Nguyễn Đình Hách dịch
Chương 15
1984, tại nhà Lão Tử, Rajneeshpuram Oregon, USA
Được thôi. Cuốn sách đầu tôi sẽ nói trong P.P.S này là một cuốn mà không
ai nghĩ tôi sẽ nói đến. Đó là cuốn tự truyện của Mahatma Gandhi, MY EXPERIMENTS
WITH TRUTH (NHỮNG THỬ NGHIỆM CỦA TÔI VỚI SỰ THẬT). Nói về những thử nghiệm của
ông ấy với sự thật thực sự là điều tuyệt vời. Đây là thời điểm đúng.
Ashu, bạn vẫn tiếp tục và tiếp tục; nếu không tôi sẽ bắt đầu chỉ trích
Mahatma Gandhi. Hãy tiếp tục và tiếp tục để tôi có thể dịu dàng với người đàn
ông tội nghiệp đó. Cho đến bây giờ, tôi chưa từng dịu dàng. Có lẽ bạn có thể
giúp tôi trở nên một chút dịu dàng, ngay cả với Mahatma Gandhi… mặc dù tôi biết
điều đó gần như là không thể.
Nhưng tôi có thể chắc chắn nói một vài điều tuyệt đẹp. Một: không ai
từng viết tự truyện mà lại thành thực như vậy, quá xác thực. Đó là một trong
những cuốn tự truyện đích thực nhất từng được viết.
Tự truyện là một thứ kỳ lạ: bạn đang viết về mình. Hoặc là bạn bắt đầu
huênh hoang hoặc là bạn bắt đầu rất khiêm nhường – cũng là cách thức khác của
huênh hoang. Tôi sẽ không nói về điều đó trong cuốn sách thứ hai. Nhưng Mahatma
Gandhi lại không phải như hai thứ đó; ông ấy giản dị, chỉ kể lại thực tế, như
một nhà khoa học… tuyệt đối không liên quan, không ai nghĩ đó lại là cuốn tự
truyện của ông. Ông ấy nói mọi điều mà người ta muốn giấu những người khác.
Nhưng chính tựa đề lại sai. Con người không thể thử nghiệm sự thật. Người ta có
thể biết nó hoặc không biết nó; nhưng người ta không thể thử nghiệm nó.
Chính từ thử nghiệm lại thuộc về thế giới khách quan. Người ta không thể
thử nghiệm với tính chủ quan, và đó là sự thật. Hãy chú ý rằng:
Tính chủ quan không thể thay đổi thành bất kỳ đối tượng thử nghiệm, sự
quan sát nào.
Tính chủ quan là hiện tượng huyền bí nhất trong tồn tại, và sự huyền bí
của nó là ở chỗ, nó luôn quay trở lại và quay trở lại. Dù bạn quan sát gì, đó
không phải là ‘nó’… đó không phải là tính chủ quan. Tính chủ quan luôn luôn là
người quan sát chứ không phải đối tượng quan sát. Bạn không thể thử nghiệm với
sự thật, bởi vì thử nghiệm chỉ có thể với những sự vật, những đối tượng, chứ
không với tâm thức.
Mahatma Gandhi là một người tốt, chân thành, nhưng ông ấy không phải là
một thiền nhân. Và nếu người ta không phải là thiền nhân thì dù tốt thế nào
cũng là vô dụng. Ông ấy đã thử nghiệm cả cuộc đời mình và không đạt được gì.
Ông ấy ra đi như một người vô minh vậy. Đó là điều không may, bởi vì thật khó
để tìm ra một người quá vẹn toàn, thành thực, tử tế, và ước mong mãnh liệt để
biết sự thật. Nhưng chính ước mong đó lại trở thành rào cản.
Sự thật được biết đến chỉ bởi những người như tôi, những người không bao
giờ bận tâm về nó, không bao giờ lo lắng về nó. Thậm chí nếu Thượng đế có gõ
lên ô cửa của tôi thì tôi cũng sẽ không mở. Ngài sẽ phải tìm ra cách của mình
để mở nó. Sự thật đến với những người lười biếng như vậy. Do vậy mà tôi đã tự
gọi mình là sự Hướng dẫn của Người Lười biếng tới Chứng ngộ. Bây giờ tôi có thể
bổ sung thêm một điều để nó có thể trở nên hoàn thiện: tôi là sự hướng dẫn của
người lười biếng tới chứng ngộ, và cũng tới không-chứng ngộ nữa! Điều đó sẽ
vượt lên chứng ngộ.
