April 7, 2011

Trí thức và quá trình dân chủ hoá – Kinh nghiệm Ba Lan

Phạm Nguyên Trường dịch 

 Lời người dịch: Đây là một phần cuộc toạ đàm với tên gọi “Trí thức và Dân chủ” do Quĩ Sứ mệnh Tự do, Trường Cao đẳng Kinh tế (Nga) và Quĩ Trung tâm Báo chí dành cho khu vực Trung và Đông Âu (Ba Lan), có sự trợ giúp của Đại sứ quán Ba Lan, đã được tổ chức ở Moskva vào ngày 4 tháng 3 năm 2009. Nhiều nhà khoa học và hoạt động xã hội có tiếng của Nga như: S. Kovalev, Lev Gudkov, Glev Musikhin… và Ba Lan như: Adam Mikhnik, Kshishtov Zanussi, Edmund Vnuk-Lipinski, Edgi Pomianovski.. đã tham gia toạ đàm. Tuy mục đích của cuộc toạ đàm là nói về đóng góp của người trí thức đối với quá trình dân chủ hoá, nhưng hoá ra hiện tại không thể tách rời khỏi quá khứ và người ta đã dành đến một nửa cuộc toạ đàm để nói về quá trình chuyển đổi từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ ở Ba Lan và Nga. Các sự kiện đã từng diễn ra ở Ba Lan vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có thể là một bài học cho tương lai….  Bài này đã được đăng trên Talawasblog.


Adam Mikhnik: (nhà hoạt động xã hội, Tổng biên tập báo Gazeta Wyborcza): “Nếu các tầng lớp trí thức rộng rãi chuyển sang phía đối lập với hệ thống thì về mặt lịch sử, số phận của hệ thống đã được quyết định.”

Năm 1989, lần đầu tiên tới Moskva, một nhà báo Nga đã tặng tôi cuốn Sự phá sản của chiến dịch ‘Polonia’. Cuốn sách đã mô tả tôi, Adam Mikhnik, là một trong những lãnh tụ của “trung tâm phản cách mạng Ba Lan”. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng mình chưa bao giờ nhận được một lời khen ngợi như thế. Ở Moskva người ta đã coi tôi và Jacek Kuroń, một người bạn nay đã quá cố của tôi, gần như là những người kinh khủng nhất. Ở Warszawa thì cũng thế. Vì vậy mà tướng Jaruzelski, nhà lãnh đạo Ba Lan lúc đó, đã bỏ tù chúng tôi. Bây giờ ông ta thường nói: “Này Adam, nếu lúc đó mà tôi biết mọi chuyện xoay ra như thế thì tôi đã không bỏ tù anh rồi”. Nhưng đáng tiếc là ông ta không biết.

Người ta đề nghị tôi nói về vai trò của giới trí thức Ba Lan trong việc rỡ bỏ hệ thống cộng sản. Cần phải nói rằng giai tầng này giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống. Stalin gọi họ là “những kĩ sư tâm hồn”. Vâng, họ là đối tượng chính của những vụ đàn áp, mà lại rất tàn khốc nữa. Nhưng mặt khác, chính quyền lại luôn sử dụng họ nhằm củng cố hệ thống. Không có nhóm xã hội nào được ve vãn và nịnh bợ như thế, ngoài tầng lớp nomenclatura cộng sản ra thì không có giai tầng nào được nhiều đặc quyền đặc lợi như trí thức. Dĩ nhiên là mô hình quan hệ đó được xây dựng ở Liên Xô, nhưng Ba Lan đã học thuộc bài.

Khi cái vòng kim cô của chủ nghĩa Stalin tan nát và khủng bố không còn thì trí thức Ba Lan là những người đầu tiên cất lên tiếng nói phản kháng. Khác với những nhóm xã hội khác, trí thức biết nói và đã lên tiếng. Bắt đầu từ năm 1956 (thường gọi là “Tháng Mười Ba Lan”) – ảnh hưởng của quá trình tẩy trừ tệ sùng bái Stalin và bản báo cáo của Khrushchev tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Mà áp lực chủ yếu lại là từ những trí thức trong Đảng, từ những người cộng sản nổi loạn. Nói cách khác, phản kháng bắt đầu từ trong lòng hệ thống. Đấy là những người phê phán hệ thống từ quan điểm của lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Đấy là những người tin vào tương lai của một chủ nghĩa xã hội dân chủ, tin vào “chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người”.

