November 25, 2014

Friedrich A. von Hayek - Đường về nô lệ (Bản rút gọn, kì 1)

Lời người dịch: Tác phẩm Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) xuất bản ở Anh vào tháng 3 năm 1944 và sáu tháng sau, tức là ngày 18 tháng 9 năm 1945, thì được ấn hành ở Mĩ. Phiên bản xuất hiện trên tạp chí The Reader’s Digest, được giới thiệu dưới đây, ra đời vào tháng 4 năm 1945 dưới tiêu đề “Một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong thế hệ chúng ta” đã góp phần đưa Hayek trở thành nhân vật danh tiếng và công trình của ông trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Mĩ từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1945.



“Người nào từ bỏ tự do thực sự để đổi lấy một ít an toàn tạm thời thì không xứng đáng được tự do, cũng chẳng xứng đáng được an toàn”.

Benjamin Franklin



Tác giả đã sống nửa cuộc đời tại nước Áo quê hương mình và có mối liên hệ gần gũi với hệ tư tưởng Đức, nửa sau cuộc đời ông sống ở Anh và Mĩ. Trong những năm tháng sau này, càng ngày ông càng tin tưởng rằng những lực lượng đã từng góp phần phá huỷ nền tự do ở Đức cũng đang hoạt động ở đây. 


Rất nhiều vụ bạo hành mà bọn Quốc xã đã thực hiện càng củng cố niềm tin rằng hệ thống toàn trị không bao giờ có thể được thiết lập ở đây. Nhưng xin hãy nhớ lại 15 năm trước, cứ mười người Đức thì có chín người, chưa kể đa số các nhà quan sát ngoại quốc, cho rằng đấy chỉ có thể là chuyện hoang đường. 


Có rất nhiều thứ mà lúc đó được coi là “đặc trưng Đức” thì nay đã trở thành quen thuộc cả ở Mĩ cũng như ở Anh và có nhiều chỉ dấu chứng tỏ rằng sự phát triển sẽ theo cùng một hướng: sự sùng bái nhà nước, việc coi các “xu hướng tất yếu” là định mệnh, lòng đam mê “tổ chức” mọi thứ (chúng ta gọi là “lập kế hoạch”) ngày càng gia tăng. 


Đặc trưng của hiểm hoạ, nếu có thể nói như thế, là người ta nhận thức về nó còn kém hơn cả ở Đức trước đây. Bi kịch ở chỗ là người ta vẫn chưa nhìn thấy rằng tại Đức, đa số những người tử tế, những người theo đường lối xã hội chủ nghĩa, đã dọn đường cho những lực lượng vốn ủng hộ những điều mà họ ghê tởm. Ít người nhận thức được rằng sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã không phải là phản ứng chống lại các xu hướng xã hội chủ nghĩa trong quá khứ mà là kết quả tất yếu của chính các xu hướng đó. Đặc biệt là nhiều lãnh tụ của các phong trào này, kể từ Mussolini trở xuống (kể cả Laval và Quisling), đã khởi đầu như những người xã hội chủ nghĩa để cuối cùng trở thành những tên phát xít hay Quốc xã. 


Hiện nay, trong các nước dân chủ có rất nhiều người thực sự căm ghét tất cả các biểu hiện của chủ nghĩa Quốc xã, nhưng lại đang theo đuổi những lí tưởng mà nếu được thực thi thì sẽ dẫn thẳng đến nền độc tài không thể chấp nhận được. Rất nhiều người mà quan niệm của họ có thể gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển, ở mức độ nào đó lại là những người xã hội chủ nghĩa. Họ tin rằng đời sống kinh tế phải được “dẫn dắt một cách tự giác”, họ tin rằng chúng ta phải thay hệ thống cạnh tranh bằng “kế hoạch hoá nền kinh tế”. Phải chăng đây là bi kịch còn lớn hơn nữa? Tức là trong khi cố gắng xây dựng tương lai của chúng ta theo những lí tưởng cao cả thì trên thực tế chúng ta đã vô tình tạo ra kết quả trái ngược hẳn với những gì chúng ta từng theo đuổi? 


