3.
Đặc trưng quan trọng của tầng lớp trí thức Nga cũ là tính chất “quí phái” của nó. Trên thực tế trí thức ở Nga chính là tầng lớp quí tộc.
Từ đầu thế kỉ XVIII (80–90% quí tộc xuất hiện trong thế kỉ XVIII–XIX) người ta đã cho rằng quí tộc là tầng lớp thượng lưu, phải bao gồm những người đã tự thể hiện được mình trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau và đã chứng tỏ tài năng của mình so với quần chúng nhân dân (những tính chất được cho là sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau). Trước năm 1845, quân nhân được phong hàm sĩ quan, quan chức dân sự từ bậc 8 trở lên (từ bậc 14 đến bậc 9 được phong quí tộc một đời) cũng như những người được gắn bất kì loại mề đay nào đều được phong tước quí tộc cha truyền con nối. Trình độ học vấn đóng vai trò quyết định trên con đường hoạn lộ. Như vậy là, gần như tất cả những người có học, không phụ thuộc vào thành phần xuất thân, đều trở thành quí tộc, ban đầu là quí tộc một đời và sau này có thể trở thành quí tộc cha truyền con nối và trên thực tế tầng lớp thượng lưu chính là tầng lớp có học.
Đặc trưng quan trọng của tầng lớp trí thức Nga cũ là tính chất “quí phái” của nó. Trên thực tế trí thức ở Nga chính là tầng lớp quí tộc.
Từ đầu thế kỉ XVIII (80–90% quí tộc xuất hiện trong thế kỉ XVIII–XIX) người ta đã cho rằng quí tộc là tầng lớp thượng lưu, phải bao gồm những người đã tự thể hiện được mình trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau và đã chứng tỏ tài năng của mình so với quần chúng nhân dân (những tính chất được cho là sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau). Trước năm 1845, quân nhân được phong hàm sĩ quan, quan chức dân sự từ bậc 8 trở lên (từ bậc 14 đến bậc 9 được phong quí tộc một đời) cũng như những người được gắn bất kì loại mề đay nào đều được phong tước quí tộc cha truyền con nối. Trình độ học vấn đóng vai trò quyết định trên con đường hoạn lộ. Như vậy là, gần như tất cả những người có học, không phụ thuộc vào thành phần xuất thân, đều trở thành quí tộc, ban đầu là quí tộc một đời và sau này có thể trở thành quí tộc cha truyền con nối và trên thực tế tầng lớp thượng lưu chính là tầng lớp có học.
Như vậy là, dù xuất thân khác nhau, cho đến giữa thế kỉ XIX tầng lớp trí thức chính là giới thượng lưu. Sau này, do hệ thống trường học và chức vụ đòi hỏi phải có học vấn tăng lên nhanh chóng, tầng lớp quí tộc vẫn được bổ sung bằng con đường này nhưng tiêu chuẩn phong quí tộc đã được nâng lên (từ năm 1845 chỉ những người có cấp bậc thiếu tá trở lên hay quan chức dân sự bậc 5 trở lên mới được phong cấp quí tộc cha truyền con nối, còn giới quân nhận bậc 14 đến 9 và dân sự bậc 9 đến 6 chỉ được phong quí tộc một đời mà thôi; từ năm 1856 trở đi thì phải là đại tá (bậc 6) hay quan chức bậc 4 trở lên mới được phong cấp quí tộc cha truyền con nối), như vậy là giai đoạn này có một số trí thức không nằm trong tầng lớp thượng lưu. Ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nếu cho rằng tầng lớp trí thức chiếm 2–3% dân số, trong khi quí tộc (kể cả quí tộc một đời chiếm 1,5%) nghĩa là đa số trí thực thuộc tầng lớp thượng lưu (75% số đó phục vụ trong bộ máy nhà nước). Địa vị xã hội và uy tín của tầng lớp trí thức, trong điều kiện như thế, phải nói là rất cao. Không có nước châu Âu nào mà người lao động trí óc (đặc biệt là đối với tầng lớp thấp) lại có địa bị xã hội cao đến thế. Mặc dù từ giữa thế kỉ XIX danh hiệu quí tộc không còn đóng vai trò đáng kể trong cuộc sống của con người, nhưng về mặt tâm lí, có chân trong tầng thượng lưu giúp người ta dễ dàng giữ được sự độc lập về mặt tinh thần, dễ dàng nhận thức được giá trị của chính mình. Quan niệm của một thời chưa xa, khi một người có học tự đồng nhất mình với giới thượng lưu đã để lại dấu ấn “cao thượng” lên toàn bộ lĩnh vực hoạt động trí thức.
