September 21, 2011

Jorge Castañeda – Những người thua trận ở Libya

Phạm Nguyên Trường dịch

Phải mất bao nhiêu thời gian nữa mới tìm được Muammar Gaddafi không phải là vấn đề quan trọng, bây giờ đã có thể dễ dàng đánh giá được cuộc xung đột kéo dài sáu tháng ở Libya và xác định được kẻ thắng người thua rồi. Thắng nhất dĩ nhiên là nhân dân Libya, những người, mà nhờ sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, đã cưỡi lên đầu ngọn sóng khởi sự ở Tunisia và Cairo và lật đổ được nhà độc tài. Dù kết quả của những xáo trộn hiện thời có như thế nào đi nữa thì tình hình cũng khó mà có thể xấu hơn 42 năm vừa qua.

Nhóm người chiến thắng thứ hai bao gồm Nicolas Sarkozy, David Cameron và Barack Obama. Đấy là những nhà lãnh đạo của Pháp và Anh, những người đã thuyết phục Tổng thống Mĩ áp lực Liên hiệp quốc cho phép can thiệp vào Libya, và chính Tổng thống Obama, người đã cung cấp vũ khí, thiếu nó thì không cuộc can thiệp nào có thể giành thắng lợi được. Trong khi cả ba nhà lãnh đạo đều không được đánh giá cao trong các cuộc thăm dò dư luận ở trong nước thì thắng lợi của chiến dịch ở Libya có thể an ủi được phần nào.

Và cuối cùng là các tổ chức quốc tế. Liên hiệp quốc, Tòa hình sự quốc tế và Liên đoàn Arab có thể ăn mừng vì đây là hình ảnh trái ngược hoàn toàn với vụ thất bại ở Iraq. Cơ chế đa phương đã hoạt động, luôn được sự ủng hộ trong khu vực; giá phải trả là khá cao, nhưng không đến nỗi như ở Iraq và sự ổn định ở Libya dường như không còn xa nữa. So với năm 2003 thì đây đã là một thế giới khác rồi.
Những kẻ bại trận cũng được xác định một cách dễ dàng. Gaddafi, gia đình và bạn bè ông ta bây giờ đang lẩn trốn hay bỏ chạy như những kẻ hèn nhát. Những người ủng hộ và cổ vũ cho họ bị mọi người khinh bỉ. Ở Mĩ và châu Âu, uy tín của những người chống đối vụ can thiệp mang tính nhân đạo nhằm ngăn chặn vụ thảm sát ở Benghazi và sau đó trở thành chiến dịch nhằm lật đổ chế độ đã bị giảm sút nghiêm trọng. Nước Đức bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an, tức là Nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ thường dân, nước này cũng từ chối, không tham gia vào chiến dịch của NATO. Angela Merkel đã né tránh vì những nguyên nhân đối nội và tính toán sai về khả năng chiến thắng. Nhìn lại, hóa ra bà đã sai.


Những nước như Trung Quốc và Nga cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như thế, mặc dù hai nước này không phủ quyết Nghị quyết 1973, nhưng họ cũng không được lợi lộc gì. Tình cảm của họ dành cho chế độ của Gaddafi là bằng chứng rõ ràng về thái độ chống đối đối với nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ”, tức là chống đối tư tưởng cho rằng quyền con người phải cao hơn chủ quyền quốc gia, một tư tưởng đang được các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ bàn thảo trong thời gian gần đây.
Nhưng có lẽ thua thiệt nhất – đấy là không kể gia đình Gaddafi -  là những nước công khai chống đối quan điểm cho rằng cộng đồng quốc tế cần can thiệp nhằm bảo vệ thường dân và lật đổ những tên độc tài, ngay cả khi đã có sự ủy quyền quốc tế. Những người chống đối cũng chia làm hai nhóm: những kẻ ủng hộ chế độ Gaddafi một cách trơ trẽn và những kẻ giữ vị trí trung lập một cách đáng xấu hổ, lúc nào cũng dao động, không biết phải đứng về bên nào.


Nhóm thứ nhất gồm có Cuba, Nicaragua và Venezuela — thái độ của họ có thể dự đoán được từ trước, nhưng quan điểm của họ nói chung là chẳng có ý nghĩa gì. Quan trọng hơn là quan điểm của ba nước chủ chốt, đấy cũng là những nước đang tìm cách nhảy vào vị trí lãnh đạo thế giới. Brazil và Ấn Độ cùng bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973, còn Nam Phi thì chỉ ủng hộ sau khi Tổng thống Obama đã gọi điện trực tiếp cho Tổng thống Jacob Zuma. 

Nam Phi vớt vát được phần nào uy tín bằng cách cố gắng tìm giải pháp trung gian ở Libya. Những cố gắng đó đã không đi đến đâu chủ yếu là vì nhằm bảo vệ chế độ của Gaddafi. Brazil và Ấn Độ - hai nước đang kì vọng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an và đòi hỏi phải được coi là những nước có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới – đã không tham gia vào một trong những hoạt động thành công nhất của Hội đồng bảo an trong thời gian gần đây. Cả hai nước đều sững sờ khi nhà độc tài này bị lật đổ, cả hai đều chưa công nhận chính phủ mới.

Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đều coi không can thiệp là nguyên tắc nền tảng trong bất kì quan hệ đa phương nào: nhân đạo không quan trọng bằng việc bảo vệ chủ quyền quốc gia khỏi sự can thiệp từ bên ngoài. Đấy là lí do vì sao họ lưỡng tự trong việc can thiệp vào những cuộc khủng hoảng khác, kể cả việc chính quyền Syria đàn áp dã man người biểu tình. Mặc dù họ đã gửi một đoàn đại biểu đến Damascus với hi vọng ngây thơ là sẽ thuyết phục được Tổng thống Bashar Assad chấm dứt việc giết hại thường dân, nhưng họ vẫn ngăn cản những biện pháp trừng phạt do Hội đồng bảo an đưa ra và cùng với Nga, trói chân trói tay Liên hiệp quốc trước tình hình ở Syria. Bám vào những quan điểm đã làm họ thất bại ở Libya, các nước này đang chứng tỏ rằng họ chưa sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong những vấn đề quốc tế.

Nguồn: The Time (Mĩ) Losers in Libya

Castañeda, từ là cựu bộ trưởng ngoại giao của Mexico, hiện là một trong những giáo sư nổi tiếng thế giới của Đại học New York (New York University)
 
Đã đăng trên Bauxite Việt Nam

No comments:

Post a Comment