April 29, 2011

M. I. Tugan-Baranovski - Trí thức và chủ nghĩa xã hội (Phần 1)



Thiện cảm với chủ nghĩa xã hội là một trong những đặc điểm nổi bật của giới trí thức Nga. Có thể có những ý kiến khác nhau về chiều sâu và mức độ nghiêm túc của những thiện cảm đó, nhưng không nghi ngờ gì rằng khó có thể nhận ra ở một người trí thức trung bình biểu hiện gì đó tương tự như thái độ thù địch đối với chủ nghĩa xã hội, như người ta thường thấy ở những tầng lớp có học phương Tây. Một người trí thức Nga, nếu đấy không phải là một kẻ bàng quan với các quyền lợi xã hội, thường là có cảm tình với chủ nghĩa xã hội, đôi khi còn có những kẻ cuồng tín nữa. Chuyện đó rõ ràng đến nỗi gần như chẳng cần phải chứng minh.


Nguyên nhân làm cho giới trí thức Nga bị chủ nghĩa xã hội hút hồn có nguồn gốc từ những điều kiện phát triển của xã hội chúng ta. Người ta đã và đang tranh luận rất nhiều về những đặc điểm của quá trình phát triển lịch sử của nước Nga so với phương Tây. Tuy nhiên, trong số đó có một đặc điểm không thể không ghi nhận. Bucher[1] coi lịch sử phát triển kinh tế phương Tây như là sự thay thế lần lượt ba nấc thang kinh thế: nền kinh tế khép kín, nền kinh tế thành phố và nền kinh tế quốc dân. Nền kinh tế thành phố được ông hiểu là nền kinh tế của các thành phố Trung cổ, đặc trưng bằng việc hình thành các xưởng sản xuất công nghiệp nhỏ, tức là nền thủ công nghiệp. Thành phố Trung cổ, sản xuất thủ công nghiệp là cơ sở cho sự hình thành và phát triển nền văn minh phương Tây, chế độ xã hội đặc thù đó đã đưa nhân loại lên một tầng cao văn hoá chưa từng có. Thành phố đã tạo ra một giai cấp xã hội mới, tức là giai cấp tư sản, giai cấp được giao sứ mệnh giữ vai trò đầu tầu trong đời sống xã hội phương Tây. Sau khi đã giành được thế thượng phong trong lĩnh vực kinh tế, giai cấp tư sản đã trở thành lực lượng cai trị, đồng thời là người truyền bá văn hoá và kiến thức nữa.

Chuyện này hầu như ai cũng biết. Người ta cũng biết rằng quá trình phát triển lịch sử của nước Nga đã đi theo một hướng hoàn toàn khác. Nước Nga không trải qua giai đoạn phát triển kinh tế thành phố, không biết đến tổ chức sản xuất công nghiệp – và đấy là sự khác biệt sâu sắc, mang tính nguyên tắc của nó so với phương Tây, sự khác biệt, mà như một hậu quả tự nhiên, sẽ sinh ra tất cả những chuyện khác. Không có chế độ kinh tế thành phố nên nước Nga cũng không có nền văn hoá công nghiệp đặc thù, mà đấy chính là xuất phát điểm của lịch sử kinh tế về sau này của phương Tây; vì vậy ở Nga, cái nhóm xã hội vốn là tác nhân chính cho tiến bộ kinh tế ở phuơng Tây, tức là giai cấp tư sản, đã không thể phát triển đuợc.

Dĩ nhiên là chúng ta có giai cấp tư sản cũ của mình, đấy là các thương nhân. Nhưng đây là hiện tượng đặc biệt, chẳng có gì chung với giai cấp tư sản công nghiệp phương Tây. Tư bản thương nghiệp về bản chất không thể tạo ra được tổ chức kinh tế-xã hội mới, tương tự như xưởng thợ thời Trung cổ và nói chung không thể đem đến một nền văn hoá mới nào. Và vì vậy, mặc dù tư bản thương nghiệp đã chiếm được vị trí vững chắc trong nền kinh tế của chúng ta, ở nước ta đã không có nền văn hoá tư sản và không có giai cấp tư sản theo cách hiểu của Tây Âu.

