June 30, 2011

George Orwell – 1984 (kì 5)


 Kỉ niệm 108 năm ngày sinh George Orwell (25.06.1903 – 25.06.2008)
 
VIII.

Từ phía trong lối đi đưa tới mùi cà phê rang, mùi cà phê thật sự chứ không phải loại cà phê "Chiến thắng". Winston vô tình dừng bước. Anh như được quay về thời thơ ấu, chuyện đó kéo dài chừng hai giây. Rồi cách cửa bỗng đóng sập lại, chặn đứng mùi thơm của cà phê như chặn đứng tiếng động vậy.

Anh đã đi mấy cây số, chổ loét do giãn tĩnh mạch tiếp tục hành hạ. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần lễ anh bỏ sinh hoạt tại Trung Tâm: một hành động thiếu thận trọng vì người ta kiểm tra quân số kĩ lắm. Về nguyên tắc, đảng viên không có thời gian rỗi và không được ở một mình, trừ khi ngủ. Khi không làm, không ăn, không ngủ, đảng viên phải tham gia vào một hoạt động giải trí công cộng nào đó: làm bất cứ điều gì tỏ ra là thích được cô đơn, ví dụ đi bộ một mình, đều đáng ngờ cả. Có một từ trong Ngômo: sốngmột, để chỉ lối sống cá nhân, lập dị. Nhưng hôm nay, vừa bước ra khỏi Bộ anh đã bị không khí êm dịu của một buổi chiếu tháng tư lôi cuốn rồi. Năm ngoái trời không được xanh như thế này; cứ nghĩ đến một buổi tối kéo dài, ồn ào trong Trung Tâm; cứ nghĩ đến những trò chơi mệt mỏi, chán ngắt; cứ nghĩ đến những bài diễn văn, những cuộc tụ hội, dù có được bôi trơn bằng rượu Gin là anh đã cảm thấy không thể chịu được. Bất giác anh bước khỏi bến ô tô và bắt đầu lang thang khắp London, đầu tiên anh đi về hướng nam, rồi sang đông và lại lên bắc và bị lạc trong những con phố chưa từng đặt chân đến bao giờ, cuối cùng anh cứ đi mà chẳng thèm nghĩ xem mình đang đi đâu nữa.

Nếu có hi vọng, anh đã viết trong nhật kí, thì đấy chính là bọn cu li. Câu đó, như một sự thật huyền nhiệm, cũng là một điều vô lí rành rành như vậy, cứ trở đi trở lại trong óc anh. Lúc này anh đang đi giữa một khu ổ chuột, phía đông bắc của khu vực trước đây gọi là Ga Saint Pancras. Anh đang đi trên những con phố rải đá, ngang qua những dãy nhà hai tầng nhỏ tí, cửa cũ dẹo dọ, mà không hiểu sao lại mở thẳng ra vỉa hè, trông giống như những cái hang chuột. Thỉnh thoảng lại thấy một vũng nước bẩn. Trong các ô cửa tối mò, cũng như trên các hẻm nhỏ hai bên đường không hiểu sao lại nhiều người như vậy; đám con gái dậy thì môi son má phấn nghuệch ngoạc; các thanh niên thì chạy theo đám con gái; những mụ nạ dòng sồ sề, dáng đi lạch bạch, hình ảnh của lũ con gái trong mươi năm nữa; những bà già lưng gù lê bước bằng những bàn chân to bè; đám trẻ con chân trần, quần áo rách rưới đang nghịch nước, mỗi lần nghe mẹ chúng thét lại chạy tản ra. Có đến một phần tư cửa sổ bị hỏng phải táp bằng gỗ. Ít người chú ý đến Winston, nhưng cũng có vài cặp mắt dõi theo anh với vẻ tò mò pha chút lo âu. Trước một cánh cửa có hai người đàn bà khổng lồ, đeo tạp dề, cánh tay đỏ như tôm luộc đang đứng nói chuyện. Khi đi đến gần Winston đã nghe được loáng thoáng vài đoạn.

“Vâng, tôi nói, chuyện này rất tốt, tôi nói. Nếu chị thì chị cũng làm hệt như tôi thôi. Phê phán thì dễ lắm. Tôi nói. Nhưng họ có gặp chuyện như tôi đâu.”
“Vâng”, người kia đáp. “Vấn đề là ở chỗ đó đấy chị ạ.”

Giọng nói chối tai ngừng bặt. Hai người đàn bà yên lặng nhìn theo một cách thù địch khi anh đi ngang. Nhưng đúng ra đấy không phải là thù địch mà cảnh giác, họ đờ ra trong phút chốc như trông thấy một sinh vật lạ đi ngang qua vậy. Màu áo đồng phục xanh của đảng viên ít khi xuất hiện trong những khu phố loại này. Chẳng nên đến đây nếu không có công chuyện. Đội tuần tra có thể giữ lại và căn vặn đủ thứ. "Cho phép xem giấy tờ của đồng chí. Đồng chí làm gì ở đây? Đồng chí rời cơ quan lúc mấy giờ? Đồng chí có hay đi đường này không?" vân vân và vân vân. Không có luật nào cấm đi về nhà bằng những con đường khác nhau: nhưng nếu Cảnh sát Tư Tưởng biết thì họ sẽ để ý đấy.

Bất thình lình cả khu phố cùng nháo nhào lên. Tiếng thét báo động vang lên từ khắp mọi hướng. Người ta lao vào nhà nhanh như thỏ. Từ một cánh cửa gần chỗ Winston có một người đàn bà lao ra, bà ta ôm lấy đứa trẻ đang chơi trên vũng nước, lấy tạp dề che cho nó và phóng trở vào, tất cả diễn ra chỉ trong chớp mắt. Ngay lúc đó có một người đàn ông, mặc bộ complet đen, nhàu như cái ăccoocđêông, chạy từ trong ngõ lại chỗ Winston, ông ta chỉ lên trời điệu bộ vô cùng xúc động.

“Hoả xa”, ông ta thét lên. “Trông kìa, thủ trưởng! Nó bắn đấy! Nằm xuống!”

Không hiểu sao bọn cu li lại gọi tên lửa là hoả xa. Winston lập tức nằm sấp, úp mặt xuống đất. Trong những trường hợp như thế này thì bọn cu li ít khi lầm lắm. Dường như bản năng báo cho họ biết trước vài giây mặc dù tên lửa được coi là đi nhanh hơn tốc độ âm thanh. Winston vòng hai cánh tay lên che đầu. Một tiếng nổ chát chúa, vỉa hè dường như rung rinh, rác rưởi tung đầy lên lưng anh. Khi đứng dậy anh mới biết rằng đấy là những mảnh kính cửa sổ vỡ.