Một khi đã tham gia vào đội ngũ “đẳng cấp có học”, một người không xuất thân từ tầng lớp quí tộc, ngay cả khi người đó không được chính thức phong tước (đầu thế kỉ XX chức tước chỉ còn danh nghĩa), cũng tự cảm thấy mình đã thuộc về “đẳng cấp cao”. Và người đó có đủ cơ sở để coi mình là người như thế, vì, dù có sự khác nhau rất lớn giữa một giáo sư đại học và một ông giáo làng, giữa một luật sư ở thủ đô và anh thư kí quèn tỉnh lẻ, giữa một viên tướng tháp tùng hoàng thượng và một viên sĩ quan nghèo thì tất cả bọn họ cũng chỉ chiếm từ 2 đến 3 phần trăm dân số mà thôi. Đương nhiên là tất cả trí thức đều được dân chúng coi là “quí ông”, đấy chính là sự khác biệt giữa họ với tuyệt đại bộ phận dân chúng còn lại.
Nguyên tắc kết nạp các thành viên mới vào tầng lớp tinh hoa trí thức của nước Nga chứa đựng các thành tố tốt nhất của truyền thống châu Âu và phương Đông, tức là bao gồm cả nguyên tắc cha truyền con nối của giai tầng có học, đặc quyền đặc lợi và thu nạp những người có khả năng và có các ưu điểm cá nhân tương xứng. Bên cạnh việc tuyệt đại đa số thành viên của tầng lớp trí thức Nga là những người đã giành được địa vị do những đóng góp của chính mình thì con cái của họ được thừa kế danh hiệu của cha mẹ mình và được ở lại trong giai tầng này. Đến đầu thế kỉ XX, 50–60% thành viên của tầng lớp trí thức xuất thân từ chính môi trường này, nhưng như đã nói hai phần ba cho đến ba phần tư là quí tộc cha truyền con nối hay quí tộc một đời, nhưng cha mẹ đa số người trong bọn họ lại không phải là quí tộc. 30,7% quan chức dân sự, 51,2% sĩ quan, 25,6% học sinh trung học, 22,8% sinh viên xuất thân từ tầng lớp quí tộc (năm 1897). Ngay trước cách mạng tỉ lệ quí tộc trong các thành phần này còn ít hơn. Như vậy nghĩa là đa số trí thức được sinh ra ngay trong tầng lớp này và họ giữ được truyển thống văn hoá của môi trường đã sinh ra mình. Ảnh hưởng của môi trường này lên các “ma mới” mạnh đến nỗi thường thì ngay trong thế hệ đầu tiên ranh giới văn hoá giữa họ và những người “thừa kế” “đẳng cấp có học” đã bị xoá nhoà. Vì việc xây dựng tầng lớp trí thức Xô-viết diễn ra dưới chiêu bài tạo ra “sự đồng nhất trong xã hội”, chế độ cộng sản cố tình tạo ra tầng lớp trí thức có thành phần hoàn toàn xác định; họ dành cho công việc này sự chú ý đặc biệt, nhiều khi còn coi đấy là việc làm có ý nghĩa tự thân nữa. Lí tưởng là có được một tầng lớp trí thức (cho đến khi nó biến mất hẳn) xuất thân hoàn toàn từ “công - nông”, làm sao để mỗi thế hệ trí thức đều là trí thức thuộc “thế hệ đầu tiên”. Nhưng nhiệm vụ thực tế hơn là làm sao trong mỗi thế hệ, tỉ lệ những người xuất thân từ tầng lớp trí thức không vượt quá tỉ lệ của trí thức so với dân chúng nói chung. Nhiệm vụ điều tiết thành phần trí thức được tiến hành theo một số hướng như sau.
Trước hết là thực hiện việc điều tiết thành phần học sinh bằng cách giành ưu tiên cho con em “công - nông” và hạn chế quyền đi học của con em tầng lớp trí thức. Ngay từ năm 1918 người ta đã thông qua một đạo luật vô tiền khoáng hậu, cho phép người thuộc mọi trình độ học vấn, thậm chí không cần trình độ gì, cũng được quyền học đại học và với khẩu hiệu “chinh phục trường đại học”, người ta đã đưa hàng loạt “công nhân đứng máy” vào thẳng đại học. Năm 1921 người ta lại đưa ra “nguyên tắc giai cấp” trong việc tiếp nhận vào đại học nhằm hạn chế tối đa việc nhận con em tầng lớp trí thức vào các trường đại học. Các phương pháp gọi là “giới thiệu”, “cử tuyển”... cũng được áp dụng một cách rộng rãi. Nhằm ngăn chặn, không cho con em tầng lớp có học trở thành ngay cả những thành viên thấp nhất của tầng lớp trí thức, người ta không những không cho họ học đại học mà còn không cho học trong các trường trung học nữa. Chỉ có con em các chuyên gia đặc biệt tin cậy, đây là những trường hợp ngoại lệ, mới được