Hiếu Tân dịch
Chưa rõ ràng điều gì sẽ xảy ra trong cuộc cách mạng Ai Cập này. Không có gì đáng ngạc nhiên là nó đã xảy ra. Hosni Mubarak đã làm tổng thống trong hơn một phần tư thế kỷ, kể từ vụ ám sát Anwar Sadat. Ông ta già và đã ốm yếu. Không ai mong chờ ông ta sống lâu hơn, và cái kế hoạch rõ ràng của ông ta, là ông ta sẽ được thay thế bởi người con trai Gamal, vẫn không xảy ra mặc dầu nó đã có thể cách đây một năm. Không có ai, ngoài những kẻ thân cận nhất, muốn cho cái kế hoạch truyền ngôi của ông ta được thực hiện. Khi người cha yếu đi, thì sự kế tục của Gamar trở nên ít có khả năng xảy ra hơn. Việc Mubarak không vạch ra được một kế hoạch truyền ngôi đáng tin cậy tạo điều kiện bất ổn khi ông ta chết. Vì mọi người biết rằng sẽ có một sự bất ổn khi ông ta chết, hiển nhiên có những người thấy hành động trước khi ông ta chết thì ít thuận lợi. Những người này là ai và họ muốn gì, đó là vấn đề.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét chế độ này. Năm 1952, Đại tá Abdel Nasser dàn dựng một cuộc đảo chính quân sự ha bệ chế độ quân chủ ai Cập, các sĩ quan dân sự trong quân đội và ảnh hưởng của Anh ở Ai Cập. Nasser tạo ra một chính phủ mới dựa trên lực lượng quân đội như một lực lượng ổn định và tiến bộ chủ yếu ở Ai Cập. Cuộc cách mạng của ông là thế tục và xã hội chủ nghĩa. Tóm lại, nó là một chế độ nhà nước chủ nghĩa thống trị bởi quân đội. Khi Nasser chết, Anwar Sadat thay thế ông. Khi Sadat bị ám sát thì Hosni Murabak thay thế. Cả hai người này, cũng như Sasser, đều từ quân đội mà ra. Tuy chính sách ngoại giao của họ có thể thay đổi, nhưng chế độ thì vẫn giữ nguyên.
Những kẻ thù của Mubarak.
Yêu cầu Mubarak từ chức đến từ nhiều giới, trong đó có những thành viên của chế độ - đặc biệt là quân đội - những người coi việc Mubarak không muốn cho phép họ điều khiển cuộc kế thừa là gây nguy hiểm cho chế độ. Đối với một số người trong họ, những cuộc biểu tình vừa là nguy cơ vừa là cơ hội. Hiển nhiên, những cuộc biểu tình này có thể ra ngoài tầm kiểm soát và phá hủy chế độ. Mặt khác, các cuộc biểu tình có thể đủ sức mạnh để buộc Mubarak từ chức, cho phép thay thế bởi - chẳng hạn Omar Suleiman, trùm tình báo mà mới đây đã được Mubarak bổ nhiệm làm phó tổng thống - và do đó cứu chế độ. Như vậy không có nghĩa là nói rằng họ xúi dục các cuộc biểu tình, nhưng chắc một số người đã thấy những cuộc biểu tình là một cơ hội.
Đây đặc biệt là trường hợp theo nghĩa là những người biểu tình bị chia rẽ sâu sắc giữa họ với nhau, và như vậy còn xa mới có khả năng tạo ra một phong trào quần chúng kiểu phong trào đã lật đổ Shah ở Iran năm 1979. Quan trọng hơn, những người biểu tình rõ ràng thống nhất với nhau trong việc chống cá nhân Mubarak, và trong một phạm vi rộng hơn, thống nhất trong việc chống chế độ. Ngoài chuyện đó ra, có sự chia rẽ sâu sắc giữa những người chống đối.
Các phương tiện truyền thông Phương Tây coi cuộc nổi dậy này như một đòi hỏi tự do dân chủ theo kiểu Phương Tây. Chắc chắn có nhiều người đòi hỏi điều đó. Điều chưa rõ ràng là nó đang khích động nông dân, công nhân và thương nhân Ai Cập đồng loạt vùng lên. Những quyền lợi của họ liên hệ với tình trạng kinh tế Ai cập hơn là với những nguyên tắc của một nền dân chủ tự do rất nhiều. Như ở Iran năm 1989, cuộc cách mạng dân chủ, nếu chỉ tập trung ở những người dân chủ thì không thể thắng nếu nó không tạo ra được một sự ủng hộ rộng lớn hơn.
