Tác giả: TOM G. PALMER
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính: Đinh Tuấn Minh
Năm xuất bản: 2014
Tự
do và phẩm giá là nền tảng của thế giới hiện đại
Deirdre
N. McCloskey[1]
Trong
tiểu luận này, nhà sử học chuyên về lĩnh vực kinh tế và nhà phê bình xã hội,
Deirdre McCloskey, biện luận rằng nếu chỉ dùng “tác nhân kinh tế” – như nhiều
thế hệ các nhà sử học đã từng làm – thì không giải thích được sự phát triển của
chủ nghĩa tư bản hiện đại và thế giới mà nó tạo ra. Chính sự thay đổi trong
cách nghĩ của người dân về kinh doanh, về trao đổi, về cải tiến và lợi nhuận đã
tạo ra chủ nghĩa tư bản hiện đại và giải phóng phụ nữ, giải phóng những người đồng
tính, những người bỏ đạo và khối quần chúng bị áp bức trước đây, những người mà
đời sống đầy rẫy cảnh tàn bạo, đau đớn và chẳng kéo dài được bao lâu trước khi
người ta phát hiện ra và thương mại hóa ngành nông nghiệp, thuốc chữa bệnh, điện
năng, và những lĩnh vực khác của đời sống tư bản hiện đại.
Sự thay đổi trong cách người
dân tán dương thị trường và cải tiến nó đã tạo ra cuộc Cách mạng công nghiệp và
sau đó là thế giới hiện đại. Lí trí thông thường trước đây – ngược lại – không
có chỗ cho thương mại và cải tiến, và cũng chẳng có chỗ cho tư tưởng tự do. Câu
chuyện của chủ nghĩa duy vật trước đây nói rằng Cách mạng công nghiệp xuất phát
từ nguyên nhân vật chất, từ đầu tư hay ăn cắp, từ tỉ lệ tiết kiệm cao hay từ chủ
nghĩa đế quốc. Bạn đã nghe nói: “Châu Âu giàu có là do nó có các đế chế”; “Mĩ
được xây dựng trên lưng những người nô lệ”; “Trung Quốc giàu là do buôn bán”.
Nhưng nếu, thay vì thế, Cách
mạng công nghiệp bùng lên là do những thay đổi trong cách nghĩ của người dân, đặc
biệt là cách họ nghĩ về nhau thì sao? Giả sử máy hơi nước và máy tính xuất phát
từ sự kính trọng đối với những người có sáng kiến chứ không phải từ việc xếp gạch
lên nhau hay là xếp những xác chết của người Phi châu lên nhau thì sao?
Các nhà kinh tế học và các
nhà sử học bắt đầu nhận thức được rằng đối với việc kích hoạt cuộc Cách mạng
công nghiệp thì điều này có ý nghĩa hơn, hơn hẳn việc ăn cắp hay tích lũy tư bản
– nó đã tạo ra một sự thay đổi to lớn trong cách nghĩ của người phương Tây về
thương mại và sáng kiến. Người ta bắt đầu thích “sự phá hoại mang tính sáng tạo”,
thích ý tưởng mới thay thế cho ý tưởng cũ. Tương tự như nhạc vậy. Ban nhạc mới
có một ý tưởng mới trong lĩnh vực nhạc rock, và nó sẽ chiếm chỗ của ban nhạc cũ
nếu có nhiều người chấp nhận ý tưởng mới này. Nếu người ta nghĩ rằng bản nhạc
cũ không còn hay nữa thì nó bị “phá hủy” bằng một hành động sáng tạo. Đấy cũng
là cách đèn điện “phá hủy” đèn dầu hỏa và máy tính “phá hủy” máy đánh chữ. Vì lợi
ích của chúng ta.
Lịch sử chân thực diễn ra
như sau: Trước khi người Hà Lan, vào khoảng năm 1600, hay người Anh, khoảng năm
1700, thay đổi cách suy nghĩ của họ, bạn chỉ được kính trọng bằng hai cách: trở
thành chiến binh hay cố đạo, trong thành lũy hay trong nhà thờ. Những người chỉ
làm mỗi một việc là mua bán kiếm sống hay cải tiến bị dè bỉu là những kẻ lừa bịp
đầy tội lỗi. Năm 1200 một cai tù đã từng cự tuyệt lời cầu xin của một người
giàu có, bằng cách nói: “Đi đi, ông Arnaud Teisseire, ông đắm mình trong cảnh
xa hoa như vậy! Làm sao mà ông thoát tội cho được?”
