May 8, 2011

Dmitriĭ Likhachëv - Phẩm tính trí thức (Phần 3)

La Thành dịch và chú thích
 
Thư gửi ban biên tập, “Novyĭ mir”, 1993, №2, trang 3–9

4.

Song le, hãy quay trở lại với thời đại chúng ta.

Hoạt tính ngoan cường của giới trí thức đã được phát huy vào ngay thập niên đầu tiên của nền cai trị Xô-viết, và sự trấn áp cũng đã được nhằm trước tiên vào trí thức trong thập niên này. Sang đến những năm 1930 thì sự đàn áp không chỉ còn chống lại riêng trí thức (nó vẫn luôn luôn chống lại trí thức), mà đã nhắm tới nông dân, bởi chưng nông dân – những người lúc này bị coi là “mù chữ” – đã có một nền văn hoá cả ngàn năm của mình. Giới tu hành ở cả thành thị và nông thôn, mà những đại diện cá biệt của nó ngay từ trước cách mạng đã tỏ rõ mình như những trí thức (để thí dụ, cha Pavel Florenskiĭ), đã một lần nữa sản sinh ra một loạt trí thức kiệt xuất (Sergiĭ Bulgakov, Viktorin Dobronravov, Aleksandr El’chaninov và nhiều người khác).

Như vậy, đa số trí thức Nga đã không để sự bội tín làm hoen ố mình. Tôi có thể nêu ra hàng chục cái tên của những con người đã sống trọn đời mình một cách trung chính mà không cần phải tự biện hộ bằng những lý lẽ kiểu như “chúng ta đã từng tin như thế”, “thời thế lúc đó phải như vậy”, “mọi người chúng ta ai cũng đã làm thế cả”, “hồi đó chúng ta còn chưa hiểu biết”, “chúng ta đã từng bị mê hoặc” và tương tự. Những lập ngôn này đã tự động loại những ai viện đến chúng ra khỏi giới trí thức – bổn phận các thành viên của giới này đã và luôn luôn vẫn là: biết, hiểu, phản kháng, giữ gìn sự độc lập tinh thần của mình và không can dự vào những điều dối trá. Tôi sẽ không dẫn ra tính danh của tất cả các trí thức mạo xưng, mà sự tham gia của những kẻ này vào các chiến dịch “chấn chỉnh” đủ kiểu ngay từ đầu đã không hề là ngẫu hứng. Bọn họ đã từng rất đông đảo, song nếu chỉ vì bọn người này mà buộc tội toàn bộ giới trí thức Nga – một giới xã hội đã bị trấn áp suốt bảy mươi năm – là điều hoàn toàn không nên. Đấy là chưa kể nếu không có thế hệ trí thức già kia thì có lẽ đã không có những nhà bất đồng chính kiến trẻ hơn sau này. Sự bất phục tùng của giới trí thức đã khiến nó trở thành kẻ thù chính thường xuyên của chính quyền Xô-viết.

Những năm tháng đối đầu giữa chế độ và giới trí thức cũng đồng thời là khoảng thời gian mà trong ngôn ngữ chính thức đã biến mất những khái niệm danh dự, lương tâm, nhân phẩm, trung thành với nguyên tắc, chính trực, vô tư, lương thiện, nghĩa hiệp. Giá trị chân chính của con người đã bị đánh tráo bằng những ý niệm hoàn toàn trống rỗng, còn phẩm tính trí thức thì bị tụt cấp thành khái niệm về một nghề nghiệp lao động bằng trí óc.

Sự coi thường trí thức hiện nay cũng là sự bất kính đối với ký ức về hàng nghìn con người đã hành xử một cách dũng cảm trong các cuộc thẩm vấn và dưới các đòn tra tấn, đã giữ trọn đức chính trực trong cảnh tù đày, trong thời gian bị truy bức trên những nẻo đường khoa học.

Trong tương lai, khi mà từng vụ án riêng biệt của Che-Ka, OGPU hay KGB [1] đã được công khai hoá, một lần nữa cần phải lưu ý rằng trong các biên bản điều tra chỉ ghi chép những dữ kiện tương thích với hồ sơ đã được điều tra viên soạn sẵn. Những người “trợ giúp điều tra” hoặc cung cấp dữ liệu mật thám cho việc bắt giữ thì đã biến mất khỏi các vụ án, không mảy may dấu vết. Mọi bằng chứng về sự can trường của các nghi can khi thẩm vấn cũng đã bị xoá sạch. Người ta không bao giờ thả những người đã bắt: “Nhà đương cục không bắt người vô cớ!” Tư tưởng mạnh mẽ này ngày càng được củng cố cùng năm tháng.

Vì vậy mà ngay cả ngày nay, việc đưa các vụ án ra công khai phải được kèm theo những diễn giải có căn cứ khoa học.

