April 26, 2017

Mikhail Magid - Chế độ toàn trị - tương lai tươi sáng hay là quá khứ tối tăm – Kì 3

 
Bài đăng trong cuốn Những tiểu luận về chính quyền , Vô Danh xuất bản, 2016




Chủ nghĩa toàn trị và quyền lực của đám đông


Các tư tưởng toàn trị - Hannah Arendt nói - là vô hại và không nguy hiểm khi chưa chiếm được lòng tin tuyệt đối. Nhưng khi các tư tưởng này đã biến thành bộ khung của các hệ thống logic, là nền tảng, là xuất pháp điểm, dù đấy có là đấu tranh giai cấp, hay đấu tranh chủng tộc thì cuối cùng cũng sẽ xuất hiện một cách giải thích đơn giản mọi vấn đề. (Ở Liên xô tất cả các tiến trình văn hoá và xã hội được lí giải từ quan điểm đấu tranh giai cấp, còn ở Đức thì trên quan điểm đấu tranh dân tộc và chủng tộc.) Lòng tin mù quáng và nguyên tắc "đảng bao giờ cũng đúng" được nhồi sọ chính trên nền tảng tư tưởng đó. Nhưng chuyện đó xảy ra trong hoàn cảnh nào? Nó xảy ra trong hoàn cảnh khi mà xã hội biến thành một đám đông hỗn loạn, khi các mối liên hệ cộng đồng tương trợ giữa các cá nhân bị chặt đứt và quá trình này lại rơi đúng vào lúc quần chúng gặp những khó khăn vô cùng to lớn về kinh tế. Đấy là nước Nga đầu thế kỉ XX, khi tiến trình công nghiệp hoá và thương mại hoá do chính quyền Sa hoàng tiến hành đã phá vỡ nền tảng cộng đồng cư dân nông nghiệp, sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội vô cùng nặng nề gây ra bởi chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đấy là Liên xô những năm 30 của thế kỉ trước, mà theo lời của nhà Xô viết học người Pháp, Nikol Vert, thì xã hội đã biến thành "những hạt cát di động", quá trình tập thể hoá đã đẩy một khối quần chúng to lớn khỏi nếp sống truyền thống, phải di cư vào những trung tâm công nghiệp đang phát triển. Việc đưa phương pháp sản xuất theo dây chuyền trong những năm 20 và 30 của thế kỉ trước và nạn thất nghiệp đã làm cho tiến trình "hạt nhân hoá" ở nước Đức đạt đến những giới hạn chưa từng có. Xã hội tư bản-công nghiệp đã mang sẵn mầm mống toàn trị trong lòng. Nhưng chủ nghĩa toàn trị chỉ trở thành một nhu cầu khi xã hội ấy rơi vào khủng hoảng sâu sắc.

Trong số những yếu tố đưa đến sự xuất hiện các phong trào toàn trị, ngoài công nghiệp hoá và thương mại hoá phải kể đến khủng hoảng kinh tế - xã hội và sự bần cùng hoá của quần chúng. Ở đây ta thấy một tính chất bất ngờ nhất của các phong trào và chế độ toàn trị: chúng tự tạo ra chỗ dựa cho mình. Điều đó không có nghĩa là các phong trào và chế độ đó không nhận được sự ủng hộ của các nhóm xã hội đã hình thành trong xã hội "trước toàn trị". Nhưng chúng ta sẽ không thể hiểu được động năng của chủ nghĩa toàn trị nếu không nói đến việc nó tự tạo ra chỗ dựa cho mình từ những người bị bần cùng hoá. Chỗ dựa của các phong trào và các chế độ toàn trị chính là các tổ chức quần chúng đông đảo hoặc các đơn vị dân quân vũ trang. Những kẻ trung thành nhất của các tổ chức này được thoả mãn không những về mặt tâm lí mà còn nhận được quyền lợi về mặt vật chất và xã hội khi họ chui vào được bộ máy quan liêu của chế độ.


Ở nước Nga


Như đã nói ở trên, sự phát triển của nền công nghiệp công và tư, việc các nhà sản xuất nhỏ bị đẩy khỏi thị trường, sưu cao thuế nặng buộc người nông dân phải rời bỏ làng mạc đi vào thành phố kiếm việc làm, công cuộc tư nhân hoá ruộng đất bằng vũ lực do Stolưpin tiến hành và cuối cùng là khủng hoảng kinh tế, nạn đói, thất nghiệp hàng loạt và bần cùng hoá gây ra bởi cuộc thế chiến thứ nhất đã tạo ra phản ứng bằng cuộc cách mạng Nga vĩ đại. Một mặt ta thấy đấy là những cố gắng của công nhân, nông dân và một bộ phận trí thức trong việc tổ chức đời sống thông qua các Xô viết, các Uỷ ban của giai cấp thợ thuyền và Liên đoàn lao động của nông dân, các hợp tác xã và các tổ chức tự quản khác. Nhưng mặt khác cuộc khủng hoảng cũng đẩy một bộ phận dân chúng cần lao (đấy là những người công nhân, nông dân mặc áo lính hoặc nông dân nghèo) đi tìm một điểm tựa mới là nhà nước mạnh và những tập thể tổ chức theo lối cũ có thể thay thế cho cái xã hội gồm những con người hạt nhân đang ở thời kì tan rã. Họ nhận thấy điểm tựa là Đảng của những người bolsevic. Những cuộc mít tinh và tuần hành có rất nhiều người tham gia do Đảng tổ chức trước và sau khi nắm được chính quyền, yêu cầu tuyệt đối phục tùng lãnh tụ, hi sinh quyền lợi riêng cho mục đích chung, những lời kêu gọi theo kiểu của Lênin "ủng hộ những cuộc trấn áp hàng loạt" nhằm chống lại kẻ thù của cách mạng, việc hình thành chính phủ siêu tập quyền trong đó hàng trăm ngàn công nhân và nông dân không chỉ tìm thấy những kẻ cùng hội cùng thuyền với mình mà còn được nhận chức vụ nữa, nói cách khác họ đã có quyền và có tiền - tất cả những điều đó đã trở thành cơ sở của chính quyền bolsevic. Năm 1919, một phần ba trong số sáu trăm ngàn đảng viên Đảng cộng sản Nga (bolsevic) đã trở thành các quan chức của chính quyền Xô viết, đa số họ vốn là công nhân hoặc nông dân.