Kế hoạch hoá và quyền lực 


Để đạt được mục tiêu, những người lập kế hoạch phải tạo ra quyền lực - thứ quyền lực do con người áp đặt lên con người – với sức mạnh chưa từng được biết đến trước đây. Thành công của họ phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được. Thể chế dân chủ góp phần ngăn chặn việc đàn áp tự do mà chế độ quản lí kinh tế tập trung đòi hỏi. Vì thế mà xảy ra đụng độ giữa kế hoạch hoá và dân chủ. 


Nhiều người xã hội chủ nghĩa có ảo tưởng đáng buồn rằng với việc tước quyền lực mà các cá nhân sở hữu trong trong hệ thống cá nhân chủ nghĩa và chuyển quyền lực này vào tay xã hội là họ đang thực hiện việc xoá bỏ quyền lực. Điều họ không nhìn thấy chính là việc tập trung quyền lực để nó có thể phục vụ cho một kế hoạch duy nhất thì quyền lực không những không được chuyển hoá mà còn trở thành quyền lực tuyệt đối. Tập trung quyền lực, cái quyền lực trước đó vẫn nằm trong tay nhiều người độc lập với nhau, vào tay một người duy nhất thì quyền lực chẳng những đã tăng lên đến mức chưa từng có trước đây mà còn có ảnh hưởng sâu rộng gần như trở thành khác hẳn về chất. 


Thật sai lầm khi cho rằng quyền lực của cơ quan lập kế hoạch trung ương cũng “không hơn gì quyền lực tập thể của ban giám đốc xí nghiệp tư nhân”. Trong xã hội cạnh tranh, không người nào có thể nắm được dù chỉ một phần quyền lực mà bộ kế hoạch xã hội chủ nghĩa có thể sở hữu. Phi tập trung hoá quyền lực chính là làm giảm uy quyền và hệ thống cạnh tranh là hệ thống duy nhất được thiết kế với mục đích giảm thiểu quyền lực của con người áp đặt lên con người. Ai có thể nghi ngờ rằng quyền lực của một triệu phú, thí dụ như ông chủ của tôi, đối với tôi là nhỏ hơn rất nhiều so với quyền lực của một viên chức hạng bét, nhưng là kẻ nắm trong tay quyền lực cưỡng chế của nhà nước, kẻ có quyền quyết định tôi phải sống và làm việc như thế nào? 


Nói gì thì nói, một người công nhân không có tay nghề, được trả lương thấp nhất, ở đất nước này cũng có nhiều quyền tự do trong việc định hướng cuộc đời của anh ta hơn một ông chủ có nhiều người làm thuê ở Đức hay các kĩ sư và cán bộ quản lí được trả lương cao hơn nhiều ở Nga. Nếu anh ta muốn thay đổi công việc hay chuyển chỗ ở, nếu anh ta muốn thể hiện một quan điểm nào đó hay muốn nghỉ ngơi theo cách nào đó, anh ta sẽ không gặp bất kì một sự cản trở độc đoán nào. Không có mối đe doạ nào đối với sự an toàn tính mạng, không có ai buộc anh ta phải thực hiện nhiệm vụ hay phải sống trong môi trường mà cấp trên đã phân cho anh ta. 