Thú vị nhất là khi các tù nhân trí thức được nghe người ta tuyên những bản án của mình. Tôi xin được kể thêm một mẩu hồi ức. Đó là vào năm 1928, khoảng đầu tháng Mười. Tất cả chúng tôi – can án vụ nhóm sinh viên “Học viện Hoàn vũ” và “Nghĩa hội Serafim Sarovskiĭ” – bị giải đến gặp cai trại DPZ (dom predvaritel’nogo zaklĭucheniĭa = “nhà tạm giam”, nằm trên phố Shpalernaĭa ở Leningrad). Viên cai ngồi với một vẻ mặt nghiêm trọng và cực kỳ ảm đạm, còn tất cả chúng tôi đều đứng. Đứng trên cùng là Igor’ Evgen’evich Anichkov, một trí thức cũ điển hình, thụ giáo ở nước ngoài. Bằng một giọng rùng rợn chết chóc, viên cai thông báo: “Các anh hãy nghe bản án!” Tôi nhớ rất rõ, từ “bản án” (prigovór) được y phát âm với trọng âm được nhấn chuẩn xác ở âm tiết cuối cùng. Rồi y bắt đầu đọc một cách chậm rãi và trịnh trọng chính cái “bản án” đó, không rõ do ai quyết định, bởi làm gì có toà án. Trong suốt thời gian đó Igor’ Evgen’evich đứng với một vẻ mặt chán nản. Ngay khi viên cai kết thúc xướng ngôn, Anichkov hỏi một cách ngạo mạn: “Xong rồi hả? Chúng tôi đi được chưa?” Và không đợi trả lời, ông bước luôn ra cửa. Chúng tôi nhấc gót theo Anichkov, ngang qua mặt toán lính áp giải đang cuống lên vì bất ngờ. Thật là hùng tráng!

Tư chất xác định phẩm tính trí thức là thái độ ghê tởm chủ nghĩa chuyên chế. Ý chí bất khuất và lòng tự tôn sẽ được nuôi dưỡng cùng với nó.


5.

Thế còn điều này thì sao: trí thức là hiện tượng thuộc về phương Tây hay phương Đông? Đáp án của câu hỏi này nằm ở chỗ chúng ta nhìn nhận nước Nga là một quốc gia phương Đông hay phương Tây. Một trong những rường cột chính yếu của phẩm tính trí thức là tính chất của học vấn. Đối với trí thức Nga, học vấn đã và bao giờ cũng là thuần tuý phương Tây.

Nếu như Nga là một quốc gia phương Đông, hay cứ cho là Á-Âu (Eurasian) đi nữa, thì tính chất Tây Âu của nền học vấn của nó cho phép dễ dàng tách giới trí thức khỏi dân chúng; điều này sẽ biện hộ một cách xác đáng cho thái độ tiêu cực đối với giới trí thức của tầng lớp nửa-trí-thức, nửa-học-giả và “kỹ giả” đã thắng thế lâu nay ở nước Nga. Còn nếu không vì thế, hoặc giả nếu không xuất phát từ mong muốn ly gián cái này khỏi cái kia, thì phải chăng chủ nghĩa Á-Âu [2] ở chúng ta trong những năm qua đã thủ đắc tính chất đầy dã tâm của một chính sách ngu dân?

Thực ra thì nước Nga chẳng có gì là Á-Âu cả. Nếu nhìn nước Nga từ phía Tây thì dĩ nhiên nó nằm ở giữa Tây và Đông. Nhưng đấy là quan điểm thuần tuý địa lý, thậm chí tôi còn muốn nói: quan điểm thuần tuý địa đồ. Bởi chưng việc phân chia Đông, Tây là do sự khác biệt của các nền văn hoá, chứ không do những đường biên giới quy ước được vạch trên bản đồ. Nga hiển nhiên là Âu châu về tôn giáo và văn hoá. Đồng thời, trong văn hoá Nga người ta không thấy có sự khác nhau rõ nét nào giữa Peterburg ở phía Tây và Vladivostok ở phía Đông.

Về văn hoá, Nga khác với các nước phương Tây không nhiều hơn sự khác biệt giữa các nước này với nhau: Anh khác Pháp hay Hà Lan khác Thuỵ Sĩ. Ở châu Âu có nhiều nền văn hoá. Đương nhiên, trung gian liên kết nước Nga với phương Tây chủ yếu là giới trí thức, mặc dù nó không giữ vai trò đó một mình.

Đối với nước Nga, vấn đề “Đông-Tây” đóng vai trò nhỏ hơn so với mối liên hệ “Bắc-Nam”. Có vẻ như không mấy ai đặc biệt chú ý đến điều này, nhưng sự tình đúng là như vậy. Hãy nhìn vào một tấm bản đồ châu Âu, cụ thể hơn – vào bản đồ Đông Âu. Hãy nhận ra: trong một thời gian dài, những tuyến đường giao thông cơ bản từng là các dòng sông, chủ yếu chảy theo hướng kinh tuyến – từ Bắc xuống Nam hoặc từ Nam lên Bắc. Chúng nối liền các bồn nước của biển Baltic và biển Đen (mà chung quy là Địa Trung hải) với nhau. Con đường “từ Varangia tới Hy Lạp” đã từng là một tuyến giao thương mậu dịch chính yếu, đồng thời là con đường của chiến tranh và của sự khuếch tán văn hoá. Tác giả của Chuyện kể thời quá vãng (Povest’ vremennykh let, thế kỷ XI) [3] đã miêu tả bờ cõi địa lý của Nga La Tư đúng theo cách ấy, bắt đầu từ một đường phân thuỷ – “rừng Okovskiĭ” – rồi theo hướng các dòng sông mà xác lập chủ quyền: những con sông nào chảy vào biển nào. Các đường biên giới chưa có, chỉ có lưu vực của các dòng sông.

Trên những ngả đường ấy, Nga La Tư đã từng có hai trung tâm đẳng quyền – Novgorod và Kiev. Từ phương Bắc, những người Varangia đã đi đến Nga La Tư theo lộ trình này do được mời hoặc được thuê mướn. Triều đình Rĭurikovich [4] định đô ở phía Bắc, sau khi đã bành trướng xuống phương Nam nhằm hướng Kiev và sinh cơ lập nghiệp như một sức mạnh nhà nước trên toàn bộ tuyến đường từ Ladoga tới Khersones. Xuất phát từ Byzantium ở phương Nam, thông qua trung gian người Bulgaria, một nền văn hoá tâm linh – Ki-tô giáo Âu châu – đã đến với Nga La Tư, thắt những nút chặt chẽ giằng kết nước Nga trung cổ với Tây Âu. Nếu xác định rằng văn hoá Nga La Tư tương đồng với những nền văn hoá chính hợp nhất của châu Âu trong các thế kỷ X–XII, thì cần phải định danh nó như là Scandinavian-Byzantine, chứ không phải Eurasian (“Á-Âu”). Những sắc dân du mục phương Đông và các thảo nguyên phương Nam chỉ dự phần rất nhỏ bé trong việc tạo thành Nga La Tư, ngay cả khi các bộ tộc Á Đông này đã định cư bên trong cương giới của các công quốc [5] Nga với tư cách là những lực lượng đánh thuê.

Người Nga La Tư đã pha trộn trước tiên với các sắc dân Finno-Ugric [6] , và theo truyền thuyết, đã cùng với các bộ tộc ấy mời gọi anh em Rĭurik, Sineus và Truvor [7] . Hãy xem trong Chuyện kể thời quá vãng, vào năm 862:

Người Rusi (tức người Nga La Tư – người dịch), người Chiud’ (tổ tiên của người Estonia sau này – D. Likhachëv), người Sloveni và người Krivichi và người Ves’ (tức Vepsy, một bộ lạc Finno-Ugric – D. Likhachëv) cùng nói: “Đất đai chúng ta to rộng và hào phóng, mà trong nó narĭad (tức tổ chức nhà nước – D. Likhachëv) không có. Vậy các người hãy làm vua và cai quản chúng ta đi.”

Rồi sau đó:

Trong thành này các lai nhân Varĭagi (tức người Varangia đến từ Scandinavia – người dịch) thì ở, còn các cư dân đầu tiên ở Novegotod là người Sloveni, ở Polot’ski người Koivichi (một bộ lạc Slav – D. Likhachëv), ở Rostov người Merĭa (một bộ lạc Finno-Ugric – D. Likhachëv), ở Beloozer người Ves’, ở Murom người Muroma (một bộ lạc Finno-Ugric – D. Likhachëv); và Rĭurik (đã) thống lĩnh tất cả. [8]

Điều đáng nói là tất cả các xuy-giê (sujet) Đông phương có trong văn học cổ Nga đều đã đến với chúng ta từ phương Nam (qua trung gian Hy Lạp) hoặc từ phương Tây. Những liên hệ văn hoá với phương Đông là vô cùng hạn chế, chỉ từ thế kỷ XVI mới thấy xuất hiện những mô-típ Đông phương trong các hoa văn trang trí của chúng ta.

Polotsk, trung tâm sau này của Belarus, cũng đã ra đời trên những tuyến giao thương đường sông. Cả ba kinh đô – Novgorod, Kiev và Polotsk – đều đã xây dựng cho mình những đại giáo đường Sophia, “Thánh Trí” của Thiên Chúa [9] . Ơn trời, những kiến trúc này đã chứng thực cho sự thống nhất về văn hoá của ba dân tộc Đông Slav. Chỉ có cuộc xâm lăng hung bạo của Mông-Thát mới từng có khả năng phá huỷ sự thống nhất ấy của Nga La Tư, một sự thống nhất đã được cố kết bởi các giáo đường Sophia – biểu tượng cho sự anh minh của Tạo Hoá; và chính mong muốn gò bó chúng ta với phương Đông bất chấp mọi lẽ lại có thể làm giảm đi hậu quả tàn phá của cuộc xâm lăng đó. Toàn bộ những gì vừa nêu tuyệt nhiên không có nghĩa là dường như nước Nga đã thường xuyên có các đồng minh ở phương Tây cũng như các địch thủ ở phương Đông: lịch sử không có cách nào xác nhận điều này; chúng ta đang nói hoàn toàn không phải về các đồng minh chiến tranh, mà về những cội nguồn của nền văn hoá dân tộc Nga.

Những cội nguồn ấy ở Nga và phương Đông là khác nhau, sự thể là như vậy. Nhưng điều này tuyệt nhiên không phủ định, mà đúng hơn là đang ước định sự cần thiết hiện nay của việc hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau. Chính trong ý nghĩa này, chứ không phải trong bất kỳ ý nghĩa nào khác, mà ngày hôm nay những ý tư của chủ nghĩa Á-Âu cũng cần được thấu hiểu. Mỗi xứ sở đều có phía Đông và phía Tây, phía Nam và phía Bắc của mình; cái đối với đất nước này là Đông thì đối với lân bang của nó có thể lại là Tây. Một quan hệ láng giềng hoà hiếu chính là để cho các đường biên sắc tộc không bị trở thành những biên giới chính trị khoá kín, và để cho sự đa dạng không làm tổn thương ai thay vì làm phong phú hơn lên.

“Khi kẻ thù không quy hàng, nó sẽ bị tiêu diệt!” – ấy là lời Gor’kiĭ [10] . Phát biểu này đã một lần trở thành tiên tri: đó là sự thật, nhưng có lẽ nào nó vẫn còn hiệu lực cho đến cả ngày nay? Quả là vào thời chúng tôi, một giới trí thức nhà nước đã tiêu diệt một giới trí thức khác, nhiều khi bằng vũ khí trong tay. Và vào thời chúng tôi, giới trí thức đã phải hứng chịu sự nhạo báng và thủ tiêu: Từ phía ai? – Từ phía một bộ phận khác của giới trí thức. Mà nếu vậy, điều đó có nghĩa là cái bộ phận “khác” kia đã vơ lấy về mình một cách bất chính khái niệm “trí thức”.

Những cuộc tranh cãi, sự nhìn nhận khác nhau về thế giới và tương lai của nó đương nhiên là bản tính cố hữu của giới trí thức, nhưng sự thanh toán lẫn nhau cũng đã được cả Gor’kiĭ, cả các nửa-chuyên-gia và “kỹ giả” đưa vào môi trường này, chưa nói đến Che-Ka, OGPU, NKVD [11] và KGB. Vậy có lẽ nào cho đến tận hôm nay, giới trí thức có thể giải quyết mọi nhiệm vụ lịch sử mà nó được giao phó chỉ bằng vào lòng thù ghét lẫn nhau và những mối tị hiềm bất tận, trong khi mà toàn bộ lịch sử của nền văn hoá cũng như kinh nghiệm thực tiễn chưa hề xa của chúng ta đang gợi mở cho chúng ta một con đường hoàn toàn khác và ngược hẳn lại?

Và có lẽ nào chúng ta, giống như trước kia – theo “phép tắc bolshevik” –, sẽ bất công trở lại đối với giới trí thức và đối với vai trò của nó trong đời sống các dân tộc của chúng ta?

Tôi đã viết những ý kiến nhận xét thuận lợi trong bản thảo của nhà sử học tài giỏi và giàu óc tưởng tượng L. N. Gumilëv [12] , một người theo chủ nghĩa Á-Âu, đã viết các lời nói đầu cho những cuốn sách của ông ấy, đã giúp đỡ ông ấy trong việc bảo vệ luận án. Nhưng tất cả những điều đó không phải bởi vì tôi đã tán thành Gumilëv, mà là để ông ấy được xuất bản. Gumilëv – và cả tôi nữa – đã chẳng vì danh vọng, nhưng với tôi, ít nhất, coi như tôi đã giúp để ông ấy có cơ hội phát biểu lên quan điểm của mình, một quan điểm đang cố kết các dân tộc khác nhau về văn hoá trên đất nước chúng ta.
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.

(Còn 1 kì nữa)

[1]Che-Ka, OGPU, KGB: acronym theo tiếng Nga của cơ quan an ninh chính trị Liên Xô trong những thời kỳ khác nhau. Che-Ka là gọi tắt của Vserossiĭskaĭa chrezvychaĭnaĭa komissiĭa po bor’be s kontrrevolĭutsieĭ i sabotazhem (“Uỷ ban đặc biệt toàn Nga chống phản cách mạng và phá hoại”, 1917–1922). OGPU là gọi tắt của Ob”edinënnoe gosudarstvennoe politicheskoe upravlenie (“Cục chính trị quốc gia hợp nhất”, 1922–1934). Còn KGB là gọi tắt của Komitet gosudarstvennoĭ bezopasnosti (“Uỷ ban an ninh quốc gia”, 1954–1991). Thực chất, đây là những tổ chức mật vụ và tình báo, có nhiệm vụ bảo vệ chế độ cộng sản ở Liên Xô và – vào thời Chiến tranh Lạnh – ở các quốc gia Đông Âu thuộc khối Xô-viết. Trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, các cơ quan này có quy chế của một bộ nằm trong thành phần chính phủ Liên Xô, và thường do một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô phụ trách. Trong số những nhân vật nổi tiếng từng đứng đầu các cơ quan này có Feliks Dzerzhinskiĭ (1877–1926), Lavrentiĭ Beriĭa (1899–1953), Ĭuriĭ Andropov (1914–1984), Vladimir Krĭuchkov (sinh năm 1924). Một người trong số này, Ĭuriĭ Andropov, đã trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.