Tôi cảm thông với ông ấy, mặc dù tôi đã luôn chỉ trích ông về hoạt động
chính trị, xã hội của ông và toàn bộ ý tưởng ngớ ngẩn của ông về bánh xe quay
ngược thời gian – bạn có thể gọi nó là bánh xe quay tơ. Ông ấy muốn con người
lại trở thành nguyên thủy. Ông ấy chống lại mọi công nghệ, thậm chí là chống
lại hệ thống đường sắt tồi tàn, điện tín, hệ thống bưu chính. Không có khoa học
con người sẽ là con khỉ đầu chó. Con khỉ đầu chó có thể rất khỏe… nhưng con khỉ
là con khỉ. Con người phải vượt lên phía trước.
Thậm chí tôi còn chống lại tựa đề cuốn sách, bởi vì đó không chỉ là tựa
đề, nó là sự tóm lược cả cuộc đời ông ấy. Ông ấy nghĩ vì mình đã được giáo dục
ở nước Anh, ông ấy là người đàn ông Anh Ấn hoàn hảo – tuyệt đối của triều đại
Vitoria. Đó là những người đến với địa ngục, những người thuộc triều đại
Victoria! Ông ấy rất nghi thức, kiểu cách, tất cả những dạng ngu ngốc Anh quốc.
Bây giờ chắc Chetana phải tổn thương lắm. Chetana, tha lỗi cho tôi. Chỉ tình cờ
mà bạn ở đây, và bạn biết tôi đó – tôi luôn tìm ra một cái gì đó để đánh mọi
người.
Nhưng Chetana thật may mắn: cô ấy không phải là quý bà Anh quốc, cô ấy
là một người mê mẩn Osho! Và cô ấy đến từ một gia đình Anh nghèo, điều đó là
tốt. Cha của cô ấy là một ngư dân, giản dị. Cô ấy không phải là người hợm hĩnh;
ngược lại các quý bà Anh quốc, còn hơn các quý ông, luôn hếch mũi lên, cứ như
họ đang nhìn những vì sao. Họ thực sự bốc mùi – thứ mùi hợm hĩnh!
Mahatma Gandhi được giáo dục ở Anh; có lẽ điều đó làm hỏng ông. Có lẽ
ông ấy hẳn sẽ tốt hơn nếu ông vẫn không được giáo dục, và thế rồi ông ấy sẽ
không thử nghiệm sự thật, mà sẽ trải nghiệm sự thật.
Thử nghiệm sự thật? Rác rưởi! Ngớ ngẩn! Nếu người ta muốn biết sự thật
thì phải trải nghiệm.
Thứ hai: cuốn sách CONFESSIONS (THÚ TỘI) của thánh Augustine. Augustine
là người đầu tiên đã viết tiểu sử của mình mà không sợ, nhưng ông ấy đã đi tới
cực đỉnh khác. Chính vì vậy mà tôi đánh giá cao Gandhi. Trong cuốn THÚ TỘI của
mình, Augustine thú tội quá nhiều – thậm chí là những tội lỗi mà ông chưa bao
giờ phạm phải! – chỉ hoàn toàn vì niềm vui thú tội. Niềm vui gì vậy! Vì niềm
vui tuyệt đối khi nói với thế giới rằng “Không có tội lỗi nào mà tôi không phạm
phải. Tôi đã phạm mọi tội lỗi mà con người có thể.”
Điều này không thật. Không con người nào có thể phạm mọi tội lỗi. Không
người nào có khả năng làm điều đó, ngay cả chính Thượng đế. Nói gì về Thượng
đế, ngay cả quỷ dữ cũng sẽ bắt đầu nghĩ làm sao vui với những thứ mà Aigustine
đang thú tội! Augustine đã cường điệu!
Cường điệu là một trong những căn bệnh phổ biến của các vị thánh. Họ
cường điệu mọi thứ, thậm chí cả những tội lỗi của họ; thế rồi, lẽ tự nhiên, họ
trở nên có khả năng cường điệu những đức hạnh của họ. Đó là phần thứ hai của
câu chuyện. Khi bạn cường điệu những tội lỗi của bạn, điều đó chắc chắn chống
lại nền tảng, ngay cả những đức hạnh bình thường của bạn nhìn cũng rất to tát,
rất chói sáng – tia chớp lóe lên từ những đám mây đen. Những đám mây đen làm
nổi bật tia chớp. Không có những tội lỗi bạn không thể trở thành một vị thánh.
Tội lỗi càng ghê gớm thì vị thánh càng vĩ đại – một phép toán số học đơn giản.
Nhưng tôi vẫn tính cuốn sách bởi vì nó được viết rất đẹp. Tôi là con
người như vậy đó, xin hãy ghi lại, hãy để nó được ghi lại rằng nếu bạn nói dối
tuyệt hay thì tôi sẽ đánh giá cao vì vẻ đẹp của nó. Không phải vì sự dối trá –
ai quan tâm là dối trá hay không! Vẻ đẹp của nó làm cho nó xứng đáng được yêu
thích, được đánh giá cao.
THÚ TỘI là một tác phẩm lớn về những lời nói dối. Nó tràn ngập sự dối
trá. Nhưng người đàn ông đã thực hiện công việc của mình gần như hoàn hảo. Tôi
nói gần như bởi vì luôn có khả năng người nào đó thực hiện công việc còn tốt
hơn. Nhưng ông ấy đã thực hiện điều đó gần như chín mươi chín phần trăm hoàn
hảo; không còn lại nhiều cơ hội cho bất kỳ ai. Đúng, sau ông ấy nhiều người đã
cố, ngay cả một người vĩ đại như Leo Tolstoy. Tôi đã nói về những cuốn sách của
ông, PHỤC SINH và CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH. Xuyên suốt cuộc đời mình ông đã cố
viết những thú tội của mình, nhưng về điều đó ông đã không thể thành công.
Augustine có vẻ là người không thể vượt qua, dù là một người như Tolstoy.
Nhưng, Tolstoy, xin đừng nổi cáu; tôi sẽ đặt ông vào danh sách của tôi.
Thứ ba: cuốn sách ANNA KARENINA của Leo Tolstoy, một cuốn tiểu thuyết
nhẹ nhàng nhưng rất đẹp. Bạn phải ngạc nhiên vì sao tôi lại tính một cuốn tiểu
thuyết trong danh sách của mình. Chỉ bởi vì tôi là kẻ điên! Tôi thích mọi thứ.
ANNA KARENINA là một trong những cuốn sách tôi yêu nhất. Bao nhiêu lần tôi đã
đọc nó, tôi không thể nhớ. Ý tôi nó là số lần đọc – tôi nhớ cuốn sách một cách
hoàn hảo, tôi có thể kể lại toàn bộ cuốn sách.
Nhìn xem! Ashu đã thốt ra một tiếng thở dài; chắc cô ấy đã trở nên lo
lắng: bây giờ gã điên này sẽ kể lại toàn bộ cuốn ANNA KARENINA! Không, Ashu,
đừng lo lắng, tôi sẽ không kể đâu. Tôi phải làm nhiều việc khác. Có lẽ một lúc
nào đó, chứ không phải bây giờ.
Nếu tôi có bị dìm xuống đại dương và phải chọn một cuốn tiểu thuyết
trong hàng triệu cuốn trên thế gian thì tôi sẽ chọn cuốn ANNA KARENINA. Thật
tuyệt vời khi có được cuốn sách hay đó. Nó phải được đọc đi đọc lại; chỉ có thế
thì bạn mới có thể cảm nhận nó, ngửi nó, và nếm trải hương hương vị. Đó không
phải là cuốn sách bình thường.
Như là vị thánh thì Leo Tolstoy đã thất bại, giống như mahatma Gandhi
cũng đã thất bại, nhưng Leo Tolstoy là một nhà tiểu thuyết vĩ đại. Mahatma
Gandhi đã thành công như là – và sẽ mãi mãi – là đỉnh tháp cao về lòng thành
thực. Tôi không biết có người đàn ông nào của thế kỷ này lại quá chân thành như
vậy. Khi ông ấy viết ‘người bạn chân thành của bạn’, ông ấy thực sự chân thành.