Đồng thời, năm 1956 còn tạo điều kiện cho một nhóm người có học nữa, có thể gọi là những người Thiên chúa giáo có tư tưởng tự do, xuất hiện trên vũ đài. Từ năm 1956 Nhà thờ Thiên chúa đã trở thành một kiểu nhà nước trong nhà nước. Nói đúng hơn là một nhà nước tự chủ trong một nhà nước mất quyền tự chủ. Nhờ sự kiện là nhà thờ có một sức mạnh như thế cho nên đã có chỗ cho những người mà tôi gọi là Thiên chúa giáo có tư tưởng tự do hoạt động. Thí dụ, như Câu lạc bộ Tri thức Thiên chúa giáo. Tôi tách riêng Câu lạc bộ này ra như thế là vì sau này những người tham gia Câu lạc bộ đã có vai trò to lớn trong việc hình thành lực lượng đối lập dân chủ Ba Lan.

Giai đoạn 1956-1968 là giai đoạn đấu tranh thường trực giữ chính quyền và trí thức. Cuộc đấu tranh trở thành khả thể là vì chính quyền đã từ bỏ các biện pháp của nền chuyên chế Stalin đồng thời với sự xuất hiện một thế hệ trí thức mới (thế hệ của tôi), những người không phải sống trong sợ hãi và không biết cả chiến tranh lẫn những vụ đàn áp của Stalin. Chúng tôi, những người định hình sau năm 1956, đã không bị “tiêm chủng vi trùng sợ hãi” nữa.

Và cuối cùng là phong trào di cư sang các nước tự do ở châu Âu. Bản thân việc di cư đã chứng tỏ rằng người dân đã mất niềm tin vào khả năng cải tạo hệ thống cộng sản, mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội rồi. Còn ở chính Ba Lan thì số người tin tưởng cũng ngày càng ít đi. Sau năm 1968, tức là sau thất bại của “Mùa xuân Praha”, chúng tôi bắt đầu thảo luận những vấn đề khác. Chúng tôi tranh luận về cách thức tự bảo vệ, cách thức tạo ra không gian riêng, nơi chúng tôi có thể nói bằng giọng của mình mà không bị các biện pháp hành chính và kiểm duyệt bịt miệng.

Trí thức trở thành đối lập với chính quyền. Chính quyền không thể dùng họ như những cái loa tuyên truyền được nữa. Nhiều người trí thức chuyển sang đối lập với hệ thống có nghĩa là về mặt lịch sử số phận của hệ thống đã được quyết định. Nhà nước không thể tồn tại lâu nếu nó không được những người có học ủng hộ. Sự ủng hộ đã trở thành dĩ vãng. Nếu trong những năm 1940 các nhà văn và các nhà khoa học nổi tiếng đã ủng hộ chính quyền vì lí tưởng thì cuối những năm 1960 điều đó đã không còn. Một phần vì lí tưởng đã lụi tàn, một phần vì ủng hộ thì sẽ bị xã hội lên án. Xã hội cho phép cộng tác với hệ thống với điều kiện là khi nằm trong hệ thống người đó phải thực hiện nhiệm vụ của chính quyền sao cho nó không giúp mà còn phản lại chính quyền. Thí dụ như tôi làm ở nhà xuất bản, tôi phải in được bao nhiêu cuốn sách Liên Xô chẳng hạn. Tôi in đủ bằng ấy. Nhưng tôi in Triphonov, Okudgiava, Voinovich, Aksenov. Những nhà văn đó cũng được coi là nhà văn Liên Xô vì họ sống ở Liên Xô, nhưng về mặt tinh thần thì đấy là những nhà văn tự do.