Năm 1800, thu nhập trung
bình mỗi người một ngày trên khắp hành tinh – tính theo thời giá hiện nay – vào
khoảng từ 1 đến 5 dollar. Cho là trung bình 3 dollar mỗi ngày. Hãy tưởng tượng
cuộc sống ở Rio hay Athens hoặc Johannesburg với 3 dollar mỗi ngày. (Một số người
hiện nay thậm chí vẫn phải sống như vậy). Số tiền đó chỉ mua được ba phần tư li
café cappuccino ở cửa hàng Starbucks. Đấy đã và vẫn tiếp tục gieo vào lòng người
ta nỗi kinh hoành.
Lúc đó bỗng có sự thay đổi,
ban đầu là ở Hà Lan, rồi đến lượt Anh. Những cuộc cách mạng và phong trào cải
cách ở châu Âu từ năm 1517 đến năm 1789 đã tạo điều kiện cho những người bình
thường – không phải là giám mục và qúy tộc – lên tiếng. Người châu Âu và sau đó
là người ở các châu lục khác bắt đầu thán phục các doanh nhân như Ben Franklin,
Andrew Carnegie và Bill Gates. Giai cấp trung lưu bắt đầu được coi là những người
tốt, bắt đầu được phép làm những việc tốt và phát đạt. Kể từ đó, người dân đã
kí vào Giao kèo của Tầng lớp trung lưu: “Hãy để cho tôi cải tiến và kiếm tiền
trong ngắn hạn, sau khi tôi đã cải tiến, và trong dài hạn tôi cũng sẽ làm cho bạn
trở thành giàu có”, đấy là giao kèo đặc trưng cho những khu vực giàu có hiện
nay như Anh, Thụy Điển và Hồng Công.
Và đây là điều đã xảy ra. Bắt
đầu vào năm 1700 với cột thu lôi của Franklin và động cơ hơi nước của Watt, say
mê với việc cải tiến trong những năm 1800 và còn say mê hơn trong những năm
2000, phương Tây – vốn vẫn lẽo đẽo theo sau Trung Quốc và thế giới Hồi giáo
trong nhiều thế kỉ - đã trở thành người sáng tạo đáng kinh ngạc.
Lần đầu tiên trong lịch sử
nhân loại, giai cấp trung lưu được tôn trọng và tự do và thế là ta có: máy hơi
nước, máy dệt vải tự động, dây chuyền lắp ráp, dàn nhạc giao hưởng, đường sắt,
công ty, bãi bỏ chế độ nô lệ, máy in bằng hơi nước, giấy viết giá rẻ, tỉ lệ người
biết đọc biết viết cao, kính giá rẻ, nền giáo dục đại học hiện đại, nền báo chí
hiện đại, hệ thống nước sạch, xi măng cốt thép, phong trào phụ nữ, đèn điện,
thang máy, ô tô, dầu hỏa, những kì nghỉ hè ở Yellowstone, chất dẻo, mỗi năm có
nửa triệu cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh, ngô lai, thuốc kháng sinh
penicillin, máy bay, không khí sạch trong thành phố, quyền công dân, mổ lồng ngực,
và máy tính.
Kết quả là cuộc sống của những
dân bình thường và đặc biệt là những người rất nghèo đã được cải thiện rất đáng
kể. Năm phần trăm người nghèo nhất ở Mĩ cũng có điều hòa nhiệt độ và ô tô như
ba phần trăm người giàu nhất ở Ấn Độ.
Hiện nay chúng ta cũng đang
chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng như thế ở Trung Quốc và Ấn Độ, nơi có tới
40% dân số trên toàn thế giới. Câu chuyện về kinh tế đáng nói trong thời đại của
chúng ta không phải là cuộc Đại suy thoái hồi năm 2007-2009, dù nó có khó chịu
đến mức nào. Câu chuyện đáng nói là vào năm 1978, Trung Quốc và sau đó, vào năm
1991, đến lượt Ấn Độ chấp nhận các tư tưởng tự do kinh tế và chào đón quá trình
phá hủy sang tạo. Hiện nay, tính trên đầu người, hàng hóa và dịch vụ của các nước
này gia tăng bốn lần trong vòng một thế hệ.
