Đôi lời phi lộ: Đây là bài phỏng vấn trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần do Nguyễn Phương Văn thực hiện, còn bên dưới là câu hỏi và trả lời khi chưa biên tập.
Câu hỏi: Anh tiếp cận với văn bản gốc (tiếng Anh và
tiếng Nga) là do ý thích hay phải đọc khi thực hiện nhiệm vụ? Tại sao anh lại
nghĩ là mình nên dịch những tác phẩm đó ra tiếng Việt? Có nhà xuất bản nào đặt
hàng trước không?
Trả lời: Tôi tốt nghiệp ngành vật lí kĩ thuật ở Liên Xô năm
1975. Trong quá trình mưu sinh, tôi chỉ làm việc như một kĩ sư thuần túy, với
những bản vẽ và yêu cầu, tiêu chuẩn kĩ thuật, tính chất của vật liệu chứ không
dính dáng gì đến văn học hay xã hội học hết. Nhưng “cái chất của con nhà vật
lí”, nếu có thể nói như thế, tức là lòng yêu thích văn chương, triết học, xã
hội học của một người học vật lí đích thực thì vẫn không bao giờ rời bỏ tôi.
Tôi đọc khá nhiều sách, cả sách tiếng Việt lẫn tiếng Nga, sau này tôi còn đọc
cả sách tiếng Anh, tôi coi đấy là biện pháp học ngoại ngữ. Trong khi đọc như
thế trong tôi nảy sinh ý định chia sẻ, lúc đầu chỉ là chia sẻ với bạn bè, đồng
nghiệp thôi. Vũng Tàu – tôi định cư ở đây từ năm 1985 - là thành phố nhỏ cho
nên tôi có điều kiện giao du với các anh em ở Hội văn nghệ, trong đó có những
người như nhà văn Xuân Sách, nhà thơ Hoàng Trung Thủy, hai người bạn vong niên
này của tôi đều đã trở thành thiên cổ cả rồi. Các anh ấy thường động viên tôi
dịch truyện ngắn cho tờ Văn nghệ của Hội. Thời gian đầu tôi có dịch một số
truyện ngắn từ tiếng Nga cho tờ báo này.
Từ năm 2003, khi internet đã thịnh hành ở Việt Nam, có thể tìm
được những tác phẩm kinh điển trên mạng, thì tôi bắt đầu dịch sách văn học bằng
tiếng Anh và công bố trên các web site chuyên về văn học. Phản ứng của những
người quản trị mạng và độc giả là khá tích cực, từ đó tôi có được sự tự tin
hơn. Nhưng trong tình hình xã hội có những biến chuyển dữ dội, trong khi nước
ta chuyển sang nền kinh tế thị trường như thế mà sách về những vấn đề này thì
còn quá ít, tôi tự nghĩ rằng sách văn học và dịch sách văn học không thể đáp
ứng được yêu cầu nội tâm của chính mình cũng như của bạn đọc. Cũng trong thời
gian này tôi lại đọc ở đâu đó rằng Nhà xuất bản Tri Thức có dự định xuất bản từ
500 đến 1.000 tác phẩm kinh điển của thế giới. Tôi nghĩ có lẽ mình có thể đóng
góp gì đó cho tủ sách này. Và tôi bắt đầu tìm. Cuốn đầu tiên tìm được là The
Road to Serfdom của von Hayek. Tôi viết thư cho Nhà xuất bản Tri Thức, đề nghị
cộng tác. May là Giáo sư Chu Hảo, vừa là giám đốc vừa là tổng biên tập trả lời
ngay. Khoảng một năm sau thì cuốn sách này ra đời.
Tất cả những cuốn sách được in cho đến nay đều do tôi tự chọn và
dịch, sau đó mới gửi cho nhà xuất bản. Tri Thức cũng có đặt hàng 2 cuốn, nhưng
đến nay chưa xuất bản được.
Câu hỏi: Trong quá trình
dịch, anh có ở tâm thế "phục vụ bạn đọc" không. Tức là nhắm đến một
bản dịch "chiều" bạn đọc nhiều hơn là phục vụ nguyên tác?
