh. Những mối quan hệ với người khác, quan hệ với người lớn, với công việc, khả năng trụ lại một mình, tự tìm ra giải pháp, quan tâm đến những vấn đề phức tạp, làm chủ ngôn ngữ - tất cả những điều này cũng quan trọng chẳng kém gì thành tích học tập. Xung quanh mỗi đứa trẻ cần một môi trường có khả năng làm cho nó phong phú thêm, cần có người dành thời gian cho nó. Nó cần phải hiểu được làm gì và không được làm gì, bởi vì đấy là cơ sở cho việc hình thành bản sắc. Nếu bạn liên tục đầu hàng và chiều nó thì nó có thể trở thành bạo chúa thực sự.

Anne Peymirat: Chúng ta phải giúp đỡ đứa trẻ, ủng họ nó để nó cảm thấy tự tin. Nếu cha mẹ cảm thấy thất vọng thì đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy như thế. Tôi nghĩ rằng quan trọng là cha mẹ. Nếu cha mẹ cố gắng ghi nhận những thành tựu, thậm chí là nhỏ của đứa trẻ và chỉ cho nó điều đó thì nó sẽ có động cơ để phát triển và hiện thực hóa tiềm năng của mình. Và nó sẽ có thể đạt được nhiều hơn so với trường hợp khi mà cha mẹ là những người quá khắt khe, vô tình gây ra ở đứa trẻ nhận thức tiêu cực về chính mình.

Không có gì khủng khiếp ở đây hết. Đứa trẻ có thể đạt được nhiều hơn nếu cha mẹ đánh giá cao và ủng hộ nó chứ không tỏ ra mệt mỏi và thất vọng.

Thành công – đấy không phải là khái niệm tuyệt đối mà là khái niệm luôn luôn thay đổi, tùy thuộc vào cha mẹ. Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả các bậc phụ huynh hãy suy nghĩ về những điều họ mong đợi, có tính đến những mối quan tâm và khả năng của con mình.


Pierre Duriot là giáo viên; Anne Peymirat là tư vấn cho cha mẹ học sinh.


Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20141025/223800282.html





No comments:

Post a Comment