Phạm Nguyên Trường dịch
Từ Libya tới Bờ Biển Ngà, từ Bắc Triều Tiên tới Zimbabwe, một người nắm quyền bao giờ cũng dẫn đến những sai lầm khủng khiếp.
Chế độ chuyên chế vừa có sức hấp dẫn vừa có tính phá hoại ghê gớm. Muammar Qaddafi của Libya và Laurent Gbagbo của Bờ Biển Ngà tin rằng mình có quyền cai trị đến mức thà để cho đất nước mình tan hoang chứ không chịu rời bỏ quyền lực. Robert Mugabe của Zimbabwe và Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên cũng đẩy đất nước vào tình trạng kinh tế suy sụp chứ không chịu để cho những người khác thách thức niềm tin của mình.
Cho nên rất đáng mừng là nước Nga - sau một thời gian dài nằm dưới ách cai trị sai lầm như thế - có vẻ như đã nhận ra rằng cải cách chính trị sẽ dẫn đến tiến bộ về kinh tế. Nước Nga đã nhận thức được rằng quyền lực trong tay một người có sức tàn phá đến mức nào. Dưới trào Joseph Stalin, hàng triệu người dân đã chết vì đói, đã bị lưu đầy và bị bỏ tù. Cần phải có thời gian thì mới gột rửa hết được tàn dư của chế độ độc tài – từ giai đoạn hậu Stalin qua sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, từ sự ngóc đầu dậy của bọn đầu sỏ và lũ cướp ngày đến sự trở về của bàn tay sắt của Điện Cẩm Linh hòng bóp chết mọi tiếng nói bất đồng.
Hiện nay các cố vấn của cả tổng thống Dmitry Medvedev lẫn thủ tướng Vladimir Putin – có vẻ như sẽ trở thành kình địch trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau – đang kêu gọi thiết lập một hệ thống cởi mở hơn. Có thể đấy chỉ là thủ đoạn chính trị, nhưng khó mà không công nhận mối liên hệ mang tính logic giữa tự do và thịnh vượng.
No comments:
Post a Comment