Chính quyền không biết phải xử trí với trí thức như thế nào. Họ đã bỏ gậy rồi, còn củ cà rốt của họ thì lại chẳng mua chuộc được ai.

Trí thức trở thành tiếng nói của xã hội đã bị bịt miệng. Dĩ nhiên là “cấp trên” tức điên lên rồi. Có một đất nước bình thường nào mà một bức thư khá là chừng mực của ba mươi nhà văn và nhà khoa học lại có thể tạo ra một cuộc cãi vã om sòm trong cấp lãnh đạo cao nhất, tức là ở Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng như chúng ta không? Thế mà chuyện đó đã xảy ra ở Ba Lan đấy. Một lần nữa chính quyền đã không biết làm thế nào. Chính quyền muốn giành lại niềm tin của trí thức bằng cách mở rộng không gian hoạt động cho họ, nhưng trí thức lại sử dụng không gian này theo cách của mình. Đồng thới trí thức còn tạo ra những khoảng trống nhỏ nhoi mới cho hoạt động đối lập của mình nữa.

Thí dụ như tin nói rằng ở Liên Xô đã có “Samizdat”. Tôi nhớ là một số người thân cận với tôi cảm thấy xấu hổ: Liên xô có “Samizdat” mà ta thì không! Kiều bào ở nước ngoài cũng chế giễu chúng tôi. Một người còn bảo tôi: “Sao lại có chuyện như vậy được. Tôi có bản thảo đánh máy từ Liên Xô mà Ba Lan thì không!” Điều đó đã động viên chúng tôi rất nhiều. “Samizdat” của Liên Xô đã cho chúng tôi thấy rằng bên cạnh báo chí chính thức, bên cạnh báo chí Thiên chúa giáo và báo chí của kiều bào, chúng tôi còn có thể sử dụng cả các lĩnh vực khác nữa.

Không thể không nói về những hiện tượng mới của nền văn hoá Ba Lan thời đó. Người ta đã thành lập được một nhà hát mới với ngôn ngữ đặc biệt vừa tránh được kiểm duyệt, vừa tạo ra môi trường giao lưu đối lập công khai với khán giả. Phim ảnh cũng thế, chẳng còn gì chung với hệ tư tưởng cộng sản nữa. Phim ảnh phản ánh sự lo lắng về mặt đạo đức. Văn chương, thơ phú cũng mới. Tóm lại, xuất hiện cả một lĩnh vực văn hoá mới, nằm ngoài sự kiểm soát của hệ tư tưởng chính thống, thậm chí đối lập với hệ tư tưởng chính thống. Điều đó chứng tỏ cả mặt mạnh lẫn mặt yếu của giới trí thức. Chúng tôi biết cách tạo ra những ốc đảo nhưng không đủ sức chống lại chính quyền, theo nghĩa là không buộc được nó phải làm bất cứ chuyện gì.

Còn năm 1970, khi bắt đầu có những cuộc chống đối của công nhân ở bờ biển Baltic (Gdansk, Shotsin) thì trí thức lại đứng ngoài. Không lên tiếng. Vì vào năm 1968, vì sợ những sự kiện ở Tiệp Khắc, chính quyền đã đàn áp trí thức. Buộc họ phải ngậm miệng. Trí thức đã bị bẻ gẫy ý chí, có thể nói đã bị bẻ gẫy cột sống. Trí thức không dám đứng lên ủng hộ những người công nhân chống đối.

Mấy năm sau trí thức mới tỉnh được, mới chữa lành được vết thương của vụ khủng bố. Năm 1976, khi có những vụ phản kháng mới, lần này là ở Radom và Ursus, ngoại ô Warszawa thì giới trí thức đã đưa ra được một dự án. Đấy là Uỷ ban Bảo vệ Công nhân. Và là một bước ngoặt. Không phải vì Uỷ ban là tổ chức quan trọng đến như thế mà vì nó là một tín hiệu và một biểu tượng. Khoảng ba mươi người tham gia, làm sao so sánh được với lực lượng của nhà nước và các cơ quan chuyên chính của nó. Nhưng Uỷ ban lập tức bị đài Châu Âu Tự do “quay” và chính điều đó đã giúp hình thành bản sắc đối kháng trong tầng lớp trí thức Ba Lan.

Còn một sự kiện nữa, thật không có gì có thể so sánh với ý nghĩa của nó. Tháng Mười năm 1978 chúng tôi nghe qua radio rằng một trí thức Ba Lan, một người từng là nghệ sĩ và công nhân (vì trong kháng chiến ông từng là công nhân) đã trở thành người đứng đầu giáo hội Thiên chúa giáo La Mã, thành Giáo hoàng. Thật khó đánh giá hết được ý nghĩa của sự kiện này vì nó tạo cho người ta cơ hội công khai đồng nhất mình với một nước Ba Lan khác, Ba Lan phi cộng sản. Từ đây trở đi trò hề yêu nước thông qua lá bài chống Đức (họ bảo rằng nhờ có quân đội Liên Xô cho nên Ba Lan mới giữ được những vùng đất phía Tây) của cộng sản không còn hiệu nghiệm nữa. Chúng tôi đã có nước Ba Lan “của mình”, vua của nước Ba Lan mới là John Paul II – một người trí thức, một người Thiên chúa giáo, một người Ba Lan chính hiệu. Petr Skshinetsky, chủ một quán rượu tên là “Tầng hầm bên dưới chuồng cừu”, theo truyền thuyết, đã bước ra giữa chợ và hét lên rằng: “Cuối cùng thì người công nhân Ba Lan đã giành được một cái gì đó rồi!”

Sợ hãi biến mất từ đấy. Chính quyền hoàn toàn mất phương hướng – nó không biết phải sống với xã hội đó như thế nào, quản lí ra làm sao…

Evgeni Yasin (Người Nga, Chủ tịch Quĩ Sứ mệnh Tự do, một trong các điều phối viên của cuộc toạ đàm): Nhưng ở Liên Xô tình hình lại khác. Chúng tôi không có nhà thờ như ở Ba Lan, không có Giáo hoàng John Paul II, không có phong trào quần chúng của công nhân, giới trí thức cũng không thử tìm cách tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân…

Adam Mikhnik: Chúng tôi có tất cả những chuyện đó. Và tháng Tám năm 1980, khi những vụ đình công dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Bảo vệ Công nhân (họ đóng vai trò cố vấn) ở nhà máy đóng tàu Gdansk nổ ra thì thế giới đã nhìn thấy một nước Ba Lan mới. Đình công lan ra toàn quốc. Chuyện chưa từng có bao giờ: Công đoàn thể hiện sự độc lập khỏi nhà nước, khỏi sự lãnh đạo của đảng cộng sản! Và khi công nhân đình công đòi bãi bỏ hoặc giảm bớt kiểm duyệt, nghĩa là đấu tranh cho quyền lợi của trí thức, khi trên cổng cảng người ta treo ảnh của Giáo hoàng John Paul II, khi cầu nguyện trở thành một phần của cuộc bãi công thì có nghĩa là chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn mất tính chính danh rồi. Luận cứ cho rằng trí thức nên ngồi yên vì đây là chính quyền của công nhân, của giai cấp vô sản, đã không trụ được, khi tiếp xúc với đời sống. Giai cấp vô sản tập hợp xung quanh Công đoàn Đoàn kết đã cho chính quyền “của mình” thấy rằng họ nói bằng giọng điệu riêng, không còn theo kiểu cộng sản nữa.

Ngày 13 tháng 12 năm 1980 tướng Jaruzelski hạ lệnh thiết quân luật. Từ đây cho đến tận năm 1989, ở Ba Lan đã tồn tại hai dân tộc. Một dân tộc “chính thức”, có cơ quan của mình, hiến pháp của mình. Dân tộc thứ hai, là dân tộc tập hợp xung quanh Công đoàn Đoàn kết, hoàn toàn không có mối liên hệ nào với dân tộc thứ nhất. Dân tộc này có một hệ thống giá trị khác, cách sống khác.

Trí thức đã làm gì trong những năm đó? Nhiều người đi vào hoạt động bí mật. Từ trong bí mật chúng tôi cố gắng gây ảnh hưởng đối với tình hình của đất nước. Chúng tôi đọc và truyền bá các tác phẩm của Amalrik, của Bukovsky, của Voinovich. Dĩ nhiên là cả Sakharov và Solzhenitsyn nữa. Ông Edgy Pomianovsky (một nhà phê bình tuyệt vời, một nhà văn và là đại sứ văn hoá Nga vĩ đại ở Ba Lan), cũng có mặt ở đây, lúc đó đang sống ở Ý đã dịch hai tác phẩm quan trọng của Solzhenitsyn và chúng tôi nhân bản hai tác phẩm bí mật này. Chúng tôi bí mật xuất bản các tác phẩm của các tác giả Tiệp Khắc như Kundera, Havel, Khrabola, rồi cả các tác giả người Hung nữa. Đấy là việc truyền bá nền văn hoá độc lập, song song với nền văn hoá chính thức, không một trí thức tự trọng nào lại có thể không đọc những tác phẩm như thế. Người trí thức tham gia vào cuộc sống “khác” này để có thể tiếp tục cảm thấy mình còn là một trí thức.

Khi ở Liên Xô bắt đầu cải tổ thì chúng tôi hiểu rằng Moskva sẽ không can thiệp vào công việc của chúng tôi nữa, chính quyền cộng sản Ba Lan không còn bấu víu vào đâu được nữa, kể cả về chính trị lẫn tư tưởng. Nó buộc phải đối thoại với xã hội. Còn xã hội thì đã chuẩn bị cho cuộc đối thoại này hàng chục năm nay rồi. Giới trí thức dân chủ Ba Lan đã hiểu rõ được mô hình của nhà nước thay thế cho nhà nước cộng sản. Giới trí thức Nga có nhận thức được hay không thì tôi không biết. Có những câu hỏi mà chỉ các bạn mới có thể trả lời được. Đây không phải là trường hợp mà “ngoài ngõ thông hơn”.

Xin nhận xét thêm rằng nhiệm vụ của các bạn đã bị những cố gắng của Gorbachev muốn đưa dân chủ, theo cách hiểu của ông ta, vào lãnh thổ cả đế chế làm cho phức tạp thêm ngay từ đầu. Chuyện này về nguyên tắc là bất khả thi, tất cả các dự án cải tạo đều không có cơ may trở thành hiện thực. Dễ hiểu là các nhà trí thức Ba Lan lúc đó đã không gặp phải những vấn đề như thế.

Evgeni Yasin: Nhưng sau khi Liên Xô tan rã – không phải là không có sự tham gia của trí thức – và nước Nga trở thành nhà nước độc lập, nhưng chúng tôi vẫn không có dân chủ…

Adam Mikhnik: Thật là thú vị nếu biết được các bạn cho là nguyên nhân là do đâu. Ngay từ năm 1989 trong các cuộc Hội nghị Bàn tròn giữa chính quyền và phe đối lập chúng tôi đã đòi được các cuộc bầu cử tự do rồi. Và chiến thắng lịch sử đã xảy ra: cộng sản thua, chúng tôi thắng. Từ đó bắt đầu quá trình cải tạo mang tính hệ thống.

Từ quan điểm của người trí thức thì đã diễn ra một sự kiện thần kì. Đã có tự do, không còn kiểm duyệt nữa, muốn đi đâu thì đi, muốn viết gì thì viết, muốn nói gì thì nói. Chính quyền là các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết được bầu lên từ những cuộc bầu cử tự do. Nhưng khó khăn cũng bắt đầu từ đó. Lí trí buộc phải ủng hộ những cuộc cải cách kinh tế theo đường lối thị trường của Balserovik. Nhưng các cuộc cải cách đã phá tan đức hạnh của Công đoàn Đoàn kết, vốn được xây dựng trên triết lí về lẽ công bằng. Cải cách dẫn đến cạnh tranh, có người thắng và người thua. Mà người thua lại thường là những người công nhân trong các xí nghiệp lớn mà sản phẩm đã không còn cần thiết nữa.

