“Mùa hè oi bức không chịu nổi, mùa đông lạnh không chịu nổi”
Fyodor Dostoevsky đã viết như thế về những năm tháng lao động khổ sai ở Siberia trong thế kỉ XIX, khi nhà văn nổi tiếng này bị Sa hoàng Nicholas I đầy đến vùng Viễn Đông thưa thớt dân cư. Suốt nhiều thế kỉ, vùng đất rộng lớn nằm ở phía Đông Moscow và phía Bắc Trung Quốc đã là nơi đầy ải các nhà văn và những người hoạt động chính trị - nhưng đấy chủ yếu là do tình trạng cô lập về địa lí của khu vực chứ không phải là vì ở đó không có lương thực, thực phẩm. Thực ra, những người bị lưu đầy khác trong thế kỉ XIX còn nhận xét rằng dân cư ở đó sống khá sung túc. Đến cuối thế kỉ, hàng loạt thành phố công nghiệp đã mọc lên trên khu vực này, trong khi hàng chục ngàn nông nô được giải phóng đi về phía Đông, tìm đến những nguồn tài nguyên giàu có ở Sibiria.
Một trăm năm sau, Trung Quốc – nước đang cần nhập mọi thứ mà Siberia có thể cung cấp, từ dầu mỏ, khí đốt cho đến quặng sắt và gỗ, nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển và nhu cầu năng lượng không phải là than đá – nhảy lên võ đài.
Năm 2009, Trung Quốc đã bỏ qua Đức để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Nga và Trung Quốc đã kí (dù có một vài răc rối) thỏa thuận ràng buộc về việc Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Trung Quốc, khí được khai thác tại các khu mỏ ở cả miền Đông lẫn miền Tây Siberia. Tháng 6 vừa qua hai chính phủ đã tiến hành bước đi tiếp theo trong hàng loạt cuộc thảo luận về vấn đề này. Tuy chưa đạt được thỏa thuận về giá cả, nhưng tháng trước người đứng đầu Gazprom, ông Alexei Miller, nói rằng công ty “đã sẵn sàng cho việc xây dựng đường ống dẫn rồi”.
Trong khi đó, tính đến ngày 1 tháng 6 - thông qua đường ống Đông Siberia – Thái Bình Dương vừa được xây dựng – Nga đã cung cấp cho Trung Quốc hơn 6 triệu tấn dầu thô, nhiều nhà máy thủy điện cũng đang được xây dựng nhằm cung cấp điện năng cho Trung Quốc. Trên sông Angara, con sông dài 1.105 dặm, chảy từ hồ Baikal, cũng là hồ lớn nhất thế giới, người ta đang xây dựng đạp thủy điện thứ tư. Con đập này - gọi là Boguchanskaya – được kì vọng là sẽ bắt đầu phát điện vào mùa xuân sang năm, và ông Oleg Deripaska, một trong những người giàu nhất nước Nga và cũng là người cung cấp tài chính cho việc xây dựng con đập này, nói rằng đấy sẽ là một phần trong số 60 tỉ kWh mà Trung Quốc yêu cầu Nga cung cấp mỗi năm, tính từ nay cho đến năm 2020. Năm 2009 Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 1 tỉ kWh.
Bắc Kinh chính thức nói rằng sự quan tâm và đầu tư của họ ở Siberia đang ngày càng gia tăng sẽ giúp cho khu vực bị cách li và trì trệ về mặt kinh tế này lại đứng vững trên đôi chân của mình. Trên thực tế, năm 2009 vốn đầu tư vào Viễn Đông gia tăng chứ không giảm, đây là khu vực duy nhất ở Nga làm được việc này. “Tôi tin rằng GDP các tỉnh ở Siberia sẽ tăng gấp ba trong vòng 15 năm tới”, ông Deripaska, người sở hữu tổ hợp năng lượng EuroSibEnergo, tổ hợp năng lương tư nhân lớn nhất nước Nga – sản xuất tới 8% năng lượng của Nga – nói với BBC như thế. “Tôi không thấy lí do bỏ qua cơ hội này”.
Nhưng nhiều người tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng của những dự án to lớn này đối với nền văn hóa và môi trường của Siberia. Dân chúng trong các khu vực bị đập thủy điện nhấn chìm đã phải di chuyển khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của họ và chuyển đến những thành phố hoang vắng được xây dựng từ thời Liên Xô, còn những người nghiên cứu môi trường thì lo lắng về việc khô cạn trên các dòng sông và mất rừng.
Nhiều người còn sợ sự phát triển quá nhanh trong lĩnh vực thương mại và tương thuộc, cũng như sợ người nhập cư Trung Quốc sẽ “chiếm đóng” mất khu vực rộng lớn ở Siberia. Hàng chục ngàn người lao động Trung Quốc đang sống ở miền Đông Siberia, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, họ chỉ cần mức lương bằng nửa người lao động Nga là được rồi. Người ta cho rằng đến năm 2015 dân số Nga ở vùng Viễn Đông sẽ giảm đi, chỉ còn 4,5 triệu người, tức là chưa bằng một phần tư dân số của Bắc Kinh.
Krista Mahr là phóng viên của TIME.
No comments:
Post a Comment