Thế hệ của chúng ta đã quên rằng chế độ tư hữu là sự bảo đảm quan trọng nhất của tự do. Đấy là vì tư liệu sản xuất nằm trong tay nhiều người hoạt động độc lập với nhau cho nên chúng ta mới có thể tự quyết định cách hành xử của mình. Khi tất cả các phương tiện sản xuất chỉ nằm trong tay một người duy nhất, dù về danh nghĩa có là toàn thể “xã hội” hay là một nhà độc tài, thì người đó sẽ có quyền lực tuyệt đối đối với chúng ta. Khi nằm trong tay các cá nhân riêng rẽ, quyền lực kinh tế có thể trở thành phương tiện áp bức, nhưng không bao giờ có thể kiểm soát được toàn bộ cuộc sống của con người. Nhưng khi quyền lực kinh tế đã được tập trung lại như một công cụ của quyền lực chính trị thì nó sẽ tạo ra một sự phụ thuộc chẳng khác gì chế độ nô lệ. Người ta nói đúng rằng trong một quốc gia mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập đồng nghĩa với chết từ từ vì đói. 


Nguồn gốc của hiểm nguy 


Chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với chủ nghĩa xã hội và tất cả các hình thức toàn trị khác, bắt nguồn từ sự tôn trọng của Thiên chúa giáo đối với cá nhân con người và niềm tin rằng tốt nhất là để cho người ta được tự do phát triển tài năng và thiên hướng cá nhân của mình. Triết lí này, đã phát triển một cách đầy đủ dưới thời Phục hưng, lớn lên và truyền bá trong khu vực mà ta gọi là nền văn minh phương Tây. Xu hướng phát triển chủ đạo của xã hội là giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc mà chế độ phong kiến đã tròng lên anh ta. 


Sự phát triển kì diệu của khoa học có lẽ là kết quả vĩ đại nhất của sự khai phóng năng lượng cá nhân. Chỉ sau khi sự tự do trong lĩnh vực kĩ nghệ mở đường cho việc tự do sử dụng kiến thức mới, chỉ sau khi mọi thứ đều có thể được thử nghiệm - nếu tìm được người ủng hộ và chịu mạo hiểm – khoa học đã tiến những bước vĩ đại, góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới trong suốt 150 năm qua. Kết quả của sự phát triển đã vượt quá tất cả mọi kì vọng. Khi tài năng được giải phóng khỏi mọi cản ngại, con người có thể nhanh chóng đáp ứng được mọi ước muốn. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX người lao động ở phương Tây đã đạt được những tiện nghi vật chất, mức độ an toàn và độc lập cá nhân mà một 100 năm trước tưởng chừng như khó có thể xảy ra. 


Thành công này tạo ra trong một số người nhận thức mới về cái quyền lực vẫn ngự trị bên trên số phận của họ, tạo ra niềm tin về khả năng vô giới hạn trong việc cải thiện điều kiện sống của chính họ. Những thành tựu đã đạt được được coi là tài sản chắc chắn, không thể huỷ hoại, nghĩa là vĩnh viễn; tốc độ phát triển bắt đầu bị coi là quá chậm. Hơn thế nữa, các nguyên tắc từng làm cho quá trình phát triển trở nên khả dĩ bắt đầu bị coi là cản ngại cho sự gia tăng tốc độ của tiến trình và phải được loại bỏ càng nhanh càng tốt. Có thể nói rằng chính thành tựu của chủ nghĩa tự do đã trở thành nguyên nhân suy sụp của chính nó. 


Không một người có suy nghĩ nào lại nghi ngờ các nguyên tắc kinh tế thế kỉ XIX - thực ra mới chỉ là bắt đầu - đấy là có rất nhiều sự lựa chọn trên con đường chúng ta đang đi. Nhưng theo quan điểm thịnh hành hiện nay thì câu hỏi không phải là trong xã hội tự do các lực lượng tự phát phải được sử dụng như thế nào cho có hiệu quả nhất. Trên thực tế chúng ta đã tiến hành loại bỏ các lực lượng đó và thay chúng bằng việc lãnh đạo tập thể và “tự giác”. 


