April 17, 2022

Phát hiện sự thật và giả dối

 Trích tác phẩm Power vs. Force của David R. Hawkins, Thaihabooks ấn hành, Phạm Nguyên Trường dịch, 2022.


Kinesiology: danh từ. Cơ thể động học - Nghiên cứu các cơ và chuyển động của chúng, đặc biệt là để ứng dụng cho việc rèn luyện các cơ bắp. [Xuất phát từ tiếng Hy Lạp: Kinesis, vận động (kinein, động từ vận động) + -logy] .

Nửa sau thế kỉ XX, lần đầu tiên giới khoa học chú ý tới nghiên cứu về cơ thể động học là do công trình của Tiến sĩ George Goodheart, người đi tiên phong trong lĩnh vực mà ông gọi là cơ thể động học ứng dụng (applied kinesiology), sau khi phát hiện được rằng kích thích vật lý tốt lành - ví dụ, thực phẩm bổ sung có lợi - có thể làm cho một số cơ chỉ thị nào đó mạnh lên, trong khi các kích thích có hại có thể làm cho những cơ chỉ thị này đột ngột yếu đi . Hàm ý ở đây là, ở tầng rất sâu bên dưới ý thức dựa trên khái niệm, cơ thể “đã biết” và báo hiệu - thông qua quá trình kiểm tra các cơ - cái gì tốt và cái xấu đối với những cơ này. Ví dụ kinh điển (sẽ được trích dẫn trong phần sau) được nhiều người nhận ra là các cơ chỉ thị yếu đi khi thí nghiệm được tiến hành mà cạnh đó có đường hóa học, trong khi các cơ này lại mạnh lên khi thí nghiệm được tiến hành mà cạnh đó có thực phẩm bổ sung tự nhiên, lành mạnh.

Cuối những năm 1970, Tiến sĩ John Diamond đã chau truốt lĩnh vực này thành một môn học mới mà ông gọi là Cơ thể động học hành vi (behavioral kinesiology). Phát hiện đáng chú ý của Tiến sĩ Diamond là các cơ chỉ thị có thể mạnh lên hoặc yếu đi khi có các kích thích liên quan đến cảm xúc và trí tuệ – tích cực hoặc tiêu cực – tương tự như các kích thích vật lý . Một nụ cười có thể làm bạn mạnh lên – trong khi câu “Tôi ghét anh” lại khiến bạn yếu đi.

Trước khi tiếp tục, xin được giải thích chi tiết cách thức “kiểm tra”, nhất là khi độc giả cũng muốn tự mình thực hiện. Những nét chính của quy trình được Tiến sĩ Diamond áp dụng - tác phẩm Your Body Doesn’t Lie (tạm dịch: Cơ thể bạn không nói dối), xuất bản năm 1979 – được trình bày trong tác phẩm mang tính kinh điển: Muscles: Testing and Function (tạm dịch: Cơ: Kiểm tra và chức năng) của H. O. Kendall (Baltimore: Williams & Wilkins, 2nd ed., 1971).

Phải có hai người thì mới tiến hành kiểm tra được. Hãy chọn một người bạn hoặc người thân trong gia đình. Chúng ta sẽ gọi người đó là đối tượng.

1.         Để đối tượng đứng thẳng, tay phải buông thõng bên người, tay trái đưa ngang, song song với sàn nhà, cùi chỏ thẳng (có thể dùng tay kia, nếu muốn).

2.         Đứng trước mặt đối tượng và đặt tay trái của bạn lên vai phải của đối tượng để giữ chắc người đó. Rồi đặt tay phải của bạn lên đúng cổ tay trái đang duỗi ra của đối tượng.

3.         Nói với đối tượng rằng bạn sẽ cố gắng ấn tay trái của người đó xuống, còn người đó sẽ hết sức chống lại.

4.         Rồi ấn tay của người đó xuống thật nhanh, kiên quyết và đều lực. Ấn đủ mạnh nhằm kiểm tra lực đẩy và đàn hồi của cánh tay, nhưng không mạnh đến mức làm cho cơ bị mỏi. Vấn đề không phải là ai mạnh hơn mà là để xem cơ tay có thể “khóa chặt” với khớp vai nhằm chống lại lực đẩy hay không.

Giả sử cơ đó không có vấn đề gì về mặt vật lý và đối tượng có tâm trạng bình thường, thoải mái, không có kích thích từ bên ngoài (đấy là lý do vì sao người tiến hành kiểm tra không được cười hoặc có bất kì tương tác nào khác với đối tượng), thì cơ sẽ thử mạnh (test strong) – cánh tay sẽ nằm yên như cũ. Nếu tiến hành kiểm tra mà cạnh đó có các kích thích tiêu cực (ví dụ, đường hóa học), thì “mặc dù lần này bạn ấn không mạnh như lần trước, cơ vẫn sẽ không thể chống lại được lực ấn và cánh tay của đối tượng sẽ buông xuống” (thử yếu – test weak).

