November 28, 2014

A. N. Mesheriakov - Là người Nhật


Lời bạt


Sau khi hoàng đế Minh Trị băng hà, Nhật Bản càng ngày càng bị lôi cuốn vào những dự án quốc tế do các nước “tiến bộ” và “văn minh” tham gia thực hiện. Nhật tham gia vào các cuộc triển lãm quốc tế, Chiến tranh thề giới thứ nhất, tiến hành công nghiệp hoá. Nhật cũng gặp phải những khó khăn như tất cả các nước bước chân lên con đường như thế. Quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá dẫn tới việc phá huỷ môi trường sống quen thuộc, tức là môi trường mà cội nguồn của nó là sự phân tầng dựa trên nguồn gốc xuất thân, trú quán, nghề nghiệp, giới tính và tuổi tác. Kết quả là sự đa dạng hoá ngày càng gia tăng, nhưng điều đó lại được coi là gia tăng bất ổn và hỗn loạn, đánh mất bản sắc và sự tự tin. Chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển đã làm băng hoại giới trẻ, quyền và ước muốn lấn át trách nhiệm, gia đình gia trưởng tan rã thành các gia đình hạt nhân. Các tiểu văn hoá mới thế chỗ cho các những tiểu văn hoá cũ. Những kẻ truyền bá các tiểu văn hoá mới này có những thói quen khác, đọc những cuốn sách khác và ăn mặc khác trước. Người Nhật sợ bị lạc trong cái mớ hỗn độn này, người ta sợ phải ở lại một mình với sự hỗn loạn đó và với chính mình. Phương Tây được coi là nguồn gốc của sự hỗn loạn, tất cả những ảnh hưởng bệnh hoạn: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa xã hội, đều xuất phát từ đó. Nhật Bản đã tham gia khá sâu vào quá trình phân công lao động quốc tế, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng gây cho nước này nhiều khó khăn và làm cho tình cảm và hành động ngày càng trở thành quá khích hơn.


Các đảng chính trị được thành lập, nội các do các đảng này tạo ra có đặc điểm là không bền, đấy cũng bị coi là biểu hiện của sự hỗn loạn và thiếu tính chính danh cần thiết. Người Nhật cảm thấy sốt ruột, họ không muốn chờ đợi những cải tiến mang tính hệ thống, họ ngả theo xu hướng khủng bố mà đối tượng của nó lại là các chính khách và những nhà tư sản mới nổi. Những vụ tự sát ngày càng gia tăng cũng chứng tỏ sự tuyệt vọng đang ngày càng lớn dần. Thần kinh của người Nhật đã bị kéo căng như sợi dây đàn sắp đứt. Từ sốt ruột đến bất khoan dung chỉ là một bước nhỏ.

Năm 1918, hàng trăm ngàn người Nhật đã tham gia những “cuộc bạo loạn gạo”, sau cuộc động đất kinh hoàng năm 1923 hàng ngàn người Nhật sẵn sàng tham gia vào những vụ cướp phá, giết chóc người Triều Tiên và người Hoa. Người Nhật đi tìm kẻ thù và đã tìm ra chúng, kẻ thù của họ không chỉ là người Nhật mà thôi.

Người ta tưởng rằng có thể khắc phục được sự đa dạng bằng một dự án mang tầm quốc gia, trong đó vai trò chủ yếu được giao cho giới quân nhân. Dự án này trù liệu sự gia tăng nhanh chóng không gian kiểm soát của đế chế. Người Nhật đã đoàn kết xung quanh dự án như thế. Họ tưởng rằng tổ chức đất nước theo lối trại lính sẽ giúp biến hỗn loạn thành trật tự. Cuộc xâm lược miền Bắc Trung Quốc và thành lập “vương quốc” bù nhìn Mãn Châu quốc làm người ta thêm phấn chấn và nâng cao được uy tín của quân đội. Cuộc “bạo loạn mang tính trình diễn” và việc hạ sát thủ tướng Inukai Tsuyoshi vào năm 1932 đã tạo ra một dòng thác thư từ nhằm bảo vệ những kẻ phản loạn. Hành động của những kẻ bạo loạn lại được coi là biểu hiện của sự trong trắng của tư tưởng và lòng hào hiệp. Họ được coi là những người bảo vệ sự nghiệp của nhân dân, việc giết người được coi là hành động báo thù cao cả.