Điều đặc biệt là nước ta không có giai cấp tiểu tư sản. Chính giai cấp tiểu tư sản đã giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế Tây Âu suốt mấy thế kỉ. Các nhà doanh nghiệp nhỏ và các nhà buôn là thành phần chủ yếu của các thành phố. Những người làm nghề tự do và nói chung những người lao động trí óc phần lớn đều xuất thân từ đây. Giai cấp tiểu tư sản đóng vai trò trung gian giữa các giai cấp thượng lưu và quần chúng lao động, liên kết tất cả các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất của nền văn hoá dân tộc. Sau khi xuất hiện các nhà máy lớn thì giai cấp tư sản mới giành được vai trò quan trọng, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa hoàn toàn hất cẳng được giai cấp tiểu tư sản. Ngay trong thời đại của chúng ta, chính giai cấp tiểu tư sản, lí tưởng văn hoá của nó, những đặc trưng tinh thần hình thành trong lịch sử, thị hiếu và thói quen của nó quyết định bộ mặt tinh thần của những người có học phương Tây.

Nhưng nếu chúng ta không có giai cấp tư sản nói chung thì cũng không thể có giai cấp tiểu tư sản nói riêng được. Tiểu tư sản là kết quả của nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp thành phố, nước Nga chưa hề biết đến ngay cả mầm mống của một nền sản xuất như thế. Tư bản thương nghiệp lớn thì chúng ta có, nhưng đấy hoàn toàn chẳng có gì chung với nền văn hoá công nghiệp tiểu tư sản phương Tây. Và vì vậy mà mẫu hình văn hoá của tầng lớp có học Nga cũng có những nét đặc thù khác hẳn với mẫu hình văn hoá của tầng lớp có học phương Tây.

“Đã đến lúc phải nhận thức một cách bình tĩnh và khiêm tốn rằng tiểu tư sản là hình thức hoàn thiện của nền văn minh phương Tây, là tuổi trưởng thành của nó”, sáu mươi năm trước Gersen[2] đã viết như thế. “Một mặt, những người sở hữu chủ-tiểu thị dân nhất quyết không chịu từ bỏ độc quyền của mình, mặt khác, những người tiểu thị dân không có sở hữu muốn giành giật lấy tài sản của những người kia, nhưng lại không đủ lực[3]”.

Đấy là những đặc trưng nổi bật nhất. Sau khi đã quan sát kĩ bộ mặt tinh thần của người châu Âu, Gersen, một trí thức điển hình người Nga, đã rút ra kết luận rằng tất cả các giai cấp trong xã hội Tây Âu, mặc cho những khác biệt rõ ràng giữa họ với nhau, có một điểm chung có thể gọi là “tính tiểu tư sản”, nói cách khác là những đặc trưng tâm lí của giai cấp tiểu tư sản. Như chúng ta đều biết, người quan sát trong một môi trường mới dễ nhận ra nhất những đặc trưng khác biệt hẳn với môi trường quen thuộc của anh ta. Nếu người trí thức Nga thấy rằng xã hội Tây Âu nổi bật nhất ở “tính tiểu tư sản” thì điều đó chứng tỏ rằng môi trường của anh ta không có những đặc điểm như thế.

Trên thực tế, cái môi trường xã hội hình thành nên người trí thức Nga chẳng có gì chung với giai cấp tiểu tư sản ở phương Tây hết. Petr[4] là một trong những trí thức Nga đầu tiên nhận thức được nhu cầu học tập tinh thần khai minh của Tây Âu. Muốn trở thành cường quốc, nhà nước phải có trong tay một đội quân đông đảo những người có  học. Trước Petr, nước Nga không có một đội quân như thế. Chính quyền nhà nước có một nhiệm vụ cực kì quan trọng: tạo ra lực lượng công chức có học, đấy là những người sẽ gánh vác trọng trách là phụng sự quốc gia. Phụng sự là trách nhiệm đương nhiên của giới quí tộc. Và giới quí tộc, dưới áp lực trực tiếp của nhà nước, bắt đầu học khoa học phương Tây.