Hãy tưởng tượng một xí nghiệp, thí dụ như xí nghiệp sản xuất tượng bán thân của Lenin chẳng hạn. Công nhân làm việc chăm chỉ và đôi khi thu nhập cũng không đến nỗi tệ, nhiều người còn được bằng khen, giấy khen về sáng kiến cải tiến nữa. Vì tượng lúc nào cũng có người mua. Bí thư đảng hay bí thư đoàn nào chả phải có một bức tượng để trên bàn. Nhưng bây giờ nhu cầu tượng không còn. Sẽ là tốt nếu nhà máy biết cách hiện đại hoá kịp thời. Thí dụ như chuyển sang làm tượng John Paul II hay là sản phẩm gì đó tương tự. Nếu không hiện đại hoá được thì nghĩa là sẽ phá sản. Và công nhân trong các các xí nghiệp đó sẽ nói: “Bọn trí thức giở trò gì thế không biết? Chính chúng ta, bằng những cuộc bãi công của mình, đã lật đổ chế độ cộng sản. Chúng ta là lực lượng duy nhất mà chính quyền phải sợ. Không có chúng ta thì lũ trí thức đó chẳng làm được gì hết, thế mà bây giờ họ đi Paris, họ trở thành vua, còn chúng ta thì thất nghiệp!” Tất nhiên là tôi có đơn giản hoá, nhưng thực chất là như thế.

Ngay cả phần lớn trí thức cũng cảm thấy bất mãn. Nhất là những người tham gia tích cực vào hoạt động chính trị. Vì đối với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy. Nhưng hoạt động chính trị chuyên nghiệp, ngay cả trong chế độ dân chủ, không phải lúc nào cũng trùng hợp với đức hạnh, đôi khi còn khác xa nữa. Những người được bầu vào quốc hội thường không phải là những người đạo cao đức trọng mà thường là những người biết cách phát biểu trên TV hay là những người có tiền in khẩu hiệu. Chẳng bao lâu sau trí thức cảm thấy mình bị đẩy ra rìa và bị chính quyền mới coi là vật cản.

Còn trong lĩnh vực văn hoá? Nếu trong chế độ cộng sản vấn đề là kiểm duyệt thì bây giờ vấn đề lại là xoá nhoà các tiêu chí đánh giá. Trong cái dòng chảy thông tin như thế thật khó biết cái gì là giá trị văn hoá cái gì là số không về nghệ thuật và tri thức. Ngoài ra, quan hệ thị trường đã đưa nền độc tài của đồng tiền vào lĩnh vực văn hoá. Trong nền độc tài này khó mà in được, thí dụ như I. Kant, còn Conan Doyle hay Simenon thì dễ hơn nhiều. Vì hai ông này có nhiều độc giả hơn Kant.

Tình hình đó có ảnh hưởng thế nào với nền văn hoá Ba Lan? Tôi nghĩ là không phải tốt. Có thể các bạn tôi sẽ không đồng ý với tôi, nhưng tôi cho rằng trong hai mươi năm qua chúng ta không có nhiều tác phẩm hay bằng thời cộng sản. Nếu có thì đấy cũng thường là tác phẩm của những người hoạt động văn hoá đã định hình từ thời cộng sản.

Có thể rút ra kết luận gì? Kết luận là để giành được vai trò tương xứng trong xã hội, trí thức còn phải cố gắng rất nhiều. Không chỉ trong lĩnh vực văn hoá mà cả trong lĩnh vực xã hội nữa. Ba Lan và các nước hậu cộng sản khác có rơi vào tình trạng mà tôi gọi là lựa chọn giữa Putin và Berlusconi, một phần không nhỏ phụ thuộc vào vai trò của trí thức. Tri thức phải đưa ra được dự án chống lại cả chủ nghĩa Putin lẫn chủ nghĩa Berlusconi.

