March 18, 2011

Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?

Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.

Bài 6
Robert B. Reich: Chúng ta không thích nghĩ tới chuyện đó.

Phạm Nguyên Trường dịch

Là những người đức hạnh, chúng ta quan tâm tới sự thịnh vượng của những người láng giềng và cộng đồng của chúng ta. Nhưng khi đóng vai người tiêu dùng thì chúng ta tích cực đi tìm những thương vụ có thể có tác động xấu tới mức sống của chính những người láng giềng và tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng của chúng ta. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? Thường thì chúng ta lờ đi.


Phần lớn chúng ta đều là những người tiêu dùng, đều cố gắng thực hiện trên thị trường những thương vụ có lợi nhất, nếu điều kiện cho phép. Phần lớn chúng ta cũng là những người đức hạnh, đều cố gắng làm những việc đúng đắn trong cộng đồng và xã hội. Đáng tiếc là những ước muốn trên thương trường lại thường mâu thuẫn với trách nhiệm đạo đức của chúng ta. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? Chúng ta thường tránh né nó. Khi đóng vai người tiêu dùng, chúng ta muốn những quyết định của chúng ta đưa ra không liên quan đến những nguyên tắc đạo đức của chúng ta. Bắng cách đó, chúng ta không phải thực hiện những sự lựa chọn đầy phiền toái giữa sản phẩm và dịch vụ mà chúng ta cần với những lí tưởng mà chúng ta khao khát.

Thí dụ, khi sản phẩm mà ta muốn mua sản xuất ở nước ngoài rẻ hơn tất cả các sản phẩn nội địa thì thương vụ thuận lợi nhất đối với ta lại có thể làm cho những người láng giềng của ta mất việc hoặc mất một phần tiền lương. Những thương vụ thuận lợi nhất lại thường làm cho những người bán hàng ở trung tâm thành phố bị thiệt hại vì siêu thị ở ngoại ô là nơi bán hàng với giá rẻ hơn. Là những người đức hạnh, chúng ta quan tâm tới sự thịnh vượng của những người láng giềng và cộng đồng của chúng ta. Nhưng khi đóng vai người tiêu dùng thì chúng ta tích cực đi tìm những thương vụ có thể có tác động xấu tới mức sống của chính những người láng giềng và tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng của chúng ta. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? Thường thì chúng ta lờ đi.
Tương tự như thế, là những người đức hạnh, chúng ta thường cho rằng mình là người quan tâm đến môi trường, chăm lo đến việc bảo vệ thế hệ tương lai. Nhưng khi đóng vai người tiêu dùng, chúng ta lại thường bỏ qua khát vọng đạo đức này. Nhiều người trong chúng ta vẫn tiếp tục mua những chiếc ô tô thải khí CO2 vào bầu khí quyển, một số người còn thường xuyên bay trên những chiếc máy bay phản lực thải nhiều khí CO2 hơn nữa. Chúng ta cũng thường xuyên mua những hàng hóa giá rẻ được sản xuất tại các nước nghèo, nơi tiêu chuẩn về môi trường còn lỏng lẻo và các nhà máy thường đổ chất độc vào nguồn nước hoặc thải các chất gây ô nhiễm vào bầu khí quyển. Làm sao điều chỉnh được quan điểm đạo đức với thói quen mua sắm của chúng ta? Nói chung, chúng ta thậm chí không làm, nếu không nói đến những lần tình cờ mua sản phẩm “thân thiện với môi trường”.

