Nguyễn Đình Hách dịch
Chương 16
1984 tại nhà Lão Tử,
Rajneeshpuram, Oregan, USA
Tôi đã nói bao nhiêu
cuốn trong tái bút của tái bút-P.P.S?
“Bốn mươi, thưa Osho.”
Bốn mươi?
“Đúng, thưa Osho.”
Bạn biết đấy, tôi là kẻ
cứng đầu. Tôi sẽ kết thúc ở con số năm mươi, dù điều gì xảy ra; nếu không tôi
sẽ bắt đầu P.P.P.S khác. Sự cứng đầu của tôi đã làm tôi thực sự được đền đáp:
nó đã giúp tôi chiến đấu với mọi dạng vô nghĩa tràn ngập trên thế gian. Nó đã
là sự giúp ích lớn lao để bảo vệ trí thông minh của tôi chống lại sự tầm thường
quanh mọi người, ở mọi nơi. Cho nên tôi không cảm thấy hối tiếc rằng mình là kẻ
cứng đầu; thực tế, tôi cám ơn Thượng đế rằng ngài đã biến tôi thành thế này:
tuyệt đối cứng đầu.
Cuốn sách đầu tiên là
của Bennett, một người Anh, một người Anh hoàn hảo. Cuốn sách này là về một nhà
huyền môn tuyệt đối vô danh, Shivpuri Baba. Thế giới tình cờ biết về ông chỉ
bởi cuốn sách của Bennett.
Shivpuri chắc chắn là
một trong những sự nở hoa hiếm hoi nhất, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi rất nhiều kẻ
ngốc đang giả vờ là những vị thánh. Tìm ra một người như Shivpuri Baba ở Ấn Độ
là điều thực sự may mắn hoặc còn là một công việc tìm kiếm kỳ diệu. Có năm trăm
nghìn vị thánh ở Ấn Độ; đó là con số thực tế. Tìm ra một con người thực sự
trong đám đông này gần như là điều không thể.
Nhưng Bennett lại may
mắn theo nhiều cách. Ông ấy cũng là người đầu tiên khám phá ra Gurdjieff. Không
phải là Ouspensky hoặc Nicoll, hoặc là bất kỳ ai khác ngoài Bennett. Bennett
tìm ta Gurdjieff trong một trại tị nạn ở Constantinople. Đó là vào những ngày
cách mạng Nga. Gurdjieff phải rời bỏ
nước Nga; trên đường trước khi bỏ trốn, ông đã bị bắn hai lần. Phong cách của
chúng ta là khác nhau, nhưng thật kỳ lạ là định mệnh lại chơi cuộc chơi tương
tự…
Gurdjieff ở trong một
trại tị nạn! – hãy nghĩ về điều đó xem, tôi không thể tin loài người lại có thể
suy đồi quá chậm. Hãy đặt Phật, hay Gurdjieff, Jesus hay Bồ Đề Đạt Ma vào trại
tị nạn… Khi Bennett phát hiện ra ông, Gurdjieff đang đứng xếp hàng để nhận đồ
ăn. Thực phẩm chỉ được phát một lần ngày, và hàng lại quá dài. Có hàng nghìn
người tị nạn đã rời bỏ nước Nga, bởi vì những người cộng sản Nga sát hại mọi
người mà không xem xét những người họ sát hại là ai, vì điều gì. Bạn sẽ ngạc
nhiên khi biết họ đã sát hại gần mười triệu người Nga.
Làm sao Bennett phát
hiện ra Gurdjieff? Gurdjieff đang đứng
giữa các môn đệ của mình, sẽ không khó để nhận ra, nhưng Bennett lại nhận ra
ông trong trang phục bẩn thỉu, hôi thối, đã nhiều ngày không giặt. Làm sao ông
ấy đã nhận ra Gurdjieff trong hàng? Đôi mắt đó – bạn không thể giấu chúng. Đôi
mắt đó – cho dù là người đàn ông đang ngồi trên ngai vàng hoặc đang trong trại
tị nạn thì chúng cũng vẫn vậy. Bennett đã mang Gurdjieff tới phương Tây.
