Phạm Nguyên Trường dịch
Trong suốt 30 năm qua thỉnh thoảng lại có những vụ căng thẳng trong quan hệ giữa Mĩ và Ai Cập. Nhưng nỗi sợ hãi lành mạnh trước những điều bất định đã không cho phép chính phủ nước ta hủy cuộc hôn nhân có tính toán đã kéo dài và đầy mâu thuẫn này.
Bây giờ, từ đống gạch vụn của sự đàn áp, giấc mơ về một nền dân chủ đã vươn lên. Nhưng tầm nhìn đầy sáng tạo như thế về tương lai của Ai Cập đòi hỏi tất cả các bên phải vượt qua ranh giới của khu vực mà họ cảm thấy thoải mái để bước vào khu vực chưa quen và chưa ai biết là gì. Người Ai Cập đã phấn khởi nhận lãnh nhiệm vụ, còn các chuyên gia, các chính khách và các quan chức cao cấp của Mĩ thì lại không muốn từ bỏ những mối liên hệ vững chắc với một kẻ đang thở hắt ra là Mubarak.
Khi cuộc thảo luận giữa tập đoàn chính trị và phe đối lập Ai Cập diễn ra một cách nghiêm túc thì chúng ta cho rằng thay đổi và dân chủ sẽ là giải pháp dễ chịu nhất – nhưng với điều kiện là chúng ta có thể quản lí được những thay đổi đó. Quá trình chuyển giao hòa bình là vấn đề giữ thế thượng phong trong cuộc thảo luận đó.
Tin tức từ Ai Cập làm người ta lo lắng. Chắc chắn là vai trò của nước này – vai trò trung gian giữa Mĩ và thế giới Arab - sẽ phải thay đổi. Những cuộc tấn công đầy bạo lực chống lại những người ủng hộ dân chủ đã là đáng lo rồi, đấy là chưa nói đến những thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế quốc gia. Cuộc cách mạng được thắp lên bởi những người bán hàng trên đường phố Tunisia - những người bất mãn với sự can thiệp của chính phủ và nạn tham nhũng – đã lan tràn khắp khu vực. Pharaoh cuối cùng sắp sửa đổ rồi, và câu trả lời của đất nước ông sẽ là ngọn hải đăng cho tương lai của thế giới Arab.
Hiện nay, có người lo lắng về việc Mĩ sẽ làm gì nếu quá trình dân chủ nhằm thay thế Mubarak sẽ tạo ra một đa số cầm quyền không có chung quyền lợi với Mĩ. Cũng có thể xảy ra là chính phủ mới có thể thiết lập được quan hệ gắn bó vói Mĩ nhưng lại không bảo vệ được quyền lợi của thiểu số và quyền lợi của phụ nữ. Lại cũng có người lo lắng là Ai Cập hậu-Mubarak sẽ có thái độ thù địch công khai với Israel . Một số nhà quan sát điên rồ còn đi xa đến mức đưa ra những ám chỉ với cuộc cách mạng Iran vào năm 1979 và khả năng xuất hiện nhà nước Arab cực đoan nữa kia.
Tất nhiên là tất cả các quan điểm đó đều xoay quanh tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood), một tổ chức được nhiều người coi là lực lượng đối lập có tổ chức nhất và là tổ chức phản đối quyết liệt nhất các tham vọng của Mĩ ở khu vực này. Hiện nay tổ chức này đã giành được tính hợp pháp về mặt chính trị rồi. Sau ba mươi năm bị cách li, về mặt hình thức là đứng ngoài vòng pháp luật nhưng lại được người ta âm thầm chấp nhận, nay chính phủ Ai Cập đã đề nghị Huynh đệ Hồi giáo ngồi chung bàn với phó tổng thống Omar Suleiman khi ông này đại diện cho tổng thống đàm phán với phe đối lập. Quá trình diễn ra chậm chạp và những lời kêu gọi Mubarak từ chức bỗng nhiên im tiếng đã buộc những người lãnh đạo Huynh đệ hứa sẽ tiếp tục các cuộc phản đối cho đến khi tổng thống thừ chức. Khi Huynh đệ Hồi giáo đổ thêm dầu vào lửa ở Cairo thì các chính khách Mĩ cũng như đồng minh Israel của họ lại cùng cảm thấy lo lắng là chính phủ Ai Cập có thể rơi vào tay những người Hồi giáo, tương tự như dải Gaza vậy. Họ sợ rằng quá trình Hồi giáo hóa đất nước Arab lớn nhất này sẽ làm hỏng hiệp ước kí ở trại David và trở thành điềm báo trước cho sự mất ổn định ở cả khu vực này.
Đấy là những quan ngại có thể hiểu được. Nhưng chúng ta cần phải nghi ngờ giả định rằng chính sách can thiệp của Mĩ sẽ giúp tăng cường nền an ninh của đất nước chúng ta. Ý kiến cho rằng Mĩ phải can thiệp vào Ai Cập cũng có thể chấp nhận được, nhưng đội vương miện cho các ông vua hay những tên bạo chúa ở nước ngoài không phải là nhiệm vụ, cũng chẳng phải là gánh nặng mà chúng ta phải khoác lên người.
Trong hàng chục năm qua chúng ta đã xây dựng chính sách đối ngoại sao cho các lãnh tụ độc tài ở địa phương đó sẵn sàng làm việc một cách hữu hiệu nhất trong khuôn khổ những đòi hỏi của chúng ta. Trong thời chiến tranh lạnh, khi mà siêu cường cạnh tranh đang nhắm bắn đế quốc Liên Xô thì đấy là điều có thể chấp nhận được. Nhưng nay, đã đến lúc phải nhận thức rằng chính sách can thiệp cũng gây ra những hậu quả của nó, trong đó có việc tạo ra những liên minh chống lại nhau, phổ biến vũ khi giết người hàng loạt và chủ nghĩa khủng bố. Còn khi chính phủ các nước Arab đàn áp những cuộc biểu tình do cuộc cách mạng nhung ở Ai Cập khuyến khích thì giả định rằng các quan chức Mĩ được gửi đến khu vực này sẽ giúp tăng cường an ninh quốc tế là điều đáng ngờ.
Những cố gắng của chúng ta trong việc xuất khẩu quyền lợi của Mĩ nhằm làm thay đổi tính chất của khu vực Cận Đông về mặt lịch sử là những việc làm dốt nát, đấy cũng là triệu chứng của thái độ càn rỡ nữa. Hiện nay chúng ta đã có cơ hội đứng sang một bên, cho phép người dân Tunisia và Ai Cập tự đưa ra mô hình chuyển giao một cách hòa bình trong khu vực Cận Đông. Có khả năng là hiện nay có nhiều nhóm trong khu vực không hợp với khẩu vị của Washington, nhưng tất cả các nhóm đó đều cần có chỗ quanh bàn đàm phán khi diễn ra những cuộc đàm phán cũng như khi chính phủ được định hình.
Tóm lại, có thể chúng ta phải lưu ý đến sự kiện là Huynh đệ Hồi giáo không muốn làm theo các chỉ thị của Mĩ nhằm cứu chúng ta khỏi chính chúng ta. Nhưng như chúng ta đã nhìn thấy trên đường phố Cairo, phần lớn người Arab là những người ôn hòa, trung dung, yêu hòa bình, cho nên chuyện này có lẽ sẽ không xảy ra.
Nói cách khác, chúng ta phải tin vào quyết định tốt nhất của họ, đồng thời chính mình cũng cần kiềm chế một chút.
Nguồn: Оригинал публикации: The End of an Era: The Twilight of Cold War Politics in Egypt and the Middle East
No comments:
Post a Comment