"Khi hàng loạt nhà máy và công xưởng bị đóng cửa”, Viktor Trernov, một nhà cách mạng theo đường lối xã hội viết năm 1918, “thì trên thực tế đa số công nhân ở đấy đã là những người phi giai cấp. Trong thời gian chiến tranh giai cấp công nhân đã mất bộ phận giá trị nhất, đấy là những người công nhân đứng tuổi, có kinh nghiệm, không hiểu sao lại bị đẩy ra mặt trận…Thay thế cho số mất mát đó là những người nông dân, tiểu thị dân, đày tớ, lao công…". Nông dân cũng bị bần cùng hoá, thế mà đa số binh lính vốn là nông dân. "Rất nhiều người bị tách khỏi quá trình sản xuất (nông nghiệp - tác giả chú thích) trong một thời gian quá dài. Chiến tranh thì liên miên. Trở thành vô nghề nghiệp, họ cũng dễ dàng trở thành những kẻ vô luân. Trong thiên truyện ngắn "Mishanka" tác giả Glev Uspenski đã vẽ lên một bức tranh sống động quá trình những gã trai làng khoẻ mạnh, tư cách, trong môi trường lao động quen thuộc (làng xã, chú thích của tác giả) vốn là những người mẫu mực, nhưng khi bị đẩy khỏi môi trường quen thuộc, rơi vào vòng xoáy của đời sống xa lạ trong thành phố, họ bị mất phương hướng và những đầu óc tối tăm đó không còn phân biệt được đâu là thiện đâu là ác nữa. Hậu phương rồi sẽ trở thành những phòng thí nghiệm thực sự của đám lính phi giai cấp này…"

Dung nham được các phong trào toàn trị tung ra rồi sẽ nguội đi và cùng với thời gian sẽ vón thành kết cấu vững chắc lập nên bộ máy quan liêu. Nhưng các chế độ toàn trị bao giờ cũng cố gắng giữ tâm trạng quần chúng luôn luôn ở trạng thái căng thẳng. Quá trình huỷ hoại các mối liên kết xã hội độc lập với nhà nước, theo chiều ngang, việc phá huỷ chính xã hội (bản thân xã hội chỉ còn là xã hội khi còn những mối liên kết theo chiều ngang giữa người với người) dẫn đến những hiện tượng suy đồi nghiêm trọng. Quần chúng mất phương hướng và tách khỏi mọi liên hệ sẽ dễ dàng trở thành đám đông hung hăng và dễ điều khiển, họ sẵn sàng tuân theo chỉ thị của lãnh tụ một cách mù quáng và tham gia bằng cách này hay cách khác vào những hành động tội ác của đám lãnh tụ đó. "Tập thể hoá bằng vũ lực và công cuộc hiện đại hoá cấp tốc (trong những năm 30) đã tạo ra một làn sóng di dân to lớn”, nhà sử học người Pháp, Nikol Vert, viết. “Xã hội Xô viết đã trở thành một trại tạm cư của dân du mục, trở thành xã hội của "những hạt cát di động". Tại nông thôn cơ sở hạ tầng làng xã và nếp sống truyền thống đã bị phá huỷ hoàn toàn. Đồng thời, ở thành phố đã hình thành một tầng lớp công nhân trẻ vốn là những người nông dân trốn hợp tác xã đi ra thành thị". Nói chung, đặc trưng của Liên xô những năm 30 của thế kỉ trước là sự năng động rất cao: nền công nghiệp non trẻ cần rất nhiều cán bộ quản lí mới, ngoài ra các vụ thanh trừng lại giải phóng nhiều vị trí trong bộ máy lãnh đạo chính quyền, đảng và quân đội, và đương nhiên những người nắm giữ các vị trí mới hoặc các vị trí do các quan chức bị thanh trừng để lại cũng là những người xuất thân từ nhân dân hoặc từ các tầng lớp thấp của bộ máy quan liêu, những người này phải biết ơn giai đoạn "bước ngoặt" và lãnh tụ thiên tài Stalin.

Tất nhiên tính tích cực của quyền lực đám đông toàn trị lúc này đã nắm dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ và nhà nước chứ không còn được thả lỏng như thời kì đầu cách mạng nữa. Họ đã khéo léo định hướng và sử dụng các hoạt động đó nhằm nâng cao năng suất lao động và phục vụ quốc gia trên mặt trận "lao động và sản xuất".

Chúng tôi phần nào đồng ý với Hannah Arendt khi bà viết: "Stalin phải tự tạo ra một xã hội hạt nhân mà hoàn cảnh lịch sử đã tạo sẵn cho bọn phát xít ở nước Đức", nhưng chúng tôi cho rằng việc hình thành và phát triển của chủ nghĩa bolsevic ngay từ khởi thuỷ đã là phản ứng của xã hội đối với việc huỷ hoại cộng đồng nông dân và nền sản xuất thủ công truyền thống dưới chế độ quân chủ.


Và ở Đức


Tại Đức trong những năm Đại khủng hoảng đã xảy ra hiện tượng bần cùng hoá quần chúng và hạt nhân hoá xã hội một cách sâu sắc, mọi người đều bị cuốn hút vào cuộc đấu tranh sinh tồn. Nổi lên một tầng lớp xã hội bao gồm chủ yếu là các doanh nhân nhỏ có sử dụng lao động làm thuê (nghĩa là đã có kinh nghiệm lãnh đạo), những người sản xuất và buôn bán cá thể. Bị chèn ép bởi một bên là các xí nghiệp độc quyền lớn và bên kia là các nghiệp đoàn lao động làm thuê mạnh (do những người dân chủ - xã hội và cộng sản lãnh đạo), tầng lớp này rất cần một tổ chức riêng để đấu tranh chống lại cả hai sức ép nói trên. Ngay từ khởi thuỷ bọn phát xít đã tập trung chú ý đến giai tầng này và dần dần đã nhận được chỗ dựa và sự ủng hộ tích cực của chính tầng lớp ấy. Đến lượt mình các nhà doanh nghiệp nhỏ nhận thấy đảng phát xít và các tổ chức bán vũ trang của đảng này chính là người bảo vệ của mình. Nhưng dĩ nhiên đấy không chỉ là vấn đề kinh tế, chủ nghĩa tập thể toàn trị phát xít có sức hấp dẫn vì người ta cho rằng đấy chính là cách trốn chạy khỏi sự trống rỗng và lạnh lùng của đời sống trong một xã hội hạt nhân mà họ đối diện hàng ngày. "Trong nhóm người lập thành điểm tựa của phong trào phát xít”, Erich Fromm viết, “những người có tuổi lập thành tầng lớp thụ động, trong khi con cái họ là những chiến sĩ tích cực. Tư tưởng phát xít, thực chất là tuyệt đối phục tùng lãnh tụ, căm thù các dân tộc và quan điểm của thiểu số, khát khao chinh phục và áp bức, tán dương nhân dân Đức có một sức hấp dẫn rất lớn đối với họ". Về thành phần xã hội thì đám đông ở Đức khác hẳn đám đông ở Liên xô.