Nửa đầu thế kì XIX, toàn bộ giới trí thức của chúng ta đều là quí tộc hoặc quan chức. Các tầng lớp có học của xã hội Nga thời đó hầu như đều là sĩ quan hoặc quan chức nhà nước. Học phí trong các trường trung và cao học không lớn; trong khi đó bất kì người có học nào cũng dễ dàng được bổ nhiệm vào các chức vụ được trả lương tương đối cao và sau khi được phong tước quí tộc thì trở thành đẳng cấp cầm quyền. 

Trong điều kiện như thế, đa số những người có học đều buộc phải trở thành quan chức và chỉ trong giới quí tộc giàu có ta mới có thể bắt gặp những người có học mà không tham gia vào bộ máy nhà nước mà thôi.

Cái tầng lớp trí thức quí tộc và quan chức sống bằng lương của nhà nước hay thu nhập từ lao động của nông nô không thể không tạo ra mẫu hình văn hoá khắc hẳn với những người có học phương Tây, tức là những người xuất thân từ giai cấp tư sản với quyền lợi gắn bó mật thiết với giai cấp này. Cuộc đấu tranh có ý thức của xã hội Nga chống lại chế độ chuyên chế bắt đầu từ những người Tháng chạp[5] và phong trào cách mạng-đối lập cũng ngày càng phát triển từ đó. Khởi kì thuỷ, đấy chủ yếu là tầng lớp quí tộc giàu có, đấy cũng là tinh hoa của tầng lớp trí thức của nước ta thời đó. Phong trào của những người Tháng chạp không phải hoàn toàn không có màu sắc giai cấp quí tộc, nhưng động cơ chủ yếu của nó lại chẳng có gì chung với quyền lợi giai cấp của tầng lớp quí tộc. Người đại diện của phong trào là Pestel[6] đã đưa ra yêu cầu không chỉ là cải tổ nhà nước Nga và bãi bỏ chế độ nông nô mà còn yêu cầu cải cách nông nghiệp rộng rãi trên cơ sở quyền sở hữu ruộng đất cho tất cả mọi người. Thật khó mà nói được rằng cải cách ruộng đất là ý tưởng của chính Pestel hay ông đã tiếp thu được từ những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp và Anh đương thời. Dù sao mặc lòng, lần đầu tiên chúng ta thấy một người trí thức Nga, cũng là một người nổi bật nhất trong số những người Tháng chạp, với những lí tưởng gần gũi với chủ nghĩa xã hội.  

Một thời gian ngắn sau đó, chủ nghĩa xã hội, với đúng nghĩa của từ này, đã bắt đầu xuất hiện trên mảnh đất Nga. Nhóm của Gersen-Ogarev[7] say sưa nghiên cứu chủ nghĩa xã hội Pháp và chủ nghĩa xã hội bắt đầu lịch sử của mình ở nuớc Nga từ lúc đó, nhưng ngay đến tận thời gian gần đây cũng chỉ giới hạn ảnh hưởng của mình trong tầng lớp trí thức mà thôi. Quần chúng nhân dân chẳng có gì chung với niềm say mê xã hội chủ nghĩa của một nhóm trí thức nhỏ bé; song trong nhóm trí thức ít ỏi đó, cái học thuyết bị đàn áp kia lại tìm được những người ủng hộ nhiệt thành, những người sẵn sàng hi sinh tất cả cho niềm tin của mình. 

