October 6, 2014

OSHO – Những cuốn sách tôi yêu (tiếp theo)

Nguyễn Đình Hách dịch
Chương 14

1984, tại nhà Lão Tử, Rajneeshpuram, Oregon, USA

Devageet, tôi cũng biết rằng sáng nay bạn đã nổi khùng. Tình cờ nổi khùng là một bài thực hành tốt, nhưng tôi không ủng hộ đồng bóng. Đó là một trạng thái chung. Hãy nổi khùng bên trong! Nếu bạn sẽ nổi khùng suốt, tại sao lại nổi khùng bên ngoài? Tại sao không nổi khùng bên trong? Nếu bạn nổi khùng bên trong thì bạn trở thành Osho nổi khùng, và đó là một cái gì đó giá trị. Bạn đang trên con đường trở thành Osho nổi khùng, nhưng bạn di chuyển rất thận trọng; tôi nên nói một cách khoa học, hợp lý.

Tôi không cho phép bạn ghi chép, tôi can thiệp. Thay vì nói lời xin lỗi, tôi hét vào bạn, ngay cả khi bạn đang không ngắt lời, tôi vẫn nói, “Đừng ngắt lời, Devageet!” Tôi biết điều đó có thể làm mất kiểm soát bất kỳ ai. Nhưng bạn biết tôi là người điên, và khi bạn đang đối xử với người điên, bạn phải thực sự rộng lượng – không chỉ lịch sự mà còn thực sự yêu thương.


Khi bạn đang không can thiệp và tôi nói, “Đừng ngắt lời!” Chắc tôi phải ngụ ý một cái gì đó. Chắc phải có ý tưởng nào đó trong đầu bạn. Có lẽ bạn cũng không nhận ra ý tưởng ngắt lời của bạn. Ngắt lời trao một cái gì đó quá thú vị. Và tất nhiên ở đây bạn là ông chủ. Ít nhất là trong buồng lái này, bạn là Nô-ê. Tôi chỉ là hành khách không vé. Nhưng tôi có thể nhìn thấy nhiều điều trong vô thức bạn, và khi tôi nói, “Đừng ngắt lời,” tất nhiên điều đó nhìn thái quá. Không có ai nghe bạn ngắt lời tôi, ngay cả bạn – nhưng tôi đã nghe thấy điều đó. Tôi đã nghe thấy tiếng thì thầm trong vô thức.

Hôm nay những ý tưởng tuyệt vời đang đến với tôi; ngược lại tôi chỉ là người đàn ông nghèo nàn, tôi không có những ý tưởng tầm cỡ. Xin đừng nổi khùng bên ngoài. Tóm lại, hãy luôn nổi khùng bên trong. 

Tái bút của tái bút vẫn tiếp tục; đây chỉ là một ghi chú trong dấu ngoặc đơn.

Cuốn sách đầu tiên của hôm nay là THE ART OF LIVING (SỐNG ĐẸP - Nguyễn Hiến Lê dịch) của Lâm Ngữ Đường. Đó là tên Trung Quốc. Tôi nhớ lại một trong những cuốn sách của tôi, THE ART OF DYING (NGHỆ THUẬT HẤP HỐI). Lâm Ngữ Đường không biết gì về sống bởi vì ông ấy không biết gì về chết. Mặc dù ông ấy là người Trung Quốc, ông là một người Trung Quốc đồi bại, một người Cơ đốc. Đó chính là ý nghĩa của đồi bại. Sự đồi bại biến bạn thành người Cơ đốc. Sự đồi bại làm đồi bại, và bạn là một người Cơ đốc.

