June 13, 2013

Phạm Bích San - “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển…”: Một quyển sách không thể đúng lúc hơn


Đầu năm 2013, Nhà xuất bản Tri thức có in quyển sách: ‘Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử,1660 - 1783’ do ông Phạm Nguyên Trường dịch. Sách đã hết ngay và giữa tháng Tư đã được tái bản. Một kỷ lục ở nước ta.


Vậy trong quyển sách do Alffred Thayer Mahan, một thuyền trưởng người Mỹ và là giảng viên môn lịch sử và chiến thuật hải quân tại trường Newport cuối thế kỷ 19 đã bàn đến cái gì để làm say mê người đọc Việt Nam ngày hôm nay vậy? Nhất là khi hình như môn lịch sử đang gặp vấn đề trong việc giảng dạy tại các nhà trường của chúng ta?

Trước tiên, sách đã trình bày một cách sống động, và lạnh lùng, về các hoạt động hải quân của các quốc gia Tây Âu trong thời kỳ bành trướng ra khắp thế giới của họ: những năm tháng công nghiệp hoá và xâm chiếm thuộc địa. Cùng với đó có cả những chi tiết về những trận hải chiến xa xưa từ lúc bình minh kỷ nguyên hiện đại, khi các trận chiến diễn ra với những chiếc thuyền chèo tay, rồi thuyền buồm và đến thời kỳ của tác giả: thuyền hơi nước... hải quân rất đắt, vậy nên giữ gìn nó tránh khai chiến để còn những con thuyền hay lao vào chiến trận để hải quân là sức mạnh và sẽ còn là sức mạnh? Lịch sử ở đây đã tỏ ra đầy những biến cố, đầy những bất ngờ với lòng can đảm, và hèn nhát cũng như sự thông tuệ lẫn trì trệ, cùng một chút may mắn nữa, của những con người đã tạo nên lịch sử.              
                                     
Kết quả những hoạt động đó của những con người đã tạo nên các vị thế khác nhau ở mỗi quốc gia được tính đến trên bản đồ thế giới hiện đại. Sự nỗ lực đó của những con người đã thể hiện thật cụ thể cho các chính sách mà các quốc gia theo đuổi trong cách ứng xử với biển trên bước đường phát triển của mình. Các chính sách đó là ngẫu nhiên hay là tất nhiên, là sản phẩm của sự tuỳ tiện từ phía các nhà cầm quyền hay còn là kết tinh của những đặc tính dân tộc trong hoà bình cũng như lúc chiến tranh: người Anh và người Pháp, người Hà Lan và người Tây ban Nha...? Bạn đọc có thể đọc thấy hết ở đây.

Sách còn trình bày một vấn đề khác làm chúng ta suy ngẫm hơn: sức mạnh trên biển ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử như thế nào và , quan trọng hơn, làm thế nào để xây dựng nên sức mạnh đó. Hải quân đương nhiên là sức mạnh trên biển. Nhưng chỉ có hải quân không làm nên sức mạnh của một quốc gia trên biển. Vấn đề ở đây là phải có một nền kinh tế biển, cơ sở cho các hoạt động khác trên biển. Cho nên, sẽ là sức mạnh không bền của những quốc gia nào chỉ nhăm nhăm mua tàu đúc súng mà không quan tâm đến sản xuất để có hàng hoá cho đội tàu chở đi, và không xây dựng sức mạnh của hạm đội vận tải biển. Sự lụn bại của Tây Ban Nha, cường quốc đứng đầu thế giới 500 năm trước là ví dụ minh chứng rõ ràng cho điều đơn giản, nhưng ít người, nhất là ở Việt Nam, biết đến.

Sức mạnh trên biển cũng còn tùy thuộc rất nhiều vào những yếu tố xã hội: hệ giá trị mà quốc gia theo đuổi và cách tổ chức quốc gia đó. Bạn đọc có thể thấy trong sách các ví dụ về đàn áp tôn giáo đã đưa đến những thôi thúc của con người và các cuộc chiến tranh, Tây Ban Nha với thuộc quốc của mình là Hà Lan, Anh với các thuộc địa Bắc Mỹ...  Bên cạnh đó còn là tổ chức quốc gia theo kiểu chuyên chế, điều có thể cho phép hải quân có những bước vọt tiến mạnh mẽ, và cách tổ chức nhà nước trao quyền nhiều hơn cho người dân tham gia, điều hình thành nên sức mạnh trên biển một cách tuần tự tuân theo các quy luật kinh tế. Để rồi kết thúc là sự thất bại của những kẻ chuyên chế như sự thất bại của hải quân Pháp sau thời của ông vua chuyên chế lừng danh Louis XIV.

Với Việt Nam, một quốc gia vừa ra khỏi sự hồi phục sau chiến tranh không lâu và đang tìm đường phát triển tiếp theo cho dân tộc sẽ rút ra được điều gì, khi chúng ta có hàng nghìn cây số biển, có những lịch sử hải quân oai hùng và những thời gian dài quay lưng lại với biển khơi mênh mông?

Xây dựng hải quân và nền kinh tế biển và sức mạnh trên biển như thế nào càng là suy tư hơn khi tại Biển Đông Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược hơn trong các tuyên bố đòi chủ quyền, khi các quốc gia ASEAN đang liên kết để tìm một sức mạnh thống nhất và cách ứng xử thống nhất trên vùng Biển Đông, theo cách gọi của chúng ta, hay Biển Tây, theo cách gọi của người Philippines.

Lịch sử đang mở ra thật đầy sống động trên biển, ngày hôm qua trong các trang sách của A T Mahan, và ngày hôm nay trước mỗi người Việt Nam.
P.B. S.


No comments:

Post a Comment