Tại sao chủ nghĩa xã hội là tìm thấy chính trong tầng lớp trí thức Nga mảnh đất màu mỡ như thế? Trong lĩnh vực văn hoá, như Gersen đã chỉ rõ, người trí thức Nga đã và vẫn là một thực thể tự do đến mức có thể làm người ta ngạc nhiên. Ở phương Tây đã và vẫn tồn tại một nền văn hoá dân tộc mang tính lịch sử mạnh mẽ, mà người truyền bá nó trong giai đoạn hiện nay chính là giai cấp tư sản; cho đến tận thời gian gần đây các tầng lớp có học phương Tây vẫn gắn bó một cách chặt chẽ về mặt quyền lợi với giai cấp tư sản. Ngược lại, người trí thức Nga nằm ngoài vòng ảnh hưởng của giai cấp tư sản, đơn giản là vì ở Nga không có giai cấp như thế. Nền văn hoá của nước Nga được thể hiện chủ yếu trong việc tạo lập một nhà nước chuyên chế to lớn, cho nên sự căm ghét nền văn hoá này cũng là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của người trí thức đứng lên chống lại nhà nước Nga và đã đấu tranh chống lại nó suốt nhiều thế hệ vừa qua. Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi những cố gắng về tinh thần cực kì to lớn, và cả lòng nhiệt tình nữa; chỉ có niềm tin vào một lí tưởng xã hội nhất định mới có thể cung cấp cho người ta lòng nhiệt tình như thế mà thôi. Cái gì có thể trở thành lí tưởng như thế cho một người trí thức Nga? Lí tưởng của chủ nghĩa tự do đã bị mất tác dụng từ lâu và không hấp dẫn được ai nữa, từ lâu đã không còn ai tin rằng quyền tự do chính trị và quyền tự do công dân, dù các quyền tự do này có rộng rãi đến đâu, cũng không thể giải quyết được các vấn đề xã hội của thời đại chúng ta và không thể dẫn đến hạnh phúc chung cho mọi người được. Lí tưởng về một nhà nước dân tộc đầy sức mạnh cũng không được người trí thức, người vốn vẫn tiến hành cuộc đấu tranh kiên cường với chính nhà nước đó, hưởng ứng. Như vậy là tâm hồn người trí thức Nga chỉ rộng mở để đón nhận lí tưởng của chủ nghĩa xã hội mà thôi.

Vốn hoàn toàn tự do về mặt văn hoá, người trí thức Nga, thông qua những người lãnh đạo của mình, đã toàn tâm toàn ý gắn bó với cái lí tưởng xã hội hứa hẹn cải tiến các điều kiện sống của xã hội. Người Tây Âu không phải lựa chọn thế giới quan và lí tưởng xã hội; nó đã có sẵn ngay trong môi trường xã hội mà anh ta sống. Ngược lại, người trí thức Nga đã thoát li khỏi nền tảng lịch sử của mình và vì vậy đã lựa chọn cái lí tưởng xã hội mà theo lí thì có vẻ như là có căn cứ hơn cả. Lí tưởng xã hội chủ nghĩa chính là cái lí tưởng mang tầm quốc tế, siêu quốc gia và vượt thời gian như thế.   

Ở phương Tây xu hướng phát triển của xã hội được quyết định bởi cuộc đấu tranh giành quyền lợi gữa các giai cấp với nhau. Tất cả các giai cấp đều tham gia hoạt động chính trị và đều cố gắng buộc chính quyền nhà nước phục vụ cho quyền lợi của mình. Trên cơ sở cuộc đấu tranh đó mà trong lòng mỗi giai cấp đều xuất hiện tình đoàn kết giai cấp, thôi thúc từng người đại diện cho giai cấp bảo vệ quyền lợi cho giai cấp mình không chỉ vì sợ hãi mà còn vì lương tâm nữa. Mỗi giai cấp đều có những nhà tư tương chân thành và trung kiên, những người bị vẻ đẹp của mẫu hình văn hoá mà giai cấp ấy thể hiện hút hồn. Niềm đam mê này hoàn toàn có thể hiểu được vì bất kì nền văn hoá mạnh mẽ nào cũng có vẻ đẹp, tính hấp dẫn và hương vị đặc thù, không thể nào thay thế được.