Một nhân tố khác trong cuộc nổi dậy này là phong trào Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood). Phần lớn các nhà quan sát nhất trí rằng Muslim Brotherhood vào lúc này không còn là một phong trào cực đoan và quá yếu khó có thể ảnh hưởng đến cách mạng. Điều này có thể, nhưng chưa rõ ràng. Muslim Brotherhood có nhiều nhánh, trong đó có những nhánh đã tắt tiếng sau khi bị Mubarak đàn áp. Chưa rõ ràng ai sẽ nổi lên nếu Mubarak đổ. Chưa chắc là họ yếu hơn những người biểu tình dân chủ. Thật sai lầm khi cho rằng sự thận trọng của Muslim Brotherhood là do yếu ớt mà ra. Có thể là họ đã chờ một cơ hội tốt và làm giảm nhẹ quan điểm thật của họ, đợi đến một thời điểm mà việc truyền ngôi của Mubarak cung cấp cho họ. Tôi nghi rằng Muslim Brotherhood có khả năng ảnh hưởng trong quần chúng Ai cập lớn hơn những người biểu tình ngả về Phương Tây hay Mohamed ElBaradei, cựu thủ trưởng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, người đang nổi lên như một lãnh đạo mới của họ.
Tất nhiên người ta bàn đến quan điểm của Tổng thống Mỹ Barak Obama, hay châu Âu, hay người Iran đang làm gì? Tất cả những người đó chắc chắn đã nghĩ và thậm chí đã có những kế hoạch. Theo ý tôi, cố gắng định hướng động lực chính trị của một nước như Ai cập từ Iran hay Hoa Kỳ là vô ích, và tin rằng những gì đang diễn ra ở Ai cập là kết quả những âm mưu của họ là vô nghĩa. Nhiều người quan tâm điều gì đang xảy ra ở đó, và nhiều người đang nói đủ chuyện và thậm chí tiêu tiền vào điều tra hay Twitter. Chế độ ở Ai cập có thể bị ảnh hưởng theo cách ấy, nhưng một cuộc cách mạng thật sự không phụ thuộc vào những gì Liên hiệp châu Âu hay Tehran nói.
Có bốn kết quả khả dĩ. Một là, chế độ này sẽ sống sót. Mubarak có thể ổn định được tình hình, và dễ xảy ra hơn, một sĩ quan cao cấp khác của quân đội có thể thay thế ông ta sau một khoảng thời gian. Một khả năng khác trong kịch bản chế độ sống sót là, có thể một cuộc đảo chính của các đại tá, như chúng tôi đã nói hôm qua. Khả năng thứ hai là, những người biểu tình có thể buộc tổ chức những cuộc bầu cử trong đó Elbaradei hoặc một nhân vật như ông có thể được bầu, và Ai cập có thể lật đổ cái mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Nasser dựng lên, và tiến lên con đường dân chủ. Khả năng thứ ba là Ai cập sẽ chìm vào hỗn loạn chính trị. Con đường dễ dẫn đến đó nhất là những cuộc bầu cử dẫn đến kẹt đường chính trị trong đó ứng cử viên có thể đứng vững được lại không được bầu. Nếu tôi có quyền chọn, tôi sẽ cá chế độ tự ổn định và Mubarak ra đi, vì sự yếu đuối tương đối và sự chia rẽ của những người biểu tình. Nhưng đó là một phỏng đoán chứ không phải dự báo.
Ý nghĩa địa chính trị
Dù điều gì xảy ra thì nó cũng đều có ý nghĩa rất lớn đối với người Ai cập. Nhưng chỉ có một số trong những kết quả này có ý nghĩa đối với thế giới mà thôi. Đối với những người Islamist cực đoan, viễn cảnh của một nước Ai cập cực đoan hóa là một cơ may. Đối với Iran, một kết quả như thế có thể không dễ chịu. Iran hiện giờ là một trung tâm đang nổi lên của phong trào Islamist cực đoan, nó sẽ không hoan nghênh kẻ cạnh tranh từ Ai cập, mặc dầu nó có thể hài lòng với một Ai cập Islamist hành động như một đồng minh của Iran (một điều không dễ gì đoan chắc).
Đối với Hoa Kỳ, một Ai cập Islamist sẽ là một thảm họa chiến lược. Ai cập là trọng tâm của thế giới A rập. Điều này có thể sẽ không chỉ thay đổi động lực của thế giới A rập, nó còn đảo ngược chiến lược của Mỹ từ cuối cuộc chiến tranh Israel-Ai cập vào năm 1973. Quyết định của Sadat đảo ngược liên minh của ông ta với khối Xô viết và thành lập liên minh với Hoa Kỳ đã phá hoại vị trí của Liên xô ở Địa Trung Hải và trong thế giới A rập, và củng cố vị trí của Hoa kỳ một cách cực kỳ vững chắc. Sự giúp đỡ của tình báo Ai Cập sau ngày 9/11 là cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn và làm suy yếu al Qaeda. Nếu Ai cập không hợp tác nữa hay trở thành thù địch, chiến lược của Mỹ sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.