Trong cuốn sách NGHỆ THUẬT SỐNG, Lâm Ngữ Đường viết rất hay về nhiều điều – ngoại trừ cái chết. Điều đó có nghĩa cuộc sống không được nói đến. Cuộc sống có thể sinh ra chỉ nếu bạn cho phép cái chết, mà không phải không cho phép. Chúng là hai mặt của cùng một đồng tiền. Bạn không thể có mặt này và từ chối mặt kia. Nhưng ông ấy viết rất hay, rất nghệ thuật – chắc chắn ông ấy là một trong những nhà văn tầm cỡ nhất của thời hiện đại – nhưng dù ông ấy viết gì thì cũng là tưởng tượng, thuần túy tưởng tưởng… chỉ là mơ về những điều đẹp đẽ. Đôi khi những giấc mơ cũng có thể đẹp. Mọi giấc mơ đều không phải là ác mộng.
NGHỆ THUẬT SỐNG không có gì liên quan đến cuộc sống và không có gì liên quan đến nghệ thuật, nhưng vẫn là một cuốn sách tầm cỡ. Nó tầm cỡ theo chiều hướng bạn có thể bị thu hút bởi nó. Bạn có thể bị lạc trong nó, giống như con người bị lạc trong rừng rậm: những ngôi sao trên bầu trời, xung quanh toàn cây, và không đường mòn, không lối ra, không có nơi nào để đi. Nó không dẫn bạn tới đâu. Dẫu vậy, bạn vẫn nhận ra nó là một trong những cuốn sách tầm cỡ. Tại sao? – bởi vì chỉ đọc nó thôi là bạn quên hết quá khứ, tương lai và trở thành một phần của hiện tại.

Tôi không chắc liệu Lâm Ngữ Đường có biết gì về thiền không. Thật không may ông ấy lại là Cơ đốc; vì vậy mà không bao giờ ông ấy đến tu viện Đạo, hoặc ngôi đền Phật giáo. Than ôi, ông ấy không thể biết mình đang lỡ điều gì. Thay vì ông ấy đọc KINH THÁNH, một trong những cuốn sách hạng ba hay nhất trên thế giới – ngoại trừ hai phần ngắn trong nó: BÀI CA CỦA SOLOMON trong KINH CỰU ƯỚC và BÀI THUYẾT PHÁP TRÊN NÚI trong KINH TÂN ƯỚC. Nếu chúng được lấy khỏi thì KINH THÁNH chỉ là rác rưởi. Than ôi, ông ấy không thể biết điều gì về Phật, Trang Tử, một cái gì đó của Nagarjuna, Kabir, al-Hillaj Mansoor… một cái gì đó của những người điên đó; chỉ có thế thì cuốn sách của ông ấy là đích thực. Nó nghệ thuật, nhưng không đích thực. Nó không thành thực.

Thứ hai – cuốn sách khác của Lâm Ngữ Đường, THE WISDOM OF CHINA (SỰ THÔNG THÁI TRUNG HOA). Ông ấy có nghệ thuật viết cho nên ông có thể viết bất kỳ điều gì, thậm chí là SỰ THÔNG THÁI TRUNG HOA, mặc dù ông ấy không biết gì về Lão Tử, là người chứa toàn bộ sự thông thái không chỉ của Trung Quốc mà của cả thế giới. Tất nhiên Lâm Ngữ Đường có lấy một số đoạn của Lão Tử, nhưng những câu đó lại trùng hợp với sự giáo dục Cơ đốc của ông. Nói cách khác, những đoạn đó không bao giờ là của Lão Tử cả. Ông ấy trích dẫn Trang Tử, nhưng một cách tự nhiên những lựa chọn của ông lại rất lý trí, và Trang Tử không phải là con người lý trí; ông ấy là người đàn ông ngớ ngẩn nhất từng sống trên đời.

Trang Tử là một trong những tình yêu của tôi, và khi bạn nói về người nào đó bạn yêu, bạn buộc phải sử dụng những cực đỉnh, những sự cường điệu, nhưng với tôi chúng nghe không giống như vậy. Tôi có thể trao toàn bộ vương quốc của thế gian cho Trang Tử vì bất kỳ câu chuyện ngụ ngôn nào mà ông đã viết – và ông đã viết hàng trăm. Mỗi câu chuyện ngụ ngôn đó như là một BÀI THUYẾT PHÁP TRÊN NÚI, một BÀI CA CỦA SOLOMON, một BHAGAVADGITA. Mỗi một câu chuyện ngụ ngôn biểu đạt quá nhiều, quá phong phú đến mức không thể đo lường được.

Lâm Ngữ Đường trích dẫn Trang Tử, nhưng lại trích dẫn ông ấy như là một người Cơ đốc, chứ không phải là người biết. Nhưng chắc chắn ông ấy là một người viết giỏi, và cuốn SỰ THÔNG THÁI TRUNG HOA nên được đặt cùng với một số ít cuốn đại diện cho toàn bộ quốc gia, như cuốn LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY của Bertran Russell, hoặc hơn nữa là cuốn TÂM TRÍ ẤN ĐỘ của Radhakrishman. Nó là cuốn sách lịch sử chứ không phải huyền môn, nhưng được viết hay, viết đúng về ngữ pháp và mọi thứ. 