Điều đặc biệt là việc từ bỏ chủ nghĩa tự do, dù được gọi là chủ nghĩa xã hội dưới hình thức cấp tiến hay đơn giản là “tổ chức” hay “kế hoạch hoá”, đã được thực hiện ở Đức. Trong hai mươi lăm năm cuối thế kỉ XIX và hai mươi lăm năm đầu thế kỉ XX nước Đức đã tiến rất xa cả về lí thuyết lẫn thực hành chủ nghĩa xã hội, thậm chí hiện nay các cuộc thảo luận ở Nga chủ yếu là để bàn xem người Đức đang đứng ở chỗ nào. Người Đức, ngay từ trước khi xuất hiện chủ nghĩa Quốc xã, đã tấn công chủ nghĩa tự do và nền dân chủ, tấn công chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân. 


Một thời gian dài trước khi chủ nghĩa Quốc xã xuất hiện, những người xã hội chủ nghĩa ở Đức và Ý đã sử dụng các kĩ thuật mà sau này Quốc xã và phát xít cũng sử dụng, nhưng hiệu quả hơn. Ý tưởng về một đảng chính trị nắm trọn toàn bộ hoạt động của con người, từ khi sinh ra cho đến lúc chết, một đảng tuyên bố hướng dẫn quan điểm của đảng viên về mọi vấn đề đã được những người xã hội chủ nghĩa đem ra áp dụng đầu tiên. Không phải là bọn phát xít mà chính những người xã hội chủ nghĩa đã tập hợp trẻ em còn bé tí vào các tổ chức chính trị nhằm lèo lái tư duy của chúng. Không phải là bọn phát xít mà chính là những người xã hội chủ nghĩa là những người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức các hoạt động thể thao và giải trí, các trận đấu bóng và cắm trại trong các câu lạc bộ của đảng để các thành viên không bị các quan điểm xa lạ làm cho lung lạc. Những người xã hội chủ nghĩa là những người đầu tiên đòi hỏi các đảng viên phải sử dụng các hình thức chào hỏi riêng để phân biệt họ với những người khác. Chính họ, với các tổ chức gọi là “chi bộ” và các cơ chế nhằm thường xuyên kiểm soát đời sống riêng tư của con người, đã tạo ra khuôn mẫu của các đảng toàn trị. 


Ở Đức, chủ nghĩa tự do đã chết trước khi Hitler nắm được chính quyền. Chính chủ nghĩa xã hội đã giết nó. 


Đối với những người từng quan sát sự chuyển hoá từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít trong một phần tư thế kỉ qua, mối liên hệ giữa hai hệ thống là rất rõ ràng, nhưng trong các nước dân chủ đa số vẫn tin rằng chủ nghĩa xã hội và tự do là những thứ có thể dung hoà được. Họ không nhận thức được rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là một một khái niệm không tưởng vĩ đại nhất của mấy thế hệ gần đây, nó không chỉ bất khả thi mà cuộc đấu tranh vì lí tưởng của nó còn tạo ra một kết quả khác hẳn: huỷ hoại ngay chính tự do. Người ta đã nói đúng rằng: “Chính con người đã biến nhà nước thành địa ngục trần gian khi cố gắng biến nó thành thiên đàng trên cõi thế” 


"Chủ nghĩa xã hội bảo thủ” là khẩu hiệu mà nhiều người cầm bút đã từng cổ động và bằng cách đó họ đã góp phần chuẩn bị môi trường cho chủ nghĩa Quốc xã. “Chủ nghĩa xã hội bảo thủ” cũng đang là xu hướng chủ đạo của chúng ta hiện nay. 


Kế hoạch hoá tự do 


“Kế hoạch hoá” được nhiều người ủng hộ, chủ yếu là vì chúng ta muốn giải quyết các vấn đề của xã hội với những kế hoạch càng tỉ mỉ càng tốt. Cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ kế hoạch hoá và những người theo trường phái tự do không phải là về vấn đề có nên sử dụng tư duy hệ thống vào việc lập kế hoạch công việc của chúng ta hay không mà là làm thế nào để được kết quả tốt nhất. Vấn đề là chúng ta có cần tạo ra những điều kiện trong đó kiến thức và sáng kiến cá nhân có những cơ hội tốt nhất để họ có thể lập kế hoạch một cách thành công nhất hay chúng ta phải hướng dẫn và tổ chức tất cả các hoạt động kinh tế theo một “bản thiết kế”, nghĩa là “hướng dẫn một cách tự giác các nguồn lực của xã hội để thực hiện quan điểm của người lập kế hoạch về việc ai được nhận cái gì”. 