Những thương vụ mà chúng ta thực hiện trên thương trường có thể gây ra những hậu quả khác nhau về mặt đạo đức, nhưng chúng ta không thích nghĩ tới chúng. Chúng ta có thể mua được những món rất hời vì người sản xuất đã giảm được chi phí bằng cách đặt nhà máy ở các nước nghèo và thuê trẻ em làm việc mười hai tiếng một ngày, bảy ngày trong một tuần hoặc là không cho các nhân viên người Mĩ được hưởng bảo hiểm y tế và hưu bổng, hoặc là bỏ qua các điều kiện an toàn của công nhân. Là những người đức hạnh, đa số chúng ta không cố ý chọn những phương pháp sản xuất như thế, nhưng là những người tìm mua các mặt hàng giá rẻ nhất, chúng ta phải chịu trách nhiệm về hậu quả của chúng.
Chúng ta thường tránh xung đột giữa những bản năng trên thương trường và lí tưởng đạo đức bằng hai cách sau đây. Thứ nhất, khi biết những sự kiện trướng tai gai mắt như tôi vừa nói bên trên, chúng ta thường qui trách nhiệm cho người sản xuất và người bán hàng chứ không coi đấy là trách nhiệm của mình, tức là của người tiêu dùng. Thí dụ, chúng ta tin rằng những người bán lẻ trong các siêu thị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vị họ đã trả lương quá thấp cho người lao động cũng như đã làm cho việc kinh doanh tại trung tâm thành phố không còn nhộn nhịp như trước nữa, hoặc những người sản xuất ô tô phải chịu trách nhiệm vì đã sản xuất ra những chiếc ô tô thải nhiều chất gây ô nhiễm ra môi trường.
Nhưng suy nghĩ như thế là chưa đầy đủ. Người sản xuất và người bán hàng thường không có cách lựa chọn nào khác ngoài việc giảm chi phí ngang bằng, nếu không nói là thấp hơn, chi phí của đối thủ. Việc chúng ta thường xuyên đòi mua những món hàng rẻ nhất buộc họ phải làm như thế. Họ biết rằng nếu không đáp ứng được nhu cầu của chúng ta thì chúng ta sẽ mang tiền đến các đối thủ của họ. Như vậy là, những hiện tượng chướng tai gai mắt mà chúng ta lên án lại là tác dụng phụ không thể tránh được của những cố gắng mà họ phải làm nhằm đáp ứng đòi hỏi của chúng ta.
Cách thứ hai là tách ước muốn trên thương trường khỏi quan niệm đạo đức của chúng ta. Trên thực tế, chúng ta làm công việc “rửa tiền” thông qua cơ chế của thị trường. Chúng ta mua hàng của người bán lẻ, người này lại là đại diện của công ty bán lẻ lớn, công ty bán lẻ này lại nhận sản phẩm từ mạng lưới phân phối; đến lượt mình, mạng lưới phân phối nhận hàng từ nhà sản xuất, còn nhà sản xuất thì lắp ráp các linh kiện từ các nhà thầu, các nhà thầu này lại thuê các thầu phụ trên khắp thế giới, hậu quả xã hội của việc mua bán này cách biệt với hành động của chúng ta đến mức chúng ta có thể dễ dàng che dấu trách nhiệm đạo đức của chính mình. Đơn giản là chúng ta không nhìn thấy mối liên hệ giữa sự lựa chọn của chúng ta – trong vai người tiêu thụ - và, thí dụ như lao động trẻ em ở các nước nghèo hay người hàng xòm bị mất việc và bị cắt bớt thu nhập.
Chắc chắn là có một số người tiêu dúng khi mua đã nghĩ đến những hậu quả đạo đức xa xôi như thế, cũng như một số công ty có thể tự hào vì đã bán các món hàng và dịch vụ được sản xuất bằng những phương pháp phù hợp với đạo đức và xã hội. Nhưng có đủ bằng chứng chứng tỏ rằng đa số người tiêu dùng chỉ muốn mua những món hàng thật rẻ mà thôi. Ngay cả khi chúng ta thích những hãng có trách nhiệm thì đa số chúng ta cũng không muốn mất thêm tiền vì những sản phẩm của những nhà sản xuất có trách nhiệm như thế.
Thị trường không làm băng hoại các giá trị đạo đức của chúng ta. Đúng ra, thông qua hai cách vừa nêu, nó giúp chúng ta trốn tránh cuộc sát hạch thật sự về các tiêu chuẩn đạo đức của mình. Và bằng cách đó, nó cho phép chúng ta bảo vệ các lí tưởng của mình ngay cả khi những lựa chọn trên thương trường của chúng ta tạo ra những kết quả trái ngược hẳn với các lí tưởng đạo đức đó.
Nếu cơ chế thị trường minh bạch đến mức chúng ta có thể thấy ngay những hậu quả về mặt đạo đức của mỗi món hàng minh mua thì khi đó chúng ta sẽ phải lựa chọn: hi sinh một số tiện nghi về mặt vật chất nhằm bảo vệ lí tưởng đạo đức hay là hi sinh các lí tưởng đạo đức để có nhiều tiện nghi hơn. Đấy sẽ là cuộc sát hạch thật sự. Không có sự minh bạch như thế thì không cần phải hi sinh gì hết. Chúng ta có thể mua được những món hàng cực rẻ mà vẫn giữ được đức hạnh mà không cần bất kì cố gắng nào.

Robert B. Reich là giáo sư về chính sách công tại trường đại học tổng hợp California ở Berkeley (University of California at Berkeley). Ông đã xuất bản mười hai đầu sách về chính sách công và đã ba lần làm việc trong chính quyền liên bang, gần đây nhất, ông giữ chức bộ trưởng lao động của chính quyền tổng thống Bill Clinton

No comments:

Post a Comment