Ông ấy chỉ là một người Cơ đốc nhưng lại được giáo dục trong nhà tu kín. Bây giờ, liệu bạn có thể nghĩ có gì không may hơn khi đứa trẻ bị lừa phỉnh trong nhà tu kín? Cho nên theo người  Cơ đốc thì Lâm Ngữ Đường đúng theo mọi nhẽ, và theo người điên đang nói về ông thì ông sai theo mọi nhẽ. Nhưng tôi vẫn thích ông ấy. Ông ấy là người tài năng. Tôi không thể nói ông ấy là thiên tài, tha thứ cho tôi, nhưng ông ấy tài năng, rất tài năng. Đừng yêu cầu tôi hơn thế. Ông ấy không phải là thiên tài – và tôi không thể lịch sự, tôi chỉ có thể là thật. Tôi chỉ có thể tuyệt đối thật.

Thứ ba, một cuốn sách tôi muốn tránh nhưng dường như tôi không thể. Nó liên tục thúc mũi vào. Tất nhiên đó là cuốn sách Do Thái; nếu không làm sao bạn có cái mũi dài như vậy? THE TALMUD.

Tại sao tôi lại muốn tránh nó? Nếu tôi nói bất kỳ điều gì chống lại người Do Thái – như tôi đã luôn thực hiện và sẽ liên tục thực hiện… Nhưng trong thời điểm tôi không muốn nói bất kỳ điều gì chống lại người Do Thái; chỉ trong thời điểm, dường như người ta đang nghỉ lễ. Chính vì vậy mà tôi muốn tránh cuốn sách này.

Trong nó chỉ có một câu đẹp, chỉ vậy thôi, cho nên tôi có thể trích dẫn nó. Nó nói: Thượng đế khủng khiếp. Ngài không phải là bác của bạn, ngài không tử tế. Thượng đế không tử tế và không phải là bác của bạn – tôi yêu thích câu này. Điều này thực sự tuyệt vời. Ngược lại toàn bộ cuốn sách chỉ là câu nói sai ngữ pháp. Nó tuyệt đối thô sơ, chỉ để vứt đi. Nhưng hãy giữ lại câu này khi bạn vứt nó đi. Hãy viết nó trong phòng bạn: Thượng đế không phải là bác của bạn, ngài không tử tế – nên nhớ! Điều đó sẽ mang bạn trở lại với những giác quan của bạn khi bạn bắt đầu thực hiện những điều ngu ngốc với vợ bạn hoặc chồng bạn, những đứa con của bạn, những người giúp việc của bạn… hoặc thậm chí với bạn.

Thứ tư: Tôi sinh ra trong một gia đình thuộc về một môn phái rất nhỏ thuộc đạo Jain. Nó theo một người điên, là người ít điên khùng hơn tôi. Tôi không thể nói điên khùng hơn tôi!

Tôi sẽ nói về hai cuốn sách của ông, chúng không được dịch sang tiếng Anh, thậm chí là tiếng Hindi, bởi vì chúng là không thể dịch. Tôi không nghĩ ông ấy sẽ có bất kỳ độc giả quốc tế nào – không thể. Ông ấy không tin vào ngôn ngữ, không tin vào ngữ pháp, không tin gì. Ông ấy nói chính xác giống như người điên. Cuốn thứ tư là của ông, SHUNYA SVABHAVA – Bản chất của Trống rỗng.

Nó chỉ có vài trang, nhưng vô cùng ý nghĩa. Mỗi một câu đều chứa những câu kinh, nhưng rất khó hiểu. Lẽ tự nhiên bạn sẽ hỏi làm sao tôi có thể hiểu ông ấy. Đầu tiên, giống như Martin Buber sinh ra trong gia đình Hassid, tôi ra đời trong truyền thống của người điên này. Tên của ông là Taran Taran. Đó không phải là tên thực của ông, nhưng không ai biết tên thực của ông là gì. Taran Taran đơn giản có nghĩa là vị Cứu tinh. Điều đó đã trở thành tên ông.

