August 14, 2013

Ludwig von Mises (1881-1973) - Chủ nghĩa tự do truyền thống


Gans F. Sennhols - Lời nói đầu bản tiếng Nga

Gans F. Sennhols (1922-2007), Giáo sư kinh tế và trưởng khoa kinh tế của Grove city College, bang Pennsylvania, Mĩ

Người xấu thì không thể trở thành công dân tốt được. Một dân tộc gồm toàn những kẻ lười biếng và trộm cắp thì không thể trở thành giàu có được; một xã hội gồm toàn những kẻ nghiện hút và sùng bái thần tượng thì không thể trở thành tự do được. Khi người dân đánh mất sự tôn trọng đối với sở hữu và tình yêu lao động thì cũng có nghĩa là họ đã đánh mất thước đo duy nhất của sự trưởng thành và phương tiện duy nhất của sự tự hoàn thiện. Khi người ta đã hi sinh sự độc lập và lòng tin vào sức mạnh của chính mình thì cũng là lúc những tên độc tài xuất hiện và tròng xiếng xích lên đầu lên cổ họ.


Hướng đến tự do là nguyên tắc căn bản nhất của xã hội. Còn con người thì không thể không đấu tranh để giành tự do - tự do phát biểu ý kiến, tự do thể hiện và thảo luận các quan điểm của mình, tự do lập hội và lập đảng, tự do bầu cử và thay đổi chính phủ, tự do bỏ phiếu cho những người đại diện cho mình, tự do tổ chức đời sống kinh tế và xã hội theo ý mình - với điều kiện là những việc đó không phá hoại cuộc sống hoà bình. Sống tự do – nghĩa là làm theo cách của mình, nhận công việc mà mình cho là phù hợp, tự do mua và bán thành quả lao động của mình. Là người tự do – nghĩa là không gặp cản trở và khó khăn trong những hoạt động kinh tế và khát vọng của mình.

Chủ nghĩa tự do là hệ tư tưởng và cương lĩnh chính trị của những con người tự do. Ít nhất là người ta đã gọi nó như thế trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài và L. V. Mises cũng gọi như thế trong những tác phẩm tuyệt vời của ông. Chủ nghĩa tự do là hệ tư tưởng giữ thế thượng phong ở Anh trong giai đoạn giữa cuộc Cách mạng vĩ đại (1688) và cuộc Cải cách (1867) (cải cách hệ thống bầu cử - ND) và là một phong trào chính trị và xã hội rộng lớn trên toàn thế giới. Những yêu cầu đầu tiên của nó là lòng khoan dung tôn giáo và tự do tôn giáo, tôn trọng hiến pháp và quyền con người, và đến lượt nó, những yêu cầu này đã tạo động lực mạnh mẽ cho lí thuyết và thực hành tự do kinh tế. Các nhà kinh tế học cổ điển người Pháp và các nhà kinh tế học theo trường phái tự do người Anh đã đưa ra định đề kinh tế gọi là laissez-faire, nghĩa là quyền sở hữu không bị cản trở đối với tư liệu sản xuất và thị trường tự điều tiết, không bị chính trị can thiệp làm cho rối loạn.


L. V. Mises cho rằng hệ thống sở hữu tư nhân, thường gọi là chủ nghĩa tư bản, là hệ thống kinh tế và xã hội khả thi duy nhất. “Chỉ có lựa chọn duy nhất là giữa sở hữu xã hội và sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà thôi – ông khẳng định như thế - Tất cả những hình thức tổ chức xã hội mang tính trung gian đều vô ích và trên thực tế sẽ là những hình thức tự huỷ diệt. Nếu hiểu thêm rằng chủ nghĩa xã hội cũng không thể hoạt động được thì không thể không công nhận rằng chủ nghĩa tư bản, dựa trên sự phân công lao động, là hệ thống tổ chức xã hội khả thi duy nhất. Kết quả nghiên cứu lí thuyết như thể không phải là điều có thể làm cho nhà sử học và triết gia trong lĩnh vực lịch sử ngạc nhiên. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể đứng vững được, mặc cho sự thù địch từ phía chính phủ cũng như từ phía dân chúng, nếu như nó không phải nhường chỗ cho những hình thức hợp tác xã hội được lòng các lí thuyết gia và những người hoạt động trên thực tế thì đấy chính là vì những hình thức tổ chức xã hội khác đều bất khả thi”

Không phụ thuộc vào kiến thức của ta về thành tựu của chủ nghĩa tư bản, chúng ta cũng không thể không thán phục những đặc điểm đã vượt qua được thử thách của thời gian và vẫn không tàn úa của nó. Các giáo sư đã lên án nó vì cho rằng nó tạo ra hiện tượng người bóc lột người, nó sinh ra nạn độc quyền và nhóm độc quyền, nạn thất nghiệp và tổn thất ngày càng gia tăng. Nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn đứng vững. Các nhà đạo đức học và các cố đạo lên án nó về lĩnh vực đạo đức và văn hoá. Nhưng, mặc cho những lời nguyền rủa, chủ nghĩa tư bản vẫn sống. Các chính trị gia tiếp tục bàn tán về nhu cầu cấp bách của lĩnh vực công; nhưng kinh tế tư nhân tiếp tục tồn tại, mặc cho những cản trở từ khu vực công. Những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tiếp tục tồn tại ngay trong những khu vực tăm tối nhất của thế giới, mặc cho những đạo luật mà các nhà làm luật có thể đưa ra nhằm chống lại nó, mặc cho những khó khăn mà các chính phủ có thể tạo ra cho các doanh nhân. Hay là sở hữu tư nhân và trật tự xã hội dựa trên sở hữu tư nhân đã ăn sâu bén rẽ vào ngay trong bản chất của con người?