Đáng chú ý là, các đối tượng trong công trình nghiên cứu của Diamond có phản ứng giống nhau. Kết quả có thể dự đoán được, lặp đi lặp lại và giống nhau đối với tất cả các đối tượng. Xảy ra ngay cả khi kích thích và phản hồi không có mối liên hệ duy lý nào. Không hiểu vì lý do gì mà một số biểu tượng trừu tượng lại làm cho tất cả các đối tượng đều “thứ yếu” trong khi những biểu tượng khác thì ngược lại. Một số kết quả làm người ta lúng túng: một số tranh ảnh với nội dụng không hoàn toàn tích cực cũng không hoàn toàn tiêu cực có thể làm cho tất cả các đối tượng đều thử yếu, trong khi những hình ảnh “trung tính” khác lại làm cho tất cả các đối tượng đều thử mạnh. Và một số kết quả trở thành cơ sở cho phỏng đoán có giá trị: Trong khi gần như toàn bộ âm nhạc cổ điển và hầu hết nhạc Pop (trong đó có cả rock and roll “cổ điển”) đều làm cho tất cả các đối tượng đểu phản ứng mạnh, thì nhạc rock “hard” hay “metal” rock - phổ biến hồi cuối những năm 1970 – lại làm cho tất cả các đối tượng đều phản ứng yếu.

Diamond còn nhắc tới một hiện tượng nữa, mặc dù ông không phân tích sâu những hàm ý khác thường của nó. Các đối tượng đều có kết quả thử yếu khi nghe các đoạn băng ghi âm những lời dối trá mà mọi người đều biết  -), Edward Kennedy bao biện vụ tai nạn ở Chappaquiddick. Còn khi nghe những đoạn băng ghi âm các tuyên bố rõ ràng là chân thực, thì đều có kết quả thử mạnh . Đây là xuất phát điểm của công trình nghiên cứu của tác giả cuốn sách này – ông David R. Hawkins, một Tiến sĩ và nhà tâm thần học nổi tiếng. Năm 1975, Tiến sĩ Hawkins bắt đầu nghiên cứu về phản ứng cơ thể động học (kinesiologic response) đối với sự thật và giả dối.

Các lần kiểm tra được tiến hành sao cho các đối tượng không biết gì về cái (hay vấn đề) được được đem ra đánh gía. Trong các công trình nghiên cứu hoàn toàn khách quan – và trong các buổi trình diễn trước các khán giả – tất cả các đối tượng đều thử yếu trước các phong bì chứa đường hóa học và thử mạnh trước các phong bì chứa giả dược giống y như mấy phong bì kia. Phản ứng tương tự cũng xuất hiện trong những lần kiểm tra các giá trị mang tính trí tuệ. (Trang 10-13)

Thông tin tổng quát

Trường năng lượng của ý thức có vô số chiều kích. Một số tầng cụ thể tương quan với ý thức của con người được hiệu chỉnh từ 1 đến 1.000 (Xem Phụ lục B: Bản đồ ý thức). Những trường năng lượng này phản ánh và thống trị ý thức của con người.

Vạn vật trong vũ trụ đều phát ra một tần số cụ thể hoặc trường năng lượng cực nhỏ vĩnh viễn được lưu lại trong lĩnh vực ý thức. Do đó, mỗi người hoặc sinh vật đã từng sống và bất cứ điều gì liên quan đến họ, trong đó, bất kỳ sự kiện, suy nghĩ, hành động, cảm giác hoặc thái độ nào đều được vĩnh viễn ghi lại và có thể được truy xuất tại bất kỳ thời điểm nào trong hiện tại hoặc tương lai.

Kỹ thuật

Phản ứng kiểm tra cơ là phản ứng “có” hoặc “không có” (không) trước một tác nhân kích thích cụ thể nào đó. Kiểm tra bằng cách bảo đối tượng đưa thẳng cánh tay ra đằng trước, người kiểm tra dùng hai ngón tay ấn nhẹ xuống cổ tay của cánh tay mà đối tượng đang đưa ra. Thường thì tay kia của đối tượng cầm chất cần kiểm tra và đặt lên vùng bụng ở phía dưới xương sườn (solar plexus – đám rối dương). Người kiểm tra nói với đối tượng kiểm tra: “Chống lại” nếu chất được kiểm tra có lợi cho đối tượng, cánh tay sẽ mạnh mẽ, tức là khó ấn xuống. Nếu nó không có lợi hoặc nó có tác dụng ngược, cánh tay sẽ yếu đi, tức là dễ bị ấn xuống. Phản ứng diễn rất nhanh.

Điều quan trọng cần lưu ý là ý định, cũng như cả người kiểm tra và người được kiểm tra đều  phải có điểm hiệu chỉnh trên 200 thì phản ứng mới chính xác.