Điều quan trọng là không được lẫn lộn giữa quan niệm của những người phản đối “kế hoạch hoá” nói trên với thái độ “vô vi” (laissez fair) giáo điều. Phái tự do không ủng hộ quan điểm bỏ mặc cho mọi sự muốn ra sao thì ra; họ ủng hộ việc sử dụng một cách tốt nhất các lực lượng cạnh tranh, coi đấy là biện pháp phối hợp các nỗ lực của con người. Nó xuất phát từ niềm tin rằng hệ thống cạnh tranh hiệu quả chính là kim chỉ nam tốt nhất cho các cố gắng của từng cá nhân. Nó nhấn mạnh rằng để hệ thống cạnh tranh hoạt động hiệu quả thì phải có một khung pháp lí thật rõ ràng và các điều luật, cả trong quá khứ cũng như hiện tại, đều có những khiếm khuyết nghiêm trọng. 


Mặc dù vậy, chủ nghĩa tự do phản đối việc thay thế hệ thống cạnh tranh bằng những biện pháp quản lí các hoạt động kinh tế thô sơ hơn. Chủ nghĩa tự do coi cạnh tranh là ưu việt hơn không chỉ vì trong hầu hết các trường hợp đấy chính là biện pháp hữu hiệu nhất mà còn vì đây là phương pháp không đòi hỏi sự can thiệp có tính cưỡng bức hoặc độc đoán của chính quyền. Nó bác bỏ “sự kiểm soát một cách tự giác của xã hội” và dành cho các nhân cơ hội lựa chọn, liệu triển vọng của một công việc cụ thể có bù đắp được những thiệt hại mà nó gây ra hay không. 


Cạnh tranh không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp của nhà nước. Thí dụ, qui định số giờ làm việc trong ngày, đặt ra các yêu cầu về vệ sinh, cung cấp hệ thống dịch vụ xã hội rộng khắp là hoàn toàn phù hợp với hệ thống cạnh tranh. Dĩ nhiên là có những lĩnh vực không thể áp dụng hệ thống cạnh tranh. Thí dụ, hậu quả tiêu cực của việc phá rừng hay khói nhà máy không chỉ tác động lên người chủ sở hữu các tài sản đó. Nhưng việc chúng ta phải nhờ đến sự can thiệp trực tiếp của chính quyền ở những lĩnh vực không thể tạo được điều kiện cho cạnh tranh hoạt động hiệu quả không có nghĩa là chúng ta phải ngăn chặn cạnh tranh ở những nơi có thể làm cho nó hoạt động. Tạo ra các điều kiện để cạnh tranh hiệu quả nhất, ngăn chặn gian lận và lừa đảo, phá bỏ độc quyền – là nhiệm vụ không thể thoái thác của nhà nước. 


Điều này không có nghĩa là có thể tìm được một cái “trung đạo” giữa cạnh tranh và quản lí tập trung, mặc dù đây có vẻ là điều hợp lí nhất và hấp dẫn nhất đối với những người có hiểu biết. Chỉ cần suy nghĩ một chút là thấy ngay sự sai lầm của quan niệm như thế. Mặc dù cạnh tranh có thể chấp nhận một mức độ can thiệp nhất định, không thể kết hợp cạnh tranh với kế hoạch hoá bởi nếu làm như thế cạnh tranh sẽ không còn là kim chỉ nam cho quá trình sản xuất nữa. Sử dụng một cách nửa vời, cả cạnh tranh lẫn hệ thống quản lí tập trung sẽ trở thành công cụ tồi và kém hiệu quả; trộn lẫn vào nhau sẽ làm cho cả hai cùng mất khả năng hoạt động. 