Hiện nay, tại nhiều khu vực
chấp nhận quyền tự do và phẩm giá của giai cấp trung lưu, một người trung bình
cũng làm ra và tiêu thụ 100 dollar một ngày. Xin nhớ: hai thế kỉ trước chỉ có 3
dollar một ngày, tính trên cùng mặt bằng giá cả. Đấy là chưa nói những cải tiến
cực kì to lớn trong nhiều lĩnh vực, từ đèn điện cho tới thuốc kháng sinh. Theo
những đánh giá bảo thủ nhất, thế hệ thanh niên ở Nhật Bản, Na Uy và Italy có điều
kiện vật chất cao gấp 30 lần cụ, kị của họ. Thanh niên ở các nước khác cũng tiến
vào thế giới hiện đại – dân chủ hơn, giải phóng phụ nữ, tuổi thọ cao hơn, giáo
dục tốt hơn, phát triển về mặt tinh thần, bùng nổ về nghệ thuật – tất cả những
hiện tượng này đều gắn bó mật thiết với Sự kiện Vĩ đại của lịch sử hiện đại:
lương thực, giáo dục, đi lại, đã gia tăng 29 lần.
Sự kiện Vĩ đại này lớn đến nỗi,
vô tiền khoáng hậu đến nỗi, không thể coi nó là kết quả của những lí do bình
thường như thương mại, bóc lột, đầu tư hay chủ nghĩa đế quốc được. Đấy là cái
mà các nhà kinh tế học có thể giải thích dễ dàng: những việc làm thường nhật. Tất
cả những việc làm thường nhật như thế đã
từng diễn ra ở Trung Quốc, ở đế chế Ottoman, ở Rome và Nam Á. Chế độ nô lệ từng
tồn tại ở Trung Đông, buôn bán phát đạt ở Ấn Độ, Trung Quốc đầu tư rất nhiều
vào những con kênh đào, còn Rome thì đầu tư vào những con đường. Nhưng Sự kiện Vĩ đại đã không xảy ra. Dùng những
lí do kinh tế để giải thích chắc chắn là rất sai.
Nói cách khác, chỉ dựa vào
chủ nghĩa duy vật kinh tế để giải thích thế giới hiện đại – dù đấy có là chủ
nghĩa duy vật lịch sử cánh tả hay kinh tế học cánh hữu – thì cũng đều là sai.
Tư tưởng về phẩm giá và tự do đã thành công. Như nhà sử học chuyên về lĩnh vực
kinh tế, Joel Mokyr, nói: “Sự thay đổi về kinh tế trong tất cả các giai đoạn đều
phụ thuộc nhiều vào niềm tin của người dân hơn là phần lớn các nhà kinh tế học
vẫn nghĩ”. Sự thay đổi về vật chất là kết quả chứ không phải là nguyên nhân.
Các ý tưởng hay nói cách khác, ngôn từ đã làm cho chúng ta giàu lên và cùng với
nó là những quyền tự do hiện đại.
Nguồn:
http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
[1] Deirdre
N. McCloskey là giáo sư kinh tế, lịch sử, tiếng Anh và truyền thông tại đại học
Illinois ở Chicago (University of Illinois at Chicago). Bà đã cho xuất bản 13 đầu
sách về kinh tế học, lịch sử kinh tế, thống kê, tu từ học, văn học cũng như tập
hồi kí có tên là Crossing. Bà là đồng chủ bút Tạp chí lịch sử kinh tế và thường
xuyên viết cho các tạp chí mang tính hàn lâm. Tác phẩm gần đây nhất của bà, vừa
mới được xuất bản có tên là: Bourgeois
Dignity: Why Economics Can’t Explain the Modern World (tạm dịch: Phẩm giá của giới tư sản: Vì sao kinh tế học
không thể lí giải được thế giới hiện đại).
No comments:
Post a Comment