Mất mát lớn hơn sẽ là Israel. An ninh quốc gia của Israel đã dựa trên hiệp ước của nó với Ai cập, do Menachem Begin kí, một hiệp ước từng chịu nhiều phê phán từ phái hữu Israel. Việc phi quân sự hóa bán đảo Sinai không chỉ bảo vệ mặt phía nam của Israel, nó còn có nghĩa là sự sống còn của Israel không còn bị nguy ngập nữa. Israel đánh ba cuộc chiến tranh (1948, 1967,1973) can hệ đến chính sự tồn tại của nó. Mối đe dọa luôn luôn đến từ Ai cập, và không có Ai cập gây rối, thì không có liên minh các cường quốc nào đe dọa nổi Israel (trừ khả năng hiện nay còn xa là vũ khí hạt nhân của Iran).
Nếu Ai cập định xóa bỏ Hiệp ước Trại David và qua thời gian sẽ xây dựng lại quân đội của nó thành một lực lượng hùng mạnh, thì mối nguy cơ đối với Israel tồn tại từ trước khi ký hiệp định này sẽ lại nổi lên. Điều này có thể không diễn ra nhanh chóng, nhưng Israel sẽ phải đối phó với hai thực tế. Một là quân đội Israel không đủ lớn hay đủ mạnh để chiếm và kiểm soát Ai cập. Hai là sự phát triển của quân đội Ai cập sẽ áp đặt những phí tổn nặng nề lên Israel và thu hẹp không gian để thi thố của nó.
Như vậy có một kịch bản có tiềm năng làm cho những người Islamist cực đoan mạnh lên trong khi đặt Mỹ, Israel, và có khả năng cả Iran nữa vào vị thế bất lợi, tất cả vì những lý do khác nhau. Kịch bản này chỉ nổi lên nếu có hai sự việc sau đây xảy ra. Một là Muslim Brotherhood phải trở thành lực lượng chính trị áp đảo ở Ai cập. Hai là, họ phải cho thấy hóa ra là họ cực đoan hơn phần lớn các nhà quan sát hiện nay nghĩ về họ, hay là, họ phải, khi có quyền lực, dần dần trở nên cực đoan hơn.
Nếu những người ủng hộ dân chủ thắng, và nếu họ bầu một người giống như ElBaradei, thì khó có khả năng diễn ra kịch bản này. Phái dân chủ thân Phương Tây chủ yếu lo lắng về những vấn đề trong nước, vì họ là thế tục và không muốn trở lại trạng thái chiến tranh trước khi có hòa ước Davis, bởi vì điều đó sẽ đơn giản làm quân đội mạnh lên. Nếu họ mạnh lên, thì tình hình địa chính trị sẽ giữ nguyên không đổi.
Tương tự như vậy, tương quan địa chính trị sẽ giữ nguyên không đổi nếu chế độ của quân đội vẫn giữ được chính quyền. - chỉ trừ một kịch bản. Nếu nó quyết định rằng sự mất lòng dân của chế độ có thể được làm dịu bớt bằng cách giả định một chính sách chống Phương Tây và chống Israel nhiều hơn - nói cách khác, nếu chế độ quyết định chơi con bài Islamist, thì tình hình sẽ tiến triển như một chính phủ Muslim Brotherhood sẽ làm. Thực vậy, khó tưởng tượng là có một liên minh với Muslim Brotherhood được thiết kế để ổn định chế độ. Đã từng xảy ra những sự việc còn lạ lùng hơn thế.
Khi chúng ta nhìn vào động lực chính trị của Ai cập, và cố gắng tưởng tượng liên hệ của nó với hệ thống quốc tế, chúng ta có thể thấy nhiều kịch bản trong đó một số kết quả chính trị sẽ có những tác động sâu xa lên tình hình thế giới. Điều này không có gì ngạc nhiên. Khi Ai cập là một nhà nước của Nasser thân Liên xô, thế giới là một nơi rất khác so với thời trước Nasser. Khi Sadat thay đổi chính sách ngoại giao của ông ta thế giới thay đổi theo. Nếu chính sách ngoại giao của Sadat thay đổi, thế giới lại thay đổi lần nữa.
Phần lớn những kết quả mà tôi hình dung để Ai cập gần nguyên như cũ. Nhưng không phải tất cả. Tình hình là, như người ta nói, chưa ngã ngũ, còn kết quả thì chẳng tầm thường./.
Đã đăng trên Văn Chương Việt
Tôn Văn (talawas) thân chào Anh Phạm Minh Ngọc.
ReplyDeleteRất vui được đọc Anh thông qua một bài trên Dân Luận. Sẽ đọc Trang Nhà của Anh để học hỏi.
Thân chúc mọi điều tốt đẹp.
Trân trọng.
Xin chào Anh Hoàng Thư!
ReplyDeleteCám ơn Anh đa ghé qua trang nhà của tôi. Chúc Anh một năm mới thật nhiều may mắn, thật nhiều sức khỏe và niềm vui.