Các tầng lớp đặc quyền đặc lợi tính rằng chủ nghĩa phát xít sẽ chĩa mũi dùi vào đúng hướng, đồng thời sẽ buộc cả dân tộc Đức phục vụ cho lợi ích kinh tế của họ. "Nói chung”, Erich Fromm viết, “hi vọng của họ đã được đáp ứng, tuy họ có mắc sai lầm về tiểu tiết…họ phải chia sẻ quyền lực với bộ máy quan liêu phát xít và trong nhiều trường hợp đã phải khuất phục chúng…Nhưng dù sao chủ nghĩa phát xít cũng bảo vệ quyền lợi của những tập đoàn kinh tế mạnh nhất của Đức". Còn đối với doanh nghiệp nhỏ thì Hitler, ban đầu đã hứa sẽ đóng cửa các cửa hàng bách hoá lớn nhưng rồi không làm. Nhưng "điều quan trọng là rất nhiều nhà tư sản nhỏ trong các điều kiện bình thường sẽ không thể nào trở thành giàu có và có quyền lực nhanh được thì sau khi trở thành thành viên của bộ máy phát xít đã nghiễm nhiên vừa có tiền vừa có quyền vì đã buộc các giai cấp hữu sản chia "bánh" cho họ"

Nhưng không nên nghĩ rằng chỉ có các nhà doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như giai cấp tư sản công nghiệp lớn là những thành phần duy nhất ủng hộ tư tưởng phát xít. Rất nhiều công nhân lao động tham gia phong trào phát xít. Theo đánh giá của Otto Rulle, một nhà hoạt động khuynh tả Đức, thì rất nhiều công nhân đã được Đảng cộng sản chuẩn bị về mặt tâm lí để tiếp thu chủ nghĩa toàn trị phát xít bởi vì Đảng này cũng giáo dục lòng trung thành với lãnh tụ và phục tùng kỉ luật của bộ máy đảng. Ngoài ra, lãnh đạo đảng phát xít còn đưa ra những chỉ thị đặc biệt trong việc thu nạp những người cộng sản vào hàng ngũ phát xít vì theo Hitler thì những người này đã được đào tạo và có kỉ luật. Mặt khác nhiều công nhân bị thất nghiệp trong cuộc Đại khủng hoảng cho rằng Hitler và đảng của hắn có khả năng lập lại trật tự, đảm bảo ổn định và thống nhất quốc gia.

"Sau khi Hitler giành được quyền hành”, Erich Fromm viết, “lòng trung thành với chính phủ phát xít càng tăng vì lí do sau: hàng triệu người bắt đầu đồng nhất chính phủ của Hitler với "nước Đức". Trong tay hắn là cả bộ máy nhà nước, vì vậy chống hắn nghĩa là tự loại mình ra khỏi cộng đồng dân Đức; khi tất cả các đảng phái khác đã bị giải tán và đảng phát xít "trở thành" nước Đức, đối lập với đảng cũng có nghĩa là đối lập với nước Đức. Chắc rằng đối với một người trung bình thì không có gì nặng nề hơn là cảm giác cô đơn, cảm giác không thuộc một nhóm lớn nào. Là Công dân Đức, dù anh ta có không ưa chủ nghĩa phát xít đến đâu, anh ta vẫn phải lựa chọn: cô độc hay hoà đồng với nước Đức và đa số đã chọn hoà đồng"


Có lựa chọn khác?

Có thể tránh được chủ nghĩa toàn trị không? Có lựa chọn nào khác, thí dụ, để thay thế cho chủ nghĩa bolsevic trong cuộc cách mạng Nga hay không? Có thể kết hợp tự do và tự chủ của cá nhân với khát vọng hoà nhập vào đám đông vốn là bản chất của con người được không? Đấy là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Như chúng ta đã thấy, một mặt chủ nghĩa tập thể toàn triệt đưa đến chủ nghĩa toàn trị, kết quả là cá nhân con người tan biến vào xã hội, vào nhà nước như một giọt nước trong đại dương bao la, mặt khác, đấy là sự cô đơn, ích kỉ của xã hội công nghiệp hoá. Có thể cá nhân và tập thể không phải là hai thái cực đối lập nhau mà là hai mặt của đời sống con người, của nền văn minh, hai cực tạo nên cái tinh cầu bảo bọc chính cuộc sống của chúng ta? Đã đến lúc phải công nhận, như Aleksandr Gerzen đã nói, cá nhân và tình huynh đệ "không phải là thiện cũng chẳng phải là ác; đấy là bản năng của con người". Nếu đúng là như thế thì những cố gắng hợp nhất chúng nhất định sẽ đem lại kết quả. Các cuộc tìm kiếm về mặt tư tưởng của phong trào dân tuý Nga trong thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX không chỉ giới hạn bởi hiện thực ở nước Nga và phương Tây, cũng như chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Đấy là sự kết hợp giữa nền tảng tập thể làng xã với tư tưởng tự do cá nhân được
đưa đến từ phương Tây.

Sự kết hợp đó đã có (và có!) ý nghĩa không chỉ về mặt lí luận mà cả thực tiễn nữa, nó được tiến hành không chỉ bởi các nhà lí luận của chủ nghĩa dân tuý, mặc dù đa số trường hợp được sự tham gia và cổ vũ của họ. Đấy là phong trào hợp tác xã hồi đầu thế kỉ trước, với sự tham gia của đại diện nhiều trào lưu dân tuý khác nhau, đã lôi cuốn hàng chục triệu người. Thí dụ nông dân có thể sử dụng công cụ lao động chung (mua bằng tiền hợp tác xã tín dụng) để làm đất riêng, có thể tham gia hợp tác cung tiêu, có thể cùng làm (tham gia hợp tác xã sản xuất)…Các tập thể tự quản nhỏ, các vấn đề quan trọng đều được quyết định trong các cuộc họp toàn thể, đã góp phần củng cố quan hệ hỗ tương giữa người với người, cũng như tăng cường trách nhiệm và sự năng động của mỗi cá nhân vì từng người phải có trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết các vấn đề hệ trọng của tập thể. Đến lượt mình các hợp tác xã nhỏ lại có thể tham gia vào liên hiệp các hợp tác xã lớn. Đến đầu năm 1918 đã có một nửa trong số một trăm triệu nông dân Nga tham gia vào phong trào hợp tác xã với những hình thức khác nhau. Hàng triệu cư dân thành thị đã tham gia vào các hợp tác xã (hợp tác xã tiêu thụ). Như vậy là hàng triệu người cả ở thành thị và nông thôn đã tham gia vào một hệ thống hợp tác xã đa chức năng, hệ thống này ngày một lớn mạnh, giúp giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế và xã hội.