Trả lời: Như đã nói bên
trên. Mục đích dịch của tôi là chia sẻ những cảm nhận, hiểu biết của mình với bạn
đọc. Mà muốn chia sẻ thì mình phải hiểu, ít nhất là trong lúc đang dịch, thật
kĩ từng chữ, từng câu của tác phẩm, rồi mới tái hiện lại trong tư duy bằng ngôn
ngữ mẹ đẻ của mình. Cách dịch của tôi là cố gắng làm sao để bạn đọc có cảm nhận
như người bản ngữ đọc chính nguyên tác. Bạn đọc có thể khó hiểu về ý tứ chứ nếu
để họ không hiểu ngay câu chữ thì theo tôi là người dịch đã thất bại. Đối với
tôi thì viết cho thật trong sáng cũng quan trọng không khác gì chuyển tải nội
dung, tư tưởng của tác phẩm. Tôi khá dị ứng với những câu chữ không chính xác,
đọc một số tác phẩm mà ngôn ngữ không thật trong sáng tôi có cảm tưởng như đang
nhai cơm mà cắn phải một hột sạn to vậy. Tôi không chiều bạn đọc mà cố gắng tạo
ra một văn bản tương đương với văn bản gốc, tất nhiên là bằng từ ngữ của tôi,
nhưng nội dung và văn phong thì phải trung thành với nguyên tác. Cũng như trên
đã nói, vì tất cả các tác phẩm đã dịch đều do tôi chọn, cho nên tôi có quyền và
thực sự là đã chọn những tác phẩm mình có thể hiểu và văn phong cũng hợp với “tạng”
của mình.
Câu hỏi: Như vậy theo tôi hiểu thì
anh “bước chân” vào dịch thuật cũng là một sự “tình cờ” do nghề nghiệp và cuộc
sống mang đến. Anh lại có cái may mắn là được tự chọn sách để dịch và tự chọn
phong cách dịch, hầu như không bị sức ép từ biên tập viên hoặc từ thị trường
sách. Đằng sau cái may mắn này hẳn phải có sự chiêm nghiệm, đắn đo của riêng
anh. Anh có nguyên tắc hoặc tiêu chí nhất quán nào cho việc chọn tác phẩm để dịch
và chọn giọng văn khi dịch tác phẩm ấy không?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng nếu nói việc tôi “bước chân” vào dịch thuật là một
sự “tình cờ” thì chỉ tình cờ theo nghĩa là internet và dự án xuất bản những tác
phẩm kinh điển của Nhà xuất bản Tri thức xuất hiện đúng vào lúc sự hiểu biết của
tôi đã tương đối “chín”. Còn sự chuẩn bị về mặt ngoại ngữ và kiến thức, cũng
như ước muốn chia sẻ với bạn đọc của tôi thì đã có từ lâu. Cho nên tôi nghĩ nói
theo ngôn ngữ nhà Phật là lúc đó đã đủ cả nhân và duyên thì có lẽ đúng hơn.
Đúng là tôi gặp may vì tôi không sống bằng nghề dịch, tôi không bị bất
kì sức ép nào, dịch đối với tôi là một nhu cầu nội tâm, một thú vui. Tôi dịch
sách cũng như người ta chơi, mỗi người có một thú chơi. Trước đây thú chơi của
tôi là đọc sách và còn bây giờ là dịch sách. Tôi nghĩ, nếu mỗi người chúng ta đều
có thể biến công việc, kể cả việc mưu sinh hàng ngày, thành niềm vui thì cuộc sống
sẽ nhẹ nhàng và công việc chắc chắn bao giờ cũng được thực hiện một cách kĩ lưỡng
nhất và hoàn hảo nhất.
Trước đây tôi đọc nhiều các tác giả Việt Nam và thỉnh thoảng cũng gặp một
số ý tưởng độc đáo nào đó. Nhưng đến lúc tìm hiểu kĩ thì hóa ra ý tưởng đó đã
được các tác giả nước ngoài nói tới từ lâu, mà họ nói một cách kĩ lưỡng, lật đi
lật lại vấn đề chứ không phiến diện như những cây viết của chúng ta. Tôi nghĩ rằng
mình có thể góp phần bổ khuyết được vấn đề đó. Cho nên cách chọn sách của tôi
là tác phẩm phải chứa đựng những kiến thức mới, ít nhất là mới đối với tôi, tức
là có tính khai dân trí, tuyệt đối không dịch sách vô thưởng vô phạt, sách giải
trí, mua vui. Nhưng đấy phải là những tác phẩm mà mình có thể hiểu được, văn
phong hợp với “tạng’ của mình, như đã nói bên trên.