Chúng ta có thể kết hợp giữa kế hoạch hoá và cạnh tranh để lập kế hoạch cho việc cạnh tranh chứ không phải lập kế hoạch để chống cạnh tranh. Kế hoạch hoá mà chúng ta phê phán chính là kế hoạch hoá để chống cạnh tranh. 


Sự ngộ nhận vĩ đại 


Không nghi ngờ gì rằng phần lớn những người sống trong các nước dân chủ nhưng lại đòi hỏi phải quản lí tập trung tất cả các hoạt động kinh tế vì họ vẫn tin rằng chủ nghĩa xã hội và tự do cá nhân có thể dung hoà được với nhau. Nhưng nhiều nhà tư tưởng đã công nhận từ lâu rằng chủ nghĩa xã hội là mối đe doạ nguy hiểm nhất đối với tự do. 


Hiện nay ít người nhớ rằng khởi thuỷ chủ nghĩa xã hội đã là một phong trào toàn trị. Nó là phản ứng chống lại chủ nghĩa tự do của Cách mạng Pháp. Những người cầm bút ở Pháp, những người xây dựng nền móng cho chủ nghĩa xã hội, không hề nghi ngờ gì rằng phải có một chính phủ độc tài cứng rắn thì tư tưởng của họ mới có thể trở thành hiện thực được. Saint-Simon, người ủng hộ kế hoạch hoá đầu tiên trong thời hiện đại, đã tiên đoán rằng những người không tuân phục các bộ phận lập kế hoạch mà ông ta đề nghị sẽ bị “đối xử như súc vật”. 


De Tocqueville, nhà chính trị học vĩ đại, hơn bất kì ai khác đã nhận thức được rằng dân chủ sẽ phải chiến đấu một mất một còn với chủ nghĩa xã hội: “Dân chủ mở rộng không gian tự do của từng con người”, ông nói. “Dân chủ trao cho mỗi người tất cả các giá trị khả dĩ”, ông nói như thế vào năm 1848, “trong khi chủ nghĩa xã hội biến mỗi người thành một kẻ thừa hành, thành một con số tròn trĩnh. Dân chủ và chủ nghĩa xã hội chỉ có một cái chung, đấy là từ: bình đẳng. Nhưng xin lưu ý sự khác biệt: trong khi dân chủ tìm kiếm sự bình đẳng trong tự do thì chủ nghĩa xã hội tìm kiếm bình đẳng trong tù ngục và lao động khổ sai”. 


Để người ta bớt nghi ngờ và với mục đích biến lòng khao khát tự do – động lực chính trị mạnh mẽ nhất – thành con ngựa kéo xe cho mình, những người xã hội chủ nghĩa lớn tiếng hứa hẹn “một nền tự do mới”. Họ bảo rằng chủ nghĩa xã hội sẽ đem đến cho con người “tự do kinh tế”, thiếu nó thì “tự do chính trị” sẽ chẳng có ý nghĩa gì. 


Để cho lập luận của mình nghe có vẻ xuôi tai người ta đã khéo léo thay đổi cả ý nghĩa của từ “tự do”. Từ này vốn có nghĩa là tự do khỏi những hành động cưỡng bách, tự do khỏi quyền lực độc đoán của những người khác. Ngày nay nó đã được cải biến để có nghĩa là giải phóng khỏi nhu cầu, giải phóng khỏi sự ép buộc của hoàn cảnh, những sự ép buộc nhất định sẽ hạn chế khả năng lựa chọn của mỗi chúng ta. Tự do, với ý nghĩa như thế, thật ra chỉ là tên gọi khác của quyền lực hoặc tài sản. Yêu cầu một nền tự do mới thực ra chỉ là tên gọi khác của yêu cầu cũ, tức là yêu cầu phân phối lại tài sản mà thôi.