Không có ai cám ơn
Bennett tội nghiệp về điều đó, và có một lý do. Bởi vì ông ấy là một dạng người
do dự. Bennett không bao giờ phản bội Gurdjieff khi ông đang còn sống. Ông ấy
không dám. Đôi mắt đó biểu lộ quá nhiều; ông ấy đã hai lần nhìn thấy sự ảnh
hưởng khác thường của chúng. Ông ấy đã kể lại về Gurdjieff trong cuốn sách của
mình – đó không phải là cuốn sách tầm cỡ, đó là lý do tôi sẽ không tính đến nó,
nhưng tôi chỉ đang nhắc đến nó – Bennett nói: tôi đến với Gurdjieff sau một
hành trình dài mệt mỏi và kiệt sức. Tôi đã bị bệnh, rất yếu, nghĩ rằng tôi sẽ
chết. Tôi phải đến gặp ông chỉ để trước khi chết tôi có thể lại nhìn thấy đôi
mắt đó… trải nghiệm cuối cùng của tôi.
Ông ấy đến phòng của
Gurdjieff. Gurdjieff nhìn ông, đứng dậy, đến gần và ôm lấy ông. Bennett không
thể tin vào điều đó – đó là cách của Gurdjieff. Nếu Gurdjieff có tát ông thì
như thế hẳn còn hơn cả mong đợi, nhưng Gurdjieff lại ôm ông! Nhưng còn hơn cả
cái ôm. Thời điểm Gurdjieff chạm vào ông, Bennett cảm nhận một sự bùng phát
năng lượng. Cùng lúc đó, ông ấy nhìn thấy Gurdjieff tái đi. Gurdjieff ngồi
xuống; sau đó rất khó khăn để đứng dậy và đi vào phòng tắm, ông nói với
Bennett, “Đừng lo lắng, chỉ chờ mười phút và tôi sẽ quay trở lại, như đã từng.”
Bennett nói, “Tôi chưa
bao giờ cảm nhận quá hạnh phúc, khỏe khoắn, mạnh mẽ như vậy. Dường như tôi có
thể làm bất kỳ việc gì.”
Điều đó cũng được cảm
nhận bởi nhiều người dùng các chất gây ảo giác – LSD hoặc Manijuana và các chất
gây ảo giác khác – với sự ảnh hưởng của các chất đó mà họ cảm thấy có thể thực
hiện bất kỳ điều gì. Một người phụ nữ nghĩ mình có thể bay, cho nên cô đã bay
ra khỏi cửa sổ từ chiều cao ba mươi tầng của một tòa nhà ở New York. Bạn có thể
kết luận điều gì đã xảy ra. Thậm chí những mảnh thân thể của người phụ nữ đó
cũng không được tìm ra.
Bennett nói, “Tôi cảm
thấy tôi có thể thực hiện mọi điều. Ở khoảng khắc đó tôi hiểu câu nói nổi tiếng
của Napoleon: không có gì là không thể. Tôi không chỉ hiểu điều đó mà tôi có
thể thực hiện bất kỳ điều gì tôi muốn. Nhưng tôi biết đó là lòng từ bi của
Gurdjieff. Tôi đã chết, và ông ấy đã cứu tôi.”
Điều này đã xảy ra hai
lần… vài năm sau. Ở phương Đông điều này được gọi là ‘sự truyền’; năng lượng có
thể nhảy từ ngọn đèn này tới ngọn đèn khác đang lịm tắt. Mặc dù những trải
nghiệm kỳ diệu như vậy đã xảy ra với ông, Bennett vẫn là một người do dự. Ông
ấy không thể do dự và phản bội như Ouspensky, nhưng khi Guedjieff qua đời, ông
ấy đã phản bội. Ông ấy bắt đầu tìm kiếm Bậc Thầy khác. Thật là điều không may!
Ý tôi nói không may cho Bennett. Với những người khác thì điều đó là tốt, bởi
vì đó là cách ông ấy tìm ra Shivpuri Baba. Nhưng dù Shivpuri Baba có tầm cỡ thế
nào thì cũng không là gì khi so sánh với Guedjieff. Và ông là nhà khoa học, một
nhà toán học… chỉ điều đó mới cho tôi manh mối. Nhà khoa học đã hành xử gần như
kẻ ngốc ngoài lĩnh vực xác định của mình.
