October 1, 2011

Báo chí phương Tây tiếp tục nói về việc Putin tranh cử tổng thống

Phương Tây lấy làm tiếc là Dima rút lui: bây giờ Putin sẽ chết trong Điện Cẩm Linh

Phạm Nguyên Trường dịch

Có khả năng là Dmitri Medvedev không đủ dũng khí cần thiết cho cuộc đấu tranh này, có thể là ông ta đã bị người ta ngáng chân, nhưng cuộc đảo chính do Putin thực hiện đã đặt dấu chấm hết cho tiến trình dân chủ hóa ở Nga, các phương tiện truyền thông đại chúng viết như thế. Giới làm ăn phương Tây sẽ không phàn nàn: họ thích mua tất cả ngay tại “một quầy hàng”, mà nền chuyên chế cá nhân có thể bảo đảm được chuyện đó. Người Nga tỏ ra bàng quan. 


“Nhóc tì Dima, vui lên” [Dima là lên gọi thân mật của Dmitri – ND] – nhà bình luận Stephen Sestanovich viết trên tờ Foreign Policy (Mĩ) như thế. “Hãy ngẩng cao đầu lên, thưa ngài tổng thống. Bốn năm qua không phải là giai đoạn phí hoài”. Medvedev đã thay đổi nền chính trị Nga theo hướng mà Putin sẽ rất khó đưa nước Nga trở lại thời quá khứ, tác giả bài báo viết như thế. 

“Cái bí mật mà ai cũng biết của vở kịch này là phần lớn giới tinh hoa chính trị Nga, thậm chí ngay cả những người nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Putin cũng không muốn ông ta quay lại chức vụ tổng thống”. Theo ý kiến của họ thì Putin không có khả năng đưa đất nước tiến lên, ông ta sẽ biến nó thành một cái gì đó tương tự như vùng Trung Á. Nhiều người, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đã công khai phát biểu ý kiến của mình. Việc Kudrin [Bộ trưởng tài chính –ND] không chịu làm việc trong chính phủ của Medvedev là “sự phê phán quyết liệt toàn bộ kế hoạch của Putin cũng như chính sách của ông ta”, Sestanovich cho là như thế. 

Tác giả bài báo này viết rằng tất cả những điều đó chứng tỏ rằng đã có sự cải thiện. “Bốn năm trước, khi người bạn thân nhất của Putin từ hồi còn ở KGB là ông Sergey Ivanov không được làm ứng viên tổng thống thì ông này – đấy là theo lời đồn – đã quăng cái gạt tàn thuốc lá vào chiếc TV. Nhưng ông đã không công khai lên án cấp trên, không từ chối phục vụ dưới trướng Medvedev và người ta không đồn đoán là ông có cầm đầu phe đối lập hay không (như đang xảy ra với Kudrin)” – bài báo viết như thế. Các sự kiện đang diễn ra có vẻ như khá giống với đời sống chính trị thật sự, Sestanovich vui vẻ bình luận. 

Medvedev có thể làm hơn được không? Theo tác giả bài báo, Medvedev có thể trở thành một nhà chính trị độc lập và ở lại trong nhiệm kì thứ hai với điều kiện ông được lòng dân hơn là Putin. “Biện pháp duy nhất là một loạt thành công, gây được tiếng vang trong xã hội. Nhưng Putin không để cho điều đó xảy ra”, Sestenovich tin là như thế. 

Có vẻ như Vladimir Putin định cầm lái lâu hơn là nhà độc tài Joseph Stalin, nhà chính trị học người Áo, Martin Malek, viết trên website Die Presse (Áo) như thế. Vì không ai nghi ngờ chiến thắng của ông ta vào tháng 3 năm 2012 và sau đó là vào năm 2018, con người này sẽ cầm lái ít nhất là 12 năm nữa. Nhưng sau đó hưu trí cũng chưa chắc đe dọa được ông ta: với những sửa đổi cần thiết trong hiến pháp ông ta có thể vượt qua được Stalin và cầm quyền đến 30 năm. “Nhưng thời gian nắm quyền quá lâu của một người và nền dân chủ không có điểm chung nào hết”, tác giả chỉ rõ. 