Việc phát triển nhanh chóng các hợp tác xã ở cả nông thôn và thành thị là do sự phá vỡ các cơ cấu làng xã, hiệp hội thủ công truyền thống của xã hội Nga trước sức ép của thị trường cạnh tranh và công nghiệp hoá do nhà nước tiến hành bằng sưu cao thuế nặng bổ lên đầu nông dân. "Nơi nào không có làng xã thì phải thành lập các tổ chức thay thế cho nó”, Lazarev E.E., đảng viên Đảng Cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã viết như thế vào năm 1918, “là các hợp tác xã, cả sản xuất và tiêu thụ, các hợp tác xã mua bán, các hợp tác xã tín dụng, bảo hiểm…v..v...Hợp tác xã mọc lên như nấm sau mưa". Còn nhà kinh tế học nổi tiếng Traianov thì viết: "Theo dõi sự phát triển của phong trào hợp tác xã ở nông thôn mười năm lại đây, chúng ta phải công nhận rằng nó đã đẩy được hình thức tư bản chủ nghĩa khỏi một số vị trí trong nền kinh tế quốc dân, nó đã dần dần trở thành một trong những cơ sở quan trọng nhất của nền kinh tế và chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng nó sẽ tạo ra một hệ thống kinh tế song hành với chủ nghĩa tư bản và cùng tồn tại với hình thức tư bản chủ nghĩa". Hợp tác xã là một thí dụ cụ thể về giải pháp thay thế cho chủ nghĩa toàn trị. Đấy là cách tái tạo lại xã hội đã bị nền công nghiệp và kinh tế thị trường phá vỡ, đấy là sự thiết lập lại tình đoàn kết, thống nhất thông qua các tập thể tự quản không lớn, các tập thể đó tự giải quyết các vấn đề của mình mà không cần các ông chủ hay các "thủ trưởng". Đấy là nơi có thể kết hợp quyền tự do cá nhân với sự tương trợ, là nơi mà mọi người đều quen nhau, thường xuyên tiếp xúc với nhau tôn trọng quyền và sự độc lập của nhau.

Chúng ta cũng có thể thấy sự kết hợp đó trong các cuộc khởi nghĩa nông dân trong thời cách mạng Nga 1917-1921 chống lại cả Bạch vệ lẫn Hồng quân. Cần phải nhấn mạnh rằng các phong trào này gắn bó trực tiếp với các phong trào hợp tác xã, thí dụ cương lĩnh của cuộc nổi dậy ở tỉnh Tambov ghi: "thực hiện việc buôn bán thông qua hệ thống hợp tác xã", hay đằng sau cuộc khởi nghĩa có hàng trăm ngàn người tham gia ở tây Xibia là liên hiệp các hợp tác xã Xibia. Trong quá trình đấu tranh nông dân đã lập nên cái gọi là "hiệp hội nông dân lao động", một kiểu công đoàn. Công đoàn là một hình thức mới lạ ở Nga lúc đó, nó chứng tỏ có sự kết hợp giữa các trào lưu Tây phương và cộng đồng làng xã truyền thống ở Nga. Có rất nhiều nhóm chính trị thuộc mọi xu hướng tham gia các phong trào này (tả khuynh, hữu khuynh, vô chính phủ…) nghĩa là đã tồn tại đa nguyên chính trị và bên cạnh các khẩu hiệu và đòi hỏi về kinh tế còn có cả những đòi hỏi về tự quản, hợp tác, tự do ngôn luận, tự do hội họp nữa.

Cần phải ghi nhận rằng các phong trào và xu hướng tương tự đã tồn tại ở cả các nước khác nữa. Chúng ta có thể thấy các phong trào công đoàn và hợp tác xã tự quản ở phương Tây, trong các công xã ở tỉnh Aragon, Tây ban nha năm 1936, trong các làng của người do thái ở Palestine, trong các uỷ ban công nhân ở Hungari năm 1956. Dù sao mặc lòng, các phong trào này đã không thành công. Nhưng sự tồn tại và cuộc đấu tranh kiên cường của chúng cũng chứng tỏ rằng có thể có những lựa chọn khác. Không phải vô tình mà hai cuộc cách mạng (khởi nghĩa) chống toàn trị rõ rệt nhất trong thế kỉ XX, đấy là cuộc các mạng Hung năm 1956 và cuộc khởi nghĩa ở Kronshtadt năm 1921 lại giống nhau đến thế: cả hai nơi đều hình thành hệ thống xã hội mới trên cơ sở nền dân chủ trực tiếp, bình đẳng xã hội, tương trợ và tôn trọng quyền con người.


Từ quá khứ đến hiện tại


Trong thế kỉ XX hàng chục triệu người đã là nạn nhân của các cuộc đàn áp của các chế độ toàn trị, các cuộc đàn áp dã man và tinh vi đến mức những người may mắn không bị rơi vào guồng máy đó, dù có tất cả bằng chứng trong tay cũng không thể nào tin rằng điều đó đã xảy ra. Nhưng đấy lại là sự thật. Chúng ta phải làm gì với sự thật đó? Có vẻ như các chế độ toàn trị đã là dĩ vãng [1] và chúng ta đang sống trong một thế giới chưa thể nói là hoàn thiện nhưng cũng không còn Osvenzim và Gulag nữa. Những nỗi sợ hãi và khóc than của các thế hệ trước có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng ta còn phải giải quyết những vấn đề của chính mình và đều là những vấn đề lớn cả, còn toàn trị, hãy để cho các nhà làm sử chuyên nghiệp, họ ăn lương để làm việc đó cơ mà.

Nhưng nếu nhìn kĩ một chút thì chúng ta sẽ thấy vấn đề không hoàn toàn như vậy. Mới gần đây thôi hàng triệu người đã cảm thấy kinh hoàng và sau đó thì chuyển thành căm thù tập thể khi nhìn thấy những toà nhà bỗng chốc hoá thành tro bụi. Sau đó nhiều người đã cầu nguyện cho những cuộc chiến tranh và ca ngợi những kẻ thực hiện cuộc diệt chủng cả một dân tộc. Ngay hôm nay đây, theo ý kiến của các nhà hoạt động nhân quyền của cả Nga và nước ngoài làm việc ở Chechnya thì số thường dân bị thiệt mạng dưới mưa bom bão đạn của quân Nga đã lên đến hàng ngàn, trong số đó có cả trẻ em. Số liệu chính xác thì không có vì không có cơ quan nào của Nga thu thập cả. Vì họ nói tất cả "chúng" đều là những tên khủng bố, tốt hơn hết là giết sạch miễn sao ta được sống yên ổn là được.

Hàng triệu người dân Liên xô, dân nước Đức phát xít, dân Trung hoa maoist đã từng lí luận như vậy. Họ cũng đã từng tìm kiếm kẻ thù để gán cho chúng mọi tội lỗi có thể tưởng tượng được, họ cũng đã từng áp dụng trách nhiệm tập thể đối với những dân tộc khác. Họ cũng đã từng hân hoan khi các nhà lãnh đạo của họ tuyên bố chiến tranh, phá huỷ các thành phố và đầy "kẻ thù của nhân dân" vào trại tập trung.

Ước muốn của quần chúng có một điểm tựa vững chắc dưới dạng quốc gia, dân tộc và tư tưởng "bàn tay sắt" cũng như việc phát triển lòng thù hận - tất cả những điều đó đều là hậu quả của quá trình phá vỡ cơ cấu xã hội, hạt nhân hoá xã hội dưới chính quyền Xô viết hoặc là kết quả của cải cách thị trường và "liệu pháp sốc" mà ra.

Như vậy là vấn đề toàn trị vẫn còn tính thời sự. Như Hannah Arendt từng nhận xét: "Các giải pháp mang tính toàn trị có thể vẫn sống bình thường ngay cả sau khi các chế độ toàn trị đã sụp đổ, chúng có sức quyến rũ và sẽ tái lập khi không thể giải quyết được các vấn đề chính trị và xã hội hoặc khi không thể giảm nhẹ được những khó khăn về kinh tế bằng cách biện pháp xứng đáng với con người."
*


Phần II 


Chủ nghĩa toàn trị mới

Việc gia tăng các cuộc xung đột chủng tộc và tôn giáo trong thế giới ngày nay tạo ra nguy cơ xuất hiện các nền chuyên chính mới trong các nước và các khu vực đối địch nhau, các phương tiện truyền thông điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng khác càng làm cho xã hội dễ bị điều khiển hơn, tất cả những điều đó và còn nhiều điều khác nữa là những tín hiệu đáng báo động về khả năng tái xuất hiện chủ nghĩa toàn trị. Điều đó không có nghĩa là sự xuất hiện của chế độ toàn trị là không tránh khỏi. Điều đó chỉ có nghĩa là chủ nghĩa toàn trị hoàn toàn có khả năng xuất hiện trong thế kỉ mới.


Phương Đông ngày nay: Giữa đất và trời

Trong những năm 70-80 của thế kỉ trước người ta đã thấy rõ là phương Đông đã thua trong cuộc thi đua giành quyền bá chủ thế giới. Làn sóng tự do hoá kinh tế lan tràn khắp địa cầu. Biên giới “của các hệ thống bế quan toả cảng” với các nến kinh tế quốc doanh đã bị các tập đoàn siêu quốc gia chọc thủng, công cuộc đột phá đó trong một số trường hợp lại được sự giúp đỡ của lãnh đạo chính các quốc gia phương Đông vì mô hình phát triển kinh tế mà họ lựa chọn tỏ ra không hiệu quả, không những không thắng được các nước phát triển về kĩ thuật ở phương Tây mà còn không đáp ứng được nhu cầu của chính dân chúng nước mình. Kết quả là các nước phương Đông, ít hay nhiều, đều mở cửa đối với thị trường thế giới. Việc tư nhân hoá các xí nghiệp công nghiệp, ngân hàng, ruộng đất và thương mại hoá đã trở thành hiện thực khách quan trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các chính phủ phương Đông tính rằng họ có thể thu hút được đầu tư của nước ngoài vào nền kinh tế, xây dựng được một nền công nghiệp tiên tiến bằng tiền của các nhà đầu tư ngoại quốc. Một phần ước mơ này đã thành hiện thực. Trong hai mươi năm vừa qua đầu tư nước ngoài đã đổ vào Trung quốc 500 tỉ USD. Nam Triều tiên, Indonesia, Thái lan, Ấn độ cũng đang phát triển rất nhanh trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản và công nghệ hiện đại.

Nhưng không thể nói công cuộc hiện đại hoá mới này là bình lặng, không có xung đột. Thương mại hoá và thị trường tự do đã dẫn đến sự tan rã của xã hội truyền thống của các cộng đồng dân cư nông nghiệp, các hiệp hội thương mại và tiểu thủ công nghiệp, đồng thời buộc các xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ phải đóng cửa. Cuộc cạnh tranh giữa những nhà sản xuất trong các nước phương Đông cũng như với những nhà sản xuất quốc tế đã làm hàng triệu người sản xuất nhỏ ở cả nông thôn và thành thị lâm vào tình trạng phá sản, phá hoại các cộng đồng nông nghiệp tự cấp tự túc và đã xuất hiện những cùng đinh mới, sống bên lề các thành phố. Nợ nước ngoài của các nước phương Đông cũng ngày một lớn. Để có thể thu hút thêm đầu tư ngoại quốc cần phải tạo ra những điều kiện hấp dẫn: xây thêm đường xá, đảm bảo cung cấp nguyên liệu đến khu vực đầu tư, đào tạo chuyên gia. Như vậy là phải cần vay thêm tiền ở các ngân hàng ngoại quốc. Nợ nước ngoài của phương Đông đã là hàng ngàn tỉ dollar. Lãi suất phải trả hiện đang là một trong những khoản chi chính của nhiều chính phủ phương Đông, chi phí cho chính sách xã hội bị giới hạn là vì thế.

Hiện nay không phải mọi người đều tin rằng thị trường có khả năng mang lại sự thịnh vượng cho đa số dân cư các nước phương Đông, hoặc ít nhất cũng tạo cho họ những điều kiện sống nhân bản. Ngược lại, công cuộc cải cách thị trường đưa đến sự phân hoá giàu nghèo một cách nhanh chóng. Xuất hiện tầng lớp dân cư mới: những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống. Điều này tạo ra khả năng bùng nổ những cuộc xung đột mới. Thí dụ, Ấn độ, trong số một tỉ người thì có tới 700 triệu là nông dân, Trung quốc có 800 triệu nông dân trong số một tỉ hai trăm triệu người. Kết quả của quá trình công nghiệp hoá, thương mại hoá, và cải cách nông nghiệp (dẫn đến phá vỡ các cộng đồng nông nghiệp, phá vỡ các định chế tương trợ, tư nhân hoá ruộng đất, củng cố các trang trại nông nghiệp, hàng loạt hộ nông dân sẽ bị phá sản trong cuộc cạnh tranh với các trang trại loại này) là rất nhiều người sẽ di chuyển vào các thành phố, sống trong các khu nghèo khổ, các khu nhà ổ chuột; sự bùng nổ xã hội với một sức công phá chưa thể lường trước được có thể là việc không thể tránh khỏi. Indonesia, nước với hai trăm triệu dân cách đây không lâu được coi là hình mẫu của các cuộc cải cách kinh tế có thể là một thí dụ điển hình. Năm 1998 hàng loạt các cuộc tuần hành phản đối chính phủ với hàng triệu người tham gia rồi sau đó biến thành các cuộc bạo loạn, cướp phá, giết người do mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo bùng lên khắp nơi. Đến lượt mình, các cuộc bạo loạn kiểu đó có thể dẫn đến việc thiết lập các chế độ chuyên chế. Từ sự hỗn loạn mà phương Đông cổ kính đang chìm vào có thể sẽ xuất hiện một trật tự toàn trị mới.