Sự bành trướng về mặt lãnh thổ và đi kèm với nó là việc hạn chế tự do ở trong nước đã không gây ra bất kì vụ phản đối quyết liệt nào. Xã hội tự coi (muốn coi) mình như một gia đình đứng đầu là người cha-hoàng đế, người đồng thời cũng là tổng tư lệnh tối cao. Trong khung cảnh nhà nước-gia đình như thế, người Nhật đã thể hiện một sự tuân phục mà cả nước Đức quốc xã lẫn Liên Xô cộng sản đều không thể nào đạt được. Người Nhật hân hoan dẫm đạp lên những mầm mống đầu tiên của chế độ đa nguyên ý kiến, họ chấp nhận chế độ toàn trị và chủ nghĩa đế quốc một cách nhẹ nhàng. Khẩu hiệu của thời đại - Một trăm triệu trái tim đập cùng một nhịp - được người ta chấp nhận với đúng nghĩa đen đáng sợ của nó. Kết quả là những trái tim đó đã gây ra một sự cộng hưởng và dẫn đến sự phá huỷ chính cơ thể nhà nước.

Tự coi mình là một loại vật liệu biết tự tổ chức, “nhân dân Nhật Bản” đã đạt được một sự đồng nhất và đoàn kết chưa từng có xung quanh vị hoàng đế của mình. Vì quyền lực tối thượng của hoàng đế đã có quyền uy hàng thế kỉ cho nên nó không có nhu cầu xác lập tính chính danh của mình. Khác với Đức và Liên Xô, Nhật không có đảng chính trị đứng đầu là một lãnh tụ có sức cuốn hút quần chúng - tức là đảng đưa lãnh tụ đó lên cầm quyền và đến lượt mình, ông ta làm cho (giữ cho) đảng đó thành đảng cầm quyền. Hoàng đế Nhật Bản cầm đầu không phải là một đảng (một phần dân tộc) mà đứng đầu cả dân tộc.

Tinh thần đoàn kết của “nhân dân Nhật Bản” được giữ vững nhờ vào những huyền thoại-ẩn dụ, biến người Nhật thành một dân tộc “đặc biệt có một không hai”.

Nước Nhật có một cơ cấu xã hội đặc thù, cơ sở của nó là vương triều không hề gián đoạn; người Nhật có lòng trung thành có một không hai; người Nhật đặc biệt có trách nhiệm với gia đình; đối với người Nhật, giá trị của tập thể bao giờ cũng đứng cao hơn giá trị cá nhân, “tinh thần” cao hơn “vật chất”; nhà nước là cao nhất; mục đích của cuộc đời là chết vì đất nước và hoàng đế; chỉ có thể sinh ra đã là người Nhật, không ai học thành người Nhật được; chỉ có ngườii Nhật mới hiểu được người Nhật.

Tất cả “những siêu giá trị” đó đều là phát kiến của thời hiện đại, nhưng lại được gán cho là những giá trị cổ xưa và vĩnh hằng. Mỗi hành động đều được củng cố bằng một trích dẫn từ sách vở trong quá khứ, mỗi một khẩu hiệu đều có nguồn gốc lâu đời. Trong khi giáo dục mẫu người mới, chủ nghĩa toàn trị Nhật Bản không đặt ra nhiệm vụ đào tạo “con người mới”, không đoạn tuyệt với nền đạo đức cũ, không xé thời gian ra thành từng mảnh – nó tin tưởng rằng đang làm nhiệm vụ hàn gắn lại thời gian.