Khi bạn viết ‘người bạn chân thành của bạn’, bạn biết, và mọi người cũng biết,
và người mà bạn đang viết cho cũng biết, tất cả đó chỉ là nhảm nhí. Để trở
thành ‘người bạn chân thành của bạn’ thực sự là điều rất khó, gần như không thể.
Điều đó biến con người thành tôn giáo – chân thành.
Leo Tolstoy muốn trở nên tôn giáo nhưng không thể. Ông ấy đã rất cố. Tôi
cảm thấy vô cùng cảm thông với nỗ lực của ông, nhưng ông ấy không phải là người
tôn giáo. Ông ấy phải đợi ít nhất là vài kiếp nữa. Ông ấy không phải là người
tôn giáo, cũng giống như Muktananda, điều đó là tốt; nếu không ông đã lỡ PHỤC
SINH, CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH, ANNA KARENINA, và nhiều cuốn sách đẹp hơn, hay
hơn khác. Thế thì ông ấy hẳn sẽ trở thành một Swami Idiotananda khác, và không
còn gì khác.
Thứ tư, Ajit Sarasw… Ajit Mukherjee. Ông ấy đã thực hiện một sự phục vụ
vĩ đại cho Mật tông. Tôi sẽ tính hai cuốn sách của ông.
Thứ tư: Cuốn THE ART OF TANTRA (NGHỆ THUẬT CỦA MẬT TÔNG) của Ajit
Mukherjee, và thứ năm là cuốn khác của ông, NHỮNG BỨC HỌA MẬT TÔNG – hoặc có lẽ
là THE TANTRA PAINTINGS (NHỮNG BỨC HỌA MẬT TÔNG). Người đàn ông đó vẫn còn
sống, và tôi đã yêu ông vì hai cuốn sách đó, bởi vì chúng là những tác phẩm lớn
– những bức tranh nghệ thuật, và những nhận xét của ông về những bức tranh.
Những hướng dẫn của ông là vô cùng giá trị.
Nhưng chính người đàn ông lại có vẻ chỉ là một người Bengal tầm thường.
Chỉ mấy ngày trước ông ấy đã gặp Laxmi ở New Delhi. Ông đến gặp cô ấy và đã thú
nhận rằng ông muốn tặng toàn bộ tuyển tập về Mật tông của ông cho tôi. Chắc ông
ấy có một trong những bộ sưu tập các bức tranh Mật tông và nghệ thuật Mật tông
giá trị nhất và phong phú nhất. Ông đã nói với Laxmi, “Tôi muốn trao nó cho ông
ấy bởi vì ông ấy là người duy nhất có khả năng hiểu nó và biết ý nghĩa của nó,
nhưng tôi lại quá sợ.” Ông ấy nói, “Chỉ liên quan đến ông ấy thôi, dù là thế
nào, thì cũng có thể gây rắc rối cho tôi, cho nên cuối cùng tôi đã hiến toàn bộ
bộ sưu tập suốt đời của tôi cho chính phủ Ấn Độ.”
Tôi yêu hai cuốn sách đó – nhưng nói gì về người đàn ông đó: Ajit
Mukherjee hay là Ajit Mouse (Ajit Chuột)? Quá sợ! – và sợ như thế thì liệu có
thể hiểu Mật tông không? Không thể! Những gì ông ấy đã viết chỉ là trí năng. Đó
không phải, và không thể là, của trái tim. Ông ấy không có trái tim. Tôi biết,
liên quan đến sinh lý học thì ngay cả con chuột cũng có tim – nhưng đó không
phải là tim, đó chỉ là phổi. Chỉ có con người mới có một cái gì đó hơn lá phổi…
trái tim; và trái tim chỉ phát triển trong bầu không khí của lòng can đảm của
tình yêu, của thử thách. Và con người đó mới tội nghiệp làm sao! Dẫu vậy tôi
vẫn đánh giá cao hai cuốn sách của ông. Con chuột đã thực hiện một công việc
đáng kể. Hai cuốn sách đó sẽ mãi có tầm quan trọng lớn lao đối với Mật tông, và
với những người tìm kiếm sự thật. Hãy quên và hãy tha thứ cho Ajit Chuột – ý
tôi nói Ajit Mukherjee.