Trong khi Moskva sẵn sàng đồng ý với việc chuyển giao công nghệ, tín dụng và đầu tư từ phương Tây thì trong lĩnh vực “nhập khẩu những giá trị của phương Tây như dân chủ, tự do ngôn luận, quyền công dân, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự” nó lại hoàn toàn khép kín, bài báo viết như thế. 

Chắc là không có một chuyên gia về nước Nga có uy tín nào, cả bên trong lẫn bên ngoài Nga, nghiêm túc tính đến khả năng Medvedev có thể trở thành một nhân vật chính trị độc lập và giải thoát khỏi “cái phao” của Putin. Việc Putin quay trở lại không làm người ta ngạc nhiên, nhưng hóa ra là từ năm 1999 nhân dân Nga không có điều kiện tham gia vào “những cuộc bầu cử với kết quả chung cuộc chưa được biết trước”, tác giả viết. 

Tác giả bài báo cũng ghi nhận rằng dân số của Moskva là 12 triệu người, nhưng chỉ có vài trăm người tham gia phản đối vụ mua bán chính trị giữa Putin và Medvedev mà thôi. “Hóa ra hoặc là đa số ủng hộ Putin hoặc là họ hoàn toàn bàng quan với hiện tình đất nước. Thế là sao? Ủng hộ Putin hay là xã hội Nga chưa trưởng thành về mặt chính trị?”, Malek đặt câu hỏi như thế. 

Trong khi đó tờ Libération (Pháp) lại coi việc tự rút lui của Medvedev là “nguy hiểm”. “Cũng thường thôi, tất cả đều đã được diễn tập từ trước, được chơi theo đúng kịch bản, những người luôn luôn cho rằng Nga đã được lập trình sẵn theo hướng độc tài rồi, nhưng cách Dmitri Medvedev từ chối tham gia cuộc đua và đề nghị Putin trở thành thổng thống thì không có liên quan gì với di truyền hết”, Bernard Guetta viết như thế.  

Ngay từ đầu Medvedev đã đấu tranh với nạn tham nhũng, đã chống lại việc kiểm duyệt trên Internet, đã tố cáo những vụ lạm quyền của cảnh sát, đã tạo điều kiện cho sự xích lại với châu Âu và Mĩ, thậm chí ông ta không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng bảo an về Lybia. Lúc đó Putin đã công khai phê phán “cuộc thập tự chinh” của phương Tây, nhưng Medvedev cũng công khai bảo vệ lựa chọn của mình và “nhanh chóng đưa ra quyết định có tính bước ngoặt là đề  nghị Mikhail Prokhorov đứng đầu đảng Sự nghiệp chính nghĩa – một đảng sẽ trở thành công cụ cho việc bầu lại ông vào chức tổng thống”, bài báo này viết như thế. Mọi việc dường như đã sẵn sàng cho một cuộc đụng độ vào mùa xuân sắp tới giữa một vị tổng sắp ra đi và ông thủ tướng, nhưng Prokhorov đã bị khai trừ khỏi Đảng và mười ngày sau thì Medvedev rút lui, thậm chí còn đề nghị người tiền nhiệm của mình ứng cử chức tổng thống”, Guetta lấy làm tiếc mà viết như thế. 

“Có khả năng là Dmitri Medvedev không đủ dũng khí cần thiết cho cuộc đấu tranh này. Có thể là ông ta đã bị người ta ngáng chân vì ở Nga không thể nằm trong những nhóm cầm quyền lâu như thế mà không làm bại hoại thanh danh của mình vì tham gia vào những vụ lạm dụng của họ. Tất cả các giả định đều có thể, nhưng vụ đảo chính do Vladimir Putin thực hiện – bây giờ ông ta có thể bình tĩnh cầm quyền thêm hai nhiệm kì 6 năm nữa – đã đặt dấu chấm hết cho tiến trình dân chủ hóa ở Nga. Quan hệ giữa Moskva với các thủ đô phương Tây lại trở thành bất định và việc rút lui khỏi cuộc chơi của Medvedev đã tạo ra một khoảng chân không đầy nguy hiểm”, nhà bình luận này viết như thế. 

