December 8, 2012

Kinh nghiệm tự chủ của giáo dục Thụy Điển


Vài lời phi lộ: Bài Động cơ lợi nhuận trong nền giáo dục Thụy Điển của Peje Emilsson do mỗ dịch và gửi cho tạp chí Tia Sáng. Sau đây là bản rút gọn của Tiasang.com.vn, còn bên dưới là bản đầy đủ.


Với hệ thống phiếu thanh toán học phí trả tiền trực tiếp cho các trường theo số đầu học sinh thực tế, các trường học ở Thụy Điển đang được trao quyền tự chủ rất lớn, đồng thời cũng có nghĩa vụ phải luôn cải tiến để cạnh tranh lẫn nhau. 

Mô hình Trường tự chủ 

Những năm 1970, các trường công lập ở Thụy Điển đã trở thành công cụ của chính sách xã hội nhắm tới bình đẳng chứ không nhắm tới thành tích giáo dục. Chính sách một loại hình trường lớp cho mọi người đã tạo ra một hệ thống nguyên khối, trong đó tất cả học sinh đều được cho là có nhu cầu như nhau và được dạy theo cùng một cách. Ngoại trừ một vài trường tư thục, dành cho con em những gia đình có thể trả học phí cao, hầu như tất cả các trường đều là trường công lập. Mặc dù, nhà nước phúc lợi với những khoản thuế khóa cao hứa sẽ cung cấp một nền giáo dục tốt cho tất cả mọi người, trên thực tế, kết quả hoàn toàn ngược lại. Con em các gia đình không có truyền thống học tập – tức là con em công nhân hay trung lưu bậc thấp – có kết quả học tập kém nhất. Theo tất cả các thước đo kết quả giáo dục quốc tế, Thụy Điển đều đi xuống. Cuộc tranh luận chính trị rộng rãi hồi cuối những năm 1980 về nhu cầu cải cách giáo dục, trong đó có tự do lựa chọn trường lớp, đưa ra thông điệp rất rõ ràng: để cho phụ huynh giữ số tiền mà ngân sách địa phương dành cho việc học tập của con em họ, và để họ tự tổ chức hoạt động nhà trường một cách hiệu quả hơn. Ý tưởng phiếu thanh toán học phí (school voucher) được chính thức hóa từ năm 1992, dẫn đến sự ra đời của các trường tự chủ nhưng vẫn dùng tiền ngân sách của Nhà nước.


Phiếu này được địa phương thanh toán trực tiếp cho nhà trường, hoàn toàn dựa trên số học sinh đang theo học, giá trị của phiếu thay đổi theo mức chi phí sinh hoạt ở từng địa phương. Các trường tự chủ có thể hoạt động vì mục đích lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận nhưng “phiếu thanh toán” là nguồn đầu tư duy nhất của họ, ngoài ra họ không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào của học sinh, và không được quyền yêu cầu thêm chi phí từ chính phủ mà phải “tái phân phối” chi phí được cấp cho phù hợp với lựa chọn của học sinh và phụ huynh. Các trường tự chủ cũng không được phép sàng lọc đầu vào mà phải tiếp nhận mọi học sinh theo nguyên tắc ai đến trước được nhận trước. 

Về cách thức tổ chức hoạt động, ngoài một số nội dung chương trình giảng dạy căn bản do Nhà nước quy định, các trường tự chủ được toàn quyền quyết định việc tổ chức chương trình và phương pháp giảng dạy. Nhà nước chỉ kiểm soát kết quả và chất lượng đầu ra của học sinh các trường. Như vậy, với nguồn thu không lớn hơn so với các trường công lập được bao cấp, trong khi vẫn bị kiểm soát về chất lượng sản phẩm đầu ra, các trường tự chủ chỉ có thể đứng vững nếu chất lượng đào tạo tương đương hoặc cao hơn so với các trường công lập được bao cấp.

Mô hình trường tri thức

Mô hình trường tri thức (Kunskapsskolan) là một đề xuất đổi mới giáo dục từ khu vực tư nhân với những nhà đầu tư quan niệm giáo dục có tiềm lực kinh tế mạnh. Từ ý tưởng hình thành cho đến cách thức tổ chức, công nghệ, phương pháp giảng dạy của những trường này đều hướng đến việc cá nhân hóa giáo dục, lấy học sinh (được tôn trọng như những cá nhân độc đáo, riêng biệt, có tiềm năng lớn) làm trung tâm của giáo dục. Tất cả các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn đều được hoạch định độc lập cho từng cá nhân học sinh, và được thường xuyên theo dõi, điều chỉnh nếu cần thiết. Các trường trong hệ thống hoạt động tương tác nhằm thường xuyên trao đổi phương pháp giảng dạy, để liên tục đổi mới, tạo ra một cách giảng dạy tốt, phù hợp và hiện đại nhất. Học sinh là người được hưởng lợi nhất từ những hoạt động hợp tác tích cực và mang tính chủ động của hệ thống này.

Nguồn đầu tư cho việc thành lập và duy trì hoạt động của trường đều từ các cá nhân. Theo số liệu của Peje Emilson (thành viên sáng lập mô hình), các nhà đầu tư đã bỏ khoảng 125 triệu SEK (khoảng 11 triệu bảng Anh) để xây dựng và phát triển hệ thống trường tri thức. Hoạt động với tư cách doanh nghiệp kinh doanh, nên hệ thống trường này chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động của thị trường. Trường học thành công hay thất bại phụ thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn của khách hàng – học sinh và phụ huynh. 

Kết quả từ những mô hình mới

Trước năm 1991, chỉ có 1% số học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 16 học trường dân lập, đến nay, con số này là 11%. Còn số học sinh từ 16 đến 18 tuổi theo học trường dân lập đã tăng từ 1% lên 23 %  vào năm 2011. 

Xét về kết quả học tập thì học sinh trường tự chủ có điểm trung bình điểm thi các môn chính trong kì thi quốc gia luôn cao hơn các trường công lập. Đầu năm 2011, điểm trung bình của học sinh lớp 9, cả trường công lập và trường tự chủ là 211 (trên thang điểm tối đa là 320), nhưng riêng điểm của học sinh trường tự chủ là 229. 


Hệ thống trường tự chủ cũng nhận được phản hồi tích cực qua các cuộc điều tra khảo sát. Đa số các phụ huynh, học sinh, và cả những người trực tiếp giảng dạy khẳng định họ thấy mãn nguyện hơn với các trường tự chủ. Điều đặc biệt đáng ghi nhận là ở tác động tích cực (ngoài dự tính) với mô hình cũ: các trường công lập buộc phải hoạt động tốt hơn do phải cạnh tranh với những thành tích và ưu thế ngày một rõ rệt của các trường tự chủ.

Hiện nay, hơn 60% các trường được tự chủ hoạt động như các công ty trách nhiệm hữu hạn sinh lợi.

Đối với hệ thống trường tri thức, sau một thời gian hoạt động, các trường này đã giành được vị thế đáng kể trong hệ thống giáo dục toàn quốc. Hệ thống này bắt đầu từ năm 2000 với con số là 5 trường phổ thông trung học, nhưng đến năm 2011 đã phát triển thành 33 trường. Theo số lượng được Peje Emilson, hệ thống trường này hiện có 10.000 học sinh và 800 nhân viên. Về kết quả học tập, đầu năm 2011, học sinh của trường thi tốt nghiệp lớp 9 với số điểm trung bình là 237, so với điểm trung bình của toàn quốc là 211, và của học sinh các trường tự chủ là 229. 15 trong số 21 trường được xếp hạng trường tốt nhất ở các địa phương về kết quả tốt nghiệp học sinh lớp 9. 

Có một loạt tác nhân đằng sau thành công của mô hình trường tự chủ nói chung và mô hình trường tri thức nói riêng. Thứ nhất, mô hình phiếu thanh toán học phí đem lại cho phụ huynh các phương án để họ lựa chọn và khuyến khích các nhà trường phải cạnh tranh.

Ngoài ra còn có một đặc điểm quan trọng nữa, đó là động cơ thị trường. Nếu trường tự chủ có số học sinh theo học đông thì họ sẽ có lời và chỉ có chất lượng cao mới làm cho số người đăng kí học gia tăng mà thôi. Các trường tự chủ chỉ có thể bền vững và có lời nếu họ cung cấp được chất lượng cao hơn so với các trường công lập hiện có. Tổ chức nguồn lực một cách hợp lí, tỉ lệ giáo viên-học sinh và những tác nhân đầu vào khác có thể ảnh hưởng đến chi phí; nhưng trong dài hạn, nếu những tác nhân đó không tạo được sự hấp dẫn và không giúp nâng cao chất lượng học tập thì chúng cũng không thể nào tạo được những ngôi trường có lời. 