Xin hãy nhớ rằng tôi không chống lại ông, Ajit Mukherjee, hoặc bất kỳ ai
khác. Tôi không phải là kẻ thù của bất kỳ ai trên thế gian này, mặc dù có hàng
triệu người coi tôi như kẻ thù. Đó là việc của họ; tôi không có gì liên quan
tới điều đó. Ajit Mukherjee, tôi yêu ông bởi vì ông đã phục vụ Mật tông rất
tốt. Mật tông cần nhiều học giả, triết gia, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, để kiến
thức cổ có thể trở nên sống động trở lại, và ông đã có một chút góp sức.
Thứ sáu – đây là cuốn sách mà tôi đã luôn muốn nói đến; thậm chí nó đã
có trong lịch trình nói chuyện sáng bằng tiếng Anh của tôi. Tôi đã nói về nó
bằng tiếng Hindi và nó cũng có thể được dịch. Đó là cuốn sách được viết bởi
Shankaracharya – không phải là kẻ ngốc hiện nay, mà là Adi Shankaracharya, một
người nguyên bản.
Cuốn sách có một nghìn năm tuổi, và nó không là gì mà chỉ là bài ca
ngắn: “BHAJ GOVINDAM MOODH MATE – O Idiot…” bây giờ, Devageet, hãy chú ý nghe:
tôi đang không nói với bạn rằng đó là tiêu đề của cuốn sách. BHAJ GOVINDAM – ca
bài ca về Chúa trời – MOODH MATE, Oidiot. O Idiot, ca bài ca về Chúa Trời.
Nhưng những kẻ ngốc lại không nghe. Họ không bao giờ nghe bất kỳ ai, họ
bị điếc. Thậm chí nếu họ có nghe thì họ cũng không hiểu. Họ là những người ngu
xuẩn. Thậm chí nếu họ có thể hiểu, họ cũng không theo; và nếu bạn không theo
thì hiểu là điều vô nghĩa. Hiểu là hiểu chỉ khi nó được chứng minh bởi việc
theo của bạn.
Shankaracharya đã viết nhiều cuốn sách nhưng không có cuốn nào lại quá
tuyệt như bài ca này: BHAJ GOVINDAM MOODH MATE. Tôi đã nói nhiều về ba hoặc bốn
từ đó thành gần ba trăm trang. Nhưng bạn biết tôi thích ca những bài ca như thế
nào; nếu tôi có cơ hội tôi sẽ đi đến cùng. Nhưng ở đây, tôi muốn ít nhất là nói
đến cuốn sách.
Thứ bảy, một cuốn sách khác được viết bởi Ludwig Wittgenstein. Ông ấy
cũng là một trong những tình yêu của tôi. Tên của cuốn sách là PHILOSOPHICAL
PAPERS (NHỮNG BÀI BÁO TRIẾT HỌC). Đó không phải là cuốn sách, mà đúng hơn là
tuyển tập những bài báo xuất hiện ở những thời điểm khác nhau. Mỗi bài báo đều
tuyệt. Wittgenstein không thể làm khác được. Ông ấy có khả năng tạo ra vẻ đẹp
mà không phải không logic, và cũng viết thơ bằng văn xuôi. Tôi không nghĩ ông
ấy từng coi mình như là nhà thơ, nhưng tôi tuyên bố ông ấy là nhà thơ hạng
nhất. Ông ấy cùng đẳng cấp với Kalidas, Shakespeare, Milton
hoặc Goethe.
Thứ bảy: Cuốn ZEN FLESH,
ZEN BONES (ZEN BẰNG THƯƠNG BẰNG THỊT) của Paul Rep. Đó là một tác phẩm tầm cỡ –
ông ấy đã không sáng tạo ra nó nên nó không phải là bản gốc, mặc dù không là
nguyên bản nhưng nó còn ý nghĩa hơn một bản dịch. Chính nó là tiêu chuẩn. Theo
cách này nó là bản gốc, theo cách khác nó là một bản dịch. Nó là bản dịch từ
những giai thoại Zen và tác phẩm nguyên bản. Tôi biết bởi vì tôi đã đọc hầu hết
mọi cuốn sách được viết về Zen, và không gì có thể so sánh với cuốn sách của
Paul Reps. Ông ấy bắt được cái thoáng qua. Ông ấy cũng có cùng hương vị như
Basho hay Rinzai có.
