Phạm Nguyên Trường dịch
MOSCOW – Hiếm khi những cột mốc của lịch sử lại sắp xếp một cách khéo léo như trong mùa hè này. Bức tường Berlin được xây dựng đúng trong tháng này cách đây 50 năm. Sau một hồi do dự, nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev đã đồng ý cho người đồng nhiệm phía Đức là Walter Ulbricht xây dựng rào chắn giữa Đông và Tây Berlin để bảo đảm cho sự sống còn của chủ nghĩa cộng sản trong khối Xô Viết. Đến lúc đó Đông Đức đã mất 3 triệu người – kể cả những người tài năng nhất – mỗi ngày có hàng trăm người bình thản đi vào những khu vực ở Berlin do Mĩ, Anh và Pháp kiểm soát.
Và cũng trong tháng này 20 năm trước, những nhân vật cứng rắn trong chính phủ Liên Xô định lật đổ tống thống Mikhail Gorbachev, người mà hai năm sau khi tổng thống Mĩ Ronald Reagan kêu gọi “phá bỏ bức tường này” đã làm đúng như thế. Nhà cải cách muốn biến người Nga thành một phần của thế giới dân chủ phương Tây đã nắm được quyền lực trong Điện Kremlin, đấy đúng là một điều kì diệu.
Những đối thủ cứng rắn trong Bộ chính trị của Gorbachev, tương tự như những người xung quanh Khrushchev trong thời gian xây dựng bức tường Berlin, kiên quyết giữ vững hệ thống cổ hủ mà bức tường là biểu tượng. Nhưng vào tháng 8 năm 1991, những người dân bình thường ở Moskva đã giữ vững lập trường của mình. Họ bất chấp mệnh lệnh của những người đảo chính và cuối cùng đã lôi kéo được nhiều người trong lực lượng vũ trang Nga ngả sang phía mình. Quân đội bất tuân nghĩa là cuộc đảo chính đã thất bại.
Người dân Berlin không bao giờ phải đối mặt với lực lượng Liên Xô như thế. Khrushchev đã chấp nhận thỉnh cầu của Ulbricht rằng chỉ có bức tường mới cứu được nhà nước Đông Đức mà thôi. Phản ứng của Khrushchev làm ta nhớ lại cách thức ông ta xử lí cuộc cách mạng ở Hungary vào năm 1956, đấy cũng là lúc ông ta vừa mới củng cố được quyền lực của mình và cần phải giữ khoảng cách an toàn với những kẻ cứng rắn ở Điện Kremlin.
Nhưng 5 năm sau cuộc đàn áp tàn bạo những tiếng thét đòi tự do ở Budapest, Khrushchev không hoàn toàn tin là cần phải chia đôi Berlin nữa. Ông ta sợ rằng chính sách cải thiện quan hệ với phương Tây sẽ bị phá hỏng và tổng thống John F. Kennedy sẽ coi bức tường là bước khiêu khích đầu tiên trong vụ đối đầu có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân.
Khrushchev đặt nhiều hi vọng vào khả năng của Liên Xô trong việc xây dựng những mối quan hệ tích cực với châu Âu, đặc biệt là sau vụ chiếc máy bay do thám U2 vào năm 1960 (khi viên phi công Mĩ tên là Gary Francis Powers bị bắn hạ trên lãnh thổ Liên Xô) đã làm xấu đi quan hệ với Mĩ. Trong khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông ta với Kennedy ở Vienna vào đầu năm 1961 chẳng làm được gì nhằm cải thiện tình hình thì đối với ông ta việc xây dựng bức tườngvào ngày 13 tháng 8 có vẻ như chỉ là hành động phòng thủ chứ không phải là phô trương sức mạnh.
Khrushchev cũng đã xem xét cả tương lai chính trị của ông ta nữa. Từ sau bài diễn văn mật, lên án tệ sùng bái cá nhân của Stalin, địa vị của ông ta trong Bộ chính trị đã yếu đi; trong ban lãnh đạo ở Điện Kremlin số người ủng hộ ông không nhiều, còn những người cứng rắn thì công kích ông từ mọi hướng. Cuối cùng, quyết định xây dựng bức tường là cố gắng tuyệt vọng nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ cộng sản ở Đông Đức và nhượng bộ cho những kẻ phản đối ông.