Thật khó tìm được ở đâu đó trên thế giới này hệ thống tư bản chủ nghĩa không chịu bất kì cản trở nào. Các chính phủ can thiệp vào hầu như bất kì biểu hiện nào của đời sống kinh tế. Họ lập ra những luật thuế ăn cướp đối với quá trình sản xuất và phân phối, nhưng các doanh nhân và các nhà tư bản vẫn làm ra rất nhiều hàng hoá và cung cấp cho ta đủ loại dịch vụ. Các chính phủ điều tiết và hạn chế sức sản xuất, nhưng trật tự, dựa trên sở hữu tư nhân, dù đã bị bóp méo và ngăn chặn, vẫn tiếp tục tồn tại trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Chính phủ đặt ra mức lương và can thiệp vào cơ cấu giá cả, nhưng hệ thống thị trường vẫn tiếp tục tồn tại trên thị trường chợ đen và hoạt động bất hợp pháp. Chính phủ tạo ra lạm phát và nới lỏng tín dụng và sử dụng luật pháp để điều tiết các phương tiện thanh toán, nhưng sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn tiếp tục tồn tại trong lúc hệ thống tiền tệ suy sụp. Chính phủ ban cho các tổ chức công đoàn những đặc quyền đặc lợi về mặt kinh tế và bất khả tác động về mặt pháp luật, nhưng cuối cùng thì sản xuất vẫn tiếp tục phát triển. Chính phủ dính líu vào những cuộc chiến tranh, nhưng khi những cuộc chém giết chấm dứt và chính phủ không còn gì để kế hoạch hoá, để phân phối bằng tem phiếu và bằng vũ lực nữa thì chủ nghĩa tư bản lại hồi sinh. Chủ nghĩa tư bản là câu chuyện thần kì của quá trình tái thiết và phát triển.

Trong phần lớn các khu vực trên thế giới, chủ nghĩa tư bản đã trở thành nơi trú ngụ cuối cùng. Khi chế độ cộng sản chỉ mang đến đói nghèo, khi tất cả những biện pháp áp bức về mặt chính trị đều thất bại và khi những bộ óc của các chính trị gia không còn phát minh ra những điều ngu xuẩn về mặt kinh tế nữa, khi công an mệt mỏi, không còn điều tiết kinh tế nữa và khi các toà án bị tê liệt vì quá nhiều tội phạm kinh tế thì đấy chính là lúc xuất hiện hệ thống tư hữu tư nhân. Hệ thống này không cần phải có kế hoạch chính trị, không cần luật pháp kinh tế, không cần công an kinh tế, nó chỉ cần tự do.

Chủ nghĩa tư bản lại một lần nữa xuất hiện ở châu Âu vào đầu những năm 1980, tức là một thời gian dài trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Sau khi chiếm được quyền lực, ở đâu chủ nghĩa xã hội cũng chỉ để lại những vết nhơ. Tình hình kinh tế lạc hậu, thậm chí xấu đi trong toàn khối xã hội chủ nghĩa, trong khi chủ nghĩa tư bản mang đến sự thịnh vượng và giàu có cho phần còn lại của thế giới. Ngôi sao của chủ nghĩa tư bản đang vươn lên trên bầu trời châu Á, mang đến hi vọng cho những con người nghèo đói và bị áp bức ở châu lục này.

Ánh sáng của chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào cả Liên Xô trong suốt giai đoạn hậu chiến. Dù bức màn sắt có mạnh mẽ và kín đến mức nào thì nó cũng không thế chống lại được sức mạnh của ý tưởng. Thông qua tất cả các kênh thông tin, những ý tưởng này đã xuyên qua được bức màn sắt và cắm được những cái rễ chắc chắn vào trái tim và khối óc của rất nhiều người. Hàng triệu nạn nhân của chế độ phi nhân cộng sản đã nhận thức được quyền tự do của con người và hệ thống tư hữu. Họ đã trở thành những người “theo trường phái tự do”, thành những người khao khát tự do và hoà bình - những nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa tự do. Sự tan rã một cách hoà bình đế chế Liên Xô là bằng chứng rõ ràng về sức mạnh của tư tưởng tự do.

Nhận thức chung của mọi người về sự thịnh vượng rõ ràng và ngày càng gia tăng của các nước có nền kinh tế thị trường là tác nhân quan trọng nhất của quá trình thay đổi. Đến giữa những năm 80 của thế kỉ trước thì ngay cả những kẻ cầm quyền đui mù nhất cũng không thể không thấy rằng khoảng cách giữa các nước có nền kinh tế thị trường và các nước có nền kinh tế kế hoạch hoá chỉ huy, và cùng với nó là điều kiện sống của rất nhiều người, đang ngày càng gia tăng. Trong những năm 70, lần đầu tiên các nền kinh tế thị trường ở châu Á gia tăng được gấp đôi sản lượng, và trong những năm 80 là lần gia tăng thứ hai.

Ở nước Nga, mặc cho sự chống cự của những người xã hội chủ nghĩa thế hệ cũ, những cuộc cải cách chính trị và kinh tế đang được tiến hành một các khẩn trương. Sự ủng hộ của dân chúng đối với tiến trình giải tư chính là động lực của nó. Chính sách giải tư nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng của dân chúng cũng như chính quyền, quay trở lại quá khứ là việc làm bất khả thi.

Quyền sở hữu tư nhân là cội rễ của bất kì hệ thống tư bản chủ nghĩa nào. Ở nước Nga nó mới chỉ tạo được những mầm cây đầu tiên. Mong rằng việc xuất bản tác phẩm vĩ đại này sẽ giúp che chở và củng cố những mầm cây ban đầu đó.




No comments:

Post a Comment