Người đàn ông đó vẫn
sống đâu đó ở California. Trong cuốn sách mỏng của ông không chỉ có những giai
thoại Zen được tuyển tập mà còn có MẬT TÔNG VIGYAN (BHAIRAV VIGYAN BHAIRAV TANTRA)
– một trăm mười hai câu kinh của Shiva cho Parvati, người yêu dấu của ông,
trong những câu kinh đó Shiva nói về mọi chìa khóa. Tôi không thể hình dung lại
có thể có thứ gì để thiền hơn là MẬT TÔNG VIGYAN BHAIRAV. Một trăm mười hai
chìa khóa là đủ – chúng dường như đủ; một trăm mười ba sẽ nhìn không hợp lý.
Một trăm mười hai nhìn thực sự bí truyền, đẹp.
Cuốn sách này rất nhỏ,
bạn có thể mang nó trong túi mình; nó là cuốn sách bỏ túi. Nhưng bạn cũng có
thể mang viên kim cương Kohinoor trong túi của bạn… mặc dù Kohinoor được khảm
vào vương miện nước Anh, và bạn không thể bỏ trong túi mình. Nhưng điều đẹp
nhất về Paul Reps là ông đã không bổ sung một từ nào của chính ông – đó là điều
không thể tin. Ông ấy đơn giản là dịch, chỉ dịch – và không chỉ dịch, mà ông ấy
còn mang bông hoa Zen đến với tiếng Anh. Bông hoa đó không được tìm ra ở bất kỳ
người viết tiếng Anh nào về Zen. Ngay cả Suzuki cũng không có khả năng làm điều
đó, bởi vì ông ấy là người Nhật. Mặc dù đã chứng ngộ nhưng ông ấy đã không thể
mang hương thơm của chứng ngộ đến với những cuốn sách của mình. Tiếng Anh của
Suzuki rất đẹp nhưng rất không sáng tỏ, có lẽ nó làm kích thích nhưng tuyệt đối
không sáng tỏ.
Paul Reps đã thực hiện
một việc gần như không thể, là người Mỹ, tôi nhắc lại, nhưng ở ông lại tràn
ngập hương thơm của Zen. Và không chỉ chính ông có nó mà còn mang nó ra khắp
thế giới bởi ZEN BẰNG THƯƠNG BẰNG THỊT. Thế giới cũng nên cám ơn ông ấy mãi
mãi, mặc dù ông không phải là người chứng ngộ. Chính vì vậy mà tôi nói ông ấy
đã thực hiện một việc gần như không thể.
Thứ chín… Tôi đang chờ
bạn lên một chút cao hơn, bởi vì tôi sẽ nói về một cái gì đó thuộc về những
đỉnh cao, những đỉnh cao tối thượng. Tốt… nhưng đừng dừng lại. Tốt không có
nghĩa là dừng, nó đơn giản có nghĩa là tiếp tục, tiếp tục… CHARAIVETI,
CHARAIVETI.
Dù sao chăng nữa, cuốn
sách mà tôi sẽ nói đến như là thứ chín là cuốn ZEN BUDDHISM (ZEN PHẬT GIÁO) của
Chrismas Humphries. Ban đầu ông ấy muốn gọi nó là TIẾP TỤC, TIẾP TỤC – như là
lời dịch từ CHARAIVETI, CHARAIVETI – hoặc BƯỚC ĐI, BƯỚC ĐI. Nhưng sau tất cả
thì người Anh vẫn là người Anh; cuối cùng ông ấy đã bỏ ý tưởng và gọi nó là
cuốn ZEN PHẬT GIÁO.
Cuốn sách hay nhưng cái
tên lại xấu bởi vì Zen không có gì liên quan đến bất kỳ ‘học thuyết’ nào, Phật
giáo hoặc điều gì khác. ZEN PHẬT GIÁO không phải như là tên gọi. Chỉ Zen là đủ.