Lời khẳng định rằng nền kinh tế kế hoạch hoá sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn hệ thống cạnh tranh đang bị và ngày càng bị nhiều nhà nghiên cứu bác bỏ. Hi vọng sai lầm này chính là động lực mạnh nhất thúc đẩy chúng ta đi theo con đường kế hoạch hoá. 


Ngay cả khi những lời hứa hẹn của những người xã hội chủ nghĩa hiện đại về một nền tự do rộng rãi hơn có thực tế và chân thành đến đâu đi nữa thì trong những năm gần đây những người quan sát càng ngày càng tỏ ra ngạc nhiên khi trực diện với những hậu quả không thể dự đoán trước được của chủ nghĩa xã hội, ngạc nhiên khi thấy, trong nhiều lĩnh vực, “chủ nghĩa cộng sản” và “chủ nghĩa phát xít” giống nhau đến bất ngờ. Như nhà văn Peter Drucker đã viết vào năm 1939: “Không còn ai tin rằng chủ nghĩa Marx sẽ đem lại tự do và công bằng nữa, đấy chính là lí do thúc đẩy nước Nga bước lên con đường dẫn tới xã hội toàn trị phi tự do và bất công mà nước Đức đã theo. Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít không phải là những thực thể giống nhau. Chủ nghĩa phát xít là giai đoạn tiếp theo, sau khi chủ nghĩa cộng sản đã chứng tỏ rằng đấy chỉ là một ảo tưởng, và nó đã chứng tỏ rằng đấy là một ảo tưởng, cả ở Nga cũng như ở Đức trước khi Hitler cướp được chính quyền”. 


Trình độ tri thức của các đảng viên thường trong phong trào cộng sản và phát xít ở Đức trước năm 1933 cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Nhiều người, nhất là những cán bộ tuyên truyền của cả hai đảng, đều biết việc những người cộng sản trẻ tuổi dễ dàng chạy sang đảng Quốc xã hoặc ngược lại. Cộng sản và Quốc xã thường xuyên xung đột với nhau hơn là xung đột với các đảng phái khác, đơn giản là vì họ cạnh tranh với nhau trong việc thu phục những người có cùng não trạng và căm thù nhau vì đảng này coi đảng kia là những kẻ dị giáo. Thực tế chứng tỏ rằng họ là những kẻ đồng hội đồng thuyền. Kẻ thù thực sự của cả hai đảng là người theo chủ nghĩa tự do kiểu cũ. Trong khi Quốc xã coi cộng sản, cộng sản coi Quốc xã và cả hai đều coi những người xã hội chủ nghĩa là đội hậu bị tiềm năng của mình thì họ lại nhận thức rõ rằng sẽ không bao giờ có chuyện thoả hiệp giữa họ và những người thực sự tin tưởng vào quyền tự do cá nhân. 

Lời hứa về Con đường dẫn đến Tự do trên thực tế lại là Con đường quay về chế độ Nô lệ. Không khó dự đoán những hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra một khi chế độ dân chủ theo đuổi đường lối kế hoạch hoá. Mục đích của kế hoạch hoá được mô tả bằng một thuật ngữ mù mờ là “hạnh phúc của tất cả mọi người”. Sẽ không có sự thoả thuận nào về mục đích sẽ phải đạt, và hiệu quả của việc người ta đồng ý là cần phải có kế hoạch hoá tập trung mà không có thoả thuận về mục đích thì có khác gì một nhóm người thoả thuận đi với nhau mà chưa thoả thuận là họ muốn đi đâu: kết quả là có thể tất cả đều phải làm một chuyến đi mà đa số hoàn toàn không muốn chút nào. 