Tôi luôn định nghĩa khoa
học như là ‘biết nhiều và nhiều về cái ít và ít’, và tôn giáo như là ‘biết ít
và ít về cái nhiều và nhiều.’ Đỉnh cao của khoa học sẽ là biết mọi thứ về không
gì cả, và đỉnh cao của tôn giáo là sẽ biết tất cả – không biết về tất cả, chỉ
đơn giản là biết; không phải về mà chỉ biết. Khoa học sẽ kết thúc trong vô
minh; tôn giáo sẽ kết thúc trong chứng ngộ.
Tất cả các nhà khoa học,
ngay cả những nhà khoa học vĩ đại, đã chứng tỏ nhiều điều ngớ ngẩn bên ngoài
lĩnh vực cụ thể của họ. Họ hành xử như trẻ con. Bennett là nhà khoa học và nhà
toán học có vị trí nhất định, nhưng ông ấy đã do dự, đã bị lỡ. Ông ấy lại bắt
đầu tìm kiếm Bậc Thầy khác. Và không phải là ông vẫn cùng với Shivpuri…
Shivpuri Baba đã là một ông già khi Bennett gặp ông. Ông ấy gần một trăm mười
tuổi, một ông già thép thực sự. Ông đã sống gần một thế kỷ rưỡi. Ông cao hai
thước mốt và một trăm năm mươi tuổi, và vẫn không có dấu hiệu ông sẽ ra đi. Ông
đã quyết định rời cơ thể – đó là quyết định của ông.
Shivpuri là một người
trầm lặng, ông đã không thuyết giảng. Đặc biệt, một người đã biết Gurdjieff và
thuyết giảng kỳ lạ của ông hẳn sẽ nhận ra nó rất bình thường với Shivpuri Baba.
Bennet đã viết cuốn sách của mình và lại bắt đầu tìm kiếm Bậc Thầy. Shivpuri
Baba hãy còn chưa chết.
Sau đó, ở Indonesia,
Bennett đã tìm ra Mohammed Subud, người sáng lập ra phong trào được gọi là
Subud. Subud là sự rút ngắn của sushil-buddha-dharma; đó chỉ là ba chữ cái đầu
của ba từ đó. Ngu ngốc làm sao! Bennett bắt đầu giới thiệu Mohammed Subud, một
người đàn ông rất tốt, nhưng không phải là Bậc Thầy… không gì có thể so sánh
với Shivpuri Baba; không nẩy sinh câu hỏi nào về Gurdjieff. Bennett đã mang
Subud tới phương Tây, và giới thiệu ông như là người kế vị của Gurdjieff. Bây
giờ điều này là tuyệt đối ngu ngốc!
Nhưng Bennett viết rất
hay, rất toán học, rất hệ thống. Cuốn sách tốt nhất của ông là SHIVPURI BABA.
Mặc dù Bennett là một kẻ ngốc, thậm chí nếu bạn cho phép con khỉ đánh máy, tình
cờ nó có thể làm ra một cái gì đó đẹp – có lẽ là một phát biểu mà chỉ có vị
phật mới có thể thực hiện – chỉ bằng việc gõ lên bàn phím. Nhưng nó sẽ không
hiểu nó đã viết gì.
Bennett đã tiếp tục theo
cách này. Ông ấy nhanh chóng trở nên vỡ mộng với Mohammed Subud và bắt đầu tìm
kiếm Bậc Thầy khác. Ông bạn đồng nghiệp tội nghiệp, toàn bộ cuộc đời ông là sự
tìm kiếm và tìm kiếm điều không cần thiết. Ông ấy đã tìm ra con người đúng
trong Gurdjieff. Ông ấy đã viết về Gurdjieff, và những gì ông nói thật tuyệt,
hiệu quả, nhưng trái tim ông lại đen tối, trong nó không có ánh sáng. Dẫu vậy,
tôi vẫn tính cuốn sách của ông như là cuốn sách hay nhất. Bạn có thể nhìn thấy
tôi là người công bằng.
