April 22, 2014

OSHO - Yoga: Hiện tượng tự nhiên


Nguyễn Đình Hách dịch

Câu hỏi 1: Việc thực hành các asana (một tư thế của cơ thể) truyền thống có giúp ích gì cho thiền không?
Tính cách của con người không chỉ là thể chất hoặc không chỉ là tinh thần mà đồng thời cả hai. Đúng hơn là, nói nó là bệnh thần kinh thì mới đúng. Không có khoảng trống giữa hai, cho nên bất kỳ điều gì xảy ra ở mức độ thể chất thì cũng làm rung động mức độ tinh thần, và ngược lại. Các nhà triết học đã có thói quen nghĩ về con người chỉ là cơ thể, hoặc chỉ là tinh thần, hoặc cả hai song song nhưng tách biệt, không như là một. Với tôi và với khoa học thời nay thì chúng là một.
Tinh thần hữu hình là cơ thể và cơ thể vô hình là tinh thần. Đó là hai cực của một tồn tại. Tinh thần có nghĩa là một cái gì đó vượt lên các giác quan của chúng ta và bên ngoài sự nắm giữ của các giác quan của chúng ta. Thể chất có nghĩa là một cái gì đó xuất hiện bên trong sự nắm giữ của các giác quan của chúng ta. Sự phân chia giữa hai là chỉ bởi các giác quan và sự giới hạn của chúng.


Sự tồn tại của con người là đồng thời cả cơ thể và tinh thần. Thậm chí nói cả hai đồng thời là không thỏa đáng. Chúng là như nhau. Sự khác biệc chỉ là những rung động. Cơ thể là sự rung động thô mà nó có thể được tiếp nhận thông qua các giác quan, và tinh thần là sự rung động tinh tế vượt lên trên khả năng của các cảm giác.
Tại sao tôi đang nói về điều này? Có một lý thuyết nổi tiếng của tâm lý phương Tây, được biết đến như là thuyết James – Lange. Xu hướng phổ biến đã luôn được hiểu là cơ thể theo sau tinh thần: khi bạn sợ hãi, cơ thể bắt đầu bỏ chạy; khi bạn giận dữ, cơ thể bạn chuẩn bị đánh nhau. Nhưng các nhà tâm lý James và Lange lại đưa ra quan điểm rất trái ngược: không phải sợ hãi gây ra bỏ chạy mà bỏ chạy gây ra sợ hãi.
Theo họ thì cơ thể xuất hiện trước; tinh thần theo sau. Lý luận của họ là bạn không thể sợ hoặc giận dữ nếu không có trạng thái tương ứng của cơ thể được tạo ra. Cho nên họ đã lý luận rằng, bạn có thể chứng minh sự giận dữ là một cái gì đó tinh thần chỉ nếu bạn có thể tức giận mà không có sự phản ứng của cơ thể bạn với điều đó. Họ tuyên bố rằng, nếu mắt bạn không đỏ ngầu lên và nắm tay bạn không sẵn sàng choảng nhau thì không thể tìm ra sự giận dữ trong bạn. Nhưng James và Lange đã không đúng mặc dù lý thuyết của họ có vẻ rất hợp lý. Có những phản ứng cơ thể - và không có những phản ứng của cơ thể thì những thái độ tinh thần không thể được biểu lộ - nhưng điều đó không có nghĩa là những thái độ tinh thần không thể tồn tại mà không có những phản ứng cơ thể.
Con người có thể biểu hiện những triệu chứng giận dữ khi trong cơ thể không có giận dữ - giống như kịch sĩ. Người nghệ sĩ có thể đóng vai rất giận dữ - cơ thể của anh ta biểu hiện giận dữ - nhưng không có giận dữ bên trong anh ta. Tương tự như vậy, anh ta có thể biểu hiện mọi dấu hiệu về tình yêu bởi vẻ bề ngoài, mà vẫn không có sự cảm nhận về tình yêu. Cơ thể có thể biểu lộ bất kỳ điều gì mà không có sự cảm nhận của tâm trí về điều đó.
Tâm trí cũng có thể cảm nhận mà không có sự biểu lộ của cơ thể, bởi vì cái thô ráp nằm trong sự kiểm soát của chúng ta, ngược lại cái tinh tế thì lại không. Bất kỳ khi nào chúng ta quan sát giận dữ, chúng ta cũng quan sát thông qua cơ thể - không chỉ giận dữ của một người nào đó mà của chính chúng ta. Giận dữ vẫn còn tồn tại ở dạng hạt mầm, nó có đó như là một tiềm năng, nhưng tự chúng ta không thể nhận ra chúng cho đến khi nó được biểu lộ ở mức thô ráp của cơ thể.
Lý thuyết này của James-Lange chỉ đúng năm mươi phần trăm - xu hướng phổ biến luôn là năm mươi phần trăm đúng - nhưng những gì mà James và Lange biết và truyền bá thì đã được Yoga biết đến trong nhiều thế kỷ. Chính vì vậy mà các asana và mudra đã phát triển. Yoga hiểu rằng mọi thứ tinh thần cũng có một trạng thái tương ứng trong cơ thể, và khi tâm trí thay đổi thì cơ thể cũng có những tư thế, những mudra, những biểu hiện tương ứng, và được biến đổi.
Yoga cũng đã thuyết giảng rằng điều ngược lại cũng là có thể: nếu cơ thể tạo ra tư thế   nào đó thì thái độ tinh thần tương ứng cũng sẽ được tạo ra trong tâm trí. Nhưng đó chính là sai lầm trong lý thuyết của James và Lange. Có thể bạn chỉ đang sắm vai: một người có thể ngồi giống như Phật, nhưng như thế không có nghĩa sự yên tĩnh nội tại của Phật đã được tạo ra. Nói cách khác, nếu một người nào đó có thái độ như Phật thì cơ thể người đó làm ra vẻ có tư thế tương tự Phật.
Chính vì vậy mà tôi chống lại việc thực hành tất cả các asana. Chúng phải tự xuất hiện hoặc bạn không được thực hành chúng. Nếu bạn thực hành chúng thì không có gì bảo đảm rằng trạng thái tương ứng bên trong của tâm trí sẽ theo, và nó sẽ trở thành một cử chỉ, một hành động - điều đó là dễ dàng đối với chúng ta. Bạn có thể ngồi như Phật hoặc đứng như Mahavira - không có vấn đề gì - nhưng điều đó là vô nghĩa, không đạt được gì bởi nó.
Các asana đã xuất hiện từ đâu? Bất kỳ khi nào có trạng thái tâm trí mà Phật đã có thì cơ thể cũng tuân theo bởi một tư thế nào đó. Nó phải theo, nó sẽ phải tuân theo. Điều này đã được biết đến trong nhiều thế kỷ - có những cử chỉ bên ngoài tương ứng với những trạng thái tinh thần cụ thể - cho nên, nếu chúng ta tạo ra những tư thế và điệu bộ này trong cơ thể thì những trạng thái tinh thần tương ứng tuyệt đối tuân theo, điều đó có thể được ước đoán. Điều đó cũng không quá cần thiết. Ngược lại, đó là giả định rất nguy hiểm, bởi vì bạn có thể hành động liên tục và không chỉ những người khác bị lừa dối mà bạn cũng sẽ bị lừa dối. Đó là điều nguy hiểm thực sự.
Nếu bạn ngồi như Phật thì tư thế của cơ thể sẽ tạo ra cảm giác yên tĩnh bên trong bạn. Bây giờ bạn sẽ làm ra vẻ rằng bạn đã đạt được sự yên tĩnh: bạn sẽ cảm nhận sự yên tĩnh, bình lặng. Nhưng sự yên tĩnh này, sự bình lặng này chỉ là sự lừa dối. Nó đã không đến với bạn, bạn đã áp đặt nó lên bạn; nó không từ bên trong mà từ bên ngoài. Điều đó sẽ cảm thấy rất tốt, nhưng đó là một sự yên tĩnh được tạo ra, sự yên tĩnh được đặt điều kiện   đã được tạo ra và được phóng chiếu bởi bạn.
Chúng ta đã thực hiện điều này trong nhiều kiếp; đó chỉ là cùng một thứ mà chúng ta đã thực hiện ngày qua ngày trong suốt cuộc đời. Bạn chỉ cười mà không có cảm giác về nó; đó chỉ đơn giản là một cử chỉ. Nhưng khi bạn cười thì cảm giác xuất hiện. Cảm giác này rất giả tạo, nhưng bạn đang tự đánh lừa mình. Không có bất kỳ cảm giác nào về tình yêu, nhưng bạn lại có thể biểu hiện yêu và những người khác sẽ bị lừa. Nhưng có mọi khả năng rằng bạn sẽ quên đó chỉ là điệu bộ, và bạn sẽ bị lừa khi nghĩ rằng bạn đã yêu. Vậy thì một tình yêu đích thực - mà nó là một cuộc cách mạng, là cái chết, là sự chuyển hóa toàn bộ - sẽ không bao giờ là có thể chỉ bởi điệu bộ của bạn, bởi sự bắt chước của bạn.
Cho nên tôi hoàn toàn phản đối các asana hoặc các mudra; chúng phải không được thực hành. Nếu chúng xuất hiện, điều đó không sao. Chúng sẽ đến, nhưng hãy để chúng tự đến; thế rồi chúng sẽ là những chỉ dẫn quan trọng. Thế rồi chúng sẽ không phải là những sự lừa dối, đúng hơn là chúng là những cột mốc, những biểu tượng chỉ ra một cái gì đó cho bạn và cho người khác.
Nhưng hãy để chúng xuất hiện từ bên trong, đừng áp đặt chúng từ bên ngoài. Nếu bạn áp đặt chúng lên chính mình, có thể chúng sẽ không chính xác là những gì cần đến hay được yêu cầu bởi trạng thái cá nhân của riêng bạn, bởi vì chúng là những dạng phổ biến. Nếu bạn đạt tới tính phật thì một asana cụ thể, một tư thế cụ thể sẽ theo sau. Nhưng nó sẽ không bao giờ giống như asana của Phật Gautam, sẽ có một cái gì đó khác biệt về mặt cốt lõi. Về mặt tổng thể thì nó sẽ giống, nhưng bạn không phải là Phật Gautam - toàn bộ cá tính bạn, toàn bộ cơ cấu tâm trí và cơ thể bạn là khác - cho nên sẽ không bao giờ chính xác như nhau. Nếu bạn áp đặt tư thế Phật lên bạn thì nó sẽ không tương ứng với trạng thái cá nhân bạn. Có rất nhiều asana, chúng sẽ không xuất hiện với mọi người.
Mahavira đạt được samadhi ở tư thế ngồi rất khác, goduhasan: giống như cô gái khi đang ngồi vắt sữa bò. Không ai khác đạt được samadhi ở tư thế như vậy - không ai ngồi giống như vậy! Nhưng có thể ngồi giống như vậy vĩnh viễn. Đối với samadhi thì không có gì phi lý hay phi logic.
Tại sao Mahavira lại ngồi ở tư thế như vậy? Tư thế của Phật là rất hợp lý, nhưng tư thế của Mahavira lại rất phi lý. Ông ấy đã không thực hành nó; nó tự xuất hiện. Một cái gì đó xuất hiện bên trong ông và cơ thể ông nhận lấy một tư thế nào đó - mặc dù là tư thế rất phi lý. Nếu ông ấy đã từng thực hành asana thì hẳn ông sẽ ngồi giống như Phật, bởi vì đó là tư thế thiền truyền thống. Nhưng ông ấy trong trạng thái buông bỏ và samadhi xuất hiện, và nó đã tạo ra một tư thế, mà tư thế đó là nhu cầu cụ thể cho cơ thể ông và cá tính của ông.
Mọi người sẽ cần phải biểu lộ chính mình một cách cá nhân. Không ai giống bất kỳ ai và không ai có thể như vậy. Cá tính là duy nhất sao cho mọi thứ nở hoa trong người đó thì sẽ nở theo cách cá nhân và duy nhất. Nếu bạn áp đặt một cái gì đó từ bên ngoài thì đó sẽ là một quan niệm phổ biến; không bao giờ có thể phù hợp và hài hòa với trạng thái của bạn.
Cho nên khi tôi nói phản đối các asana, tôi đang không nói chúng không có lý do nào, tôi đang không nói rằng chúng là vớ vẩn; điều tôi đang nói là việc thực hành chúng là ngớ ngẩn. Hãy để chúng xuất hiện - chúng sẽ xuất hiện - và khi chúng tự xuất hiện thì chúng sẽ có lý do của chúng. Chúng sẽ hoạt động trong cơ thể bạn và thông qua chúng mà cơ thể bạn sẽ trở nên hòa hợp với trạng thái mới.
Bạn không thể ngủ bởi đứng bằng đầu của mình. Bạn không thể, bởi vì ngủ cần tư thế nào đó của cơ thể. Nếu bạn nằm xuống thì không có nghĩa rằng giấc ngủ phải đến, nhưng khi giấc ngủ xuất hiện thì bạn sẽ nằm xuống. Những gì tôi đang nói giống như vậy. Bạn không được bắt đầu từ bên ngoài; sự khởi đầu phải từ bên trong. Sự nở hoa sẽ là bên ngoài, nhưng cội rễ phải từ cốt lõi bên trong tồn tại bạn. Bạn phải bắt đầu với thiền và để mọi thứ khác theo sau. Bất kỳ khi nào mà một asana nào đó được yêu cầu thì nó sẽ xuất hiện. Và khi không cần nữa thì chính nó sẽ tự ra đi.
Câu hỏi 2: Đôi khi ở giai đạn thứ hai của thiền Động tôi bắt đầu thực hành asana. Tôi không thể nói tôi đang thực hiện vì tôi muốn thực hành chúng hoặc chúng tự xuất hiện. Làm cách nào để biết được sự khác biệt?
Đừng nghĩ về sự khác biệt; hãy để chúng xuất hiện. Khi chính chúng xuất hiện trong thiền thì hãy để chúng đến và sau đó chúng sẽ tự động đi. Nhưng nếu chúng xuất hiện vì bạn thực hành chúng thế thì chúng sẽ không bao giờ đi.
Khi nhu cầu không còn, khi nhu cầu được thỏa mãn, chúng sẽ tự tan biến. Cho nên đừng nghĩ về nó. Bạn không thể biết trước là chúng sẽ ra khỏi thói quen hay không. Nếu chúng là đích thực, vậy thì khi nhu cầu được thỏa mãn chúng sẽ ra đi. Bạn sẽ không biết điều này trong khi bạn đang thực hành asana - bạn sẽ không có khả năng nói về sự khác biệt - nhưng dần dần sự khác biệt sẽ được cảm nhận.
Khi bạn thực hành một asana nào đó, thời điểm nó xuất hiện với bạn một cách tự nhiên là rất khác. Sự khác biệt là rất tinh tế nhưng nó luôn có đó. Khi bạn đang thực hiện nó, đó sẽ là một hành động kỷ luật tiếp theo một thủ tục, một lề thói, một trật tự nào đó. Khi nó tự xuất hiện thì sẽ không có kỷ luật trong nó, không có trật tự trong nó, đó sẽ là một hành động hỗn loạn. Và chỉ khi là hỗn loạn thì mới tác dụng. 
Hành động kỷ luật không ích gì bởi vì nó luôn là chức năng của tâm trí tỉnh táo; nó chưa bao giờ là sâu sắc. Chỉ khi hành động là hỗn loạn thì nó mới trở nên sâu sắc, và chỉ khi đó mới đạt tới vô thức, bởi vì tâm trí vô thức là hỗn loạn, rất hỗn loạn.
Vô thức giống như sự khởi đầu của thế giới. Mọi thứ đều tồn tại ở dạng tiềm năng trong vô thức, nhưng nó vẫn chưa có khuân mẫu và hình dạng; mọi thứ đều mơ hồ, lờ mờ, không chắc chắn. Nếu bạn cố áp đặt khuôn mẫu nào đó lên nó, bạn sẽ không đạt được gì. Bạn sẽ chỉ liên tục quay vòng quanh tâm trí tỉnh táo của bạn, bởi vì ý thức có thể bị biến thành kỷ luật trong khi vô thức không bao giờ có thể bị như vậy. Nhưng vô thức là gốc rễ, vô thức là ngọn nguồn.
Thiền có nghĩa là đi vào vô thức: lặn vào trong nó, là nó. Nó là hỗn loạn trong hỗn loạn. Nó là phi hình dạng bên trong cái vô hình. Nó tự buông bỏ, bồng bềnh cùng những đám mây, trôi lang thang; hãy tự mình vào vùng chưa có trên bản đồ, vào vùng biển chưa được thăm dò. Đừng vào đó với tâm trí kỷ luật hay là bạn sẽ không bao giờ thành công.
Bạn di chuyển vòng quanh trong tâm trí tỉnh táo của bạn: bạn không ngừng lặp lại và điều đó trở thành một thói quen; bạn đã tự xếp hàng với tâm trí tỉnh táo của bạn. Tâm trí kỷ luật luôn luôn là tâm trí nghèo nàn bởi vì nó sẽ không bao giờ chào đó sự hỗn loạn. Nó chưa bao giờ ra bên ngoài những giới hạn của ý thức, nó chưa bao giờ vượt lên ý thức; nó không liên quan tới cái vô hạn.
Người có tâm trí kỷ luật có thể là một người vĩ đại, giống như Gandhi, nhưng ông ấy sẽ có tâm trí xoàng xĩnh bởi vì toàn bộ mối quan tâm của ông ấy là về tâm trí tỉnh táo và  kỷ luật. Ông ấy chưa bao giờ hướng vào vô kỷ luật - ông ấy sẽ không bao giờ chạm tới đó.
Tâm trí tỉnh táo chỉ giống như khu vườn tươi tốt bên hông nhà bạn, nó không bao giờ giống như khu rừng. Và vô thức giống như khu rừng rậm rạp không đường biên. Có thể bạn không bao giờ biết những đường biên của vô thức, cho nên có mọi khả năng bị lạc. Giữ nguyên trong tâm trí tỉnh táo là an toàn; không rủi ro. Di chuyển vào vô thức là rủi ro. Lòng can đảm là cần thiết.
Cho nên đừng kỷ luật cơ thể bạn và đừng kỷ luật tâm trí bạn. Sống cùng vô kỷ luật, sống cùng sự hỗn loạn, sống cùng mối nguy hiểm. Với tôi ý nghĩa của thiền là: sống trong bất an toàn, sống trong hỗn loạn, sống trong vô hạn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là kỷ luật sẽ không đến với bạn. Nó sẽ đến, nhưng nó sẽ đến như là tự do. Nó sẽ là kỷ luật sống động từ bên trong: luôn chạm tới cái vô tận, luôn là tiềm năng hỗn loạn, luôn là bùng nổ, luôn trong cái chưa biết - kỷ luật thời điểm tới thời điểm. Điều đó có vẻ rất mâu thuẫn bên ngoài, nhưng sẽ có tính kiên định của riêng nó, sẽ có tính kiên định hoạt động bên trong nó.
Nếu bạn tự kỷ luật từ bên ngoài thì sẽ có mọi khả năng rằng bạn sẽ không bao giờ biết sự vô thức. Và tâm trí tỉnh táo không bao giờ là tâm trí cả, không bao giờ là cuộc sống cả. Đó chỉ là một dụng cụ tiện ích được phát triển bởi xã hội; đó không phải là bạn. Nhưng bởi vì chúng ta phải sống với những người khác nên chúng ta cần biết những điều cụ thể về chúng ta và có thể tin được: kỷ luật, một tính cách cụ thể. Tâm trí tỉnh táo tồn tại bởi mối liên hệ giữa bạn và người khác. Đó chỉ là sự liên hệ giữa bạn và tất cả những người mà bạn liên quan, nhưng điều đó không giúp bạn trong mối liên hệ với chính bạn, trong việc biết chính bạn.
Tôi nhới lại một câu chuyện. Vua Ashoka phái con trai của mình tới Sri Lanka để trao cho họ thông điệp của Phật. Người con trai đã gặp vua Sri Lanka và hỏi ngài một câu hỏi: “Có những người trên thế gian mà ngài liên quan và có những người khác không liên quan. Đó là hai loại. Liệu còn lại ai không thuộc một trong hai loại đó không?”
Nhà vua nói, “Còn lại ta”.
Con trai Ashoka nói, “Bây giờ thông điệp có thể được trao cho ngài. Ngài là người thông minh, cho nên có thể nói điều gì đó với ngài. Tôi hỏi câu hỏi này để xem ngài có biết có một cái gì đó bên ngoài những người liên quan và những người không liên quan, hay ngài nghĩ mọi thứ đều thuộc về một trong hai loại này”.
Đây là điều thứ ba - nó hoặc là không liên quan đến bạn hoặc là không không-liên quan đến bạn - đó là phần vô thức của thực tại bạn; đó là địa hạt của thiền. Đối với mối quan hệ hay phi quan hệ của bạn với thế gian thì tâm trí tỉnh táo là một tiện ích. Với bạn thì điều đó không bao giờ có thể là một tiện ích.
Thiền không có nghĩa là một sự thi hành tỉnh táo; nó có nghĩa là một cú nhảy phi nỗ lực vào chính bạn. Với kỷ luật thì bạn có thể đi từng bước, nhưng bạn không bao giờ có thể rèn luyện một cú nhảy. Ba bước đầu tiên của thiền Động không bao giờ là những bước của thiền, nhưng lại là những bước dẫn bạn tới nơi bạn có thể thực hiện cú nhảy.
Thiền thực sự là một cú nhảy – cú nhảy vào cái chưa biết. Cho nên đừng rèn luyện cơ thể bạn; hãy để nó tới đâu nó muốn. Tự cho phép chính bạn đi vào vùng chưa biết. Nhiều điều sẽ xuất hiện, các asana sẽ có đó, nhưng chỉ những điều bạn yêu cầu. Bây giờ các asana có thể đến với bạn - các asana không được mô tả một cách bình thường, cho đến bây giờ vẫn chưa được mô tả - bởi vì các khả năng là vô hạn và những mô tả asana mà chúng ta có lại chỉ là của những tư thế đã được trải nghiệm một cách chung chung. Cũng có vô hạn các mudra. Chúng cũng sẽ theo sau.
Hãy để asana đến và đi; đừng thực hành chúng và đừng bám vào chúng. Hãy để chúng tự đến, hãy để chúng tự đi; đừng bao giờ quan tâm đến chúng. Đó chính là điều tôi ngụ ý khi tôi nói tôi phản đối các asanas: bạn đừng bao giờ quan tâm đến chúng cả.
Còn một điều nữa: các asana có giá trị thanh tẩy. Thông thường, tâm trí chúng ta hoạt động chỉ trong mối liên hệ với một người nào đó hoặc với trạng thái nào đó. Điều đó có nghĩa tâm trí của chúng ta chỉ phản ứng đối với nhiều vấn đề mà chưa bao giờ hành động. Và nếu con người bắt đầu hành động mà không có một tác nhân kích thích nào thì chúng ta sẽ tống anh ta vào nhà thương điên, bởi vì những hành động của anh ta có vẻ ngớ ngẩn, vô nghĩa. Nếu anh ta bắt đầu hành động, điều đó có nghĩa anh ta đang không hành động trong mối liên hệ với bất kỳ trạng thái nào, anh ta đang hành động từ bên trong.
Trong chúng ta có quá nhiều thứ bị kìm nén bởi vì chúng ta không thể hành động, chúng ta luôn phải chờ những trạng thái để phản ứng lại. Nếu bạn tức giận, bạn không thể  là tức giận, bạn phải chờ đợi cho trạng thái phù hợp nảy sinh - một ai đó phải tạo ra trạng thái để bạn có thể phản ứng lại. Nếu bạn bắt đầu giận dữ mà không bị khiêu khích, bạn sẽ bị cho là điên. Thậm chí khi bạn đang phản ứng nhìn bạn như điên, và nếu bạn đang phản ứng lại điều gì đó đã xảy ra thì bạn đã biện minh với chính mình và với những người khác. Nhưng nếu hành động của bạn không phải là phản ứng, thế thì có vẻ như không có sự biện minh nào cho điều đó; đơn giản là nhìn bạn điên điên. 
Bên trong bạn cần nhiều biểu cảm và nó chưa bao giờ được biểu cảm, bởi vì không xuất hiện hoàn cảnh để nó được biểu cảm. Bạn không ngừng kìm nén những gì bên trong mình, bạn đấu tranh chống lại nó. Bạn không thể biểu cảm tình yêu với hư không, cho nên khi có cơ hội thì lại không có tình yêu, tình yêu bị kìm nén. Thế rồi hiện tượng lạ lùng bắt đầu xuất hiện. Bạn tràn đầy tình yêu nhưng bạn không thể biểu cảm một cách viển vông. Thế rồi một ai đó xuất hiện và với người đó bạn có thể âu yếm nhưng bạn không yêu, và bạn bắt đầu hành động. Điều đích thực bị kìm nén còn điều không thực lại diễn ra. Theo cách này thì toàn bộ cuộc đời bạn sẽ trở nên hỗn loạn.
Sự thanh tẩy là cần thiết với thiền vì hai điều. Thứ nhất: những rung động, những thái độ, những hành vi, và mudra bị kìm nén phải được xả ra - không như những phản ứng mà như những hành động tự trị; không liên quan tới bất kỳ cơ thể nào mà như là năng lượng tràn đầy. Trong thiền Động, chúng có thể được xả...
Bạn bắt đầu khóc, bạn bắt đầu cười. Sự biểu cảm có thể là toàn bộ chỉ khi nó không được định địa chỉ. Thế rồi bạn không cần bất kỳ sự biện minh nào về điều đó: đó chính là sự biện minh của nó. Bất kỳ điều gì bạn đang biểu cảm thì bạn cũng có thể biểu cảm một cách toàn bộ; không cần phải kìm nén nó. Bây giờ bạn đang nói về bầu trời, về tình yêu với hư không; bạn đang tức giận với các vị thần. Không liên quan, không địa chỉ. Thế rồi bạn trở nên hoàn toàn biểu cảm và tâm trí kìm nén biến mất. Đây là sự thanh tẩy. Bạn cần có khả năng biểu cảm mà không có bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi vì tâm trí con người bị quá kìm nén đến mức, nếu bạn chỉ biểu cảm khi có những hoàn cảnh cho nó thì bạn sẽ không bao giờ rũ bỏ được sự kìm nén.
Thứ hai: nếu sự thanh tẩy được phép thì bạn sẽ dừng hành động, bởi vì hành động là một sự thay thế, một phần của sự kìm nén. Những hoàn cảnh của bạn và những nhu cầu của bạn là không đồng thời. Khi có nhu cầu thì hoàn cảnh lại không thuận lợi, và khi hoàn cảnh thuận lợi thì nhu cầu của bạn lại trôi qua từ lâu rồi. Bạn bị buộc phải là giả, bị buộc phải hành động.
Khi sự thanh tẩy xuất hiện trong thiền, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận sức sống mới trào dâng trong bạn. Bạn sẽ không bao giờ có khả năng hành động lại. Bấy giờ bạn sẽ không đủ trơ trẽn để cười mà không có lý do, và không đủ liều lĩnh để tức giận mà không có bất kỳ ai, bất kỳ trạng thái nào. Vậy thì sự liều lĩnh thứ hai sẽ theo sau: bạn sẽ đủ dũng cảm để không hành động. Đó là một trong những biểu hiện sâu sắc nhất của dũng cảm: không hành động. Vậy thì tính cách của bạn bắt đầu trở nên đích thực. Sự đích thực này chỉ có thể xuất hiện với bạn sau sự thanh tẩy.
Các asana và mudra thực sự là một sự thanh tẩy, một sự biểu cảm, một sự tràn đầy. Và càng tràn đầy thì bạn lại càng trở nên phi trọng lượng. Thế rồi cái ngày mà bạn tuyệt đối phi trọng lượng sẽ xuất hiện; thời điểm sẽ xuất hiện khi bạn không còn liên quan tới lực hấp dẫn. Hãy là phi trọng lượng! Chỉ với sự phi trọng lượng này mà chuyến bay của một mình tới một mình mới xuất hiện.
Nếu bạn thực hành asana thì sẽ không có sự thanh tẩy mà chỉ là sự kìm nén. Đó là sự khác biệt cơ bản: nếu bạn thực hành các asana thì chúng sẽ là sự kìm nén, nhưng nếu chúng đến với bạn một cách tự nhiên thì chúng sẽ có ý nghĩa, sẽ có một sự thanh tẩy.
Nếu bạn áp đặt các asana lên chính mình, thì hành động chỉ là một phần của toàn bộ thói quen kìm nén của bạn. Nếu bạn áp đặt các asana mà tâm trí bạn không sẵn sàng thì bạn sẽ ép cơ thể bạn thành một tư thế nào đó và cơ thể phải tuân theo ý chí bạn. Dạng thực hành này nếu được thực hiện vì kết quả logic của nó thì sẽ tạo ra sự chia rẽ trong tính cách. Thế thì bạn sẽ trở thành hai: người này bị kìm nén và người kia đang kìm nén.
Với tôi thì Yoga có nghĩa là trở thành một chứ không phải là hai. Nó là sự hòa hợp mà không phải chia rẽ. Tôi gọi asan là yogasana chỉ khi nó trở thành tự động. Nếu nó bị áp đặt thì nó không bao giờ liên quan đến Yoga. Những bài thực hành Yoga là những bài thể dục mà không phải Yoga. Chính vì vậy mà tôi không sử dụng từ Yoga mà đã sử dụng từ asana.
Yogasana là asana đã đến với bạn, đã xuất hiện trong bạn; ngược lại asana không có gì khác biệt với bất kỳ điều gì khác đã áp đặt lên bạn, bất kỳ kỷ luật thể chất nào. Nó có thể chứng tỏ sức khỏe thể chất nhưng nó chưa bao giờ chứng tỏ tinh thần; nó không bao giờ có thể giúp bạn hợp nhất. Sức khỏe mang lại lợi ích cho bạn nhưng sẽ phải trả cái giá rất đắt bởi vì tính cách của bạn sẽ phải chia làm hai. Toàn bộ kinh nghiệm sống của những người thực hành asana bắt đầu ít tinh thần hơn và nhiều thể chất hơn.
Và đây là hiện tượng lạ lùng: những asana này có vẻ như là định hướng-thiền - chúng được coi là như vậy - trên toàn thế giới, bất kỳ ở đâu asana được nói đến, thì chủ đề dhyana, thiền cũng được nói ít nhất. Bấy giờ toàn bộ vấn đề trở nên lẫn độn: họ dạy thiền cùng với asana cứ như thiền chỉ là asana khác. Đó không bao giờ là asana cả. Thiền chỉ là nền tảng, nó là cơ sở, nó là hạt mầm. Mọi thứ phải là định hướng-thiền, bởi vì thiền là đầu tiên và mọi thứ khác sẽ theo sau.
Câu hỏi 3: Sau khi thực hành thiền Động liệu tôi sẽ có khả năng thiền sâu hơn khi thời gian vẫn trôi qua không?
Khi thời gian vẫn cứ trôi, bạn sẽ bắt đầu có độ sâu hơn. Bạn sẽ có khả năng đi sâu hơn, giống như người đang đào giếng. Họ liên tục đào với cùng dụng cụ, với cùng tốc độ, với cùng phương pháp. Dần dần đất được lấy lên và giếng sẽ sâu hơn - cho đến khi nước trào ra.
Nguồn nước vĩnh viễn có đó - bạn chỉ phải lấy những lớp đất đi. Tiếp tục đào theo cách tương tự, với dụng cụ tương tự. Đừng bận tâm đến bất kỳ sự thay đổi nào, những lớp đất là như nhau; chỉ phải lấy hết chúng lên. Nước ở sâu bên dưới đang chờ bạn, nước của vô thức sâu kín. Giữa bạn và vô thức của bạn là lớp đất, lớp chồng chất của những rung động bị kìm nén, của những ý nghĩ bị kìm nén được tạo ra bởi bạn như là rào cản chống lại vô thức bấp bênh và gây gổ. Chính bạn đã tạo ra rào cản này, cho nên bạn phải liên tục đào.
Khi thời gian trôi qua, bạn có thể cảm nhận rằng bạn đang tiến triển, bởi vì bạn cảm nhận điều đó chỉ khi đã chạm tới nước, chỉ khi nguồn bên trong được khám phá. Nếu không thì bạn vẫn đào đất khô. Và nó không cùng một loại đất, những gì bạn đã đào lên và vứt đi thì không còn là nó nữa. Nhưng vẫn còn nhiều đất bạn phải đào lên.
Việc đào này chỉ liên quan đến bạn và thiền của bạn; nó không liên quan tới chính sự bùng nổ. Sự bùng nổ xuất hiện như là cực đỉnh, nó xuất hiện trong một thời điểm. Nó bùng nổ trong bạn, bạn bùng nổ cùng nó. Nó xuất hiện bên ngoài thời gian.
Cho nên hãy tiếp tục đào. Công việc sẽ buồn chán và đơn điệu. Khi có một cái gì đó đạt được ở mỗi bước thì công việc không bao giờ buồn chán - bạn đang có được những kết quả, cho nên tham vọng của bạn thúc dục bạn tiếp tục để có thể đạt được nhiều hơn. Nhưng cho đến một điểm nào đó trong thiền thì mọi thứ là buồn chán, mọi thứ là đơn điệu. Điều đó có vẻ là như nhau, mặc dù nó không như nhau. Bạn sẽ đi sâu hơn ở mọi thời điểm, nhưng bạn không bao giờ có thể xét đoán độ sâu mà bạn đã đi cho đến độ sâu bùng nổ trong bạn.
Khi điều đó xuất hiện, thời điểm đó bạn sẽ biết rằng quá trình đã hoàn thiện bên trong. Khi bạn chỉ đang mò mẫm trong bóng tối thì hy vọng lại chống lại hy vọng, không có gì xuất hiện. Thế rồi nó đột ngột xuất hiện. Với thiền thì chiều sâu không đạt được từng bước. Nó có đó hoặc không có đó.
Cho nên bạn sẽ phải kiên nhẫn với điều đó. Một cách tự nhiên, mọi tìm kiếm cá nhân sẽ mất những khoảng thời gian khác nhau. Không ai biết bạn đã tích lũy nhiều đất như thế nào giữa bạn và chiều sâu của bạn. Có thể là lớp rất mỏng và chỉ cần một nỗ lực là có thể mở nó ra. Cũng có thể lớp đất rất dầy đặc và bạn đã mất rất nhiều kiếp để tích lại. Cho nên điều đó phụ thuộc vào mỗi cá nhân.
Nhưng có một điều quan trọng: kiên nhẫn - kiên nhẫn và làm việc mà không mong đợi kết quả. Làm việc mà không hy vọng kết quả nghĩa là kiên nhẫn. Nếu bạn khát khao những kết quả, nếu bạn thèm muốn chúng thì mục tiêu sẽ bị lỡ. Đòi hỏi kết quả là thực sự không kiên nhân. Nhưng nếu bạn vẫn không ngừng thực hành kỹ thuật thiền một cách kiên nhẫn thì chính điều đó sẽ mang đến sự thay đổi. Sự bền chí mà không có bất kỳ mong đợi nào thì đó là sự biến đổi lớn lao. Thậm chí nếu thiền không đạt được thì bạn cũng sẽ thay đổi, bởi vì kiên nhẫn và làm một cái gì đó mà không đòi hỏi kết quả thì đó là sức chịu đựng đáng nể, sức mạnh lớn lao về khả năng chịu đựng. Khả năng chịu đựng này sẽ dần đạt được về cường độ.
Bởi vì toàn bộ lớp bị kìm nén tồn tại giữa bạn và độ sâu nội tại bạn, thời gian sẽ cần đến trước khi sự bùng nổ có thể xảy ra. Nếu bạn không tuyệt đối kiên nhẫn và quyết tâm mạnh mẽ thì bạn sẽ không có khả năng chịu đựng cú sốc bùng nổ. Sự bùng nổ phúc lạc quá mãnh liệt đến mức nó đòi hỏi khả năng sâu sắc để chứa nó; nó đòi hỏi ý chí mạnh mẽ bên trong.
Cần phải có ý chí rất mạnh mẽ, cho nên nếu lớp giữa bạn và sâu bên trong bạn có mỏng thì cũng phải mất một khoảng thời gian để ý chí của bạn mạnh mẽ hơn. Con người có thể chịu đựng để sống mà không mong đợi những kết quả thì sẽ có khả năng đạt được những kết quả lớn lao; ngượi lại thì người đó không đủ phẩm chất cho thời điểm lớn lao. Nếu bạn không được chuẩn bị thì khi niềm phúc lạc xuất hiện bạn sẽ không thể chịu đựng nổi. Bạn sẽ trở nên điên khùng và vĩnh viễn mất đi sự cân bằng. Đó là hiện tượng kỳ lạ, đó là hiện tượng vũ trụ. Đó là biển rót vào giọt nước, bạn phải chuẩn bị cho điều đó, và sự chuẩn bị này xuất hiện khi bạn lao động miệt mài và kiên nhẫn.
Không đòi hỏi kết quả; chờ đợi trong kiên nhẫn. Đó là ý nghĩa thực sự của shraddha. Không phải là tin vào một cái gì đặc biệt, mà là tin vào chính mình. Không phải là tin vào một ai đó khác mà tin vào chính mình.
Thời gian càng trôi đi, bạn sẽ càng sâu sắc hơn. Không phải vì thời gian đã trôi qua mà bởi sự kiên nhẫn của bạn - bởi vì bạn đã bền chí, mặc dù đơn điệu nhưng vẫn không mong đợi kết quả. Mặc dù không thu được gì nhưng bạn vẫn tiếp tục hành trình, lòng nhiệt huyết của bạn vẫn không nao núng. Điều này tạo ra ý chí, và điều này sẽ làm cho bạn có khả năng chịu đựng sự bùng nổ khi nó xuất hiện. Trở nên tiêm nhiễm vũ trụ, một sự trưởng thành nào đó là cần thiết - giống như thai nghén cần một sự trưởng thành nào đó. Trong sự tiêm nhiễm tâm linh này, vũ trụ sẽ đến với bạn: đó là sự tái sinh của bạn.
Ở Ấn Độ, họ nói rằng Bà la môn, kshatriya và vaishya là sinh đôi và sudra là sinh-một. Tôi nói: người sinh-một là sudra; người đã không đạt được lần sinh thứ hai, đạt được tái sinh là sudra. Cho nên tất cả chúng ta là sudra, đẳng cấp tiện dân, bởi vì đấng thiêng liêng đã không chạm tới chúng ta. Nhưng sự tái sinh này sẽ xuất hiện nếu bạn kiên nhẫn và chân thành. Chờ đợi vì điều đó, cầu nguyện cho điều đó, hy vọng điều đó, nhưng đừng vội vã.
Câu hỏi 4: Có cần thiết bỏ qua các giai đoạn siêu linh trước khi sự bùng nổ có thể xuất hiện không?
Không, không cần thiết bỏ qua các địa hạt siêu linh. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ không trải qua chúng. Bạn có thể trải qua chúng với tốc độ mà bạn không chú ý đến chúng hoặc bạn có thể trải qua một cách chậm rãi, thực hiện từng bước có thể trong thế giới siêu linh. Bạn phải trải qua những địa hạt siêu linh bởi vì chúng nằm giữa bạn và sự thẳm sâu trong bạn - giữa bạn như là bạn và như là bạn sẽ là. Nhưng bạn có thể trải qua chúng với tốc độ phản lực đến mức dường như bạn chưa bao giờ trải nghiệm chúng hoặc bạn có thể trải qua chúng như là xe trâu. Nếu bạn muốn nhìn thấy cảnh đẹp thì tốt hơn là cưỡi xe trâu.
Có những phương pháp xe trâu và những phương pháp phản lực. Phương pháp tôi đang nói đến là thiền Động, là phương pháp phản lực: bạn sẽ trải qua những địa hạt này và không nhận ra nó bởi vì bạn sẽ di chuyển với vận tốc lớn nhất.
Nhưng nếu bạn khao khát năng lượng siêu linh, thậm chí là vô thức, vậy thì ngay cả với phương pháp phản lực thì bạn cũng hành xử như là bạn đang cưỡi xe trâu. Nếu bạn vẫn kiên nhẫn ước mong phát triển những năng lượng siêu linh thì khi bạn vượt qua chúng bạn sẽ vướng vào chúng.
Chúng ta có những khao khát bên trong mà chúng ta chưa bao giờ nhận ra. Tâm trí chúng ta cơ bản là tìm kiếm-sức mạnh: cho dù là tìm kiếm sức mạnh ở thế giới bên ngoài hoặc bên trong thì cũng luôn là tìm kiếm sức mạnh. Bạn phải không được quan tâm đến việc tìm kiếm sức mạnh. Địa hạt siêu linh có đó, và nếu bạn đang tìm kiếm những sức mạnh thì bạn sẽ bị vướng vào chúng ở một nơi nào đó.
Thế giới bên ngoài không thể cho bạn nhiều sức mạnh như thế giới bên trong - có tiềm năng sức mạnh lớn lao bên trong. Thực tế có quá nhiều năng lượng nguyên tử bên trong mỗi cơ thể con người đến mức nếu nó bùng nổ và xả ra khắp thế giới thì dân số trên trái đất có thể bị hủy diệt.
Các nhà vật lý nói về năng lượng nguyên tử, các vị Yogi nói về năng lượng siêu linh, nhưng năng lượng là như nhau - chỉ có sự tiếp cận là khác nhau. Các nhà vật lý tiếp cận thông qua những nguyên tử của cơ thể; yoga tiếp cận thông qua những nguyên tử của siêu linh. Những sự tiếp cận đó là hai cực của cùng một vấn đề.
Yoga tiếp cận từ bên trong, cho nên vị yogi nói về những sức mạnh siêu linh. Chúng có đó, nhưng nếu bạn tìm kiếm chúng bạn sẽ bị mắc vào chúng, điều đó thật thảm bại, thật đáng đáng thương, bởi vì khi bạn đạt tới siêu linh thì bạn rất gần với vũ trụ, tới phúc lạc tuyệt đối. Bạn gần bông hoa, nhưng bạn lại chụp tay lên nó. Cho nên con người phải nhận biết.
Trong thiền Động bạn không phải trở nên tỉnh giác đối với siêu linh bởi vì nó là phương pháp phản lực: nó đi quá nhanh đến nỗi bạn sẽ vượt qua địa hạt siêu linh mà không chú ý đến nó. Nhưng vì tất cả những thứ chúng ta đã đọc và đã nghe được lưu giữ và tích lại trong tâm trí chúng ta, chúng ta phải tỉnh giác với sức những sức mạnh siêu linh. Chúng có đó, nhưng tự chúng không có nhiều ý nghĩa.
Đầu óc tìm kiếm sức mạnh không bao giờ có thể thoải mái, bởi vì đầu óc tìm kiếm sức mạnh cơ bản dựa trên bạo lực. Bạo lực cần sức mạnh: chúng ta muốn vượt lên trên những người khác, chúng ta muốn quyền lực, danh tiếng, vị trí cao. Việc trở thành một lãnh tụ chính trị hoặc một người hướng dẫn tâm linh có thể xuất hiện thông qua năng lượng nguyên tử hay năng lượng siêu linh. Nhưng đầu óc bạo lực không bao giờ có thể là tâm linh - sức mạnh ở mức thấp nhất của nó sẽ là thể chất, ở mức cao nhất nó có thể là siêu linh. Nhưng nếu con người đang tìm kiếm sự thật, niềm phúc lạc, nếu con người đang tìm kiếm điều linh thiêng thì không được tìm kiếm sức mạnh này. Bạn phải từ chối sức mạnh này, bạn phải là người ngoan ngoãn. Như Jesus nói, “Hạnh phúc thay kẻ ngoan đạo. Họ sẽ được thừa kế thế gian này”. 
Nhưng bạn phải không là người ngoan ngoãn để bạn sẽ được hưởng thế gian. Nếu đó là lý lẽ, nếu đó là ước mong của bạn thì bạn sẽ không ngoan ngoãn. Người ngoan ngoãn là người khiêm nhường; họ không tìm kiếm sức mạnh, họ đã hoàn toàn từ bỏ xu hướng đó. Trong hoàn cảnh này họ là người khiêm tốn: họ không là ai. Chỉ có người không là ai thì mới có thể trở thành mọi người. Chỉ có người không là ai thì mới có thể trở thành tất cả.
Không được tìm kiếm sức mạnh, không được khát khao nó. Khi nó xuất hiện trên con đường của bạn thì bạn chỉ là người chứng kiến và vượt qua nó. Đừng nấn ná dù chỉ một thời điểm, bởi vì dù là tạm dừng, dù là đứng gần thì cũng chứng tỏ tai họa. Nó là tác nhân gây đồi bại. Sức mạnh làm đồi bại không phải vì bản thên nó là xấu mà vì chúng ta chạy theo nó. Có câu nói: “... quyền lực tuyệt đối làm đồi bại một cách tuyệt đối”. Sức mạnh bên ngoài không thể đồi bại như sức mạnh bên trong có thể. Trong một hoàn cảnh thì nó rất tuyệt đối, rất độc lập với những người khác, cho nên nó có thể chứng tỏ là đồn lũy kiên cố cho bản ngã.
Sức mạnh bên ngoài luôn phụ thuộc vào người khác. Bạn chưa bao giờ là tuyệt đối, bạn chưa bao giờ là toàn quyền; bạn luôn phụ thuộc. Một người nào đó ở thật xa có thể là nguyên nhân cho sự trượt ngã của bạn. Hitler đạt được quyền lực cơ bản dựa trên toàn bộ sức mạnh bên ngoài. Những người như vậy xây dựng nên kim tự tháp vĩ đại và đứng trên đỉnh đó, nhưng họ hoàn toàn phụ thuộc vào kim tự tháp cho nên họ luôn sợ hãi. Chỉ một hòn gạch ném ra khỏi kim tự tháp... và họ phải xuống.
Sức mạnh nội tại trở nên tuyệt đối trong hoàn cảnh mà bạn không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Bạn là người chủ của nó cho nên nó trở thành tự kỷ trung tâm. Quyền lực bên ngoài đã làm đồi bại con người, nhưng sức mạnh bên trong cũng đã làm đồi bại họ nhiều. Không phải chính sức mạnh làm đồi bại, bởi vì đấng linh thiêng cũng là sức mạnh; đúng hơn là, sự tìm kiếm, bản ngã ham muốn làm đồi bại. Nếu chúng ta đồi bại, thế thì khi sức mạnh xuất hiện, sự đồi bại của chúng ta sẽ bị phơi bày. Trước đó nó giữ nguyên ẩn giấu. Chúng ta cần sức mạnh để trở nên đồi bại.
Cho nên con người phải nhận biết sức mạnh siêu linh bên trong. Chúng tồn tại, nhưng đừng nhìn chúng. Chỉ vượt qua chúng, chỉ là người chứng kiến chúng. Chúng sẽ cùng bạn, chúng sẽ vận hành trong bạn, nhưng chúng sẽ như những cái bóng - chúng sẽ theo bạn. Nhiều điều sẽ bắt đầu xuất hiện quanh bạn nhưng bạn sẽ không ý thức về chúng; bạn sẽ không tăng cường sức mạnh bản ngã bạn thông qua chúng.
Với phương pháp này, bạn sẽ trải qua nhiều mức độ siêu linh, nhưng với tốc độ rất nhanh. Tất cả điều đó ở giữa bạn và những chiều sâu bên trong bạn, nhưng cũng chỉ như cái bóng đang theo bạn. Sẽ có những siddhis, sẽ có những hiện tượng, nhiều điều sẽ bắt đầu thay đổi, nhưng sức mạnh của bạn sẽ được cảm nhận bởi người khác mà không bởi bạn. Nếu một người nào đó nói rằng vì bạn mà một cái gì đó đã xảy ra với anh ta, bạn sẽ nhìn và nói, “Vì Ngài, không vì tôi. Tôi không là ai”. 
Vậy thì sẽ có những sức mạnh, nhưng chúng không phải là định tâm-bản ngã: chúng sẽ là định hướng-Thượng Đế và định tâm-Thượng Đế. Nhưng bạn không được liên quan đến chúng. Khi chúng xuất hiện, chỉ vượt qua chúng và nói lời tạm biệt.














1 comment:

  1. Bài post này từ Admin rất hay, cám ơn bạn đã đăng.
    Thông tin thêm : Yoga cho bà bầu

    ReplyDelete