Câu hỏi: Trong những cuốn sách anh
đã dịch, cuốn nào anh không ưng ý? Có cuốn nào anh phải dịch đi dịch lại nhiều
lần vì tiếng Việt gặp vướng mắc khi chuyển tải các khái niệm, nội dung hoặc tư
duy, cảm xúc của văn bản nguồn?
Trả lời: Cuốn nào tôi cũng thấy ưng ý cả. Nói thế sợ có người lại bảo là
tự tin thái quá, nhưng đúng là như thế. Không có cuốn nào phải dịch đi dịch lại
nhiều lần. Có vướng mắc chứ, nhất là về kinh tế học, vì tôi là dân kĩ thuật.
Nhưng tôi có những người bạn tốt, một trong số đó là anh Đinh Tuấn Minh, một
nhà kinh tế học trẻ, rất nhiệt tình trong việc truyền bá kiến thức về kinh tế.
Ngoài ra, tôi còn tham gia vào nhóm dịch thuật trên Facebook, nhóm này có nhiều
người giỏi, sống khắp thế giới, tôi có thể đặt câu hỏi, thậm chí nhờ các
friends dịch hộ cả một đoạn nữa. Cuối cùng là google, có thể tìm được mọi thứ,
chỉ cần có từ khóa chính xác là được.
Câu hỏi: Anh có thấy tiếng Việt của
mình trưởng thành, hoàn thiện thêm sau mỗi một tác phẩm được anh dịch xong hay
không?
Trả lời: Có chứ.
Trưởng thành thêm và tự tin hơn.
Câu hỏi: Ở trên anh nói tuyệt đối
không chọn dịch sách giải trí, mua vui. Nếu dịch sách loại này thì anh cũng sẽ
hoàn thiện thêm kỹ năng dịch và vốn tiếng Việt của mình ở khía cạnh ngôn ngữ giải
trí mua vui?
Trả lời: Tôi nghĩ chắc là như thế. Lúc đó mình sẽ phải đọc những loại
sách mà các bạn trẻ bây giờ thích đọc. Nhưng đối với một người ở tuổi như tôi
thì điều đó có lẽ còn khó hơn cả việc thâm nhập vào “thâm cung bí sử” của những
môn học khô khan như là kinh tế học. Đấy có thể không chỉ vì tuổi tác mà cả định
kiến nữa.
Câu hỏi: Gần đây có nhiều cuốn
sách dịch sau khi được xuất bản mới được phát hiện ra đấy là một bản dịch thất
bại. Theo một nghĩa nào đấy, bản dịch thất bại đã không chỉ làm mất cơ hội
đưa tác phẩm có giá trị đến với bạn đọc Việt Nam mà còn có thể gây tác hại đến
bạn đọc. Tạm bỏ qua vai trò quan trọng của biên tập viên, từ phía dịch giả, chú
có thẻ chia kinh nghiệm gì để hạn chế tối đa các lôi chủ quan của người dịch?
Trả lời: Đúng
thế. Có lần tôi đã viết đại khái: cuốn sách dở có hai cái hại. Một là, giấy in
sách được làm từ gỗ, mà muốn có gỗ thì phải đốn rừng. Thế là hại đến cái môi
sinh của Trời. Hai là, những người mua phải những cuốn sách như thế có
thể tưởng đấy là văn chương đích thực hay chán mà
không đọc sách nữa. Thế là hại đến cái tâm của Người.
Ở đây xin chỉ
nói đến lỗi chủ quan của người dịch có hiểu biết thôi nhé, chứ người dịch thiếu
hiểu biết thì không thể bàn được. Có lẽ cách tốt nhất là phải thật cẩn thận, nếu
thấy nghi ngờ thì phải tra từ điển ngay. Sau khi dịch xong nên dành thời gian đọc
lại một vài lần.
Kinh nghiệm của
tôi khi dịch những tác phẩm lớn là để hai bản (tiếng Nga và tiếng Anh) cạnh
nhau, nếu có files mềm thì chép từng đoạn ngay trên màn hình, đọc cả hai đoạn cùng
một lúc để chắc chắn là mình không hiểu sai. Nhưng đặt câu thì nương theo bản gốc.
Thế mà cũng có lúc còn sai đấy, trong một cuốn đã in tôi còn viết bình đẳng thành ra công bằng. Còn những tác phẩm thuộc lĩnh vực mình không hiểu lắm
thì phải có chuyên gia giúp, tôi gặp may vì có một vài người bạn trẻ rất nhiệt
tình.