Humphries viết trong nhật ký của mình rằng ông đã chọn CHARAIVETI, CHARAIVETI
như là sự ưa thích đầu tiên của ông cho tên sách, nhưng sau đó ông ấy nghĩ nó
quá dài. BƯỚC ĐI, BƯỚC ĐI … TIẾP TỤC, TIẾP TỤC. Ông ấy đã đổi tên và biến nó
thành một cái gì đó xấu xí: ZEN PHẬT GIÁO. Nhưng cuốn sách thì hay. Nó đã giới
thiệu cho hàng triệu người phương Tây thế giới của Zen. Nó đã mang đến một sự
phục vụ lớn lao.
Người đàn ông Humphries
này là môn đệ của D.T.Suzuki, và ông ấy đã phục vụ Bậc Thầy mà không ai khác đã
từng làm, đặc biệt là ở phương Tây. Ông ấy vẫn mãi dâng hiến cả đời mình cho
Suzuki.
Hôm qua Gudia đã nói với
tôi rằng cô đã nói với Devageet, “Nếu bạn sống với Osho như tôi, thậm chí chỉ
một tháng, thì bạn sẽ biết đó là gì – khó chịu.” Tôi biết đó chắc chắn là khó
chịu. Cùng với người chứng ngộ là khó chịu – và cùng với người đã vượt lên
chứng ngộ thì thậm chí còn khó chịu hơn.
Nhưng Humphries sẵn sàng
trở thành môn đệ; ông ấy vẫn thành thực và trung thành và nghe lời Suzuki cho
tới giây phúc cuối cùng cuộc đời Bậc Thầy và của chính ông. Ông ấy đã không dao
dộng dù chỉ một thời điểm. Bạn có thể nhận ra tinh thần không dao động trong
cuốn sách của ông.
Thứ mười… cuốn sách cuối
cùng cho buổi này. Đó là cuốn sách rất nhỏ, chỉ được biết đến bởi một số rất ít
người trên thế giới, nhưng nó cần được tuyên bố công khai cho cho mỗi và mọi
người. Đó là cuốn THE SONGS OF CHANDIDAS(NHỮNG BÀI CA CỦA CHANDIDAS) – một
người điên Bengal, một Baul. Từ Baul có nghĩa là người điên. Chandidas nhảy múa
và hát ca từ làng này tới làng khác và không biết ai đã tuyển lựa những bài hát
của ông. Chắc phải là người nào đó có tinh thần cao cả và rộng lượng, quá rộng
lượng đến mức đã không nhắc đến tên mình.
NHỮNG BÀI CA CỦA
CHANDIDAS… tôi cảm nhận nỗi kính sợ. Chỉ cái tên Chandidas thôi mà tim tôi bắt
đầu thổn thức khác nhịp rồi. Ông là người đàn ông mới tuyệt vời làm sao, một
nhà thơ kỳ lạ! Có hàng nghìn nhà thơ, nhưng Chandidas cùng hàng với những người
như Solomon, không thấp hơn thế. Nếu Solomon có thể so sánh với bất kỳ ai thì
đó là Chandidas.
Những bài ca của
Chandidas nói lên những điều kỳ lạ – về Thượng đế là người không tồn tại.
Chandidas cũng biết Thượng đế không tồn tại, nhưng ông ấy ca về mình bởi vì
Thượng đế chỉ đại diện cho tồn tại. Thượng đế không tồn tại; ngài là tồn tại.
Chadidas cũng hát ca về
thiền, mặc dù không thể nói gì về thiền – nhưng ông ấy vẫn nói một cái gì đó
không thể không chú ý đến. Ông ấy nói: thiền tương đương với không-tâm trí. Một
công thức mới tuyệt vời làm sao! Albert Einstein hẳn cũng phải ghen tị với
Chandidas. Than ôi, Einstein không biết gì về Chandidas hay thiền. Một trong
những người vĩ đại nhất của thời đại này, ông ấy tuyệt đối không nhận biết về
thiền. Ông ấy nhận biết mọi thứ ngoại trừ chính mình.
Chandidas ca những bài
ca về tình yêu, về nhận biết, về vẻ đẹp, về tự nhiên. Có một số ít bài không
liên quan với bất kỳ điều gì; tuyệt đối vui vẻ, niềm vui hát ca – ý nghĩa không
bao giờ quan trọng cả.
Đó là cuốn thứ mười và
là cuốn cuối cùng của ngày hôm nay.
No comments:
Post a Comment