Thứ hai: Đây là cuốn
sách lỳ lạ, không có ai đọc nó. Có thể thậm chí bạn đã không nghe về nó, nó
được viết ở Mỹ. Cuốn sách là LISTEN LITTLE MAN (LẮNG NGHE MỘT NGƯỜI TẦM THƯỜNG),
được viết bởi Wilhelm Reich. Đó là cuốn sách rất nhỏ, nhưng nó nhắc tôi nhớ đến
cuốn BÀI THUYẾT PHÁP TRÊN NÚI, ĐẠO ĐỨC KINH, ZARATHUSTRA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ, NHÀ
TIÊN TRI. Thực tế, Reich không trong trạng thái để viết cuốn sách như vậy,
nhưng chắc phải có một linh hồn vô danh nào đó chiếm lĩnh ông.
LẮNG NGHE MỘT NGƯỜI TẦM
THƯỜNG đã tạo ra sự tương phản với Reich, đặc biệt là với những nhà phân tâm
học chuyên nghiệp, các đồng nghiệp của ông, bởi vì ông ấy gọi mọi người là
‘người tầm thường’ – và ông ấy nghĩ mình quá vĩ đại? Tôi muốn nói với bạn: ông
ấy vĩ đại! Không phải trong hoàn cảnh là một vị phật, mà trong hoàn cảnh như
Sigmund Freud, Carl Gustav Jung, Assagioli. Ông ấy thuộc về đẳng cấp đó. Ông ấy
là một con người tầm cỡ – tất nhiên vẫn là con người, chứ không phải là siêu
nhân, nhưng tầm cỡ. Và không phải vì tính vị kỷ của ông mà cuốn sách này ra
đời; ông ấy không giúp gì cho nó, ông ấy phải viết nó. Điều đó gần giống như
người phụ nữ mang thai, cô ấy phải sinh ra đứa bé. Ông ấy mang trong mình cuốn
sách nhỏ này trong nhiều năm, khẳng định ý tưởng viết ra nó bởi vì ông ấy biết
rõ nó sẽ tạo ra địa ngục cho ông. Và đúng vậy. Sau khi cuốn sách ra đời ông ấy
đã bị lên án ở mọi nơi.
Sáng tạo ra bất kỳ thứ
gì khác thường trên thế giới này đều là tội ác. Con người không bao giờ thay
đổi. Người ta đã giết hại Socrates, người ta đã giết hại Reich. Không có sự
thay đổi nào. Họ đã kết án Reich như là kẻ điên và đã tống ông vào tù. Ông ấy
chết trong ngục tù, bị lên án, bị biến thành người điên. Ông ấy có khả năng
vượt lên trên những đám đông, nhưng ông không được phép. Người Mỹ vẫn phải học
cách sống với những người như Socrates, Jesus, Phật.
Cuốn sách này được viết
cùng bởi Bertrand Russell và Whitehead. Không có ai đọc nó. Tựa đề là PRINCIPIA
MATHEMATICA (NGUYÊN LÝ TOÁN HỌC). Chỉ cái tên thôi cũng đủ làm cho mọi người sợ
hãi, và chắc là cuốn sách khó nhất trong tồn tại. Do vậy, tôi đã làm việc về
cuốn sách đó nhiều nhất có thể. Bất kỳ điều gì khó đều luôn lôi cuốn tôi. Cuốn
sách như bỏ bùa mê và là thử thách, nhưng tôi sẽ không bình luận nó cho
sannyasin của tôi. Hãy tránh điều đó! Tôi đã đọc hàng nghìn trang sách đó và
không tìm ra gì ngoài toán học. Nếu bạn không quan tâm đến toán học, đặc biệt
là toán học cao cấp… đó là vấn đề khác. Tôi muốn tính đến nó bởi vì nó là tác
phẩm lớn – về toán học.
Thứ tư… con số có đúng
không?
“Đúng, thưa Osho.”
Bạn sẽ ngạc nhiên rằng
sự lựa chọn thứ tư của tôi là cuốn POETICS (NHỮNG VẦN THƠ) của Aristotle. Tôi
là một kẻ thù bẩm sinh của Aristotle. Tôi gọi người đàn ông đó là Aristotle-itis…
một dạng bệnh tật, không thể cứu. Devaraj, không có thuốc nào cho nó. Asheesh,
chứng đau nửa đầu của bạn không là gì! Cám ơn Thượng đế là bạn đã không phải
chịu đựng chứng Aristotlitis, đó là một căn bệnh ung thư thực sự.