Tôi đã thở ông từ khi tôi còn rất nhỏ, đã nghe những bài ca của ông, đã tự hỏi ông ngụ ý gì. Nhưng đứa trẻ không bao giờ quan tâm đến ý nghĩa. Bài ca thật đẹp, nhịp điệu cũng đẹp, và thế là đủ. Người ta cần hiểu những người như vậy chỉ nếu người ta phát triển; ngược lại, nếu ngay từ thời trẻ con của họ mà họ đã được vây quanh bởi môi trường, họ sẽ không cần hiểu và sâu bên trong ruột gan họ sẽ hiểu.

Tôi hiểu Taran Taran – không bởi trí tuệ mà bởi tồn tại. Hơn nữa tôi cũng biết ông ấy đang nói gì. Thậm chí nếu tôi không ra đời trong gia đình của những người theo ông thì tôi cũng sẽ hiểu ông. Tôi đã hiểu rất nhiều truyền thống khác nhau – và không phải tôi đã ra đời từ những truyền thống đó. Tôi đã hiểu rất nhiều người điên rằng bất kỳ ai cũng có thể hóa điên chỉ bởi cố nỗ lực đểu hiểu họ! Nhưng hãy nhìn tôi xem: họ không hề ảnh hưởng đến tôi. Bằng cách nào đó họ vẫn ở dưới tôi. Tôi vẫn vượt lên trên tất cả họ.

Dẫu vậy, tôi đã hiểu Taran Taran. Có thể tôi không liên quan gì đến ông ấy, đó là điều có thể, bởi vì rất ít những người theo ông, chỉ một vài nghìn, và chỉ tìm thấy họ ở miền trung Ấn Độ. Và họ cũng rất sợ bởi vì họ quá thiểu số đến mức họ không gọi họ là những người theo Taran Taran, họ tự gọi là những Jian tử. Họ tin một cách bí mật, không phải như là phần còn lại những người Jain tin vào Mahavira, mà là tin vào Taran Taran, người sáng lập ra giáo phái của họ.

Bản thân Jain giáo là một tôn giáo rất nhỏ; chỉ có ba triệu người tin nó. Có hai giáo phái chính: Digambaras và Svetambaras. Giáo phái Digambaras tin rằng Mahavira đã sống trần trụi, và đã trần trụi – từ digambara có nghĩa là ‘sky clad-trang phục bầu trời’; theo lối biểu tượng thì nó có nghĩa là ‘người trần trụi’. Đây là giáo phái cổ nhất.
Từ svetambara có nghĩa là ‘white clad-trang phục trắng’, và những người theo giáo phái này tin rằng mặc dù Mahavira trần trụi thì ông ấy cũng được che phủ bởi các vị thần trong trang phục trắng vô hình. Đây là sự thỏa hiệp chỉ để thỏa mãn người Hindu.

Những người theo Taran Taran thuộc về giáo phái Digambara, và họ là những người cách mạng nhất của Jain giáo. Thậm chí họ không lễ bái tượng Mahavira; những ngôi đền của họ trống rỗng, biểu hiện sự trống rỗng nội tại. Nếu tôi không tình cờ sinh ra trong một gia đình tin vào ông thì gần như không thể biết được Taran Taran. Nhưng tôi cám ơn Thượng đế, sinh ra trong gia đình như vậy cũng xứng đáng nhận rắc rối. Mọi rắc rối có thể được tha thứ chỉ vì một điều này, rằng họ đã quen tôi như một nhà huyền môn dữ dội.
Cuốn sách SHUNYA SVABHAVA của ông chỉ nói đi nói lại một điều, giống như người điên. Bạn biết tôi, bạn có thể hiểu tôi. Tôi đã nói đi nói lại cùng một điều trong suốt hai mươi lăm năm. Tôi đã nói đi nói lại: hãy thức tỉnh! Đó là điều mà ông ấy làm trong SHUNYA SVABHAVA.