Ta có thể dễ dàng hiểu được tâm lí của con cháu những người thập tự chinh đã hi sinh ở nước Pháp trong giai đoạn khủng bố nhằm ủng hộ vương triều và niềm tin Thiên chúa giáo. Tương tự như thế, những cống hiến to lớn về mặt văn hoá của giai cấp tư sản là nguyên nhân của lòng trung thành về mặt tư tưởng của người châu Âu trung bình đối với lí tưởng tư sản. Truyền thống văn hoá của từng giai cấp đều mạnh đến mức chỉ có những cá nhân xuất chúng mới đủ sức đoạn tuyệt với nó mà thôi.  

Nước Nga thì lại khác. Đa số dân chúng không tham gia vào đời sống chính trị, các giai cấp cầm quyền không cần đấu tranh cho quyền lợi của mình vì những quyền lợi này đã được nhà nước bảo vệ rồi. Tình đoàn kết giai cấp vì vậy mà yếu. Trình độ văn hoá chung thấp cũng cản trở quá trình lí tưởng hoá con người của giai cấp. Vì vậy mà những người thuộc các giai cấp cầm quyền ở Nga không có mối liên hệ vững chắc về truyền thống văn hoá và quyền lợi như ở phương Tây.

Ở phương Tây, chủ nghĩa xã hội từ lâu đã trở thành một thực tế và là mối đe doạ nghiêm trọng đối với quyền lợi của các giai cấp cầm quyền. Không chỉ nhà nước mà truớc hết là xã hội, thông qua các giai cấp cầm quyền, đã tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, ở Nga cho đến tận thời gian gần đây các giai cấp hữu sản đã không thấy có căn cứ gì để phải lo lắng về những thiệt hại mà chủ nghĩa xã hội có thể gây ra cho quyền lợi của mình vì lúc đó chủ nghĩa xã hội chưa có ảnh hưởng ra bên ngoài tầng lớp trí thức. Không quen đấu tranh tư tưởng, không có và không có nhu cầu tổ chức giai cấp, các giai cấp cầm quyền không thể giáng trả được tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, tức là cái chủ nghĩa đã chi phối được khối óc của một số người thuộc tầng lớp thượng lưu trí thức. Vì vậy mà chúng ta mới thấy một hiện tượng kì quặc, đấy là nói nếu nhìn theo quan điểm của Tây Âu, là chủ nghĩa xã hội lan tràn trong tầng lớp trí thức xuất thân từ giai cấp quí tộc nắm quyền. Những người Tháng chạp là những người cách mạng đầu tiên xuất thân từ tầng lớp quí tộc, phần lớn thậm chí còn là quí tộc cao cấp, giàu có nữa. Nhưng đa số họ vẫn còn xa lạ với tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Sau này, tức là từ thời Gersen và Berlinski[8], chủ nghĩa xã hội đã trở thành thế giới quan ưa chuộng của giới trí thức đối lập, mặc dù giới này cho đến mãi những năm 1860 vẫn giữ được tính chất quí tộc-quan chức.

Nhưng khi thành phần giai cấp của tầng lớp quí tộc chưa có thay đổi đáng kể thì chỉ có một phần rất nhỏ những người có học say mê lí tưởng của chủ nghĩa xã hội mà thôi. Thành phần của tầng lớp trí thức thay đổi một cách từ từ - trong những năm 1860 nó được bổ xung một lớp “thông ngôn kí lục[9]” rất đông đúc, xuất thân từ “nhân dân”. Đấy là những người mang trên mình gánh nặng của những nhu cầu không được đáp ứng và không có tài sản thừa kế và chẳng có đồng vốn nào; họ dễ dàng trở thành những người xã hội chủ nghĩa mà chẳng cần một cuộc đấu tranh nội tâm nào. Thế là kể từ những năm 1860, ở Nga, chủ nghĩa xã hội đã trở thành thế giới quan của rất nhiều người trí thức.