Nếu không có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận – và đền bù cho những người sở hữu và người đầu tư vì những rủi ro thông qua cổ tức trả cho các cổ đông – đã không có các trường tự chủ có thành tích tốt hơn là những trường công lập. Không có quyền trở thành công ty có lợi nhuận, hệ thống các trường tri thức không thể phát triển được. 
Bản dịch đầy đủ

Peje Emilsson

Động cơ lợi nhuận trong nền giáo dục Thụy Điển

Phạm Nguyên Trường dịch

Lần đầu tiên tôi trình cho ban giám đốc Quỹ tự do kinh doanh Thụy Điển (Swedish Free Enterprise Foundation) kế hoạch thành lập trường học sinh lời là vào tháng 10 năm 1999 – tám năm sau khi phiếu thanh toán học phí (school voucher) được áp dụng ở Thụy Điển. Là thành viên của ban giám đốc, tôi khẳng định rằng đây là lúc khởi động một loạt hệ thống trường học sinh lời và đặt cho nó cái tên có tính hấp dẫn là Kunskapsskolan (nghĩa là trường Tri Thức). Nhưng một người trong ban giám đốc, một nhà kinh tế học nổi tiếng, người sau này trở thành đại biểu quốc hội, đã phản ứng ngay tức thì. “Nhưng anh Peje ạ, không thể dạy học kiếm lời được – giáo dục không thể như thế được”, bà nói. Ngay cả đề xuất cho rằng bạn có quyền kiếm lời trong khi quản lí nhà trường do nhà nước tài trợ - hệt như nhà thầu kiếm lời khi được giao xây dựng ngôi trường công lập vậy – lại bị coi là sự kiện lạ lùng.

Nhưng với giáo dục, tại sao động cơ lợi nhuận lại có nghĩa xấu, trong khi các sự kiện lại nói với chúng ta câu chuyện hoàn toàn khác? Công trình nghiên cứu của Giáo sư James Tooley cho thấy các trường tư thục và sinh lợi đã đạt được những kết quả tốt đẹp hơn rất nhiều so với các trường công lập trong việc giáo dục các trẻ em nghèo trong Thế giới thứ III. Còn công trình nghiên cứu của trường đại học Harvard (Harvard University) trong năm 2009 (do hai Giáo sư Paul E. Peterson và Matthew M. Chingos thực hiện) về thành tựu trong học tập tại các trường với mục đích kiếm lời và các trường phi lợi nhuận ở Mĩ, cho thấy các trường có mục đích kiếm lời có thành tích tốt hơn hẳn các trường phi lợi nhuận. Kinh nghiệm của Thụy Điển chắc chắn sẽ cung cấp thêm những bằng chứng thuyết phục về vấn đề này và tôi tin rằng “sự hiểu biết được mọi người thừa nhận” cho rằng không thể lẫn lộn động cơ lợi ích và giáo dục càng ngày càng chứng tỏ là thiếu căn cứ.

Một hệ thống nguyên khối phù hợp cho tất cả

Trong những năm 1970, các trường công lập ở Thụy Điển đã trở thành công cụ của chính sách xã hội nhắm tới bình đẳng chứ không phải là nhắm tới thành tích trong giáo dục. Chính sách một loại hình trường lớp phù hợp cho tất cả mọi người đã tạo ra một hệ thống nguyên khối, trong đó tất cả học sinh đều được cho là có những nhu cầu như nhau và được dạy theo cùng một cách. Ngoại trừ một vài trường tư thục, dành cho con em những gia đình có thể trả học phí cao, hầu như tất cả các trường đều là trường công lập. Mặc dù nhà nước phúc lợi với những khoản thuế khóa cao hứa sẽ cung cấp một nền giáo dục tốt cho tất cả mọi người, trên thực tế, kết quả hoàn toàn ngược lại. Con em các gia đình không có truyền thống học tập – tức là con em công nhân hay trung lưu bậc thấp – có kết quả học tập kém nhất. Theo tất cả các thước đo kết quả giáo dục quốc tế, Thụy Điển đều đi xuống. Cuộc tranh luận chính trị rộng rãi hồi cuối những năm 1980 về nhu cầu cải cách giáo dục, trong đó có tự do lựa chọn trường lớp, có phần đóng góp của cuộc đấu tranh của phụ huynh đòi giữ lại những ngôi trường trong các làng mạc ở vùng thôn quê. Họ đưa ra thông điệp rất rõ ràng: để cho phụ huynh giữ số tiền mà ngân sách địa phương dành cho việc học tập của con em họ, không nhiều hơn cũng không ít hơn, và để họ tự tổ chức hoạt động nhà trường một cách hiệu quả hơn, tương ứng với chi phí hơn. Ý tưởng về phiếu thanh toán học phí (school voucher) được chính thức hóa từ đấy.