Có khả thi không? Những người có học có thể tạo được ảnh hưởng với xã hội không? Tôi cho là có thể. Ở Ba Lan, trong vòng hai năm chúng tôi đã có một chính quyền mà theo tôi là tương tự như mô hình mà Putin đã thực hiện. Chúng tôi có những khẩu hiệu khác; bài Nga, bài Đức, chống cộng cực đoan nhưng dự án nhà nước thì là một. Nhưng khi chính quyền Ba Lan đưa ra đạo luật “thanh lọc[1]” có thể đưa đến việc khủng bố giới trí thức trong vòng một chục năm tới thì giới trí thức đã nói: “Không!”. Các giáo sư đại học và các nhà báo đã tuyên bố: “Không, chúng tôi không muốn chuyện đó và không nghe các người nữa!”. Xã hội đã nghe thấy lời phản đối của họ và hoạn lộ của hai anh em nhà Kaczynski suy sụp từ đó.

Dường như chủ nghĩa Putin không phải là số kiếp của chúng ta, chúng ta có thể chống cự nó một cách hiệu quả. Nhưng cần phải có không chỉ lòng quyết tâm mà cả sự kiên trì nữa. Mà kiên trì thì đáng tiếc không phải là ưu điểm của trí thức.

Evgeni Yasin: Hết sức cám ơn. Như các bạn đã thấy, Adam không chỉ kể cho chúng ta nghe giới trí thức Ba Lan đã làm gì trong thời cộng sản mà mà còn cho chúng ta biết những vấn đề họ gặp phải hiện nay cũng như sau khi chế độ cộng sản sụp đổ nữa. Có lẽ chúng ta không thể tách được câu chuyện về hiện tại khỏi câu chuyện về quá khứ, như chúng tôi dự định lúc ban đầu.

Vừa nghe Adam tôi vừa nhớ lại tư tưởng của một nhà xã hội học nổi tiếng (hình như là Parsons) rằng văn hoá là tạo ra các hình tượng. Nhưng văn hoá hình thành phần lớn là nhờ trí thức, cho nên có thể nói trí thức tạo ra hình tượng. Tại sao tôi lại nói chuyện này? Vì khi giới trí thức chuyển hình tượng văn hoá mà nó tạo ra vào chính trị thì kết quả là xảy ra những thay đổi về chính trị và kinh tế-xã hội, những thay đổi này nhất định phải khác với các hình tượng đã tạo ra chúng. Vì vậy mà hiện thực hậu cộng sản ở Ba Lan đã không được như Adam và các bạn của ông hình dung.

Chúng ta cũng chứng kiến những sự khác nhau đó ở đất nước chúng ta, cuối những năm 1980 các sự kiện ở đây cũng diễn ra tương tự như ở Ba Lan. Ở đây quá trình dân chủ hoá trên thực tế không diễn ra theo quan niệm, thí dụ như của A. D. Sakharov chẳng hạn. Nhưng cùng với thời gian khoảng cách giữa hình mẫu (mục tiêu, lí tưởng, hình ảnh của tương lai) và thực tế đã lớn hơn rất nhiều, nếu so với Ba Lan. Trí thức Nga không giành được những điều mà các trí thức Ba Lan giành được. Tiếp theo I. Kliamkin ((Người Nga, Phó chủ tịch Quĩ Sứ mệnh Tự do, một trong các điều phối viên của cuộc toạ đàm), tôi đề nghị các bạn Nga suy nghĩ xem tại sao lại như thế. Liệu có phải nguyên nhân là ở chỗ các hình tượng mà trí thức hai nước chúng ta tạo ra là khác nhau không? Hay còn có nguyên nhân nào khác?



[1] Tạm dịch đạo luật có tính chất kì thị những người từng cộng tác với chế độ cộng sản trước đây.

2 comments:

  1. Bài dịch của anh rất tuyệt, hy vọng những người Việt có đi học noi được tấm gương của trí thức xứ Balan.
    Kính chúc anh cùng gia đình nhiều sức khỏe và niềm vui.
    Kính,
    ĐVH

    ReplyDelete
  2. Cám ơn bạn đã đọc và cho nhận xét.

    ReplyDelete