học trong các trường đại học. Đấy là những người được coi là đại diện của “tầng lớp trí thức công nông”. Cuối những năm 1920, trùng hợp với các phiên toà xét xử giới trí thức, “quan điểm giai cấp” càng được nhấn mạnh, đây cũng là lúc số lượng sinh viên gia tăng đột biến. Mãi đến năm 1932, các kì thi tuyển sinh đại học mới được tổ chức. “Nguyên tắc giai cấp” chỉ được bãi bỏ vào khoảng giữa những năm 1930, đấy là lúc các thí sinh, con em của những người “vô sản” và được “cử tuyển” vào đại học trong những năm sau cách mạng đã chiếm một số lượng đáng kể. Những người này tạo thành một nhóm mới, được chế độ đối xử khoan dung hơn: người ta cho rằng “tầng lớp trí thức Xô-viết hậu sinh”, tức là con em của những người nhờ cách mạng và chế độ mà trở thành có học và là thành viên của tầng lớp trí thức mới, sẽ trung thành và không cần kìm kẹp quá mức. Nhưng công nông vẫn được ưu tiên như cũ. Hệ tư tưởng của chế độ luôn luôn cho rằng về nguyên tắc, việc gia tăng số trí thức mới xuất thân ngay cả từ tầng lớp có học do chính chế độ tạo ra là không thể chấp nhận được. Trong những năm 1950, khi xu hướng như thế bắt đầu xuất hiện, người ta đã định quay trở lại với cách làm của những năm 1920–1930. Trong năm 1958 đã thông qua qui định, theo đó những người đã từng tham gia sản xuất, “có thâm niên” sản xuất trên hai năm được ưu tiên khi thi vào đại học, qui định này được áp dụng trong suốt thời gian cầm quyền của Khrushchev. Trên thực tế những người có “thâm niên” chi cần đăng kí là được, kì thi chỉ mang tính hình thức vì trong kế hoạch họ chiếm đến 80% số sinh viên mới. Nhưng việc này đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng chất lượng, chính quyền Xô-viết đành phải từ bỏ việc đột phá “sự xoá bỏ ranh giới giữa lao động trí óc và lao động chân tay”. Lúc đó, theo mô hình của những năm 1920, người ta lại cho tái lập các khoa gọi là “rabfak” (khoa dự bị dành cho công nhân) và hệ thống ưu tiên ưu đãi bất thành văn dành cho những người xuất thân công - nông vẫn tồn tại cho đến tận ngày tàn của chế độ; những người đã kinh qua sản xuất cũng được ưu tiên đáng kể, họ chỉ phải trải qua các kì thi đặc biệt, với điểm đầu vào rất thấp, còn những người đã qua rabfak thậm chí còn không phải thi. Cách làm này đã được báo chí và các công trình khoa học ủng hộ (một trong những đề tài nghiên cứu xã hội học được ưa chuộng là nghiên cứu thành phần sinh viên như tác nhân của “tính đồng nhất của xã hội Xô-viết”).
Kết quả là, ngay sau cách mạng số sinh viên xuất thân từ thành phần có học còn chiếm đến hai phần ba thì chỉ vài năm sau đã giảm đi nhanh chóng. Năm 1923 số thí sinh xuất thân từ thành phần có học dự thi lần đầu chỉ còn chiếm một nửa. Cuối những năm 1920, đầu những năm 1930 số sinh viên xuất thân từ tầng lớp trí thức chỉ còn chiếm từ 20 đến 30% (trong một số trường, đặc biệt là các trường kĩ thuật đôi khi chỉ chiếm dưới 10%), học sinh các trường trung cấp chiếm từ 10–15%. Cần nói thêm rằng trong các lớp ban đêm và tại chức tỉ lệ các sinh viên xuất thân từ tầng lớp trí thức chỉ bằng một nửa hoặc một phẩn ba . Cuối những năm 1930, vì những lí do như đã trình bày, số sinh viên xuất thân từ tầng lớp trí thức chiếm đến 40%, còn trong những năm 1940–1950 được nâng lên thành 50–60%, nhưng sau khi những ưu tiên ưu đãi cho những người có “thâm niên” và các khoa “rabfak” được tái lập thì số này chỉ còn 40–45% và trong những năm 1970 chiếm không quá 50%. Từ cuối những năm 1960 đến cuối những năm 1970, số sinh viên nhập học xuất thân từ tầng lớp trí thức đã giảm 10% (từ 55 xuống còn 45%). Trong số những người tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp, đã nắm giữ các vị trí chuyên viên kĩ thuật hoặc các nghiệp vụ trí thức được ưa chuộng khác, những người xuất thân từ tầng lớp trí thức chỉ chiếm 20%.
4.
Về mặt xã hội - tâm lí và văn hoá - lịch sử, người ta chia tầng lớp trí thức giai đoạn chính quyền Xô-viết thành ba nhóm: 1. những người thuộc tầng lớp trí thức cũ và con em họ, đấy là những người còn giữ được truyền thống; 2. những người trí thức cha truyền con nối của chế độ (con cháu những người thuộc thành phần trí thức sau cách mạng); 3. trí thức Xô-viết thế hệ thứ nhất. Diện mạo của tầng lớp trí thức trong những giai đoạn khác nhau của chế độ Xô-viết được quyết định chủ yếu bởi tương quan lực lượng của ba nhóm này. Mặc dù đã thi hành một số biện pháp, chính quyền Xô-viết không thể hoàn thành ngay được các nhiệm vụ đã đặt ra trong việc điều tiết thành phần giới trí thức. Các cố gắng mang tính quyết định được thực hiện trong những năm 1920–1930. Trong năm 1929 gần 60% trí thức vẫn là những trí thức cũ hoặc con em họ. Nhưng đến cuối những năm 1930 số này chỉ còn chiếm 20–25%. Loại bỏ hoàn toàn giới trí thức cũ là việc bất khả thi vì muốn sống còn chế độ phải giữ, dù ở mức tối thiểu, một số người có văn hoá thực sự. Người ta buộc phải để cho con em giới trí thức bổ sung vào thế hệ trí thức mới, ngoài ra con em trí thức cũ cũng có thể nhập học sau khi đã trải qua một thời gian lao động nhất định. Nhưng những mất mát mà tầng lớp trí thức cũ phải gánh chịu do bị đàn áp và lưu vong là không thể phục hồi được. Tỉ lệ của những người xuất thân từ tầng lớp trí thức cũ giảm đi nhanh chóng và sau Thế chiến II thì chỉ còn chiếm chưa đến 10% số trí thức nói chung.
Nhóm thứ hai xuất hiện vào cuối những năm 1930, nhưng còn ít, phải đến sau Thế chiến II mới có sự bùng nổ về số lượng. Đến đầu nhũng năm 1960 nhóm này chiếm từ 20 đến 25% số trí thức nói chung. Và không phải vô tình mà trong thời gian này, khi cháu của thế hệ trí thức Xô-viết thứ nhất đến tuổi vào đại học, đấy là lúc chế độ phải đối mặt với một tương lai hoàn toàn không dễ chịu chút nào, tức là trong tương lai gần sẽ có tầng lớp trí thức đông đảo thuộc thế hệ thứ ba (điều này mâu thuẫn với cả các quan điểm về xã hội học và tư tưởng của nó). Người ta lại thực hiện một chiến dịch bài trí thức. “Quan điểm giai cấp”, giống như hồi những năm 1920-1930, lại giữ thế thượng phong. Từ những năm 1960, khi số lượng con em những người trí thức Xô-viết tham gia vào hàng ngũ trí thức càng gia tăng thì tỉ lệ những người xuất thân từ tầng lớp trí thức có tăng lên (khoảng 30%) và đến những năm 1980 thì đạt con số 35–45%. Kết quả của các biện pháp này là người ta đã ngăn chặn được đà gia tăng tỉ trọng của tầng lớp trí thức cha truyền con nối.
Tuy không giảm được tỉ lệ trí thức xuất thân từ tầng lớp có học trong thành phần trí thức xuống ngang bằng với tỉ lệ của tầng lớp trí thức so với dân số nói chung, nhưng người ta đã thực hiện được nhiệm vụ là tạo ra một tầng lớp trí thức mới đặc biệt, gọi là “trí thức Xô-viết”: ba phần tư giới trí thức là những người thuộc thế hệ đầu tiên, có trình độ văn hoá chẳng hơn gì trình độ của quần chúng nói chung. Tương quan lực lượng đó được giữ bằng cách gia tăng thật nhanh số lượng trí thức thuộc thế hệ thứ nhất. Nhóm trí thức thứ ba đạt tỉ lệ cao nhất vào cuối những năm 1930, đầu những năm 1940 (từ 80 đến 90%), sau đó vì sự gia tăng của nhóm thứ hai, tỉ lệ của nó có giảm dần một cách chậm chạp. Nhưng nhờ việc kiểm soát thành phần sinh viên, chế độ vẫn tiếp tục bảo đảm cho nhóm này giữ được số lượng vượt trội cho đến ngày cuối cùng, tức là giữ được diện mạo của tầng lớp trí thức Xô-viết: trí thức một đời. Chỉ có các tầng lớp tinh hoa (giới hàn lâm, văn nghệ sĩ) là có tỉ lệ những người xuất thân cha truyền con nối cao hơn mà thôi,
Kết quả là những người trí thức đã đánh mất khái niệm về lòng tự trọng cá nhân và đoàn thể của mình và không còn mối liên hệ nào với giới quyền uy cũ (nơi những khái niệm như thế tự động xuất hiện). Nó lại không có khả năng tạo ra được những khái niệm mới vì trong xã hội Liên Xô tầng lớp trí thức không những không phải là tầng lớp đặc quyền đặc lợi mà ngược lại, còn bị coi là tầng lớp bất toàn về mặt xã hội, là “giai tầng” tạm thời và không đáng tin, là đối tượng để quần chúng công nông giáo dục về mặt tư tưởng nữa. Trước cách mạng điều kiện vật chất của tầng lớp trí thức nói chung là có thể chấp nhận được. Ít nhất, nó cũng tương xứng với vị trí xã hội mà tầng lớp này nắm giữ. Nói cho ngay, trí thức không phải là những người giầu có, đa số không có sở hữu đất đai hay bất động sản nào khác. Cho đến đầu thế kỉ XX, 60% những người giữ các chức vụ cao trong bộ máy nhà nước (quan chức bậc 1–4) không có bất động sản, 95% sĩ quan không có bất động sản. Nhưng tiền lương và thu nhập của những người lao động trí óc là khá cao, cao gấp vài lần thu nhập của người lao động chân tay. Lương của một kĩ sư trong bộ máy nhà nước là gần 2 ngàn rub, trong doanh nghiệp tư nhân là 3 ngàn rub trở lên, bác sĩ – 1,5 ngàn rub, giáo viên trung học – từ 900 đến 2500 rub, sĩ quan cấp thấp – 660 đến 1260 rub, nghệ sĩ – 1200 đến 1800 rub, luật sư – 2 đến 10 ngàn rub, giáo sư đại học – 3 đến 5 ngàn rub. Thu nhập của các hoạ sĩ, nghệ sĩ, luật sư, giáo sư nổi tiếng và những người lãnh đạo trong cách ngành vận tải và công nghiệp có thể tới 12 ngàn rub, hoặc hơn. Năm 1913 thu nhập trung bình của một công nhân là 258 rub một năm, trong khi của trí thức là 1058 rub (những người làm trong ngành kĩ thuật là 1462 rub). Chỉ những tầng lớp thấp như giáo viên tiểu học, y tá... mới có thu nhập ngang bằng với quần chúng nhân dân nói chung mà thôi. Sau thời gian phục vụ nhất định họ còn được nhận lương hưu bằng đúng mức lương khi còn làm việc. Như vậy nghĩa là, phúc lợi vật chất của một người trung bình trong “giới có học” tạo điều kiện cho anh ta giữ được uy tín của mình và đáp ứng được quan niệm về vai trò của giai tầng này trong xã hội. Địa vị của tầng lớp trí thức Xô-viết tương đương với thu nhập của chính họ. Ngay sau cách mạng, tức là trong những năm 1920 thu nhập trung bình của tầng lớp trí thức chỉ bằng, thậm chí thấp hơn, thu nhập của công nhân (trước cách mạng cao hơn 4 lần). Một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp nặng và các nhà khoa học đầu đàn là những ngoại lệ, người ta biện hộ rằng đấy là do sự thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia loại này. Không kể các điều kiện về nhà ở và các điều kiện khác, riêng thu nhập của tầng lớp trí thức đã giảm đến 4–5 lần. Các chuyên gia bậc trung và bậc cao là những người bị thiệt thòi nhất (nếu các giáo viên tiểu học được nhận đến 75% mức lương trước cách mạng thì giáo sư và giảng viên đại học chỉ được nhận 20% mức lương thời trước cách mạng, ngay cả đến cuối những năm 1920 lương bổng của các nhà khoa học cũng chưa bằng 45% thời trước cách mạng). Trước cách mạng, giáo sư có mức lương gấp 15,4 lần lương công nhân, cuối những năm 1920 chỉ còn gấp 4,1 lần).
Cùng với quá trình “vô sản hoá” và “Xô-viết hoá” tầng lớp trí thức, cuối những năm 1930 người ta cho rằng có thể nâng cao phúc lợi cho nó, nhưng nên nhớ rằng lương của những người lao động trí óc trong nhiều lĩnh vực còn thấp hơn lương của công nhân công nghiệp, nhưng ít nhất lương của các kĩ sư và kĩ thuật viên cũng cao gấp đôi lương công nhân, còn lương của các cộng tác viên khoa học thì cao hơn khoảng một phần ba. Nhưng sau này, thu nhập tương đối của những người lao động trí óc đã sụt giảm liên tục, quá trình này không hề có điểm dừng và diễn ra đặc biệt nhanh trong những năm 1950–1960, lúc đó lương của những người lao động trí óc thuộc mọi lĩnh vực đều thấp hơn lương công nhân. Đầu những năm 1970, ngay các nhà khoa học cũng có mức lương thấp hơn công nhân và đến giữa những năm 1980 thì đến lượt các kĩ thuật viên trong lĩnh vực công nghiệp, đây là nhóm giữ được lâu nhất sự bình đẳng với giai cấp công nhân về mặt lương bổng.
Nếu tính thêm việc các quĩ gọi là “phúc lợi xã hội” cũng được tái phân phối theo hướng có lợi cho công nhân, thì cho đến những năm 1980 mức sống của tầng lớp trí thức chỉ bằng một nửa hoặc 40% mức sống của công nhân (lương của phần lớn bác sĩ, giáo viên, cán bộ văn hoá chỉ bằng một phần tư đến một phần ba lương của công nhân mà thôi). Thế mà trong các tác phẩm viết về xã hội học người ta lại nhấn mạnh “xu hướng tích cực” của quá trình này, coi đó là “một trong những khía cạnh chủ yếu của quá trình tiến đến một xã hội đồng nhất”. Như vậy nghĩa là sự phân tầng về thu nhập của những người lao động trí óc và lao đông chân tay không những đã bị cào bằng mà còn bị đảo ngược, kết quả là so với thới kì trước cách mạng, mức sống của tầng lớp trí thức đã suy giảm đến hơn mười lần.