Câu hỏi: Với các cuốn sách anh đã dịch xong, anh yêu thích cuốn nào nhất, và cuốn nào bắt anh suy tư nhiều nhất?
Trả lời: Thích nhất là cuốn The
Road to Serfdom (Đường về nô lệ).
Cứ như đây là cuốn sách do chính mình viết vậy. Tất nhiên là mình không viết được
một cách đầy đủ dù chì một chương của cuốn sách, nhưng từng câu từng chữ thì
như đã nằm sẵn trong đầu mình vậy. Dịch cứ vèo vèo, thích lắm.
Suy tư nhiều nhất là cuốn Influence
of Sea Power upon History -1660-1873 (Ảnh
hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử). Đây là cuốn sách rất dày,
hơn 660 trang. Tôi dịch trong một thời gian dài, có vài lần ngưng và đã định bỏ
cuộc. Số là thế này. Khoảng năm 2008 hay 2009 tôi có gặp mấy người kĩ sư Ba
Lan. Có lẽ họ thấy đường phố của chúng ta chật chội quá nên hỏi diện tích và
dân số nước ta. Sau khi nghe tôi trả lời thì họ bảo diện tích ngang với họ mà
dân số thì nước ta gấp đôi Ba Lan. Cũng trong thời gian đó tôi tìm thấy, có lẽ
là trên Vietnnamnet, cuốn sách này trong danh mục những tác phẩm gối đầu giường
của các tổng thống Mĩ. Sau khi download về và đọc hết chương I: Những thành tố của sức mạnh trên biển
thì tôi nghĩ ngay rằng đây là tác phẩm rất cần thiết bởi vì nước ta đất chật,
người đông, bờ biển dài nhưng kinh tế biển lại rất lạc hậu. Tôi bắt tay vào dịch
ngay. Nhưng cuốn sách này được xuất bản đã hơn một trăm năm, văn phong có khác
bây giờ, thuật ngữ chuyên môn cũng khá nhiều, rất khó, tác phẩm lại dài. Tôi đã
phải ngưng một hoặc hai lần để làm những cuốn dễ hơn. Đầu năm 2012 tôi có dịp
đi taxi từ Kuantan về Kualalampur của Malaysia. Người tài xế biết tiếng Anh,
anh ta hỏi Việt Nam có rừng không. Phải nói là rừng ở Malaysia tràn xuống tận lề
đường. Tôi trả lời là Việt Nam và Malaysia có diện tích bằng nhau, nhưng Việt
Nam có tới 84 triệu người còn Malaysia chỉ có 27 triệu người, cho nên Việt Nam
có ít rừng lắm. Anh tài xế này cũng tỏ ra ngạc nhiên chẳng khác gì mấy người Ba
Lan đã nói bên trên. Và đấy là thứ hai lần tôi như cảm thấy cái sự chật chội,
đông đúc, bức bối, ngay trên da thịt của mình. Sau khi ở Malaysia về, tôi quyết
tâm dịch nốt non nửa còn lại. Đây là cuốn sách mà tôi trăn trở nhất, tôi coi là
nhiệm vụ mà mình không thể thoái thác.
Quả là một sự kiên trì đáng để học hỏi. Tôi mà dịch cái gì dài là tôi nản ngay. Bài trả lời phỏng vấn rất thật tâm của những con người nặng lòng với tổ quốc. Nhưng nhiều khi tôi nghĩ, việc chúng ta xây so với việc họ phá chỉ là muối bỏ biển. Chắc chúng mình đang thua và sẽ thua thôi anh ạ. :(
ReplyDeleteTôi nghĩ là cái thiện cuối cùng nhất định sẽ thắng cái ác, anh Hồ Hải ạ. Cám ơn anh đã nhận xét.
DeleteChúng ta đang phải tiếp nhận sự phiến diện từ những "bóng tối của ý thức hệ". Cháu tin rằng dịch những tác phẩm "lõi" của thế giới là một cách tốt nhất để khai dân trí. Vì ánh sáng càng lan tỏa thì bóng tối càng bị đẩy lùi.
ReplyDeleteChúc chú chân cứng đá mềm,
cháu Tống Ngọc (Hà Nội)
Mình cũng nghĩ thế. Cám ơn.
Delete