Năm: Cuốn sách thứ hai của Taran Taran, SIDDHI SVABHAVA – Bản chất của sự Thực chứng Tối thượng, một tiêu đề đẹp. Ông ấy nói đi nói lại cùng một vấn đề: hãy là trống rỗng! Nhưng người đồng nghiệp tội nghiệp có thể làm gì? Không ai có thể nói bất kỳ điều gì khác, “Hãy thức tỉnh, hãy nhận biết…”

Từ tiếng Anh beware-đề phòng, là sự kết hợp bởi hai từ: be aware-hãy nhận biết – cho nên đừng sợ từ đề phòng, chỉ nhận biết, và thời điểm bạn nhận biết bạn đã về nhà.

Taran Tran có nhiều sách nhưng hai cuốn đó chứa toàn bộ thông điệp của ông. Cuốn thứ nhất chỉ ra bạn là ai – trống rỗng, tinh khiết; cuốn thứ hai, cách bạn đạt tới đó: bằng việc trở nên nhận biết. Nhưng chúng là những cuốn sách rất mỏng, chỉ vài trang.

Thứ sáu… tôi luôn muốn nói về cuốn sách này nhưng sợ rằng tôi sẽ lỡ, bởi vì không còn thời gian. Tôi đã không có kế hoạch, giống như tôi luôn không lên kế hoạch. Tôi đã nghĩ chỉ nói năm mươi cuốn, nhưng rồi tái bút và đã tiếp tục và tiếp tục. Năm mươi tên sách đã hoàn thiện, nhưng vẫn còn có nhiều cuốn rất đẹp đến mức tôi phải tiếp tục và bắt đầu tái bút của tái bút. Chính vì vậy mà bây giờ tôi có thể nói về cuốn sách này. Đó là cuốn NOTES FROM THE UNDERGROUND (NHỮNG GHI CHÉP DƯỚI TẦNG HẦM) của Dostoevsky.

Đó là một cuốn sách rất kỳ lạ, kỳ lạ như con người đó. Chỉ là ghi chép – giống như ghi chép của Devageet, từng đoạn, về bề ngoài không có gì liên quan đến nhau, nhưng thực ra lại liên hệ với mạch ngầm sống động. Nó phải được thiền. Tôi không thể nói bất kỳ điều gì hơn điều này. Đó là một trong những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại đã bị lãng quên. Có vẻ như không có ai chú ý đến nó, vì lý do đơn giản là nó không phải là tiểu thuyết, chỉ là những ghi chép, và có vẻ như chúng không liên quan với những người không thiền định. Nhưng với các môn đệ của tôi thì nó có thể vô cùng ý nghĩa; họ có thể tìm thấy kho báu ẩn giấu bên trong nó.

Tiếp tục thì thầm… Tôi đang không nói bất kỳ điều gì. Thực ra tôi không nên nói thậm chí điều đã nói. Đó cũng là một dạng ngắt lời. Tôi nên cảnh giác hơn. Nhưng, trở nên cảnh giác hơn tôi đang cảnh giác là điều rất khó. Sự cảnh giác nhiều hơn không bao giờ tồn tại cả, cho nên tôi phải làm gì? Nhiều nhất thì tôi có thể lờ nó đi. Tôi đã nghe thấy tiếng khúc khích của bạn… nhưng xin đừng đê mê bên ngoài mà hãy đê mê bên trong.

Thứ bảy, một trong những cuốn sách đến với tôi không từ nơi nào. Tôi sẽ không bao giờ nói về nó, nhưng nó ở đó. Đừng sợ, và sau đó đừng có đê mê bên ngoài. Đây là cuốn sách được viết bởi Ludwig Wittgenstein – không thực sự được viết như là cuốn sách, mà lại như là những ghi chép. Nó được xuất bản sau khi tác giả qua đời với tựa đề PHILOSOPHICAL INVESTIGATIONS (NHỮNG ĐIỀU TRA TRIẾT HỌC). Đó thực sự là một nghiên cứu sâu sắc về tất cả những vấn đề sâu sắc của người đàn ông. Tất nhiên, kể cả người đàn bà; nếu không người đàn ông sẽ tìm ra những vấn đề của mình từ đâu? Rắc rối thực sự của anh ta là người đàn bà. Socrates được cho là đã nói: nếu bạn kết hôn với một người phụ nữ tốt và đẹp – là điều hiếm – bạn sẽ may mắn.