Anh tiếp tục đi. Quả tên lửa phá sập mấy căn nhà cách đó chừng hai trăm mét. Một đám khói đen treo lơ lửng trên bầu trời, phía bên dưới, đám đông đã tụ lại xung quanh những đống gạch vụn còn mù mịt bụi vữa. Anh nhìn thấy trong đống xà bần nằm trên vỉa hè cách chỗ anh đứng mấy mét một vệt màu đỏ. Khi đến gần thì nhận ra đó là một bàn tay người. Trừ chỗ cổ tay dính máu ra, cả bàn tay trông trắng bệch như đúc bằng thạch cao.

Anh lấy chân hất bàn tay vào rãnh nước, sau đó, để tránh đám đông, anh rẽ vào con hẻm bên phải. Sau khoảng ba bốn phút anh đã ra khỏi khu vực bị bắn phá, ở đây cuộc sống chen chúc, dơ dáy vẫn tiếp diễn như chưa có gì xảy ra. Lúc đó đã gần tám giờ tối, các quán bia dành cho bọn cu li chật cứng người. Cánh cửa bẩn thỉu của các quán cứ mở ra đóng vào liên tục, từ trong quán phả ra hơi ấm sặc mùi nước đái, mùi mùn cưa và mùi bia chua. Trong một góc gần ngôi nhà hơi nhô ra có ba người đàn ông đứng sát vào nhau, người đứng giữa cầm một tờ báo, còn hai người kia thì vươn cổ lên đọc ké. Tuy còn cách xa, chưa nhìn rõ mặt, nhưng dáng điệu của cả ba người cho thấy họ đang để hết tâm trí vào tờ báo. Khi anh còn cách mấy bước thì hai người bỗng tách ra và bắt đầu to tiếng cãi cọ. Có vẻ như họ sắp thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau đến nơi.

“Đồ ngu, nghe đây! Tao đã bảo là suốt mười bốn tháng rồi đít bảy chưa ăn lần nào nhá.”

“Có, có ăn!”

“Tao bảo không! Ở nhà tao có ghi ra giấy suốt hai năm qua. Tao ghi đều như đồng hồ ấy chứ. Tao bảo mày đít bảy chưa ăn lần nào.”

“Có, bảy có ăn! Tao có thể đọc toàn bộ con số. Số cuối là bốn trăm linh bảy. Tháng hai, tuần thứ hai của tháng hai.”

“Con bà mày tháng hai thì có! Tao ghi giấy trắng mực đen cẩn thận. Không có con bảy nào hết.”
“Thôi câm đi!”. Người thứ ba bấy giờ mới can thiệp.

Họ đang tranh cãi về xổ số. Đi cách chừng ba mươi mét Winston còn ngoái lại. Họ vẫn tiếp tục tranh cãi một cách hùng hổ như cũ. Xổ số mở hàng tuần, tiền thưởng rất lớn, đây là hoạt động xã hội duy nhất lôi cuốn được sự quan tâm của bọn cu li. Có đến hàng triệu người coi xổ số là mục đích sống chính, nếu không nói là mục đích duy nhất. Đấy là niềm vui, là sự điên loạn, là niềm an ủi, là chất kích thích của họ. Trong lĩnh vực này thì ngay cả những người chỉ vừa thoát nạn mù chữ cũng tỏ ra rất giỏi tính toán và có trí nhớ tuyệt vời. Có cả một bọn chuyên sống bằng nghề bán các tờ dự báo và bùa chú. Winston không liên quan gì đến trò này, đây là việc của Bộ Ấm No, nhưng anh biết (tất cả đảng viên đều biết) các vụ trúng thưởng lớn đều là giả mạo cả. Thực ra chỉ có những món trúng nhỏ là thật, còn tên những người trúng lớn là bịa. Khi các vùng của Oceania không thể liên lạc được với nhau thì khó gì mà không làm được chuyện này.

Nhưng nếu có hi vọng thì đấy chính là bọn cu li. Phải bám chắc ý đó. Nói nghe có lí, nhưng nhìn vào những người gặp hàng ngày thì lại thấy đấy chỉ là niềm tin mù quáng. Anh rẽ sang dãy phố hướng xuống phía chân đồi. Anh có cảm giác quen quen, con đường chính cũng không xa đây lắm. Phía trước có tiếng ồn ào vọng lại. Sau một khúc quanh là đến những bậc thang dẫn vào một con hẻm nhỏ, có những người đứng bán hàng, chủ yếu là rau úa. Winston đã nhận ra. Con hẻm này dẫn ra phố chính, còn chỗ rẽ kia, đi khoảng năm phút nữa, là cửa hàng đồng nát, nơi anh đã mua quyển sổ nhật kí. Đi tí nữa là đến của hành văn phòng phẩm, nơi anh đã mua cái bút và lọ mực.

Anh đứng lại một lúc trên cái bậc cao nhất. Phía bên kia con con hẻm là một quán bia trông rất nhếch nhác, các ô cửa sổ mờ như bị băng phủ lên mặt kính, nhưng thực ra chỉ là bụi bám mà thôi. Một ông lão lưng gù nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, chòm râu bạc trắng đua ra phía trước như râu tôm đang mở cửa đi vào. Winston chợt nghĩ rằng ông lão đó ít nhất cũng phải tám mươi tuổi, khi Cách Mạng nổ ra thì ông cụ cũng đã bước vào tuổi trung niên. Lão và một vài người khác tầm tuổi lão là những mối dây liên hệ còn sót lại cuối cùng với chủ nghĩa tư bản đã bị xoá bỏ. Ngay trong Đảng số người mà tư tưởng đã định hình từ trước Cách Mạng còn lại cũng không nhiều. Thế hệ lớn tuổi hầu như đã bị tiêu diệt hoàn toàn trong các cuộc thanh trừng hồi những năm năm mươi và sáu mươi, số sống sót thì sợ hãi đến độ lú lẫn hết. Muốn gặp một người có thể nói về điều kiện sống trong nửa đầu thế kỉ thì chỉ có thể tìm trong bọn cu li mà thôi. Winston bỗng nhớ lại đoạn nhật kí chép từ cuốn sách lịch sử dành cho trẻ con và một ý nghĩ điên rồ bỗng choán hết tâm trí anh. Anh sẽ vào quán bia, làm quen với ông lão và hỏi những câu đại loại như: “Xin cụ kể lại cuộc sống thời trai trẻ. Lúc đó có giống bây giờ không ạ? Đời sống lúc đó khá hơn hay kém hơn bây giờ hả cụ?”

Anh chạy theo bậc thang rồi băng qua con hẻm nhỏ, sợ rằng nếu chần chừ thì lại không dám. Dĩ nhiên chỉ có người điên mới hành động như vậy. Không có điều luật nào cấm nói chuyện với bọn cu li hay cấm vào quán bia của họ, nhưng một hành động bất thường như thế nhất định là bị ghi sổ đen rồi. Nếu gặp đội tuần tra thì anh sẽ nói dối là bị chóng mặt, nhưng chắc gì họ tin. Anh giơ tay đẩy cửa, mùi bia chua lờm lợm xông thẳng ngay vào mũi. Tiếng ồn ào lặng hẳn xuống.Tất cả các cặp mắt dồn vào bộ đồng phục anh mang trên người. Những người đang thi ném phi tiêu ở phía cuối quán ngừng chơi chừng ba mươi giây. Ông lão anh đi theo đứng cạnh quầy bar, đang cãi vã với chủ quán, một người còn trẻ, khoẻ, chắc mập, mũi khoằm, có đôi cánh tay to như hộ pháp. Nhiều người khác tay cầm vại, đứng xung quanh theo dõi.

“Tôi chỉ xin anh thôi”, ông lão vừa nói vừa vươn vai lên có vẻ muốn gây sự. “Thế mà anh lại bảo tôi rằng quán của anh không bán theo pint.”

“Cháu chẳng biết pint là gì đâu cụ ơi”, chủ quán cãi, tay nắm chặt quầy, người hơi vươn ra phía trước.

“Các vị có nghe rõ không? Chủ quán mà không biết pint là gì! Pint là nửa quart [1] , bốn quart là một gallon [2] . Chả lẽ phải dạy anh từ A, B, C nữa sao?”

“Tôi chưa nghe nói pint bao giờ”, chủ quán đáp. “Chúng tôi bán loại một lít và nửa lít. Cốc nằm trên ngăn kia kìa.”

“Tôi chỉ uống một pint”, ông lão vẫn khăng khăng. “Rót cho lão một pint thì có gì khó? Lúc còn trẻ tôi chưa uống lít bao giờ.”

“Khi cụ còn trẻ thì chúng con còn trên ngọn tre, ngọn pheo cơ cụ ơi”, chủ quán vừa nói vừa nhìn những khách hàng khác.

Mọi người cười rộ, không ai còn cảm thấy lúng túng vì sự có mặt của Winston nữa. Mặt lão gìa chuyển thành màu đỏ. Lão vừa càu nhàu vừa bước ra và đụng phải Winston. Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay ông lão.

“Cháu xin mời cụ một li ạ”, Winston nói.

“Phúc đức quá”, lão già đáp, ngực ưỡn ra đằng trước. Có lẽ lão không nhìn thấy bộ đồng phục của Winston. “Một pint”, lão ra lệnh cho chủ quán. “Một pint bia, nghe chưa?”

Chủ quán nhúng hai cái cốc to vào chậu nước đặt dưới quầy rồi rót vào mỗi cốc nửa lít bia đen. Bia là đồ uống duy nhất trong các quán dành cho cu li. Cu li không được uống rượu Gin, nhưng thực ra kiếm món đó không khó khăn gì. Cuộc thi ném phi tiêu lại tiếp tục còn những người đứng cạnh quầy thì bắt đầu nói về vé số. Không ai còn để ý đến Winston nữa. Gần cửa sổ có một cái bàn bằng gỗ thông, ngồi ở đó tâm sự thì không sợ bị nghe lén. Quá mạo hiểm, nhưng may là trong quán không có màn vô tuyến, Winston nhận ra ngay khi vừa bước vào.

“Anh ta có thể rót cho già này một pint”. Lão già vừa làu bàu vừa ngồi xuống bên cạnh cái bàn. “Nửa lít thì ít quá, chưa đã. Một lít thì lại nhiều quá. Tiểu tiện suốt. Chưa nói tiền đấy.”

“Từ hồi thanh niên đến nay chắc cụ đã chứng kiến nhiều thay đổi lắm rồi”, Winston nói.

Đôi mắt xanh đã mờ đục vì năm tháng chuyển từ bàn chơi phi tiêu sang quầy rượu rồi cánh cửa nhà vệ sinh làm như có thể tìm được những thay đổi ấy ngay tại đây, trong quán bar này không bằng.

“Bia ngày xưa ngon hơn”, cuối cùng ông lão nói. “Rẻ hơn! Khi tôi còn trẻ loại bia nhẹ wallop giá có 4 xu một pint thôi. Đấy là nói thời trước chiến tranh.”

“Chiến tranh nào ạ?”, Winston hỏi.

“Chiến tranh liên miên”, lão già giải thích. Lão nâng vại bia lên, ngực ưỡn ra theo thói quen. CChúc sức khoẻ anh!”

Cục hầu nhọn hoắt trên cái cần cổ gày nhẳng lên xuống liên tục, vại bia cạn trong nháy mắt. Winston đi lại phía quầy, lấy thêm hai vại nữa. Lão già hình như đã quên lời khẳng định không uống một lít.

“Cụ già hơn cháu nhiều rồi ạ”, Winston nói. “Khi cháu mới sinh thì chắc cụ đã lớn tuổi rồi. Chắc cụ còn nhớ thời trước Cách Mạng chứ ạ. Chúng cháu thì chả biết gì về thời đó cả. Chúng cháu chỉ biết đọc sách, mà sách chắc gì đã đúng. Hôm nay cháu muốn được nghe ý kiến cụ. Sách lịch sử nói rằng cuộc sống ngày xưa khác hẳn bây giờ. Nào là đàn áp dã man, nào là bất công, nào là nghèo đói đến mức không thể nào tưởng tượng được. Ngay tại London rất nhiều người bị đói từ lúc lọt lòng mẹ cho đến lúc chết. Một nửa dân số không biết gìay dép là gì. Chín tuổi đã thất học, làm thì mười hai giờ mỗi ngày, ngủ thì mười người một buồng. Trong khi đó một ít người, khoảng mấy ngàn, gọi là tư sản lại nắm hết tài sản và quyền lực. Chúng nắm hết mọi thứ có thể nắm. Chúng sống trong những biệt thụ sang trọng, có hàng ba chục đầy tớ, chúng đi bằng xe ô tô và xe tứ mã, chúng uống rượu champagne, chúng đội mũ phớt...

Ông già tươi tỉnh hẳn lên.

“Mũ phớt à”, ông nói. “Anh nhớ chuyện đó, vui đấy. Hôm qua tôi cũng nghĩ đến chuyện này. Không hiểu sao nữa. Tôi nghĩ không biết đã bao nhiêu năm không trông thấy mũ phớt rồi. Lần cuối cùng tôi đội mũ phớt là tại đám ma chị dâu. Lần đó... không nhớ năm nào nữa, nhưng cũng phải năm mươi năm rồi. Dĩ nhiên là thuê rồi, anh hiểu không?”

“Mũ phớt, thực ra không quan trọng cụ ơi”, Winston vội vã chen ngang. “Cái chính là có phải bọn tư sản...và một ít luật sư, thày tu sống bám vào chúng là chủ nhân trên trái đất. Mọi thứ đều thuộc về họ. Còn ví dụ như cụ, những người bình thường, những người công nhân là nô lệ của họ. Họ muốn làm gì với các cụ thì làm. Họ có thể đưa các cụ sang Canada như đưa súc vật cũng được. Nếu muốn họ có thể ngủ với con gái các cụ. Họ có thể ra lệnh đánh các cụ bằng roi chín nút. Khi gặp họ, các cụ phải ngả mũ chào. Đi đâu mỗi tên tư sản đều có cả chục đầy tớ tiền hô hậu ủng...”

Ông già lại tươi tỉnh lên.

“Đầy tớ!, ông nói. “Lâu qúa không được nghe từ này. Đầy tớ! Nói thật nhá, nó làm tôi nhớ lại thời trai trẻ đấy. Tôi nhớ...lúc đó...chủ nhật nào tôi cũng đến Hyde Park để nghe diễn thuyết. Đủ mọi hạng người, nào là Đội Quân Cứu Thế, nào là người công giáo, người Do Thái, người Ấn Độ. Có một tay...tên thì không nhớ...nhưng nói hay ơi là hay! Hắn mắng tụi đầy tớ nhé. Đầy tớ, hắn nói. Đầy tớ của bọn tư sản! Tôi tớ của giai cấp cầm quyền! Lũ ăn bám, hắn nói thế đấy. Linh cẩu, đúng rồi gọi là linh cẩu. Tất nhiên đấy là nói về Đảng Lao Động, chú mày hiểu chứ.

Winston cảm thấy rõ là ông nói gà bà nói vịt, câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu.

“Cháu muốn hỏi là”, anh bảo. “Cụ có cảm thấy bây giờ được tự do hơn hồi xưa không? Có được đối xử tử tế hơn không? Trước đây những người giầu có, người thượng lưu...”

“Thượng viện”, cụ già ngắt lời.
“Thượng viện cũng được. Cháu muốn hỏi là có phải bọn đó có thể đối xử với các cụ như những người hạ lưu chỉ vì họ giầu còn cụ thì nghèo không? Có đúng là cụ phải gọi họ là “Ngài” và phải ngả mũ chào khi gặp họ không?”

Có vẻ như lão phải suy nghĩ rất lung. Lão uống nốt một phần tư vại bia rồi mới trả lời.

“Đúng”, lão nói. “Họ thích mình chạm tay vào mũ. Kiểu như là tôn trọng ấy. Thực ra thì tôi không thích, nhưng vẫn làm. Tránh đi đâu được.”

“Có phải thường là, đấy là cháu chỉ kể lại theo sách lịch sử thôi, có phải thường là bọn đó ra lệnh cho đầy tớ không cho các cụ đi trên vỉa hè, hất các cụ xuống rãnh nước không?”

“Một thằng đã đẩy tôi đấy”, lão già nói. “Vẫn nhớ như vừa mới hôm qua thôi. Đêm đó có hội đua thuyền, đêm đua thuyền bao giờ cũng lộn xộn lắm, tôi đâm phải một gã trên đại lộ Shaftesbury. Gã trông có dáng quí tộc, complet, mũ phớt, áo bành tô đen. Gã đang đi trên vỉa hè, siêu siêu vẹo vẹo, thế là vô tình tôi đâm phải. Hắn nói: “Không có mắt à?”. Tôi bảo: “Vỉa hè của nhà mày đấy à?”. Hắn lại bảo: “Mất dạy hả? Tao vặn cổ đi bây giờ”. Tôi bảo: “Xỉn hả, tao giao mày cho cảnh sát thì tiêu đời”. Cậu có tin không, nó nắm lấy ngực áo tôi và cứ thế mà đẩy, chút nữa thì tôi rơi vào bánh ô tô rồi. Lúc đó tôi còn trẻ, đáng lẽ nó chết với tôi, nhưng...”

Winston cảm thấy vô cùng thất vọng. Lão già chỉ nhớ toàn những chuyện vụn vặt. Có thể nói chuyện với lão suốt ngày mà chẳng được thông tin nào có giá trị. Lịch sử Đảng nói đúng, mà có thể là hoàn toàn đúng cũng nên. Anh cố thử lần cuối.

“Có thể cháu nói chưa rõ”, anh bảo. “Cháu muốn hỏi thế này cụ ạ. Cuộc đời cụ phải nói là dài, cụ đã sống một nửa đời người trước Cách Mạng. Lấy thí dụ năm 1925, lúc đó cụ đã lớn. Theo ý cụ thì đời sống năm 1925 tốt hơn hay kém hơn bây giờ? Nếu được lựa chọn thì cụ thích thời nào hơn?”

“Lão hiểu anh muốn gì rồi”, ông già đáp. “Anh muốn ta nói thích được trẻ lại chứ gì. Ai không muốn được trẻ lại cơ chứ. Trẻ thì có sức khoẻ, có tất. Già bằng tôi đi rồi sẽ biết, đủ thứ bệnh. Khi thì đau chân, rồi bọng đái nữa, khổ lắm. Đêm dậy sáu bảy lần. Nhưng già có thú của già. Chẳng phải lo gì nữa. Không tơ tưởng gì đến đàn bà nữa, quan trọng lắm. Anh có tin hay không thì tùy, nhưng đã ba mươi năm nay lão không dính dáng gì đến đàn bà nữa. Cái chính là không còn hứng nữa.

Winston tựa hẳn lưng vào bậc cửa sổ. Hỏi nữa cũng vô ích. Anh định mua thêm bia, nhưng lão gìa đột ngột đứng dậy và lê bước về phía nhà vệ sinh nồng nặc ở bên hông căn phòng. Nửa lít uống thêm đã có tác dụng rồi. Winston ngồi ngắm chiếc vại không thêm một hai phút nữa rồi bỗng thấy mình đã bước ra đường phố lúc nào không hay.Trong suốt hai mươi năm qua, anh nghĩ, một câu hỏi lớn, nhưng đơn giản “Cuộc sống trước Cách Mạng có dễ chịu hơn bây giờ không?” đã vĩnh viễn không thể tìm được câu trả lời. Thực ra ngay lúc này cũng không tìm được câu trả lời vì một ít chứng nhân của thế giới cũ còn lại hiện nay không có khả năng so sánh. Họ nhớ rất nhiều sự kiện vô ích, nào là cãi nhau với đồng nghiệp, nào là tìm cái bơm xe đạp bị mất, nào là nét mặt của người chị gái chết đã lâu, nào là cơn lốc bụi trong một buổi sáng lộng gió cách đây bảy mươi năm; nhưng các sự kiện có ý nghĩa thì lại nằm ngoài tầm của họ. Họ giống như bầy kiến, chúng có thể trông thấy những vật nhỏ, nhưng vật lớn thì chịu. Kí ức không còn, hồ sơ thì bị xuyên tạc, khi điều đó xảy ra, thì phải chấp nhận lời tuyên bố là Đảng đã cải thiện điều kiện sống của người dân vì không có và sẽ không bao giờ có tiêu chuẩn nào để đối chiếu nữa.

Đến đây luồng tư tưởng của anh bỗng bị ngắt quãng. Anh đứng lại và ngước mắt nhìn. Anh đang đứng trên một con phố hẹp, có mấy cửa hàng nhỏ tối tăm nằm chen giữa khu dân cư. Ngay trên đầu anh có treo ba quả cầu kim loại, chắc là trước đây mạ vàng, nhưng giờ đã xỉn. Dường như anh đã nhận ra. Đúng rồi! Anh đã mua cuốn nhật kí trong cái cửa hàng đồng nát này.

Anh bỗng phát hoảng. Mua cuốn sổ đã là liều rồi, anh đã thề sẽ không lai vãng đến khu này nữa. Thế mà chỉ lơ đãng một chút đôi chân đã tự lôi anh đến chỗ này rồi. Anh viết nhật kí chính là để tránh những cơn bốc đồng có tính tự sát như thế này đây. Đã gần chín giờ tối nhưng cửa hàng vẫn còn mở. Anh vội bước qua ngưỡng cửa để vào bên trong vì nghĩ rằng như thế sẽ ít bị chú ý hơn là cứ đi phất phơ trên trên vỉa hè. Nếu bị hỏi anh sẽ trả lời là định mua lưỡi dao cạo râu.

Ông chủ cửa hàng châm chiếc đèn dầu hoả treo lơ lửng giữa nhà, mùi tuy không sạch nhưng có vẻ ấm cúng. Ông ta khoảng sáu mươi tuổi, lưng đã còng, dáng vẻ ốm yếu, chiếc mũi dài, đôi mắt sau cặp kính trông có vẻ to, phúc hậu. Tóc ông đã bạc trắng, nhưng cặp lông mày dày thì vẫn còn đen. Cặp kính, dáng điệu nhẹ nhàng lịch sự, bộ complet cũ may bằng vải nhung; tất cả tạo cho ta cảm giác ông là một người tri thức, một văn nhân hay nhạc sĩ. Giọng ông dịu dàng, đã khàn nhưng không khó nghe như đa số cu li khác.

“Tôi đã nhận ra khi ông còn đứng ngoài đường cơ”, ông ta nói khi anh vừa bước vào. “Ông là người đã mua quyển anbom dành cho bạn gái ở đây. Giấy đẹp, rất đẹp. Thường gọi là giấy vecjê màu kem. Tôi xin nói năm mươi năm nay không làm loại giấy này nữa rồi”. Ông ta nhìn thẳng vào Winston. “Ông có muốn tìm món gì đặc biệt không ạ? Hay là ông chỉ thích ngắm chơi vậy thôi?”

“Tôi đi ngang qua đây”, Winston đáp một cách lơ đãng. “Tôi chỉ vào xem. Cũng chưa định mua gì cụ thể cả.”

“Không sao, chả còn món gì ra hồn nữa rồi ông ơi”, ông ta lấy tay phác một cử chỉ như là xin lỗi. “Ông thấy đấy, có thể nói cửa hàng trống trơn hết rồi. Có ông tôi mới dám nói chứ việc buôn bán cổ vật hết thời rồi. Không có người mua, cũng chả còn gì mà bán. Đồ gỗ, đồ sứ, đồ thủy tinh cứ gãy, vỡ dần. Đồ kim loại thì bị đem đi nấu lại hết. Đã bao năm nay tôi không trông thấy một cái giá đỡ nến bằng đồng thau nào rồi đấy.”

Gian hàng nhỏ bé tuy chật cứng đủ thứ, nhưng chẳng có vật gì gọi là đáng giá cả. Chật quá, cạnh tường chỗ nào cũng thấy những khung tranh đầy bụi. Trong tủ kính thấy có những chiếc mâm chứa nào là ốc, nào là đinh vít, nào là đục cũ, nào là dao nhíp gãy, nào là đồng hồ hỏng, và đủ thứ bà giằn khác. Trên cái bàn trong một góc có nhiều thứ lặt vặt như hộp đựng thuốc lá sơn mài, trâm bằng đá mã não là may ra có gì hay hay chăng. Winston đi lại phía cái bàn và nhìn thấy một vật tròn, nhẵn, lấp lánh dưới ánh đèn, anh cầm lên xem.

Đấy là một vật làm bằng kính, một phía cong, một phía thẳng, gần như nửa quả cẩu. Mầu sắc và cấu trúc của nó tạo cảm giác mềm mại, như một giọt nước mưa. Bên trong có một vật màu hồng, vặn vẹo, xoắn xuýt như là cây hoa hồng hay cỏ chân ngỗng.

“Cái gì đây ạ?”, Winston ngạc nhiên hỏi

“Cái này hả? San hô”, ông già đáp. “Chắc là từ Ấn Độ Dương. Trước đây người ta hay đổ vào bên trong kính. Phải hơn một trăm năm rồi đấy.”

“Đẹp quá”, Winston nói.

“Vâng, đẹp lắm”, ông kia đáp. “Nhưng bây giờ ít người biết đánh giá lắm”. Ông ta húng hắng ho. “Nếu ông muốn mua thì tôi chỉ lấy bốn dollar thôi. Ngày xưa nó phải có giá tám pound, mà tám pound [3] thì…tôi không thể nói chính xác là bao nhiêu nhưng lớn lắm. Bây giờ ai còn cần đồ cổ, mặc dù đồ cổ thực chẳng còn bao nhiêu nữa.”

Winston lập tức trả bốn dollar và bỏ món đồ quí vào túi áo. Anh thích không phải vì nó đẹp mà vì nó gợi nhớ khung cảnh một thời xa xưa, khác hẳn bây giờ. Anh chưa bao giờ thấy một món đồ nào làm bằng kính mà lại có vẻ mềm mại, giống như giọt nước mưa như thế này. Thú vị nhất là nó hoàn toàn vô ích, tuy anh đoán rằng trước đây nó được dùng làm cái chặn giấy. Khá nặng, nhưng may là nó không to. Một món đồ kì cục, có thể làm tổn hại danh dự một đảng viên. Tất cả những món đồ cũ, thêm nữa nếu lại đẹp đều đáng ngờ cả. Ông chủ có vẻ vui hơn sau khi nhận được bốn dollar. Winston cho rằng chỉ cần trả ba thậm chí hai dollar ông ta cũng bán.