Kinh nghiệm từ các nhóm thảo luận trực tuyến cho thấy, nhiều nhà nghiên cứu thu được kết quả không chính xác. Nghiên cứu thêm cho thấy, ở điểm 200, vẫn có 30% khả năng bị lỗi. Tầng ý thức của nhóm kiểm tra càng cao thì kết quả càng chính xác. Tốt nhất là những người tham gia đều có thái độ vô tư, tuyên bố trước khi nói ra điểm hiệu chính như sau: “Nhân danh điều tốt đẹp nhất, điểm đúng của… Hơn 100, hơn 200”, v.v.. Đặt trong bối cảnh “nhân danh điều tốt đẹp nhất” làm gia tăng mức độ chính xác, vì nó siêu việt mọi lợi ích và động cơ tư lợi cá nhân.

Suốt nhiều năm, người ta đều nghĩ rằng bài kiểm tra này chỉ là phản ứng cục bộ của hệ kinh mạch hoặc hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nhưng, một công trình nghiên cứu sau này đã tiết lộ rằng, phản ứng đó hoàn toàn không phải là phản ứng cục bộ với cơ thể mà là phản ứng tổng thể của bản thân ý thức đối với năng lượng của một chất hoặc một lời tuyên bố. Cái gì đúng, cái gì có lợi hoặc hỗ trợ đời sống thì tạo ra phản ứng tích cực, xuất phát từ khu vực phi cá nhân của ý thức, vốn hiện diện trong tất cả mọi người đang sống. Cơ bắp trong cơ thể mạnh lên chứng tỏ rằng phản ứng là tích cực. Đồng tử cũng có phản ứng (dối trá thì đồng tử giãn ra và sự thật thì đồng tử co lại), chụp ảnh cộng hưởng từ cũng phát hiện được thay đổi trong chức năng của não bộ. (Để cho tiện, người ta thường dùng cơ delta [còn gọi là cơ vai, cơ bả vai – ND] làm cơ chỉ thị; tuy nhiên, có thể sử dụng bất kỳ cơ nào).

Trước khi đưa ra câu hỏi (dưới dạng một lời tuyên bố), cần xin phép; tức là, nói: “Tôi xin phép hỏi về những điều tôi đang nghĩ”(Có/Không). Hoặc: “Công cuộc hiệu chính này nhằm phục vụ cho những điều cao cả nhất”.

Nếu lời tuyên bố là sai hoặc một chất mà đối tượng đang cầm có hại, thì các cơ bắp yếu đi một cách nhanh chóng nhằm phản ứng trước mệnh lệnh: “Chống lại”. Kết quả này chứng tỏ rằng, tác nhân kích thích là tiêu cực, không đúng sự thật, phản sự sống hoặc câu trả lời là “không”. Phản ứng diễn ra rất nhanh. Sau đó, cơ thể sẽ phục hồi nhanh chóng và cơ bắp căng lên như bình thường.

Có ba cách kiểm tra. Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu và cũng thường được sử dụng nhất cần hai người: người kiểm tra và đối tượng được kiểm tra. Không gian nên yên tĩnh và không có nhạc nền. Đối tượng được kiểm tra nhắm mắt lại. Người kiểm tra phải đưa ra câu hỏi dưới dạng một lời tuyên bố. Phản ứng của cơ bắp chính là câu trả lời “có” hoặc “không”. Ví dụ, không được hỏi: “Đây có phải là một con ngựa khỏe mạnh không?”. Mà phải nói: “Con ngựa này khỏe”, hoặc ngược lại: “Con ngựa này ốm yếu”.

Sau khi đưa ra tuyên bố, người kiểm tra nói với đối tượng kiểm tra đang đang đưa thẳng cánh tay song song với đất: “Chống lại”. Người kiểm tra ấn nhanh và nhẹ hai ngón tay lên cổ tay của cánh tay đang đưa ra. Cánh tay của đối tượng kiểm tra giữ chắc là “có” còn yếu đi là “không có” (không). Phản ứng xảy ra ngay tức thì.

Phương pháp thứ hai là gọi là vòng chữ O, một người có thể làm được. Cong ngón cái và ngón giữa trên cùng một bàn tay thành hình chữ O, rồi níu chặt vào nhau. Sau đó móc ngón trỏ của bàn tay kia vào vòng O và tìm cách kéo hai ngón tay ra xa nhau. Lực giữa phản ứng “có” và “không” khác nhau đáng kể.

Phương pháp thứ ba là phương pháp đơn giản nhất, nhưng cũng như các phương pháp còn lại, phải luyện tập thì mới thành thục. Chỉ cần nâng một vật nặng, ví dụ, cuốn từ điển dày hoặc vài viên gạch, từ mặt bàn lên tới thắt lưng. Nghĩ về một hình ảnh hoặc câu nói đúng cần tính điểm và sau nâng vật nặng kia lên. Sau đó, ngược lại, nghĩ về một điều gì đó đã biết trước là sai. Để ý rằng, khi sự thật hiện lên trong tâm trí thì nâng một cách nhẹ nhàng, nhưng khi nghĩ đến cái sai (không đúng) thì phải cần nhiều sức hơn. Có thể dùng hai phương pháp đã nói bên trên để kiểm tra kết quả. (Trang 354-357)

 

1 comment: