May 4, 2011

Dave Eggers và Nínive Clements Calegari (The New York Times, 30/04/2011) – Lương giáo viên thấp: Xã hội phải trả giá đắt.



Bản dịch được thực hiện nhân đọc bài: Sự thật bất công mà giáo viên phải chịu đựng

Khi không thu được kết quả như ý trên chiến trường chúng ta không đổ vạ những người lính. Chúng ta không nói: “Đấy là do bọn lính tráng lười biếng, lại muốn tiền nhiều! Đấy là lí do vì sao chúng ta không thắng ở Afghanistan!” Không, nếu kết quả không như ý thì chúng ta sẽ phê phán những người lập kế hoạch chiến dịch. Chúng ta sẽ phê phán các tướng lĩnh, phê phán bộ trưởng quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Không ai lại nghĩ đến việc phê phán những quân nhân nam nữ đang ngày đêm chiến đấu trong chiến hào vì đồng lương ít ỏi và chẳng được mấy người biết tới đó.
Nhưng trong lĩnh vực giáo dục chúng ta lại làm đúng như thế. Khi chúng ta không hài lòng với điểm số mà các họ trò của chúng ta nhận được khi thực hiện những bàì kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta phê phán các giáo viên. Khi chúng ta không hài lòng với kết quả một trường học cụ thể nào đó chúng ta cũng phê phán giáo viên và cắt bớt các nguồn lực của họ.  


Xin so sánh cách tiếp cận như thế với cách tiếp cận với các quân nhân: khi kết quả trên chiến trường không đáp ứng được kì vọng của chúng ta thì chúng ta lập tức nghĩ đến việc cải thiện điều kiện tác chiến. Chúng ta tìm cách trang bị cho họ phương tiện tốt hơn, vũ khí tốt hơn, bảo vệ tốt hơn và huấn luyện tốt hơn. Còn khi số người đăng lính giảm thì chúng ta đưa ra những biện pháp khuyền khích. 

Hiện nay đang có nhiều giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, đấy là cơ hội hiếm có để chứng minh rằng chúng ta có thái độ nghiêm túc đối với giáo dục. Bước thứ nhất là làm cho nghề giáo trở thành nghề hấp dẫn đối với các sinh viên mới ra trường. Muốn thế, phải làm một số việc.  

Hiện nay lương trung bình của giáo viên chỉ bằng lương của nhân viên thuế vụ hay lương của người phục vụ trong quán rượu. Giáo viên thu nhập thấp hơn 14% so với những người có cùng trình độ làm việc trong những ngành khác. Lương thực tế của giáo viên liên tục sụt giảm trong suốt 30 năm qua. Lương khởi điểm trung bình của giáo viên là 39.000 USD một năm và sau 25 năm làm việc mức lương trung bình là 67.000 USD. Với đồng lương như thế các thày cô giáo không thể mua được nhà riêng trong 32 thành phố và nếu chỉ có một người đi làm thì khó mà nuôi nổi gia đình. 

Giáo viên phải làm thế nào? 62%  phải làm thêm thì mới đủ sống. Ông Erik Benner, một thày giáo dạy sử từng được giải thưởng ở Keller, bang Texace, thường xuyên phải nghĩ đến việc mưu sinh. Ông có hai con và đồng lương của ông không đủ sống suốt 15 năm nay. Hàng ngày, sau giờ giảng dạy ở trường trung học Trinity Springs ông phải lái xe tải đến thẳng nhà hàng Floor and Décor. Ông làm việc ở đây đến 11 giờ đêm và sáng hôm sau lại lắp lại qui trình đúng như thế. Đấy có phải là “Kế hoạch” ở bang hay trên bình diện toàn quốc hay không?  

Chúng tôi đã và đang làm việc với giáo viên các trường công lập trong suốt 10 năm qua, mùa xuân nào chúng tôi cũng thấy rất nhiều giáo viên giỏi nhất bỏ nghề. Họ chê vì phải làm nhiều, lương thấp, không được ủng hộ và không được tôn trọng. 

Xin hãy tưởng tượng một giáo viên mới vào nghề, bị quẳng vào thành phố, phải dạy 5 buổi một tuần, mỗi lớp có 40 học trò.  Cuối năm, nếu điểm học sinh không cao thì người ta sẽ gọi đấy là giáo viên dở. Áp lực như thế, với đồng lương thấp như thế không phải là điều hấp dẫn đối với những sinh viên mới ra trường có cơ hội lựa chọn. Cho nên hàng năm có 20% giáo viên trong các thành phố bỏ nghề. 46% giáo viên trong cả nước bỏ nghề trước khi dạy được 5 năm. Việc luân chuyển như thế làm nước Mĩ thiệt hại 7,34 tỉ USD mỗi năm. Hậu quả đối với trường học thật là khủng khiếp – nhất là trong những cộng đồng đô thị, nơi có tốc độ luân chuyển đặc biệt cao. 

Nhưng chúng ta vẫn không từ bỏ cách làm như thế. Trong 10 năm tới, một nửa trong số 3,2 triệu giáo viên trong cả nước sẽ đủ điều kiện nghỉ hưu. Ai sẽ thay thế họ? Làm sao lôi kéo và giữ được những đầu óc sáng láng nhất? 

Người ta đang nói tới trách nhiệm giải trình, biện pháp, thâm niên, kết quả các kì kiểm tra và trả lương theo kết quả công việc. Đấy là những vấn đề đáng bàn thảo, nhưng so với việc tuyển sinh, đào tạo và đối xử một cách tử tế đối với giáo viên thì đấy chỉ là những vấn đề thứ yếu mà thôi. Không có một giải pháp duy nhất cho mọi trường học ở nước Mĩ, nhưng khi chưa giải quyết được vấn đề luân chuyển giáo viên thì chúng ta chẳng hi vọng gì giải quyết những vấn đề khác. 

Chúng ta có thể cải thiện được tình hình hay không? Có thể lập được “Kế hoạch” hay không? Dĩ nhiên là có. 

Mới đây công ty tư vấn McKinsey đã tìm hiểu cách thức lôi kéo và giữ những giáo viên tài năng. Việc nghiên cứu được thực hiện bằng cách so sánh cách đối xử với giáo viên ở đây với cách đối xử với giáo viên ở ba nước mà học sinh có điểm số cao nhất khi thực hiện những bài kiểm tra tiêu chuẩn là Phần Lan, Singapore và Hàn Quốc. 

Hóa ra là những nước này có cách tiếp cận khác hẳn. Thứ nhất, chính phủ các nước này nhận những sinh viên học giỏi nhất vào ngành giáo dục. (Chúng ta không làm thế). Ở Phần Lan và Singapore chính phủ trả tiền đào tạo. (Chúng ta không làm thế). Còn về lương bổng thì Nam Hàn trả cao hơn chúng ta đến 2,5 lần.
Và cái chính là: họ tin giáo viên của mình. Giáo viên được coi là giải pháp chứ không phải vấn đề và khi cần cải tiến thì nhà trường sẽ nhận được sự giúp đỡ chứ không phải là trừng phạt. Tỉ lệ giáo viên bỏ việc ở các nước này rất thấp: ở Nam Hàn là 1% một năm, Phần Lan là 2%, còn Singapore là 3%.  

McKinsey đã tiến hành phỏng vấn 900 sinh viên giỏi nhất ở Mĩ và nhận thấy rằng 68% cho rằng lương khởi điểm của giáo viên phải là 65.000 USD một năm và ít nhất phải tăng lên đến 150.000 USD một năm khi đủ thâm niên thì họ mới nghĩ đến việc đi dạy học. Có thể làm được điều đó không? Nếu chúng ta cam kết “chiến thắng tương lai” thì chúng ta buộc  phải làm.Nếu chính phủ nào đó có thể làm được điều này thì đấy chính là nhiệm vụ của giai đoạn hiện nay. Tổng thống Obama và Bộ trưởng giáo dục Arne Duncan hiểu vai trò trung tâm của người thày và nói rằng việc cải thiện hệ thống giáo dục của chúng ta bắt đầu và kết thúc bằng những người thày vĩ đại. Nhưng nền giáo dục ngang tầm thế giới đòi hỏi phải có tiền.  

Câu hỏi đối với những người nói: “Lấy đâu ra tiền?” – Lấy đâu ra tiền để trả cho 3 cuộc chiến đang diễn ra hiện nay? Lấy đâu ra tiền bao cấp cho hệ thống đường cao tốc toàn liên bang? Hoặc cứu trợ cho những khoản tiết kiệm và vay vào năm 1989 và những ngân hàng đầu tư vào năm 2008? Lấy đâu ra tiền trả cho những dự án đưa người Mĩ lên mặt trăng? Chúng ta đã có tầm nhìn, chúng ta đã có ý chí và chúng ta đã tìm được cách. 

Dave Eggers và Nínive Clements Calegari là những người sáng lập ra 826 trung tâm huấn luyện giáo viên trên toàn quốc và là nhà sản xuất bộ phim tài liệu Thày giáo Mĩ


2 comments:

  1. VN cần 1 nền giáo dục như của Phần lan, nam Hàn và Singapore để đưa đất nước tiến lên. Lương của giáo viên ở VN ít quá, không thể đủ sống.

    ReplyDelete
  2. Vấn đề ở ta thì không chỉ là tiền mà con là đào tạo ra những con robot "còn đảng còn mình" hay là những người có cái đầu ở trên cổ nữa.

    ReplyDelete