[2]“Chủ nghĩa Á-Âu” (tiếng Nga evraziĭstvo, tiếng Anh eurasianism): trào lưu tư tưởng địa - chính trị và triết học - xã hội học cho rằng nền văn minh Nga không thuộc vào phạm trù Âu châu, mô tả nước Nga là một “Á-Âu quốc” – về địa lý là một tiểu lục địa nằm giữa châu Á và châu Âu, về văn hoá là một kiểu hình đặc sắc, trung gian giữa hai nền văn minh Á Đông và Âu Tây. Những người Á-Âu chủ nghĩa đặt đối lập nước Nga với phương Tây về số phận lịch sử, trách nhiệm và lợi ích, mà một hệ quả trực tiếp từ những luận điểm này là thừa nhận tính chính đáng và tính hợp quy luật của cuộc cách mạng bol’shevik năm 1917 – được cho là phản ứng tất yếu trước quá trình Tây phương hoá chóng vánh xã hội Nga thời kỳ cuối thế kỷ XIX. Các tác giả của chủ nghĩa Á-Âu là những học giả người Nga lưu vong đã tỵ nạn khỏi cuộc Cách mạng tháng 11.1917 và cuộc Nội chiến 1918–1922, điển hình là Nikolaĭ Trubetskoĭ (1890–1938) và Pëtr Savitskiĭ (1895–1968). Trong giai đoạn cuối của Liên bang Xô-viết và sau khi thiết chế này tan rã, trên hiện trường chính trị và học thuật Nga đã xuất hiện “phong trào Á-Âu mới” (tiếng Nga neo- hay novo-evraziĭstvo, tiếng Anh neo-eurasianism), lấy cảm hứng và kế thừa một phần di sản của chủ nghĩa Á-Âu đầu thế kỷ XX. Nhà sử học nhân chủng Lev Gumilëv [xem “Phẩm tính trí thức (phụ lục)”] được coi là người sáng lập, còn những trước tác của ông được coi là cơ sở lý luận của phong trào này. [Xem mô tả tóm tắt về học thuyết tân Á-Âu chủ nghĩa của Gumilëv trong “Phẩm tính trí thức (phụ lục)”.] Thuật ngữ “chủ nghĩa Á-Âu” mà tác giả Likhachëv sử dụng trong bài viết thực ra là ám chỉ “phong trào Á-Âu mới”. Trong văn hoá học và triết học (chủ yếu là triết học chính trị) Nga / Đông Slav, chủ nghĩa Á-Âu nói chung và phong trào Á-Âu mới nói riêng là đối thủ cạnh tranh của “chủ nghĩa hướng Âu” (tiếng Nga evropotsentrizm, tiếng Anh eurocentrism) mà qua bài viết, có thể thấy rõ tác giả Dmitriĭ Likhachëv là một đại diện.

[3]Chuyện kể thời quá vãng (Povest’ vremennykh let): tập sử ký, ghi chép lịch sử của Nga La Tư (Kievskaĭa Rus’) trong khoảng thời gian từ năm 850 đến năm 1110. Bản gốc (đã thất truyền) của cuốn sử ký này được cho là do một tăng lữ tên Nestor – có lẽ là một sử quan của triều đình Kiev – biên soạn vào năm 1113. Hai bản chép tay cổ nhất là bản Lavrent’ev (1377) và bản Ipat’ev (thế kỷ XV) hiện được bảo quản tại Thư viện quốc gia Nga ở Sankt-Peterburg. Không giống như nhiều bộ sử ký khác ở châu Âu về thời trung cổ, Povest’ vremennykh let là chứng tích văn bản độc nhất hiện nay về sơ sử của các dân tộc Đông Slav. Sự toàn diện trong các mô tả của nó thì không một nguồn dữ liệu nào về cổ sử Đông Slav sánh kịp. Nó cũng đồng thời là một tác phẩm mẫu mực của văn học cổ Đông Slav. Tác giả Likhachëv là một trong những chuyên gia về cuốn sử ký này.

[4]“Triều đình Rĭurikovich” (tiếng Nga Rĭurikovichi, tiếng Anh Riurik hoặc Riurikid Dynasty): nhà nước phong kiến thế tập của dòng họ Rĭurikovich cai trị Nga La Tư (hay Rus’, quốc gia của các bộ tộc Đông Slav) từ năm 862 đến năm 1598. Theo những ghi chép có nguồn gốc folklore trong Chuyện kể thời quá vãng (xem chú thích [37]), năm 862, tộc tổ của dòng họ Rĭurikovich là Rĭurik, nguyên là một tù trưởng người Varangia (người gốc Scandinavia di cư đến vùng đất Đông Slav), đã được các bộ lạc Đông Slav (tổ tiên gần của các sắc tộc Nga, Ukraina và Belarus’ ngày nay) cùng với các bộ lạc Finno-Ugric (xem chú thích [40]) mời lên làm knĭaz’ (lãnh vương) của Novgorod – thành bang có vị thế chi phối các vùng lãnh thổ Đông Slav lúc đó – và trị vì cho đến khi chết (năm 879). Các Rĭurikovich (theo phép cấu tạo từ của tiếng Slav có nghĩa là “có cha là Rĭurik”) sau đó đã dời đô về Kiev (năm 882), mở đầu triều đại Kievskaĭa Rus’. Hưng thịnh trong các thế kỷ X–XI như một trong những quốc gia phát triển nhất châu Âu đương thời về kinh tế, văn hoá và thống nhất về chính trị, Kievskaĭa Rus’ tan rã vào giữa thế kỷ XII thành một số tiểu vương quốc (hay “công quốc”, tiếng Nga knĭazhestvo – xem chú thích [39]) – do các chi tộc của nhà Rĭurikovich quản nhậm – và một nhà nước cộng hoà phong kiến ở Novgorod (Novgorodskaĭa feodal’naĭa respublika), cùng nhau tranh giành ảnh hưởng chính trị ở Đông Slav với Kiev. Các lãnh địa Đông Slav được tái hợp nhất vào cuối thế kỷ XV với sự ra đời của Vương quốc Nga - Moskva (Russkoe tsarstvo moskovskoe), do một velikiĭ knĭaz’ (đại lãnh vương) họ Rĭurikovich là Ivan IV “Groznyĭ” (“Ivan Đáng Gờm”) thống lĩnh và xưng tsar’ (1547). Về cuối đời, tsar’ Ivan IV trong một lần nóng nảy dẫn đến bạo hành đã lỡ tay giết chết thái tử Ivan (con) Ivanovich; trước đó, ông đã đánh truỵ thai thái tử phi – con dâu ông và vợ của Ivan con. Khi Ivan “Groznyĭ” chết (1584), người con còn lại của ông là Fëdor I Ivanovich – một nhân cách trì độn – được đưa lên ngai vàng. Mười bốn năm sau, cái chết của Fëdor I trong tình thế không có con và không còn ai thân thích đồng tông đã đưa tôn thất Rĭurikovich đến chỗ tuyệt tộc (1598). Nước Nga trải qua một Thời kỳ bất ổn (Smutnoe vremĭa, 1598–1612) trước khi triều chính rơi vào tay nhà Romanov (Romanovy, 1612–1917).

[5]“Công quốc”: dịch thuật ngữ tiếng Nga knĭazhestvo. Từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XV, Nga La Tư – với tư cách một cộng đồng nhân chủng của các bộ lạc Đông Slav – ở trong tình trạng chế độ phong kiến phân quyền: quyền lực nhà nước không tập trung thực sự vào một trung tâm mà bị chia xẻ và cạnh tranh giữa các lãnh chúa phong kiến địa phương. Hầu hết các lãnh chúa địa phương đều có tước hiệu knĭaz’ (“quận công”) do thế tập hoặc tự phong. Đôi khi, một lãnh chúa tỏ ra có thế lực / ảnh hưởng vượt trội đã được suy tôn hoặc tự phong làm velikiĭ knĭaz’ (“đại quận công”). Lãnh địa phong kiến do một knĭaz’ đứng đầu được gọi là một knĭazhestvo. Giai đoạn phân quyền được coi là chính thức chấm dứt vào năm 1547, khi đại quận công xứ Moskva (velikiĭ knĭaz’ moskovskiĭ) là Ivan IV Vasil’evich Rĭurikovich tự tấn phong ngôi tsar’ vseĭa Rusi (“quốc vương – hay sa hoàng – của toàn Nga La Tư”), tức sa hoàng Ivan “Groznyĭ” (xem chú thích [18]). Tuy nhiên, tước hiệu knĭaz’ với tư cách là một phẩm hàm quý tộc cao cấp vẫn được thế tập hoặc sắc phong cho đến (ít nhất) tháng 2.1917, mặc dù đất phong của người giữ tước hiệu này không bao giờ còn có được status của một knĭazhestvo nữa. Một cách tương đối, knĭazhestvo được coi là tương đương với các thuật ngữ tiếng Anh duchy / principality / emirate. (Đồng thời, knĭaz’ cũng được coi là tương đương với duke / prince / emir, dĩ nhiên cũng chỉ một cách tương đối.) Trong bản dịch này và phần chú thích của nó, đôi khi knĭaz’ được dịch là “tiểu vương” hoặc “lãnh vương” và knĭazhestvo được dịch là “tiểu vương quốc”.

[6]“Các sắc dân Finno-Ugric” (tiếng Nga finno-ugorskie narody, tiếng Anh Finno-Ugric peoples): theo nghĩa rộng, chỉ tất cả các sắc tộc (ethnic) – trong quá khứ cũng như trong hiện tại – có ngôn ngữ thứ nhất thuộc tiểu ngữ tộc Finno-Ugric (nằm trong ngữ tộc Uralic); khái niệm rộng này bao quát từ người Hungary ở Trung Âu, người Phần Lan ở Bắc Âu đến người Khanty ở Tây Sibir’. Trong bài viết này, tác giả sử dụng finno-ugorskie narody theo nghĩa hẹp hơn: chỉ những bộ lạc trung cổ định cư ở khu vực Đông/Bắc Âu - Tây Ural (tương ứng với lãnh thổ của Kievskaĭa Rus’) mà có quan hệ genetic với một số dân tộc [nói những thứ tiếng] Finno-Ugric hiện nay sống trên địa bàn này, bao gồm (thí dụ) người Estonian, người Karelian, người Vepsian, người Komi v.v...
[7]SineusTruvor: hai người em của Rĭurik (xem chú thích [38]) đã, cùng với Rĭurik, được các bộ lạc Đông Slav và Finnic mời đến vùng đất Rus’ để định cư và cai trị, theo ghi chép của Chuyện kể thời quá vãng (Povest’ vremennykh let, xem chú thích [37]). Sau khi lên làm knĭaz’ ở Novgorod, Rĭurik đã “bổ nhiệm” Sineus và Truvor đến cai quản hai thành bang khác là BeloozerIzborsk. Cái chết ngay sau đó của cả hai người em đã khiến Rĭurik thâu tóm toàn bộ quyền hành trên các lãnh địa do Novgorod chi phối. Tuy nhiên, một số chuyên gia sử học về châu Âu trung đại cho rằng ‘Sineus’ và ‘Truvor’ thực sự không tồn tại với tư cách là hai nhân vật lịch sử. Họ lập luận rằng, trong khi tham khảo thư tịch Scandinavia để biên soạn tập sử ký đầu tiên của Nga La Tư, tác giả của công trình đã hiểu nhầm văn bản tiếng Norse (ngôn ngữ Bắc Âu thời Trung Cổ, thuộc tiểu ngữ tộc Germanic): thông tin “Rĭurik đi đến [đất Slav] ‘sine hus’ (cùng với nhà) và ‘tru voring’ (với người vệ sĩ trung thành)” đã được thất dịch thành “Rĭurik đi đến cùng với Sineus Truvor,” anh em với Rĭurik. Dầu vậy, sự tồn tại của bản thân Rĭurik được cho là hiện thực với xác suất cao, tuy nhân vật này đã được folklore hoá. (Theo Đại toàn thư Liên Xô BSĖWikipedia.)

[8]Một trích đoạn từ Chuyện kể thời quá vãng (xem chú thích [37]). Văn bản Povest’ vremennykh let vốn được thể hiện bằng ngôn ngữ Đông Slav trung cổ – từ hình thức văn tự, từ vựng, ngữ pháp cho đến phong cách hành văn. Trong bài viết nguyên bản, khi dẫn ra trích đoạn này Likhachëv đã phiên tả (transliterate) cổ tự Slav sang văn tự Cyrillic Nga hiện đại, vẫn giữ nguyên trạng những yếu tố từ vựng / ngữ pháp, song chua kèm những chú thích inline trong ngoặc đơn như đã dịch thuật. Về nội dung của trích đoạn, nhiều sử gia nhận định rằng tình tiết dân Slav và Finnic bản xứ “thỉnh cầu” một người dị chủng là Rĭurik trở thành lãnh chúa của mình là một sự kiện bất thường theo lô-gích lịch sử. Sự thật được phán đoán theo hướng: Rĭurik nguyên là thủ lĩnh một băng đảng người Varangia, – sắc tộc ngụ cư gốc Scandinavia ưa mạo hiểm, có bản lĩnh và thiện chiến, sinh sống chủ yếu bằng nghề cướp bóc trên tuyến mậu dịch “từ xứ Varangia đến Hy Lạp” –, trong lúc các thành bang Đông Slav mải xâu xé lẫn nhau, đã thừa cơ cướp chính quyền ở Novgorod, tái lập trật tự rồi gây dựng cơ nghiệp thành một thế lực nhà nước. Vậy tại sao Rĭurik lại trở thành một nhà cai trị “được mời”? Một lô-gích khả dĩ là: triều đình Rĭurikovich, do huyết thống Scandinavia của tôn thất, đã quyết định không chỉ chính sách đối ngoại thân Scandinavia của Kievskaĭa Rus’ mà còn cả mong muốn tô vẽ cho tổ tiên của mình thông qua sử quan của triều đình là thầy tu Nestor, soạn giả của Povest’ vremennykh let.

[9]“Sophia – Thánh Trí của Thiên Chúa”: ‘Sophia’ là sự rút gọn của ‘Aya Sophia’, một cách Roman hoá từ tổ tiếng Hy Lạp ‘Aγία Σοφία’ có nghĩa là “sự Sáng suốt Thần thánh” hay “Thánh Trí” (tiếng Latin ‘Sancta Sophia’, tiếng Anh ‘Holy/Divine Wisdom’, tiếng Nga ‘Айя София’ [Aĭĭa Sofiĭa] hoặc ‘Святая Премудрость’ [Svĭataĭa Premudrost’]). ‘(Aya) Sophia’ là tư tưởng thần học Ki-tô giáo cho rằng Chúa tự thân là sự Sáng suốt toàn thiện từng được thấy. Từ ‘Σοφία’ [Sophia] – “sự Sáng suốt” – được gặp trong bản tiếng Hy Lạp (‘Hy văn’) của các thánh thư, cả Cựu ước (Old Testament) và Tân ước (New Testament). Trong kinh văn Tân ước, ‘Sophia’ được dùng với ba nghĩa: (1) nghĩa rộng thông thường của “sự sáng suốt” / “sự hiểu biết”, (2) sự tiết ước thông thái mà Chúa biểu hiện khi sáng tạo ra thế giới / Thiên Ý của Chúa về thế giới / sự cứu rỗi thế giới khỏi tội lỗi, và (3) mối liên hệ với Chúa Con – tức Giê-xu Ki-tô (tiếng Anh Jesus Christ) – như là ‘tính Thông tuệ của một Thân vị Ba Ngôi’ (the Hypostatical Wisdom) của Chúa. Những triết giảng về ‘(Aya) Sophia’ được gọi là sophiology, một phân môn của thần học Ki-tô giáo (Christian theology). Nhiều nhà thần học gọi ‘(Aya) Sophia’ là một “thần cách” (deity, một sự mở rộng của – và phân biệt / đối lập với – “nhân cách”, personality) của Chúa. Trên hiện trường tiếng Anh, không hiếm khi các giáo đường Sophia được gọi là ‘Saint (hoặc St.) Sophia Cathedral/Church’. Đây là một sự thất dịch: ‘sophia’ không phải là tên của một thánh (saint) nào, mà là một từ Hy Lạp mang nghĩa “sự sáng suốt”. Trong tiếng Nga, các giáo đường Sophia được gọi là ‘храм Софии’ [khram Sofii] / ‘Софийский собор’ [Sofiĭskiĭ sobor], hoặc đầy đủ hơn, ‘храм Софии / Софийский собор – Святой Премудрости Божьей’ [… – Svĭatoĭ Premudrosti Bozh’eĭ] (“nhà thờ / thánh đường Sophia – Thánh Trí của Thiên Chúa”).

[10]Maksim Gor’kiĭ (1868–1936): xem tiểu sử chi tiết trong “Phẩm tính trí thức (phụ lục)”.

[11]NKVD: acronym theo tiếng Nga của “Uỷ hội nhân dân (hay Dân uỷ hội) về nội vụ” (Narodnyĭ komissariat vnutrennikh del), bộ máy công an / cảnh sát của chính quyền Xô-viết, trực thuộc “Hội đồng các uỷ viên nhân dân” (Sovet narodnykh komissarov hay Sovnarkom, de facto chính phủ) Liên Xô. Các tên gọi kiểu này được sử dụng từ sau Cách mạng tháng Mười Nga cho đến đầu năm 1946. Từ tháng 3.1946, NKVD trở thành “Bộ nội vụ” (Ministerstvo vnutrennikh del, MVD) thuộc “Hội đồng bộ trưởng” (Sovet ministrov, Sovmin) Liên Xô. Trong một vài giai đoạn, NKVD / MVD bao gồm trong thành phần của nó cả cơ quan mật vụ - tình báo của Liên Xô (GPU / OGPU / KGB – xem thêm chú thích [35]). Thời Stalin, danh xưng NKVD / MVD – cùng với [O]GPU / KGB – gắn liền với các hoạt động đàn áp / khủng bố / tàn sát chính trị. Dưới gậy chỉ huy của Stalin, NKVD là lực lượng thừa hành trong các chiến dịch “Đại Thanh trừng” (t. Nga Bol’shaĭa chistka, t. Anh Great Purge) hung bạo và đẫm máu hồi cuối thập niên 1930. NKVD / MVD cũng là cơ quan cấp trên của “Tổng cục các trại lao động cải tạo” (GULAG, 1930–1960) khét tiếng vì sự ngược đãi tù nhân và những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền con người. Theo các tài liệu lưu trữ Xô-viết đã được giải mật, chỉ riêng trong hai năm 1937–38, NKVD đã bắt giam trên 1,5 triệu người; 7 trăm nghìn trong số đó đã bị bắn (trung bình mỗi ngày có 1 nghìn vụ hành quyết!) Trong khoảng thời gian 1930–1956, các trại (lager’) và khu quần cư (koloniĭa) lao động cải huấn GULAG – thực chất là các nhà tù lớn bé – trên khắp lãnh thổ Liên Xô đã giam cầm đầy đoạ 18–20 triệu người, khoảng 1,6 triệu người trong số đó đã bị giết hại. Các con số chính thức này được cho là dưới mức sự thật. Trong số các nạn nhân / tù nhân của Ðại Thanh trừng và GULAG, thậm chí có cả những cán bộ lãnh đạo của chính NKVD và GULAG.
Thủ trưởng của NKVD / MVD trong mọi thời gian luôn luôn là những nhân vật cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhà lãnh đạo khét tiếng nhất của NKVD / MVD có lẽ là Lavrentiĭ Beriĭa (1899–1953), thủ hạ thân tín của Iosif Stalin và một trong những kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Ðại Thanh trừng và GULAG. Theo version chính thức, sau khi Stalin chết (1953), Beriĭa đã bị bắt ngay trong phòng họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô rồi bị xử bắn vào tháng 12.1953. Gần đây, vào tháng 5.2000, khi gia đình Beriĭa đệ đơn đòi đảo ngược cáo trạng năm 1953 đối với thân nhân của mình – viện dẫn một đạo luật liên bang về việc phục hồi danh dự cho nạn nhân của các vụ án chính trị trong quá khứ –, Toà án Tối cao Nga đã bác đơn với phán quyết: “Beriĭa là người tổ chức sự đàn áp chống lại nhân dân, vì vậy không thể được coi là một nạn nhân.”

[12]Lev Nikolaevich Gumilëv (1912–1992): nhà sử học nhân chủng, người sáng lập “lý thuyết độ đam mê” (tiếng Nga teoriĭa passionarnosti, tiếng Anh passionarity theory) trong tộc nguyên học (bộ môn khoa học về nguồn gốc các chủng tộc), đồng thời là nhà triết học, nhà thơ, dịch giả từ tiếng Fârsi (ngôn ngữ của người Iran). Xem tiểu sử chi tiết về L. N. Gumilëv trong “Phẩm tính trí thức (phụ lục)”.


No comments:

Post a Comment