Như vậy là, nhìn từ phía nào ta cũng thấy sự cách biệt to lớn đến mức chẳng thể nào phục hồi lại được vị trí của giới trí thức hiện đại. Tầng lớp trí thức, do chế độ Xô-viết xây dựng lên, ở một số khía cạnh nào đó, là một hiện tượng có một không hai. Khác với các nước khác và khác với nước Nga trước cách mạng, nơi tầng lớp trí thức hình thành một cách tự nhiên, ở Liên Xô nó được tạo dựng một cách nhân tạo, mà lại được tạo dựng chủ yếu từ một loại vật liệu không phù hợp. Tầng lớp này còn được coi là một hiện tượng tạm thời, sẽ phải “cáo chung” trong một tương lai không xa. Xã hội với một “tầng lớp có học” có chất lượng, qui chế và địa vị như thế thì không thể có đủ sức cạnh tranh và nhất định sẽ bị thoái hoá. Sự thoái hoá của của tầng lớp trí thức là không thể tránh khỏi vì chế độ Xô-viết là chế độ được xây dựng trên nguyên tắc phản-chọn-lọc. Nó không chỉ tiêu diệt những người ưu tú nhất, mà (điều này còn quan trọng hơn) còn liên tục cất nhắc những kẻ tồi tệ nhất. Quá trình chọn lựa kéo dài hơn một nửa thế kỉ những kẻ xấu xa nhất đã dẫn đến kết quả là không những nhóm lãnh đạo chính trị chóp bu mà cả ở những nấc thang thấp hơn của kim tự tháp quyền lực đều chỉ là những kẻ chẳng ra gì. Đấy là lí do vì sao chế độ Xô-viết về nguyên tắc là không thể thay đổi được, ngay cả trong trường hợp tầng lớp lãnh đạo cao nhất của nó bị loại bỏ.
Sự phát triển thành công của bộ máy nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào quá trình “phối kết hợp” tầng lớp tinh hoa trí thức với tầng lớp tinh hoa quản lí - chính trị, nói một cách đơn giản hơn là xã hội có biết cách sắp xếp địa vị xã hội cho từng người phù hợp với khả năng trí tuệ của anh ta hay không (I. Ilin gọi là “tư tưởng phẩm hàm”), nghĩa là bảo đảm việc thăng cấp cho những người, nếu không phải là tài năng nhất thì ít nhất cũng là những người có học vấn cao nhất. (Nếu tài năng có thể được đánh giá một cách chủ quan thì xã hội nào cũng có các tiêu chí khách quan để đánh giá trình độ học vấn, và có thể dựa vào việc các tiêu chí này quan trọng đến mức nào đối với sự nghiệp công chức mà đánh giá [trình độ] tổ chức của xã hội đó). Nếu tầng lớp tinh hoa trong lĩnh vực quản lí trước cách mạng bao gồm những người được giáo dục và có học vấn tốt nhất trong thời đại của mình và tầng lớp tinh hoa chính trị trong các nước châu Âu ngày nay cũng bao gồm chủ yếu là những người đã tốt nghiệp các trường đại học uy tín nhất thì ở Liên Xô bức tranh hoàn toàn ngược lại: tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất gần như là những người có trình độ học vấn - văn hoá kém nhất trong số những người lao động trí óc. Mặc dù nước ta có một số trường đại học có chất lượng cao (cứ cho là so với bối cảnh chung của các trường đại học Liên Xô), nhưng hiếm khi những người tốt nghiệp các trường như thế được tham gia vào tầng lớp tinh hoa trong lĩnh vực quản lí. Tầng lớp quản lí thường chỉ bao gồm những người tốt nghiệp các trường đại học tỉnh lẻ cộng với Trường Đảng cao cấp, nghĩa là những trường đại học có trình độ văn hoá thấp nhất. Sự kiện là trình độ học vấn và văn hoá của các cán bộ trong bộ máy của Đảng (nomenclature) thấp hơn trình độ của giới trí thức nói chung đã dẫn đến sự đối lập “quan chức – trí thức” mà ai cũng biết (trước cách mạng không có chuyện như thế vì trình độ văn hoá của đội ngũ lãnh đạo cao cấp bao giờ cũng cao hơn mức trung bình của tầng lớp trí thức lúc đó). Bộ máy quản lí thời Khrushchev và quan điểm đối với chính sách trong lĩnh vực khoa học và giáo dục đã có ảnh hưởng cực kì tai hại đối với chất lượng và vị trí của giới trí thức. Đây là giai đoạn mà sự tầm thường hoá giáo dục đại học đạt đến đỉnh điểm: hàng chục trường đại học không đủ điều kiện đã được thành lập. Số lượng sinh viên tăng đột biến trong những năm 1960 và chất lượng của nó cũng suy giảm tương ứng. Đây chính là giai đoạn hình thành cơ sở cho việc “sản xuất thừa” các chuyên gia, mà biểu hiện trầm trọng nhất diễn ta trong những năm 1980. Kết quả và quá trình bành trướng số người lao động trí óc trong giai đoạn này đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng uy tín của lao động trí óc và phúc lợi của những người làm việc trong các lĩnh vực này so với những người lao động khác. Những năm đó đã tạo ra những hậu quả năng nề nhất đối với tương lai của khoa học. Việc mở rộng như vũ bão biên chế các viện nghiên cứu khoa học, cũng như gia tăng theo cấp số nhân các viện đó đã dẫn tới kết quả là những người mà trong điều kiện bình thường không thể có hi vọng và phần lớn không hề nghĩ đến việc nghiên cứu khoa học cũng trở thành cộng tác viên khoa học. Những người bước chân vào khoa học trong những năm 1960, bước chân vào khoa học trong giai đoạn “tổng động viên” đó là lực lượng bổ sung tồi tệ nhất. Đến những năm 1980 họ đã trở thành gánh nặng, và vì thế mà những dự định cải cách lúc đó không thể nào thoát ra được. Hơn thế nữa, do quá trình thay đổi thế hệ, lúc đó họ đã chiếm giữ hầu hết các vị trí lãnh đạo trong khoa học và thực hiện chính sách cán bộ trong lĩnh vực này theo đúng bản chất của chính mình.
Một sự kiện nữa, mang tính quyết định đối với quá trình suy giảm chất lượng của tầng lớp trí thức trong những năm 1960 so với những năm 1950, là lúc đó đã không còn các chuyên gia thế hệ trước cách mạng, không còn những người có học vấn thực sự nữa. Và như thế nghĩa là đã không còn tiêu chí đánh giá học vấn chân chính nữa, người trí thức Xô-viết đã trở thành tiêu chuẩn tuyệt đối.
Tình cảnh đáng thương và vị trí của tầng lớp trí thức hiện nay đã được quyết định ngay từ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Ngay từ lúc đó, việc thoái hoá toàn diện của nó đã là sự kiện nhãn tiền rồi. Lúc đó đã xuất hiện khá nhiều tác phẩm sách báo nói về vấn đề trí thức và tương lai của tầng lớp này. Quan điểm của các tác giả có thể qui về những điểm chính sau: 1. càng ngày trí thức càng gần gũi với công nhân, nghĩa là đang xảy ra hiện tượng hội nhập hai giai tầng này với nhau, 2. hầu hết các gia đình là pha tạp về mặt xã hội, 3. tầng lớp trí thức không tự tái sản xuất mà mỗi thế hệ lại được bổ sung từ thành phần công nhân và nông dân, 4. tính chất công việc do trí thức và công nhân thực hiện chứng tỏ sự xoá nhoà danh giới giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Từ đó người ta rút ra kết luận về chiến thắng hoàn toàn và trong tương lai không xa của chế độ Xô-viết trong sự nghiệp tạo dựng nên một xã hội đồng nhất.
Không đi sâu vào những sự thổi phồng và xuyên tạc đặc trưng cho những tác phẩm kiểu này, nhưng phải công nhận rằng những bản tin chiến thắng của các nhà xã hội học Xô-viết phản ánh được một phần sự thật. Chế độ Xô-viết, sau hàng chục năm phấn đấu, đã gần đạt được thành công trong việc loại bỏ tầng lớp trí thức, như một hiện tượng xã hội đặc thù, như một cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, với sự tự nhận thức mang tính đặc thù; hoàn toàn loại bỏ được đặc trưng mang tính thượng lưu của nó và xoá bỏ được sự khác biệt về trình độ học vấn và vốn văn hoá giữa nó với đám quần chúng nhân dân nói chung.
*
Nhưng khi đã có người đặt vấn đề về địa vị của những người có học thì có nghĩa là một bộ phận của giới trí thức đã có sự tự nhận thức và quan tâm đến ý tưởng về việc khôi phục địa vị của của mình trong xã hội. Tương lai sẽ ra sao? Quá trình phục hưng giới trí thức của nước ta phụ thuộc vào hai điều kiện: 1. khả năng của nhà nước trong việc bồi dưỡng một thế hệ trí thức mới (ít nhất là tạo điều kiện cho nó) và sử dụng một cách đúng đắn những người trí thức hiện có và 2. sự hiện diện của một nhà nước quan tâm đến vấn đề này. Khó có thể tạo được tầng lớp trí thức có chất lượng cao nếu chính quyền ở đó không hướng tới một vai trò độc lập, then chốt trên trường quốc tế hoặc không coi giá trị tự thân của nền văn hoá dân tộc là kim chỉ nam cho hoạt động của mình. Các trí thức trong nhà nước như thế (ngay cả những người có trình độ cao nhất) sẽ không gắn kết con đường công danh, không gắn kết thành tựu của mình với thành tựu của đất nước và địa vị của quốc gia mà ngược lại, họ sẽ tìm cách hoà nhập vào đội ngũ những người có học của các quốc gia có “uy tín” hơn.
Nếu chính phủ ngang tầm với những nhiệm vụ đặt ra với nó và quan tâm tới việc tạo dựng một tầng lớp trí thức thực sự có giá trị thì nó sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề. Tầng lớp có học hiện nay đang ở trong tình trạng là ngay cả nhận dạng các thành viên của nó cũng là một việc rất khó. Nếu coi đấy là tầng lớp tinh hoa của xã hội thì không chỉ những tầng lớp lao động trí óc cấp thấp (khi so sánh về trình độ học vấn và văn hoá với quần chúng nhân dân nói chung, như vẫn thường xảy ra trong các nước châu Âu) mà cả phần lớn thành viên của các nhóm có học, tuy vẫn là tinh hoa theo quan điểm của châu Âu, cũng sẽ bị ra rìa vì sự hiểu biết và văn hoá không phù hợp với tiêu chuẩn chung. Không nghi ngờ gì rằng một số lượng rất lớn những người được gọi là “kỹ giả”[1] ngu dốt và vô năng do chế độ Xô-viết nặn ra sẽ bị mất việc nếu người ta thực sự đoạn tuyệt với cách làm trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những người này sẽ nằm bên ngoài tầng lớp trí thức, vì vậy họ sẽ tìm mọi cách kháng cự và tìm mọi cách bảo vệ các tiêu chuẩn đào tạo và trình độ văn hoá phù hợp với chính họ. Mặt khác, thực tiễn cũng cho thấy rằng những người có năng lực cũng khó có thể tìm được vị trí xứng đáng trong bộ máy công quyền vì chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng những người như thế.
Về nguyên tắc, con số không lớn các nhà trí thức đáp ứng được vai trò của họ có thể được bù đắp bằng cách đưa những người đó vào những lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của bộ máy nhà nước, tạo điều kiện cho họ chiếm lĩnh những vị trí phù hợp. Nhưng thực tiễn quá trình tuyển lựa hiện nay cho thấy còn xa mới đạt được điều kiện như thế vì trong lĩnh vực nhà nước thì các tiêu chuẩn chính trị đang giữ thế thượng phong, còn trong lĩnh vực kinh doanh (trong điều kiện bình thường thì cơ chế chọn lọc tự nhiên sẽ hoạt động một cách hữu hiệu), thì do đặc điểm mafia và những dây mơ dễ má với chính quyền của các “doanh nghiệp” của chúng ta mà tiêu chuẩn “quen biết” lại đóng vai trò chủ đạo.
Mặc cho tính chất phi tự nhiên của tầng lớp trí thức Xô-viết nói chung, trong thành phần của nó vẫn còn, thậm chí đã hình thành những nhóm với các thành viên có phẩm chất tốt hơn. Đấy trước hết là những người làm trong lĩnh vực hàn lâm và kĩ thuật quân sự. Trong các ngành này, như mọi người đầu biết, năng lực trí tuệ của chúng ta vẫn đứng ngang tầm quốc tế, ít nhất là trong lĩnh vực chuyên môn. Vì nhiều lí do (một số, do được đặc biệt chú ý và quan tâm, số khác, ngược lại, đứng “cách rất xa” con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản) những người này thoát khỏi được sự kiểm soát gắt gao về mặt tư tưởng và vẫn giữ gìn được các nét đặc trưng của tầng lớp trí thức tinh hoa. Tầng lớp này còn có một đặc điểm nữa là có khả năng “tái sản xuất” rất cao. Nói chung có chưa đến một nửa chuyên viên xuất thân từ tầng lớp có học nói chung (đặc biệt là các cán bộ kĩ thuật trong các xí nghiệp) thì có đến 60% chuyên viên các phòng thiết kế, 70% chuyên viên các viện nghiên cứu chuyên ngành và hơn 80% cộng tác viên các viện nghiên cứu mang tính hàn lâm xuất thân từ tầng lớp có học. Họ cũng còn giữ được một vài truyền thống của tầng lớp trí thức trước cách mạng nữa. Việc đào tạo thế hệ trí thức mới chỉ có thể được thực hiện nhờ hệ thống các trường học thuộc mọi bậc học, thông qua các kì thi tuyển, như các nước bình thường đang làm. Khi đã chủ động định hướng theo các mô hình đã biết trên thế giới thì ngay cả với tiềm lực sư phạm hiện có, việc đào tạo một số (ban đầu có thể không nhiều) các nhà trí thức đáp ứng được vai trò và nhiệm vụ của họ có thể là công việc khả thi.
Như thế nghĩa là, nếu tầng lớp trí thức của nước ta có được cơ hội tái sinh như một tầng lớp tinh hoa thì nó sẽ bao gồm ba thành tố: một số trí thức hiện nay, sau khi đã trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên, một số trí thức hiện đáp ứng được chức năng và nhiệm vụ của họ và trí thức thế hệ mới. Nhưng tầng lớp tinh hoa trí thức, như một giai tầng xã hội, chỉ có thể hình thành nhờ những cố gắng mang tính chủ động của nhà nước. Không có sự cố gắng như thế, đất nước, trong trường hợp tốt nhất, sẽ biến thành người cung cấp chuyên gia cho các nước khác mà thôi.
Thế giới Mới (Novy mir) 1995, số 8
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.
[1] Thuật ngữ do dịch giả La Thành sáng tạo ra trong bài báo nêu trên (N.D.)
No comments:
Post a Comment