Aristotle được cho là
người cha của triết học phương Tây và logic. Ông ấy chắc chắn như vậy, nhưng
chỉ về triết học và logic, chứ không phải vấn đề thực sự. Vấn đề thực sự đến từ
Socrates, Pythagoras, Plotinus, Diogenes và Dionysius, chứ không phải từ
Aristotle. Nhưng thật kỳ lạ: ông ấy đã viết một cuốn sách hay – và đây là một
trong những cuốn sách không được các học giả Aristotle nghiên cứu – NHỮNG VẦN
THƠ. Tôi phải tìm kiếm nó giữa nhiều cuốn sách của ông. Tôi đã thử xem liệu tôi
có thể tìm ra một cái gì đó đẹp trong con người đó, và khi tôi tìm ta NHỮNG VẦN
THƠ, một cuốn sách chỉ có vài trang, tôi đã run lên vì xúc động. Người đàn ông
đó cũng có trái tim. Ông ấy đã viết mọi thứ từ cái đầu mình, nhưng cuốn sách
này lại từ trái tim. Tất nhiên nó nói về điều cốt lõi của thơ ca – những vần
thơ – và điều cốt lõi của thơ ca không thể là gì khác ngoài cốt lõi của tình
yêu. Đó là hương thơm không phải từ trí tuệ, mà từ trực giác. Tôi tiến cử cuốn
sách này.
Thứ năm. Có quá nhiều
cuốn sách trước mặt tôi đến mức thật khó để chọn, nhưng tôi chọn THREE PILLARS
OF ZEN (BA TRỤ CỘT ZEN) của Ross. Nhiều người đã viết về Zen – kể cả Suzuki, là
người biết nó nhiều nhất – nhưng BA TRỤ CỘT ZEN là cuốn sách viết về Zen hay
nhất. Nên nhớ sự nhấn mạnh của tôi: về, bởi vì Ross không có trải nghiệm nào về
nó. Thực tế, điều đó làm cho nó kỳ diệu hơn: không có trải nghiệm nào, chỉ bằng
việc nghiên cứu một số cuốn sách và thăm viếng các tu viện ở Nhật Bản, bà ấy đã
viết một tác phẩm lớn.
Chỉ có một điều tôi muốn
nói với Ross: trong Zen không có ba trụ cột, thậm chí không có nổi một trụ cột.
Zen không có những trụ cột. Nó không phải là ngôi đền, nó là cái không thuần
khiết. Nó không bao giờ cần những trụ cột cả. Nếu bà ấy xuất bản lại cuốn sách
thì bà phải đổi tên. BA TRỤ CỘT ZEN nhìn hay, nhưng nó không đúng với tinh thần
Zen. Cuốn sách được viết theo lối rất khoa học. Những người muốn hiểu Zen theo
lối trí tuệ thì không thể tìm ra cuốn sách nào tốt hơn.
Thứ sáu: Sự lựa chọn của
tôi cho cuốn thứ sáu là cuốn sách của một người kỳ lạ. Ông ấy tự gọi mình là
‘M’. Tôi biết tên thực của ông, nhưng ông không bao giờ cho phép ai biết nó.
Tên của ông là Mahendranath. Ông ấy là người Bengal, là môn đệ của Ramakrishna.
Mahendranath ngồi dưới
chân Ramakrishna trong rất nhiều năm, và viết ra những gì diễn ra xung quanh
Bậc Thầy mình. Cuốn sách được biết đến như là THE GOSPEL OF RAMAKRISHNA (PHÚC
ÂM CỦA RAMAKRISHNA), nhưng lại được viết bởi M. Ông ấy không bao giờ muốn tiết
lộ tên mình, ông ấy muốn giữ ẩn danh. Đó là cách của người môn đệ thực sự. Ông
đã làm lu mờ mình hoàn toàn.
Vào ngày Ramakrishna ra
đi, bạn sẽ ngạc nhiên, M cũng đi theo. Không có gì để cho ông ấy viết nữa. Tôi
có thể hiểu… sau khi Ramakrishna qua đời, việc sống hẳn sẽ khó khăn hơn chết
rất nhiều. Chết còn vui sướng hơn là sống mà không có Bậc Thầy của mình.