Người trí thức-thông ngôn kí lục dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa xã hội vì một loạt nguyên nhân. Thông ngôn kí lục xuất thân từ “nhân dân”, vẫn còn giữ được liên hệ với họ, vì vậy “tình yêu nhân dân” cũng là một đặc trưng tự nhiên như là “tinh thần tư sản” của người Tây Âu vậy. Yêu nhân dân, nhưng thông ngôn kí lục lại là những mọt sách và không tham gia vào hoạt động sản xuất (họ là giáo viên, bác sĩ, nhà báo…) cho nên thiếu thực tế và cứng nhắc. Cái chính là anh ta thấm nhuần tinh thần cách mạng, có thái độ ghê tởm đối với những hình thức lịch sử của đời sống Nga và tự coi mình là người li khai với những hình thức đó. Đã hình thành nên mẫu người trí thức-li khai Nga mà S. L. Frank[10] định nghĩa trong Những cột mốc như là “một cố đạo đầy tinh thần chiến đấu của cái tôn giáo hư vô chủ nghĩa chỉ thờ mỗi ông thần vật chất thuộc về thế gian mà thôi”.

“Một dúm những kẻ xa lạ với thế giới và khinh thường thế giới của các cha cố”, S. L. Frank viết về những người trí thức Nga như thế, “đã tuyên chiến với thế giới nhằm đưa hạnh phúc đến bằng vũ lực và đáp ứng các như cầu vật chất, nhu cầu thuộc về thế gian của nó. Toàn bộ lòng nhiệt tình của của đội quân tôn giáo này đều hướng đến quyền lợi vật chất và nhu cầu thế gian, hướng đến việc xây dựng thiên đường no đủ và sung túc trên thế gian này; còn những điều thuộc về thế giới siêu nhiên, thế giới bên kia và tôn giáo thuần khiết, niềm tin vào các giá trị vĩnh hằng chính là kẻ thù trực tiếp của nó[11]”.

Không nghi ngờ gì rằng câu đó có chứa một phần chân lí; đương nhiên là người trí thức-xã hội chủ nghĩa Nga đấu tranh cho hạnh phúc của thế giới này, chứ không phải cho hạnh phúc ở thế giới bên kia; đương nhiên là lòng nhiệt tình mang tính tôn giáo của anh ta không được nuôi dưỡng bởi những động cơ mang tính siêu nhiên. S. L. Frank chỉ tỏ ra bất công khi nói đưa hạnh phúc đến “bằng vũ lực”: đa phần nhân loại hoàn toàn không coi việc thoả mãn các “nhu cầu vật chất, nhu cầu thế gian” là chuyện cỏn con và vô nghĩa như nhà triết học duy tâm của chúng ta vẫn nghĩ. Vì vậy, ước muốn làm cho con người ấm no của những người trí thức-xã hội chủ nghĩa hoàn toàn phù hợp với khát vọng của số đông, nghĩa là không cần sử dụng vũ lực đối với họ. 

P. B. Struve[12] từng tuyên bố rằng theo nghĩa xã hội học thì giới trí thức Nga chỉ là một “đại lượng không đáng kể[13]”. Bây giờ các tác giả Những cột mốc lại thấy giới trí thức là một lực lượng đầy sức mạnh, cực kì nguy hiểm đối với nước Nga. “Xấu tốt mặc lòng”, S. N. Bulgakov viết, “số phận nước Nga của Petr nằm trong tay tầng lớp trí thức”; nếu tầng lớp trí thức không thay đổi bộ mặt tinh thần của mình thì nó “cùng với thói mọi rợ[14], hiện vẫn còn rất nhiều trong tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội của chúng ta, sẽ huỷ diệt nước Nga mất thôi[15]”. “Huỷ diệt nước Nga” như thế nào thì cả S. N. Bulgakov[16] lẫn các tác giả khác của Những cột mốc đều không nói. Có lẽ họ cho rằng đấy là sự sụp đổ của nhà nước Nga, kết quả của cuộc cách mạng mà họ coi là sản phẩm của giới trí thức.

    
Nhưng tình hình không đến nỗi hoàn toàn tuyệt vọng như thế và các tác giả Những cột mốc đã kêu gọi giới trí thức Nga sám hối và sửa chữa. Sai lầm chủ yếu của giới trí thức, như lời nói đầu của Những cột mốc giải thích, là ở chỗ họ không công nhận rằng “đời sống nội tâm của cá nhân là lực lượng sáng tạo duy nhất đời sống loài người và nó không phải là nhân tố độc lập của trật tự chính trị, nó là nền tảng bền vững duy nhất cho mọi sự nghiệp xây dựng xã hội. Theo quan điểm này thì hệ tư tưởng của giới trí thức Nga dựa trên nguyên tắc trái ngược hẳn: cho rằng các hình thức xã hội có trước – nguyên tắc này vừa sai về bản chất lại vừa vô dụng trong thực tiễn nữa”. Từ quan điểm như thế, các tác giả của Những cột mốc hi vọng vào khả năng hồi sinh của tầng lớp trí thức: Tầng lớp trí thức, P. B. Struve nói “cần phải xem xét lại toàn bộ thế giới quan của mình, trong đó có việc xem xét một cách căn bản nguyên tắc chính của nó: phủ nhận trách nhiệm cá nhân của lí thuyết xã hội chủ nghĩa… Sau khi rút viên đá tảng này ra, mà nó nhất định sẽ bị rút, thì toàn bộ lâu đài thế giới quan này sẽ sụp đổ. Trong đó chính quan niệm “chính trị” trong tư tưởng của giới trí thức cũng phải thay đổi. Một mặt, nó không thể là một lĩnh vực độc lập và tách biệt khỏi những lĩnh vực khác của đời sống tinh thần, như từng là như thế cho đến nay. Vì căn bản của chính trị không phải là việc thu xếp đời sống xã hội bên ngoài mà là việc hoàn thiện đời sống nội tâm của con người. Mặt khác, quyền bá chủ của chính trị đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần, vốn độc lập với chính trị, phải chấm dứt[17]”.
    
Như vậy là, sai lầm căn bản trong thế giới quan của giới trí thức đã được tìm thấy, giới trí thức phải lĩnh hội một chân lí mới, chân lí nó chưa từng biết, chân lí đã được các tác giả của Những cột mốc phát hiện ra và là “cương lĩnh chung của họ”: “công nhận rằng, cả trên lí thuyết lẫn thực tế, đời sống tinh thần có trước các hình thức bên ngoài của đời sống[18]”. Nhưng, lạy Chúa tôi! “chân lí” này vốn đã cũ mèm từ lâu, luận cứ này cũng đã chán ngấy từ lâu, nó luôn luôn được những người phản đối các cuộc cải cách xã hội đưa ra mỗi khi có nhu cầu. Tưởng như là chúng ta đã vượt qua được cuộc tranh luận: cải thiện các cơ cấu xã hội ở bên ngoài hay là phát triển đời sống nội tâm của con người, nói cách khác, cải cách xã hội và hoàn thiện cá nhân con người, cái nào là quan trọng hơn. Thật không có gì vô ích và trống rỗng hơn là cuộc tranh luận này, một cuộc tranh luận dựa trên sự chia tách và đối lập những thứ mà trên thực tế lại có liên hệ mật thiết với nhau và chế ước lẫn nhau. Người ta giả định, trong cuộc tranh luận này, rằng các hình thức xã hội và cá nhân con người là hai phạm trù xã hội học hoàn toàn độc lập với nhau, trong đó những người ủng hộ thuyết các hình thức xã hội có trước khẳng định rằng cá nhân là do các hình thức xã hội tạo dựng lên, những người có quan điểm ngược lại thì khẳng định rằng chính con người tạo ra các hình thức xã hội. Cả hai phía đều đúng mà cũng đều sai: cá nhân và các hình thức xã hội chế ước và quyết định lẫn nhau. Trình độ phát triển của cá nhân quyết định chế độ xã hội, thí dụ không thể nào tưởng tượng nổi người Bushmen[19] hay những người mọi rợ ở châu Úc lại có thể có một đời sống chính trị như người dân Anh, tức là có nghị viện và một đế chế có nhiều thuộc địa như thế..v.v… Nhưng mặt khác, rõ ràng là các hình thức xã hội quyết định trình độ phát triển của cá nhân, thật xấu hổ nếu phải chứng minh những điều tầm thường như thế. Chả lẽ các tác giả Những cột mốc lại cho rằng, thí dụ, trình độ giáo dục không có ảnh hưởng gì đối với trình độ phát triển của cá nhân hay sao. Chả lẽ việc phổ cập giáo dục trong một xã hội cụ thể lại không có quan hệ gì với “các hình thức bên ngoài của đời sống” hay sao..v..v.. Theo quan điểm của Struve thì chính trị “không phải là việc thu xếp đời sống xã hội bên ngoài mà là việc hoàn thiện đời sống nội tâm của con người”. Như vậy, chính trị phải trước hết không được hướng đến “việc thu xếp đời sống xã hội bên ngoài!”. Nhưng chả lẽ đấy lại là chính trị, chứ không phải là bãi bỏ chính trị ư?

Năm 1910.

(Còn 1 kì)

M. I. Tugan-Baranovski (1865-1919) là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của nước Nga đầu thế kỉ XX. Trong các năm 1917-1918 ông từng giữ chức Bộ trưởng tài chính trong chính phủ trung ương ở Kiev (Ucraine). Bài báo Trí thức và chủ nghĩa xã hội được in lần đầu trong tuyển tập Trí thức ở nước Nga xuất bản năm 1910.
 
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.



[1] Bucher k. (1847-1930), nhà kinh tế học người Đức.

[2] Gersen A. I. (1812-1870), nhà triết học, nhà chính luận và nhà văn nổi tiếng người Nga.
[3] Dẫn theo tác phẩm Đầu và cuối của A. I. Gersen.

[4] Petr (1672-1720), thường gọi là Petr Đại đế.
[5] Những nhà cách mạng thuộc tầng lớp quí tộc đã tiến hành khởi nghĩa chống lại chế độ chuyên chế và chiếm nô vào tháng 12 năm 1825, từ đó được gọi là những người Tháng chạp.
[6] Pestel P. A. (1793-1826), một người Tháng chạp nổi tiếng, bị treo cổ vào ngày 13 tháng 7 năm 1826.
[7] Ogarev N. P. (1813-1877), nhà thơ và nhà chính luận nổi tiếng người Nga, bạn thân của Gersen.
[8] Berlinski V. G. (1811-1848), nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nga.
[9] Dịch thoát ý từ разночинец, tức là những người có học xuất thân từ nhân dân lao động, có tư tưởng dân chủ.
[10] Frank S. L. (1877-1950), nhà triết học và chính luận Nga, bị bắt đi lưa đầy vào năm 1922.


[11] Những cột mốc 1909, trang 205
[12] Struve P. B. (1870-1944), nhà kinh tế học có tài, thời trẻ từng là lãnh tụ của những người mác-xít. Sau cách mạng Tháng mười sống lưu vong ở nước ngoài
[13] Nguyên văn: quantite negligeable, tiếng Pháp - ND
[14] Dịch thoát ý từ tatarshina (tatar là một dân tộc bị coi là lạc hậu, đáng ghét) – ND.
[15] Tác phẩm đã dẫn, trang 25

[16] Bulgakov S. N. (1871-1944), nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà thần học và nhà hoạt động xã hội Nga nổi tiếng. Từ năm 1922 phải sống lưu vong ở nước ngoài.

[17] Tác phẩm đã dẫn, trang 171

[18] Tác phẩm đã dẫn, trang 171

[19] Bushmen là người châu Phi – ND.

No comments:

Post a Comment