Trong các nước dân chủ, cơ quan lập pháp không thể hoạt động như là các tổ chức lập kế hoạch. Họ không thể đạt được thoả thuận về tất cả mọi vấn đề, tức là không thể đạt được thoả thuận về việc quản lí toàn bộ nguồn lực quốc gia, vì có rất nhiều đường lối hành động có thể chấp nhận được. Nếu quốc hội có thể đạt được thoả thuận nào đó, bằng cách tiến hành từng bước một và thoả hiệp mọi vấn đề, thì cuối cùng thoả thuận đó cũng chẳng làm ai thoả mãn. 


Lập kế hoạch kinh tế kiểu đó thì cũng khó chẳng khác gì, thí dụ, lập kế hoạch cho chiến dịch quân sự bằng các thủ tục dân chủ. Giống như khi lập chiến lược tác chiến, nhất định phải giao cho các chuyên gia. Ngay cả khi nền dân chủ có thể lập được kế hoạch trong từng lĩnh vực kinh tế thì nó vẫn phải giải quyết vấn đề kết hợp những kế hoạch riêng rẽ ấy thành một kế hoạch tổng thể. Lúc đó nhu cầu phải có một ban hay một người duy nhất với toàn quyền hành động lại càng mạnh mẽ hơn. Nhu cầu phải có một nhà độc tài về kinh tế là giai đoạn đặc thù của phong trào hướng đến kế hoạch hoá. 


Lúc đó cơ quan lập pháp chỉ còn mỗi nhiệm vụ là lựa chọn ra những người sẽ có quyền lực tuyệt đối trên thực tế. Cả hệ thống sẽ tiến đến hình thức độc tài, trong đó người đứng đầu chính phủ được bầu lên bằng phổ thông đầu phiếu, nhưng hắn có toàn quyền buộc cuộc bầu cử phải đi theo hướng mà hắn muốn.

Kế hoạch hoá nhất định sẽ dẫn đến chế độ độc tài vì độc tài là công cụ cưỡng bức hiệu quả nhất, nhất là nếu kế hoạch hoá tập trung được thực hiện trên qui mô lớn. Không có gì chứng tỏ, như nhiều người vẫn tin như thế, rằng một khi quyền lực được trao bằng các thủ tục dân chủ thì nó không thể là quyền lực độc đoán; nguồn gốc của quyền lực không ngăn được nó khỏi độc đoán; nếu không muốn sống dưới chế độ độc tài thì quyền lực phải bị giới hạn. “Chuyên chính vô sản”, ngay cả nếu nó có dân chủ về hình thức, một khi đã thực hiện việc quản lí tập trung nền kinh tế, nó sẽ tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do cá nhân như bất kì chế độ độc tài nào khác đã từng làm trong quá khứ. 


Tự do cá nhân không thể dung hoà với một mục đích tối thượng duy nhất mà cả xã hội phải vĩnh viễn phục tùng. Chỉ xin nói đến kinh nghiệm mà chúng ta đã trải qua trong thời chiến, khi mà hầu như tất cả đều phải phục tùng nhu cầu trực tiếp và khẩn thiết là bằng mọi giá phải bảo vệ cho được nền tự do của chúng ta. Những câu chữ sang trọng về những việc phải làm vì mục đích hoà bình như chúng ta từng làm vì mục đích chiến tranh là những câu chữ hoàn toàn sai, vì tạm thời hi sinh tự do để tự do trở thành vững mạnh hơn trong tương lai là hợp lí, còn thường xuyên phải hi sinh tự do vì nhu cầu của nền kinh tế kế hoạch hoá là việc hoàn toàn khác. 


Những người từng quan sát sự chuyển hoá từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít trong một phần tư thế kỉ qua đều dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa hai hệ thống này. Thực hiện cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với việc tiêu diệt tự do. Chủ nghĩa xã hội dân chủ, một sự ngộ nhận vĩ đại của mấy thế hệ gần đây, đơn giản là bất khả thi. 



(Còn 1 kì) 

1 comment:

  1. Cuốn này có còn bán ko ạ. Có thì liên lạc số 0765 264 103

    ReplyDelete