Cuốn sách NHỮNG ĐIỀU TRA TRIẾT HỌC này được viết bởi Ludwig Wittgenstein – tôi yêu nó, nó rõ ràng, trong sáng, hợp lý và không có lỗi nào. Tôi yêu nó từ đầu đến cuối, và tôi muốn những người đang trên con đường hãy đọc nó… không như cách mà mọi người trong những nhóm trị liệu phát triển và “trải qua nó” – không đau đớn. Đó là điều mà nhiều sannyasin nghĩ, rằng trải qua đau khổ là cần thiết; không phải vậy, đó là sự lựa chọn của bạn. Bạn có thể trải qua hạnh phúc, niềm vui… điều đó tùy thuộc vào bạn.

Cho nên ý tôi không phải là “trải qua nó” trong cùng hoàn cảnh như cái gọi là các nhà trị liệu nhân văn nói đến. Khi tôi nói “trải qua nó”, ý tôi nói nhảy múa thông qua nó, yêu thông qua nó. Tôi có thể đúng theo nghĩa đen, nhưng về mặt ngữ pháp tôi có thể sai. Và tất nhiên tôi sai, bởi vì tôi có thể nghe thấy tiếng khúc khích của bạn. Xin lỗi, Devageet, bởi vì tôi vẫn còn nghe… Nhưng với tôi thì đây là sự ngắt lời – và tôi không muốn bất kỳ ai nổi cáu, đặc biệt là những người rất gần gũi với tôi, và những người không biết rằng hôm nay tôi còn đây, này mai có thể không.

Devageet, vào một ngày chiếc ghế này sẽ trống và bạn sẽ khóc và kêu la rằng bạn đã nổi cáu. Và tôi có thể dừng ở bất kỳ thời điểm nào; thế thì bạn sẽ hối tiếc về điều đó. Bạn đã biết nó, nhưng bạn đã quên. Tôi đã liên tục nói trong suốt bảy năm, nhưng vào một ngày – bạn là nhân chứng về điều đó – tôi có thể dừng đột ngột. Tôi có thể dừng tại bất kỳ thời điểm nào, có lẽ ngày mai hoặc sau ngày mai. Cho nên đừng bao giờ bị bối rối, và dù tôi có làm gì, ngay cả nếu tôi có khiêu khích bạn và phiền nhiễu bạn, thì đó cũng là vì lợi ích của bạn, bởi vì tôi không đạt được gì từ đó. Tôi không có gì để đạt được từ toàn bộ thế giới. Tôi đã có điều mà người ta khao khát trong nhiều kiếp, hàng nghìn kiếp.

Thứ tám: Thứ tám là cuốn sách… tôi có thể nghe thấy tiếng khóc của Devageet, và tình cờ điều đó là tốt. Và khóc với Bậc Thầy của bạn… Mắt tôi ngấn lệ, và bạn đang khóc. Có một dạng giao cảm đang diễn ra. Vì vậy, với cuốn sách thứ tám tôi đã chọn cuốn PSYCHOSYNTHESIS (SỰ TỔNG HỢP TÂM LÝ) của Assagioli.
Sigmund Freud đã thực hiện một việc vĩ đại là tạo ra phân tâm học, nhưng đó chỉ là một nửa. Nửa kia là cuốn SỰ TỔNG HỢP TÂM LÝ được viết bởi Assagioli – nhưng đó cũng chỉ là một nửa, nửa khác. Công việc của tôi là sự toàn bộ: luận đề tâm lý.

Phân tâm học và tổng hợp tâm lý, cả hai khoa học đó đều đáng để nghiên cứu. SỰ TỔNG HỢP TÂM LÝ rất hiếm được đọc bởi vì Assagioli không phải là tòa tháp cao như Freud; ông ấy đã không có khả năng vươn tới những đỉnh cao đó. Nhưng tất cả các sannyasin nên đọc ông ấy. Không phải là ông ấy đúng còn Freud sai; nếu tách riêng thì cả hai đều sai. Họ đúng chỉ khi họ được đặt cùng nhau. Và đó là toàn bộ công việc của tôi: đặt những phân đoạn cùng nhau giống như chơi trò ghép hình.