“Nếu ông còn muốn xem thì trên kia còn một gian nữa”, ông ta nói. “Không có nhiều. Chỉ có vài món thôi. Nếu ông lên thì để tôi châm đèn.”

Sau khi châm thêm một cái đèn nữa, ông chậm rãi đi lên theo những bậc thang đã mòn vẹt và qua một cái hành lang nhỏ rồi dẫn Winston vào một căn phòng nhìn ra một cái sân rải sỏi và một rừng ống khói có mái che. Winston để ý thấy đồ gỗ được sắp xếp như một phòng ngủ. Trên sàn có một tấm thảm hẹp, trên tường treo một hai bức tranh và một chiếc ghế bành sâu, sứt sẹo kê sát lò sưởi. Trên bệ lò sưởi là chiếc đồng hồ kiểu cổ, mặt kính có mười hai chữ số vẫn tích tắc điểm nhịp. Bên dưới cửa sổ, là chiếc giường khổng lồ, chiếm đến một phần tư diện tích căn phòng, vẫn còn cả nệm.

“Trước khi bà nhà tôi mất thì chúng tôi sống trong phòng này”, ông già nói như người mắc lỗi. “Tôi cứ phải bán dần đồ gỗ đi. Còn cái giường gỗ đỏ tuyệt vời này, đúng hơn là sẽ tuyệt nếu diệt được hết rệp. Nhưng chắc ông cho là hơi to.”

Ông ta giơ đèn lên quá đầu để có thể chiếu sáng cả căn phòng, trong luồng ánh sáng ấm và mờ căn phòng trông có vẻ khá tiện nghi. Nếu có đủ can đảm, Winston chợt nghĩ, thì có thể thuê căn phòng này, chỉ mấy dollar một tuần thôi. Một ý tưởng ngông cuồng, nhảm nhí trôi qua cũng nhanh như lúc xuất hiện, nhưng căn phòng đã khơi dậy trong anh lòng hoài cổ, đánh thức kí ức của tổ tiên vẫn lưu chuyển trong từng giọt máu của anh. Anh cảm thấy mình hiểu rõ cảm giác khi ngồi trong một căn phòng như thế này, ngả mình trong một cái ghế bành cạnh lò sưởi, chân gác trên thanh chắn, trên bếp than là một siêu nước; cứ ngồi một mình như thế, không lo lắng, không bị ai theo dõi, không bị tiếng loa phát thanh săn đuổi, chỉ có tiếng reo của nước sôi và tiếng đồng hồ tích tắc điểm nhịp.

“Không có màn vô tuyến!”, anh bỗng thì thầm.

“À, cái này”, ông già nói. “Tôi chưa bao giờ mua. Đắt lắm. Mà anh biết không, tôi chưa bao giờ thấy có nhu cầu. Có một cái bàn cánh lật dễ thương trong góc kia kìa. Bây giờ nếu muốn mở cánh thì phải thay bản lề.”

Trong một góc khác có một cái kệ sách nhỏ, Winston bước về phía đó. Trên kệ chỉ toàn những thứ vớ vẩn. Việc tìm diệt sách trong các khu cu li cũng được thực hiện triệt để như mọi nơi khác. Chắc là trên khắp nước Oceania chẳng còn cuốn sách nào được in trước năm 1960. Ông già tay cầm đèn đang đứng trước bức tranh trong khung bằng gỗ hồng mộc treo trên bức tường đối diện với lò sưởi, trước mặt cái giường.

“Nếu ông quan tâm đến tranh khắc cổ…”, ông già lịch sự nói.

Winston bước lại phía bức tranh. Đấy là một bức tranh khắc ngôi nhà hình bầu dục, với các cửa sổ hình vuông và một cái tháp nhỏ đằng trước trên một tấm thép. Xung quanh ngôi nhà có hàng rào và phía trong cùng có một cái gì đó trông như bức tượng. Winston đứng ngắm khá lâu. Khung cảnh dường như quen, nhưng anh không nhớ bức tượng.

“Khung tranh được gắn vào tường”, ông già nói. “Nhưng nếu ông thích thì tôi sẽ tháo vít ra.”

“Tôi biết ngôi nhà này”, Winston bảo. “Nó bị phá rồi. Nó nằm ở giữa phố, bên cạnh Cung Tư Pháp.”

“Đúng đấy. Cạnh Toà Án. Bị bom phá…Lâu lắm rồi. Đây là nhà thờ St. Clement, thánh Clement của người Đan Mach”, ông mỉm cười như người mắc lỗi rồi nói thêm: “Cam cam chanh chanh là chuông Clement”

“Cái gì đấy ạ?”, Winston hỏi.

“À, Cam cam chanh chanh là chuông Clement. Đấy là một bài đồng dao khi tôi còn nhỏ. Tôi không nhớ cả bài, chỉ nhớ hai câu cuối: Nghe thì thắp nến cho đi vào giường, Không nghe rút búa thì mày tan xương. Trẻ con vừa hát vừa múa. Một bọn nắm tay nhau cho một đứa luồn qua, khi hát đến câu: Không nghe rút búa thì mày tan xương, thì bọn kia bỏ tay ra để bắt. Bài hát toàn tên các nhà thờ. Tất cả các nhà thờ của London, các nhà thờ chính ấy.”

Winston tự hỏi không biết cái nhà thờ này được xây từ bao giờ. Khó xác định tuổi các toà nhà ở London lắm. Tất cả các toà nhà to, bề thế, bề ngoài có vẻ còn mới đều được coi là xây sau Cách Mạng, còn các ngôi nhà cũ hơn, thì được gán cho một giai đoạn rất mù mờ gọi là thời Trung Cổ. Giai đoạn tư bản chủ nghĩa chẳng làm được trò trống gì cả. Kiến trúc cũng như sách vở chẳng giúp được gì trong việc nghiên cứu lịch sử nữa. Các bức tượng, các bức phù điêu, bia đá cũng như tên phố, tên phường, tóm lại bất cứ thứ gì có thể gợi nhớ về quá khứ đều đã bị sửa đổi một cách có hệ thống.

“Trước đây cháu đâu biết đấy là nhà thờ”, Winston nói.

“Vẫn còn nhiều”, ông già bảo. “Nhưng được dùng vào việc khác hết. Bài đồng dao thế nào nhỉ? À, nhớ rồi.
Cam cam chanh chanh là chuông Clement
Nợ ta ba xèng là chuông Martin…

Chịu không nhớ được nữa. Xèng làm bằng đồng, giống như tiền xu bây giờ.”

“Thế nhà thờ Thánh Martin nằm ở đâu ạ?”, Winston hỏi.

“Nhà thờ Thánh Martin à? Vẫn còn đấy. Trên quảng trường Chiến Thắng, cạnh viện bảo tàng tranh ấy. Toà nhà có cổng vòm hình vuông, hàng cột to ở đằng trước và cái cầu thang rất rộng ấy.”

Winston biết rõ khu vực này. Đây là viện bảo tàng dùng cho mục đích tuyên truyền, thường trưng bày các mô hình tên lửa, hay Pháo Đài Nổi và các hình người bằng sáp mô tả sự tàn bạo của kẻ thù và những cảnh đại loại như vậy.

“Nhà thờ này tên là Thánh-Martin-ngoài-đồn-điền”, ông lão nói thêm. “Nhưng tôi chẳng thấy cánh đồng nào ở đó bao giờ.”

Winston không mua bức tranh. Món này còn nguy hại hơn cả cái chặn giấy, vả lại muốn mang về thì phải tháo khung ra cơ. Nhưng anh vẫn ở lại nói chuyện với ông già thêm một lúc nữa, hoá ra tên ông không phải là Week như bảng hiệu treo trước cửa hàng mà là Charrington. Theo như lời kể thì ông Charrington năm nay sáu mươi ba tuổi, góa vợ và sống tại cửa hàng này đúng ba mươi năm rồi. Ông cứ định thay bảng hiệu suốt, thế mà cuối cùng vẫn không thay được. Bài đồng dao cứ trở đi trở lại trong đầu Winston suốt thời gian anh nói chuyện với ông già. Cam cam chanh chanh là chuông Clement, Nợ ta ba xèng là chuông Martin! Kì thật: khi lẩm nhẩm câu đó anh như nghe thấy tiếng chuông nhà thờ vang vọng đâu đây, tiếng chuông của thành phố London xưa, cái thành phố dù bị lãng quên, dù bị khinh khi nhưng vẫn tồn tại. Anh như nghe thấy những tiếng chuông, anh như thấy những cái chuông mờ ảo, cái nọ tiếp sau cái kia cùng lên tiếng. Nhưng thực ra từ trước tới nay anh chưa hề được nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga bao giờ.

Anh chia tay với ông Charrington và đi xuống thang gác một mình vì không muốn ông già chứng kiến cảnh anh quan sát đường phố trước khi bước ra khỏi cửa. Anh quyết định là một lúc nào đó thuận tiên, khoảng một tháng nữa, sẽ lại liều ghé vào cửa hàng này một lần nữa. Chuyện này cũng chẳng nguy hiểm hơn việc bỏ một buổi sinh hoạt tại Trung Tâm. Hành động thiếu thận trọng nhất là đã trở lại nơi này sau khi mua cuốn sổ mà không biết rõ là chủ nhà có đáng tin không thì anh đã làm rồi.

Nhất định, anh tự nhủ, mình sẽ quay lại. Anh sẽ mua một vài thứ lặt vặt nữa. Anh sẽ mua bức tranh khắc nhà thờ St. Clement của người Đan Mạch, sẽ tháo khung ra rồi dấu vào trong áo khoác, đem về. Anh sẽ động viên ông Charrington cố nhớ lại toàn bộ bài đồng dao. Ngay cả ý nghĩ điên rồ là thuê căn phòng cũng chợt hiện về trong óc. Cơn bốc đồng kéo dài chỉ chừng năm giây, thế mà anh đã lú lẫn và bước ra ngoài trước khi ngó chừng qua cửa sổ. Anh lại còn bắt đầu hát, dĩ nhiên là theo nhịp tự biên của chính mình:
Cam cam chanh chanh là chuông Clement
Nợ ta ba xèng là chuông Martin

Anh bỗng giật thót người, tim như ngừng đập, chân tay rụng rời. Một người mặc đồng phục màu xanh đang đi trên vỉa hè, theo hướng ngược lại, cách anh chỉ chừng mươi mét là cùng. Đấy chính là cô gái tóc đen trong Ban Sáng Tác. Trời đã xâm xẩm tối, nhưng anh đã nhận ra ngay cô ta. Cô nhìn thẳng vào mắt anh rồi đi lướt nhanh qua như chưa từng trông thấy.

Chân anh rã rời, mấy giây sau vẫn chưa bước được. Anh rẽ sang bên phải, nặng nề lê bước, không hề nhận ra là đã đi sai đường. Dù sao mặc lòng, một vấn đề đã được giải quyết. Không còn nghi ngờ gì rằng cô gái kia đang theo dõi anh. Cô ta đã đi theo anh tới đây vì hai người vô tình gặp nhau trong một con phố nhỏ tồi tàn, cách xa khu vực cư ngụ của đảng viên cả chục cây số như thế này là chuyện không thể nào tin được. Cô ta là chỉ điểm của Cảnh Sát Tư Tưởng hay chỉ là một kẻ nhiễu sự không phải là việc quan trọng. Quan trọng là cô ta đã theo dõi anh. Có thể cô ta đã trông thấy anh đi vào quán bia cũng nên.

Mệt quá, không bước nổi nữa. Cứ mỗi lần bước là cái chặn giấy lại đập một cái vào sườn, anh đã định vất đi. Nhưng khổ nhất là những cơn co thắt ở bụng. Có lúc anh cảm thấy rằng sẽ lăn ra chết nếu không tìm được nhà vệ sinh ngay lập tức. Nhưng trong khu như thế này thì làm gì có nhà vệ sinh công cộng. Một lúc sau thì bụng hết co thắt, nhưng vẫn còn đau ê ẩm.

Hoá ra anh đi vào một con phố cụt. Winston đứng lại, lưỡng lự một lúc rồi mới quay ra. Khi quay lại anh chợt nhận ra rằng cô gái tóc đen mới đi cách đây chừng ba phút, chạy thì có thể đuổi kịp. Anh có thể đi theo cô ta đến một chỗ vắng và lấy hòn đá lát đường nện cho một phát vào sọ. Cái chặn giấy trong túi cũng khá nặng, được việc đấy. Nhưng kế hoạch này lập tức bị bác bỏ, ngay ý định hành hung cũng đã không thể chấp nhận được rồi. Anh không đủ sức chạy, càng không đủ sức ra tay. Hơn nữa cô ta còn trẻ, lại khỏe nữa, cô ta sẽ kháng cự. Anh lại nghĩ đến việc đi thật nhanh đến Trung Tâm và ngồi đợi cho đến khi đóng cửa, đấy cũng là cách chứng tỏ mình ngoại phạm, dù chỉ phần nào. Nhưng không thể được. Anh cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Anh chỉ muốn đi thật mau về nhà, rồi ngồi xuống, nghỉ ngơi.

Hơn hai mươi hai giờ anh mới về đến nhà. Điện sẽ cắt vào lúc mười một giờ rưỡi. Anh đi vào bếp và uống hết hẳn một cốc rượu Gin Chiến Thắng. Sau đó anh lại chỗ bàn viết, ngồi xuống và lấy cuốn nhật kí từ trong ngăn kéo ra. Nhưng anh không mở cuốn sổ ra ngay. Từ màn vô tuyến một giọng phụ nữ nghe như lệnh vỡ đang hát một bài đầy tinh thần ái quốc. Anh ngồi yên lặng ngắm cuốn sổ màu cẩm thạch, cố quên tiếng hát đi, nhưng không được.

Chúng sẽ đến vào ban đêm, bao giờ cũng đến ban đêm. Tốt nhất là tự sát trước khi bị bắt. Chắc chắn là có một số người đã làm như thế. Nhiều vụ bốc hơi thực ra là những vụ tự sát. Nhưng phải gan lắm thì mới tự sát được vì không thể nào kiếm được súng, không thể nào mua được độc dược đảm bảo chắc ăn mà lại phát tác nhanh. Anh lấy làm ngạc nhiên khi nghĩ rằng nỗi đau và nỗi sợ là những cảm giác vô ích về mặt sinh học, rằng cơ thể con người ta rất hay ì ra ngay đúng lúc cần phải có những hành động quyết liệt. Anh đã có thể bịt miệng cái cô gái tóc đen kia nếu như anh hành động kịp thời: chính mối hiểm nguy quá lớn đã làm anh kiệt sức. Anh bỗng nhận ra rằng trong những tình huống khẩn trương con người ta không bao giờ chiến đấu chống lại kẻ thù bên ngoài mà bao giờ cũng chống lại chính cơ thể của mình. Ngay cả lúc này, sau khi đã có li Gin, cơn đau âm ỉ trong ổ bụng vẫn không để cho anh suy nghĩ một cách mạch lạc. Anh cho rằng những hoàn cảnh tưởng, dù là bi kịch hay anh hùng thì cũng thế mà thôi. Trên mặt trận, trong phòng tra tấn, trên những con tầu đang chìm dần bao giờ ta cũng quên ngay mục đích của cuộc chiến đấu vì cơ thể ta đã phồng lên choán đầy vũ trụ và ngay cả khi ta không đờ ra vì sợ, không gào lên vì đau thì cuộc đời cũng chỉ là những cuộc chiến đấu, từng giây từng phút chiến đấu chống lại cái đói, cái rét, những cơn mất ngủ, những cơn đau dạ dày và chứng nhức răng mà thôi.

Anh mở cuốn sổ. Cần phải ghi một chuyện gì đó. Người đàn bà trên màn vô tuyến bắt đầu một bài hát mới. Giọng bà ta như cứa vào óc não không khác gì mảnh thuỷ tinh vỡ. Anh cố gắng nghĩ về O'Brien, cuốn nhật kí này là dành cho anh ta, nhưng thay vào đó anh bắt đầu nghĩ đến việc sau khi bị Cảnh Sát Tư Tưởng bắt. Nếu chúng giết ngay thì không ngại. Chết thì chắc chắn rồi. Nhưng trước khi chết (không ai nói chuyện này nhưng ai cũng biết) người ta còn phải thú nhận theo đúng thủ tục đã: phải bò trên nền nhà mà xin tha tội, rồi còn bị đánh đến gãy xương, còn bị vặn răng, tóc bê bết máu.

Tại sao lại phải chịu đựng tất cả những chuyện ấy nếu kết cục vẫn là cái chết? Tại sao không tự kết liễu trước vài tuần hay vài ngày? Không ai thoát được cảnh bị mang ra đấu tố và tất cả đều nhận tội. Ngay khi phạm tội tư tưởng là ta đã tự kí bản án tử hình cho chính mình rồi. Thế thì những điều khủng khiếp trong tương lai đó có ý nghĩa gì?

Anh cố gắng nhớ lại hình ảnh của O'Brien, lần này thì được. "Chúng ta sẽ gặp nhau ở nơi không còn bóng tối nữa" - O'Brien đã nói với anh như thế. Anh biết ý nghĩa của câu nói đó, hay ít ra anh nghĩ rằng mình biết. Nơi không còn bóng tối là tương lai trong trí tưởng tượng, đời ta không thể thấy, nhưng dựa vào tiên tri, ta có thể bí mật chia sẻ cùng nhau. Giọng nói từ màn vô tuyến như chọc vào tai, anh không thể phát triển tiếp luồng tư tưởng của mình. Anh lấy một điếu thuốc ra hút. Một nửa điếu thuốc rơi ngay vào lưỡi, còn lâu mới nhổ hết được đám bụi đắng nghét này ra. Hình ảnh Anh Cả bỗng xuất hiện trong đầu thế chỗ cho O'Brien. Giống như đã làm cách đó vài ngày, anh rút từ trong túi ra một đồng xu và đưa lên ngắm. Đôi mắt đang nhìn thẳng vào anh, nét mặt nghiêm khắc, bình thản, chở che: nhưng nụ cười dấu sau chòm râu đen kia ẩn chứa điều gì? Lúc đó những từ sau đây bỗng đập vào óc não, nặng nề như một hồi chuông báo tử:
CHIẾN TRANH LÀ HOÀ BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH



[1]Quart – Đơn vị đo thể tích, bằng 2 pint hay 1,14 lít.
[2]Gallon – Đơn vị đo thể tích, bằng 4,54 lít
[3]Đơn vị tiền tệ của Anh quốc.
Nguồn: GEORGE ORWELL, NINETEEN EIGHTY-FOUR, Penguin Book, 1990: http://orwell.ru/library/novels/1984/
Có tham khảo bản Nga văn của Golưshev V. P., 1988: http://orwell.ru/library/novels/1984/russian/

Còn 10 nữa

1 comment:

  1. Đại Phát auto chuyên Độ Âm Thanh Loa Sub Ô Tô Xe Hơi Cao Cấp - chính hãng – giá rẻ hàng đầu Việt Nam
    --------------------------------
    Giá rẻ nhất – Cao cấp nhanh nhất – bền nhất – Liên hệ ngay:
    Web: Độ Âm Thanh Loa Sub Ô Tô Xe Hơi Cao Cấp Độ Âm Thanh Loa Sub Ô Tô Xe Hơi Cao Cấp
    (Xem tai day): Độ Âm Thanh Loa Sub Ô Tô Xe Hơi Cao Cấp Độ Âm Thanh Loa Sub Ô Tô Xe Hơi Cao Cấp
    (xem tai day): do am thanh loa sub o to xe hoi cao cap do am thanh loa sub o to xe hoi cao cap

    ReplyDelete