Một trong những thành phần quan trọng của chương trình nghị sự của chính phủ trung hữu đối với cải cách giáo dục trong năm 1991 là áp dụng hệ thống phiếu thanh toán học phí. Tư tưởng đơn giản đằng sau cuộc cải cách này là khuyến khích việc dạy tốt và cải thiện tòan diện kết quả bằng cách tạo điều kiện cho tính đa nguyên và cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục. Theo kinh nghiệm của những cuộc cải cách giáo dục hồi những năm 1970, chính phủ còn muốn có sự đổi mới và phát triển phương pháp luận trong nhà trường mà không cần thử nghiệm với cả một thế hệ trong các trường công lập. Điều đó cho phép phụ huynh và học sinh quyền lựa chọn trường học, tức là chọn trường tạo điều kiện cho người học thể hiện hết năng lực của mình, không phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Khởi kì thủy, Đảng dân chủ-xã hội đã phản đối những cuộc cải cách mới này, nhưng khi trở lại nắm quyền vào năm 1994, họ không những đã chấp nhận hệ thống phiếu thanh toán học phí mà còn tăng khoản trợ cấp từ 85% chi phí trung bình cho học sinh trong các trường công lập lên thành 100%. Hiện nay hệ thống phiếu thanh toán học phí và thị trường trường học có lãi đã được chấp nhận.

Hệ thống phiếu thanh toán học phí của Thụy Điển

Hệ thống phiếu thanh toán học phí của Thụy Điển gồm năm thành phần căn bản:
• Những trường nhận tài trợ của nhà nước phải tuân thủ một chương trình giảng dạy căn bản. Vụ thanh tra giáo dục quốc gia theo dõi việc thực hiện và đánh giá kết quả.
• Những trường được quyền tự chủ được nhà nước trợ cấp cho từng học sinh – qua phiếu thanh toán cho mỗi học sinh học ở những trường đó. Vụ thanh tra giáo dục quốc gia là cơ quan duy nhất có quyền quyết định trường nào được tự chủ. Chính quyền địa phương có thể phản đối – và họ thường làm như thế - nhưng họ không có quyền phủ quyết.
• Phiếu thanh toán học phí do chính quyền địa phương trả, giá trị thay đổi theo từng địa phương, tùy thuộc vào chi phí tại khu vực đó. Cơ quan lập pháp địa phương buộc chính quyền địa phương trả cho trường có quyền tự chủ số tiền tương đương với chi phí trung bình cho một học sinh trong trường công lập thuộc khu vực đó. Điều đó có nghĩa là các trường có quyền tự chủ không đòi chính phủ chi thêm cho mỗi học sinh – họ chỉ tái phân phối những khoản chi đó cho phù hợp với sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh mà thôi. Chúng tôi gọi đấy là “phiếu thanh toán”, nhưng thực ra, các trường tự chủ gửi hóa đơn – trên cơ sở sĩ số - thẳng tới các cấp chính quyền.
• Các trường có quyền tự chủ không được phép thu thêm học phí. Kết quả là họ không được chọn học sinh, họ phải nhận theo nguyên tắc “ai đến trước nhận trước”.
• Trong khuôn khổ của chương trình giảng dạy, các trường có quyền tự chủ được quyền tự do tổ chức chương trình, thời khóa biểu và phương pháp sư phạm. Chương trình cải cách học đường được thực hiện bằng cách giảm bớt các quy định của nhà nước; tức là chuyển từ hệ thống, trong đó nhà nước kiểm soát từ đầu vào cho đến sĩ số lớp học sang hệ thống, trong đó nhà nước chỉ kiểm soát kết quả và đầu ra, nhà trường có quyền tự do hơn về đầu vào và phương pháp giáo dục.

Các trường tự chủ đã chuyển từ những ngoại lệ hiếm hoi thành thành phần quan trọng trong hệ thống giáo dục của Thụy Điển. Trước cuộc cải cách năm 1991, chưa đến 1% trẻ em từ 6 đến 16 đi học trong các trường dân lập. Hiện nay con số này đã tăng tới 11%. Trong trường trung học phổ thông – tuổi từ 16 đến 18 – xu hướng này còn rõ ràng hơn: tăng từ 1% vào năm 1991 lên 23% vào năm 2011. Trong một số khu vực (khu Stockholm mở rộng) gần một nửa học sinh theo học tại các trường có quyền tự chủ. Nói chung, ở Thụy Điển, cứ năm trường thì có một trường tự chủ và gần một nửa trong số đó có cách tiếp cận về mặt sư phạm khác với các trường công lập. Hơn 60% các trường được tự chủ hoạt động như các công ty trách nhiệm hữu hạn sinh lợi. Khía cạnh quan trong nhất của cải cách về phiếu thanh toán học phí và thị trường giáo dục mới là học sinh các trường có quyền tự chủ có kết quả học tập tốt hơn học sinh các trường công lập. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá được gọi là “điểm trung bình”. Đấy là điểm trung bình tất cả các môn của học sinh. Điểm cao nhất đối với lớp cuối cùng thuộc hệ giáo dục phổ cập là 320 điểm, tức là điểm cao nhất trong tất cả các môn học. Mùa xuân năm 2011, điểm trung bình của tất cả các học sinh lớp chín, lớp cuối cùng của hệ phổ cập giáo dục – cả công lập lẫn trường tự chủ - là 211. Nếu chỉ tính riêng trường tự chủ thì điểm trung bình là 229. Một tiêu chí đánh giá nữa, là kì thi quốc gia các môn chính, được tiến hành trong tất cả các trường và được hiệu chỉnh theo tiêu chuẩn quốc gia. Ở đây, học sinh các trường tự chủ cũng có kết quả tốt hơn. Trường trung học phổ thông cũng có kết quả tương tự. Và xin nhớ: các trường tự chủ, tất cả các cấp, đều không có quyền lựa chọn học sinh. Kết quả nhiều cuộc khảo sát đều cho thấy cả giáo viên lẫn phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hài lòng hơn với các trường được tự chủ. Các công đoàn giáo viên ở Thụy Điển hiện cũng đã chấp nhận cải cách học đường, vì nó cung cấp cho các thành viên của họ nhiều cơ hội việc làm hơn.

Đồng thời, cạnh tranh còn giúp cả các trường công lập nữa. Những công trình nghiên cứu kết quả học tập tại các địa phương, nơi có các trường tự chủ, cho thấy các trường công lập tại những thành phố đó hoạt động hiệu quả hơn và thành công hơn so với chỉ số trung bình trên toàn quốc. Đơn giản là vì họ phải cải tiến nhằm cạnh tranh với các trường tự chủ. Nếu không họ sẽ mất học sinh và mất khoản tài trợ của nhà nước cho từng học sinh.

Đương nhiên là không phải trường tự chủ nào cũng đều tốt cả. Ngay cả nếu tự do có nghĩa là phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng rời bỏ những trường chất lượng thấp thì chính phủ cũng phải thường xuyên cải tiến thanh tra và kiểm soát (cả trường tự chủ lẫn trường công lập). Cũng như đối với tất cả các thị trường được tách ra khỏi chế độ độc quyền trước đây, ở đây cũng cần phải theo dõi sát sao.

Tóm lại, kết quả mười tám năm kinh nghiệm với phiếu thanh toán học tập và thị trường giáo dục cạnh tranh cho thấy rằng các trường tự chủ đã tạo ra giá trị cao hơn cho số tiền mà người đóng thuế chi cho lĩnh vực giáo dục. Điều này đúng không những đối với khả năng của trường – tính trung bình, các trường này có chất lượng và kết quả cao hơn – mà nó còn là chất xúc tác cho việc cải thiện các trường công lập nữa. Cạnh tranh đã có tác dụng.

Trường Tri Thức – phương án lựa chọn hiện đại

Hệ thống trường Tri Thức bắt đầu với 5 trường vào năm 2000, nhưng đến năm 2011 đã phát triển thành 33 trường phổ thông trung học. Với 10.00 học sinh và 800 nhân viên, chúng tôi hiện là một trong năm công ty học đường lớn nhất Thụy Điển. Khi bắt đầu xây dựng trường Tri Thức, chúng tôi có tham vọng là xây dựng phương án lựa chọn hiện đại thay thế cho kiểu trường học-nhà máy phù-hợp-cho-mọi-người như thường thấy. Trường học hiện nay đào tạo học sinh cho thị trường lao động và cuộc sống khác hẳn với những điều mà nhà trường được thiết kế vào cuối thế kỉ XIX đào tạo. Tổ chức tốt hơn, công nghệ hiện đại và sự phát triển liên tục các phương pháp giảng dạy cung cấp những cơ hội mới cho việc cá nhân hóa quá trình giáo dục. Đấy là ý tưởng của chúng tôi. Ý tưởng dựa trên niềm tin rằng nếu được coi là những cá nhân độc đáo, có một không hai, thì đứa trẻ nào cũng có thể vươn lên, vượt xa giới hạn mà chúng ta nghĩ là khả dĩ đối với nó.

Khi một đứa trẻ 12 tuổi bước vào một trong những trường của chúng tôi, chúng tôi đầu tư thời gian và nguồn lực để giúp làm cho chương trình giảng dạy và môi trường học tập phù hợp với nhu cầu và tham vọng cá nhân của nó. Mỗi học sinh đều có một thày kèm cặp riêng; cùng với các giáo viên và cha mẹ học sinh, họ sẽ đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Sau đó sẽ xác định chiến lược nhằm đạt được mục tiêu, kết quả sẽ được đánh giá và mục tiêu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Kết quả thu được là một hệ thống, trong đó không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau và không có đứa trẻ nào bị kéo lùi trở lại. Làm việc hướng tới mục tiêu, thiết kế chiến lược và đánh giá kết quả là những biện pháp song hành với nó. Đây chính là nền tảng của quá trình học tập suốt đời và cuộc sống hiện đại. Nhờ hợp tác chặt chẽ với công đoàn giáo viên, chúng tôi sắp xếp để tổ chức đó cùng với chúng tôi soạn thảo chương trình dạy học. Kết quả là, so với giáo viên các trường bình thường, giáo viên các trường Tri Thức có thêm đến hơn 50% thời gian để tập trung giảng dạy và kèm cặp học sinh. Nhờ có hệ thống trợ giúp bao quát như thế mà giáo viên của chúng tôi mất ít thời gian soạn bài hơn, có nhiều thời gian giành cho học sinh hơn. Đây là phương pháp làm việc chung cho tất cả các trường của chúng tôi, nó cung cấp cho chúng tôi một phương tiện tuyệt vời để chúng tôi có thể thường xuyên phát triển và cải tiến. Chúng tôi thường xuyên tạo điều kiện cho các trường trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm ra những biện pháp làm việc hiệu quả nhất. Trong tất cả các lĩnh vực, học sinh đều được lợi nhờ những thành tựu học tập của cả tập đoàn chứ không chỉ từ chính ngôi trường của mình.

Nhưng mỗi ngôi trường của chúng tôi đều có thể được coi là một công ty riêng biệt, dù chỉ là một công ty nhỏ. Nhiệm vụ duy nhất của hiệu trưởng nhà trường là cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao, phù hợp với mục đích của nhà trường và của công ty nói chung. Hạn chế duy nhất là chúng tôi không thể sự dụng quá 95% thu nhập từ phiếu thanh toán học phí. Nhằm giúp các hiệu trưởng, trường Tri Thức còn có một văn phòng chuyên làm những công việc phụ trợ như quản trị, marketing, quản lí nguồn nhân lực và tài chính.

Trường Tri Thức làm ăn ra sao? Đối với các trường phổ cập, mùa xuân năm 2011, học sinh của chúng tôi thi tốt nghiệp lớp 9 với điểm số trung bình là 237 (điểm tối đa là 320), trong khi điểm số trung bình trong toàn quốc là 211, còn trong các trường được tự chủ là 229. 15 trong số 21 trường thuộc hệ giáo dục phổ cập của chúng tôi có học sinh thi tốt nghiệp lớp 9 vào mùa xuân năm 2010 nằm trong số những trường tốt nhất trong thành phố hay khu vực của họ. 9 trong số 21 trường nằm trong nhóm 3 trường tốt nhất khu vực.

Có một loạt tác nhân đằng sau thành công của mô hình Thụy Điển nói chung và mô hình trường Tri Thức nói riêng. Thứ nhất, việc lựa chọn trường học và mô hình phiếu thanh toán học phí của Thụy Điển cung cấp cho phụ huynh các phương án để họ lựa chọn và khuyến khích nhà trường cải tiến. Nó làm cho xã hội Thụy Điển thoát khỏi tình trạng có những hệ thống trường học tách biệt nhau, với những trường công lập chỉ có ít sự lựa chọn và hệ thống trường tư chỉ dành cho những người có khả năng chi trả. Nhưng ngoài sự đa dạng và những phương án lựa chọn, mô hình Thụy Điển còn có một đặc điểm quan trọng nữa – khác với phần lớn những hệ thống tạo ra sự đa dạng trong giáo dục – đấy là động cơ thị trường. Trường học thành công hay thất bại bây giờ phụ thuộc vào sự lựa chọn của khách hàng – học sinh và phụ huynh – chứ không phải các chính khách và các công chức nữa.

Tác nhân thứ hai là hệ thống của Thụy Điển tập trung vào kết quả và thành tích chứ không phải tập trung vào việc pháp nhân đó là phi lợi nhuận hay kiếm lời. Việc trợ cấp cho các trường tự chủ, như đã nói bên trên, được thực hiện trên cơ sở chi phí trung bình cho một học sinh trong trường công lập tại địa phương và sĩ số của trường đó. Nếu trường tự chủ có số học sinh theo học đông hơn số “chỗ” trong các trường quốc lập trung bình thì họ sẽ có lời. Chỉ có chất lượng cao mới làm cho số người đăng kí học gia tăng mà thôi. Các trường tự chủ chỉ có thể bền vững và có lời nếu họ cung cáp được chất lượng cao hơn so với các trường công lập hiện có. Tổ chức nguồn lực một cách hợp lí hơn, công tác quản trị hữu hiệu hơn, tỉ lệ giáo viên-học sinh và những tác nhân đầu vào khác có thể ảnh hưởng đến chi phí; nhưng trong dài hạn, nếu những tác nhân đó không tạo được sự hấp dẫn và không giúp nâng cao chất lượng học tập thì chúng cũng không thể nào tạo được những ngôi trường có lời. Tôi tin rằng không có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận – và đền bù cho những người sở hữu và người đầu tư vì những rủi ro thông qua cổ tức trả cho các cổ đông – chúng tôi đã không có các trường tự chủ có thành tích tốt hơn là những trường độc quyền của nhà nước và đặt ra những tiêu chuẩn dài hạn cho công tác giáo dục đã được cải cách.

Không có quyền trở thành công ty có lợi nhuận, hệ thống các trường Trí Thức không thể phát triển được. Các chủ sở hữu tư nhân đã đầu tư khoảng 125 triệu SEK (khoảng 11 triệu bảng Anh) cho việc phát triển công ty và trước năm 2010, 9 trong số các hoạt động của công ty đã có lợi gộp lớn hơn phí tổn gộp. Nếu không có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, liệu có ai chịu những gánh nặng tài chính như thế hay không?

Khởi động một ngôi trường đòi hỏi cả vốn liếng lẫn tài năng. Cần phải có cơ sở vật chất và thuê nhân viên trước khi học sinh tới học. Chúng tôi không có những tòa nhà để làm trường học, nhưng chúng tôi phải tuân thủ những tiêu chuẩn thiết kế và nội thất. Thí dụ, chúng tôi không có những lớp học truyền thống: chúng tôi tạo ra những phòng làm việc lớn nhỏ khác nhau, với những bức tường bằng kính và có nhiều chỗ trống với những bàn làm việc dành cho cá nhân.Có nghĩa là chúng tôi phải tìm những nhà cửa mà người chủ sẵn sàng đầu tư lớn để có thể cải tạo cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của chúng tôi. Đổi lại, chúng tôi phải kí hợp đồng thuê 15 năm – mà không biết là có đủ học sinh để có thể bù đắp những chi phí cố định hay không. Đây là rủi ro kinh tế lớn đối với nhà trường và các chủ sở hữu. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì chúng tôi tin vào những đóng góp có một không hai mà mình đang tạo ra cho ngành giáo dục.

Nhưng, thế thì tạo sao chúng tôi lại không được phép thu lời thông qua việc cung cấp cho học sinh một nền giáo dục chất lượng cao? Và nếu khách hàng của chúng tôi hài lòng và chúng tôi đáp ứng được, hay đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của ngành giáo dục, thì tại sao giá trị thăng dư lại không được chia theo ý những người sở hữu để bù đắp cho khoản đầu tư ban đầu và rủi ro mà họ phải gánh chịu? “Vì tiền tài trợ là của người đóng thuế”, là câu trả lời của những người ngây thơ tin rằng chúng ta có thể đổi mới thông qua doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mà không cần doanh nhân.

Nhưng tiền của người đóng thuế đã được sử dụng một cách rộng rãi trong lĩnh vực quốc doanh, để thanh toán cho những sản phẩm và dịch vụ mà người cung cấp được hưởng lợi nhuận rồi. Xin lấy một vài ví dụ: Sản phẩm quốc phòng, xe buýt và tàu hỏa trong lĩnh vực vận tải công cộng, thuốc chữa bệnh và cà phê cho nhân viên kho bạc địa phương – tất cả các sản phẩm này đều do những công ty tư nhân sinh lợi cung cấp và được nhà nước trả tiền trong một hệ thống mà mọi người đều coi là đương nhiên. Và, một lần nữa, có gì khác nhau giữ việc dùng tiền của người đóng thuế để trả cho những công ty tư nhân xây dựng trường sở hay in sách giáo khoa với việc dùng tiền của người đóng thuế từ ngân sách chính phủ để trả cho những người tổ chức và dạy học?

Mô hình Thụy Điển

Là một doanh nhân, nhưng tôi còn là phụ huynh, một công dân và người đóng thuế nữa. Là phụ huynh, tôi muốn được quyết định kiểu giáo dục nào sẽ đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của các con tôi, vì tôi hiểu chúng rõ hơn bất kì người nào khác. Tôi muốn có những sự lựa chọn khác nhau. Là một công dân, tôi muốn tất cả trẻ con – không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình – được có một nền giáo dục tốt nhất có thể, tức là một nền giáo dục phù hợp với nhu cầu của chúng. Tôi muốn hệ thống giáo dục hoạt động như thế nào đó để cách tân và cải tiến là những điều kiện tự nhiên của nó. Là người đóng thuế, tôi muốn những đồng tiền mà tôi trả cho các dịch vụ của chính phủ có giá trị cao. Giá trị của đồng tiền trong lĩnh vực giáo dục được xác định bằng kiến thức và kĩ năng mà học sinh học được nhằm xây dựng cho họ một đời sống tốt đẹp và có đóng góp cho xã hội. Nếu một số trường có lợi nhuận nhờ làm tốt hơn những trường không thu được lợi nhuận thì tôi muốn rằng tiền thuế của tôi được sử dụng trong những hoạt động cùng thắng (win-win), nghĩa là cả người học và xã hội đều được lợi.Tôi tin chắc rằng không chỉ hệ thống trường Tri Thức có thể được xuất khẩu mà toàn bộ hệ thống phiếu thanh toán học phí của Thụy Điển cũng có thể được xuất khẩu nữa.

Giữa thế kỉ XX, thuật ngữ “mô hình Thụy Điển” liên quan tới quan hệ đối tác công-tư trong thị trường lao động, một mối quan hệ góp phần bảo đảm sự phát triển kinh tế, thịnh vượng của khu vực tư nhân và lợi ích xã hội. Hiện nay, tôi có thể nói rằng chúng tôi đang phát triển một “mô hình Thụy Điển mới”. Đấy cũng là quan hệ đối tác công-tư, nhưng nó lại liên quan tới cách thức phân phối lợi ích xã hội. Các khoản tài trợ của chính phủ bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi người trong việc nhận những dịch vụ như chăm sóc y tế và giáo dục. Đồng thời, việc sẵn sàng cho phép lĩnh vực công và tư cạnh tranh với nhau trong việc cung cấp những dịch vụ này tạo điều kiện cho người dân lựa chọn và bảo đảm cá tính hóa trong phương pháp phục vụ. Ở Thụy Điển, mô hình “quyền lựa chọn của khách hàng” hay “phiếu thanh toán” đã lan sang lĩnh vực ý tế, chăm sóc trẻ em/nhà mẫu giáo và chăm sóc người già, với sự đồng thuận chính trị rộng rãi.

Trong lĩnh vực giáo dục, còn nhiều nhu cầu và không gian cho những tay chơi khác nhau, trong đó có các công ty giáo dục tìm kiếm lợi nhuận. Mục tiêu là tạo ra những điều kiện tiên quyết vững chắc cho công cuộc canh tân và những quan niệm giáo dục mang lại nhiều thành công hơn. Để đạt được điều đó, chúng ta cần chào đón tất cả mọi nhân tố. “Mô hình Thụy Điển mới” với các trường tự chủ có thể trở thành người dẫn đường.

Peje Emilsson là một chính khách, doanh nhân và cố vấn trong lĩnh vực thông tin truyền thông chiến lược. Năm 1999 ông thành lập hệ thống trường Tri thức và hiện là giám đốc điều hành và cũng là người nắm nhiều cổ phiếu của công ty này. Ông còn là người sáng lập, là giám đốc điều hành và là người nắm nhiều cổ phiếu nhất của Kreab Gavin Anderson Worldwide, công ty tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và truyền thông, phục vụ các đối tác trên toàn thế giới. Peje Emilsson từng giữ chức trưởng phòng thương mại quốc tế ở Paris từ năm 1973 đến năm 1981 và hiện là chủ tịch phòng thương mại Stockholm.




8 comments:

  1. Đọc những bài viết, và dịch , về thời sự thế giới của anh rất thích

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  3. Xin cám ơn các bạn đã đọc. Nhưng mình không có thì giờ dịch phụ đề phim.

    ReplyDelete
  4. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  5. để phụ huynh và học sinh tự do lựa chọn, các trường tư cạnh tranh với nhau, trường công cũng phải "gồng mình" lên tham gia cuộc đua, nhà nước chỉ kiểm soát đầu ra và chất lượng sinh viên,

    hay, thanks bác Trường,

    Sơn xin được share via journeyinlife bác nhé,

    ReplyDelete
    Replies
    1. Son T. Phạm: Ở Thụy Điển không có trường tư, chỉ có trường do nhà nước chỉ đạo hoàn toàn và trường gọi là "tự chủ", nhà nước phát tiền theo sĩ số, ông hiệu trưởng nào kinh doanh giỏi thì có lời. Trong cuộc hội thảo dành cho SV tổ chức hè vừa rồi, các bạn tuy chưa đọc bài báo này nhưng cũng đã đề xuất 3 loại trường cho VN: Trường công lập, trường tự chủ (tương tư như mô hình Thụy Điển) và trường tư. Mình nghĩ như thế là sang tạo.

      Delete