Xã hội Nhật Bản phát triển, bộ mặt các thành phồ thay đổi và cách sống cũng thay đổi theo. Đồng thời, khái niệm “hiện đại hoá” của Nhật lại không có mô thức phá hoại một cách chủ ý quá khứ. Quá trình hiện đại hoá ở Liên Xô đòi hỏi một sự đoạn tuyệt mang tính cách mạng đối với lịch sử. Chủ nghĩa toàn trị Liên Xô và Đức rất thích ẩn dụ phá hoại, phá hoại được xếp ngang hàng với sáng tạo. Vì vậy mà về mặt đối nội, chế độ toàn trị Nhật Bản không gây ra những hậu quả khủng khiếp như hai nước kia – không có những vụ truy tìm điên cuồng kẻ thù, tức là tìm kiếm những người cần phải giết chỉ vì họ “cản trở” quá trình xây dựng xã hội mới. Nước Nhật thay đổi, nhưng nó không kêu gọi huỷ hoại quá khứ và tiêu diệt một cách không nhân nhượng những người đại diện của quá khứ đó.

Coi cái mới như là hồi ức về quá khứ vinh quang, người Nhật thể hiện một sự cả tin có một không hai, nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ cần một niềm tin như thế. Niềm tin dựa trên cách chia thế giới của người nông dân thành “ta” và “người”. Bây giờ việc chia đó được thực hiện theo đường biên giới quốc gia và cũng là biên giới sắc tộc. Khác với Đức và Liên Xô, nơi dân thành thị (dân nghèo thành phố, công nhân, giới trí thức) là lực lượng ủng hộ chế độ, ở Nhật Bản nông dân là giai cấp tiếp thu nhiệt tình nhất hệ tư tưởng toàn trị.

Trong khi thể hiện ước muốn tuân phục đặc thù của mình, người Nhât đồng thời đánh mất mọi cơ chế có thể chống lại được ý tưởng của các  lãnh tụ của mình, những kẻ đã thuyết phục mình và những người khác rằng “tinh thần Nhật Bản” đủ sức bù đắp được những thiếu hụt về mặt nguồn lực, bù đắp được sự lạc hậu về kinh tế, khoa học-kĩ thuật và quân sự.

Người Nhật chỉ sống ở một chỗ trong nhiều thế kỉ, họ có rất ít kinh nghiệm trong việc khai khẩn những vùng đất ở xa cũng như kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp với những cư dân bên ngoài Nhật Bản. Chính vì vậy mà họ khá “thiển cận” – không có khả năng đánh giá đúng năng lực của mình trong một không gian khác. Vì thiển cận như thế cho nên đất nước mới tự đẩy mình vào một cuộc chiến tranh trong một không gian vô cùng rộng lớn và chống lại lực lượng của liên minh mạnh gấp nhiều lần Nhật Bản. Nhưng những chiến thắng thần tốc ban đầu đã làm người Nhật choáng váng, gánh nặng của chiến tranh có thể vượt qua một cách dễ dàng, thiệt hại về người có thể biện hộ được. Nhưng cuộc chiến chống Mĩ, Anh và các nước đồng minh của họ đã nhanh chóng chuyển sang một hướng khác, nạn nhân ngày càng gia tăng, vòng “phòng thủ chiến lược” đã biến thành cái thòng lọng xiết ngang cổ họng. Không thể chiến thắng được quân thù, người Nhật liền biến chiến tranh thành cuộc đấu tranh với chính mình và càng ngày càng nghĩ đến chết làm sao cho xứng đáng. Lòng sùng bái anh hùng càng ngày càng có mùi của sự sùng bái chết chóc. Chế độ toàn trị Nhật Bản ít khi xử tử những người đối lập chính trị của mình ở trong nước nhưng lại đề nghị những người ủng hộ mình phải chết ở chiến trường.

Dân chúng châu Á - tức là người dân các nước thuộc địa của châu Âu, những người mà Nhật hứa hẹn giải phóng cho, lại không quan tâm thích đáng đến sứ mệnh giải phóng của Nhật. Người Nhật đề nghị họ giữ ngôi thứ tương xứng ở châu Á; ở đấy, vai trò đầu tàu sẽ thuộc về Nhật. Tính toán này hoá ra là sai: “người châu Á” lại không có bản sắc Á châu, lãnh tụ các phong trào giải phóng tỏ ra nghi ngờ tư tưởng ngôi thứ mà người Nhật cho là rất xác đáng; người nông dân không chịu chia sẻ với quân đội Nhật những thứ mà họ có và coi lính Nhật là bọn xâm lược. Những cố gắng của người Nhật nhằm đưa “văn minh” vào lại bị coi là phá hoại nền tảng truyền thống, thái độ kẻ cả không hề che giấu của họ càng làm người ta tức tối thêm. Thái độ coi người dân các nước khác như những đồ vật vô tri vô giác đã dẫn đến kết quả là bạo lực gia tăng và phong trào kháng chiến xuất hiện khắp nơi.

Đối với người Nhật thời đó, quan điểm “bình đẳng” là quan điểm phi lí ngay từ đầu. Không chỉ trong mà cả đối với bên ngoài nước Nhật nữa. Nhưng nếu nguyên tắc ngôi thứ ở nước Nhật đã dẫn tới sự ổn định thì áp dụng nó ở bên ngoài nước Nhật lại dẫn đến những cuộc xung đột bất tận. Khác với Liên Xô và Đức, chế độ toàn trị Nhật Bản ít quan tâm đến việc truy tìm kẻ thù ở trong nước, tính chất gây hấn của nó nói chung chỉ hướng vào người dân nước khác mà thôi.

Cảm hứng về không gian ngày càng rộng mở được người Nhật chia sẻ trên đầu môi trót lưỡi, nhưng điều đó cũng không thể biến họ từ những người hướng nội thành những người hướng ngoại được. Vì vậy mà kế hoạch khai khẩn những vùng đất của ngoại nhân đã chẳng có mấy hiệu quả, tất cả các kế hoạch di dân đều thất bại. Chính sách bành trướng của nhà nước và mô hình không gian ngày càng rộng mở mâu thuẫn với “đặc điểm dân tộc” – mâu thuẫn với kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm lịch sử chuyên hướng tới việc khai khẩn những khu vực ở gần chứ không phải ở xa.

Nhật Bản đã thất bại thảm hại. Không chỉ về quân sự mà còn cả về tư tưởng nữa. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước này đã bị ngoại bang chiếm đóng. Nhưng phải công nhận: họ đã rút ra được nhiều bài học và bắt tay vào xây dựng một nước Nhật Bản mới, nơi giá trị quan trọng nhất là xây dựng trong hoà bình.

Sau chiến tranh tất cả sức mạnh của Nhật Bản đều hướng vào xây dựng kinh tế. Vì thành phần giới tinh hoa không thay đổi nhiều, công cuộc xây dựng vẫn chủ yếu được thực hiện dưới sự lãnh đạo của những người đã đưa đất nước vào vực thẳm của chủ nghĩa toàn trị và chiến tranh. Nhưng bây giờ họ xây dựng chứ không còn phá hoại nữa. Phải công nhận rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Họ đã lãnh đạo cái dân tộc vẫn được gọi là Nhật Bản như trước đây. Dân tộc này đã thực hiện việc xây dựng với cùng một nghị lực như trước đây họ đã tạo ra nhà nước toàn trị. Nhà nước và xã hội Nhật Bản vẫn là những thực thể dễ quản lí. Người Nhật vẫn biết làm việc, vẫn yêu lao động và ham hiểu biết. Chiến tranh đã mang đến cho họ biết bao đau khổ, nhưng họ vẫn còn ước vọng tự hào về đất nước của mình. Chuyển những hiểu biết và lòng quyết tâm của mình từ lĩnh vực sản xuất vật liệu chiến tranh sang sản xuất sản phẩm thời bình, người Nhật đã làm được cái mà người ta thường gọi là “quá trình công nghiệp hoá lần thứ hai”.

Vẫn có nhu cầu cực kì to lớn trong việc xác định bản sắc như trước, nhưng bây giờ người Nhật tập trung chú ý tìm hiểu tính độc đáo của nền văn hoá và phong tục của mình. Người quan sát cẩn trọng thường tỏ ra nghi ngờ “tính độc đáo” này, nhưng vì không còn thái độ gây hấn cho nên chủ nghĩa dân tộc về mặt văn hoá thời hậu chiến đã làm cho người ta phải tôn trọng. Như đã biết, trong thời hậu chiến, nguy cơ đối với hoà bình không xuất phát từ Nhật Bản mà thường xuất phát từ những quốc gia đã đánh bại nước này.






1 comment: