January 17, 2014

Andrew Delbanco - Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực khoa học nhân văn

Phạm Nguyên Trường dịch
Cuộc tranh luận về tương lai của giáo dục đại học trên thế giới cho thấy một sự cân xứng đáng kinh ngạc. Một mặt, có người lo ngại rằng Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu đã thất bại trong việc đào tạo đủ số người tốt nghiệp đại học trong những lĩnh vực vốn là động lực cho “nền kinh tế tri thức” trong thế kỷ XXI, như kỹ thuật và công nghệ thông tin. Sự sợ hãi này đã dẫn đến việc thu hẹp khái niệm giáo dục, giáo dục chỉ còn là tìm kiếm cho bằng được các kỹ năng thực hành mà thôi.


Mặt khác, một số nước ở châu Á lại lo lắng là giới trẻ tham gia lực lượng lao động được đào tạo quá nhiều về kỹ thuật, không có khả năng “tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ”. Nỗi sợ này được thể hiện trong những nỗ lực ban đầu trong việc mở mang ngành giáo dục, bao gồm cả giáo dục tình cảm và trí tưởng tượng nữa.
Cả hai xu hướng này đều bắt nguồn từ những lo lắng trong lĩnh vực kinh tế. Ở Mỹ, nơi mà hầu như tất cả sinh viên đều phải trả ít nhất một phần chi phí cho giai đoạn học đại học, người ta đang tạo áp lực chính trị nhằm đưa ra những ưu đãi như giảm học phí hoặc giảm lãi suất cho vay đối với sinh viên các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học [viết tắt là STEM – từ những chữ cái đầu của khoa học (Sience), công nghệ (Technology), kĩ thuật (Enginnering), toán (mathematics)]. Các biện pháp cắt giảm chi phí, thí dụ như các chương trình bốn năm truyền thống rút lại còn ba năm – vì vậy mà phải giảm giờ học hoặc loại bỏ những khóa tự chọn trong các môn “không có ứng dụng thực tế” như văn học, triết học và nghệ thuật - cũng đang được thảo luận.
Trong khi đó, tại Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc người ta lại kêu gọi mở rộng các chương trình đại học để sinh viên có thể nhận được một nền giáo dục tự do, rộng lớn hơn, với hy vọng là các cử nhân và kĩ sư sau khi ra trường sẽ chú ý nhiều hơn tới thực nghiệm và đổi mới. Thí dụ, trường Đại học Hồng Kông (Hong Kong University), đã kéo dài chương trình từ ba thành bốn năm.
Nhưng quan điểm thuần túy kinh tế, hạn hẹp như vậy không bao quát được những câu hỏi rộng lớn hơn về những giá trị mà thế giới đang phải đối mặt. Chắc chắn là, tiến bộ trong tất cả các lĩnh vực, từ thương mại và truyền thông đến y tế và khoa bảo vệ môi trường, sẽ ngày càng phụ thuộc vào đổi mới công nghệ, và cũng có nghĩa là phụ thuộc vào những người có tay nghề cao – được đào tạo những khóa kỹ thuật chuyên sâu – là động lực cho sự tiến bộ đó.
Nhưng cũng đúng là, quá trình đào tạo như vậy không cung cấp cho người học nền tảng phù hợp để có thể giải quyết những câu hỏi trừu tượng hơn, nhưng cũng quan trọng hơn, tức là những câu hỏi nhất định sẽ trở thành kim chỉ nam cho chính sách toàn cầu và quá trình ra quyết định. Ví dụ:
• Làm thế nào hóa giải được nhu cầu tăng trưởng kinh tế cấp bách hiện nay với nhu cầu hạn chế biến đổi khí hậu?
• Trong cái thế giới khi mà bệnh tật, ô nhiễm, và những kẻ khủng bố có thể tự ý vượt qua biên giới quốc gia thì chủ quyền quốc gia có nghĩa là gì?
• Có những quyền con người phổ quát tức là những quyền cao hơn những tuyên bố ngược lại về truyền thống văn hóa đặc thù hay không?
• Làm sao phân bố được những nguồn lực hạn chế nhằm cung cấp cơ hội và hy vọng cho giới trẻ, trong khi vẫn đối xử với người cao tuổi với thái độ trọng thị?
• Nhà nước phải có trách nhiệm gì trước những người tị nạn, tức là những người trốn chạy khỏi khủng bố, đói nghèo, hoặc xung đột đang hiện diện khắp nơi?
• Làm thế nào bảo đảm được cả tự do cá nhân lẫn an ninh tập thể?
Những tiến bộ trong khoa học và công nghệ (ví dụ, những phương pháp mới trong sản xuất năng lượng, trong giám sát, hay học tập trực tuyến) sẽ có một vai trò quan trọng trong việc trả lời những câu hỏi đó. Nhưng giải pháp kỹ thuật không bao giờ giải quyết được những vấn đề đạo đức, tức là những vấn đề cần phải có hiểu biết về di sản văn hóa và xã hội thì mới xử lí được. Khoa học có thể giúp chúng ta có được cuộc sống mà chúng ta mong muốn, nhưng nó không thể dạy cho chúng ta cuộc sống như thế nào mới là đáng sống.
Tóm lại, mỗi bên trong cuộc tranh luận về giáo dục chỉ đúng có một nửa mà thôi. Khi công việc của con người ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi phải xem xét về mặt đạo đức thì các thế hệ tương lai sẽ cần học cả các môn khoa học và lẫn các môn nhân văn – đây sẽ là những kiến thức mà người ta cần hơn bao giờ hết.
May là, những mô hình dạy học mới, đầy hứa hẹn, chặt chẽ hơn và đầy đủ hơn đang xuất hiện. Đại học Yale và Đại học Quốc gia Singapore (NUS)  đã và đang hợp tác với nhau để thành lập Yale-NUS, trường nghệ thuật tự do (liberal arts college) đầu tiên của Singapore. Do học giả trong lĩnh vực văn chương và nhà thiên văn học lãnh đạo, trường học mới này nhằm đến mục tiêu là phá vỡ ranh giới giữa các ngành và tạo điều kiện cho sinh chuyển từ ngành nọ sang ngành kia. Tương tự như vậy, Đại học Quest ở Canada (Quest University in Canada) khuyến khích học sinh tìm kiếm cả kiến thức khoa học và kiến ​​thức trong các nhành nhân văn để họ có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc nhất hiện nay.
Những nỗ lực tương tự cũng đã được tiến hành trong nhiều năm qua ở Mỹ. Ví dụ, chương trình nghiên cứu dành cho các học giả mang tên Benjamin Franklin ở Trường đại học quốc gia bang Bắc Carolina (North Carolina State University) - hợp tác giữa Trường Cao đẳng Kỹ thuật (College of Engineering) và Đại học Nhân văn và Khoa học xã hội (College of Humanities and Social Sciences) – đặt mục tiêu là “đào tạo các chuyên gia đa ngành, tức là những người giải quyết vấn đề trên cơ sở phân tích, những người ra quyết định về mặt đạo đức những người biết truyền thông một cách hiệu quả.” Đáng tiếc là những chương trình như thế vẫn chưa có tầm nhìn bao quát và ảnh hưởng cần thiết để có thể định hình được công cuộc cải cách giáo dục.
Đã đến lúc từ bỏ diễn ngôn theo kiểu “hoặc là/hoặc là”, vốn là cái hố ngăn cách giữa khoa học và các ngành nhân văn - mà nhà hóa học và tiểu thuyết gia người Anh, ông C. P. Snow, cách đây hơn nửa thế kỷ đã coi là trở ngại cho sự tiến bộ của loài người. Đã đến lúc cần phải tìm cho ra những cách làm tốt nhất nhắm hàn gắn sự phân chia giả định này, và mở rộng cả hai lĩnh vực.
Trong khi tiến hành công việc quan trọng là làm cho các cơ sở giáo dục phù hợp với tương lai, chúng ta không được bỏ quên sứ mệnh chính, đã được định hình trong quá khứ, của những cơ sở đó. Không ai có thể phát biểu sứ mệnh đó tốt hơn là Benjamin Franklin, một nhà văn và người sáng tạo trong khoa học, ông định nghĩa giáo dục hướng tới “phẩm chất đích thực.”
“Phẩm chất đích thực”, Franklin viết, bao gồm “khuynh hướng cộng với khả năng phục vụ nhân loại, đất nước mình, bạn bè và gia đình mình, khả năng đó ... giành được hay tăng lên rất nhiều nhờ quá trình học tập đúng đắn, và phải là mục đích vĩ đại và cứu cánh của tất cả công việc học tập.” Đây là khát vọng và khát vọng đó phải được tái tạo đối với mỗi thế hệ.
Andrew Delbanco là Giám đốc Viện nghiên cứu Mĩ ở Đại học Columbia, tác giả cuốn College: What it Was, Is, and Should Be.

1 comment: