August 20, 2012

Artem Kretretnikov ( BBC tiếng Nga) - Một bản án chia rẽ nước Nga



Phạm Nguyên Trường dịch

Gần 6 giờ chiều ngày 17 tháng 8 tòa án quận Khamovnik thành phố Moskva tuyên án ban nhạc Pussy Riot. Mỗi cô gái bị hai năm tù giam.

Nhiều người quan sát cho rằng người ta cố tình tuyên đọc bản án vào chiều thứ sáu, khi người dân đã đi nghỉ cuối tuần. Nhưng đấy là những tính toán sai lầm: những người quan tâm sẽ không bỏ qua sự kiện như thế.

Hai năm dĩ nhiên không phải là bảy, như người ta nói ban đầu, cũng không phải là ba, theo cáo trạng.

“Tôi không nghĩ là phải kết án nặng họ” – ông V. Putin đã tuyên bố như thế vào ngày 2 tháng 8. Các nhà phân tích được đài BBC-tiếng Nga phỏng vấn cho rằng khó có chuyện trắng án, nhưng mọi người hầu như đếu nhất trí dự đoán một bản án “treo”.

Ngày 17 tháng 8, người ta thấy rõ rằng tổng thống hiểu thế nào là bản án nhẹ.

Mới đây, nhà chính trị học Olga Kryshtanovskaia nói đại ý rằng cứ sau mỗi bước theo hướng bảo thủ Putin lại có một bước theo hướng tự do, chỉ có điều phe đối lập không chịu nhìn nhận mà thôi. Nhưng theo ý kiến của nhiều người thì đã đến lúc thực hiện một bước theo hướng tư do để lấy lại cân bằng. Chưa ai nhìn thấy bước đi như thế.

Đối đầu hay thỏa hiệp?


Trước khi bản án được tuyên, đa số các chuyên gia đều nói rằng sau khi được bầu lại, V. Putin đã ngả sang phía cứng rắn và không công nhận bất kì ngôn ngữ thảo luận nào khác với những người bất đồng ngoài bạo lực, đàn áp, dùi cui và tòa hình sự.

Trong tình hình hiện nay, nói về chiến thuật của Putin và đội ngũ của ông ta, có hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau.

Một số người cho rằng cái chính là không được mềm yếu, họ thường nhắc đến năm 1917 và theo họ thì Nikolai II quá yếu. Tai họa đã không xảy ra nếu kịp chặt một vài cái đầu, họ nói như thế.

Một số người lại nhìn nhận năm 1917 là do Sa hoàng đã không tiến hành những cuộc cải cách đã chín muồi từ lâu, không dựa vào các doanh nhân và trí thức mà lại dựa vào tầng lớp quan liêu và “siloviki” (ý nói quân đội và cảnh sát – ND). Khi gió đã nổi thì phải giương buồm lên chứ không phải là nhổ ngược chiều gió.

Thực chất là Putin đã tiến hành chiến dịch tranh cử với khẩu hiệu: “Không động đến bất cứ chuyện gì để cho tình hình không xấu thêm”. Những từ “cải cách” và “hiện đại hóa” đã bị người ta quên từ lâu. Hoạt động của tổng thống và của phái “nước Nga thống nhất” trong quốc hội hầu như chỉ là đấu tranh với phe đối lập và tăng cường cấm đoán.

Sau khi biết kết quả bầu cử vào tháng 3, người chiến thắng sung sướng quá đã phát khóc ngay trước đám đông. Nhưng không ít người quan sát cho rằng ông ta đã lí giải không đúng ý chí của nhân dân. Nhiều người bầu cho Putin là vì họ không nhìn thấy những ứng cử viên xứng đáng và chờ đợi ở nhiệm kì III không phải là cuộc chiến tranh với những người bất đồng mà là những biện pháp cụ thể nhằm cải thiện tình hình của đất nước.

Theo số liệu thăm dò dư luận do “Trung tâm Levada” công bố thì trong một năm rưỡi qua, số người tin rằng Putin thể hiện quyền lợi của “siloviki” và bộ máy quan liêu đã tăng từ 31% lên 43%. Số người cho rằng tổng thống thể hiện quyền lợi của giới trung lưu giảm từ 26% xuống còn 21%, còn số người cho rằng tổng thống thể hiện quyền lợi của người nghèo giảm từ 20% xuống còn 14%.

Những bước nhún nhảy của quỉ sứ

Trong phần kết luận, tòa hoàn toàn đồng ý với cáo trạng, coi hành động của nhóm nữ quyền này là phỉ báng tôn giáo. Tuyên bố của các bị cáo về tính chất chính trị của hành động của họ đã bị người ta lờ đi.

Nhưng theo ý kiến của nhiều người thì vấn đề là chính trị. Lời cầu nguyện theo lối punk trong nhà thờ Chúa cứu thế không phải là chống lại tôn giáo mà là chống lại sự xích lại quá đáng của nó – đấy là theo ý những thành viên của ban nhạc – với chính quyền thế tục và nhằm chống lại ứng cử viên Putin. Họ không có liên quan gì với tôn giáo hết.

Bản án có những thuật ngữ như “thóa mạ Chúa” và “những bước nhún nhảy của quỉ sứ” là những thuật  ngữ xa lạ với nền pháp lí thế tục.

Nhà chính trị học Gleb Pavlosky trong bài trả lời phỏng vấn đài phát thanh “Tiếng vọng Moskva” khuyên người ta phân tích kĩ lưỡng lời văn của bản án. Theo ông, tài liệu này cho người ta thấy nhiều điều về tình trạng xã hội hiện nay.

Các cơ quan truyền thông, trong khi bình luận về “vụ án Pussy Riot” và đơn kiện Madonna của những người thuộc tổ chức Najat ở Peterbugh đã trích lời những chiến sĩ bảo vệ nhân quyền, nói rằng nhờ những cố gắng của chính quyền mà trong thời gian gần đây Nga đang nhanh chóng biến thành “Najat Chính thống giáo Iran”.

Nhân tiện xin nói rằng không hiểu người ta định trừng phạt Madonna theo cách nào. Bà ta đã rời Nga, còn cơ quan lập pháp Peterburg, các tòa án Nga, thậm  chí cả Putin cũng chưa có quyền lực bao trùm lên toàn thế giới.

Nhiều nhà quan sát cho rằng mối đe dọa không phải nhắm vào Madonna mà nhắm vào các công dân-đồng bào của mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này Điện Kremlin đang bước lên một con đường trơn trượt. Trong thâm tâm, phần lớn dân chúng Nga cho rằng chính trị là việc không phải của mình. Nhưng nhiều người không thích hạn chế quyền tự do cá nhân nhân danh “những giá trị truyền thống”.

Mọi người đều phải tuân thủ pháp luật, nhưng đạo đức lại phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Vi phạm đạo đức có thể bị lên án chứ không phải là trừng phạt.

Nói cho cùng, theo quan điểm của nhà thờ thì tất cả những điệu múa hiện đại đều là “những bước nhún nhảy của quỉ sứ” cả. Phải cấm tất hay sao?

Có đủ cơ sở để cho rằng lãnh đạo nhà thờ Chính thống giáo Nga hiểu rõ mối nguy hơn là chính quyền thế tục, họ đã tìm cách lảng tránh vụ truy bức Pussy Riot. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau khi bản án được tuyên, nhà thờ Chính thống giáo Nga đã đề nghị nhà nước “thể hiện lòng nhân từ trong khuôn khổ luật pháp đối với những người bị kết án”.

Một số nhà quan sát cho rằng không phải vô tình mà Đại giáo chủ Kirill lại đi thăm Ba Lan khi bản án được tuyên.

Nếu tổng thống lắng nghe lời kêu gọi của nhà thờ và ân xá cho các thành viên ban nhạc Pussy Riot thì đấy sẽ là bước đi khôn khéo về mặt chính trị. Nhưng những sự kiện trong thời gian gần đây chứng tỏ rằng khi dự đoán, chọn phương án xấu nhất thì ít khi bị sai.

Christ và “chuột đồng”

Trên thực tế những người bất đồng chính kiến và tất cả những người không nằm trong “các giá trị truyền thống” đều đã chứng tỏ rằng họ cần phải nằm im thở khẽ và lấy làm mừng nếu không bị người ta động tới. Nhưng, những vụ phản đối cũng cho thấy rằng lũ “chuột đồng” sẽ không chịu ngồi trong hang nữa.

“Chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến sự hưởng ứng mạnh mẽ như vụ án Pussy Riot. Cả vụ Khodorkovski lẫn vụ Magnitski cũng không gây được sự hưởng ứng rộng rãi đến như vậy” – Tatiana Lokshina, phó trưởng phòng của Human Rights Watch ở Moskva cho biết như thế.

Cho đến cuối năm ngoái sự chia rẽ xã hội còn ở dạng tiềm tàng, được thể hiện trên quảng trường Bolotnyi và đại lộ Skharov, bây giờ đã trở nên rõ ràng hơn. Một số người đón nhận bản án với tiếng hô: “Christ phục sinh!”, số khác thì gào lên: “nhục nhã!” và tin chắc rằng những kẻ săn đuổi Pussy Riot sẽ bị thiêu đốt trong hỏa ngục. Với mỗi bước đi của chính quyền, khả năng đối thoại và thỏa hiệp giữa hai nước Nga lại càng giảm đi.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: BBCRussian.com

No comments:

Post a Comment