Từng có rất nhiều Bậc
Thầy, nhưng không bao giờ có người môn đệ như M tường thuật về Bậc Thầy. Ông ấy
không can dự vào điều đó dù ở đâu. Ông ấy chỉ thuật lại – không phải về mình mà
về Ramakrishna. Ông ấy không còn tồn tại trước mặt bậc Thầy. Tôi yêu con người
này và yêu cuốn sách của ông, và nỗ lực phi thường để làm mờ nhạt mình. Thật
hiếm tìm ra một người môn đệ như M. Về điều này, Ramakrishna còn may mắn hơn
Jesus nhiều. Tôi biết tên thực của ông bởi vì tôi đã du hành nhiều ở Bengal, và
Ramakrishna vẫn còn sống ở cuối thế kỷ trước, cho nên tôi có thể tìm ra tên của
người đàn ông này là Mahendranath.
Thứ bảy. Có một nhà
huyền môn Ấn Độ ở đầu thế kỷ này. Tôi không nghĩ ông ấy là người đã chứng ngộ,
bởi vì ông đã phạm ba sai lầm; ngược lại, tuyển tập tác phẩm của ông lại tuyệt
đẹp, thuần khiết thi ca… nhưng ba sai lầm đó phải được nhớ. Ngay cả một người
như Ramateertha cũng có thể phạm những sai lầm ngớ ngẩn như vậy.
Ông ấy đã ở Mỹ. Ông ấy
là một người có uy tín và được tôn kính. Khi ông quay trở về Ấn Độ, ông ấy
nghĩ, đầu tiên nên tới Varanasi, thành trì của tôn giáo Hindu, Jerusalem của
người Hindu – Mecca của họ. Ông ấy tin tưởng rằng nếu người Mỹ đã tôn kính ông
quá nhiều thì chắc chắn những người Bà la môn ở Varanasi cũng sẽ tôn thờ ông
như một vị thần. Ông ấy đã sai. Khi ông thuyết giảng ở Varanasi, một người Bà
la môn đã đứng lên và nói, “Trước khi ông đi quá xa, xin trả lời câu hỏi của
tôi. Ông có biết tiếng Sanskrit không?”
Ramateertha đã thuyết
giảng về thực tại tối thượng, và vị Bà la môn này đã hỏi ông, “Ông có biết
tiếng Sanskrit không? Nếu ông không biết thì ông không có quyền nói về thực tại
tối thượng. Đầu tiên hãy đi mà học tiếng Sanskrit.”
Không có gì sai với
người Bà la môn; người Bà la môn trên khắp thế giới đều như vậy. Điều làm tôi
ngạc nhiên là Ramateertha đã bắt đầu học tiếng Sanskrit. Điều đó làm tôi bị
sốc. Ông ấy nên nói với người Bà la môn kia, “Xéo đi, hãy đi với tất cả những
Veda và Sanskrit của ông! Tôi không quan tâm. Tôi biết sự thật, tại sao tôi lại
bận tâm về việc biết tiếng Sanskrit?”
Ramateertha không biết
tiếng Sanskrit, điều đó là sự thật, và cũng không cần – nhưng ông ấy đã cảm
thấy có nhu cầu. Đó là điều đầu tiên tôi muốn bạn nhớ. Những cuốn sách của ông
rất thi ca, nhập định, nhưng người đàn ông lại bị lạc ở đâu đó.
Thứ hai: Khi vợ ông từ
Punjab xa xôi đến gặp ông, ông đã từ chối. Ông ấy không bao giờ từ chối bất kỳ
người phụ nữ nào, tại sao ông lại từ chối vợ mình? Bởi vì ông ấy sợ. Ông ấy vẫn
còn quyến luyến. Tôi cảm thấy tiếc cho ông ấy: từ bỏ vợ mình mà vẫn còn sợ.
Thứ ba, ông ấy đã tự sát
– mặc dù người Hindu không gọi điều đó là như vậy, họ gọi điều đó là ‘tự làm
tan rã mình trong sông Hằng’. Bạn có thể đặt những cái tên đẹp cho những điều
xấu xa.
Ngoại trừ ba điều đó,
những cuốn sách của Ramateertha rất giá trị, nhưng nếu bạn quên ba vấn đề đó
thì bạn lại nghĩ ông ấy như là người chứng ngộ. Ông ấy thuyết giảng cứ như mình
là một người chứng ngộ, nhưng đó chỉ là ‘cứ như’.