Medvedev là hiện thân của những khát vọng dân chủ của giai cấp trung lưu mới, nhà báo này khẳng định như thế: đấy là giai cấp còn non trẻ, mệt mỏi vì nạn tham nhũng, hướng về phương Tây và đang mong mỏi sự xuất hiện của nhà nước pháp quyền, bảo vệ các công dân và doanh nghiệp khỏi những hành động độc đoán của chính quyền. Bây giờ nước Nga mới này chẳng còn ai mà gửi gắm niềm tin nữa, tác giả kết luận như thế. 

Một cuộc cách mạng nữa đã bắt đầu ở nước Nga, nhà báo Chrystia Freeland, biên tập viên hãng Reuters, viết trên tờ The New York Times (Mĩ) như thế. Nhưng nói cho ngay, bà cho là phải 20, 30 hoặc 40 năm nữa nhân dân Nga mới đổ ra đường nhằm lật nhà độc tài (“thời điểm cụ thể phụ thuộc chủ yếu vào giá dầu”). 

“Từ năm 1996 chúng ta đã biết rằng Nga không phải là một nước dân chủ. Bây giờ chúng ta lại biết rằng Nga không phải là nền chuyên chính của một đảng, của một giai tầng, của một dòng họ. Đấy là chế độ do một người cai trị”, bài báo nói như thế. 

Năm 2008 Putin và bạn bè của ông ta định “thành lập cơ sở hiến định tự sản sinh cho chế độ mà Putin đưa tới quyền hành vào năm 2000”. Nhưng họ đã không làm được chuyện đó và nước Nga đã trở thành chế độ cha truyền con nối kiểu mới, tách khỏi cả lịch sử Nga lẫn các xu hướng toàn cầu. Các Sa hoàng kiến tạo tính chính danh của mình trên cơ sở dòng tộc và đức tin, còn các tổng bí thư thì dựa vào đảng và hệ tư tưởng. “Nền tảng duy nhất của chế độ Putin là chính Putin”, tác giả bài báo viết như thế. 

“Một trong những đặc điểm của chế độ gia trưởng là họ cai trị bằng cách dọa dẫm và làm nhục” - Freeland viết tiếp. Bà cho rằng nước Nga hiện nay cũng có những đặc điểm như thế. Mà nhục nhã nhất là Medvedev: ông ta đã buộc phải tuyên bố “từ bỏ Điện Cẩm Linh”.

Nhưng giới làm ăn phương Tây sẽ không phàn nàn. Các nhà quản lí cao cấp thích mua mọi thứ “từ một quấy hàng” mà nền độc tài cá nhân lại bảo đảm được điều đó”, tác giả bài báo giải thích. Giới làm ăn phương Tây cũng thích các chế độ độc tài vì cho rằng chúng tương đối ổn định. 

Nhưng các chế độ gia trưởng lại có hai khiếm khuyết nghiêm trọng: tài chính (theo tính toán của một nhà kinh tế học Nga thì chế độ của Putin sẽ rung chuyển khi giá dầu xuống dưới 60 USD/một thùng) và không có cơ chế chuyển giao quyền lực. “Đối với những chế độ kiểu đó thì sinh sản vô tính lãnh tụ là biện pháp chuyển giao duy nhất có thể chấp hận được.  Năm 2008 Putin đã muốn thôi miên chúng ta là – giống Yeltsin - ông sẽ đi dưỡng già ở nhà nghỉ. Nhưng bây giờ Putin không thể đến nhà nghỉ được nữa rồi – Ông a sẽ phải chết trong Điện Cẩm Linh”, Ivan Krastev, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược của chủ nghĩa tự do ở Sophia nói như thế. 

Nguồn: http://inopressa.ru/article/30Sep2011/inotheme/medvedev_putin.html

No comments:

Post a Comment