Nói chung, cần phải thấy rằng trong các nước phương Đông vẫn còn tồn tại một truyền thống văn hoá mạnh, chí ít cũng đủ sức hạ nhiệt tư tưởng làm giàu cá nhân, ích kỉ và hạt nhân hoá của xã hội công nghiệp. Nhờ có truyền thống mà người ta có thể coi những sự kiện hiện thời như là sự phá sản của cái thế giới quen thuộc, gần gũi, cái thế giới, trong đó họ đã sống tuy nghèo khổ nhưng được cộng đồng, làng xóm, nhà nước bảo vệ khỏi những phong ba bão táp của cuộc đời. Nếu công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng ở đúng những nơi mà hoài vọng cộng đồng còn mạnh thì các phong trào toàn trị có thể xuất hiện. Thực ra giai cấp cầm quyền có thể tập hợp được một phần dân chúng cùng đinh nhờ mô hình gọi là “hương nghiệp” (xem phần: Hiện đại hoá hậu công nghiệp và nô dịch tích cực). Nhưng dù sao cũng phải cần rất nhiều thời gian mới có thể đưa hàng trăm triệu cùng đinh, thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp đang sống lay lắt qua ngày vào hệ thống hiện hành.

Hai mươi năm cuối thế kỉ XX đã trở thành giai đoạn bộc phát, có thể nói là bùng nổ của các phong trào tôn giáo chính thống, đặc biệt là trong thế giới Hồi giáo. Cuộc cách mạng Hồi giáo do giới tăng lữ lãnh đạo đã giành thắng lợi ở Iran vào năm 1979. Tại nước này bên cạnh kinh tế quốc doanh vẫn còn tồn tại khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ. Nhưng mạng lưới trợ giúp về mặt xã hội và kinh tế, đặc biệt là đối với những người sẵn sàng chiến đấu chống lại “kẻ thù của Hồi giáo” theo tiếng gọi của giới tăng lữ, đã ăn sâu bén rẽ khắp nơi. Mạng lưới này là biểu hiện của chủ nghĩa tập thể toàn trị, bao gồm đủ loại các “uỷ ban cảnh giác Hồi giáo”, “uỷ ban bảo vệ cách mạng Hồi giáo” và đảng viên “Đảng của Allah” (Hizbullah) – là xương sống và điểm tựa của chế độ có đến 3 triệu thành viên. Năm 1999, phong trào sinh viên đối lập đưa ra yêu cầu dân chủ hoá đã bị lực lượng phản-biểu tình có đến một triệu rưỡi những kẻ cuồng tín theo lời hiệu triệu của giới tăng lữ đập tan.

Năm 1990 tổ chức cấp tiến là Mặt trận cứu nguy Hồi giáo (FIS) đã thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội tự do tại Algérie. Giới quân nhân đã huỷ bỏ kết quả bầu cử và cho đến nay ở đây vẫn đang diễn ra cuộc nội chiến giữa những người Hồi giáo quá khích và lực lượng đối lập. Ở cả Algérie và Palestine trong những năm 80 đã có một phong trào Hồi giáo chính thống mạnh là HAMAS, những người Hồi giáo đã thành lập được một hệ thống bảo trợ xã hội cho những thành phần nghèo khổ, họ còn mở trường dạy học, thành lập các xí nghiệp nhỏ, tạo hi vọng cho những người cùng đinh. Nhưng đổi lại, những người tham gia hệ thống trợ giúp này được yêu cầu phải tuyệt đối trung thành với các lãnh tụ Hồi giáo chính thống. Đồng thời họ tung ra các lời kêu gọi đấu tranh với kẻ thù của Hồi giáo, với tư tưởng nhà nước thế tục và giáo dục thế tục, với toàn cầu hoá mà trụ cột là Mĩ. Kết quả là hàng loạt những vụ khủng bố đẫm máu: bom nổ ở nơi công cộng, những thôn làng không ủng hộ hành động của những kẻ cực đoan bị phá huỷ.

Các cuộc phản đối cải cách thị trường và hiện đại hoá cũng đang tăng lên ở Trung quốc. Cải cách kinh tế bắt đầu ở nước này vào cuối những năm 70. Các công xã sản xuất đã bị giải tán và điều đó dẫn đến việc tái lập làng xã nông nghiệp truyền thống. Công cuộc công nghiệp hoá dưới thời Mao không mạnh mẽ bằng ở Liên xô những năm 30 và đa số dân Trung quốc hiện vẫn sống ở nông thôn. Nhưng sau đó các cuộc cải cách đã đưa đến sự phát triển mạnh mẽ quan hệ thị trường, tư bản tư nhân và dần dần tan vỡ cộng đồng truyền thống.

Năm 1999 ở Trung quốc, theo đánh giá có tất cả 6 ngàn cuộc tụ tập chống chính phủ, bao gồm nhiều triệu người, nhiều gấp mấy lần năm 1998. Theo Karl-Heinz Roth, hiện ở Trung quốc có khoảng 100 triệu nông dân không có ruộng đất. Rất nhiều người đang tập trung ở những “vùng nghèo khổ” - đấy là ngoại vi các thành phố lớn, dân chúng nông thôn chạy đến đây với hi vọng tìm việc làm. Thế là đã xuất hiện các điểm nóng về mặt xã hội. Theo đánh giá thì trong 5 năm tới sẽ có khoảng 200 triệu nông dân lâm vào tình trạng phá sản. Đồng thời tại các thành phố cũng sẽ xảy ra hiện tượng giảm biên hàng loạt trong các xí nghiệp quốc doanh, kết quả là thêm 50 triệu người nữa bị mất việc làm. Thực ra là kinh tế Trung quốc đang phát triển nhanh, chừng 7% một năm. Nhưng nếu trong 5 năm tới có tạo ra hàng chục triệu việc làm trong lĩnh vực thương mại đi nữa thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Chưa thể biết sự phản kháng sẽ ra sao, nhưng rõ ràng là nước này đang đứng trước ngưỡng cửa của những sự bùng nổ xã hội vô cùng to lớn. Năm 1989 Trung quốc đã trải qua một cơn chấn động chính trị có hàng triệu người tham gia. Lúc đó đã xuất hiện các tổ chức tự quản của sinh viên và công nhân, tuyên bố ý nguyện thay đổi điều kiện sống trong nước. Nhưng không loại trừ những khả năng xấu hơn. Lịch sử Trung hoa từng biết nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó cùng với khẩu hiệu đòi công bằng xã hội, phân chia bình quân ruộng đất và các tài sản khác là yêu cầu lập lại “quyền lực của Thiên tử”. Theo ý nghĩa đó thì mối nguy lớn nhất hiện nay là tổ chức tôn giáo toàn trị có tên là Pháp Luân Công. Đấy là một nhánh Phật giáo và là một tổ chức chính trị bí mật có tham vọng giành chính quyền. Pháp Luân Công, có thể có hàng trăm ngàn giáo đồ, đã bị chính phủ Trung quốc cấm hoạt động. Các cuộc khởi nghĩa lật đổ một vương triều đã mất tín nhiệm lại đưa lên ngai vàng một trong số những lãnh tụ phong trào kiểu như Pháp Luân Công. Một trong những cuộc khởi nghĩa đó đã đưa những người cộng sản lên nắm quyền vào cuối những năm 40....

Tại Ấn độ nông dân cũng đang bị phá sản hàng loạt, tình hình cũng gần giống với Trung quốc. Nhưng nước này vẫn còn các đẳng cấp và đa số dân chúng thuộc các đẳng cấp thấp, có thể họ không coi sự khốn khó về kinh tế là một cái gì đó trái tự nhiên. Tuy nhiên ở Ấn độ cũng có các phong trào tôn giáo chính thống mà điển hình là BJP, một đảng Ấn giáo cực đoan, được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng. Trong những năm 90 BJP đã thực hiện nhiều vụ xung đột vũ trang với người Hồi giáo.

Tại Nga giới tăng lữ chính thống giáo cũng ngày càng tăng cường ảnh hưởng, kể cả trong lĩnh vực chính trị. Những hỗn loạn do công cuộc cải cách kinh tế tạo ra đã dẫn đến những yêu cầu các chính khách theo đường lối dân tộc đang nắm quyền “lập lại trật tự bắng mọi giá”.

Đối trọng của các xu hướng chính thống toàn trị ở phương Đông là gì? Có phải đấy là “Tây hoá” vội vàng hay không? Nga, Ấn độ, Trung quốc, thế giới Hồi giáo - đấy là những nền văn minh lâu đời, có những quan niệm riêng, khác hẳn với phương Tây, về thế giới. Có thể vấn đề cần thảo luận không phải là sự đối đầu giữa các nền văn minh, không phải là cuộc đấu tranh một mất một còn và nô dịch trái đất mà là sự kết hợp giữa các truyền thống văn hoá. Thí dụ đấy là sự kết hợp giữa tư tưởng tự do các nhân, năng động cá nhân, thảo luận công khai với truyền thống phương Đông như tính cộng đồng, tình đoàn kết, tương trợ.


Cực hữu - toàn trị mới ở phương Tây

Có thể thấy sự phát sinh và phát triển các vấn đề toàn cầu qua thí dụ về hiện tượng nhập cư và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Quá trình thương mại hoá và công nghiệp hoá phát xuất từ "thế giới thứ nhất" đã giáng một đòn chí tử vào các xã hội truyền thống trên khắp hoàn cầu. Tình trạng ngặt nghèo tại các nước thuộc "thế giới thứ ba" nợ nần và các nước mà trước đây bị các chế độ độc tài đóng cửa đã buộc hàng triệu người rời bỏ quê hương để đi đến các nước phát triển công nghiệp tìm kiếm công ăn việc làm. Nhưng rất nhiều người sống tại những vùng khá giả hơn lại sợ rằng dòng người nhập cư sẽ tước mất của họ việc làm và các bảo đảm xã hội khác. Vì những người nhập cư thường đến từ những vùng có nền văn hoá khác cho nên những lo âu về xã hội và kinh tế dễ bị lái theo hướng thù ghét ngoại nhân và phân biệt chủng tộc. "Có hiện tượng "phân biệt chủng tộc bình dân", thể hiện mâu thuẫn xã hội ngay trong lòng giai cấp vô sản, nhà sử học và chính trị học người Đức, Karl-Heinz Roth, nói. “Tôi sống ở Saint-Pauli. Có một công trường xây dựng rất lớn ở Millertor. Bệnh nhân của tôi gồm đủ hạng người, từ những công nhân Ba lan làm công nhật cho đến những công nhân bậc cao người Đức. Vấn đề sẽ xảy ra khi, thí dụ người ta sa thải 50 công nhân Đức và tuần sau người ta lại nhận 50 hoặc 70 công nhân đến từ đông Âu với mức lương chỉ bằng một phần ba mức lương của người Đức. Mọi người sẽ bị sốc: những người thất nghiệp thấy rằng công nhân Ba lan đã chiếm mất việc làm của họ với đồng lương chết đói. Nếu không có phong trào đoàn kết, giải thích cho mọi người và đưa ra những yêu sách đúng đắn (thí dụ đảm bảo mức lương tối thiểu cho một loại công việc không phụ thuộc vào sắc tộc) thì rất có thể sự bất mãn của những người bị mất việc sẽ bị lợi dụng. Bọn cực hữu sẽ đến và tuyên bố: "Các bạn thấy chưa? Bọn Ba lan cút về nước đi!"

Bọn cực hữu cũng thành lập các dịch vụ xã hội, các tổ chức tương thân tương ái, giúp tìm kiếm việc làm, tổ chức học tập và nghỉ ngơi..v..v..khi những thiết chế tương tự của nhà nước bị chính sách Tân Tự Do phá vỡ. Nhưng dĩ nhiên là các tổ chức mới này chỉ "phục vụ" những người thuộc "dân tộc" mình mà thôi.

Kết quả là trên khắp châu Âu các đảng phái cực hữu, những đảng phái có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và giải quyết các vấn đề theo lối toàn trị càng ngày càng tranh thủ được sự ủng hộ của dân chúng. Ở Đức các phong trào thanh niên theo đường lối phát xít mới, các phong trào này thường tấn công người nhập cư và các trung tâm văn hoá của họ, ngày càng có nhiều ảnh hưởng. Ngay ở những nước như Pháp, Áo, Thuỵ sĩ…các phong trào phân biệt chủng tộc cũng nhận được từ 15% đến 30% phiếu trong các kì bầu cử. Đại diện của đảng cực hữu gọi là "Đảng tự do" do triệu phú Haider, người từng công khai phát biểu ủng hộ chính sách xã hội của Hitler, cầm đầu, hiện tham gia chính phủ Áo.


Toàn trị dưới dạng «phát xít sinh thái»

Trong thế kỉ mới loài người có thể sẽ phải đối mặt với thảm hoạ sinh thái toàn cầu. Tình hình đó sẽ có những ảnh hưởng kinh tế và xã hội như thế nào? Một trong số các kịch bản khả dĩ là sự thiết lập chế độ phát xít sinh thái. Lí lẽ của những người coi đây là một nguy cơ nhãn tiền như sau:

Việc phá vỡ môi trường tự nhiên, việc đưa vào môi trường tự nhiên các hoá chất độc hại, các chất thải phóng xạ v.v. sẽ dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược, có khả năng là không còn phù hợp đối với cuộc sống của loài người nữa. Những dự báo khoa học hoàn toàn nghiêm túc đã tiên đoán chính một tương lai như vậy (Câu lạc bộ Rome và các tổ chức khác). Hơn nữa việc phá huỷ môi trường tự nhiên đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Giáo sư Karl Kapp trong cuốn sách đã trở thành kinh điển: "Chi phí xã hội của doanh nghiệp tư nhân" (xuất bản năm 1960) đã đi đến kết luận rằng: "Kinh tế tư nhân phải được coi là kinh tế của những khoản chi phí không được thanh toán…vì rằng doanh nhân đã bỏ qua nhiều khoản chi phí. Các khoản chi này bị trút cho những người khác, cho xã hội, cho môi trường".

Người ta có thể phải trả thêm tiền nếu muốn có một môi trường trong lành. Thí dụ người tiêu dùng phải trả thêm tiền nếu muốn có những sản phẩm sạch về mặt sinh thái, hoặc là mua nhà ở những khu vực an toàn hơn về sinh thái hay chỉ đi nghỉ ở những khu không bị ô nhiễm…Vấn đề là trong nền kinh tế thị trường tất cả những điều đó (không khí trong lành, cảnh quan tự nhiên, các vùng bờ biển không bị ô nhiễm) sẽ trở thành đối tượng mua-bán và chỉ những người có khả năng thanh toán mới được hưởng mà thôi. Sẽ xuất hiện các khu vực được rào dậu kín đáo, chỉ có những người thuê hoặc chủ mới được tới, đấy là các công viên, các khu rừng, bờ biển, đảo thuộc về tư nhân và các khu ngoại ô được chăm sóc kĩ càng. Những khu vực này sẽ ngày càng mở rộng, quyền tự do đi lại như vậy cũng không còn và một bộ phận dân nghèo sẽ bị đẩy vào những khu có mức ô nhiễm cao.

Đồng thời các công ty xuyên quốc gia lại cố gắng đưa các xí nghiệp gây nhiều ô nhiễm sang các vùng hoặc các nước nơi mà ý thức bảo vệ môi sinh của người dân còn thấp, còn đời sống thì nghèo đến nỗi người ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là có thể sống qua ngày. Trong các nước hoặc các khu vực giàu có môi trường sẽ được cải thiện còn các khu vực có vấn đề về mặt sinh thái thì ngày một xấu thêm. Nhưng tình hình đó không thể cứ tiếp tục mãi được. Chúng ta đang sống trên cùng một hành tinh, thảm hoạ ở vùng này nhất định sẽ ảnh hưởng đến vùng khác.

Tai hoạ là ở chỗ không ai chịu nghĩ đến ngày mai. Bất hạnh ở vùng này có thể hoàn toàn không có ảnh hưởng trực tiếp đến vùng khác. Có thể nhiều thế hệ ở một khu vực nào đó vẫn có thể sống đến đầu bạc răng long. Trong thời gian đó, biết đâu đấy, các nhà bác học có thể sẽ phát minh ra những phương pháp giải quyết vấn đề. Ngoài ra, người ta không có thói quen nhìn về phía trước 5-10 năm. Để làm gì? Cầm đèn chạy trước ô tô mà làm chi trong khi các vấn đề của ngày hôm nay cũng đã đủ "oải" rồi. Mua thêm việc làm gì? Liệu có cần mở hầu bao để giúp các khu vực đang gặp tai hoạ về sinh thái không?

Hàng triệu người có thể sẽ ủng hộ yêu cầu thanh lọc những người nhập cư nghèo đói, thanh lọc những người "ngoại chủng", những người "thừa" vì lí do an toàn sinh thái. Có thể sẽ xuất hiện nguy cơ thanh lọc sắc tộc và chủng tộc và sau đó là thiết lập chế độ toàn trị trên cơ sở các phong trào quần chúng theo đường lối hữu khuynh. Hiện nay nhiều phong trào và đảng phái phát xít mới ở châu Âu đã tích cực sử dụng các khẩu hiệu bảo vệ sinh thái và giành được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi.

Ngoài ra có thể còn một số lí do nữa như sau: Thật khó có thể ngăn chặn được quá trình phá huỷ môi sinh trong khuôn khổ hệ thống thị trường và công nghiệp hoá vì động lực chủ yếu của nó không phải là bảo đảm sự cân bằng giữa sản xuất và môi trường mà là lợi nhuận kinh tế và mở rộng công nghiệp hoá, liên tục đấu tranh để mở rộng thị trường tiêu thụ, giành giật người tiêu dùng, mở rộng sản xuất và tăng lượng hàng hoá đổ vào thị trường. Thị trường đặt ra "yêu cầu không khoan nhượng "phát triển …hay là chết" - nhà sinh thái - xã hội học Murey Bukchean đã viết như thế.

Theo đuổi mục đích duy nhất là lợi nhuận, André Gorz nói, từng cá nhân riêng lẻ hoặc các tập đoàn đang đưa xã hội tiến gần đến thảm hoạ. Xã hội công nghiệp hoá và thị trường hạt nhân (nghĩa là chia nhỏ thành những phần tử-hạt nhân), nơi tất cả mọi người đều bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh triền miên, không ai nhường ai, vì thị trường, hàng hoá, dịch vụ và công ăn việc làm; xã hội như thế không có khả năng tự điều chỉnh, cần phải có một thiết chế kiểm soát và điều tiết, đấy chỉ có thể là nhà nước. Đây là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng và khi các lực li tâm trong tất cả các lĩnh vực trong xã hội đã đủ mạnh thì cuộc đấu tranh giữa người với người, công ty với công ty, chủng tộc với chủng tộc sẽ ngày một gay gắt hơn. Cuộc sống trong xã hội thị trường và công nghiệp hoá dần dần sẽ trở thành rối loạn, ngoài vòng kiểm soát. Vì vậy sớm muộn gì việc phá huỷ xã hội và môi trường cũng đặt ra yêu cầu phải có một nền chuyên chính mới (có thể dưới dạng phát xít sinh thái). Nhà nước sẽ buộc phải can thiệp để tránh một cuộc huỷ diệt chung cuộc. Kết quả của quá trình này có thể chính là cơn ác mộng, khi tất cả đều bị nhà nước nuốt chửng, như G. Orwell đã mô tả.



[1]Xin nhớ tác giả là người Đông Âu-ND
Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga: Nguyên bản tiếng Nga: http://avtonom.org/pub/magid_total.html, 09.7.2003

Còn 1 kì nữa

No comments:

Post a Comment