Thứ tám: Cuốn sách PRINCIPIA
ETHICA (NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC) của G.E.Moore. Tôi yêu cuốn sách này. Nó là một bài
tập tuyệt vời về logic. Ông ấy phải dùng đến hơn hai trăm trang giấy chỉ để xem
xét một câu hỏi: điều thiện là gì? – và đến với kết luận rằng ‘thiện’ là không
thể định nghĩa. Tuyệt vời! Nhưng ông ấy đã làm những bài tập ở nhà của mình,
ông ấy đã không nhảy tới kết luận như các nhà huyền môn làm. Ông ấy là nhà
triết học. Ông ấy đi từng bước một, từ từ, nhưng ông đã đến với cùng kết luận như
các nhà huyền môn.
Thiện là không thể định
nghĩa, vẻ đẹp cũng vậy, Thượng đế cũng vậy. Thực tế, tất cả những thứ giá trị
đều không thể định nghĩa. Hãy chú ý điều đó: nếu bất kỳ điều gì có thể được
định nghĩa, điều đó có nghĩa nó không giá trị gì. Nếu bạn không đến với điều
không thể định nghĩa thì bạn không đến với bất kỳ điều gì giá trị.
Thứ chín… Tôi đã bỏ lại
cuốn THE SONGS OF RAHIM (NHỮNG BÀI CA CỦA RAHIM) khỏi danh sách của tôi, nhưng
tôi không thể làm thế được nữa. Ông ấy là một người Hồi giáo, nhưng những bài
ca của ông lại được viết bằng tiếng Hindi cho nên người Hồi giáo không thích
ông, họ không chú ý đến ông. Người Hindu không thích ông bởi vì ông là người
Hồi giáo. Có thể tôi là người duy nhất kính trọng ông. Tên đầy đủ của ông là
Rahim Khan Khana. Những bài ca của ông có cùng độ cao và chiều sâu như Kabir,
Meera, Sahajo và Chaitanya. Tại sao ông ấy lại viết bằng tiếng Hindi? Là một
người Hồi giáo, ông có thể viết bằng tiếng Urdu, và ngôn ngữ Urdu đẹp hơn ngôn
ngữ Hindi nhiều. Nhưng ông ấy đã chọn một cách chủ ý; ông ấy muốn đấu tranh với
Hồi giáo chính thống.
Thứ mười, Mirza Ghalib,
một nhà thơ Urdu danh tiếng – không chỉ là nhà thơ Urdu vĩ đại nhất mà có lẽ
không có nhà thơ nào của bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới có thể so sánh với
ông. Cuốn sách của ông được gọi là DIVAN. DIVAN có nghĩa đơn giản là tuyển tập
thơ. Ông ấy khó đọc, nhưng nếu bạn có một chút nỗ lực thì kết quả lại tuyệt
vời. Dường như mỗi dòng đều chứa toàn bộ cuốn sách. Và đó là vẻ đẹp của tiếng
Urdu. Tôi nói không ngôn ngữ nào có thể chứa đựng quá nhiều trong một cuốn sách
nhỏ như vậy. Chỉ hai câu là đủ để chứa toàn bộ cuốn sách. Đó là ma thuật! Mirza
Ghalib là nhà ma thuật của ngôn ngữ đó.
Thứ mười một, và là cuốn
sách cuối cùng – cuốn THE BOOK (KINH THƯ) của Alan Watts. Tôi đã để dành nó.
Alan Watts không phải là một vị phật, nhưng vào một ngày ông có thể như vậy.
Ông ấy đã di chuyển gần hơn tới điều đó. KINH THƯ là cuốn sách vô cùng quan
trọng. Đó là kinh của ông, toàn bộ trải nghiệm của ông với các Bậc Thầy Zen,
các nhà kinh điển. Và ông là một người vô cùng thông minh; ông cũng là một kẻ
nghiện ngập. Trí thông minh cộng với rượu đã tạo ra một cuốn sách đậm màu sắc.
Tôi yêu cuốn KINH THƯ và tôi đã để dành nó làm cuốn cuối cùng.
(Hết )
No comments:
Post a Comment