Chính sách bên miệng hố chiến tranh trong thời gian xây dựng bức tường là sản phẩm của nhà chính trị tuyệt vọng nhằm chống đỡ cho địa vị của mình ở trong nước. Điều nực cười đối với Khrushchev là mặc dù những người cứng rắn muốn xây bức tường nhưng sau này họ lại đưa sự thiếu quyết đoán của ông về bức tường vào danh sách tội trạng nhằm buộc ông phải rời bỏ chức vụ vào năm 1964. Quyết định của ông đã cứu được chính quyền Xô Viết ở Đông Đức suốt mấy thập kỉ, nhưng lại góp phần chấm dứt vai trò chính trị của chính ông.
Khi Gorbachev cho phép đục thủng và sau đó là phá hủy bức tường, ông đã xa lánh Đảng cộng sản Liên Xô còn hơn cả Khrushchev nữa. Thực vậy, có lần Gorbachev đã nói với tôi rằng Nicolae Ceauşescu, nhà độc tài của Romania, đã gọi điện yêu cầu ông đưa xe tăng tới Berlin nhằm bảo vệ bức tường.
Nhưng Gorbachev, mặc dù vẫn còn tin vào chủ nghĩa cộng sản, đã cự tuyệt, không muốn bảo vệ đế chế Xô Viết bằng họng súng nữa. Chính sách bên miệng hố chiến tranh của ông khác hẳn chính sách của Khrushchev: ông cả gan tin rằng phương Tây công nhận và chấp nhận rằng Liên Xô đã thực sự thay đổi. Trong khi đàm đạo với Bộ trưởng ngoại giao Mĩ lúc đó là James Baker, Gorbachev tranh luận với phía Mĩ bằng cách thường xuyên viện dẫn “giá trị tự do của phương Tây”, khẳng định rằng “đấy là những giá trị của nhân loại”.
Trong khi phương Tây bắt đầu tin rằng Gorbachev và những cuộc cải cách của ông ta là chân thật thì sự tức giận của những đồng sự của ông ta trong Điện Kremlin lại càng sôi sục thêm. Những người lãnh đạo cuộc đảo chính vào tháng 8 năm 1991 coi việc hất cẳng Gorbachev là biện pháp - giống như Ulbricht coi yêu cầu xây dựng bức tường của ông ta – duy nhất nhằm bảo vệ chính quyền cộng sản.
Khi phương Tây tìm cách cảnh báo Gorbachev rằng cuộc đảo chính sắp sửa diễn ra thì đã muộn rồi. Nhưng việc người Nga bất ngờ đứng lên bảo vệ nền tự do vừa mới tìm lại được của họ, cùng với sự bất tài của những kẻ phản loạn, đã đánh gục nỗ lực nhằm phục hồi chế độ toàn trị.
Nếu bức tường không được xây dựng vào năm 1961 thì chế độ cộng sản có bị sụp đổ sớm hơn hay không? Nếu Gorbachev đáp lại lời cầu xin của Ceauşescu và đưa quân tới bảo vệ bức tường thì chế độ cộng sản ở châu Âu có sụp đổ hay không?
Đấy là những câu hỏi không có câu trả lời. Dựa vào sự kiện là Gorbachev quyết định không sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ đế chế Xô Viết ở Đông Âu thì ý tưởng cho rằng ông ta sẽ làm như thế nhằm bảo vệ bức tường có vẻ như là một ý tưởng lố bịch. Có vẻ như rõ ràng là không có bức tường nào có thể ngăn chặn được chế độ dân chủ - và ngược lại, khi dân chúng một nước nào đó chưa muốn dân chủ thì cũng không cần bức tường Berlin để ngăn chặn họ. Vladimir Putin là bằng chứng để ta phải cám ơn bài học đó.
Nina Khrushcheva, là tác giả cuốn Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics, hiện bà đang dạy môn quan hệ quốc tế tại trường The New School và là chuyên viên cao cấp tại World Policy Institute ở New York.
No comments:
Post a Comment