Thứ chín… Tôi đã luôn đánh giá cao Kahlil Gibran; tôi muốn đánh giá cao ông một lần nữa trước khi tôi lên án ông. Đừng lo lắng, tôi đang không nói từ lên án một cách nhẹ nhàng, tôi đang thực sự nói điều đó. Thứ chín là cuốn sách PROSE POETS (NHỮNG THI SĨ VĂN XUÔI) của Kahlil Gibran – tuyệt đẹp. Không có ai trong thế giới hiện đại, trừ Rabindranath Tagore, lại có thể viết thơ theo lối văn xuôi như vậy.

Thật kỳ lạ là cả hai đều là người ngoài đối với tiếng Anh. Có lẽ chính vì vậy mà họ có thể viết thứ ngôn ngữ thi vị như vậy. Họ đến từ những vùng có ngôn ngữ khác nhau: Kahlil Gibran đến từ Arab, là vùng đất mà ngôn ngữ rất thi vị, thuần khiết thi ca; và Rabindnanath đến từ Bengal, nơi đó thậm chí ngôn ngữ còn thi vị hơn Arab. Thực tế, nếu bạn nhìn thấy hai người Bengal đang cãi nhau bạn sẽ ngạc nhiên, bởi vì bạn sẽ nghĩ rằng họ đang trao nhau những lời nói yêu thương. Bạn sẽ không có khả năng hình dung rằng họ đang cãi nhau. Ngay cả khi cãi nhau, ngôn ngữ Bengal cũng giàu chất thơ.

Tôi biết điều đó từ chính trải nghiệm của mình. Tôi đã ở Bengal và nhìn thấy mọi người đang cãi nhau – rất giàu chất thơ! Tôi đã kinh ngạc. Khi tôi đến Maharashtra, tôi  nhìn thấy mọi người đang nói chuyện, tán gẫu, và tôi đã lo lắng: họ đang cãi nhau chăng? Có nên thông báo cho cảnh sát không? Marathi là ngôn ngữ thế đó, bạn không thể nói điều gì ngọt ngào. Nó chói tai, gay gắt. Đó là thứ ngôn ngữ chiến tranh.

Thật kỳ lạ là người Anh đã đánh giá cao cả Kahlil Gibran và Rabindranath, nhưng họ đã không học được bất kỳ điều gì từ hai người đó. Họ đã không học được bí quyết thành công của hai người. Bí quyết thành công của họ là gì? ‘Chất thi ca’ của họ.

Thứ mười: Đây là cuốn sách được viết bởi Kahlil Gibran mà tôi không bao giờ muốn phê phán trước công luận, bởi vì tôi yêu con người đó. Nhưng tôi phải thực hiện điều đó bởi vì nó đang được ghi chép mà tôi có thể lên án con người đó mặc dù tôi cũng yêu ông, nếu những lời nói của ông không đại diện cho sự thật.

Cuốn sách là THOUGHTS AND MEDITATION (TƯ TƯỞNG VÀ THIỀN). Bây giờ, tôi không thể đồng ý với điều đó, và vì điều đó mà tôi biết rằng Kahlil Gibran không bao giờ biết thiền là gì. Trong cuốn sách này, ‘các thiền’ không là gì mà là ‘những suy tư’; chỉ có thế thì chúng mới có thể đi cùng với những ý nghĩ. Ashu, bạn không phải đi cùng với những ý nghĩ, bạn phải đi cùng với thiền – với tôi, không phải với Kahlil Gibran. Cho nên hãy lên cao hơn. Nếu bạn không đạt được điều đó thì tôi sẽ dừng nói như thế này rất nhanh. Tôi muốn khẳng định sự vượt lên của tôi bằng mọi cách. Không có vị phật nào đã thực hiện điều đó trước đó. Tôi muốn trở thành một người tiên phong.

Tôi chống lại cuốn sách thứ mười này bởi vì tôi chống lại tư tưởng. Tôi chống lại nó bởi vì Kahlil Gibran sử dụng từ thiền trong bối cảnh phương Tây. Ở phương Tây, thiền đơn giản là tập trung nghĩ về một cái gì đó. Đó không phải là thiền. Ở phương Đông, thiền có nghĩa là không bao giờ nghĩ cả. Nó không có gì liên quan đến ‘về cái này hay cái kia’, nó là phi-đối tượng. Không có đối tượng trong nó, chỉ có tính chủ quan thuần khiết. Soren Kierkegaard đã nói: Cái cốt lõi nhất của con người là tính chủ quan thuần khiết. Đó chính là thiền.




No comments:

Post a Comment